Sự kiện & Bình luận

Kiên trì giải quyết “tồn đọng chiến tranh”

Nguyễn Mạnh Đẩu(*)
Tiếng nói nhà văn
12:05 | 29/07/2024
Baovannghe.vn- Trải qua mấy cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn 1,2 triệu người con ưu tú
aa
Kiên trì giải quyết “tồn đọng chiến tranh”
Nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu

Đất nước thống nhất đã gần nửa thế kỷ. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới phía Nam, phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế cứu giúp nước bạn cũng đã lùi xa nhiều chục năm, nhưng việc giải quyết hậu quả chiến tranh đến nay vẫn còn một khối lượng rất lớn, trải rộng trên mọi miền đất nước. Tính chất của công việc này vô cùng phức tạp, khó khăn, bức xúc... và tác động đến mọi tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội. Đây là một vấn đề hệ trọng, bức thiết, càng về sau càng khó.

Theo thống kê của ngành chức năng, kể từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có hơn 1.400 văn bản về chính sách ưu đãi các đối tượng liệt sĩ, thương binh và người có công... Hiện nay, cả nước đang có hơn 2 vạn thương binh nặng, 6 vạn người là bố mẹ liệt sĩ già yếu cùng 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước chu cấp và các cơ quan, đoàn thể phụng dưỡng suốt đời. Hàng triệu đối tượng chính sách khác, như lão thành cách mạng, vợ con liệt sĩ - thương binh, cựu thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, nạn nhân chất độc da cam/dioxin… được trợ cấp khó khăn, ưu tiên về nhà ở, học hành, việc làm, bảo hiểm y tế…

Quan tâm đến thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ cùng những người có công với nước là thái độ nhất quán và là chính sách xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta qua các thời kỳ. Đồng thời với việc tập trung chỉ đạo giải quyết các tồn đọng sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Các nội dung chính sách đó được các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt và tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ. Đặc biệt những năm gần đây, cùng với các chính sách đãi ngộ của Nhà nước, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được xã hội hóa thành những phong trào sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và đạt được những kết quả to lớn. Cùng đó là tinh thần khắc phục khó khăn, nỗ lực tự vươn lên của thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công... làm cho đời sống của các đối tượng chính sách từng bước được cải thiện. Những kết quả đó đã góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội trên từng địa phương cũng như trên phạm vi cả nước.

Mặc dù cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã nỗ lực bền bỉ hàng chục năm qua, nhưng hiện tại việc thực hiện chính sách liệt sĩ, thương binh và người có công vẫn còn nhiều tồn đọng. Nổi cộm nhất là thực trạng vẫn còn hàng chục vạn quân nhân hy sinh và mất tích trong chiến tranh chưa được xác minh hoặc chưa tìm được phần mộ. Trong các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, số mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính chiếm tỷ lệ bình quân hơn 60%. Đây là một vấn đề hệ trọng, vô cùng nan giải, phải bằng nhiều biện pháp, kiên trì giải quyết trong nhiều năm tới. Cùng đó là rất nhiều trường hợp thất lạc hồ sơ, mất giấy tờ, thiếu chứng cứ... của không ít đối tượng là liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu quân nhân và thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... chưa được xác minh và giải quyết chính sách thỏa đáng.

“Tồn đọng chiến tranh” là vấn đề của mọi quốc gia và dân tộc trên thế giới. Nước ta ngay sau khi giành được độc lập bằng cuộc Cách mạng tháng Tám -1945, thành lập nước Việt Nam mới, đã phải tiến hành mấy cuộc kháng chiến ngót bốn chục năm để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế... nên hậu quả chiến tranh vô cùng nặng nề, to lớn. Cùng đó là những hạn chế về điều kiện kinh tế - xã hội của một đất nước tiểu nông lạc hậu và một quân đội non trẻ “từ nhân dân mà ra”, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng theo hướng chính quy... Bên cạnh đó là những nguyên nhân chủ quan, như: trước đây do cán bộ chủ trì và cơ quan các cấp chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và những việc làm cần thiết của công tác chính sách thương binh - liệt sĩ trước, trong và sau từng trận đánh, từng chiến dịch; chưa lường hết tính chất phức tạp, khó khăn trong việc thực hiện chính sách... Sau chiến tranh, việc tổ chức thực hiện công tác chính sách không cơ bản, nền nếp, khoa học; có người, có bộ phận còn tắc trách, hành chính, quan liêu... Thậm chí có những hiện tượng tiêu cực như: bớt xén tiêu chuẩn các đối tượng chính sách, giả mạo giấy tờ để hưởng lợi bất chính v.v...

Những hạn chế và tiêu cực trên đây không chỉ làm ảnh hưởng công tác chính sách, mà còn tạo cớ để các thế lực thù địch và cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Trong thực tế đã có nhiều vụ việc các thế lực thù địch, bất mãn... lợi dụng những hiện tượng tiêu cực của cán bộ và khó khăn thiếu thốn trong đời sống của một bộ phận thương binh, gia đình liệt sĩ, đối tượng chính sách... để kích động gây rối, gây mất trật tự xã hội và an ninh chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết của nhân dân. Thực tế đó đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra giám sát, ngăn chặn đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực. Quan tâm chăm sóc tốt hơn đến đời sống của các đối tượng chính sách đang gặp khó khăn là biện pháp chống lại luận điệu kích động của các thế lực thù địch và phản động thiết thực và hiệu quả nhất. Cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan chức năng của các địa phương cần thường xuyên tuyên truyền giáo dục thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công tiếp tục phát huy truyền thống gia đình và bản thân trong thời kỳ mới, thật sự xứng đáng là những công dân gương mẫu và gia đình tiêu biểu.

Nhà nước và toàn dân cũng rất cần đổi mới hình thức và nội dung các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm đạt hiệu quả thiết thực và hợp lý hơn nữa. Ngày nay nền kinh tế đã phát triển hơn trước, đời sống chung của toàn dân đã được cải thiện, thì mức trợ cấp của Nhà nước và số lượng, chất lượng những món quà tình nghĩa cũng cần được cải thiện tương xứng. Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, Nhà nước cũng cần mở rộng diện trợ cấp, ưu đãi cho các đối tượng đã có những đóng góp nhất định trong kháng chiến nhưng chưa được hưởng chính sách ưu đãi, hoặc đã được ưu đãi nhưng còn ở mức thấp…

Mặt khác, phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với các liệt sĩ, thương binh và người có công phải là hoạt động thường xuyên; không chỉ riêng một Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, không chỉ riêng một tháng Bảy là Tháng tri ân. Tồn đọng chiến tranh là vấn đề phải giải quyết nhiều năm, nhiều đời và khó có thể đề ra một thời hạn hoàn thành triệt để. Nhưng nếu toàn dân và cả hệ thống chính trị cùng quan tâm, tích cực, kiên trì và không ngừng đổi mới thì hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” sẽ được bồi đắp và nâng lên thành một nét văn hóa tri ân của dân tộc Việt Nam trong thời đại hội nhập và phát triển.

NGUYỄN MẠNH ĐẨU(*) | Báo Văn nghệ

(*) Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Trung tướng, nguyên Cục trưởng Cục chính sách - Bộ Quốc phòng.

Nghĩ về “Tiếng nói nhà văn” Lời hứa của thời gian - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều Ngôi đền thiêng - Truyện ngắn của nhà văn Dương Hướng Nhà văn Chu Lai: Thao thức với phần đời chiến trận Nhà văn Jennifer Liddy: Năm lời khuyên về dịch thơ
Thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ duy trì nắng hanh. Nam Bộ mưa rào vài nơi

Thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ duy trì nắng hanh. Nam Bộ mưa rào vài nơi

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 23/11: Bắc Bộ đêm không mưa, ngày nắng. Nam Bộ mưa rào vài nơi.
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.