Sáng tác

Ga cuối . Truyện ngắn dự thi của Trần Quỳnh Nga

Trần Quỳnh Nga
Truyện
06:00 | 11/11/2024
Baovannghe.vn - Lam đã ngủ bao lâu rồi, cô không nhớ nữa. Chỉ khi tiếng ồn ào ngoài cửa khiến cô giật mình. Đang giờ ngủ trưa. Các tấm rèm cửa được kéo sát xuống
aa

- Có chuyện gì vậy thưa bác sĩ - Có một tiếng hỏi.

- Không có chuyện gì đâu - Một giọng nói cất lên - Đây là các sinh viên đi thực tập lâm sàng. Họ chủ yếu là đi thăm hỏi bệnh nhân để nắm các bệnh, làm bệnh án và trực.

Lam như không tin vào tai mình. Tại sao lại có giọng nói đó, tại sao lại là người này, tại sao cô lại gặp tình huống tréo ngoe như vậy được?

Sau khi biết được sự tình căn bệnh của mình, Lam lặng lẽ giấu bạn bè đồng nghiệp, gia đình…cô không muốn điều trị, không muốn những ngày cuối cùng của mình sẽ kết thúc trong thuốc, mùi khử trùng và bốn bức tường trắng trong bệnh viện nhưng cơn đau không dứt đã không để cho cô thực hiện được ý đồ của mình. Lam bắt đầu chú ý đến nó, nghe ngóng về nó và khống chế nó bằng những viên giảm đau liều cao có codein. Nhưng càng như thế, khoảng cách của những cơn đau lại càng ngắn hơn, cho đến khi Lam không thể chịu thêm nữa, cô ngất lịm, buộc phải vào bệnh viện… Nhưng giọng nói đó làm cô giật mình. Lam trùm chăn kín mặt, cô không muốn nhìn thấy sự hiện diện của Tâm một lần nào nữa trong cuộc đời. Vậy mà trong lúc này, trong lúc cấp bách của đời người, cô lại một lần nữa vấp phải.

Ga cuối . Truyện ngắn dự thi của Trần Quỳnh Nga

Ảnh của Phong Phạm. Nguồn https://unsplash.com

*

- Anh tính sao?

- Làm sao giờ, anh còn phải đi học, hoàn cảnh mình lúc này mà sinh con sao được. Em bỏ đi.

Lam chỉ nghe được Tâm nói từng đó, những điều còn lại bị tiếng mưa át đi từng nhịp không dứt. Mưa rừng kì lạ lắm, cứ thi tha thi thút như người nóng ruột thấp thỏm không yên. Bao ngày tháng đẹp đẽ tràn đầy nắng ấm cứ như thước phim quay chậm hiện dần ra trước mắt cô một cách rõ rệt. Lam và anh đã quen được nhau bao lâu rồi cô cũng không biết nữa. Những tưởng những năm tháng thanh xuân rực rỡ sẽ kết thúc bằng trái ngọt. Tâm là người hướng nội, anh không thích phố xá ồn ào. Anh chỉ mong sau này có một căn nhà nho nhỏ trong khu vườn đủ rộng để cô tha hồ trồng hoa và cây cảnh chứ không xô bồ bươn bả ra mặt đường “Mình làm công tác nghiên cứu, ở trong ngõ tí cho yên tĩnh”…

Rõ ràng, trong chuỗi hình ảnh ấy không có một điều gì dự báo cho cô về cuộc chia tay đang đến gần. Cô nhìn ra cửa sổ khu tập thể đã cũ lòng chợt buồn. Đến những cánh chim còn biết thảng thốt tìm chỗ trú trước khi nghe tiếng gió vặn mình mà sao một người tinh tế như cô lại không thể nào cảm nhận nổi những gì đang ngấm ngầm diễn ra trước mắt.

Ngôi nhà và những đứa trẻ… đó chỉ là giấc mơ… một giấc mơ ngắn ngủi sau câu nói có phần lạnh lùng và tàn nhẫn của Tâm.

Mà cô là một kẻ đầy tự ái.

*

Gió xạc xào ngoài cửa. Mùa này, Huế hay mưa. Những cơn mưa dầm dề kéo từ ngày này đến ngày khác đến phát chán. Mưa làm cho khung cảnh nơi đây nhuốm một màu buồn đến xót xa. Lam vẫn thường từ ô cửa sổ nhìn những bóng người liêu xiêu đi trong mưa mà cảm giác lạnh xo người.

Lam không mấy khi trò chuyện với những người xung quanh. Những lúc ngoài giờ thăm khám cô chỉ nằm quay mặt vào tường. Cô không quen ai. Đa phần mọi người đều đến từ các tỉnh lẻ, vào đến đây rồi mới lân la làm quen dần dần. Cô không muốn biết về hoàn cảnh của ai càng không muốn ai đó biết đến hoàn cảnh của mình nên cô cứ lặng lẽ nằm yên trong một góc.

- Ăn đi - Khải trao hộp cơm, nhìn Lam - ăn đi để có sức mà chiến đấu.

- Em không đói.

- Không đói nhưng cái u nó đói. Nó đói thì nó sẽ gặm nhấm từng đoạn cơ thể mình, hút hết chút sức lực cuối cùng của mình.

Lam lồm cồm bò dậy, trệu trạo vừa nhai vừa nhìn Khải.

Khải nằm cách giường cô bởi một cái tủ cá nhân đựng lích kích đủ thứ phích nước, thuốc, sữa hộp... Anh vào trước Lam 3 tháng. K thực quản. Khối u to đến nỗi không thể nuốt được thức ăn nên phải mở ống thông dạ dày. Mỗi sáng, Khải thường thức dậy rất sớm, tấp tểnh đi bộ vài vòng dọc hành lang rồi về tự lật áo, lấy xê ranh bơm vệ sinh ống thông trước khi truyền thức ăn mỗi bữa. Anh làm điều đó một cách nhẫn nại và chịu khó. Y tá chỉ đến hướng dẫn anh trong những ngày đầu, sau dần khi không có người thăm nuôi, anh phải tự mình làm mọi việc.

Khải luôn chuẩn bị trước mọi thứ trong tầm với, cẩn thận hút cháo rồi cong người bơm thức ăn vào bụng lóng ngóng vụng về.

Khải biết Lam sợ nhưng anh không tránh, thậm chí anh còn nhân khi có Lam ở đó bày đồ bơm xông ra rồi nhờ cô, coi đó là những việc hết sức bình thường. Đa phần những bệnh nhân đều phải làm thủ thuật thông dạ dày nên việc bơm thức ăn là điều xảy ra hằng ngày với phòng 702.

- Giữ ống xông cho thẳng giùm anh.

- Em…em…

- Giữ yên thế…

Khải đưa cho Lam một đầu ống nhựa bảo cô chỉ giữ yên như thế rồi ấn mạnh bơm tiêm. Một lượng cháo lỏng chạy ngoằn nghoèo qua ống thông rồi chui tọt vào trong lớp da bụng đang nhăn nheo của anh khiến Lam run bắn. Theo quán tính, hai tay cô rụt lại, chiếc ống thông trật ra khỏi ổ bụng, thức ăn từ lỗ thủng bắn tung tóe ra nền nhà. Lam luống cuống ngã nhào ra đất.

Khi cô kịp định thần thì y tá đã đặt lại ống thông cho Khải. Cô nép người nhìn anh. Làm sao con người ta buộc phải chọn lựa cách sống khổ sống sở như thế này khi biết trước thế nào mình cũng chết? Cuộc sống có gì để người ta có thể vớt vát đến tận cùng như vậy mà không chọn cho mình một cái chết nhân đạo? Cô không thể nghĩ ra, không hình dung nổi đến một lúc mình bất lực với cơ thể mình và buộc phải phiền lụy đến người khác thì cuộc sống đó liệu còn có ý nghĩa? Bao sợ hãi dồn lên trong cô khi y tá rút kim khâu đâm vào da bụng anh níu chặt chiếc ống thông vào vùng da sát đó. Mặt Khải tái mét, thi thoảng anh giật nẩy người vì đau làm cô áy náy vô cùng.

- Em xin lỗi.

- Không sao. Ở đây những tình huống như thế thì nhằm nhò gì. Người ta chỉ sợ hãi vết dao đầu tiên thôi, còn những lần mổ sau đó chỉ là những cơn đau buộc phải chấp nhận nếu mình còn muốn sống.

Lam lặng người. Đúng là đã vào đến đây chỉ có thể sống hoặc chết, ngoài ra còn có gì quan trọng nữa đâu. Bởi thế, không như trong ý nghĩ u ám của Lam, 16 người trong phòng 702 này có vẻ hơi ồn ào. Họ lập thành một nhóm đăng kí nhận cơm từ thiện, rủ nhau đi mua sắm vài thứ linh tinh và tổ chức những buổi liên hoan nho nhỏ vào dịp cuối tuần bằng những món ăn dân dã. Ban đầu Lam thấy lạ. Không hiểu được tâm trạng nào để có thể khiến họ có thể quên bệnh tật, quên mỏi mệt mà sống như thế được cơ chứ. Nhưng lâu dần Lam nhận ra, họ không quên nhưng họ hiểu, khi mỗi người ở đây ai cũng phải chịu nỗi đớn đau gần như nhau, một phác đồ điều trị chung, thì nỗi đau đó tự nhiên thôi lại trở nên bình thường. Bệnh tật và điều trị là một phần tất yếu mà không ai có thể tránh khỏi.

*

Tâm thường đến thăm Lam vào cuối ngày, cố tỏ vẻ như là bác sĩ đi thăm bệnh nhân ân cần và chu đáo. Đôi lúc anh xách theo một túi trái cây, thường là nho và cứ phải giả lả với mọi người về mối quan hệ của họ là bạn học cũ.

- Lam sướng nhé, may có bạn học cũ là bác sĩ, thuốc thang cũng được chú ý hơn.

- Vâng. Em làm phiền bạn ấy nhiều cũng ngại

- Được mấy hơi nữa mà phiền.

- Vâng…

Lam thốt ra được những điều đó, thấy lòng đắng đót. Đúng, đời cô được mấy hơi nữa đâu mà sao cô vẫn không thể mở lòng, mà sao không thể xoa dịu?

Lam nhìn túi nho. Loại trái cây đắt đỏ mà ngày xưa cô chỉ dám bỏ tiền ra mua ít lượng vào những dịp kỉ niệm giờ cô lại muốn nó biến mất khỏi tầm mắt. Lam nhớ có lần ngoài hàng hiên đầy hoa cúc tần, Tâm nằm gối đầu trên chân cô vừa ăn nho vừa cười: “Nho ngon quá”, “Anh ăn đi”, “Bao giờ có thật nhiều tiền, anh sẽ mua cho em thật nhiều nho sữa”, “Nhớ nhé”...

Những câu nói cứ thế rù rì chạy qua Lam như một cơn trào ngược dạ dày khiến cô khó chịu. Nỗi bức bối khiến Lam muốn hất tung mọi thứ trước mắt: “Em đã chán nho rồi. Anh không phải mang nó đến nữa.” Cô nhắn rồi nằm úp mặt vào gối cố giấu cơn nấc.

Những tưởng rằng bao nhiêu năm như thế trôi qua, chuyện cũ rồi sẽ vào quên lãng. Nhưng không phải, trước tình huống oái oăm này nó lại như con thú dữ trỗi dậy gặm nhấm cả cơ thể đang dần héo mòn của cô. Mỗi lần nhìn thấy Tâm đi từ đầu dãy hành lang là cô lại trốn vào đâu đó cho đến khi bóng anh dần khuất. Cô không muốn đối mặt. Cô không muốn những lời hỏi thăm ân cần của anh lại dành cho cô. Thật lòng hay dối trá, chân tình hay giả vờ cô cũng không còn muốn nhớ đến nữa. Bởi buổi sáng đó đã ghim vào cô muôn vàn vết cứa.

Lam nhớ buổi sáng hôm đó, trời cũng đầy mây như thế này, Tâm đã lặng lẽ hôn lên trán cô khi cô đang thiếp đi sau ca phẫu thuật. Lam biết cuối cùng rồi anh cũng ra đi. Cô chỉ không hiểu được tại sao khi cô còn chưa dứt cơn đau anh lại có thể tàn nhẫn bỏ đi ngay được. Lam nhìn theo bóng anh dần khuất. Không khóc. Không buồn. Cô đón nhận sự thật đó một cách dửng dưng và đầy khinh miệt. Con người ta thật lạ, mới vừa tưởng không thể thiếu nhau được lại bất ngờ trở thành người dưng. Người mới đây thôi, cô tưởng có thể hi sinh cho anh hết thảy vậy mà giờ cô lại thấy may mắn khi anh bỏ đi, bởi nếu cứ sống cùng với một cái gai thì vết thương đó chỉ làm cô thêm đau đớn.

Lam đã sống những năm tháng sau đó đầy ngờ vực. Sự ngờ vực có sức mạnh khủng khiếp còn hơn bất cứ một xác tín nào, nó làm cho mọi sự nghiêm túc trở nên bỡn cợt, giả dối. Lam nghi ngờ tất cả mọi thứ đã từng thân thuộc với mình. Niềm tin mỗi khi bị mất đi thì khó lòng có lại được. Cho đến một ngày không nhớ nữa, cô bỏ việc nơi cũ, lặng lẽ bỏ đi không ai hay.

*

Khải bước vào hai đợt hóa trị và xạ trị cùng một lúc. Đợt hóa trị kéo dài đúng một tuần. Mỗi ngày bác sĩ sẽ truyền song song cho anh loại thuốc hóa trị và thuốc xả. Anh cứ phải nằm yên như thế để cho dịch truyền chảy vào tĩnh mạch suốt cả ngày không nghỉ. Đến ngày thứ 3 thì anh gần như kiệt sức. Nhìn anh nằm thiêm thiếp ở đó làm sao cô có thể dửng dưng. Những người trong phòng có thể đi mua cháo hộ anh, nhưng bơm cho anh ăn đúng bữa thì không phải lúc nào cũng làm được. Người nhà của họ cũng như anh, ở căn phòng này đều phải hóa trị và xạ trị như thế.

- Để em giúp anh…

Cô nói rồi bỏ vài thìa cháo đã xay nhỏ vào chiếc rây nhỏ lọc lại lần nữa cho hết cặn bã, lóng ngóng bơm thứ chất lỏng đó vào chiếc xi ranh đã được khử trùng.

- Hôm nay là cháo gà đấy! - Cô ấn nhẹ xi ranh đẩy thức ăn vào dạ dày nói nhỏ.

- Thế à - Khải cười nhìn cô - Anh giờ đâu còn được biết mùi vị của nó nữa. Sau này, muốn ăn một bữa cơm như một người bình thường cũng khó lòng.

Lời Khải nói như muối xát vào lòng Lam. Khải giờ chỉ thèm một bữa cơm có vài lát thịt luộc chấm ruốc chua kèm với ít miếng vả thái mỏng mà khó hơn lên trời. Cô biết, sự sống của anh giờ chỉ được tính bằng ngày, tháng non tháng kém, việc duy trì thức ăn để cho cơ thể anh có thể cầm cự được qua đợt hóa trị chỉ bằng mỗi cách này.

Nhưng trưa nay lại là một vấn đề khác khiến cô bối rối. Vết bỏng xạ trị đã làm vùng da ở ngực và lưng anh bị cháy đen gây lở loét, đau nhức. Người ta đỡ anh dậy, gỡ tấm áo đã bị nhuốm bê bết máu và mủ. Khải bị viêm da do tia xạ sau khi xạ được 14-20Gy và ngày càng tăng mức độ trầm trọng. Vết thương làm cô luống cuống, sợ hãi mỗi khi người ta đỡ anh nghiêng người. Mỗi lần như thế, Khải bảo cô ra ngoài. Nhưng càng bảo, cô càng đứng trân trối nhìn anh. Không phải chỉ vì thương anh mà cô chợt nhận ra một mai này rồi mình cũng sẽ bị như thế. Cô rồi cũng phải đi vào căn phòng trắng xóa lạnh lùng có vài ba chiếc mặt nạ được rải ra trên chiếc băng ca bỏ không và một miếng nhựa trong chiếc lò đối lưu nhiệt khô đang dần mềm ra đó sẽ trùm lên mặt cô, nén mặt cô vào đó thật chặt để rồi một lúc sau sẽ có thêm một mặt nạ của cô nằm chung trong đống đó. Chưa hết, khi xạ trị, chùm tia phóng xạ sẽ làm đám da ở vùng ngực cô và lưng cô bị xạm lại, thậm chí lở loét và gây đau đớn như Khải.

Nghĩ thế, Lam rùng mình. Cô không thể nhìn cơ thể mình đang dần rã ra. Cô là phụ nữ, một người phụ nữ có thể chấp nhận mọi thứ khổ đau ngoại trừ việc chấp nhận một sự thật rằng mọi thứ đẹp đẽ trên cơ thể mình sẽ ngày càng tàn tạ. Như thế thì thảm quá! Trong tích tắc cô có ý định trốn chạy khỏi bệnh viện. Cô muốn chết một cách gọn gàng với một vài liều thuốc ngủ chứ không phải chết trong cảnh đau đớn tột cùng như thế này.

*

Trong trăm ngàn những nỗi ân hận trong cuộc đời, nỗi ân hận vì đã phản bội người yêu thương mình là day dứt nhất. Hơn 10 năm chia tay Lam có được mấy ngày là Tâm thảnh thơi. Càng lên cao, càng đầy đủ vật chất, vợ con, xe cộ đề huề nhưng mỗi lần nghĩ đến những năm tháng hàn vi anh lại càng cảm thấy day dứt. Đã bao lần anh nhờ người hỏi thăm tin tức của cô nhưng không thành. Người quen ở đó cho hay Lam đã chuyển trường ở một nơi nào đó rất xa và không hề có thông tin liên lạc. Anh không phải là kẻ Sở Khanh thích chơi bời rồi quất ngựa truy phong, chỉ là lúc đó anh nghĩ thứ gì đã là của mình nhất định nó sẽ là của mình, còn cơ hội đến nếu anh không nhanh tay thì sẽ bị vụt mất.

Tâm chạy xe dọc tuyến đường đê vắng ra biển. Trời lộng gió. Nước mắt nhòe nhoẹt. Anh khụy xuống bãi cát, khóc nấc lên. Chút lương tri cuối cùng trong anh trỗi dậy buộc anh phải trả giá. Anh gào thét điên loạn. Anh đã từng ước rằng nếu tìm được lại Lam anh sẽ quỳ gối để xin cô tha thứ, nhưng đến giờ phút này, tha thứ cũng chẳng làm được gì. Anh đã bỏ cô, bỏ con mình đi để theo công danh và sự nghiệp nhưng trên đỉnh cao vòi vọi ấy anh thừa biết phần trăm hi vọng để kéo dài sự sống cho Lam là một điều khó khăn vô cùng.

*

Trời chớm đông. Huế lất phất mưa lạnh. Lũ trẻ con đang vui đùa cùng nhau dưới gốc mai già. Mùa này, mai vàng đã bắt đầu lác đác hoa. Những bông hoa không chờ đợi được đúng mùa rụng vàng dưới gốc. Tụi nhỏ đang dồn đám hoa lại thành nhóm rồi hất tung lên trời như mưa rơi bám đầy cả tóc chúng. Trò chơi có thế thôi mà ríu ran không biết chán.

Lũ sẻ con ở tầng 4 khu dành riêng cho bệnh nhi ung thư là vui vẻ nhất. Chúng gần như không biết gì về bệnh tật chúng đang mang trong người, chỉ thấy được sống cùng nhau, vui đùa cùng nhau, cùng nhau qua những phác đồ điều trị và cùng chấp nhận những cơn đau dài một cách hết sức bình thường. Ngoài giờ điều trị, chúng được xuống sân chơi, gặp ai cũng quen, chào hỏi rối rít.

Khải ngồi dưới ghế đá, trầm tư như một bức tượng. Anh gầy và xanh. Chiếc áo len thổ màu bã trầu trùm gần hết cả chiếc ghế. Nếu không phải là trong sân bệnh viện thì khung cảnh một người đàn ông, một người đàn bà và đám trẻ này quả thật yên bình.

- Anh nghĩ gì vậy?

- Nghĩ về lũ trẻ. Chúng quá ư thiệt thòi.

Lam ghé xuống bên cạnh, không nhìn anh. Lam lúc nào cũng thế, từ khi biết mình có bệnh, cô tránh nhìn vào mắt người khác như chực sợ người ta nhìn thấu tâm can mình.

Khải cũng không nhìn Lam. Anh nhìn lên tán cây mênh mông thở dài:

- Mau quá, lại sắp một cái Tết nữa rồi…

Cuộn len trên tay Lam rơi ra…

- Được bao nhiêu cái rồi em?

- Còn 3 cái nữa mới đủ cho tụi nhỏ. Em muốn đan cho xong mỗi đứa một cái mới tặng cho chúng mừng.

- Thừa len tặng anh một cái…

Lam liếc sang cặp kính của anh, hình ảnh nhòe đi, không rõ nét nhưng nó lại cho cô cái cảm giác huyễn hoặc, mơ hồ. Cuộc đời như thế lại hay, nó như ảo giác, hơn cả ảo giác, nó là một sự không rõ ràng, không cần phải rõ ràng. Khải cũng như Lam, đến đây một mình nhưng Lam thì không có gì để mà trông ngóng như Khải. Mọi người trong phòng bảo hồi đầu cũng thấy có vợ anh vào chăm nuôi nhưng những lần tái khám điều trị sau không thấy nữa nên cũng không ai tiện hỏi.

*

Tâm hình như bị sốc. Bệnh tình của Lam theo chiều hướng xấu đi làm anh suy sụp hoàn toàn. Khối u đã có dấu hiệu di căn sang những bộ phận khác của cơ thể tiên lượng những điều xấu nhất có thể xẩy ra đối với Lam. Với bệnh nhân khác, anh có thể khuyên họ mọi điều nhưng với Lam... Tâm đã gọi điện cho các chuyên gia giỏi nhất ở trong nước và nước ngoài để tìm một chỗ dựa. Anh muốn ai đó cho anh một tia hi vọng dẫu là mong manh.

“Anh là chuyên gia ung bướu đầu ngành mà hỏi thế?”. Câu hỏi của đồng nghiệp khiến anh gục ngã. Anh biết, trăm ngàn lần anh biết chỉ là anh không muốn tin, không muốn chấp nhận một sự thật đã được kết luận. Tâm buồn. Anh biết lâu nay cô vẫn tránh mặt anh. Cô nói mình với anh đã không còn gì. Với cô giờ không còn gì có thể quan trọng hơn nữa. Nhưng với Tâm, dẫu cô có tha thứ cho anh thì liệu rằng anh có thể tha thứ cho mình? Tâm biết mình cũng có một khối K ở trong người. Nhưng khối K lương tâm của anh mãi mãi không thể chữa khỏi.

*

Lam có vẻ đỡ hơn nhưng ngày trước. Hình như kháng sinh làm cơn đau của cô dịu đi phần nào. Điều đó càng thôi thúc cô muốn rời khỏi đây một cách mạnh mẽ hơn. Cô lặng lẽ xếp gọn đồ áo bỏ vào một góc. Để tránh những câu hỏi của mọi người cô chọn cách lặng lẽ đi trong đêm. Lá thư cuối cùng gửi Tâm cô cũng chỉ nói nhờ Tâm đóng hộ tiền viện phí mà cô gửi kèm “nếu không đủ, nhờ anh đóng cho em số dư xem như làm phúc cho em lần cuối”. Cô dán phong bì lại, để dưới gối, cảm giác đắng đót vẫn không hề mất đi. Bao lâu nay đối diện với Tâm, cô những muốn giữ một hòa khí như một người bình thường. Cô đã quên anh trong nỗi vội vàng của một người sắp chết. Mà người sắp chết thì chỉ cần được sống, chỉ cần được có thêm chút thời gian để làm những gì bản thân đang dang dở. Lam dặn mình vậy, cô còn rất ít thời gian để đan mũ cho lũ trẻ và Khải nữa rồi sẽ trở về bên ngôi nhà nhỏ trên núi cao, chỗ đám học trò người Mông đang trọ trẹ học tiếng Việt đang chờ cô hằng ngày. Lũ trẻ đó, đôi khi muốn nói hết những tình cảm trong lòng đối với cô mà không thể nói để cho cô hiểu. Cô ôm chúng, cảm giác ấm áp và thân thuộc bắt đầu từ nhịp tim khấp khởi rộn ràng.

Trời đêm lạnh. Hương hoa sữa ướp nồng. Cô ngồi dưới bóng đèn đỏ quạch. Sân bệnh viện vắng tanh. Ở khu này, ít có những ca cấp cứu ở ngoài. Cô muốn ngồi đó một lúc, ghi nhớ hết những kỉ niệm đẹp đẽ về nó trước khi rời đi. Cô đã không ngờ được rằng, ở trạm ga cuối của đời người này, cô còn được gặp những người có rất nhiều khát vọng sống và cống hiến đến thế.

Khi Lam toan bước đi, cô chợt giật mình khi có tiếng nói vang lên từ phía sau:

- Em đi thật à?

- Anh mệt sao ra đây?

- Anh không thấy em ở phòng, nghĩ rằng em sẽ đi - Khải thở dài ngồi xuống ghế - anh xuống hi vọng gặp, tiễn em một đoạn, biết đâu…

- Anh đừng nói như thế, anh phải khỏe lên chứ?

Không hiểu sao Lam ngồi xuống, cầm lấy bàn tay gầy gầy của anh mà khóc. Khải cũng rơm rớm nước mắt. Anh nắm bàn tay của Lam thật chặt đưa lên miệng thì thầm:

- Tay em gầy quá…

- Xấu đúng không?

- Không. Đẹp đến thương…

Hai người lặng yên ngồi bên nhau như thế. Dưới gốc hoa sữa già, Lam nhớ những ngày ở đây cùng anh. Khải kể về những mong ước chưa thành hiện thực vào cả câu chuyện riêng tư bấy lâu nay không ít người tò mò. “Bọn anh không có con, không có con thì không có điều gì có thể ràng buộc nhau thêm được cả, ai cũng có những nỗi mệt nhọc không nói được nên lời”. “Em không muốn sống cuộc sống như thế này” Lam nói rồi khóc. Bao nỗi sợ hãi giấu kín phút chốc òa ra nức nở. Khải nắm chặt tay cô. Không nói ra, nhưng những quan tâm lặng lẽ đã khiến cả hai nhận ra rằng họ là mỗi mảnh ghép để dành cho nhau dù rằng đã quá muộn mằn.

- Đến lúc này em hãy nghĩ về tình yêu như một trạng thái cảm xúc như là niềm vui hay nỗi buồn...và nó sẽ chóng qua...đơn giản vậy thôi bởi chúng ta giờ chỉ cần sống cho chúng ta của hiện tại. Những gì cần cho lúc này thì hãy làm... và nên làm.

- Vâng…

- Trời sắp trở lạnh đấy, em phải mặc ấm vào. Điều trị phải kiên nhẫn. Đừng bỏ cuộc. Em biết không, mỗi sáng mở mắt ra thấy mình còn sống là anh lại thấy mình thêm hi vọng.

- Vâng…

- Anh hơi mệt, cho anh tựa vào vai em một lúc…

Khải nói thế rồi không đợi để Lam đồng ý, anh nghiêng người tựa vào vai Lam. Trời se sắt gió. Lam khéo chiếc áo len trùm cho Khải lên đến cổ, nghe tiếng anh thở một lúc một nặng nề. Trời đã chuyển sang rét đậm rồi, lúc chiều cô thấy lũ trẻ xúng xính đội mũ len cô tặng mà vui náo nức. Lam lặng yên bên anh. Cô đã không còn đủ len để đan chiếc mũ cuối cùng cho anh kịp mùa đông này.

Vậy là đã không còn kịp nữa. Lam đâu ngờ giấc ngủ dài đã đưa Khải đi một cách lặng lẽ và êm đềm. Cô gục vào người anh òa khóc. Khải đã đến bên cô muộn mằn, xoa dịu những vết thương lòng của cô bằng những ân cần, vực dậy khát vọng sống trong cô dù là nhỏ nhất. Vậy mà anh đã bỏ cô mà đi, để lại cho cô những hi vọng chỉ đang như hạt mầm vừa mới tách vỏ.

Lam không muốn theo dòng người tiễn anh ra cổng. Cô đứng ra ngoài lan can nhìn đoàn người xa dần. Giờ đây chắc người ta đang đưa Khải đi, vòng vèo qua những con đường rất Huế rồi về lại quê nhà, ngụ lại cánh đồng bạt ngàn hoa mua mà Khải thích...

Còn Lam ở lại, trên chót vót tầng cao nhìn xuống sông Hương...

Nguồn Văn nghệ số 9/2023

Văn nghệ, số 9/2023
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.