Văn hóa nghệ thuật

Góc nhìn mới về chân dung qua "Ký sự nhân vật" của nhà văn Nguyễn Cao Thâm

Hữu Minh
Sách
10:30 | 17/10/2024
Baovannghe.vn - Ký sự nhân vật là tập sách thứ 22 của nhà văn Nguyễn Cao Thâm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Sách dày 548 trang, khổ 16x24cm. Bìa của Họa sĩ Lê Tiến Vượng.
aa

Cuốn sách giới thiệu 68 nhân vật với nhiều phát hiện mới và góc nhìn mới. Phần thứ nhất cuốn sách kể những chuyện ít người biết về các chính khách và thân phận của những người nổi tiếng. Đó là chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm diễn ca rồi dịch ra tiếng Tày, tiếng Dao; Chuyện về đức tính giản dị, thanh liêm và ấm áp của Thủ tướng Phan Văn Khải; Chuyện cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê chỉ đạo làm đường dây tải điện siêu cao áp Bắc - Nam; Chuyện quyền Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than Trần Anh Vinh giải cứu nạn thiếu gạo cho thợ mỏ những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước; Chuyện ông Nguyễn Đức Phan, từ phạm nhân lên Bộ trưởng; Chuyện ông Đoàn Kiển, cựu Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản sau khi về hưu “men đường mà đi” (ý từ câu nói “Người quân tử men đường mà đi” của Khổng Tử); Chuyện ông Nguyễn Duyệt, Giám đốc Mỏ than Cao Sơn cố tình “chày cối”, tìm cách trì hoãn quyết định của Bộ để công nhân mỏ bám trụ tại thị xã Cẩm Phả và chủ trì xây dựng làng Mỏ Cao Sơn đẹp, trữ tình như hiện nay; Chuyện “Người chống lưng” cho nhà báo Kim Quốc Hoa, cựu Tổng Biên tập báo Người Cao tuổi được miễn truy tố án hình sự; Chuyện GS Nguyễn Lân Dũng - bác “Trưởng thôn” vui vẻ; Chuyện Nhà báo Xuân Ba, tác giả viết phóng sự nổi tiếng, lên hồ Ba Bể lánh nạn...

Góc nhìn mới về chân dung qua
Cuốn sách "Ký sự nhân vật" của nhà văn Nguyễn Cao Thâm

Phần thứ hai của cuốn sách kể về các nhà khoa học bậc thầy của những giáo sư đầu ngành nhưng ít người biết. Đó là GS - Viện sĩ Trần Đình Long, nhà nông học “cha đẻ” của nhiều giống đỗ tương, lạc; PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức, tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về ngành sản phụ khoa... Nhiều nhà sáng tạo với những công trình khoa học mang lại giá trị to lớn cho cộng đồng, xã hội cũng được giới thiệu ở phần này như GS.TS Hoàng Xuân Thảo, người viết nhiều phần mềm áp dụng trong giảng dạy và chấm thi trong nhà trường; TS Trịnh Xuân Đức với những sản phẩm an toàn thân thiện với môi trường. Chuyện anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng chống người thi hành công vụ, bị phạt tù thì nhiều người đã biết. Nhưng tài trí của anh trong việc ngăn sóng dữ, nắn sông Văn Úc chắc ít người biết, nay được kể trong cuốn sách này.

“Chuyện các văn nghệ sĩ” trong phần thứ ba của cuốn sách là những câu chuyện thú vị về thân phận các nhà văn, nhà thơ, đạo diễn phim, ca sĩ... Đó là chuyện đạo diễn Long Vân làm những bộ phim lừng danh nhưng chưa hề được giải thưởng; Chuyện tình của nhà thơ Lưu Quang Vũ với Tố Uyên - nguồn cảm hứng mãnh liệt để Lưu Quang Vũ sáng tác những tác phẩm xuất sắc; Chuyện nhà văn Nguyễn Vinh Tú, bạn viết cùng thời với những nhà văn lớn như Nguyễn Minh Châu, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Trọng Oánh... nhưng gặp Ách giữa đàng (tên tác phẩm của ông) nên không “ngóc” đầu lên được. Mãi đến những năm cuối đời, ông mới lại thăng hoa, phát tiết. Đó là chuyện vui về nhà thơ Trần Nhuận Minh; chuyện buồn của nhà văn Lý Biên Cương. Phần này còn cung cấp nhiều tư liệu mới của các văn nghệ sĩ. Đó là chuyện nhà thơ Cầm Giang, tác giả của Dòng sông Mã - Núi Mường Hung làm nghề… đỡ đẻ, chữa bệnh và làm chủ hôn cho thợ mỏ. Chuyện nhà văn Võ Huy Tâm mang bản thảo Làm neo đang viết dở ở vùng mỏ lên chiến khu Việt Bắc, được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng hướng dẫn sửa chữa thành tiểu thuyết Vùng mỏ nổi tiếng.

