Diễn đàn lý luận

Miền sau cánh cửa, phù sa của dấu chân lặng lẽ

Nguyên Tô
Tác phẩm và dư luận
00:15 | 24/07/2024
Trần Nhật Minh là một người thuộc về văn chương, thơ ca và hội họa. Tất cả đựng trong một cái vỏ gai góc, nhưng bên trong anh mong manh và giàu yêu thương...
aa

Trần Nhật Minh là một người thuộc về văn chương, thơ ca và hội họa. Tất cả đựng trong một cái vỏ gai góc, nhưng tôi lại gặp con người bên trong của anh, thăm thẳm, đằm sâu, mong manh và giàu yêu thương qua "Miền sau cánh cửa". Cuốn sách đã mở ra những bộn bề công việc, cho tôi có cơ hội chạm tới những phù sa cuộc đời của tác giả. Trần Nhật Minh vốn là sinh viên K34 khoa Ngữ Văn đại học Tổng Hợp Hà Nội, Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam, một người nồng nhiệt, chân thành và có trách nhiệm với những cộng sự của mình.

"Miền sau cánh cửa", tự nhan đề đã nói lên thế giới của Trần Nhật Minh. Bắt đầu từ hiên nhà, anh lên rừng, xuống biển, đi vào góc khuất của đời người, bước ra khỏi dải đất hình chữ S và trở về cội rễ. Con người là vậy, dù đi xa đến đâu, cuối cùng vẫn mong được an trú trong cõi riêng của mình để ngẫm nghĩ, khóc cười với tất cả.

Anh đã đóng lại bản thể của mình để lần dở những trang thời gian trước đèn, câu chuyện của hiện tại được bắt đầu từ một quá khứ về tổ tiên- những người nâng niu con chữ. Có lẽ gia phả chữ nghĩa ấy đã thấm thía vào đứa cháu trai Trần Nhật Minh, khiến anh luôn day dứt, u hoài, tụng niệm những ngày tháng cũ đựng trong “Câu kinh cuối mùa đông”, đó là cách anh tự thanh tẩy mình trước những bụi bặm phố phường và góc khuất nẻo của nghề. Câu kinh răn mình, chiếc roi, trang sách của cha là niềm tín mộ được thắp lên để Trần Nhật Minh khiêm cung. Một sự thức nhận thấm thía của người đàn ông đã “đi những quãng đường xa vượt khỏi cánh cổng nhà” nhưng thảng hoặc vẫn muốn được nằm im nghe chiếc roi của cha vung lên để gọi về tuổi thơ và để niềm sám hối không trở nên muộn mằn.

Miền sau cánh cửa, phù sa của dấu chân lặng lẽ
Nhà báo Trần Nhật Minh

Đọc anh, tôi hiểu ra một điều giản dị nhưng rất đỗi nghiêm cẩn: Trần Nhật Minh đã vỡ nghĩa chữ thánh hiền từ chính “ngôi nhà tinh thần” mà người cha đáng kính đã cố công xây dựng- một người “luôn trọng chữ nghĩa và những điều giản dị”. Để từ ấy, anh nhìn ra nỗi u hoài, thân phận, mảnh đời rất riêng của Hà Nội trong những buổi chiều lãng đãng đi qua từng mái phố lô xô và phận người lặng lẽ giữa gió bụi Kinh thành. Cùng sự gặp gỡ với những thi nhân nổi tiếng, tất cả như một thôi thúc tự thân, một hạt giống duyên chữ nghĩa đã gieo và nẩy mầm, để bây giờ tôi được đi sâu vào nẻo văn chương của Trần Nhật Minh chăng?

Anh ảnh hưởng nhiều từ người cha. Triết lý sống giản dị của ông, bắt đầu từ sự lựa chọn không gian “khiêm tốn ở một góc phòng sinh hoạt” dành cho sách. Điều ấy dạy anh “đọc sách cho riêng mình chứ đâu để khoe thiên kinh vạn quyển. Sách hướng vào trong, không phơi ra ngoài”. Sự tự hiểu ra ấy của anh, có người cả đời đi mãi không đến. Dĩ nhiên, mỗi người mỗi cách, nhưng triết lý của anh cho tôi cơ hội nhìn nhận lại bản thân, biết cách dựa vào con chữ ý nghĩa, ấm áp nhất mỗi khi chạm phải “nỗi rỗng tuếch”. Suy cho cùng, giá trị của sách là để nhìn ra thế giới và ngẫm ngộ những giá trị tự thân. Trong tột cùng khốn đốn, vịn vào sách, ta sẽ ra khỏi bóng tối “dã thú”.

Trần Nhật Minh ra sông, nghe gió sông Hồng thổi thao thiết những phận người. Với tôi, anh chính là một trong số những người giữ lại hồn cốt Hà Nội. Những người ngang qua, thì chỉ nhìn thấy một Hà Nội sắc màu “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” (Trịnh Công Sơn). Nhưng với những người đi sâu, sống chết với nó thì Hà Nội lại là “Nơi tôi sinh Hà Nội/ Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy/ Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó/ Đêm lặng nghe trong gió/ Tiếng sông Hồng thở than” (Lê Vinh). Trần Nhật Minh là một con mắt hội họa, anh không chỉ vẽ Hà Nội bằng chất riêng mà con đường đi của anh tới thành phố quê hương không chỉ bằng những phồn hoa, náo nhiệt, sông Hồng dẫn lối anh đến với những góc khuất nẻo. Ở đó, trong hun hút trầm tích của dòng chảy, anh nghe đến ứa lệ phận người lênh đênh, dẫu đã bị thác ghềnh mài mòn những cơ may nhưng vẫn giữ lại trong mình nhân phẩm để thế hệ con cái biết nhìn ra giá trị bất biến của gia đình. Trần Nhật Minh là thế, thô tháp vẻ ngoài, nhưng lại giàu trắc ẩn dành cho những hư hao của đời sống tác động tới phận người. Đau đớn, cảm thông nhưng bình thản để thức nhận nghiệt ngã của cuộc sống. Dẫu lên thác xuống ghềnh thì thử thách chỉ khiến con người ta trở nên bi oai, vững vàng, an nhiên cả trong những nỗi đau.

Nhắc Hà Nội, không thể không nhớ đến thú vui đàn ông “Bia đầu ô”. Thứ men sóng sánh lử người. Thói thường, bia tràn vỉa hè, uống bia và uống vào mình dòng đời đang hối hả. Thú vui rất lạ. Vẽ trong một bức tranh đời sống đảo chiều. Bên bàn bia, những thân tình chạm cốc, nói, thở, vị bia, tình thâm tràn trề. Nhưng chưa qua hết tầm mắt đã là đời sống hối hả, những dòng người nối nhau, tất bật trong cuộc mưu sinh. Hà Nội là thế, bất kì góc nào cũng nhận ra dòng chảy của cuộc sống. Trong cơn bia, những người đàn ông phơi giáp, bày hồn mình trong những men say sủi tăm. Tìm thấy mình, chạm vào bạn thật giản dị, giản dị như cách lấy tâm hồn mình để nghe những than van hay hạnh phúc từ người xung quanh. Thú bia hơi đã mở ra tất cả, để rồi khép lại"Miền sau cánh cửa", trở về nhà gối một giấc say.

Trần Nhật Minh sau những thù tạc bên bạn bè, lại trở về cõi riêng của mình, khi nghe trong không gian oi oi mùi khói. Từng sợi mỏng mảnh vờn vẽ bóng dáng làng quê. Ai trong chúng ta không sinh ra từ làng? Đồng quê xào xạc đã ươm ủ bao giấc mơ hoa. Với anh, khói để nhận diện sự sống. Dậy mùi quê. Khói mang mang, vỗ bông bênh sông nước, dắt díu những buổi chiều ngang qua cuộc đời, những khoảng trống vắng cần yêu thương trổ nhánh. Khói dẫn dụ đứa trẻ trong anh nỗi nhớ mẹ trong những buổi chiều dài như 12 tháng. Để mẹ về và mùi nấu nướng kích thích cái dạ dày của đứa trẻ trong cơn đói, trong nỗi thèm khát vòng tay iu ấp khói tỏa của mẹ. Anh yêu mùi khói bởi làn xanh nhập nhòa hư ảo của nó là chất dẫn cho anh tìm về quá khứ một cách đủ đầy, khôi nguyên nhất.

Từ phố lên núi, cảm thức của anh đã cúi xuống từng vạt cỏ rạp dưới gót chân người vô tình mà xa xót, cảm tiếc. Tôi quý Trần Nhật Minh, từ cách anh trân trọng những bạn nghề. Có đồng nghiệp của anh viết mộc mạc, nhưng chất liệu chắt ra từ những dấu chân lên non cao, trèo ghềnh đá, khiến anh giật mình vì những phỏng vấn “salon”, những phóng sự “nằm nhà”, để rồi khao khát đi và đến. Lại có những người trẻ, ghi dấu hơi thở của mình ở những vùng đất xa xôi của tổ quốc. Trân trọng nhiệt huyết tuổi trẻ, biết ơn giọt mồ hôi phả xuống cuộc đời, ấy là điều anh gửi gắm trong từng con chữ.

Khi phố núi thay da đổi thịt, những đứa trẻ ở Sa Pa nói tiếng Anh tỉnh queo ngã giá cho những bức ảnh chụp chung, hay bản làng đơn sơ, bị những thứ quy hoạch nhiệm kì làm cho hư hao vẻ đẹp tự nhiên, cả những đứa trẻ chưa kịp lớn để chịu trách nhiệm trước cuộc đời thì đã kịp làm mẹ của vài đứa con… khiến anh thảng thốt tiếc nhớ những ánh mắt trẻ thơ trong veo. Nhìn vào mắt trẻ, người lớn thấy những khoảnh khắc giật mình. Cảm thức ấy được gọi dậy giữa làn sóng đô thị xâm thực đời sống miền cao, nỗi niềm của một người đau đáu với nghiệp viết.

Ở cuốn sách này, còn là kí ức những ngày anh làm việc ở cơ quan thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam ở miền Tây. Cũng lênh đênh sông nước nhưng không phải sông Hồng thở than mà là những vạn chài úp mặt mưu sinh giữa nổi nênh gió nước. Phận người neo vào thuyền chài cũ nát, những đêm uống rượu với trăng suông, hát bài ca cuộc đời. Cái hồn nhiên, xô xệch của người long đong. Họ sinh ra, lớn lên, già đi và chết trên sông nước. Mỗi con thuyền rách, mỗi ám ảnh cuộc người. Viết đến đây, con chữ của anh nhíu lại, tiếng thở dài vọng khắp trang văn. “Khi ta thả xuống nước một con thuyền, ta đã tạo cho nó một cuộc sống. Nó cũng có thân phận riêng. Kể từ đó, nó biết lắng nghe tiếng nói của con người trong nỗi niềm sông nước”. Văn anh gọi những u hoài, xôn xao kiếp người. Lấy được cảm xúc và sự nâng niu của độc giả, tôi thấy Trần Nhật Minh là một cây bút hạnh phúc.

Kì lạ lắm, anh có những khoảnh khắc sống cùng vui buồn trong thân phận hôn nhân của một cặp vợ chồng trên “Con đường Ba khía” miền Tây. Anh có mặt trong ngày họ mở quán, vui đến mãn nguyện trước việc kinh doanh thuận chiều của họ. Và muốn bật khóc trước gia tài hôn nhân thất bát của gã đàn ông, khi người vợ bỏ đi. Anh uống một trận để say trong nỗi buồn người của gã đàn ông tội nghiệp kia. Cuộc đời là thế, ta vẽ con đường phải, nhưng nó lại rẽ trái. Nhưng anh muốn gửi gắm rằng, sinh mệnh của ta là chính ta nắm giữ, ai đó đến bên rồi ra khỏi đời ta là khi họ đã hoàn thành sứ mệnh. Thất bát là một phần tất yếu của cuộc sống để ta thêm trân trọng những khoảnh khắc đơm hoa.

Từ trong nỗi niềm thế sự, anh ra biển để thấm vào mình mặn mòi nước mắt và máu của “Những người đàn ông canh giữ biển”. Trường Sa là dấu ấn thiêng liêng của biển đảo tổ quốc, những người đến với Trường Sa, lấy trái tim mình kê cùng nỗi phập phồng cánh gió. Có những người bám trụ với biển ngót nửa đời người, là vị tướng lão luyện. Nhưng có người lính, giữa cơn phong ba biển cả, khao khát cuộc đoàn viên, chỉ biết dán tấm ảnh con trai khôi ngô lên đầu giường, cho vợi bớt cơn cớ. Vì nhìn vào mắt con, anh thấy bình yên và niềm tin.

Con người là thế, đi xa mấy rồi cuối cùng cũng mong được trở về. Quê Mẹ, bóng dáng Mẹ mãi là niềm khắc khoải khôn khuây. Khi những cơn gió cuối mùa đông thở dài trên mọi nẻo quê, lòng anh lại xôn xao ngày trở về. Bóng song thân lui cui bên thềm, rét ngọt như cắt vào da thịt, hoa thủy tiên thả rễ trắng phau trong lọ thủy tinh kiêu hãnh, câu kinh mặc khải, những cuốn sách của cha xếp nếp thời gian nhưng còn vương hơi ấm bàn tay lật giở, tiếng trẻ nô đùa ríu ran…Tất cả, tất cả đủ sức mạnh để lôi bật người đàn ông trong anh những thổn thức, khao khát được sắp xếp hành lý để trở về nơi anh đã được ân điển cuộc đời và hạnh phúc của cha mẹ ban cho ngày được đến với thế giới.

"Miền sau cánh cửa", là những file thời gian nén chặt để khi chạm tới, tôi thấy bồi hồi, thổn thức. Dấu chân Trần Nhật Minh đã đi qua, từ góc sân nhà đến khoảng trời bên ngoài kia là những phù sa đời lắng chắt. Anh gửi vào đó cái nồng nhiệt của bụi bặm phố phường, trầm tích quá khứ, con chữ hào hển trước những rung ngân của đời sống. Cứ thế, cứ thế, khi nhẩn nha, lúc ào ạt nhưng thấm và đọng. Và tôi đã cuống quýt ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc cuốn sách vì sợ nó sẽ vuột trôi khỏi kẽ tay. Bài viết này, như một niềm tự hào của tôi dành cho tác giả Trần Nhật Minh, cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn, một trong số những người giữ hồn cốt của mái trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Dù cái tên ấy bây giờ không còn được sử dụng một cách chính thức trong các văn bản hiện hành nhưng nó vẫn còn mãi trong trái tim những thế hệ sinh viên chúng tôi.

Nguyên Tô |Báo Văn Nghệ

Tiểu thuyết "Thiên hồn": Tham vọng bất khả sẽ thiêu rụi mọi nhân tính Giáo sư Đào Duy Anh - Nhà sử học, nhà văn hóa lớn thời hiện đại Nhà văn Nguyên Hồng: Tuy nghèo túng nhưng rất hào phóng khi mua sách Nhà văn Mai Phương, đã sống và tin yêu mãnh liệt Nhà văn Đỗ Chu với những người Mẹ
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.