Sự kiện & Bình luận

Một ý tưởng cần lưu ý trong đổi mới toàn diện việc dạy và học môn Văn

Lê Hoài Nam
Tiếng nói nhà văn
06:09 | 13/08/2024
Baovannghe.vn - Chương trình “Sống mới” của VTV dành thời gian để nói về thi TNPT Trung học. Bởi là đợt thi cuối theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006
aa

Bởi đây là đợt thi tốt nghiệp cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Theo đó, từ kỳ thi năm sau (2025), học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cùng đó, năm học 2024 - 2025, học sinh sẽ học bằng 3 bộ sách giáo khoa mới của ba nhóm biên soạn: Cánh Diều; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức. Các lớp trước đã được học các bộ sách này. Lớp 12 là lớp cuối cấp nên năm học 2024 - 2025 mới bắt đầu. Chính vì thế, những người có trách nhiệm không thể không đặt vấn đề kết thúc năm học này học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp như thế nào.

Một ý tưởng cần lưu ý
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bàn về môn Văn, chương trình của VTV trên đây cho biết: Sang năm học mới, với ba bộ sách giáo khoa của ba nhóm biên soạn rất khác nhau về nội dung, mỗi địa phương và mỗi trường sẽ chọn một bộ mà mình thấy phù hợp. Khi thi tốt nghiệp nếu ra đề theo bộ sách của một nhóm biên soạn thì học sinh học theo sách của hai nhóm còn lại sẽ gặp khó khăn và ngược lại. Nếu ba đề thi, mỗi đề theo sách của một nhóm, thì sẽ gây ra những khó khăn, phức tạp cho khâu tổ chức coi thi và chấm thi; chưa kể sẽ khó tránh được sự thiếu công tâm trong đánh giá chất lượng. Bởi vậy kỳ thi tốt nghiệp môn Văn lớp 12 năm 2025, có thể sẽ ra một đề thi chung mà nội dung nằm ngoài chương trình sách giáo khoa (!)

Nghe đến đây, hẳn rất nhiều người thời ngồi ghế nhà trường phổ thông từng được học theo kiểu “văn mẫu”, ôn thi thường “học tủ”, khi thi nếu không dựa vào kiến thức thuộc làu, hay “phao cứu trợ”... thì sẽ giật mình, ngỡ ngàng trước thông tin này. Nhưng tôi lại rất vui, vui vô cùng. Tôi không rõ thông tin của nhà đài VTV đã thành chủ trương chính thức hay chưa. Và nếu đó mới chỉ là “ý tưởng” của một vài cá nhân hay một số cơ quan, tập thể... thì đó là một ý tưởng cần được hết sức lưu ý.

Sách giáo khoa môn Văn lớp 12 của ba nhóm biên soạn đều có ba cuốn: Ngữ văn tập 1; Ngữ văn tập 2; Chuyên đề Ngữ văn. Về cơ bản, các tác phẩm văn học đưa vào sách và những hướng dẫn về cách đọc, cách cảm thụ, phân tích, thực hành... cũng không khác nhau hoàn toàn; vẫn có một số tác giả, tác phẩm trùng nhau giữa sách của nhóm nọ với nhóm kia. Tuy nhiên, đó vẫn là một con số vô cùng nhỏ bé so với kho tàng văn chương vô cùng phong phú về nội dung, đa dạng phong cách của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Vả lại, với những tác phẩm đưa vào giảng dạy trong sách Ngữ văn lớp 12 của cả ba nhóm biên soạn, mới chỉ mang giá trị sư phạm, cung cấp cho học sinh vốn kiến thức “cần và đủ” để thi tốt nghiệp và thi vào các trường đại học. Khi thi tốt nghiệp, nếu chỉ ra đề trong phạm vi những tác giả, tác phẩm được tuyển chọn trong ba bộ sách giáo khoa trên, thì những người chấm thi của từng nhóm sẽ chỉ nhận được những bài thi viết về cùng một tác phẩm, cùng một nội dung, đa phần phiên bản như sách giáo khoa hướng dẫn hoặc na ná như lời thầy cô giảng... Với một bầu không khí văn hóa đọc xuống cấp như hiện nay, tôi có thể khẳng định rằng, nếu vẫn giữ cách ra đề thi tốt nghiệp như thế thì trừ các em theo học chuyên nghiệp ngành văn, còn đại đa số các em bước vào đại học hay bước ra ngoài đời sẽ không đọc thêm một tác phẩm văn học nào nữa.

Trước khi viết bài này tôi có gặp khoảng 30 em học sinh vừa thi tốt nghiệp lớp 12, hỏi các em cùng một câu: “Trong ba năm học THPT, ngoài những tác phẩm được học trong sách Ngữ văn các lớp, các cháu có đọc một tác phẩm văn học nào nữa, kể cả trên mạng không?” Hầu hết các em đều lắc đầu. Chỉ một vài em trả lời có đọc mấy truyện tranh ngôn tình như “Hôn trộm 55 lần”, “Đừng bỏ lỡ tình yêu”... Bởi vậy, nếu ngay từ đầu năm học 2024 - 2025, học sinh đã nhận được thông báo chính thức là kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 sang năm sẽ ra đề thi nói về những tác phẩm nằm ngoài sách giáo khoa; kiểu như: “Trừ vở kịch Quan thanh tra đã học trong sách Ngữ văn 12 tập 1, em hãy viết cảm nhận về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của một tác phẩm khác của Nikolai Gogol”, thì tôi tin rằng các em sẽ tìm đọc thêm ít nhất là một trong số những tác phẩm sau đây của Gogol: “Những linh hồn chết”, “Nhật ký người điên”, “Cái mũi”, “Đại lộ Nevsky”, “Chiếc áo khoác” v.v… Hoặc có thể đề thi ra như sau: “Văn học châu Âu, ngoài vở kịch “Quan thanh tra” của văn hào Nikolai Gogol, em còn biết một tác phẩm nào nữa (tiểu thuyết, truyện ngắn hoặc thơ không có trong sách giáo khoa đã học), hãy viết cảm nhận về tác phẩm ấy”, tôi rất tin sẽ có những em tìm đọc truyện vừa “Lũ xuân” của Tuốcghênhép, tiểu thuyết “Miếng da lừa” của Honoré de Balzac, thơ của Anna Akhmatova v.v... Với văn học Việt Nam cũng có thể ra những dạng đề tương tự như thế. Và lúc đó, các hiệu sách từ thành phố, thị xã đến thị trấn bị chuyển công năng sử dụng bấy lâu, nay sẽ được khôi phục. Các nhà xuất bản lâu nay chỉ in sách giải trí hoặc bán giấy phép cho các tác giả tự bỏ tiền in sách văn học, tức khắc sẽ có những chính sách tốt nhất để khích lệ các nhà văn viết, các dịch giả chuyển ngữ những tác phẩm có giá trị trong nước và nước ngoài gửi đến nhà xuất bản. Như vậy văn hóa đọc sẽ lại lên ngôi mà không cần những lời hô hào sáo rỗng. Khi đó, với những học sinh có ước mơ trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động văn học chuyên nghiệp... thì cách ra đề thi tốt nghiệp “phân tích, cảm nhận tác phẩm bên ngoài sách giáo khoa” sẽ mở ra một chân trời rộng lớn để các em được tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học của nhiều quốc gia với nhiều sắc thái và trường phái khác nhau, từ đó mà hình thành phong cách sáng tác, phong cách nghiên cứu của riêng mình. Phải đứng giữa muôn người thì mới nhận ra mình là ai, mình đang đứng ở đâu...

Tôi luôn cho rằng một đất nước hùng mạnh thì văn chương không thể có tình trạng èo uột. Việt Nam là đất nước có nền văn hiến lâu đời, điều ấy không thể phủ nhận, nhưng thái độ của từng người, từng nơi đối xử với văn chương thời gian gần đây có những điều khiến chúng ta không thể không băn khoăn suy nghĩ và lo lắng. Bởi thế, việc ra đề thi như “ý tưởng” trên đây đã gợi cho chúng ta không những đổi mới toàn diện việc dạy và học môn Văn trong nhà trường, mà còn mở ra công cuộc chấn hưng văn chương, cũng đồng thời cũng là chấn hưng văn hóa đất nước. Xin mọi người, đặc biệt là mọi cấp của các ngành chức năng, đừng bỏ qua “ý tưởng” hết sức khả thi, thiết thực và hiệu quả trên đây!

Lê Hoài Nam | Báo Văn nghệ

Tên bài viết do Baovannghe.vn đặt

-------------

Bài viết cùng chuyên mục

25 độ âm – trong giá lạnh vẫn thấy hơi ấm tình người Trong đám tang của mình - Truyện ngắn của nhà văn Uông Triều Sài thục - Truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa Lão hiệp sĩ - Truyện của nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa
Bản tin Văn nghệ: Tự hào về Thủ đô anh hùng qua “Hà Nội – Bản hùng ca phố”

Bản tin Văn nghệ: Tự hào về Thủ đô anh hùng qua “Hà Nội – Bản hùng ca phố”

Baovannghe.vn - “Hà Nội – Bản hùng ca phố”, cho chúng ta thấy một Hà Nội xứng với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thành phố đang phát triển trong thời đại mới.
Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

Baovannghe.vn - Đổi mới tư duy, thay đổi cách làm việc và ứng dụng công nghệ được Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn đã có những kết quả vượt trội, góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty
Nhà không có đàn ông. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Nhà không có đàn ông. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Baovannghe.vn - Tôi sinh ra trong một ngôi nhà to lớn với những cột kèo nâu bóng cũ kỹ, nham nhở những vết khắc vụng dại. Mảnh sân rộng đầy rêu và khu vườn tối tăm đầy bí mật. Sau này mẹ tôi kể lại, ngày tôi ra đời, hàng trăm con bướm bay về đậu rợp cả sân. Bà nội tôi bỏ vào buồng, không ra nữa. Bà ốm ba tuần lễ. Bà chỉ ốm ba tuần lễ khi quá tuyệt vọng vì một điều gì đó. Bà đã hy vọng quá nhiều về một đứa cháu trai.
Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật

Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật

Baovannghe.vn- Người Nhật luôn dành cho thiên nhiên một tình cảm đặc biệt. Với những đổi thay đa dạng phong phú và bốn mùa khác biệt được gọi là “siêu thị thời tiết”, người Nhật luôn ý thức đang sống ở một trong những nơi đẹp nhất hoàn vũ.
Bộ Giáo dục & Đào tạo: Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Bộ Giáo dục & Đào tạo: Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Baovannghe - Trong dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục & Đào tạo ( GD&ĐT) xin ý kiến Quốc hội có nội dung đề xuất Nhà nước sẽ trả tiền học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo.