Diễn đàn lý luận

Một diễn ngôn về cái ác

Phan Tường Đan
Tác phẩm và dư luận
13:00 | 13/11/2024
Baovannghe.vn - Gia đình có bốn chị em gái vẽ nên bức tranh sinh động về một xã hội băng hoại, hoàn toàn thiếu vắng đạo đức. Cái ác gần như tuyệt đối thống trị.
aa

Không phải chờ đến Georges Bataille người ta mới biết đến sự tồn tại của phạm trù “cái ác” trong văn học. Trong lịch sử văn học thế giới, chủ đề “cái ác” đã luôn tồn tại và song hành cùng văn chương. Với nhiều người luôn tôn sùng tính “chân, thiện, mĩ”, coi đó như chức năng chủ đạo của văn chương thì dòng văn học viết về cái ác là phi đạo đức, cổ súy người ta làm điều ác, vi phạm những điều cấm kị. Ấy vậy nhưng trớ trêu thay, văn học viết về cái ác đã không ít lần chiếm lĩnh những đỉnh cao chói lọi với những tác phẩm sống mãi cùng thời gian. Shakespeare với Hamlet, Dostoevsky với Tội ác và hình phạt… là những ví dụ.

Trong văn chương Việt Nam, dẫu hiếm hoi, không phải không từng có những tác phẩm viết về cái ác của các tác giả nổi tiếng như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh... Và tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái của Phạm Thị Bích Thủy mới ra mắt bạn đọc năm 2024 này là tiếng chuông mới nhất trong dòng văn học viết về “cái ác” ở nước ta.

Một diễn ngôn về cái ác
Gia đình có bốn chị em gái của Phạm Thị Bích Thủy.

Câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ giữa bốn chị em gái trong một gia đình, Thương, Ái, An, Yên, những cái tên được tác giả cố tình chọn đặt với tinh thần giễu nhại bởi suốt 627 trang của cuốn tiểu thuyết, không hề có một giọt tình thương cũng như chẳng có khoảnh khắc an yên nào trong đời sống các nhân vật. Tất cả lộn nhào, hằn học, nghiệt ngã, rên rỉ giữa vòng xoáy biến động dữ dội trong đời sống một gia đình Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI.

Gia đình có bốn chị em gái kể về những vụ cướp, nhưng không phải cướp ngân hàng. Nó nói về việc cướp đi cơ hội làm việc, thăng tiến, cống hiến, hưởng thụ của nhiều, vô cùng nhiều người mà trong nhiều trường hợp, “nạn nhân” cũng không hề biết là mình đã bị cướp! Thời thế đổi thay, cái ác, theo nghĩa nguyên thủy của nó, không đơn giản tồn tại ở những dạng thức cũ kỹ nữa mà giờ đây, biến hình dưới những lớp vỏ mới. Việc cướp đi cơ hội của người khác trong cuộc sống, nếu không thể gọi tên là “cái ác” thì ít nhất, với quy mô kinh khủng như trong Gia đình có bốn chị em gái, nó mang mùi vị của cái ác. Mùi vị ấy có thể vô hình, không màu, không mùi như thuốc đánh bả chuột, khó đo đếm, là ảo, nhưng hệ lụy mà nó mang đến là thật! Là những gằn hắt có thật, vụ sát nhân có thật, án tử hình có thật mà các nhân vật trong gia đình của cuốn tiểu thuyết đã choàng lên cuộc đời nhau.

Nếu tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, với những chi tiết kiểu “chi bộ họ ta” chỉ mới khắc họa những cuộc đấu đá liên miên nhằm đưa người trong dòng họ vào các vị trí quan quyền bổng lộc trong phạm vi làng xã, ở vùng nông thôn thì trong Gia đình có bốn chị em gái, quy trình ấy được dịch chuyển về bối cảnh thành phố, đô thị, công ty, viện nghiên cứu nhà nước. Những âm mưu, thủ đoạn nhằm đưa người thân quen họ hàng, những kẻ dốt nát vào các vị trí công quyền, trong bộ máy nhà nước, trong các dự án, công ty sân sau… được triển khai trên diện rộng.

Dưới một dạng thức mới, dưới những tấm áo mới là truyền thống bảo bọc trong gia đình, lo cho người thân, bạn bè, họ hàng, những người tham gia vào cái quy trình “một người làm quan cả họ được nhờ” này xây dựng nên những tổ mối khổng lồ, làm mục ruỗng đến tận gốc nền tảng xã hội. Một số tham gia với toan tính rõ ràng, vừa để trục lợi, vừa bảo đảm an toàn cho mình, cho gia đình mình; số khác tham gia một cách hồn nhiên, coi việc đạp lên người khác, chiếm các vị trí ngon lành trong hệ thống như một hành động tự nhiên, “mình không làm thì có người khác làm”.

Trong bốn chị em gái ngoại trừ cô Yên em út cùng anh chồng tên Sỹ giữ vai trò khá mờ nhạt như để điểm tô cho đủ một gia đình “tứ nữ”, xung đột gay gắt nhất diễn ra một bên giữa cô chị cả tên Thương (cùng anh chồng đụt tên Thân), hai đứa con trai Hùng Nhật, Hùng Đức, lười biếng, gian xảo; một bên là gia đình vợ chồng cô em thứ hai tên Ái với anh chồng tên Thường, một người có chức sắc, quyền lực, dẫu chỉ giới hạn trong một viện nghiên cứu vài ngàn người.

Thương và Ái từ nhỏ đã chành chọe nhau mà phần thua thiệt luôn thuộc về cô chị Thương. Nhưng khi lớn lên, hai người theo những ngã rẽ khác nhau trên đường đời nên số phận, gia cảnh khác nhau. Mối xung khắc dần được đẩy lên thành xung đột, mâu thuẫn đến đỉnh điểm chỉ dựa trên một lý do duy nhất: Thương cho rằng cả đời mình đã nhường nhịn, lo cho em út thì giờ đây, các cô em đã có gia đình khá giả buộc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ lo cho hai thằng con trai mình. Như một người có bệnh lý, Thương coi việc vợ chồng cô em gái không lo xếp đặt vị trí công việc cho hai con trai mình tương đương với tội ác, nguyền rủa họ phải bị trừng phạt. Trong suy nghĩ vô minh của Thương, việc vợ chồng cô em gái sắp xếp vị trí công việc cho những anh em họ hàng khác mà không thu xếp cho hai đứa con mình chẳng khác nào hành động cướp giật quyền lợi của gia đình cô.

Trong một bầu khí quyển nơi mà cái ác tràn lan, được bình thường hóa, xâm nhập vào mỗi gia đình như trong Gia đình có bốn chị em gái, điểm sáng hiếm hoi trong tiểu thuyết là An, cô con gái thứ ba trong gia đình. Bị chồng bỏ (hay bỏ chồng?), An là nhân vật duy nhất trong cuốn tiểu thuyết còn giữ lại được tính thiện lương. Cô chính là điểm kết nối sang tuyến nhân vật thứ hai, bên ngoài gia đình bốn chị em. Ở đó, vẫn là cái ác lan tràn dưới hình thức những phi vụ bắt tay trục lợi chính sách, loại hình “kinh doanh” có lãi chỉ sau buôn vua. Như một sự đương nhiên, vẫn đậm đặc cái tinh thần “con dòng cháu giống”, “anh em gánh vác” để xây cái tổ mối xã hội với những mối quan hệ thân thuộc, họ hàng. Nhưng ở tuyến nhân vật này, nó gớm ghê hơn, tinh vi hơn, tráo đổi tay đôi, tay ba, tay tư và quan trọng là được cấp phép. Cái ác diễn ra dưới cái vỏ êm mượt như nhung: đúng quy trình, chính tắc.

Gia đình có bốn chị em gái vẽ nên bức tranh sinh động về một xã hội băng hoại, hoàn toàn thiếu vắng đạo đức. Cái ác gần như tuyệt đối thống trị. Những kẻ nắm quyền lực để có thể tham nhũng, vơ vét tự diễn giải các định đề triết học cao siêu với vẻ ngô nghê để biện hộ cho những hành vi bất lương. Đám thanh niên phát rồ lên trước những tiện nghi vật chất, khoái trá thưởng thức các clip nhạc chế hay những đoạn video nhảm nhí tràn lan trên mạng, coi đấy là những tiêu chuẩn sống đáng để mơ ước.

Những người như Ái, như Yên, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, tự coi là thành phần gia thế, trí thức, ấy nhưng buôn chuyện quanh đi quẩn lại vẫn nhắc đi nhắc lại về cái đám “thi ba môn đại học không được một điểm rưỡi”. Thương là cô giáo dạy cấp ba, dăm lần bảy bận lên nhà các em mình than thở chửi bới, lần nào cũng giống hệt lần nào, không một sự thay đổi.

Sự sắp xếp lặp đi lặp lại có chủ ý của tác giả về các tình huống truyện, các đoạn thoại cho thấy sự cằn cỗi về ngôn ngữ, sự cùn mòn ghê gớm trong đời sống tinh thần của các nhân vật. Chớ có coi thường những gã trai cười hi hí khoái trá khi xem những clip ca nhạc rẻ tiền thô thiển. Ngụp lặn trong cái môi trường nhàm nhạt, trống rỗng về văn hóa như vậy, các nhân vật dường như chỉ cách có một bước chân để đi tới chỗ phạm tội ác.

Tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái khép lại mà không có ánh sáng le lói nào ở phía chân trời, không có những diễn ngôn sáo rỗng về sự tất thắng của cái thiện như mẫu hình tiểu thuyết “người tốt việc tốt” phải có. Đó là lý do khiến cho đọc xong cuốn sách dày và nặng này, chỉ còn lại cảm giác nhức nhối, trống rỗng. Những Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ… bằng những bước chân đi trước dò dẫm vào vương quốc của cái ác trong văn học đã giúp cho Phạm Thị Bích Thủy không buộc phải truyền đi một thông điệp tươi sáng mang tính giáo điều ở phần kết của cuốn tiểu thuyết.

Sau cuối, cái ác vẫn tồn tại, vẫn hoành hành trong bữa tiệc hân hoan của những kẻ vừa hoàn thành một phi vụ làm ăn. Đó mới chính là cuộc sống.

Ý nghĩ cuối ngày - Thơ Niê A Dũng

Ý nghĩ cuối ngày - Thơ Niê A Dũng

Baovannghe.vn- Cuối cùng rừng chỉ còn lại đôi mắt xanh/ người trơ trụi nghĩ về ngày cũ
Dông. Truyện ngắn dự thi của Lệ Hằng

Dông. Truyện ngắn dự thi của Lệ Hằng

Baovannghe.vn- Mùa dông bắt đầu. Thành phố ngập trong những cơn dông xé hoàng hôn toang hoác. Nước bò trên cửa kính ngoằn ngoèo. Mùa dông cũng là mùa triều dâng
Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Baovannghe.vn- Chúng tôi leo thang ruộng men ngực đất
Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Baovannghe.vn - Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” tổ chức vào ngày 18/11/2024, tại sân vận động Cột Cờ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Baovannghe.vn - Vào ngày 13/11/2024, cơ quan chức năng Ý đã phá vỡ một mạng lưới làm giả tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn, với thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 200 triệu euro (khoảng 212 triệu USD). Mạng lưới này bao gồm hàng nghìn tác phẩm giả mạo của các nghệ sĩ danh tiếng như Andy Warhol, Banksy, Pablo Picasso, Amedeo Modigliani, Joan Mirò, Francis Bacon, Wassily Kandinsky, Henry Moore, và Gustav Klimt. Đây là một trong những vụ việc lớn nhất về làm giả nghệ thuật trong hơn 15 năm qua.