Sự kiện & Bình luận

Kho Mường và những câu chuyện chưa kể

Lê Ngọc Sơn
Bút ký phóng sự
09:00 | 07/04/2025
Baovannghe.vn- Lần đầu tiên tôi tới với Kho Mường cách đây đã gần mười năm. Khi đó khu resort đầu tiên của Pù Luông là Pù Luông Retreat mới bắt đầu dựng những căn nhà gỗ, bể bơi còn đang xây dựng dở dang. Thế nhưng bây giờ khi trở lại Pù Luông thì các khu resort đã ken đặc kín với các đoàn xe chở khách du lịch vào ra nườm nượp. Khách quốc tế và khách nội địa rất đông đúc, vào những kì nghỉ lễ phải đặt trước phòng cả tháng thì may ra mới có chỗ nghỉ.
aa

Một ngày cuối tuần, gia đình tôi sắp xếp hành lí gọn nhẹ rồi lên đường. Điểm đến của chúng tôi là bản Kho Mường ở xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Đây là lần thứ năm tôi tới đây, và cũng chỉ ở đúng một nơi, là homestay nhà bác trưởng bản, bác Nếch.

Kho Mường và những câu chuyện chưa kể
Pù Luông nhìn từ đường vào bản Kho Mường.

Bản Kho Mường nằm sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Pù Luông. Ở đây không có các khu resort nghỉ dưỡng như ở bản Đôn, bản Báng, bản Hiêu gần đó. Ở Kho Mường chỉ có những căn nhà sàn của người dân tộc Thái Đen trong một thung lũng với núi đồi bao quanh tứ bề. Ở đó, tôi tìm lại được những gì bình dị và thân quen nhất. Tôi được thưởng thức những bữa ăn cây nhà lá vườn đậm chất rừng núi: muốn ăn cá thì xuống ao bắt, muốn ăn ốc thì lên rừng nhặt, rau thì sẵn hiên nhà, gà thì chạy quanh sân, vịt thì bơi dưới suối. Tôi được đắm mình trong đêm mưa giữa thung lũng mát lành, và được biết thêm nhiều câu chuyện ngày xưa qua lời kể của người trưởng bản già.

Lần đầu tiên tôi tới với Kho Mường cách đây đã gần mười năm. Khi đó khu resort đầu tiên của Pù Luông là Pù Luông Retreat mới bắt đầu dựng những căn nhà gỗ, bể bơi còn đang xây dựng dở dang. Thế nhưng bây giờ khi trở lại Pù Luông thì các khu resort đã ken đặc kín với các đoàn xe chở khách du lịch vào ra nườm nượp. Khách quốc tế và khách nội địa rất đông đúc, vào những kì nghỉ lễ phải đặt trước phòng cả tháng thì may ra mới có chỗ nghỉ. Thế nhưng, có lẽ là may mắn cho tôi, khi bản Kho Mường lại không có bất cứ khu resort nào và vẫn còn giữ được nét hoang sơ như ngày đầu tôi tới đây. Theo bác trưởng bản, Kho Mường nằm trong quy hoạch phát triển du lịch “treo” nên không có một công trình hay đường sá nào được xây dựng trong nhiều năm qua. Điều này giúp bảo tồn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên nhưng cuộc sống của người dân bản nơi đây chưa được khấm khá lên như các vùng du lịch bên cạnh.

Từ thị xã Nghi Sơn, chúng tôi chạy dọc theo tuyến đường Nghi Sơn – Sao Vàng, qua đất Nông Cống, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, vào thị trấn Cành Nàng của huyện Bá Thước. Từ đây, chúng tôi di chuyển tiếp 30km theo Quốc lộ 15C để tới được Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Xe đi dưới những tán rừng rợp bóng cây xanh. Phía bên đường thỉnh thoảng bắt gặp những thác nước nhỏ đổ từ trên vách núi xuống. Có những dòng thác tuôn nước trắng xóa xối xả, có những dòng thác nhẹ nhàng róc rách chảy. Quốc lộ 15C vừa mới hoàn thành nâng cấp, được trải một lớp nhựa mới, nên xe đi êm mượt. Cứ thế xe bon bon chạy và người ngồi trên xe mở hết cửa kính để đón gió trời, cố thu vào tầm mắt những cảnh đẹp của núi rừng.

