Sáng tác

Ngày trở về. Truyện ngắn của Trần Thị Thắng

Trần Thị Thắng
Truyện 07:00 | 21/04/2025
Baovannghe.vn- Chỉ cần thấy xa lộ Biên Hòa là tôi thỏa mãn tò mò, vì thời ở Xóm Thuốc (xã An Phú - Củ Chi), chúng tôi có bao điều bình luận về vùng ven Sài Gòn lẫn Sài Gòn. Bây giờ ở trong lòng Sài Gòn, có lúc thấy “buồn cười” vì sự tưởng tượng quá xa thực tế. Chú Thành thăm tôi chốc lát rồi bàn để tôi đi cùng chuyến thương binh của Quân đoàn 1 ra Bắc thăm gia đình bằng máy bay…
aa

Tôi trở về với không khí 30/4/1975 của Sài Gòn náo nức. Dân làng báo đang săn lùng những tấm ảnh xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập. Người tìm tôi đầu tiên tại 190 Công Lý là Xuân Diệu, anh nằm tại phòng anh Trần Đức Cường và bị sốt. Khi đi công việc về, vừa bước chân vào, Xuân Diệu vùng lên mắng té tát:

Ngày trở về. Truyện ngắn của Trần Thị Thắng
Minh họa Đỗ Dũng

- “Tiếng gà và cánh diều” viết khô, đấy không phải là tạng văn của em!

Tôi im lặng đi pha cốc nước chanh cho Xuân Diệu. Bởi ông luôn đòi hỏi “thước đo thơ văn của ông là 1,1m, đừng bao giờ bắt thước của ông là 90 cm”. Được Xuân Diệu đọc văn và chỉnh cho là điều ai cũng mong ước, vì anh rất quan tâm đến lớp trẻ chúng tôi. Tôi đi kiếm cháo cho Xuân Diệu, anh ăn xong vã mồ hôi và nói rất nhanh:

- Anh phải đi tìm Tịnh Hà, đến đây tìm Tịnh là dễ dàng nhất.

Và thế là anh lại lũi cũi ra đi cả không quay lại nhìn tôi tiễn anh ra cổng. Anh Tịnh Hà sửa morat cho báo Văn nghệ Giải phóng, nên vừa giải phóng xong Xuân Diệu đã nôn nóng đi tìm em trai. Chiếc xe com-măng-ca phanh két, chú Thành tôi nhảy xuống xe, chào Xuân Diệu, hai người tay bắt mặt mừng, tôi chạy theo, Xuân Diệu chỉ và nói:

- Thắng nó đang cần ra xa lộ Biên Hòa, anh đưa đi cho thỏa lòng “chiến sĩ”.

Và thế là tôi được ra xa lộ Biên Hòa thật. Cái ngày ở Củ Chi, chúng tôi thần tượng hóa xa lộ Biên Hòa có thể cho máy bay tiêm kích A-37 hạ cánh. Đứng bên xa lộ, quả con đường rộng lớn, có con lươn ngăn cách giữa đường, chú tôi nói lại rất dễ hiểu:

- Máy bay trực thăng thì hạ cánh tốt, còn máy bay phản lực A-37 nó có đường bay riêng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế vì trên mình nó có hàng chục trái bom từ 500kg đến 700kg.

Chỉ cần thấy xa lộ Biên Hòa là tôi thỏa mãn tò mò, vì thời ở Xóm Thuốc (xã An Phú - Củ Chi), chúng tôi có bao điều bình luận về vùng ven Sài Gòn lẫn Sài Gòn. Bây giờ ở trong lòng Sài Gòn, có lúc thấy “buồn cười” vì sự tưởng tượng quá xa thực tế. Chú Thành thăm tôi chốc lát rồi bàn để tôi đi cùng chuyến thương binh của Quân đoàn 1 ra Bắc thăm gia đình bằng máy bay…

Sau khi chia tay người chú ruột, chúng tôi trở lại làm báo cấp tập. Ngày 28/5/1975, tờ Văn nghệ Giải phóng số 49 ra mắt công chúng Sài Gòn. Khi bài vở đã đầy đủ, đến khâu giấy phép thì lúng túng vì từ xưa ở R, cứ in báo là in, chẳng ai quan tâm đến giấy phép, vậy là phải đi tìm người trước đây giữ giấy cấp phép. Anh Diệp Minh Tuyền phải tự tay gõ cửa kho mực in, kho giấy, cho gọi những công nhân in trở lại làm việc. Ông Trần Bạch Đằng thì luôn luôn đốc thúc chúng tôi phải mau ra báo. Cả 190 Công Lý (cũ) bấn như xúc xích.

Cầm tờ báo in khổ lớn, chúng tôi vui mừng biết chừng nào. Trong tòa soạn, thủ trưởng Hoài Vũ thúc giục mọi người đi đặt bài, ai có bài trước được cắm cờ đỏ. Tôi đi gặp nhà văn Vũ Hạnh để xin bài, ông tiếp tôi ở căn nhà đường Nguyễn Thông, Quận 3. Khi biết tôi là phóng viên báo Văn nghệ Giải phóng, ông trao đổi rất lịch sự và hẹn hai ngày nữa sẽ mang bài đến báo. Quả thật hai hôm sau, ông đến 190 Công Lý đưa bài cho Tổng Biên tập Hoài Vũ. Chúng tôi đăng một loạt bài của nhiều tác giả trên mọi chiến trường, cùng những giờ phút tưng bừng giải phóng ở các địa phương. Sau khi báo ra đến số 50, 51-52, ngày 5/7/1975, tôi và Hà Phương về miền Bắc thăm gia đình và được giao nhiệm vụ xin thêm một số anh em phóng viên cho báo Văn nghệ Giải phóng. Trong một chuyến bay cùng thương binh Quân đoàn 1 ra Bắc là ngày 5/7/1975, chú Thành cho xe đón cả hai vào sân bay Tân Sơn Nhất. Không có chuyến xe đưa đón của Quân đoàn 1, chúng tôi không thể vào trong khu sân bay vì ở đây quân quản canh gác cẩn mật. Đến trước 14 giờ, chúng tôi được vào khu chờ của sân bay. Lúc này tôi được đi tham quan thoải mái các phòng, ban của Mỹ đã được thiết lập tại sân bay Tân Sơn Nhất, như Bộ Chỉ huy Lục quân (United States Army Vietnam USRV); Bộ Tư lệnh Hải quân (Naval Forees Vietnam NAVFORV); nhóm nghiên cứu và quan sát (SOG), tất cả từng đóng trong sân bay, đôi ba dòng nhãn hiệu rơi lả tả. Một bộ máy chiến tranh do Mỹ thiết lập ở sân bay có cả tình báo, CIA, với những bộ óc chiến lược và chiến thuật được nghiên cứu cụ thể cho từng giai đoạn chiến tranh: Cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh, đến từng trận càn, từng chiến dịch. Vậy mà tất cả cùng cuốn gói ra đi một cách nhanh chóng sau 27/1/1973, khi hiệp định Paris vừa ký thì tất cả những văn phòng trên giải tán. Một văn phòng cuối cùng của cuộc chiến tranh còn tồn tại ở sân bay là Văn phòng tùy viên quân sự, viết tắt là DAO, do tướng John Murray phụ trách thay tướng Abrams Jr (từ 28/1/1973 đến tháng 8/1974). Sau này ông trao lại cho tướng Homer D. Smith.

Bên kia văn phòng DAO là Trại Davis (nơi mà Việt Nam Cộng hòa hy vọng có thể diễn ra hiệp thương). Đại diện của Quân Giải phóng đóng cho đến ngày 29/4/1975, trại Davis vẫn tồn tại tại sân bay Tân Sơn Nhất cho tới 11g30 ngày 30/4/1975. Trong sân bay, những thùng sơn máy bay đổ lỏng chỏng, dấu ấn của những giờ phút nhộn nhịp tân trang máy bay, thay cờ Mỹ để quân đội Hoa Kỳ rút chạy vào ngày 28/4/1975. Với 244 máy bay hạ cánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất mang cờ ba sọc, phải được thay cờ Mỹ trên máy bay để kịp di chuyển người Mỹ và những cộng sự người Việt Nam chạy sang Philippines, Thái Lan. Trong ngày, đã di chuyển được 23 phi công lái F5E, A-37 chạy sang Thái Lan. Cùng ngày nhiều tàu chiến cũng thay cờ để di chuyển một lượng lớn người di tản trước khi quân Giải phóng tràn vào Sài Gòn. Còn trong Dinh Độc Lập, cũng đúng ngày 28/4/1975, Dương Văn Minh lên nắm quyền Tổng thống thay Trần Văn Hương để điều hành Nam Việt Nam.

Chúng tôi đứng trong sân bay Tân Sơn Nhất nhìn xuyên suốt sân bay ngổn ngang máy bay cháy, máy bay còn mang cờ ba sọc chưa kịp sơn lại, máy bay cờ Mỹ bị hư hỏng cùng mấy máy bay mang cờ đỏ sao vàng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi gặp một chiến sĩ canh gác trong sân bay. Anh tên Nguyễn L, người Thọ Xuân, Thanh Hóa, tôi phàn nàn:

- Các phòng ban ở đây trang bị điều hòa, quạt, tủ… mà bị ta bắn hỏng quá nhiều, chắc là anh em mình phá?

Anh L. trả lời tôi rất bình tĩnh:

- Có một phần anh em bắn phá hỏng, một phần mảnh bom pháo rơi vô. Hai “công chúa” đi chiến trường còn “son” lắm. Tôi bị bắt đi tù Côn Đảo, là tù binh có được đối xử theo công ước tù binh chiến tranh đâu? Chúng cũng tra tấn đấy. Khi được trao trả, bọn tôi lại đầu quân để chiến đấu chỉ mong mau thống nhất mà về quê cha. Cái bọn Việt Nam Cộng hòa đối xử với anh em ta dã man lắm. “Công chúa” được về bằng máy bay thì oách rồi, cố gắng phụng dưỡng cha mẹ nhé!

Cho tôi gửi lời thăm miền Bắc.

Anh L. dẫn chúng tôi ra máy bay, chiếc máy bay vận tải An-24 chở toàn thương binh nặng của Quân đoàn 1, các anh bị băng bó đầy đầu, bụng, hai chân. Thi thoảng họ đòi uống nước, tôi đỡ bình toong cho anh em uống, đôi mắt của họ bày tỏ sự cảm ơn, đa phần không nói được. Trong suốt hành trình chờ chuyến bay cất cánh, chờ phát thức ăn (lương khô), ai cũng chỉ bình nước. Tôi nhìn họ, sự mệt mỏi, nỗi đau đớn họ cố kìm lại, hình như chẳng ai đói vì đau đớn, khó thở, khó chịu, nên chẳng còn thiết gì ăn. Họ được chuyển ra Bắc với hy vọng được chăm sóc y tế khá hơn và được gần nhà hơn, sau hàng ngàn cây số chinh chiến mệt mỏi. Chỉ có một y tá đi cùng, anh cố gắng hết sức để chăm sóc anh em, đôi khi anh vẫy chúng tôi lại nhờ đỡ cho người bệnh nằm duỗi chân còn lại cho đỡ đau. Cả khoang thương binh và chúng tôi hình như đau cùng nỗi đau khi những vết thương đã nhiễm trùng. Nhớ khi máy bay hạ độ cao ở sân bay Gia Lâm, có tiếng hét rất to, người y tá lao lại ôm chặt người thương binh với giọng dỗ dành:

- Đau đầu một chút thôi! Máy bay hạ cánh rồi, cố lên Tuấn ơi, anh thương mày lắm!

Nói xong anh ghì chặt bạn hơn cùng tiếng gào hét toáng cả khoang máy bay. Anh y tá khóc lớn hơn. Tôi biết anh còn bị mảnh đạn găm trong đầu. Khi sang cầu Gia Lâm, chúng tôi xuống xe để về cơ quan Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, 51 Trần Hưng Đạo, mấy bàn tay thương binh giơ ra bắt thật chặt, người y tá đeo ba lô cho tôi xuống xe và thì thầm:

- Chị ráng giữ sức khỏe và điều cần nhất là đừng để sốt, lúc này sốt nặng là quỵ liền vì ngoài Bắc không có thuốc sốt rét nhiều đâu, cố lên nhé!

Lần đầu tiên được đi máy bay quân sự cùng anh em thương binh, tôi hiểu ra những việc mình làm trong năm năm qua chỉ là một cơn gió thoảng so với những đồng đội thương binh của Quân đoàn 1 đi trong chuyến bay ngày 5/7/1975.

Chia tay anh em thương binh, chúng tôi vào gặp thủ trưởng Bảo Định Giang. Ông ân cần tiếp chúng tôi trong niềm vui rộn ràng vì biết chúng tôi từ Sài Gòn mới ra. Ông đọc thư Hoài Vũ đề nghị xin thêm anh em vào làm báo Văn nghệ Giải phóng. Vui quá, Bảo Định Giang chạy sang gọi anh Chế Lan Viên. Anh Chế bắt tay vui mừng khi gặp hai học trò của các anh trở về vẫn mạnh khỏe. Nhìn vào bảng công việc, Chế Lan Viên nói:

- Tìm nhân tài đất Việt làm báo Văn nghệ khó lắm đó, ngoài này cũng đỏ mắt đi tìm, nhưng thôi ưu tiên cho Văn nghệ Giải phóng thì tìm mãi cũng “ra mắt được mấy anh”.

Cả bốn chúng tôi cười vui vẻ. Anh Bảo Định Giang hẹn tôi mười ngày trở lại Hà Nội nhận người. Tôi và Hà Phương chia tay nhau, người về thị xã Thanh Hóa, người về Ấm Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ bằng tàu hỏa, vé do văn phòng Hội Liên hiệp mua cho. Lúc này anh Bảo Định Giang là Phó Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Tôi về quê khi tàu đỗ ở ga Ấm Thượng lúc 9 giờ tối. Bác Nồng người miền Nam làm ở ga gần nhà tôi, chạy lại vui vẻ đỡ ba lô và đưa tôi về nhà. Sáng hôm sau, cả phố Ấm Thượng biết tôi đã ở chiến trường về còn nguyên vẹn chân tay. Ai ai cũng đến chúc mừng gia đình có con đi chiến trường trở về bình an. Theo như mợ tôi tính, sơ sơ cũng có 5 thương binh về làng, người thì cụt chân, hỏng mắt, mất cánh tay. Đêm đầu tiên được ngủ tại nhà, ba mợ tôi dường như không ngủ, thi thoảng mợ tôi lại nhìn tôi ngủ, rồi vén màn, đôi lúc thò tay vào màn nắn bóp chân tay, rồi chạy ra nói chuyện với ba tôi.

- Tôi cứ ngỡ là mơ ông ạ! Con nó về nhà mình thật mà cứ ngỡ như mơ, mừng nhất là con còn đủ chân tay, không bỏ lại nơi xa cánh tay hay cẳng chân!

Nghe ba mợ nói chuyện mà tôi thương quá chừng, đêm đầu tiên ngủ nhà mà nước mắt cứ lã chã tràn trên mặt. Năm năm, tôi đi chiến trường xa nhà, cha mẹ tôi mòn mỏi mong đợi con trở về với bao lo lắng. Làng tôi có Đắc trở về, anh bị thương nặng phải có tiêu chuẩn người chăm sóc bên cạnh, đó là nỗi sợ hãi của ba mợ tôi khi con mình lại là phụ nữ. Thấy tôi trở về nằm trong mái nhà của cha mẹ mà vẫn sợ đó chỉ là giấc mơ. Càng nghĩ càng thương cha mẹ, và một ý nghĩ ăn sâu trong lòng là tôi sẽ trở về miền Bắc làm việc để được gần cha mẹ, anh em. Sau những ngày vui vẻ trở về, tôi cũng phải ra đi.

Nghe tôi trở lại Sài Gòn công tác, ngày cuối cùng bà con hàng xóm đến rất đông. Từ trong núi đến bên sông ai ai cũng kéo đến tạm biệt dù chỉ có ấm trà, ít kẹo lạc, bánh chả, bánh xốp, nhưng ai cũng vui vẻ, vì đất nước đã được hòa bình. Những câu chuyện xót xa đôi khi cứ lặng xuống: Cát cạnh nhà tôi đã hy sinh, Hùng con bà Mùi đã có giấy báo tử mới gửi về. Anh Hùng đen con ông Năm Ngộ sát hàng rào đã hy sinh cách đây hai năm. Trần Mạnh Đạt, em con ông chú tôi cũng hy sinh ở B3. Tên những người bạn, người thân hy sinh cứ ghi sâu trong tâm khảm tôi. Nên trong những cốc trà đậm có cả nước mắt của cha mẹ những người bạn đã ngã xuống khi mãi mãi ở tuổi hai mươi. Cuộc chiến tranh làm phố Ấm Thượng nhiều mất mát. Chưa kể Mỹ ném bom năm 1966 vào phiên chợ tại Ao Châu làm hơn trăm người chết trong một ngày. Ngày hôm đó, tôi có mặt khi anh Hồng và chị Dung đi tìm xác cha là ông Thực, tôi đèo chị Dung vào khu chợ bị bỏ bom để tìm xác cha. Những tiếng khóc tìm cha mẹ, tiếng quạ kêu khi xác người vương vãi khắp khu rừng đầy cây cọ và cây sở còn trơ cành, gánh trên mình những manh áo, manh quần, cánh tay, mảnh thịt người. Chiến tranh thật tàn khốc đến tàn bạo. Tôi cố quên những hình ảnh đau thương của mảnh đất trung du mà ba tôi sau khi về hưu quyết định lên Ấm Thượng để sơ tán, tránh máy bay địch tàn phá thành phố như cảng Hải Phòng. Nhưng ba tôi và cả nhà có chạy trời cũng không khỏi bom đạn Mỹ. Ba tôi giở chiếc khăn vải đỏ với những đồng tiền chắt chiu và nói:

- Ba cho con ít tiền lương hưu mà ba dành dụm suốt bao năm nay. Mang vào Sài Gòn sống mà giữ mình. Nhà mình là công nhân vẫn sống đời công nhân, tiền bạc trong đó nhiều đến đâu cũng cố giữ mình con ạ!

Tôi giở tấm vải đỏ với những đồng tiền mười đồng mà ba mợ tôi cố dành dụm cho tôi mang đi với tâm thế “giữ mình” đừng để sa ngã vào tiền bạc. Ba mợ tôi mang kinh nghiệm của những ngày mới giải phóng Hải Phòng 1955 để căn dặn tôi khi trở về nơi “Hòn ngọc Viễn Đông”. Tôi rưng rưng đưa lại tiền cho cha mẹ, chỉ xin giữ lời căn dặn làm của riêng cho mình. Cha mẹ tôi đã già đi trông thấy sau năm năm mòn mỏi trông tôi trở về an lành. Chiến tranh đã hằn lên từng nếp nhà, mái đầu và gương mặt người Việt Nam, trong đó có gia đình tôi. Tôi lên tàu về Hà Nội, cả ba mợ tôi lên theo sắp đặt chỗ ngồi cho con rồi mới nhúc nhắc đi xuống. Nhìn hai tấm lưng đổ xuôi về trước với bước đi cao thấp, lòng tôi thắt lại. Đợi tránh tàu từ xuôi lên chưa vào ga, ba mợ tôi vẫn đứng dưới ga nhìn theo như muốn gọi tôi mau mau trở về bên mái nhà tranh vách gỗ trong sự thanh bình của những ngày chiến tranh đã kết thúc. Khi con tàu dưới xuôi vượt lên, tôi chỉ thấy bóng cha mẹ nhàu trong làn khói hơi nước, tôi sợ một ngày nào đó tôi không còn được nhìn thấy cha mẹ trên cõi đời này. Bỗng tôi khóc lã chã khi xa cha mẹ ở thời bình, thời mà cả dân tộc chung vui và buồn khi người còn sống trở về, người thì nằm mãi với mái đầu xanh dưới mấy ngọn cỏ thoi loi.

Một tuần thu xếp công việc ở Hà Nội, tôi và Hà Phương được đi theo chiếc U-oát vào Sài Gòn. Đoàn đi có hai xe, một xe có cả ông bà Bảo Định Giang, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Tân. Xe của hai chúng tôi có thêm họa sĩ Nguyễn Thị Hải, nhà thơ Trang Nghị (báo Văn nghệ), Lê Thị Bi (vợ anh Trang Nghị ở báo Thống Nhất) cùng về làm báo Văn nghệ Giải phóng. Chúng tôi lại về báo Văn nghệ Giải phóng tại 190 Công Lý. Nơi đây vừa là chỗ ở của phóng viên, vừa là nơi làm việc của tòa soạn. 190 Công Lý quy tụ nhiều nhà văn về ở, và nhiều tác phẩm đã ra đời ở nơi đây như: Đứa con của đất (Anh Đức, 1976); Bên lở bên bồi (Lê Văn Thảo, 1976); Mưa ấm, Người yêu mùa thu (Trang Thế Hy, 1981); Vầng sáng chân trời, thơ, 1975, Hạnh phúc từ nay, thơ, 1978 (Giang Nam); Rừng dừa xào xạc, 1976, Quê chồng, 1978 (Hoài Vũ); Đêm châu thổ, thơ (Diệp Minh Tuyền, 1976); Ơi anh chàng hát rong, thơ (Lê Giang); Tìm ngọc về quê mình, 1987, Lang thang gió cát, 2000 (Lê Giang); Mùa nấm tràm, 1976, Đất trong làng, 1976, Mặt đất, 1976 (Đinh Quang Nhã); Xóm Bàu (Thạch Cương, 1976); Mùa thu trong suốt (Nguyễn Chí Hiếu, 1980).

Ở Sài Gòn, chúng tôi có trụ sở 43 Đồng Khởi (Tự Do cũ) hiện là Văn phòng phía Nam của báo Văn nghệ. Ngày đầu, là nơi phát hành của báo Văn nghệ Giải phóng. Khi mới về Sài Gòn, chúng tôi làm báo ở 190 Công Lý (cũ). Người đứng ra nhận phát hành báo Văn nghệ Giải phóng là chị Trần Thị Nhiễu (Chín Nhiễu). Chị cho làm phát hành ngay tại nhà mình ở số 12-14 Cao Bá Nhạ, Quận 1, sau đó phát hiện nhà 43 Đồng Khởi nguyên là trụ sở tờ Việt Nam Magazine của ngoại trưởng Sài Gòn Trần Văn Lắm, chúng tôi hợp thức hóa nơi phát hành báo Văn nghệ Giải phóng. Ngày ấy chị Chín Nhiễu đã tập hợp được nhiều học sinh, sinh viên tham gia phát hành, làm trị sự cho báo.

Khi Sài Gòn vừa giải phóng, tờ báo phải tổ chức ngay một bộ phận hành chính trị sự năng động, trong đó có bộ phận phát hành. Các em tham gia phát hành báo trên khắp các nẻo đường từ miền Trung vào đến Cà Mau. Hàng quý, chúng tôi vẫn phải gửi báo cáo phát hành cho đồng chí Trần Bạch Đằng, hiện ông còn giữ báo cáo số lượng phát hành của báo Văn nghệ Giải phóng là 10 vạn bản. Lần đầu tiên trí thức Sài Gòn, sinh viên, học sinh tiếp cận với văn học cách mạng qua báo Văn nghệ Giải phóng bắt đầu từ số 49, ra ngày 28/5/1975, in khổ rộng tại Sài Gòn. Số 49 đầu tiên được đặt trên bàn làm việc tại 190 Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Để có nơi làm việc cho báo, ngày 3/5/1975, Trần Đức Cường, Lê Quang Trang, Đặng Văn Dũng và Hoài Vũ phải phá khóa cổng để vào, lấy chung cư 190 đường Công Lý (cũ) làm nơi làm việc cho báo. Cũng từ đây chúng tôi chuyển sang in báo tuần với số lượng lớn. Báo tiếp tục in đến số 135 ra ngày 20/1/1977 thì có lệnh sáp nhập Văn nghệ Giải phóng vào tờ Văn nghệ.

Đội ngũ làm báo lúc đó không nhiều, nhưng nhanh nhẹn và làm việc đều tay, nên báo luôn ra đúng kỳ, bài vở chất lượng, đội ngũ lúc đó là: Hoài Vũ (Tổng Biên tập). Các trưởng ban: Thạch Cương, Lê Giang, Diệp Minh Tuyền, Lê Quang Trang. Các phó ban: Trần Ninh Hồ, Dương Trọng Dật, và các phóng viên: Mai Quốc Liên, Nguyễn Duy, Trang Nghị, Trần Thị Thắng, Văn Lê, Trần Mạnh Hảo, Hà Phương, Trần Đức Cường, Phan Xuân Biên, Bùi Hồng Việt, Hà Công Tài, Phùng Đức Thắng, Khuynh Diệp, Lê Thị By. Nguyên Đào (họa sĩ), Minh Chánh (họa sĩ)... Quyết định sáp nhập tờ Văn nghệ Giải phóng và tờ Văn nghệ được ký vào tháng 4/1977, kết thúc hành trình in 135 số (48 số in trong rừng, 87 số in tại Sài Gòn). Số 1 ra đời ngày 15/1/1961, in 100 bản khổ 22x16cm, dày 28 trang, số cuối cùng 135 ra ngày 20/1/1977, in 10 vạn bản (số 49 in 4 vạn, sau 7 vạn, rồi 10 vạn), khổ 30x42cm, 20 trang. Để đi đến được ngày 30/4/1975 và in 87 số tại mảnh đất vừa được giải phóng Sài Gòn (ra báo tuần) là hành trình vất vả, trong đó có cả sự hy sinh mất mát của bao chiến sĩ, đồng bào. Từ 1961 - 1968, báo ra được đều kỳ (báo tháng). Từ 1968 - 1973, báo ra thất thường, có năm ra được một số, bình quân chỉ ra được 8 số mỗi năm. Một con số khiêm nhường nhưng cũng phản ánh sự ác liệt của cuộc chiến tranh mà những người làm báo Văn nghệ Giải phóng phải dũng cảm sống ở chiến trường, phải gồng sức vừa chiến đấu, chống càn, vừa trồng khoai mì trên rẫy để ăn và sống, trước tiên là tồn tại, làm báo, viết văn.

Chúng ta có một đội ngũ làm báo Văn nghệ Giải phóng sáng tạo và dũng cảm, đó là Chủ nhiệm Trần Hữu Trang, cũng là Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng, ông hy sinh vào ngày 18/1/1966 (tức 27 tháng Chạp năm Ất Tỵ) tại Suối Cây, Sa Mát cùng do B.52 rải thảm. Sau là các Tổng biên tập: Nguyễn Văn Bổng, Anh Đức, Giang Nam, Hoài Vũ, Lý Bích Quang (giai đoạn cuối). Người toàn tâm lo cho báo Văn nghệ Giải phóng là nhà văn Trần Bạch Đằng (từng là Bí thư Sài Gòn - Gia Định, Tổng Biên tập báo Nhân dân miền Nam, phụ trách công tác Đảng ở thành phố Sài Gòn, công tác tuyên huấn của Trung ương Cục, Chủ tịch Hội đồng Văn học Nghệ thuật Giải phóng).

Những người đứng ra ký kết việc sáp nhập hai tờ báo là: Giang Nam, Hoài Vũ đại diện Văn nghệ Giải phóng. Một bên là nhà văn Bảo Định Giang, Đào Vũ, Kim Lân, Phạm Hổ, đại diện cho báo Văn nghệ. Kết thúc một tờ báo với 10 vạn bạn đọc.

Khi báo sáp nhập về Văn nghệ, tôi trở ra miền Bắc làm việc tại tờ Văn nghệ Trung ương từ tháng 7/1977. Khi ra đi từ Hà Nội với chiếc ba lô con cóc, khi trở về Hà Nội cũng với chiếc ba lô và một con nhỏ sáu tháng tuổi. Nếu có cuộc trường chinh lần nữa, tôi vẫn chọn đi dọc Trường Sơn vào lại Sài Gòn - Gia Định rồi về R. Và tôi vẫn chọn người bạn cùng lớp là Hà Phương đi cùng tôi xẻ dọc Trường Sơn, có vậy mới hiểu số phận dân tộc nằm ngay trong những nhân chứng lịch sử sống quanh ta. Sau giải phóng, tôi xin trở ra Hà Nội làm việc, tới lúc về hưu (2006), tôi trở lại Sài Gòn sống và viết những gì mình thích.

Khi về công tác tại Hội Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định năm 1972, tôi được làm quen và làm việc với các nhà văn trong chiến khu. Tôi trưởng thành và học nghề từ đây. Tôi nhớ khi gửi bài Tiếng gà và cánh diều cho anh Thạch Cương vào đầu năm 1973. Bản thảo được trả lại, ngoài chữ ký của Thạch Cương còn có Hoài Vũ, không sửa một câu, một chữ nào. Sau bài thơ được gửi ra miền Bắc in trên báo Thống nhất và Văn nghệ, năm 1974. Đối với người cầm bút trẻ, đó là một khích lệ rất lớn lao. Sau này ra Hà Nội công tác, tôi được làm việc với nhiều nhà văn hàng đầu của Việt Nam, họ sống và làm việc nghiêm túc, chân thành, cuộc sống đời thường rất nhân văn, nhờ vậy tôi có được 120 chân dung văn học về các nhà văn Việt Nam. Đã tập hợp in được 75 tác giả trong hai tập Con chữ soi bóng đời và Gánh chữ trên ngàn (2023), tôi cũng đã xuất bản 4 quyển tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, 4 tập thơ, 2 tập trường ca. Phải cảm ơn cha mẹ, cảm ơn các nhà văn đã cho tôi cuộc sống nhân văn của họ để tôi viết những câu chữ riêng cho mình. Xin cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được sống với những năm tháng chiến tranh và sau hòa bình. Vĩ thanh của Ngày trở về là một lời cảm ơn tất cả những con người mà tôi đã được sống và làm việc cùng họ.

Công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội bơi chải An Châu

Công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội bơi chải An Châu

Baovannghe.vn - Ngày 7/5, tại thị trấn An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang diễn ra Lễ đón nhận Quyết định công nhận Lễ hội bơi chải An Châu là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và Lễ hội bơi chải An Châu.
Thư chiến trường - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Thư chiến trường - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Thư viết từ mặt trận/ Đường hành quân không kịp gửi cho em
Chị - Thơ Trần Chấn Uy

Chị - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chị dỏng cao trắng ngần da thịt/ Tôi mười ba vỡ giọng vịt bầu
Kỷ niệm 100 năm Art Deco

Kỷ niệm 100 năm Art Deco

Một thế kỷ sau ngày Art Deco lần đầu tiên bừng sáng tại Triển lãm Paris 1925, phong cách hình khối táo bạo và mỹ thuật trang trí công phu ấy vẫn không ngừng chinh phục trái tim công chúng toàn cầu. Từ những tòa nhà chọc trời New York, poster quảng cáo hoành tráng đến nội thất xa hoa của Emile-Jacques Ruhlmann, Art Deco đã in dấu khắp châu lục và khơi mở nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Giờ đây, khi hàng loạt triển lãm kỷ niệm tròn 100 năm hồi sinh hình thái trang trí hiện đại ấy, thách thức bền vững cũng buộc Art Deco phải “lột xác” bằng vật liệu tái chế và công nghệ xanh—để vẻ đẹp hoài cổ nhưng tiên phong này vững vàng bước tiếp trong thế kỷ 21.
Nơi nào cha tôi ngã xuống - Thơ Trần Chấn Uy

Nơi nào cha tôi ngã xuống - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Sau chiến tranh, tôi tới Sài Gòn/ Giữa bát ngát phố phường và điệp trùng cao ốc