Sáng tác

Mây xanh từ quá vãng. Truyện ngắn dự thi của Nhụy Nguyên

Nhụy Nguyên
Truyện
13:03 | 01/11/2024
Baovannghe.vn - Nàng cũng tin Miếu Đôi là nơi mà dân làng ngầm thờ vua nhà Tây Sơn, vì sợ bị nhà Nguyễn phát giác khép trọng tội nên tuyệt đối không ai trong làng biết ngôi miếu thờ ai, hoặc biết song không nói ra. Cho đến hôm nay, làng Chánh đã nhờ nghiên cứu vấn đề này, để ngôi miếu được công khai thờ tự và dĩ nhiên sẽ trở thành một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt.
aa

Nàng mặc chiếc áo dài cách điệu, màu đất bùn pha chút hồng phai nhẹ, thanh mảnh dáng cung phi. Nàng đi với một người lớn tuổi, tôi thấy ông từ xa với chiếc áo màu xanh. Còn tôi đi với một nhà nghiên cứu. Một bác trong làng Chánh đứng bên nói trước đây quanh Miếu Đôi cây um tùm, làng mới thuê bứng bớt ở vòng ngoài, tôi thoáng nghĩ điều này thật đáng tiếc.

Mây xanh từ quá vãng. Truyện ngắn dự thi của Nhụy Nguyên
Minh họa Ngô Xuân Khôi

Tôi từng dự một buổi lễ nhỏ, có tiết mục ca Huế, tay nàng dẻo mượt trên phím đàn tranh, giọng rất ngọt. Tôi nghe say sưa. Hẳn lâu rồi nàng mới gặp một khán giả thưởng thức nhiều xúc cảm như thế. Nàng và tôi cùng đứng dưới một cây dới. Tôi hái những quả vàng ọng, tròn lẳn đưa nàng. Nàng cười rất duyên con gái gia phong. Chúng tôi gợi chuyện về đề tài sắp được các chuyên gia tọa đàm sau khoảng hơn tiếng nữa. Nàng từng nói với tôi là con gái út của một gia đình dòng dõi hoàng tộc. Nàng kính trọng cả vua Gia Long và vua Quang Trung, dẫu trong lịch sử hai triều đại và hai ông vua đã tạo nên một nút thắt cho đến bây giờ chưa dễ gỡ. Tôi vẫn hay dạo chơi ở núi Ngự, đứng lưng chừng nhìn tượng đài vua Quang Trung, ngắm thần sắc, dáng oan dũng ấy. Tôi cũng thích lăng vua Gia Long, một nơi độc đáo về phong thủy.

Tôi đọc file kỉ yếu nhận được tối qua, bên cạnh những bài nghiên cứu chuyên sâu với những lí lẽ khá chân thực, dẫu có pha chút huyền sử, còn có câu chuyện về hoàn cảnh của từng nhân vật lịch sử mà gia đình họ gắn với biến cố liên quan với ngôi Miếu Đôi ở làng Chánh đang được xem là nơi thờ hai vua nhà Tây Sơn, đúng hơn là hai linh sọ.

Nàng cũng tin Miếu Đôi là nơi mà dân làng ngầm thờ vua nhà Tây Sơn, vì sợ bị nhà Nguyễn phát giác khép trọng tội nên tuyệt đối không ai trong làng biết ngôi miếu thờ ai, hoặc biết song không nói ra. Cho đến hôm nay, làng Chánh đã nhờ nghiên cứu vấn đề này, để ngôi miếu được công khai thờ tự và dĩ nhiên sẽ trở thành một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt. Tôi thích những câu chuyện của người già trong làng kể hơn. Ông thầy gọi tôi đến nhờ chụp cho pô ảnh thầy đang giơ một viên gạch thời Tây Sơn lên xem. Ông nói nhỏ với tôi, cẩn thận, người đi với nàng đang nhìn xéo tôi nãy giờ.

*

O Diên mấy lần mở cái lồng mây úp mâm cơm đặt trên chạn, nguội tanh hết. O đợi chồng về ăn tối nhưng mãi không thấy. Rồi tiếng súng rộ lên phía kinh thành, đạn nổ vang trên bầu trời tóe lửa, o run lật bật, biết sự chẳng lành đã đến. Chồng o dẫu chỉ làm việc canh gác ở Võ Khố, biến động trong kinh thành lâu nay đã ít nhiều khiến ông dự đoán họa lớn sắp sửa. Mấy ngày trước o đã bàn với chồng gói đồ đạc bỏ vào Gia Định nương nhờ nhà cậu có đất đai vườn tược rộng rinh, o trồng trọt ăn qua ngày, chồng o không chịu. Mình đảm nhận chức nhỏ nhưng uy tín phải lớn, không thẹn với đời sau, ai sai nấy chịu, mình oan lây cũng cam. Ông Vả nhất mực thế, tuy cũng nói vợ đưa con trai vào Nam náu tạm, nếu tình hình triều chính với Tây ổn thì về. O Diên im lặng, như toan tính thêm. O không sợ, dẫu sao cũng muốn ở lại, nhưng với đứa con nối dõi thì phải lo, lỡ có biến, sau này nó còn trở về lo hương án thờ tự.

Run lẩy bẩy vì đói, o Diên rồi cũng kéo đòn ngồi xuống và vội chén cơm với canh rau khoai hái sau vườn, rồi chuẩn bị qua nhà đứa em rể. Gia đình nó chuẩn bị từ trước để rời xóm, nay o giới thiệu họ vào nương chỗ cậu luôn. Hôm qua chồng o nói chắc quân ông Thuyết sẽ đánh Tây, cuộc này dữ lắm đây. O đã qua bàn trước với gia đình em rể đưa con trai đi. Đồ đạc gói sẵn, nếu tiếng súng nổ là hẹn gặp nhau ở đèo Hải Vân. Còn ông Vả thì ra ngôi miếu ngoài đồng thắp nhang. Ngôi miếu có từ thời cha của ông, bệ thờ không còn bài vị hay dấu tích để biết thờ ai. Cha ông bảo có năm lụt lớn, nước dâng trắng đồng, những đồ thờ, bài vị trôi đâu mất, các cao niên qua làng bên nhờ thông báo tìm xem có ai vớt nhặt được song thất vọng. Ông Vả xin thần miếu hộ trì cho xóm làng, gia đình cùng bản thân ông được tai qua nạn khỏi, an ổn làm lụng như mọi người nông dân. Nhưng ở tại ngôi miếu này, ông chợt nảy ra một ý tưởng…, khiến ông toát lạnh cả mồ hôi.

Ông trở về tầm nửa khuya, dựng vợ con dậy nói triều đình sắp đánh Tây, mà Tây nó súng ống chồng chất như thế… Ông bỉu vợ tờ mờ phải dẫn con trai ra bắt xe đi trước đến đèo Hải Vân, rồi hẵng hay. Ông dặn con trai sau này nếu có chuyện gì cũng đừng hé răng dòng dõi nhà ai, nếu có dịp về thì ra miếu thắp nhang, sửa soạn, sắp đặt cúng bái tôn nghiêm. O Diên biến sắc, tái xám, một hai ông lỡ gây tội thì trốn luôn một thể. Ông bảo, chưa! Tôi chỉ sợ tới đây biến lớn. Nói rồi ông lầm lụi đi qua nhà cả Đinh, người cùng quản Ngục Thất. Hai người thắp đèn dầu, thầm thì bàn chuyện.

Cả Đinh nhớ những lần làm chủ lễ cúng của xóm, khăn đóng áo dài, còn ông Vả hầu rót rượu cúng. Trong lễ của làng, không bao giờ thiếu một cái bánh ít lớn. Làng có lệ làm bánh ít màu đen bọc trong lá chuối, riêng cái bánh ít lớn thì để trần, đặt trên dĩa sứ trắng. Thảy con cháu trong làng đều nghĩ đó chỉ là một cái bánh ít thờ tổ nghề, mà chỉ vài người biết mang tính truyền khẩu về một ý nghĩa khác. Lần ông cả Đinh được cha giao cho chủ lễ cúng làng đầu tiên, đêm đó đã cho biết ý nghĩa của chiếc bánh ít, chính là ngầm tượng trưng thờ linh sọ của vua nhà Tây Sơn. Một bài viết khá thuyết phục trong cuốn kỉ yếu, đã đưa nhiều dẫn chứng về mối dây mơ dòng dõi giữa một số người trong làng với nhà Tây Sơn, về việc con dân trong làng mến mộ Tây Sơn, riêng chuyện về chiếc bánh ít thì tôi nghĩ người viết không hay gì.

*

Nhận được giấy mời dự tọa đàm về Miếu Đôi của làng Chánh, tôi tự nhủ quen biết nên mời nhau đến dự cho vui thôi, song tôi chợt nhớ cuốn tiểu thuyết lịch sử đã đọc, liên quan đến nội dung cuộc tọa đàm này, nên rất muốn dự thính. Làng Chánh mời mọi người đến sớm để ra Miếu Đôi xem trước. Tôi đã gặp nàng và nói chuyện khá lâu cho đến lúc biết mình hơi ham, để cho người đi với nàng “liếc xéo”, từ đó đến cuối buổi tọa đàm tôi không hề tiếp xúc với nàng nữa, chỉ nhắn tin hẹn một buổi cà phê nói chuyện thêm. Giả thuyết về ngôi miếu được đề cập rõ ràng ở một bài nghiên cứu là miếu có từ thời Tây Sơn (thông qua gạch xây tường thành ngoài, khá hiển nhiên với những đặc tính riêng của nó). Miếu thờ phúc thần nào không rõ, tuy đã mất bài vị. Từ biến cố Thất thủ kinh đô 1885, nơi đây giả định ngầm trở thành miếu thờ vua nhà Tây Sơn, và làng đã tuyệt mật điều này để tránh hậu họa tội khi quân với triều Nguyễn. Dĩ nhiên, đang là giả thuyết.

Tôi ngồi phía sau tọa đàm, dãy khác với nàng, để yên tâm mỗi lần tôi lén nhìn nàng thì không ai biết. Tôi cũng chú ý đến người đi với nàng, với chiếc áo màu xanh nổi trội. Ông đã phát biểu rất gắt, bác bỏ quá nửa luận điểm mà những nhà nghiên cứu khác đưa ra. Lưu ý phải nghiên cứu sâu hơn nữa cùng những chứng cứ trực tiếp, đặc biệt vì đây là vấn đề liên quan đến vị anh hùng, cần có khảo cổ ở miếu. Tôi có biết nhà nghiên cứu này, ông làm việc độc lập và ít tham dự các tọa đàm, chỉ công bố công trình trên các tạp chí khoa học. Nàng đã quen ông từ khi nào, hay đúng hơn, ông đã kết nối với nàng theo cách nào, tự dưng tôi thấy buồn cười khi đặt ra vấn đề khá nghiêm trọng này. Khuôn mặt nàng không phản ứng, đôi khi tôi vẫn nghĩ nàng đang trong một chương trình nghệ thuật thì đúng hơn, dẫu qua cuộc chuyện tôi biết nàng am tường lịch sử, ít nhất là đề tài đang tọa đàm đây.

*

O Diên trở về từ nhà đứa em rể, cả gia đình đã di tản về phía đèo Hải Vân. O vội về đào cái hố trong buồng, gói những cổ vật bên chồng để lại bỏ xuống rồi khỏa đất, đặt lên đó đồ đạc như cũ. O còn nghĩ đến việc ghi nhớ mảnh đất nhà mình ở vị trí nào trong làng, cách sông theo hướng nào, đây là điểm dễ nhận diện nhất nếu như thôn xóm bị giặc san phẳng. Trận đánh bất ngờ của quân triều đình đã khiến phía Pháp tổn thất nặng, chúng phản kháng bằng các loại súng lớn, rồi tràn vào làng mạc giết hại dân lành. Một cảnh tượng tao loạn chưa từng có từ trên phố vào ngõ xóm. Nhiều người chạy về làng vơ đồ đạc rồi dắt díu nhau đi. Mà o Diên thì vẫn ở đây đợi chồng. O thiếp đi vì quá mệt mỏi. Nhưng lạ thay, tiếng khua nước rất khẽ ngoài sông vẫn khiến o tỉnh lại, hiểu ngay có người đang cố bơi lội khẽ khàng. O trùm cái khăn lên đầu, lận ngang cổ và chạy theo con đường mòn ra phía sông.