Có những nhân vật tài hoa nổi tiếng ở lĩnh vực khác nhưng thơ mới là máu thịt, là cuộc sống của họ. Đó là nhà báo Đoàn Mạnh Phương được nhiều người biết là Tổng Biên tập Tạp chí Năng động. Nhưng với thơ, hơn 30 năm trước, thơ ông với giọng điệu mới lạ đã xuất hiện trên các báo. Từ đó đến nay, ông cứ túc tắc, chậm rãi, dần khẳng định phong cách riêng của mình với giọng thơ đầy cá tính, giàu suy tư, không lẫn với thơ của ai. Họa sĩ Lê Tiến Vượng nổi tiếng về thiết kế logo và minh họa tranh cho các báo nhưng ông làm thơ như... đánh răng rửa mặt hằng ngày vậy. Thơ của ông đậm chất dân gian trào lộng nhưng lại mang tính phóng sự.

Góc nhìn mới về chân dung qua
Cuốn sách "Ký sự nhân vật" của nhà văn Nguyễn Cao Thâm

Phần “Cảm ơn cuộc đời” đặt cuối cuốn sách là những câu chuyện về bạn bè, đồng nghiệp của tác giả. Đó là chuyện về nhà thơ Đặng Vương Hưng “giải cứu” thân phận Đa mang; nhà văn Nguyễn Khắc Trường lên vùng cao tìm chất liệu viết tiểu thuyết; nhà văn Vũ Thảo Ngọc viết văn trong phà bơm Mỏ than Cọc Sáu...

Phần này còn giới thiệu các nhân vật là người khuyết tật viết những tác phẩm nổi tiếng; những trẻ tự kỷ được huấn luyện theo phương pháp đặc biệt đã trở thành những “Biệt tài tí hon”, những Kỷ lục gia, Kỷ lục Guinness thế giới. Chuyện của họ là biểu tượng về tiềm năng, sức mạnh vô tận của con người.

Bằng những câu chuyện “người thật, việc thật”, nhà văn Nguyễn Cao Thâm đã khắc họa chân dung nổi bật của 68 nhân vật mang những vẻ đẹp nhân văn và những cống hiến của họ với đất nước.

Góc nhìn mới về chân dung qua
Nhà văn Nguyễn Cao Thâm

Tên thường gọi là Cao Thâm, bút danh: Minh Cao; sinh năm 1957, tại Hồng Thành, Yên Thành, Nghệ An; thường trú tại Hà Nội. Ông từng có 25 năm làm Phó tổng Biên tập phụ trách nội dung cho các báo, tạp chí trung ương và địa phương; hiện là chủ biên Chuyên đề Tác phẩm mới.

Ông đã xuất bản 22 đầu sách nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu - điện ảnh, phóng sự; và chủ biên hơn 30 bộ sách lịch sử, lịch sử truyền thống, nghiên cứu văn hóa... cho các tỉnh và các ngành: Than - Khoáng sản, Giao thông - Vận tải, Bưu điện, Y tế, Giáo dục - Đào tạo...

Hữu Minh | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Người cần mẫn viết chân dung Chân dung đại thi hào Nguyễn Du trong một thể loại phim mới Giáo sư Phong Lê ra mắt sách "90 chân dung văn hóa, văn chương Việt" Vinh danh những tác giả đoạt giải thưởng Cuộc thi viết Chân dung cuộc sống Người đi tìm chân dung các bạn văn
Nhà văn Quỳnh Dao qua đời

Nhà văn Quỳnh Dao qua đời

Theo nhiều phương tiện truyền thông Đài Loan đưa tin, vào khoảng 13h22 ngày 4/12, nhà văn nổi tiếng Quỳnh Dao đã tự sát tại nhà riêng ở quận Đạm Thủy, thành phố Tân Bắc, Đài Loan, thọ 86 tuổi.
Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Baovannghe.vn- Tôi bắt gặp bên đường/ hình ảnh của mẹ ngày xưa
Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Baovannghe.vn - Dự kiến từ năm 2025, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử.
Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Baovannghe.vn - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản 6150/TB-BLĐTBXH thông báo về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao đ
Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Baovannghe.vn- Người đục đá kê cao quê hương/ người mắt thẳm