Tới tấm biển chỉ đường vào bản Kho Mường, xe chúng tôi rẽ phải chạy xuống một con dốc. Đường đủ rộng cho hai xe ô tô con tránh nhau nhưng mặt đường nhựa do mưa xói mòn đã bị bong tróc chỉ còn những viên đá nhỏ dễ trơn trượt. Tới cổng chào của bản Kho Mường, chúng tôi chạy thêm chút nữa rồi tấp xe vào bãi đỗ ở bên trái. Ở lán cạnh đó đã có mươi người dân bản chạy xe ôm đợi sẵn. Bản Kho Mường với hang Dơi nổi tiếng, và lại vào ngày cuối tuần nên nhiều du khách ghé thăm. Tuy nhiên đường vào bản không thể đi ô tô do hẹp và dốc nên chỉ có thể đi xe máy. Con đường cheo leo và hiểm trở tới mức tôi ngồi trên xe máy mà thót tim ở những đoạn dốc đứng. Nhà bác Nếch nằm ngay bên tay phải ở phía cuối con đường.

Bữa cơm trưa được con dâu cả của bác Nếch dọn ra ở bàn ăn dưới chân nhà sàn với món gà nướng thơm lừng mùi mắc khén. Nền nhà cao nên từ chân nhà sàn chúng tôi vừa ngồi ngắm ruộng lúa, ngắm những đỉnh núi cao vút và thưởng thức bữa ăn ngon. Tôi mong đợi nhất là cơn mưa trong thung lũng mát lành nhưng trưa nay chỉ lất phất mấy hạt mưa bay. Nhưng tối đó thì tôi thỏa mãn với cơn mưa như trút. Tôi tới bên hiên nhà, nghe tiếng mưa xối xả trong đêm, ngắm nước mưa chảy xuống thành dòng từ mép mái nhà dưới ánh đèn vàng vọt. Đêm mát lạnh, mưa rầm rập, ánh đèn đêm giữa thung lũng, như tạo thành một bản giao hưởng của thiên nhiên. Tôi thấy may mắn khi được đắm mình trong một đêm mưa như thế. Đêm nằm nghe tiếng mưa rơi, mà như nghe rõ từng tiếng lòng mình vậy, mưa nhịp nhàng trong từng hơi thở.

Khi chúng tôi đến, những ruộng lúa ở Kho Mường đã trĩu nặng bông chuẩn bị vào vụ gặt. Con đường tới hang Dơi được người dân nơi đây đầu tư chăm chút để làm du lịch. Những hàng cây cau ven đường được trồng đều thẳm tắp xen lẫn những bụi hoa khoe sắc thắm. Con đường đi dọc theo một bên là dòng suối nước trong veo nhìn rõ cả những viên sỏi dưới đáy, một bên là ruộng lúa vàng ươm, xa xa là những ngọn núi cao bao quanh thung lũng. Từ phía đằng xa, đàn chim hàng trăm con bay tới bay lui, tưởng chừng như chúng không thể vượt qua dãy núi cao rồi bay lại. Khi tới hang Dơi chúng bay túm tụm lại trước vách đá vôi trắng dựng đứng trước cửa hang như đang có một sự kiện quan trọng của họ nhà chim. Bất chợt chúng bay đi đâu như tan biến vào không trung rồi một lát sau cả đàn lại quay trở lại. Những du khách phương Tây thích thú đứng chỉ trỏ và giơ máy ảnh lên chụp. Khi chúng tôi đi qua ai cũng thân thiện nở một nụ cười và miệng chào “Hello”. Có lẽ trong cái đẹp đến nao lòng của thiên nhiên cây cỏ nơi đây vào một buổi chiều mùa thu, những du khách khác màu da nhưng đều có chung một niềm cảm thán. Kho Mường đẹp quá, nó như kho báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người nơi đây vậy.

Trở lại sau chuyến đi tới hang Dơi, bữa tối chúng tôi được thưởng thức món đặc sản có lẽ là nổi tiếng nhất nơi đây: vịt suối. Tôi hỏi bác Nếch có phải là vịt Cổ Lũng (một giống vịt tiến vua nổi tiếng của Pù Luông) không bác, bác bảo cũng là giống vịt đó nhưng nuôi ở con suối Kho Mường. Tôi đã thử ăn cả hai nơi và theo cảm nhận của tôi, vịt suối ở Kho Mường còn ngon và ngọt hơn cả vịt Cổ Lũng. Miếng thịt thơm và mềm, có lẽ bởi giống vịt này chỉ quanh quẩn kiếm ăn bên dòng suối trong vắt chảy không ngừng từ trên đỉnh núi cao Pù Luông xuống. Nếu có một lần đến với Kho Mường, bạn hãy thưởng thức món vịt luộc đơn giản mà ngon miệng. Bạn cầm chiếc đùi vịt luộc lên, chấm với muối có trộn mắc khẻn và hạt dổi, rồi đưa lên miệng và dùng răng tuốt lấy miếng thịt ra khỏi đoạn xương ống nhỏ xíu đó. Bạn để cho nước miếng tứa ra thấm vào miếng vịt đã thấm đủ những gì tinh hoa nhất của núi rừng, của dòng suối trong vắt, rồi khoan thai nhai. Tôi đảm bảo bạn sẽ không có gì phải hối tiếc nữa. Miếng ngon nhớ đời.

Sau bữa ăn, chúng tôi ngồi trò chuyện với bác Nếch. Bác bảo núi rừng Pù Luông còn nhiều động vật hoang dã, có cả gấu chó, nhưng thường gấu thấy người là trốn đi, chứ không tấn công người. Tuy nhiên đi rừng cũng còn nhiều rủi ro như rất dễ gặp rắn rết, nên thường phải đi hai ba người để đảm bảo an toàn cho nhau. Tôi nhớ lần đầu tiên gặp người trưởng bản là khi bác từ trên rừng trở về. Bác đi từ sáng tới gần trưa, mang theo về một gùi to sau lưng đựng đầy rau dớn, măng trúc, ốc đá và một tổ ong non. Ong non được bác bọc trong lá chuối và nướng trên bếp than hồng. Món ăn này khá lạ miệng và rất bổ béo, theo lời giới thiệu của bác. Bây giờ thì bác có tuổi rồi, nên không còn đi rừng hàng ngày như trước nữa.

Bác Nếch là người đầu tiên của bản theo học lớp đào tạo của tỉnh về cách làm du lịch homestay. Sau đó một số nhà trong bản cũng học làm theo. Tới nay cả bản có 5-6 nhà làm homestay trong số hơn 40 mái nhà nơi đây. Ngôi nhà sàn là nhà chính của gia đình bác, có treo rất nhiều ảnh của gia đình, huân huy chương và bằng khen. Gia đình làm homestay nên căn nhà để cho khách nghỉ, nhà bác ở một gian kế bên tựa lưng vào núi. Sau chín bậc cầu thang là một sàn nhà rộng đủ chỗ cho hơn 20 người nằm. Nhà bác Nếch là điểm dừng chân quen thuộc của khách du lịch nước ngoài trên tuyến đường trekking đi qua các bản làng nơi đây. Bác nói tiếng Anh “đủ dùng”, bác rót nước chè vối trong ấm tích và bẻ những quả chuối rừng treo cả buồng dưới chân nhà sàn mời khách. Trong tủ lạnh gần đó có các chai nước giải khát cho khách du lịch lựa chọn. Có nhiều người khách thích thú khi được ngồi nghỉ mát sau một chặng đường dài đi bộ và vui vẻ trả cho bác nhiều hơn.

Theo lời bác Nếch, bản Kho Mường còn có tên tiếng Thái là Hua Mường. Bác bảo “Kho” nghĩa là gốc, “Mường” nghĩa là làng. “Kho Mường” chính là nơi đầu tiên mà con người lập nghiệp tại vùng đất này. Bác Nếch kể trên đỉnh núi Pù Luông còn có một sân bay từ thời Pháp thuộc. Khi biết sắp thua cuộc ở Điện Biên Phủ, quân đội Pháp đã tháo dỡ những miếng nhôm lót sàn sân bay mang đi. Quân Pháp còn bắt người dân bản mang vũ khí súng đạn nhúng trong dầu rồi đóng trong các thùng gỗ mang lên hang núi cao cất giấu. Từ địa điểm tập kết sẽ có quân Pháp chuyển vào hang bí mật với cửa hang được lấp và xây lại trông giống như vách núi. Người dân bản sau này có lên núi tìm lại kho vũ khí đó nhưng không thể dò ra được miệng hang.

Theo chén nước chè, câu chuyện của người trưởng bản còn mang theo trăn trở về một con đường cho bản mà bao năm nay chưa được phê duyệt. Bác mong có một con đường nối từ trục đường chính vào bản để ô tô vào được. Tuy nhiên nếu làm đường ô tô thì con đường trekking nổi tiếng nơi đây xuyên qua sáu bản làng từ phố Đoàn sẽ không còn nữa, du lịch Pù Luông sẽ bị ảnh hưởng. Thế nên một con đường ô tô cho Kho Mường vẫn là một dấu hỏi lớn trong bài toán phát triển du lịch và cuộc sống người dân. Với riêng tôi, không biết nếu Kho Mường mà nườm nượp du khách và các khu resort với ô tô vào tận bản, thì liệu có còn là điểm đến đáng mong đợi nữa không.

Trong cánh rừng già… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Trong cánh rừng già… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannnghe.vn- Những dốc dài bỏ lại phía sau/ ngày trả về im ắng
Vẽ - Thơ Tân Quảng

Vẽ - Thơ Tân Quảng

Baovannghe.vn- Ngất ngư ngồi vẽ cơn say/ hồn như cốc chén rót đầy hoàng hôn
Vở ballet "Hồ thiên nga" được công diễn tại Nhà hát Hồ Gươm

Vở ballet "Hồ thiên nga" được công diễn tại Nhà hát Hồ Gươm

Baovannghe.vn - Đoàn 45 nghệ sĩ ballet của Nga đã có mặt tại Hà Nội chuẩn bị cho hai đêm diễn “Hồ thiên nga” nhằm hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Văn nghệ nuôi dưỡng tinh thần quân dân Khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Văn nghệ nuôi dưỡng tinh thần quân dân Khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Baovannghe.vn - Quân khu 4 gồm các tỉnh Bắc miền Trung, một vùng đất có truyền thống anh hùng, bất khuất. Hiện thực đời sống gian khổ, ác liệt, tinh thần quyết chiến, quyết thắng; hành động anh hùng, dũng cảm của quân dân Khu 4 đã thôi thúc văn nghệ sĩ sáng tạo, để lại nhiều tác phẩm có giá trị vượt thời gian, tiêu biểu cho dòng văn học - nghệ thuật (VHNT) về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng.
Từ hào quang rực rỡ đến bóng tối pháp đình

Từ hào quang rực rỡ đến bóng tối pháp đình

Baovannghe.vn- Từ những ngày đầu rực rỡ với hình ảnh tử tế, chân thành, họ đã vun đắp một đế chế niềm tin trong lòng hàng triệu người trẻ, để rồi chính sự liều lĩnh trong buổi “họp báo chui” và cơn bão ủng hộ thái quá từ fan/ người hâm mộ đẩy họ vào vòng xoáy không lối thoát.