Diễn đàn lý luận

Xuân Diệu: Tương tác thơ và đời

Thanh Thảo
Chuyện văn chuyện đời
06:00 | 30/09/2024
Baovannghe.vn - Nhiều lần tôi với Ngô Thế Oanh và Trung Trung Đỉnh lên nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ Văn Cao, Xuân Diệu, lần nào chúng tôi cũng nói với nhau
aa

1. Thơ như nói

Nhiều lần tôi với Ngô Thế Oanh và Trung Trung Đỉnh lên nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ Văn Cao, Xuân Diệu, lần nào chúng tôi cũng nói với nhau: chẳng biết ai là tác giả bức phù điêu chân dung Xuân Diệu tạc trên bia mộ Ông, trông giống Xuân Diệu vô cùng nhưng... buồn quá. Liệu khi còn sống Xuân Diệu có buồn đến thế không? Nhìn bức phù điêu cứ như Ông đang khóc. "Giữa xã hội của đồng tiền lụ khụ/ Đến nỗi thanh niên cũng thành ra cũ/ Người ta thay tình ái tựa sơ mi/ Như sạch trong không còn giá trị gì" (Aragon và Elsa), những câu thơ ấy Xuân Diệu viết từ năm 1962 cho xã hội phương Tây, bây giờ đọc lại như thấy Ông đang viết về xã hội mình. Có những câu thơ không cũ, và cùng với những khúc quanh của thời gian, nó như được làm mới lại. Dường như Xuân Diệu cũng có những bài thơ dễ dãi, nhất là trong những năm 60, 70, nhưng ta thử đọc một đoạn thơ đơn sơ này xem, viết vào năm 1962: "Một buổi chiều trong bếp nấu cơm/ Má đang lặt rau, lửa nhè nhẹ cháy/ Một buổi chiều trong vườn sạch lá/ Đất còn mang dấu chổi quét ban mai"(Một buổi chiều) Những câu thơ thơm mùi đất, mùi bếp lửa, mùi của yêu thương có thể không bao giờ còn trở lại. Đơn sơ, giản dị khác với dễ dãi là vậy! Xuân Diệu có tập thơ mang tựa đề "Gửi hương cho gió", thì những câu thơ như vừa trích chính là mùi hương của thơ Ông "hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya", nó nhẹ nhàng mà khiến ta day dứt, nó đọng lại đâu đó trong ta khi gió đã ngừng và những ồn ào đã bặt.

Xuân Diệu có thể viết những bài thơ lộng lẫy, ngân vang như "Nguyệt Cầm", lại có thể viết những bài thơ giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Ông là một trong những nhà thơ Việt có ý thức làm thơ "như nói" từ khá sớm: "Theo ý má, con là hơn tất cả/ Ánh mặt trời, má cũng gửi vào con/ Bánh con cho, má để dành lại đã/ Con ăn cùng, má mới thấy quà ngon/" (Thơ tặng má). Những ngắt nhịp của đoạn thơ khiến người đọc cảm thấy như tác giả đang một mình trò chuyện với mẹ mình, trong im lặng. Còn đây là một ngắt nhịp khác, như tiếng kêu thốt hồn nhiên của những đứa trẻ, trong bài "Cho chú xin một quả si"- "Mấy cháu trai cầm những nhành lá mượt tươi/ Điểm những trái nhỏ, vàng, tròn, chín, mập/ Một cháu hãy còn ngửa đầu tiếp tục/ Nhón gót lên với bẻ những cành la...". Đó cũng là sự kín đáo của kỹ thuật "thơ vắt dòng" mà bây giờ một số người đang khuếch trương tới mức nống lên, làm toang hoác ra. Xuân Diệu, ngay từ thời Thơ Mới, đã có ý thức du nhập "kỹ thuật" thơ Phương Tây, đến nỗi nhiều người kêu Ông làm thơ "Tây quá". Thực ra, nếu chỉ đơn thuần dùng kỹ thuật thơ Phương Tây, dù là kỹ thuật tân kỳ, Xuân Diệu cũng không thể chinh phục được người đọc như Ông đã chinh phục. Chính hồn Việt, hồn Phương Đông, ngất ngây trong đạm bạc, giàu có trong tiết giản đã khiến thơ Xuân Diệu được người Việt yêu thích. Và sự chân thành đến tận cùng, đến không sợ những câu chữ có thể bị coi là ngây ngô, đã khiến thơ Xuân Diệu đặc biệt gần gũi với đời thường.

Xuân Diệu: Tương tác thơ và đời
Nhà thơ Xuân Diệu (1916 - 1985)

2. Đi trên dây

Dĩ nhiên, đi như cách Xuân Diệu đã đi trong thơ "đời thường" là đi trên dây, quá một chút sẽ hóa văn xuôi, còn non một chút thì đó là thơ có vần chưa tới. Xuân Diệu, trong rất nhiều bài thơ của mình, đã giữ được sự thăng bằng động ấy, như một nghệ sĩ đích thực. Vâng, một nghệ sĩ đích thực là người thường phải "đi trên dây" trong những tác phẩm của mình. Sự chênh vênh, bập bênh của ngôn ngữ được thể hiện trong tác phẩm lại cũng là một thước đo để người ta đánh giá tài năng của một nghệ sĩ ngôn từ. Từng là người làm thơ với "ngôn từ đẹp", Xuân Diệu đã tìm đến cái đẹp ẩn khuất của những từ ngữ bình thường, những ngôn từ sù sì và "không đẹp" nếu ta dùng thước cũ để đo. Bài thơ "Đêm ở Thái Bình" đã khiến không ít người phải ngạc nhiên: "Những cây xoan Thái Bình nói gì trên ngọn?/ Gió thổi qua biển về thổi qua đồng/ Và thổi trên trời: ba mênh mông/ Lại cả rằm trăng mây giăng nhẹ khuất/ Sẫm thấp chuối chen những tàu rộng mát/ Mấy thân cau, vài dăm bụi tre cao/ Vạn tiếng côn trùng trong đất xôn xao/ Một mặt ao cây vối nghiêng sát nước/ Thỉnh thoảng ếch kêu trội hơn tiếng khác/ Nhất là chó sủa văng vẳng hay hay/". Thế cũng là thơ ư? "Nhất là chó sủa văng vẳng hay hay" là một câu thơ ư? Hồi ấy người ta hỏi nhau vậy. Bây giờ, khi thơ đã tự giải phóng cho mình bao ràng buộc, đọc lại đoạn thơ này, tôi càng cảm phục Xuân Diệu: Ông đã đi một bước trước. Quả thật, đó là những câu thơ tuyệt hay. Và hiện đại. Là người có kiến văn rất rộng, và rất nhạy cảm, Xuân Diệu đã cùng lúc cho thơ mình chạy trên hai đường băng ấy. Không phải ai cũng phối hợp được sức đọc và sức cảm để có những tác phẩm đầy cá tính.

Xuân Diệu là người suốt đời khao khát, suốt đời thiếu hụt. Tôi đã không ít lần được ngắm nhìn Xuân Diệu... ăn. Ông ăn ngon lành và mê say như thể không còn được ăn một lần nữa. Bây giờ thì tôi hiểu: Ông "đói" đời sống, cái đời sống cụ thể, tươi mởn, tràn trề, sinh động kia, Ông "vội vàng" vì bị cái cảm thức "trôi qua" đe dọa. Chính từ cái chênh vênh giữa tồn tại và hư mất ấy, mà Ông làm thơ. Một quả sấu một quả si hay một quả táo với Ông là cả "một khối hồng". Khối hồng ấy chính là đời sống. "Có lẽ mùa xuân líu lưỡi tôi/ Lời dâu tôi nói chửa nên lời/ Dâu vừa mơn mởn, vừa xa thẳm/ Vừa lá long lanh, hom mát tươi/ " (Trên bãi sông Hồng). Bãi dâu ấy với Xuân Diệu cũng chính là đời sống. Ông là một trong những nhà thơ ngợi ca đời sống tuyệt vời nhất không chỉ của thơ ca Việt Nam.

