Hỏi ra biết loáng thoáng duyên do. Số là có đơn vị pháo 130 ly mặt đất cỡ trung đoàn hồi trước đóng quân ở đây. Không biết quá trình tác xạ tầm xa đánh Hạm đội Bảy thế nào, ùng oàng ngày đêm như thế chừng như đã bị lộ tọa độ. Pháo ngoài hạm tầu đấu lại. Bom máy bay đánh Hàm Rồng tiện xỉa xuống. Cũng kha khá những tang thương. Khi tôi về làm rể cái làng này thì yên hàn đã lâu, mầu xanh đã kín. Bà mẹ vợ thi thoảng lại nhỏ nước mắt thương cái con chị mày đi làm dâu xứ người xa ngái như rứa…
Cầu Hàm Rồng, chứng tích anh hùng xưa. Ảnh Internet |
Chị Khanh tôi là cả. Chị của ba đứa em một trai hai gái. Năm chị đang học lớp mười thì có đơn vị bộ đội về đóng quân gần làng. Chẳng biết các cuộc giao lưu quân dân giữa chi đoàn thanh niên xã với đơn vị bộ đội thế nào, hay quá trình tìm hiểu ra làm sao mà chị Khanh tôi kết với một anh bộ đội người miền Nam tập kết không sao gỡ ra được! Những năm sáu mươi ấy, tốt nghiệp lớp mười là cầm chắc suất vô đại học. Ông bố vợ tôi nhỡn tiền cái nguy cơ chị tôi không vô được đại học như niềm mong ước lâu nay đã những từng nhỏ to lạt ngọt… Mãi mà không cản được mối tình của chị với anh thanh niên Nam bộ có tên Đoàn Dũng mà anh em đơn vị quen gọi là Hai Dũng. Hai Dũng đậm chắc dong dỏng tóc xoăn bồng nổi tiếng khắp vùng đóng quân với ngón đàn măng đô lin. Lần cuối ông cầm con dao chẻ lạt nước thép sắc lẹm nhắm cây chuối đầu ngõ làm gọn một nhát. Đích thứ hai là nhắm đến chị tôi. Nhưng bà mẹ đã can đảm ào ra chắn ngang. Thế rồi một đám cưới đời sống mới tưng bừng diễn ra ngay tại quê nhà. Ông bố vợ chừng như khi ấy đã tạm hả cơn bực, đứng đón cả một đại đội quân phục chỉnh tề rầm rập tiến vô sân. Rồi liên tù tì những tiết mục tự biên tự diễn của đại đội anh con rể kéo chật từ trưa sang tận tối.
Chị tôi xếp xó luôn cái mộng vào đại học, vui vẻ với chức phận chị giáo cấp I trường làng. Và quỹ thời gian chị dùng khít rịt cho 4 đứa con trứng gà trứng vịt nối nhau ra đời. Anh con rể xin phép bố mẹ vợ và bên đằng ngoại trực tiếp đặt tên cho lũ con bốn đứa nghe khá rổn rảng. Thằng Thống, cái Nhất, thằng Sơn, thằng Hà. Bà mẹ vợ quý cháu đâm quý cả con rể. Bố vợ thì ngay động thái cắt đất hương hỏa dồn tụ nhiều thứ bòn mót lâu nay để cất nhà cho vợ chồng con cái ăn riêng đủ biết ông đã quên cái hiềm trước như thế nào? Riêng có cái tính ăn uống bạo hổ bằng hà của anh con rể thì ông bố vợ hơi ngại. Có đêm ở nơi đóng quân (anh con rể là lính của bộ đội địa phương Thanh Hóa nên xa nhất cũng chỉ cách quê năm, sáu chục cây số) trời mưa cũng tranh thủ nhảo qua nhà. Gần sáng nghe đánh cái uỵch chỗ góc sân. Cả nhà kinh hãi thấy từ cái bao tải bì gai dốc ra cơ man nào là rắn và cóc mà anh con rể chộp vội ở dọc đường. Thế là sáng đó cả một góc xóm thơm điếc mũi mùi xào nấu do Hai Dũng trổ tài trai nhậu xứ miệt vườn. Cái giai thoại người khai mở việc ăn rắn và cóc cho cả một vùng quê vợ tôi chính là Hai Dũng. Riêng ông bố vợ mãi sau này kể lại còn nhăn mặt phàn nàn ông không làm sao quen được với món cháo rắn cháo cóc mà anh con rể thường xuyên chế ra. Riêng lũ con cực khoái mỗi lần ba nó đột xuất cải thiện như thế!
Chao ôi đó là thời điểm những năm đầu bảy mươi bom đạn mù trời. Quanh vùng và cả quê vợ tôi ùng oàng bom Mỹ oanh tạc trật cầu Hàm Rồng cùng đạn pháo từ Hạm đội Bảy câu vào. Sự sống cái chết liền kề. Thời điểm đó cái câu Giải phóng miền Nam nhắc nhiều nhắc mãi đâm trở nên mông lung diệu vợi? Cũng đã vài bận lúc rảnh rỗi chỉ hai bố con với nhau, ông bố vợ bao lần dùng dắng rồi cũng bật ra cái câu có tin tức chi trong đó không bố cò? Khuôn mặt Hai Dũng thoắt tạnh bặt những nét tở mở cái nhìn lảng ra phía khác, dạ chưa có chi thày ơi… Hai Dũng không muốn thuật lại cho cha vợ những khúc nhôi năm tao bảy tiết đi dò hỏi nơi này nơi khác tin tức về cái ấp quê nhà bé nhỏ bên dòng sông Hậu dằng dặc vời xa. Nơi đó ba má Hai Dũng đã về già và mấy đứa em dại. Ông già Hai Dũng lại là cán bộ hồi chín năm. Biền biệt từ năm 1954, không hề có tin tức gì? Duy cái chuyện Hai Dũng lấy máu đầu ngón tay viết đơn xin về miền Nam chiến đấu mà vẫn chưa được toại nguyện là vợ Hai Dũng đã mấy lần thì thào với cha mình!
Vậy nên giữa năm 1976, sau một thời gian dài tất tả thu xếp vô số những việc không tên, Hai Dũng mới thực hiện được quyết định sau khi được cha mẹ vợ đồng ý là bốc cả nhà về quê Ô Môn, Hậu Giang. Niềm vui như được nhân nhiều lần lên là cả nhà yên ổn lành lặn sau bao tao loạn binh lửa.
*
…Ông anh đồng hao Hai Dũng mà tôi nghe đã không biết bao lần đang sững người trên đám ruộng sau nhà trân trối ngó khách. Chả khác mấy so với hình dung. Vòng tay vậm vạp chứng tỏ sức lực khá dư dả của người anh đồng hao ôm xiết cùng lời thốt trầm Ối dượng vô… Đồng hao hay đứng nắng là kiểu gọi quê tôi chỉ cánh con rể. Cả hai vợ chồng cùng 6 đứa con ông anh đồng hao lần đầu tôi làm rể nay mới giáp mặt.
Cầu Hàm Rồng ngày nay. Ảnh Internet |
Bữa cơm có mấy con khô cùng đĩa chuột khìa hơi lạ miệng. Khô cá lóc cũng của nhà làm được trữ sẵn. Chuột sắp nhỏ đập được hồi chiều ngoài đám ruộng. Can rượu đế dượng Mười hàng xóm đem sang khiến câu chuyện của Sáu Huy nhà báo với ông anh tôi thêm rổn rảng. Lại nói tiếp dạo năm 76 từ Bắc cả nhà về quê Ô Môn. Hai Dũng về quân khu 9 liên tù tỳ ở mặt trận Campuchia. Hàm đại tá đang nghỉ ít tháng để chuẩn bị nghỉ chế độ. Về quê tòi thêm hai đứa một trai một gái nữa. Gái út. Hai đứa nối thêm dãy tên ngồ ngộ nhưng theo Hai Dũng là rất lập trường. Quá và Đã. Vậy là Thống Nhất Sơn Hà Quá Đã! Ở nhà thì gọi con Đã nhưng đi học lấy tên là Vui. Thôi thì đã với vui cũng vậy. Hai Dũng hỉ hả… Chả cần những khúc chuối như hồi ngoài Quảng Xương mà đứa nào cũng lội giỏi như rái cá vì khúc sông Hậu ghé ngay bên thềm nhà.
Ba đống nhúm xua muỗi mà trong này gọi là un gồm trấu với vỏ tràm không đủ sức đuổi dạt được lũ muỗi miệt vườn. Lén choài khỏi hai cung bậc ngáy rền vang bên cạnh của ông anh đồng hao và Sáu Huy trong cái mùng cá nhân, tôi ra tiếp thêm cho đống un. Chất giọng khẽ khàng của chị Khanh ngay cạnh dượng không ngủ được hả? Câu chuyện như được tiếp nối từ hồi chiều đương dở. Đương trở lại cái điệp khúc của bà vợ hồi nào.
Quả là đàn ông cái nhà đàn bà cái bếp. Hai Dũng về hưu, chị Khanh đỡ cực đi nhiều. Căn nhà lá ọp ẹp được xây cất lại. Sắp nhỏ học hành tấn tới. Thằng Thống, con Nhất, Sơn, Hà… lần lượt lên Cần Thơ học đại học. Thày mẹ vợ tôi đã hai lần từ Quảng Xương vô Ô Môn chơi nhà. Ở lại có cả tháng. Rồi khi các cụ lần lượt quy tiên, vợ chồng Hai Dũng và mấy đứa cháu cũng lặn lội ra Quảng Xương. Chúng quý ngoại vì bốn đứa đầu đều bén hơi ông bà. Lần ra chịu tang mẹ vợ, tôi đón anh chị ra chơi Hà Nội, được biết Hai Dũng đương có chuyện khó. Ấy là chuyện thằng Thống trong thời gian học đại học ở Sài Gòn đem lòng yêu một con bé mà cha nó từng bị đi học tập cải tạo! Nghe nói lính kỹ thuật nhưng là sĩ quan nên phải ở trại cải tạo mấy năm. Mà coi mòi lớp này chúng bén hơi quá rồi dượng ơi… Ông anh đồng hao buông một cái thở dài thượt. Trái với nếp thường, tôi thấy Hai Dũng cả đêm cứ trằn trọc…
Tôi thoáng nghĩ đến cái con dao chẻ lạt của ông già từng vung lên dạo nào? Và chất giọng não nuột của chị Khanh, ông ấy bôn sệt lắm dượng ơi! Ổng nói với thằng Thống thế này, thằng cha mầy cả đời cầm súng chiến đấu mà cuối đời có ông thông gia lại là kẻ thù à? Vậy thế này đi, có mày thì không có tao!
Dịp lâu lâu, chị Khanh tôi điện ra chất giọng hể hả rằng ông ấy chịu rồi, tháng tới dì, dượng vô dự đám cưới nghe.
*
Đời quả chả biết thế nào mà lần.
Chị Khanh điện ra báo Hai Dũng ốm nặng. Hai vợ chồng tôi thu xếp bay vô. Nặng thật. Cả tuần không ăn uống chi. Chỉ vô nước biển và đạm. Chiếu chụp tía lia. Nhưng không ra bịnh?
Hóa ra nhà anh chị tôi đang trải qua những ngày chao đảo. Ông bà thông gia đương định cư ở bên Hoa Kỳ theo dạng HO đã về ngỏ cái ý đưa hai cháu ngoại sang bên đó học nếu ba má nó ưng đi thì bảo lãnh cho luôn thể!
Rằng thời buổi người ta phải bỏ một đống tiền cho con cái sang Mỹ học rần rần mà mình không mất xu nào, dại chi không đi? Rằng phải nghĩ đến tương lai của bọn trẻ với chứ?... Vợ thằng Thống đồng ý cái rần. Thằng Thống không biết có nghe vợ không nhưng đã có một quyết định động trời là xin thôi việc để sang Hoa Kỳ cùng vợ con!
Tội nghiệp cho ông anh cùng bà chị, cho ông anh đồng hao của tôi! Những lá đơn viết bằng máu xin đi chiến trường. Bốc cả đám vợ dại con thơ vào cái xứ lạ nước lạ cái rồi mình hăm hở sang Miên làm nhiệm vụ quốc tế. Trả lại căn nhà tập thể Quân khu 9 ở Cần Thơ thời gian công tác trên đó, may mà bà chị vợ kiên quyết ông không ở thì các con tôi sẽ ở. Khăng khăng bắt thằng Quá làm trưởng ấp hốt đám bê tông đổ cái sân sình lầy trước nhà trả lại cho tập thể. Số là bê tông ấy ấp đang thi công con đường liên thôn, ông anh sợ con mình mang tiếng mặc dù thằng Quá nói sẽ bỏ tiền túi ra trả!
Tôi ngồi với thằng Thống. Chuyện nặng mà giọng hắn cứ nhẹ thênh. Tụi con bàn kỹ rồi dượng ạ. Đúng là con có quy hoạch ghế Phó Giám đốc Sở nhưng con không khoái. Không khoái bởi kiểu gì cách chi thì từ giờ đến cái ghế ấy con cũng phải nghĩ ra cái cách để kiếm tiền xoay tiền! Mà xoay tiền thì kiểu gì ba con cũng biết. Tụi con biết tính ổng nên phải bảo nhau gìn giữ tứ bề nên mới an toàn đến lúc này đó. Vợ chồng con đã sang bển một lần rồi. Mọi thứ đều thuận cả. Môi trường sống trong lành. Chỗ học của sắp nhỏ cũng thuận. Vợ con trước mắt sẽ làm nail. Một người bà con bên vợ có cái xưởng vừa vừa đã nhận con vô chân quản lý. À con sẽ bán cái nhà đúc sổ đỏ của vợ chồng con ở Cần Thơ đem sang phụ giúp gọi là khởi nghiệp. Có điều kiện con sẽ chỉnh trang thêm vốn tiếng Anh mà ở Cần Thơ bao năm cứ trầy trật. Mỗi năm về thăm nhà một lần. Ba má rủi có bề gì đau yếu là con xin về dài dài… Con tin ba má sẽ nghe ra. Dì dượng cũng nói giùm chút nghe…
*
Tháng 9 vừa rồi, vợ chồng tôi bay vô Cần Thơ rồi phới xe thẳng xuống ấp Trường Kỳ của Ô Môn. Đúng như cái hẹn của thằng Thống, vợ chồng hắn về thăm ba má. Thời gian cùng những tác động này khác đã làm cái lưng thẳng của ông anh đồng hao hơi còng chút nhưng mái tóc rậm mới chỉ muối tiêu. Trời cho tuổi sắp cửu tuần mà cái nhìn vẫn thẳng băng chất giọng vẫn rổn rảng. Và trong bữa cơm đoàn viên, lần đầu tiên tôi được nghe âm thanh tiếng đàn măng đô lin. Cái đàn mà mấy lần tôi thoáng thấy treo trên vách cứ ngỡ đứa nào trong lũ cháu nội ngoại tập? Tiếng đàn hơn nửa thế kỷ trước từng vang lên ở xứ quê vợ tôi Quảng Xương…
----------
Bài viết cùng chuyên mục: