Ẩn sau bi kịch của đứa trẻ 13 tuổi sát hại một bạn học nữ là một tìm sâu, khám phá não trạng và tâm thức của trẻ vị thành niên (và người lớn). Tất nhiên, không có ai vô can trong câu chuyện đau lòng này, kể cả chúng ta - những người chỉ đơn thuần thưởng thức bộ phim.
Adolescence bắt đầu vào một buổi sáng tinh mơ, khi những người cảnh sát đang tuần tra, chờ lệnh khám xét và bắt giữ một thiếu niên 13 tuổi (Jamie Miller do Owen Cooper thủ vai) trong một vụ giết người man rợ vào đêm trước đó. Bộ phim không đưa ra các chi tiết mập mờ, mà ấn định hung thủ ngay từ đầu, với những bằng chứng rõ ràng. Cảnh sát tiến hành điều tra, tìm kiếm tang chứng (con dao/ hung khí) và ngõ hầu lý giải tại sao (động cơ, nguyên nhân) hành vi man rợ này lại xảy ra. Nếu tập một là cuộc bắt bớ và thẩm vấn thì tập 2 và 3 diễn giải động cơ, nguyên nhân khiến Jamie ra tay sát hai bạn học sinh nữ Katie. Tập 4 khép lại bộ phim, kể về cuộc sống bị đảo lộn của gia đình Jamie sau khi cậu thiếu niên bị bắt, chờ ngày xét xử. Cho đến lúc này, những trần thuật đau đớn mới thoát ra khi Jamie quyết định nhận tội, những suy tư độc thoại trong lòng người cha (Eddie Miller do Stephen Graham thủ vai) trào lên, những giọt nước mắt mới rơi xuống. Bộ phim khép lại, với cảnh một người cha chấp nhận sự thật bẽ bàng, rằng, cậu con trai vốn tưởng hiền lành ngoan ngoãn ấy là một tội phạm giết người.
Adolescence là một bộ phim đa diện nên dù soi chiếu dưới góc độ nào, nó cũng hiện lên sự tuyệt-tác mà những người làm phim dụng tâm mang đến cho khán giả. Về mặt nội dung, người xem có thể theo dõi bộ phim ở nhiều góc nhìn khác nhau. Dù xem Adolescence đơn giản như là một tác phẩm tội phạm giật gân hay một bộ phim tâm lý nặng đô về một trẻ vị thành niên có dấu hiệu bệnh tâm thần thái nhân cách, thì khán giả vẫn có thể tiếp nhận cũng như cảm nhận. Có khán giả lại tập trung vào khía cạnh tuổi trưởng thành, những biến đổi tâm lý của trẻ, cũng như cách nuôi dạy của cha mẹ hiện nay được phản ánh qua bộ phim. Có người lại soi chiếu bộ phim dưới góc nhìn đến từ mạng xã hội ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ tinh thần của giới trẻ, khi chúng tiếp xúc với internet quá sớm. Với những người nghiên cứu xã hội học và tâm lý học, họ lại hứng thú khai thác các yếu tố liên quan đến tính nam độc hại, vai trò của người phụ nữ trong mối quan hệ tình cảm hay gia đình, các tiểu văn hoá hay các cộng đồng thiểu số và đa số khác nhau. Với những người quan tâm và yêu thích về mặt kỹ thuật làm phim, họ cũng nhận lại những bài học về cách dàn dựng, xây dựng kịch bản; hay những kỹ thuật quay long shot (cảnh quay dài) hay one shot, khi tập 3 của bộ phim thực sự là một cảnh quay liên tục trong vài chục phút.
Adolescence cũng là một bộ phim không dễ để thưởng thức, không phải vì nó đánh đố bởi sự rối rắm hay giàu tính ẩn dụ, nhưng là thái độ và cách thực hiện nội dung. Đặt trung tâm tác phẩm vào một vụ giết người, mà kẻ thủ ác lẫn nạn nhân đều là trẻ vị thành niên, các nhà làm phim cho thấy một thái độ cương quyết, nhất khi là tình trạng các vụ thanh thiếu niên giết người tại Anh tăng lên trong những năm gần đây. Nó khiến cho khán giả, ở bất cứ độ tuổi nào, cũng phải rùng mình khi theo dõi. Người làm cha mẹ, hay giới trẻ đều cảm nhận được, không chỉ cái ác, nỗi đau mà còn là sự bất lực khi chứng kiến tội ác diễn ra một cách lạnh lùng và tàn nhẫn. Bộ phim cũng đặt ra nhiều câu hỏi như tại sao một đứa trẻ có thể tàn nhẫn đến vậy? Cách nuôi dạy và thấu hiểu con cái của những bậc phụ huynh ra sao? Nhà trường có vai trò như thế nào trong giáo dục con trẻ, khi những câu chuyện bắt nạt hay bạo lực học đường trở nên căng thẳng dẫn đến một án mạng? Mạng xã hội đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy các hành vi bạo lực của con người, ở đây là trẻ vị thành niên? - Và nhiều câu hỏi khác nữa.
![]() |
Hai diễn viên Stephen Graham và Owen Cooper trong phim Adolescence |
Adolescence cũng khiến người ta thấy cái buốt giá của tình người, những nỗi đau của bậc làm cha mẹ, những cắc cớ trong quá trình hình thành nhân cách ở người niên thiếu. Quả thực, cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ; và cũng cần cả một ngôi làng để huỷ hoại chúng. Chỉ khác rằng, “ngôi làng” ngày nay có thể là chính gia đình, trường học, hay mạng internet. Sẽ là khuôn sáo, nhưng không thể không nhắc đến, mạng xã hội có thể tác động xấu đến hành vi của trẻ vị thành niên đến mức nào. Rõ ràng có một cuộc khủng hoảng liên thế hệ đã và đang thực sự diễn ra, không nhất thiết ở Yorkshire (Anh), bối cảnh của bộ phim Adolescence mà có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, hay ngay ở tại đây. Bộ phim tạo ra một hố sâu về khoảng cách giữa các thế hệ. Não trạng khác nhau phản ánh những thế giới khác nhau trong mắt bậc cha mẹ, thầy cô và con cái, điều đã được phản ánh rất rõ trong bộ phim này. Các chi tiết liên quan đến mạng xã hội (ở đây là Instagram chia sẻ hình ảnh và video trực tuyến), các thuật ngữ được giới trẻ sử dụng như “red pill” (viên thuốc đỏ từ bộ phim Ma Trận, ám chỉ lựa chọn nhìn thấy những sự thật mất lòng trong cuộc sống), incel (cộng đồng nam giới độc thân không tự nguyện), ý nghĩa của các biểu tượng cảm xúc (emoji), hay hình thức giễu nhại (meme), các tiếng lóng được người trẻ sử dụng phổ biến khi giao tiếp trên mạng xã hội. Riêng việc đề cập đến các thuật ngữ ở đây đã bắt đầu gây rối rắm với nhiều người, chưa kể đi sâu tìm hiểu những hằng hà sa số về chủ đề này, với những luận thuyết và quan điểm khác nhau. Để tìm hiểu các thuật ngữ kể trên, mỗi người sẽ cần một quãng thời gian để nghiên cứu các tác phẩm điện ảnh, các cuốn sách, các cộng đồng khác nhau. Cứ mỗi hình ảnh, thuật ngữ, biểu tượng cảm xúc “xổ” ra là các tiểu văn hoá, các luồng tư tưởng, các quan điểm lối sống, các hiện tượng đại chúng được nhắc đến và trình hiện. Giới trẻ đang bị bao vây và ảnh hưởng bởi điều này (cách sống, cách nhìn nhận và đánh giá, thế giới quan) mà có thể những bậc cha mẹ lại hoàn toàn xa lạ, không hề biết đến.
Vì thế mà người bố Eddie Miller trong phim đã nấc nghẹn, không hiểu mình đã nuôi dạy sai ở chỗ nào, đến nỗi biến con mình thành kẻ sát nhân. Ông lớn lên bằng roi vọt và quyết tâm không bao giờ đánh đập con cái mình nhưng kết quả lại khiến người ta đau lòng đến thế. Hay như cuộc trò chuyện giữa nhân viên điều tra Luke Bascombe (do Asher D đóng) với con trai (bạn học của Jamie) về ý nghĩa đằng sau các thuật ngữ, biểu tượng cảm xúc… trong các cuộc hội thoại trên mạng mà ông không hề có hình dung hay ý niệm nào. Có một sự mất kết nối về mặt tâm thức giữa thế hệ người lớn (cha mẹ, thầy cô) và trẻ nhỏ (học sinh) rất khó để nối lại, hàn gắn hiện lên trong phim. Khoảng cách thế hệ được trình bày trong Adolescence không chỉ diễn ra ở nước ngoài (Anh) mà thực tế đã diễn ra ở bất kỳ nơi đâu, khi giới trẻ thường xuyên sử dụng và quan tâm đến các chủ đề trên mạng xã hội và internet.
Adolescence gần như không có các độc thoại (monologue) mà thay vào đó là dồn dập các đoạn hội thoại. Tuy nhiên, các hội thoại này lại không mở ra các cuộc đối thoại, nơi những người giao tiếp có thể tìm thấy một hướng giải quyết, một hướng nhìn, hay một sự thấu hiểu. Bên cạnh đó, sự trống vắng của tự sự cũng là sự trống vắng của sự tự-suy ngẫm. Không chừa chỗ trống cho độc thoại nghĩa là không chừa không gian suy nghĩ và hàn gắn cho chính mình và những người xung quanh. Giao tiếp hay đối thoại là cách hiệu quả để tìm hiểu và thấu hiểu lẫn nhau, nhưng nó chỉ thành công khi có sự cởi mở, chân thành. Điều này có thể thiếu vắng trong Adolescence nhưng hoàn toàn có thể diễn ra ở đời thực, khi ta thực sự mở lòng, dù khoảng cách thế hệ có xa đến mức nào.
Xem Adolescence khiến người viết liên tưởng đến đoạn mở đầu của Hoàng Tử Bé (Antoine de Saint-Exupéry): “Những người lớn chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ.” Vì thế, người lớn sẽ phải chấp nhận việc không hiểu con cái, nhưng không thể ngừng giao tiếp và lắng nghe con trẻ. Sự phản hồi liên tục và không ngừng giao tiếp chính là sợi dây liên kết càng bền chặt, càng thấu hiểu và đồng hành dễ dàng hơn.