3. Thèm đời sống

Thèm đời sống là cái thèm đặc trưng trong thơ Xuân Diệu. Có lẽ nên đọc Ông bắt đầu từ đó. "Cay sống mũi như là ăn rau cải" (Lệ). Tôi chưa thấy ai có một so sánh đột ngột như thế, cái cảm giác "cay sống mũi" lúc muốn khóc lâm li hơn cái cảm giác "cay sống mũi" khi ăn rau cải cay hay mù tạt chứ ạ! Thơ Xuân Diệu đã vượt qua sự "lâm li" truyền thống ấy để nói với ta một điều: cảm giác là cảm giác. Và khi là cảm giác về đời sống, của đời sống thì tất cả đều có thể tương đồng. Dường như Apollinaire cũng đã ngợi ca một cách cảm nhận về cảm giác như thế. Trong bài thơ "Xoài thanh ca Bình Định" Xuân Diệu đã đi tới tận cùng cái cảm giác của một đứa trẻ ăn xoài như thế này: "Má gọt thịt cho ăn/ Đến khi lưa cái hột/ Vẫn ôm lấy cạp hoài/ Bởi cứ còn thơm ngọt/ ". Đó không chỉ là "cạp" trái xoài. Đó là "cạp" chính đời sống đấy! Đã lắm, những câu thơ như thế! Sau ngày giải phóng, về quê Gò Bồi thăm chị Bốn, được chị mình cho "Quả trứng gà ấp dở/ Chị nướng lên cho em/ Mùi trứng nướng thơm phức/ Đến già em chẳng quên", ta lại thêm một lần ngạc nhiên về món ăn dân dã mà độc đáo này: món trứng nướng. Nhưng đây không phải món ăn trong nhà hàng đặc sản, mà là món quà tình quà nghĩa chị Bốn cho nhà thơ ăn sau mấy mươi năm xa cách, nó tích hợp được cái "ngon" của đời sống và cái "thương" cái "tình" của thơ. Đó là sự tương tác giữa thơ và đời thường thấy trong thơ Xuân Diệu. Về Phan Thiết thăm "kinh đô nước mắm", Xuân Diệu lại có bài thơ mà phải là người biết thưởng thức mùi thơm vị ngọt của nước mắm mới đọc ra cái hay của nó: "Tháng ba gió nam non/ Đánh cá ngừ, cá trích/ Tháng sáu gió nam già/ Lắm thiều, ngân, cơm, mực ". Và đây là hình ảnh ngư dân Phan Thiết: "Người Phan Thiết vạn chài/ Sắc mắt từ khơi đến/ Gió cứng tóc trên đầu/ Tay vặn cùng sóng biển ". Có nhiều lắm những bài thơ Xuân Diệu như thế. Ngày trước, trong một chủ trương "văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa" đầy tính quan phương và bất trắc, Xuân Diệu lại biết tìm cho thơ mình một lối đi riêng mà quan chức văn nghệ thì khen ông "làm thơ đúng đường lối", còn dân tình đọc thơ thì thấy gần gũi, còn bây giờ, giữa sự cởi mở ta lại nhận ra thơ ấy đích thực là... thơ hay. Bởi cái "cảm giác chủ" khi làm thơ là cảm giác thèm đời sống. Không thèm đời sống thì làm sao ra thơ? Đến thơ Thiền, thơ thoát tục cũng là thơ thèm đời, chỉ cách thèm là khác thơ trần tục thôi.

Thanh Thảo | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Nhớ về cơn gió lạ cao nguyên Thu Bồn - một tình yêu quá cỡ Trong căn phòng ẩm mốc của thời gian Gương mặt mấy nhà Văn - Nghệ Bức thư của Phùng Quán gửi cậu
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…
Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Baovannghe.vn - Trong khuôn khổ " Ngày hội đổi mới sáng tạo" - hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” đã đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề về Đổi mới Giáo dục đại học hiện nay.
Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chào mào hót: cởi quách cái thử nào/ Cô gái trẻ giật mình cài lại yếm.
Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- "Tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân”/ Trong hội trường/ Anh vận bộ veston đỉnh đạc bước lên sân khấu nhận giải thưởng
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói