Sáng tác

Gia tài cuối đời của lão Chù. Truyện ngắn dự thi Phùng Phương Quý

Phùng Phương Quý
Truyện 08:24 | 05/12/2024
Baovannghe.vn - Lão Chù đột ngột qua đời, sau bốn ngày kêu mệt và bỏ ăn. Chân núi Nóng, nơi có căn nhà nhỏ của lão mấy hôm dịu mát hẳn, gió xào xạc trong những ngọn bạch đàn
aa

Đám tang lão Chù thế mà đông người đưa tiễn. Cả đoàn người nối dài từ nhà lão tới gốc đa đầu làng, khéo đông gấp ba đám tang vợ ông trưởng khu. Chôn cất lão xong, cả làng kéo về “uống chén rượu nhạt” chia buồn, hết veo bốn chục mâm cỗ. Anh Hùng cháu họ đứng ra lo tang ma cho chú, được hưởng tiếng thơm là chu toàn, hiếu nghĩa. Thường bữa cỗ “tam nhật” sau khi người chết “mồ yên mả đẹp” chỉ có người trong nhà dự, còn dân làng đều quay về. Nhà nào giỏi mời mọc, ngăn đường lôi kéo thì cũng chẳng được bao nhiêu thực khách. Như nhà trưởng khu hôm đó, nể nang lắm mới có chục mâm cơm, hơn sáu chục người.

Người cháu dọn dẹp giường chiếu của người quá cố, đem ra đốt. Gia tài của một người đàn ông tật nguyền, cô đơn cũng chẳng có gì nhiều. Trong chiếc thùng lương khô bằng sắt tây, còn mấy cân gạo và ba gói mì Gấu đỏ. Trên trạn bát còn nửa chai nước mắm, gói mì chính và lọ bột canh. Bếp củi lem nhem than bụi, soong chảo. Chỉ có chiếc nồi cơm điện là sạch bóng, để trên bàn gỗ thấp kê gần giường ngủ.

- Ô! Sao mà nhiều sách thế không biết!

Có người ngạc nhiên kêu lên. Trong chiếc hộp các tông to, chứa đủ các loại sách, báo, tạp chí văn nghệ. Có đến hơn hai trăm cuốn sách. Gia tài của lão Chù thật độc đáo. Toàn chữ là chữ.

- Từ hồi em lớn lên tới giờ, thấy bác Chù mê đọc sách số một!

Bà Lương chi hội trưởng phụ nữ nói vậy. Thế là người ta tranh nhau kể về tính cách khác người của lão. Người làng Nóng còn nhớ vụ tai nạn hơn nửa thế kỷ trước của hai cậu thanh niên là Chù và Tập. Họ lên núi Nóng chăn bò, nhặt được mấy đầu đạn “đum đum” từ hồi chiến tranh, bèn lấy đá đập thử chơi, ai dè đạn nổ làm Chù cụt cánh tay phải, còn Tập mù hai con mắt. Cùng chung hoạn nạn, nhưng số phận lại khác nhau. Gia đình Tập khá giả nên cưới cho cậu một cô vợ vừa xinh vừa đảm, con cháu đầy nhà. Chù cụt tay, lại mồ côi nên chẳng có ai ngó tới. Chù đi ra đường, tay trái xách túi vải, tay phải cụt đến vai, phất phơ tay áo rỗng, hai chân bước liêu xiêu. Hồi xửa, hồi xưa, khi Nhà nước chưa có chính sách trợ cấp cho người tàn tật, anh Chù sống bằng mười cân thóc do Hợp tác xã cấp cho hàng tháng. Muời cân thóc đem xay xát được bảy cân gạo với nhúm cám. Cũng đủ cơm cháo qua ngày và nuôi được con chó đen ghẻ lở đầy mình, vì ăn toàn cháo cám.

Anh Chù mê đọc sách. Thư viện huyện cách nhà ba cây số, mà cứ bảy ngày một lần anh tập tễnh đi trả và mượn sách. Tuy viết bằng tay trái nhưng chữ anh Chù khá đẹp. Cô thủ thư thường nhờ anh viết phích phân loại sách. Trả công lại, cô cho anh mượn nhiều hơn quy định ba cuốn sách mỗi lần, hoặc có sách mới về, cô ưu tiên cho Chù đọc trước.

- Chữ anh Chù đẹp quá! Lẽ ra phải cho anh vào làm văn phòng ủy ban xã. Ông Tuế chánh văn phòng ủy ban, chữ viết như gà bới, dịch mãi mới ra.

Cô thủ thư khen thế thôi, chứ kiếp phế nhân như anh, tồn tại được là may lắm rồi, đâu dám mơ làm cán bộ. Sống một mình buồn thiu, nên đi đâu, vào nhà ai, gặp sách báo cũ họ bỏ là Chù xin hết về, để dành nhấm nháp dần. Thường Chù hay tạt vào nhà ông Lưỡng trưởng khu hành chính hay ông Hậu xã đội trưởng. Hai nhà ấy, báo chí đầy ra, chẳng ai buồn đọc. Chủ nhà cho anh tùy thích chọn, còn đâu họ cất đi bán giấy vụn.

Người đâu có người mê đọc sách như nghiện thuốc lào, ngày không cầm tới cuốn sách là không chịu được. Anh Chù cũng tần tảo làm lụng, tuy chỉ là trồng bãi rau, nương sắn nhỏ. Nhìn cách anh cuốc đất đến tội. Nách kẹp cán cuốc, bàn tay nắm giữa cán cuốc, người ngửa ra sau, gập về trước như con bọ ngựa. Bổ, giật, chân gạt đất, ngày qua tháng lại rồi cũng xong. Giờ giải lao uống bát nước vối, cũng tranh thủ cầm cuốn sách hay tờ báo lên. Ăn trưa xong, lại kềnh trên võng với tập truyện. Lâu lâu dành dụm được khoản tiền nhỏ từ bán con gà, mớ rau là nhăm nhe mua sách. Có người ngứa mắt không ưa, mỉa mai, “Ăn còn không xong, suốt ngày sách với báo!”. Nói cho bõ ngứa cái tính hay ghen tị, chứ người làng nhiều lúc phải nhờ cậy đến anh Chù. Hóa ra sự đọc nó cũng có lợi hơn những kẻ chỉ biết ăn no ngủ kỹ, làm hùng hục như trâu. Bà Thức chủ quán ăn Đồng quê, một hôm sang nhờ Chù viết cái đơn xin kiểm lâm không thu hồi đất trồng cây lâm nghiệp.

- Cậu tốt chữ, viết hộ chị cái đơn, rồi chị bồi dưỡng cho mấy chục uống nước.

Anh Chù nghe xong nội dung, cười lăn lóc.

- Kiểm lâm chỉ canh giữ rừng, làm gì có quyền thu hồi đất? Ai bảo chị thế?

- Chị đang hợp đồng trồng bạch đàn cho Công ty giấy, nay thấy trồng đinh lăng có lãi hơn nên phá bỏ cây bạch đàn. Công ty giấy phạt hợp đồng mất hơn mười triệu. Giờ lại đến ông Hùng kiểm lâm đòi thu đất. Chị lo quá!

- Chắc nó vòi tiền chị đấy, đừng dại! Không phải đơn từ gì cả, thách kiểm lâm thu đất. Quyền ấy là của ông Hy chủ tịch huyện.

Bà Thức thấp thỏm không yên, chỉ lo bị mất đất, nhưng mãi chẳng thấy ai tới thu hồi. Cái nhà cậu Chù thế mà giỏi. Nó đọc sách nhiều cũng hiểu biết hơn. “Sao anh (chú, bác) Chù không chịu lấy vợ? Kiếm một bà về cơm nước, giặt giũ cho không hơn à?”, nhiều người giục Chù chuyện vợ con, có người còn nhiệt tình mai mối. Chẳng ăn thua gì. Mấy cô thuộc diện “sứt môi, lồi rốn” cũng không thèm chấp nhận làm vợ Chù. Mãi gần năm mươi tuổi, mới có một bà nạ dòng góa chồng đồng ý về với lão Chù. Thấy có bóng dáng phụ nữ trong nhà, ai cũng mừng cho lão. Mười thước ruộng từ lâu cho hàng xóm mượn, nay được đòi về. Nương sắn sau nhà được vỡ vạc thêm. Người làng đi làm đồng, ngang qua nhà lão Chù bỗng dừng lại nghe ngóng, bởi một âm thanh lạ đối với nhà lão. Đó là tiếng lợn con ủn ỉn đòi ăn. Có người tò mò ghé vào thăm, thấy chị vợ quần xắn tới bẹn, đang hì hụi thái cây chuối, còn lão Chù nằm võng đọc sách hướng dẫn phòng bệnh cho lợn. Hai chú lợn con, bé bằng bắp chân, đang chen chúc nhau trong cái chuồng ghép tạm bợ bằng gông tre. Lão cười vẻ hãnh diện. “Chả biết nhà em nó mua ở đâu hai con lợn đọn. Kệ! Có đầu có đuôi nuôi mãi cũng lớn”. Bọn thanh niên gần nhà lão nghịch còn hơn quỷ sứ. Buổi tối chúng hay rình rập bên ngoài xem vợ chồng lão Chù làm cái chuyện kia thế nào. Bọn chúng kháo nhau, hai ông bà mỗi người nằm một nơi. Lão Chù nằm võng, bà vợ nằm giường. Chẳng làm “cái con mẹ gì cả”, ngủ ngáy như trâu. Hay họ yêu nhau vào buổi trưa? Bọn đi rình buổi trưa cũng thất vọng ê chề. Nhưng một lần được chứng kiến cảnh kỳ lạ. Lão Chù nằm dưới đất, đạp hai chân lên tường, oằn mình ưỡn mông như làm xiếc. Vật vã một lúc, lão mới nằm im thở hổn hển, bàn tay còn lại xoa xoa bụng dưới. Có người bảo lão thủ dâm. Lâu ngày vợ không cho nên tìm cách tự sướng. Có người bảo lão tập yoga... Mãi sau này, một thằng thanh niên hay cho lão sách báo, mới hỏi dò được nguyên nhân hành động kỳ quặc của lão Chù. Có gì đâu. Lão bị thoát vị bẹn, thi thoảng làm việc nặng hay đi lại nhiều, nó lòi ra cả đống bằng cái bát con. Mỗi lần bị như vậy, lão nằm dốc ngược hai chân, giãy một lúc là ruột chui vào hết. Khổ một phận người, đã tàn tật cô đơn lại còn lắm bệnh.

Một lần lão Chù suýt bị công an xã bắt vì tội ăn trộm. Hôm ấy lão tập tễnh ra ủy ban xã, nộp cái đơn xin cứu đói. Nhân viên thường trực nhận đơn, bảo lão cứ về nhà đợi, nếu có kết quả sẽ báo tận nhà. Lúc ngồi chờ ở trụ sở ủy ban, lão thấy một chồng sách báo phủ bụi để trên bàn tiếp khách. Nhìn thấy sách báo là mắt lão sáng lên, chân tay ngọ ngoạy không yên. Báo cũ, báo mới xếp cả đống mà không ai đọc. Tiện tay, lão nhét một cuộn báo vào chiếc túi vải hay mang theo người. Vừa bước chân ra đến cửa thì có tiếng quát. “Ông cụt tay kia đứng lại! Ông lấy trộm gì của ủy ban thế?”. Suýt nữa thì lão Chù ngã chúi vì sợ. Bàn tay to lớn của cậu cán bộ văn phòng kéo tuột chiếc túi vải ra khỏi vai lão. “Có gì trong này bỏ hết ra đây!”. Một túi đầy toàn sách báo, bên dưới là mấy bơ gạo vừa xin được ngoài chỗ xát lúa. “Ông trộm sách báo của xã về làm gì?”. “Dạ... để đọc thôi ạ!”. “Có biết tham ô của công là phạm pháp không?”. “Biết ạ! Nhưng chỉ là mấy tờ báo! Trị giá vài chục nghìn, không cần phạt truy tố anh ạ!”. Tay cán bộ văn phòng thấy lão chày cối lý sự, bèn gọi công an xã tới lập biên bản. Ông trưởng công an tưởng ủy ban xã mất trộm lớn, liền đích thân tới kiểm tra. Thấy đống sách báo, ông ta phì cười. “Tưởng gì! Thôi cho bác ấy mang về đọc. Để đây có ai đọc đâu, rồi cuối tháng lại bán giấy vụn”. “Ông rút kinh nghiệm, vào nơi công sở đừng có tắt mắt. Ăn trộm quen tay, ngủ ngày quen mắt. Có tính trộm cắp, người ta đánh cho què tay”. Nghe ông cán bộ văn phòng mắng mỏ, lão Chù tức quá nhảy đong đỏng. “Tôi chết đói cũng không thèm trộm cắp của công nhá. Không như mấy người có chức có quyền đâu. Đi tù cả đống kia kìa!”. Bỗng lão loạng choạng, ôm bụng nhăn nhó, rồi nằm ngửa ngay ra nền nhà, ưỡn người lên, chân đạp vào tường. Mọi người ngạc nhiên kêu ồ lên. Cái lão cụt này cũng ghê gớm thật, dám nằm ăn vạ giữa công đường. “Làm trò gì thế? Kéo ông ta ra ngoài kia!”. Nghe lệnh trưởng công an, hai nhân viên định xốc nách kéo lão ra ngoài, thì lão lồm cồm bò dậy, tay xoa xoa bụng dưới, nhặt lấy túi sách báo lủi thủi quay ra. Hóa ra lão bị thoát vị bẹn.

Gia tài cuối đời của lão Chù. Truyện ngắn dự thi Phùng Phương Quý
Tranh minh họa. Nguồn Internet

Lão Chù có đơn kiện gửi công an xã. Cả làng xôn xao bàn tán y như hồi cô Hà xóm trong bị lừa bán sang Trung Quốc, mới trốn được về nhà. Lão Chù là dân “vô sản” chính hiệu, có gì để người ta tranh giành? Không! Tài sản không mất gì, nhưng mất người. Lão Kết góa vợ nhà ở đầu xã, cùng tuổi với lão Chù. Nhà ấy vợ mất, con cái dựng vợ, gả chồng hết, nên cũng độc thân như lão Chù. Nửa tháng trước, mụ vợ dở người tự nhiên bỏ đi đâu mất, lão Chù tìm mãi không ra. Sau nghe đồn mụ đang ở với lão Kết góa. Lão Chù thập thõm đến tận nơi cái tổ chuồn chuồn, quả thật mụ vợ đang chổng mông thổi lửa nấu cơm trong bếp nhà lão Kết. Lão giận uất tận cổ, chửi hai đứa kia là “gian phu, dâm phụ”, ầm ĩ cả xóm. Lão nhất định lôi mụ vợ về, bị mụ đẩy cho một phát ngã ngửa. “Tôi với ông hết tình hết nghĩa rồi. Tôi đi chỗ khác”. Lão Kết góa cười sằng sặc. “Đã què tay, lại còn què cả cu. Đàn bà vừa đói cơm, vừa đói tình, đếch ai nó chịu được. Thôi ông về mà đọc thêm sách đi”. Đến nước này thì lão kiện cho chúng mày trắng mắt ra. Công an nhận đơn, hỏi cái giấy đăng ký kết hôn đâu? Lão lắc đầu. Thế là thua trắng bụng.

Đám tang lão Chù thật đông người. Có người tỏ ra thương xót lão, nhưng có người cũng mừng cho lão sớm thoát khỏi nợ trần gian. Bà Thức chủ quán đến sớm, mang cho cân chè với cây thuốc Thăng Long tiếp dân làng. Người cháu họ, tiếng là đứng ra lo cho chú, nhưng cũng nhẹ gánh vì dân làng mỗi người một tay ủng hộ. Người yến gạo, người con gà, rổ rau, buồng chuối. Thực phẩm đủ nấu hai chục mâm cỗ. Lúc tẩm liệm xong, người nhà mới nhớ đến mớ gia tài sách của lão Chù. Có người muốn xin đem về nhóm bếp dần, nhưng anh Hùng không cho. Đằng nào cũng đốt, cứ để mồ mả cho lão xong, thì hóa luôn đống sách báo kia. Nghe tin lão Chù mất, cô thủ thư ngoài huyện cũng vào viếng người độc giả thân thiết của thư viện. Nghe mọi người bàn nhau đốt đám sách, cô thấy xót xa trong ruột. Toàn sách văn học quý trong nước và nước ngoài. Cô rụt rè đề nghị gia đình bán lại số sách cho thư viện. Cô sẽ mua bằng tiền túi của mình. Anh cháu họ gật đầu luôn. Cũng như bán giấy vụn, thêm được đồng nào hay đồng nấy. Đống sách kia, bán được năm chục nghìn là ít. Nhưng cô thủ thư mua sách theo giá bìa, cộng dồn lại được hơn hai triệu rưỡi. Anh cháu họ mừng quýnh: “Thôi cô cho gia đình xin hai triệu cũng được!”. Cô thủ thư không chịu, trả đủ.

Đống gia tài của lão Chù hóa ra đắc dụng. Vừa để lại cho người nhà chút tiền bạc trang trải, vừa dành cho những người yêu đọc sách một món quà đầy ý nghĩa.

Nguồn Văn nghệ số 45/2022

Văn nghệ, số 45/2022
Ở quê - Thơ Tô Thi Vân

Ở quê - Thơ Tô Thi Vân

Baovannghe.vn- Nhà không nuôi mèo/ Chim sẻ sà vào chiếu nhặt cơm rơi
Máy giặt - Thơ Hoàng Ngọc Châu

Máy giặt - Thơ Hoàng Ngọc Châu

Baovannghe.vn- Những bộ áo thường ngày/ Quay trong máy giặt/ Bong bóng mắt
Bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới

Baovannghe.vn - Chiều 3/7 tại trụ sở Bộ Công an (TP Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc - Lý luận và thực tiễn”.
Bộ GD&ĐT: Không ép tiến độ trong công tác chấm thi, đảm bảo tinh thần "6 rõ"

Bộ GD&ĐT: Không ép tiến độ trong công tác chấm thi, đảm bảo tinh thần "6 rõ"

Baovannghe.vn - Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu đã làm việc tại Hội đồng chấm thi số 2, Hội đồng thi tỉnh Ninh Bình.
Giải cứu tin mừng - Thơ Lê Anh Hoài

Giải cứu tin mừng - Thơ Lê Anh Hoài

Baovannghe.vn- Những thiên sứ mang tin mừng bất tận/ chúng tôi giải cứu tin mừng