Hai người đang lội tới, dáng muốn nhanh vào song lại sợ tiếng nước vang. Họ đứng lại lúc thấy người trên bờ, rồi như biết o, mới tiến đến. Trên vai hai người đều có một bao nặng. Một người đi lên trước, đó là cả Đinh, tiến sát o và nói: “Thím về nhà lẹ, để tôi và anh về sau, cứ tự nhiên như không có chuyện gì. Đi đi.”

O Diên lật đật bước về. O hiểu ngay chuyện gì đó, bởi như trước chồng đã có bàn việc đưa con trai vào Nam sớm. Còn hơn chuyện đánh Tây, mà o cảm giác chồng đã phạm phải một tội gì đó với triều đình. O biết người đảm nhận trông coi Ngục Thất - Khám Đường, nếu để sơ sẩy, thì cũng bằng với tội mất đầu, còn liên lụy gia đình dòng họ không chừng. Trăm mối lo đổ về. O Diên sợ đứa con trai sau này liệu còn nhận diện được mảnh đất cha ông, liệu có biết được những đồ cổ từ xa xưa hồi môn lại. Liệu vợ chồng ông còn có nấm mồ để ai biết mà thắp cho nén nhang. O phiền muộn tột cùng song vẫn cố gạt đi. Bây giờ trước hết là nhóm bếp bắc lại cơm canh để chồng và cả Đinh ăn kẻo cảm lạnh, rồi tính tiếp chứ biết sao. Đằng nào trong cơn biến loạn, triều chính lảo đảo, nhân dân li tán, có tội cũng dễ xí xóa hơn lúc an bình.

*

Tôi nhớ như in nội dung một đoạn trong Đại Nam thực lục: Lúc Nguyễn Vương lên ngôi, trước Thế Miếu, ông buộc nhà Tây Sơn phải trả giá cho những tháng ngày ông truân chuyên khổ lụy trốn chạy, trả lại cơ nghiệp của tiên đế, bằng việc phá mộ các vua nhà Tây Sơn, hoại tro cốt; riêng hộp sọ thì sai đem bỏ trong vò giam niêm phong ở nhà Đồ Ngoại. Ngục Thất đó là một nơi cấm tuyệt.

Hai nhân vật mà dòng sử cũ đề cập đã được đưa ra phân tích, lần theo gia phả của làng, tìm đến cháu chắt rồi ghi những lời kể mà hoặc họ xưa nay không thốt ra, hoặc quên đi theo thời gian và ngôi miếu ngoài đồng làng cũng ít quan tâm hơn cho đến thời gian gần đây.

Tôi nhìn về phía người đàn ông đi với nàng, ông ta không còn ở đó. Nhìn lại nàng, nàng cũng biến đâu mất. Không lẽ hai người đã nhắn cho nhau, thầm rời khỏi cuộc tọa đàm dắt tay nhau đến khung trời nào đó. Trong đầu tôi vẫn văng vẳng lời ông, dù không cảm tình với ông (có lẽ do ông đi với nàng) song tôi thích ý kiến mạnh mẽ. Phát biểu của ông chống trái với nhiều bài viết trong kỉ yếu. Ông nói đây chỉ là bước gợi mở, chưa thể đưa ra kết luận. Ông cũng rất cảm kích tấm lòng chân thành của các bậc cao niên làng Chánh, thành tâm muốn nhờ tìm hiểu về Miếu Đôi. Ông cũng đánh giá rất cao những nhà nghiên cứu góp bài tâm huyết, đây là một bước tiếp cần thiết trong việc nghiên cứu về thời Tây Sơn gần như ngưng trệ lâu nay. Ông không phản đối chuyện dân làng Chánh ngầm thờ nhà Tây Sơn, tuy việc ngôi miếu có phải là thờ linh sọ của vua không, cần được kiểm chứng nghiêm túc.

Tôi nhắn cho nàng một dòng tin vào zalo, đợi mãi nàng vẫn ngoài vùng phủ sóng. Tôi nhớ lại hình ảnh cùng nói chuyện với nàng ở ngoài ngôi miếu. Quên hỏi địa chỉ của nàng, mà dĩ nhiên, không thể vội vàng như thế. Điều tôi chắc là nàng yêu ca Huế say mê, trong lúc tôi si mê giọng ngâm có pha chút trầm khàn rất tuyệt của nàng. Tôi nhớ lại buổi lễ có tiết mục ca Huế, lúc tâm trí tôi miên du đâu đó chút xíu, nhìn lại thì nàng không còn trong tốp. Điều này khiến tôi ngạc nhiên, khó hiểu, cả hoang mang, vì nàng không thể rời đi nhanh như vậy được. Lúc đó tôi nhận cuộc gọi, phải lo việc ngay, nay sực nhớ, tôi lại tự hỏi, nàng đã dẫn người đi cùng ấy về đâu rồi.

*

Ông Vả cùng cả Đinh vào nhà, o Diên đã dọn sẵn mâm cơm. Hai người mang cái bao buộc gút tạm giấu rồi đến giếng rửa ráy, để nguyên quần áo ướt ngồi vào ăn nhanh đến mắc nghẹn. O Diên phía dưới bếp nhìn lên ngọn đèn dầu với hai cái đầu đang chụm vào vét hết cơm canh. Ông Vả giục vợ đun cho ít nước sôi, ông thì vào đưa bộ ấm trà ra đặt ở hiên. Bây giờ họ mới vào thay đồ, rồi cả Đinh ngồi ở hiên đợi trà chín, nhấp một mình.

Ông Vả theo ngọn đèn dẫn vợ vào buồng bắt đầu mở chuyện. Ông chỉ cái bao, ra hiệu o giơ đèn lên. Ông mở từ từ cái bao, vén xuống. O Diên chau mày, căng mặt, rồi giật nẩy. “Linh vò…” O Diên suýt hét, suýt rơi ngọn đèn. O há miệng trợn mắt nhìn chồng. Trời ơi…

O Diên sụp xuống và lạy linh sọ. Chồng o và một số lính canh suốt mấy mươi năm nay đã lập bàn thờ trong tâm thờ vị anh hùng Nguyễn Huệ, tuy không ai dám nửa lời hé răng. Thi thoảng ông cũng miêu tả với vợ về Ngục Thất, về hình thù cái vò, dây xích, không ai dám chạm vào. Ăn bổng lộc vua Nguyễn, trọng vua Nguyễn, vợ chồng ông vẫn thờ nhà Tây Sơn, thờ linh sọ của vua, như chính nâng niu cái bánh ít tợ hình sọ mà làng Chánh ngầm cúng vào lễ Thu tế hằng năm, không mấy ai hay. Đã có năm o được chồng giao việc làm cái bánh ít lớn cúng làng này, và chồng o đã tiết lộ về ngầm ý của nó, khiến o cẩn trọng thành kính làm cái bánh như nâng niu báu ngọc.

*

Một nhân chứng là chắt của nhân vật đã giải cứu hai linh sọ bơi qua sông về chôn trong làng kể lại về nhiều đêm có việc ở gần Miếu Đôi thường nghe nhạc ngựa, tiếng lính tuần và có cả hào quang lóe từ trong miếu. Tôi tin những lời chân thật từ người nông dân nọ, tuy không mấy để tâm. Cũng có lẽ tôi đang đợi nàng quay lại. Tôi thấy sự hợp lí trong hoàn cảnh trăm năm có một lần, thời cơ không lặp lại cho những con người thờ kính vua nhà Tây Sơn, họ đã làm một việc đúng.

Việc tìm ra linh sọ của vua Quang Trung, với sự phân tích của máy móc hiện đại, sẽ xác định rõ danh tính, đây không những là bước khám phá của giới sử học, còn là một bổ khuyết lớn vào lịch sử. Khuôn mặt nàng lại hiện ra như một thước phim 3D trước mắt tôi. Nàng hào hứng nói về nội dung của tọa đàm, hi vọng sẽ được sớm khảo cổ để tìm ra linh sọ của vua nhà Tây Sơn trong khu vực này, làm tôi nghĩ đây như chính là tìm ra người thân của nàng trong quá vãng vậy.

*

Trời ơi, giờ làm sao đây, đưa đi đâu. Làm sao cất giấu các ngài mà không ai biết đây. O Diên cứ lí nhí như vậy, chân tay o như con rối. Ông Vả bảo o ra ngoài, cứ yên như không có chuyện gì, mình cứ làm việc dọn dẹp như thường, tôi và cả Đinh uống trà như thường, để chúng tôi tính liệu.

Tôi đọc trong cuốn kỉ yếu thấy phân tích rõ, lệ làng Chánh không cho phép chôn người lạ trong làng, với đấng quân vương càng không, bị triều Nguyễn phát giác sẽ liên lụy cả làng. Không thể chôn ngoài phạm vi làng Chánh bởi sẽ khó cho việc thờ cúng và dễ bị vô tình tàn phá, cũng không thể chôn linh sọ ở nơi không sạch đẹp. Ông Vả đã có ý tưởng liên quan ngôi miếu. Từ lâu miếu không còn bài vị, không biết thờ ai, đưa hai ngài vào đó vừa không ai để ý, ngoại trừ hai ông thì tuyệt không ai biết, kể cả vợ ông. Ông Vả đã nói với o Diên rằng, đây là lần thấy linh sọ của vua duy nhất và cuối cùng, lúc nữa chúng tôi sẽ đưa đi và coi như chưa từng thấy.

Hai người xong tuần trà liền đứng dậy cầm cuốc xẻng vác bao đi trong sương đặc, không một ánh đèn soi dẫn. Họ ra đồng hướng về phía ngôi miếu, mất hút trong màn sương sền sệt. Họ cứ đi, và đột nhiên cả Đinh thốt lên: Này, cậu xem, có ánh đèn kìa. Là phía miếu. Hai người vừa mừng vừa lo, có ai ở đó hai người sẽ không dám vào. Đến gần hơn, họ lén nhìn. Vừa có bóng thiếu nữ áo dài đi ra khỏi miếu. Rờn rợn từ chân lên đỉnh đầu cả Đinh. Cái bóng tan ngay trước cổng miếu, nơi ánh đèn mỏng như sương trăng. Dáng này như tôi đã thấy ở đâu: Là hoàng hậu nhà Tây Sơn chăng? - Ông Vả không hiểu sao chợt thốt vậy. Không nghi ngờ thêm, hai người ra hiệu đặt bao xuống dúi vào trong bụi rậm, rồi thản nhiên bước vào miếu. Họ ngồi nhìn ra, quấn thuốc hút. Mãi lâu không thấy tiếng động, họ liền xác định một vị trí trọng yếu, thổi ngọn đèn trong miếu và bắt đầu đào.

*

Nhân chính biến Thất thủ kinh đô, việc hai ông làm việc ở Ngục Thất lợi dụng sự nhốn nháo giải thoát linh sọ của vua nhà Tây Sơn sau hơn 60 năm, bơi qua sông, đã có lịch sử ghi lại, còn việc họ chôn giấu ở làng quê là phá vỡ lệ làng, tuy điều này chấp nhận được khi đó là linh sọ của vua trong một tình thế quá hiểm. Việc này sau bao nhiêu công trình nghiên cứu, đã hé lộ niềm vui với không chỉ ngôi làng nhỏ xanh mát. Khám phá này chắc chắn cần sự kiểm chứng sâu, do vậy những nhà nghiên cứu “Miếu Đôi thờ ai?” đã nhận được sự hỗ trợ cao nhất, thiết thực nhất là khảo cổ ngôi miếu và xung quanh đó.

Nàng hẳn rất hồi hộp chờ đợi ngành khảo cổ vào cuộc. Dĩ nhiên tôi không được mời dự xem, nàng cũng không. Tôi chỉ nắm được thông tin từ thầy mình, là nội bộ chia sẻ, không cung cấp cho giới truyền thông. Kết quả thật bất ngờ. Khi tiếng xẻng chuyên dụng của ngành khảo cổ chạm vào bề mặt của chiếc vò màu vàng nhạt, gần trùng với màu đất, nó không nét gì đặc biệt ngoại trừ thứ đựng trong đó. Chiếc vò đã được đưa đi phân tích. Song hành với thời gian chờ đợi, làng Chánh đã tiến hành sửa sang một số chỗ xuống cấp của ngôi miếu cất giấu bí mật lịch sử.

Tôi muốn chia sẻ với nàng thông tin đầu tiên về kết quả phân tích chiếc vò. Nó làm tôi choáng. Thật sự choáng. Đó không phải là linh sọ! Chỉ có một cái sọ (chứ không phải hai) trong chiếc vò, và nó có niên đại thua với thời gian băng hà của vua nhà Tây Sơn đến mấy chục năm, ước định số tuổi của người này cũng lớn tuổi hơn vua rất nhiều.

Tôi nhớ trước đây đoàn nghiên cứu đã đến thắp nhang cho ông Vả và cả Đinh, hai ngôi mộ xa nhau, một trong đó cỏ mọc lút, chỉ còn cái bia xác nhận. Tôi nhắn tin, hỏi nàng ngày mai rỗi không, đến Miếu Đôi chơi. Tôi vẫn thích nơi này vì kiến trúc xưa rất đẹp, với những cổ thụ mọc giữa cánh đồng mênh mang, những viên gạch rất xưa thời Tây Sơn như thầy mình đã có bài viết đối sánh cặn kẽ. Thực tế tôi muốn đưa nàng đến thăm hai nhân vật là ông Vả và cả Đinh. Họ đã nhầm? Hay công của họ đã bị ai trong quá vãng khỏa lấp? Dẫu sao tôi vẫn tặng họ một sự trân trọng tuyệt đối. Nàng chưa mở máy, tôi nhấn vào hình đại diện zalo để nhìn lại khuôn mặt nàng. Ngày gặp lại ở miếu tôi xin số điện thoại, nàng lắc đầu, cười, cầm lấy di động của tôi và tự tìm zalo mình kết vào máy tôi. Một lúc nàng nhắn lại, bảo “oke chàng”, tôi rất vui vì chữ “chàng” nàng dùng, bởi chúng tôi chỉ xưng anh - em. Nàng bảo mai hãy đến chở nàng ở tượng vua Quang Trung bên núi Ngự. Tôi lên giường ngủ, có thao thức về một số chi tiết trong kỉ yếu Miếu Đôi thờ ai. Tôi hỏi nàng: Ai đã đánh tráo hai cái linh sọ mà ông Vả và cả Đinh đã chôn giấu dưới ngôi miếu? Vua Nguyễn? Hay vị vua kế vị nào đã đánh tráo linh sọ ở trong Ngục Thất từ lâu lắm? Thực tế họ xiềng nhốt hai cái sọ của thường dân? Nàng không trả lời.

Tôi quên tắt mạng. Nàng lặng lẽ nhắn đến mà tôi không biết song tôi đọc được, tuy tôi vẫn ngờ là mình nằm mơ thấy nàng nhắn thì đúng hơn. Những dòng tin trôi đến trên màn hình rất nhanh, nhanh hơn thông thường một người sành sõi nhắn tin bằng phím điện thoại. Nó cứ trôi đến và tôi đọc chứ không nhấn vào nút mở xem. Nàng bảo lâu lắm rồi có đọc đâu đó một thông tin, không rõ chính sử hay huyền sử hay tiểu thuyết, chỉ nhớ nó nằm trong một cuốn sách cũ, viết rằng vị vua nhà Nguyễn có lần đến một nơi hoang vu thuộc phía tây kinh thành Huế, vào một khu mộ bình thường, ngài đi quanh khá kính cẩn. Nàng cũng nghi giống như tác giả trang sách, rằng đó là nơi chôn cất vua Quang Trung cùng gia đình. Hiện trường trả thù được dàn dựng, vua Nguyễn tại vị thì kín đáo tìm nơi chôn cất cả nhà vua Tây Sơn.

Sáng ra chuông điện thoại reo, tôi vùng dậy để đọc lại những dòng tin của nàng đêm qua, nhưng, tất cả đã bị thu hồi không một dấu vết. Tôi tắt mở mấy lần để kiểm chứng, chỉ còn những tin nhắn cũ. Hay đó là những dòng tin trôi đến trong mơ? Tôi có thói quen nhìn khuôn mặt nàng trong hình đại diện, bây giờ, nó không còn. Một nick ảo. Tôi trố mắt, cố nhớ xem khuôn mặt và hình dáng của nàng giống ai mình từng biết. Không. Tôi vứt điện thoại ngồi thụp xuống. Không hiểu sao ngay lúc đó tôi lại nhớ đến khuôn mặt của chính cung hoàng hậu từng thấy ảnh trong một trang sử khuyết.

VN23/2024

Nhánh lan vảy rồng. Truyện ngắn dự thi của Trung Sỹ Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 44/2024 Bản quy hoạch sau cùng. Truyện ngắn dự thi của Tạ Thị Thanh Hải Đọc truyện: Lưng chừng ban mai - Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ Vỏ lạc đỏ. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hà SG
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.