Sáng tác

Lão hiệp sĩ - Truyện của nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen

Isak Dinesen / Nguyễn Tuấn Bình dịch
Văn học nước ngoài
09:00 | 14/08/2024
Baovannghe.vn - “Ta tin rằng các cậu sẽ chẳng để tâm đến,” lão nói, “chuyện người già cứ quẩn quanh bên những khung hình về một thời đã qua. Nó kiểu như, ta đồ là vậy, người ta bị chôn chân trong viện bảo tảng chốc lát khi đứng trước một montre trưng bày các mốt thười thượng. Cậu có thể cười vào những điều đó, tùy cậu mà.” Rồi lão hiệp sĩ tiếp tục câu chuyện của mình...
aa

LÃO HIỆP SĨ(1)

Cha ta có một người bạn, lão Nam tước(2) von Brackel, người này thời trai trẻ chu du nhiều nơi, quen biết nhiều người và đặt chân tới nhiều chốn đô hội. Thế mà lão chẳng được như Odysseus(3), đặc biệt là không thể nào có thể gọi là tài trí, bởi lão hiếm khi nào chứng tỏ được năng lực giải quyết công chuyện của bản thân. Chắc ý thức được sự kém cỏi trên phương diện này, lão cẩn trọng tránh tham gia đàm luận về những vấn đề thực tiễn với lớp trẻ đầy năng lực, say sưa với sự nghiệp và đời sống thành đạt của bọn họ. Mà về thần học, nhạc kịch, đạo lý luân thường, cùng những chuyện vô thưởng vô phạt khác thì lão là tay ăn nói ra trò.

Lão từng là chàng thanh niên phong độ lạ thường, mang vẻ điển trai lý tưởng của một trang nam tử, và dẫu chẳng thể tìm thấy vết tích vẻ đẹp quá khứ ấy lưu dấu trên gương mặt, thì lịch sử về nó có thể truy nguyên từ điệu bộ đường hoàng thư thái và tự tin, vốn là sản phẩm của đời người phong nhã, mà thứ này còn tìm thấy được, chẳng biết giải thích thế nào, trong dáng vẻ tàn tạ run rẩy của những kẻ thường hay nhìn vào tấm gương soi về thế kỷ đã qua với niềm đắm đuối. Bởi thế, người ta có thể chỉ ra được, trong bản danse macabre(4), đâu là những bộ xương của bậc giai nhân tuyệt thế ở vào thời của họ.

Một đêm nọ, lão và ta tham gia tranh luận về một chủ đề sáo mòn, cuộc trò chuyện còn chưa ngã ngũ, phận sựcủa nó là phải đưa ra dẫn chứng trong quá khứ để làm sáng tỏ: đấy là, liệu con người ta có bao giờ thu được lợi ích thiết thực nào, sự mãn nguyện trên đời sống tinh thần dài lâu nào, khi từ bỏ sở nguyện để tuân theo nguyên tắc, và trong lúc đàm đạo, lão kể cho ta nghe câu chuyện dưới đây:

Trong đêm mưa mùa đông năm 1874, trên một đại lộ ở Paris, có cô gái trẻ say mèn đến bắt chuyện với ta. Ta lúc ấy, cậu biết mà, là một gã trai còn khá trẻ. Ta vô cùng hoảng loạn và đau khổ, đương ngồi để đầu trần mặc trời mưa trên băng ghế đặt dọc theo đại lộ bởi ta vừa mới mới thoát khỏi một cô nương, theo cách nói của bọn ta hồi ấy, kẻ ta tôn sùng, và mới một giờ đồng hồ trước đó thôi, ả còn tìm cách đầu độc ta.

Điều đó, dẫu chẳng liên quan gì tới điều ta sắp kể với cậu, bản thân nó cũng là chuyện lạ lùng. Ta đã chẳng còn nghĩ gì về nó suốt hằng bao năm đến khi, trong lần mới đây đặt chân tới Paris, ta bắt gặp cô nương ấy ngồi tại lô của mình trong nhà hát, giờ đã là một lão bà già nua, bên cạnh hai cô bé xinh xắn hồng hào, người ta bảo với ta rằng, đó là hai người cháu. Nàng không còn vẻ yêu kiều ấy nữa, vậy mà ta chưa bao giờ, kể cả cái hồi đi lại với nhau, thấy nàng mãn nguyện như vậy. Về sau ta hối tiếc vì đã không tiến đến hỏi thăm lúc nàng còn ngồi trong lô, bởi dẫu chẳng hề có chút hạnh phúc nào cho cả hai bọn ta trong mối tình xưa ấy, ta tin rằng nàng hẳn sẽ hài lòng khi được gợi nhớ về hình ảnh người đàn bà trẻ trung xinh đẹp, kẻ làm khổ đàn ông, bởi ta bỗng nhớ tới, dẫu thoáng qua, hình bóng gã trai trẻ đã sống trong khổ đau suốt bao tháng ngày đằng đẵng.

Nhan sắc tuyệt thế của ả, trừ phi có gã nghệ sĩ kỳ tài nào biết cách gìn giữ nó bằng sắc màu hay khuôn đất nặn, giờ chắc chỉ tồn tại trong số ít những bộ óc già nua như ta. Vào thời xuân sắc, nó là thứ gì đó vô cùng diệu vợi. Ả là thiếu nữ với mái tóc vàng, kẻ xinh đẹp nhất, ta cho là vậy, mà ta từng chứng kiến, mà không phải kiểu người đẹp trắng trẻo hồng hào của các cậu đâu. Ả mang vẻ xanh xao, nhợt nhạt, từ đầu đến chân, hệt như gam màu phấn ngày xưa hay hình ảnh người đàn bà qua tấm gương mờ đục. Bên trong hình hài mong manh và lãnh đạm ấy chất chứa nguồn sinh lực vô song, và có nét riêng biệt mà phụ nữ thường không có, hoặc không muốn có.

Ta đã gặp và rơi vào lưới tình của ả vào mùa thu ấy, trong tòa lâu đài của một người bạn, đó là nơi bọn ta ở bên nhau trong buổi đại tiệc dành cho đám thanh niên vui vẻ, những kẻ bây giờ, nếu còn sống, thì cũng tàn tạ, oặt ẹo, ngễnh ngãng hết cả. Bọn ta tới đó để đi săn, và ta tưởng như mình sẽ còn nhớ mãi tới cuối đời cách ả từng ngắm nhìn con ngựa hồng lừng lững thuộc về ả, trong bầu không khí mùa thu ấy, mới chỉ nhuốm hơi sương, khi bọn ta trở về nhà lúc tối trời, ấm áp trong trang phục ngày mùa, mệt mỏi, rong ruổi cùng nhau băng qua cây cầu đá cổ. Tình yêu trong ta vừa hèn mọn lại vừa liều lĩnh, như thể của tên hầu dành cho quý phu nhân, bởi ả nhận được quá nhiều sự ái mộ, và nhan sắc của ả tự nó chứa đựng vẻ kiêu kỳ nào đó có lẽ mang đến cả những giấc mơ buồn cho gã trai đôi mươi, kẻ lạ lẫm và tội nghiệp trong giới của ả. Thế nên từng giờ phút bên nhau cưỡi ngựa, khiêu vũ hay tham gia những buổi diễn tableau vivant(5) đều ngập tràn si mê và khổ não, thứ đại loại như chính cậu cũng có thể cảm nhận được: cả một dàn giao hưởng trong tâm hồn. Hễ nàng khiến ta hạnh phúc, như người ta hay nói thế, ta nghĩ quả đúng là mình hạnh phúc thật. Ta còn nhớ một sáng nọ khi hút điếu xì gà ngoài sân hiên, nhìn ra toàn cảnh vùng núi đồi thoai thoải u hoài, rừng cây phủ kín, và dâng lên Đức Chúa một thứ đại loại như phiếu biên nhận cho toàn bộ niềm hạnh phúc ta từng thỉnh cầu suốt cả cuộc đời. Giờ đây bất kể chuyển gì xảy đến với ta, ta xin đón nhận, và tự nhủ lòng: mình đã toại nguyện rồi.

Tình yêu, đối với kẻ trẻ người non da, là việc làm vô tâm. Ở vào thời đó bọn ta uống vì khát, hoặc để nốc cho say; chỉ mãi đến đoạn đời về sau bọn ta mới bỏ công sức tìm hiểu đặc tính của thứ rượu mình uống. Người trẻ đang yêu về cơ bản là bị những thôi thúc trong lòng mình làm cho mê đắm. Cậu còn có thể nhìn nhận lại quan điểm này một lần nữa, khi bước vào tuổi hồi xuân. Ta biết một lão khọm người Nga ở Paris, giàu nứt đổ vách, thường nuôi những vũ công vô cùng trẻ trung quyến rũ bên mình, và khi người ta có lần hỏi lão rằng liệu lão có, hoặc muốn có, bất kỳ mơ tưởng nào về tình cảm bọn họ dành cho lão không, đã suy nghĩ cặn kẽ rồi đáp: “Ta chẳng hề nghĩ, một khi tên đầu bếp chế biến thành công món trừng ốp la ngon lành cho ta, thì ta lại bận tâm nhiều về chuyện anh ta có quý mến mình hay không.” Trai tráng thì chẳng thể đưa ra câu trả lời như vậy được, mà có lẽ phát biểu rằng mình chẳng quan tâm xem liệu kẻ bán rượu có cùng đức tin với mình hay không, và còn tưởng rằng anh ta sắp chạm đến chân lý của vạn vật. Dẫu vậy, khi bước sang tuổi trung niên, cậu sẽ biết khiêm tốn thâm trầm hơn, và bắt đầu xem xét tầm quan trọng của việc kẻ bán hay làm ra thứ rượu cho cậu sẽ phải có chung đức tin như bản thân cậu vậy. Xét về phần ta, trong câu chuyện ta đang kể cho cậu nghe, thói phù phiếm tuổi trẻ, nó chất chứa trong ta quá nhiều thì phải, đã ngay lập tức dạy cho ta một bài học. Bởi trong suốt những tháng ngày mùa đông ấy, trong lúc bọn ta cùng ở Paris, dinh thự của ả tại đây là chốn gặp gỡ của hằng bao bel-esprit(6), và bản thân ả cũng là một người sành âm nhạc và nghệ thuật đáng thán phục, ta bắt đầu nghĩ rằng ả đương lợi dụng ta, hay lợi dụng chính tình yêu của ả dành cho ta, nếu có thể gọi điều ấy là như thế, để khiến cho chồng ả phải ghen lên. Chuyện này, ta ngờ rằng, xảy đến với hằng bao thanh niên suốt qua các thời đại, vậy mà toàn bộ số kinh nghiệm của bọn họ chẳng có ích lợi nhiều lắm cho gã trai ấy khi lâm vào cảnh ngộ tương tự lúc này. Ta bắt đầu tự hỏi mối quan hệ giữa hai người này thật sự là thế nào, và cái thôi thúc lạ lùng nào bên trong ông ta hoặc ả, đã đẩy ta xen vào giữa hai bọn họ như thế này, và ta nghĩ rằng ta bắt đầu thấy sợ. Ả còn ghen với ta nữa, quở trách ta theo cái lối vừa phẫn nộ vừa răn đe, như thể ta là tên giữ ngựa không làm tròn phận sự của mình vậy. Ta nghĩ rằng mình chẳng thể sống thiếu ả, và nàng cũng chẳng muốn sống thiếu ta, mà đích thị ả muốn có ta vì lẽ gì thì ta không biết. Tiếp xúc với ả làm tổn thương ta như cách người ta chạm phải thanh sắt ngày mùa đông: cậu chẳng biết liệu cái đau ấy là do bỏng nóng hay bỏng lạnh.

Trước khi quen ả, ta có được biết về gia thế của ả, dòng họ này trải dài xuyên lịch sử nước Pháp qua hằng bao thế kỷ, và biết rằng trong số bọn họ có người từng biến thành ma sói, và đôi khi ta nghĩ rằng mình chắc sẽ sung sướng hơn nếu chứng kiến ả chuyển xuống đi bằng bốn chân rồi gầm gừ trước mặt ta, bởi khi ấy chắc ta đã nhận ra mình lọt vào chốn nào. Và thậm chí đến tận cuối cùng, bọn ta vẫn nhớ những thời khắc bên nhau trong say đắm lạ thường, bởi thế nên lúc nào ta cũng muốn cảm tạ ả. Quãng năm đầu tiên đến sống tại Paris, trước khi quen biết ai đó ở đây, ta dành thời gian nghiên cứu lịch sử các lâu đài(7) cổ trong chốn thị thành này, thú vui của ta khiến ả thích thú, thành thử bọn ta thường chìm đắm trong những góc phố và thời đại xa xưa của Paris, cùng nhau sống trong kỷ nguyên của Abélard(8) hay Molière(9), và trong lúc rong chơi như vậy ả tỏ ra thành thật và dịu dàng đối với ta, hệt như một cô bé. Nhưng ngoài những lúc đó ra, ta tưởng như mình chẳng thể chịu đựng thêm được nữa, và phải tìm cách thoát khỏi ả, và bất kỳ mối nghi ngờ nào về chuyện này là quá đủ để khiến, ta ngờ rằng, ả thao thức trong đêm để tìm ra ngón đòn mới trừng phạt ta. Giữa hai bọn ta là trò chơi muôn thủa: mèo và chuột - chắc đấy là hình mẫu nguyên bản của mọi trò chơi trên thế gian. Mà bởi mèo thì đam mê với trò này hơn, còn chuột chỉ chăm chăm quan tâm đến chuyện sinh tồn, thành thử chuột nhất định sẽ thành ra mệt mỏi trước. Càng đến giai đoạn cuối, ta có cảm tưởng ả chỉ mong bọn ta bị bị phát hiện, ả tỏ ra quá bất cẩn trong chuyện liaison(10) của bọn ta; mà thời kỳ đó chuyện ái tình phải xử trí sao cho khôn khéo.

Ta còn nhớ, trong quãng thời gian đó, mình đã đến lâu đài của ả vào cái đêm ả tham dự buổi khiêu vũ, trong khi ta chẳng được mời, phải ngụy trang thành thợ làm tóc. Vào thập niên bảy mươi các phu nhân hay để những búi tóc lớn và công việc của coiffeur(11) chiếm nhiều thời gian. Trải qua đủ mọi chuyện, mối lo nghĩ về người chồng ả cứ đeo đẳng lấy ta, hệt như, ta tưởng như, chiếc bóng khổng lồ, in trên tấm rèm trắng phía sau, của gã Punchinello(12)nhỏ thó nhăn nhở. Ta bắt đầu cảm thấy mệt mỏi - đích thị không phải vì ả, mà thực sự vì bản thân ta đã kiệt sức - đến nỗi ta nung nấu ý định phải có một màn nói chuyện cho ra nhẽ và đòi một lời giải thích từ ả, thậm chí vì thế mà để mất ả thì ta cũng đành, bỗng đột nhiên, vào cái đêm mà ta đã kể cho cậu nghe rồi đấy, tự nàng lại mang đế cả màn nói chuyện cho ra nhẽ cùng lời giải thích, như một trận cuồng phong mà ta chưa bao giờ phải hứng chịu; thêm nữa ả còn sử dụng chính những món vũ khí mà ta đã nhủ bản thân mình phải sẵn sàng: lời buộc tội, mà ta nghĩ về người chồng còn hơn nghĩ về ả. Và khi ả nói ra điều đó với ta, trong khuê phòng màu xanh lơ mà ta biết rõ - gian buồng thơm ngát đầy nhung lụa, giống như những gian buồng cô nương thời đó muốn ẩn mình bên trong, cùng với, ta còn nhớ, vài bức tranh hoa lá trên tường, và đâu đâu cũng có những chiếc gối lụa vô cùng êm ái, và hằng bao bông tử đinh hương trong góc buồng phía sau ta, cùng cây đèn có lồng chụp lớn màu đỏ làm dịu mắt - ta không đáp trả, bởi ta biết ả đúng.

Cậu hẳn sẽ biết tên người đàn ông này nếu ta nói cho cậu nghe, bởi người này vẫn còn được nhắc đến, dẫu qua đời nhiều năm rồi. Hoặc cậu sẽ tìm thấy cái tên đó trong bất kỳ cuốn hồi ký nào viết về thời kỳ đó, bởi ông ấy là thần tượng của thế hệ bọn ta. Về sau này, mối bất hạnh khủng khiếp ập đến với ông ấy, nhưng vào thời điểm đó - ta tin rằng khi ấy người này ba mươi ba tuổi - anh ta đương bình thản bước đi trên con đường hoan lộ phát ra từ thứ uy quyền lạ lùng. Ta có lần, trong khoảng thời gian đó, nghe hai người lớn tuổi nói về mẹ anh ta, bà này từng là một trong những hoa khôi thời Phục Hoàng(13), một trong hai người bảo rằng hễ bà ta khoác lên toàn bộ số trang sức trứ danh của mình thì thanh thoát và duyên dáng hệt như các quý cô đội vòng hoa đồng nội. “Đúng thế,” người kia đáp sau khi ngẫm ngợi một hồi, “rồi nàng đeo chúng khắp người, thành thử, hệt như chùm hoa, à la(14) Ophelia(15) vậy.” Bởi thế ta nghĩ vẻ thanh thoát hiếm có của anh ta, đi kèm với nét nhu mì nữa, hẳn là bởi truyền thống gia đình. Thậm chí kể cả trong những ý tưởng ngông cuồng nhất của mình, và trong phong cách mà hồi ấy bọn ta gọi là fin de siècle(16) và từng khiến bọn ta khá tự hào, thì vây quanh anh ta vẫn là mang nét gì đó thuộc về phong cách le grand siécle(17): nét quý tộc đường hoàng thuộc về nước Pháp xa xưa.

Kể từ đó, ta mới chú ý đến những tòa dinh thự nguy nga thuộc về thế kỷ mười bảy, có vẻ như chúng hoàn toàn không thích hợp để làm nơi trú ngụ cho con người, và ngẫm rằng chúng hẳn là được dựng xây nên để dành cho ông ta - và mẹ ông ta nữa, ta ngờ là vậy, - đến đó mà sinh sống. Ông ta có cái vẻ tự tin bước vào đời, chẳng câu nệ vào những thành tựu khiến bọn ta ghen tị, như thể biết rằng mình có thể viện đến những thế lực lớn lao hơn, mà bọn ta nào hay biết, nếu anh ta muốn. Nó khiến ta phải suy ngẫm mãi, về số phận con người, khi nhiều năm sau này ta được nghe kể rằng chàng trai đó, lúc gần đến hồi kết của số mệnh bi kịch, đã đáp lại lời van nài nhân danh Chúa của người thân, bằng câu nói trong vở Ajax của Sophocles(18): “Các người làm khổ ta nhiều quá, hỡi đàn bà. Chẳng lẽ các người không biết rằng ta có còn mắc nợ thánh thần gì nữa đâu?”

Ta nhận ra rằng mình có lẽ không nên khơi chuyện về anh ta, kể cả là sau chừng ấy năm; mà tư tưởng con người ta về thời tuổi trẻ lúc nào cũng là cột mốc dao động quanh những biến cố và cảm xúc đã qua. Chứ bản thân anh ta không liên quan gì tới chuyện này.

Ta đã bảo với cậu rằng bản thân ta cảm thấy đúng là cảm tình ta dành cho người đàn bà kiều diễm đó, kẻ mà ta tôn sùng, thực sự còn không sâu nặng bằng cảm tình ta dành cho chàng trai ấy. GIả như anh ta ở bên ả khi lần đầu bọn ta gặp gỡ hoặc ta biết anh ta từ trước khi làm quen ả, ta không tin rằng mình lại mơ tưởng đến chuyện yêu đương với vợ anh ta.

Mà tình yêu của người vợ dành cho anh ta, và cả mối ghen tuông của ả, quả thật lạ lùng. Bởi vì ả yêu anh ta, ta nắm được từ giây phút ả mở lời nói về người ấy. Chắc có lẽ ta đã biết điều này từ lâu trước đó. Và ả ghen. Ả đau khổ, ả gào thét - ả dám, như ta kể cho cậu nghe rồi đấy, sẵn sàng làm hại người khác nếu chẳng còn điều gì có thể giúp được ả - và trong suốt quãng thời gian đó, cuộc chiến ấy, rất có thể là mối thực tại duy nhất trong đời sống của ả, không phải là cuộc tranh đấu để chiếm hữu, mà là cuộc ganh đua. Ả ghen với anh ta như thể anh ta là một thiếu nữ đài các, địch thủ của ả, hay như thể bản thân ả là chàng trai trẻ ghen tị với những thành tựu của anh ta. Ta nghĩ rằng ả, trong thâm tâm, lúc nào cũng chỉ độc có anh ta trong thế gian mà ả khinh miệt. Khi ả phi ngựa điên cuồng, khi ả để cho hằng bao kẻ ái mộ vây quanh mình, ánh mắt ả hướng về anh ta, như đấu thủ trong cuộc đua xe ngựa sẽ chỉ để mắt đến kẻ điều khiển xe ngay sau mình. Về phần những kẻ còn lại, ả chỉ cần đến sự tồn tại của bọn ta chừng nào bọn ta còn thuộc về ả hay anh ta, và ả giành thêm những nhân tình như thể giành thêm những tấm khiên, để chất đống những kẻ mình chinh phục sao cho phải nhiều hơn người đàn ông mà ả yêu thương.

Ta chẳng thể, dĩ nhiên, biết được chuyện gì đã xảy đến giữa hai bọn họ. Về sau này ta đành tin rằng chuyện này, về phía ả, hẳn là nảy sinh từ ham muốn trả thù, bởi điều gì đó anh ta gây ra cho ả trong quá khứ. Mà ta có cảm giác rằng cái cuồng vọng ấy đã thiêu đốt mọi sắc thái trong con người ả.

Giờ chắc cậu cũng nắm được toàn bộ những sự kiện diễn ra ngày ấy về cái bọn ta gọi là cuộc “giải phóng phụ nữ.” Hằng bao điều lạ lùng xảy đến. Ta không nghĩ, ở thời điểm đó, cuộc vận động thâm nhập sâu vào đời sống xã hội, mà chỉ tác động đến những phụ nữ trẻ có suy nghĩ cấp tiến nhất, những người tài giỏi và táo bạo nhất trong số họ, thoát khỏi cảnh tranh sáng tranh tối cả ngàn năm, hấp háy nheo mắt trước ánh mặt trời và ngông cuồng với khát khao tung đôi cánh. Ta tin rằng vài người trong số họ còn khoác lên mình bộ giáp trụ và vầng hào quang của thánh Jeanne xứ Arc(19), bản thân con người này vốn là một trinh nữ được giải phóng mà, để biến mình thành như thể những thiên thần rực sáng. Mà hầu hết phụ nữ, hễ mà cảm thấy được tự do thoải mái nếm trải cuộc đời, sẽ lao thẳng đến cái ngày hội Sabbath(20) của những mụ phù thủy mà thôi. Bản thân ta tôn trọng họ vì điều này, và không nghĩ rằng mình có thể thực sự yêu một người đàn bà mà chưa từng, khi này khi khác, cưỡi lên trên cán chổi.

Ta luôn nghĩ rằng thật bất công đối với phụ nữ khi cô ta chưa từng được sống một mình trên thế gian. Adam từng có hồi, dù ít dù nhiều, vào cái thời anh ta còn lang thang trên thế gian thanh bình và tươi trẻ, được sống giữa muông thú, hoàn toàn làm chủ tâm hồn mình, thế nên hầu hết đàn ông khi sinh ra đều mang theo ẩn ức về thời kỳ đó. Mà Eve tội nghiệp lại bắt gặp anh ta ở đó, cùng với hết thảy những điều anh ta đòi hỏi ở mình, đúng vào khoảnh khắc nàng khám phá thế gian này. Đó là mối hận mà đàn bà luôn luôn dành cho Đấng Tạo hóa: cô ta cảm thấy mình được quyền quay trở về kỷ nguyên thiên đường dành cho mình. Chỉ có điều, thật không may, hễ theo đuổi cái thời đã qua, con người ta chỉ có thể nắm được cái đuôi của nó thôi, thành ra lầm đường lạc lối hết cả. Thế nên những mụ phù thủy trẻ tuổi này giành được mọi thứ họ muốn nhưng chỉ là hình ảnh phản xạ dội lại mà thôi.

Các quý bà thời đó, đấng bảo trợ cho giáo hội và gia đình, nói rằng cuộc giải phóng đang khiến cho đầu óc của những thiếu nữ trẻ đổi thay. Chắc là có nhiều quý cô phi như bay, chân không chạm đất còn hơn ả nhân tình của ta ấy chứ, với gương mặt xinh đẹp, hất ngược đằng sau gáy, theo phong cách gã thợ săn ngông cuồng trong chuyện cổ tích. Rồi trong bầu không khí đó, xuất hiện ý kiến cho rằng, cái này đã trói buộc bọn họ, chuyện ghen tuông của những kẻ yêu nhau thật là thấp kém, và không người đàn bà nào lại cho phép mình thuộc về sở hữu của bất kỳ người đàn ông nào trừ quỷ dữ. Con đường dẫn bọn họ đến với cái đấng đó khiến bọn họ kiêu hãnh vì, theo lời Tiến sĩ Faust(21), nó lúc nào cũng vượt trước con người cả trăm bước. Nhưng còn mối ghen tuông trong ganh đua, như giữa Adam và Lilith(22), lại là cuộc tranh đấu cao cả. Thế nên rồi cậu sẽ thấy, chẳng phải chỉ có những mụ phù thủy già khọm của Macbeth(23), và những kẻ mà người ta quy cho là vậy, mà ngay đến cả những quý cô với gương mặt dịu dàng như bông hoa, cũng ngông cuồng và rồ dại khi đi ghen tuông với cả hàm ria mép của người tình. Tất cả những thứ bọn họ giành được là từ việc đọc - theo đúng phong cách phù thủy chính thống - lật ngược lại cuốn Sáng Thế ký. Cứ để mặc họ xoay sở, chắc là họ sẽ tìm ra nhiều thứ từ đó. Đằng này lại có những gã đàn ông nhạt nhẽo, tội nghiệp đi rao giảng về cuộc giải phóng, tạo ra, hệt như các thầy đồng cốt vẫn luôn thế, hình hài khốn khổ vào ngày lễ Sabbath, làm hỏng đi phong cách và chiều hướng của toàn thể chuyện này bằng cách đưa nó xuống mặt đất và chịu sự chi phối của phép tắc lẽ đời. Dẫu vậy, ta tin rằng, những điều đó giờ cũng đã thay đổi, và rằng ngày nay, khi mà nam giới cũng tìm cách tương tự giải phóng chính mình, thì cậu có lẽ sẽ thấy gã người tình trẻ ấy ngoài bãi hoang, theo dấu chiếc bóng của mụ phù thủy là là trên mặt đất, và, chẳng cần phải tưởng tưởng nhiều nhặn gì, đương nhào trộn hất men chết người dành cho tình nhân của anh ta, bởi ghen tị với bộ ngực của nàng.

Vai trò được gán cho ta, trong câu chuyện về ả phù thủy đòi giải phóng của mình, chẳng có gì đáng tán tụng. Mà ta vẫn tin rằng ả cực kỳ say mê ta, có lẽ kiểu như mối say mê của bé gái dành cho con búp bê nó yêu thích. Xét theo chừng mực nào đó ta mới thực sự là nhân vật trung tâm trong tấn bi kịch này. Nếu ả là Othello(24), thì ta chứ không phải người chồng, sẽ phải đóng vai Desdemona, rồi ta còn hình dung được cả tiếng thở dài của ả, “Ôi chao, đáng thương thay, đáng thương thay, hỡi Iago,” sau khi trải qua hết chuyện bất hạnh này, thậm chí còn muốn trao cho ta nụ hôn và còn thêm một nụ hôn nữa trước khi tất cả hạ màn. Chỉ có điều nàng không muốn giết ta vì cảm giác tìm công lý hay phục thù. Ả mong mỏi tàn phá ta chỉ vì không muốn để mất ta và chứng kiến món đồ mình vô cùng yêu quý thuộc về kẻ địch, theo phong cách của viên tướng quân quả quyết, người sẽ đập tan tòa pháo đài mà ông ta chẳng thể giữ được nữa, hơn là chứng kiến nó lọt vào tay kẻ địch.

Nó dẫn đến chuyện khi kết thúc màn chất vấn của bọn ta, ả đã tìm cách đầu độc ta. Ta tin rằng chuyện này thực sự đi ngược lại kế hoạch của ả, và rằng ả đã muốn nói cho ta nghe ý nghĩ của ả về ta chính vào lúc ta đã thấm thứ độc dược đó vào trong người, nhưng ả đã không đủ khả năng kiềm chế bản thân quá lâu. Có điều gì đó, cậu cũng sẽ cảm nhận thấy, không được tự nhiên trong việc chuyện uống cà phê trong lúc bọn ta đối thoại. Cái cách ả nài nỉ, rồi vẻ đột nhiên chết lặng, khi ta nâng tách cà phê lên môi, đã bóc trần ả. Ta vẫn còn có thể, dẫu chỉ mới nhấp môi, hồi tưởng ra cái vị lợt lạt, kinh tởm của thứ thuốc phiện ấy, và giả như ta uống cạn sạch cái tách đó, chắc cũng không thể khiến bụng dạ ta sôi sục lên và cốt tủy ta tan chảy bằng việc đột ngột phát giác ra điều chí tử rằng ảmuốn ta phải chết. Ta để cái tách đó rơi xuống, người lả đi như chết đuối, đứng trân trân nhìn ả, còn ả thì làm một động tác cuồng dại, như thể muốn lao bổ về phía ta đương chết lặng. Rồi bọn ta đứng ngây ra bất động trong phút giây, cả hai đều biết rằng mọi thứ đã mất hết rồi. Sau một thoáng, ả bắt đầu run rẩy và thút thít, đưa bàn tay lên ôm mặt, đột nhiên biến thành một bà già đau khổ. Về phần ta, ta chẳng thể thốt nên lời, chỉ nghĩ rằng phải lập tức chạy thoát khỏi tòa dinh thự đó ngay khi ta có đủ sức cử động. Làn không khí, cơn mưa và con phố ấy tự tìm đến với ta như người thân đã lãng quên lâu rồi, vẫn thủy chung tìm đến trong thời khắc ta mong chờ.

Rồi kìa ta ngồi xuống băng ghế trênĐại lộ Montaigne, với toàn bộ tòa kiêu hãnh và hạnh phúc nằm rạp xung quanh trong đổ nát, kiệt quệ vì khiếp sợ và bẽ bàng, thì cô gái ấy, người mà ta đang kể cho cậu nghe, tiến lại gần ta.

Ta tin rằng hẳn là mình đã ngồi đó được một lúc, còn nàng chắc đã đứng và quan sát ta trước khi dồn hết can đảm đến tiếp cận. Chắc tự nàng cảm thấy đồng cảm với ta, nghĩ rằng ta cũng say mèm, bởi con người tỉnh táo sẽ chẳng để đầu trần ngồi trong mưa, có lẽ còn bởi ta trạc tuổi nàng. Ta chẳng nghe được nàng nói gì, bất kể lần đầu hay lần sau. Tâm trạng của ta không muốn tham gia trò chuyện với một cô gái ít tuổi ngoài đường phố. Ta nghĩ hẳn là do bản năng sinh tồn mãnh liệt nên rốt cuộc ta cũng ngước lên nhìn nàng và chịu lắng nghe. Ta cần phải thoát khỏi dòng suy nghĩ bên trong mình, nên bất kể con người nào cũng sẽ được chào đón nếu trợ giúp được cho ta. Mà đồng thời lúc ấy có điều gì đó cực kỳ yêu kiều và gợi cảm từ cô gái khiến ta bị thu hút. Nàng đứng đó trong mưa, trang điểm đậm, với ánh mắt long lanh như sao trời, đứng thẳng người dẫu như thể chỉ đủ trụ vững trên đôi chân. Khi ta cứ chằm chằm nhìn nàng, nàng cười lại với ta, tiếng cười khe khẽ lanh lảnh. Nàng trẻ lắm. Một tay nàng nhấc váy lên - thời đó các cô nương thường để đuôi váy dài kéo lê trên phố. Trên mái đầu, nàng đội chiếc mũ đen gắn lông vũ ủ dột dưới làn mưa, tỏa bóng xuống vầng trán và ánh mắt. Đường cong dịu dàng mà mạnh mẽ của chiếc cằm cùng với chiếc cổ tròn trịa xuân thì ánh lên dưới quầng sáng của ngọn đèn khí đốt. Cảm nhận của ta về nàng thì không có gì thay đổi, tuy nhiên ta còn có một hình dung khác nữa về nàng.

ĐIều gây ấn tượng cho ta là nhìn chung nàng có vẻ như bị hoàn cảnh tác động, khiến cho người lâng lâng lạ thường.. Cách tiến đến của nàng không giống thông thường. Nàng trông như thể một con người thoát ra khỏi chốn bão táp, hay có điều gì đó cần phải giấu giếm. Ta nghĩ rằng trong lúc nhìn ngắm nàng ta bắt đầu nở nụ cười, kiểu cười như cuồng dại và chua chát, chỉ có ở người trẻ, và điều đó khiến nàng vững tâm. Nàng tiến lại gần hơn. Ta dò dẫm túi áo định lấy tiền đưa cho nàng, mà lại không còn đồng nào trong người cả. Ta bật dậy và bắt đầu rời bước, rồi nàng tiến theo, đi bên cạnh ta. Ta còn nhớ, một cảm giác an ủi nào đó xuất hiện khi nàng gần lại bên ta, bởi ta không muốn mình cô độc. Thế nên chuyện xảy đến tiếp theo là ta cứ để nàng đi theo mình.

Ta hỏi tên nàng là gì. Nàng bảo rằng mình là Nathalie.

Thời điểm đó ta làm việc ở Tòa Công sứ, và đương sống trong một căn hộ trên Quảng trường Francois I, thế nên bọn ta không phải đi xa lắm. Ta chuẩn bị sẵn sàng cho khi về muộn, bởi thời ấy, ta hay trở về nhà bất kể giờ giấc, nên thường giữ lửa lò sưởi và có bữa tối đồ nguội chờ đợi mình. Khi bọn ta tiến vào gian buồng, nó sáng bừng và ấm cúng, bàn ăn đã được dọn lên cho ta ngay trước lò sưởi. Có một chai sâm panh ướp lạnh. Ta thường dành cho mình một chai sâm panh để nhâm nhi mỗi khi trở về sau những giờ rong ruổi.

Cô gái trẻ nhìn quanh gian buồng với vẻ mặt mãn nguyện. Lúc này dưới ánh đèn ta mới có thể nhìn rõ nàng thực sự trông ra sao. Nàng có mái tóc xoăn nâu mềm mại và ánh mắt xanh thẳm. Gương mặt tròn trịa, với vầng trán rộng. Nàng vô cùng xinh đẹp và kiều diễm. Ta nghĩ rằng ta chỉ sửng sốt về nàng, như người ta sẽ lấy làm lạ khi thấy bó hoa hồng tươi thắm trong chốn bùn lầy, không hơn không kém. Giá mà con người ta cân bằng như thường lệ, đáng ra ta phải cố gắng tìm kiếm từ nàng lời giải thích nào đó cho cái vẻ hồ như bí ẩn mà nàng toát ra, mà lúc ấy ta không tin rằng điều đó nảy đến với ta được đâu.

Sự thực là cả hai bọn ta đều ở trong tâm trạng đại loại là khá lạ kỳ, điều như vậy khó lòng còn lập lại đối với cả hai bọn ta. Ta hầu như không biết điều gì tác động đến nàng cũng như nàng chẳng biết gì về tâm trạng của ta, nhưng, trong lúc căng thẳng và kích thích cao độ, bọn ta tìm thấy trong nhau mối đồng cảm đặc biệt. Ta, phần thì choáng váng, phần thì choàng tỉnh và nhạy cảm lạ thường, giữ lấy nàng hoàn toàn vì ích kỷ, chẳng màng bận tâm xem nàng đến từ đâu hay sẽ lại biến mất ở chốn nào, như thể đó là món quà ban tặng cho ta, và sự hiện diện của nàng là do bàn tay ân cần và thân ái của số phận dành cho ta đúng vào thời điểm ta không thể nào đơn độc được. Cơ hồ đối với ta, nàng xuất hiện như một linh hồn cuồng dại thân thương từ bên ngoài đô thành này - Paris - linh hồn có lẽ vào lúc bất chợt nào đó ban tặng ân huệ không ngờ đến cho con người ta, và nó đã chọn đúng thời điểm này để phái nàng đến với ta. Nàng nghĩ gì về ta hay cảm nhận điều gì ở ta, ta chẳng thể nói gì được. Vào thời điểm ấy ta không hề nghĩ về chuyện đó, mà bây giờ nhìn lại chắc ta nên nói rằng hẳn là ta đã biến nàng thành biểu tượng gì đó, và ta hầu như không xét đến sự hiện hữu của nàng trong vai trò cá nhân.

Ta cảm thấy đó là niềm hạnh phúc lớn lao, sưởi ấm toàn thân ta, bởi nàng trẻ và đáng yêu quá. Điều đó khiến ta lại cười lớn tiếng sau những thời khắc buồn thảm dị thường. Ta cởi mũ nàng ra, nâng gương mặt nàng lên, và hôn nàng. Lúc ấy ta mới cảm thấy người nàng ướt đẫm đến thế nào. Hẳn là nàng đã phải bước dầm mưa trên phố hồi lâu, bởi áo quần ướt sũng như chuột lội. Ta lướt qua, mở chai rượu trên bàn, rót một ly, đưa nó cho nàng. Nàng cầm lấy, đứng trước lò sưởi, những lọn tóc ướt lòa xòa rủ xuống trước vầng trán. Làn má ửng hồng và ánh mắt ngời sáng khiến nàng trông như đứa trẻ vừa thức giấc, hay như búp bê vậy. Nàng chậm rãi uống non nửa ly rượu, với ánh mắt nhìn về phía ta, và, như thể nửa ly sâm panh đẩy nàng đến tới hạn mà nàng không thể im lặng được nữa, nàng bắt đầu hát, cất giọng nho nhỏ, du dương, đôi môi hầu như chỉ mấp máy, những đoạn màu đầu vào bài hát, điệu waltz, vốn hồi ấy được cất lên trong mọi thính phòng âm nhạc. Nàng đột nhiên ngưng lại, nốc cạn ly rượu, trả lại cho ta. A Votre santé(25), nàng nói.

Giọng nàng thật rộn ràng, thật thanh khiết, như tiếng chim hót trong bụi rậm, và lạ thay âm nhạc vào thời điểm đó lại như thể tiến thẳng tới tâm hồn ta. Bài hát của nàng làm ta dâng trào xúc cảm, một điều gì đó thật đặc biệt và hơn mức bình thường được gửi đến cho ta. Ta lại rót đầy cốc cho nàng, đặt tay ta lên chiếc cổ trắng ngần, gạt mớ tóc xoăn ẩm ướt trên gương mặt nàng ra đằng sau. “Trời đất, sao em lại để mình ướt sũng thế này, Nathalie?” Ta nói, như thể mình là bà ngoại nàng. “Em phải cởi quần áo ra và làm ấm người lên.” Khi cất lời, giọng ta lạc đi. Ta lại bắt đầu cười lớn tiếng. Nàng đổ dồn ánh mắt long lanh về phía ta. Gương mặt nàng run run trong giây phút đó. Rồi nàng bắt đầu cởi cúc áo choàng, để nó rơi tuột xuống sàn. Bên dưới manh áo choàng ren màu đen, chẳng hợp chút nào trong thời tiết này và viền mép đã ngả màu bạc phếch, nàng mặc chiếc đầm lụa đen, ôm sát lấy bầu ngực, chiếc eo và phần hông, chân váy xếp li và gấp nếp, với những đường viền ren và bèo nhún theo kiểu các cô nương hay mặc thời đó, buổi đầu của chiếc khung lót áo. Phần nếp gấp ngời lên trong ánh lửa lò sưởi. Ta bắt đầu cởi đồ trên người nàng, như thể là cởi đồ cho búp bê, vô cùng chậm chạp và lóng ngóng, còn nàng đứng thẳng người lên và để mặc ta làm điều đó. Gương mặt tươi trẻ của nàng bộc lộ nét ngây thơ và nghiêm trang. Đôi lần thân hình nàng ửng đỏ lên dưới bàn tay ta, nhưng đến khi ta cởi bỏ vạt áo bó sát người nàng và bàn tay ta chạm vào bờ vai và bầu ngực tươi mát, gương mặt nàng đột nhiên trở nên hiền dịu và nở nụ cười rộng mở, rồi nàng đưa tay nàng lên và chạm vào những ngón tay ta.

Lão Nam tước von Brackel bỗng ngưng lại hồi lâu. “Ta nghĩ rằng chắc phải để ta giải thích cho cậu,” lão nói, “thì cậu mới có thể hiểu đúng được chuyện này, đó là chuyện cởi đồ trên người phụ nữ hồi đó hẳn là khác xa so với bây giờ. Trang phục trên người cô nương của các cậu nó thế nào? Nó chỉ cần càng giản tiện càng tốt - vài đường vuông vắn, rồi cắt xoẹt một phát trước khi chúng kịp mang đến bất kỳ cảm nhận nào. Chúng không chứa đựng ý đồ nào cả. Chúng tồn tại chỉ là để che thân, chứ không có đời sống riêng, hoặc là, giả như chúng có sứ mệnh nào đó để thực thi, thì đó là để phơi bày ra.

“Nhưng thủa ấy, cơ thể phụ nữ là điều thầm kín mà trang phục trên người phải tuyệt đối giữ gìn. Bọn ta sẽ lang thang trên phố bất kể nắng mưa chỉ mong liếc thấy một cái mắt cá chân, nhìn ngắm cái món ấy hẳn là quen thuộc đối với cậu, lớp thanh niên ngày nay, như thể cái chân đế ly rượu vang của bọn ta vậy. Trang phục hồi ấy là là một sinh linh, mang theo tư tưởng của riêng nó. Bẳng vẻ bình thản không dễ nhìn thấu qua được, mục tiêu nó gây dựng lên là làm biến đổi thân hình mà nó bao bọc, và tạo nên hình chiếu bóng khác hẳn so với vóc dáng thật sự để biến thân hình ấy trở thành một điều bí ẩn, một thứ đặc ân thiêng liêng cần giải mã. Chiếc áo nịt ngực thân dài bó sát, phiến sừng cá voi(26), chân váy và váy lót, khung lót áo và những đường riềm xếp nếp, toàn thể khối phụ kiện ấy phủ kín lên người phụ nữ thời đại bọn ta, chúng được thắt buộc lại với nhau thít chặt tới khi nào bọn họ còn có thể chịu đựng được - tất cả nhắm tới một điều: để che giấu đi.

“Từ cái mớ bòng bong kinh khủng nào là đuôi váy, nếp gấp xếp ly, dải đăng ten, và đường viền ren gợn sóng bồng bềnh, secundum artem(27), nhất cử nhất động của người mang vác nó, từ phần eo sẽ bung ra như một đài hoa, nâng đỡ bộ ngực, tôn cao và quây tròn lại như đóa hoa hồng, nhưng lại bị giam cầm trong phiến sừng cá voi kéo dài lên tận vai. Giờ hãy tưởng tượng xem cuộc sống hẳn sẽ khác xa đến thế nào và cảm nhận xem những kẻ phải sống trong chiếc coóc-xe thít chặt khiến bọn họ chỉ còn nước tìm cách mà thở, và trong hằng bao thước vải bọn họ kéo lê theo dù đứng hay ngồi ở bất cứ nơi đâu, và những con người đó chẳng bao giờ mơ tưởng làm điều gì khác được, so với cuộc sống của những thiếu nữ trẻ thời các cậu, những người mang trang phục hiếm khi ôm sát người và không chiếm dụng không gian. Phụ nữ thời đó là tác phẩm nghệ thuật, là sản phẩm của thời đại văn minh, hễ cậu nói về chân dung con người nàng thì như thể cậu đang nói về gian khách thính của nàng, với niềm ngưỡng mộ mà người ta dâng tặng cho thành tựu của người nghệ sĩ tài hoa và bền bỉ.

“Rồi thì bên dưới tất cả những thứ đó, bản thân nàng Eve ấy đương hít thở và cử động, quả thật trở thành màn khám phá dành cho bọn ta mỗi lần nàng bước ra khỏi lớp màn che giấu, với chiếc eo vẫn còn được tô điểm một cách tinh tế bằng chiếc áo nịt ngực, hệt như một vành hoa hồng.

“Người trẻ các cậu thì cười vào những nghĩ đó, chẳng hạn như khung lót áo, của thập niên bảy mươi đó, rồi các cậu sẽ bảo với ta rằng những thứ giả tạo ấy, dẫu có làm gì đi chăng nữa cũng chẳng hề để lại chút bí ẩn nào cho bất kỳ ai trong bọn ta, có lẽ cho phép ta được nói rằng có lẽ cậu không thật hiểu rõ ý nghĩa của từ đó? Chẳng có điều gì là bí ẩn hết trừ phí nó tượng trưng cho một điều gì đó. Bánh mỳ và rượu trong nhà thờ bản thân nó cũng phải được nướng lên và đóng chai chứ, ta ngờ là vậy. Phụ nữ thời đó còn hơn cả một tập hợp của những cá nhân. Bọn họ tượng trưng cho, hay đại diện cho, Đàn Bà. Ta hiểu rằng bản thân cái từ đó, theo cách hiểu đó, đã vượt khỏi tầm ngữ nghĩa gán cho nó. Khi nào bọn ta nói về người đàn bà - quái lạ thay, bọn ta muốn nghĩ đến - như cậu nói về những người đàn bà, và tất cả sự khác biệt nắm ở chỗ đó.

“Cậu còn nhớ có đám học giả thời trung cổ tranh cãi nhau về vấn đề cái gì có trước: ý niệm về loài chó, hay là từng con chó riêng lẻ đó? Đối với các cậu, những kẻ được dạy về số đếm từ hồi học mẫu giáo, chuyện này có gì mà ngờ vực, ta đoán vậy. Và nói cho ngay thế giới của các cậu quả thực trông như thể được hình thành thông qua thực nghiệm. Mà thời bọn ta ngay cả đến những tư tưởng của ngài Darwin già nua cũng vẫn còn mới mẻ và xa lạ. Tư tưởng của bọn ta xuất phát từ những điều chẳng hạn như bản nhạc giao hưởng hay nghi thức cung đình, và được nuôi dưỡng bằng cảm tưởng mãnh liệt về sự khác biệt giữa dòng dõi chính thống hay không chính thống. Bọn ta nhất nhất tin theo. Ý niệm về Đàn Bà - về cái das ewig weibliche(28), điều này thì bản thân cậu cũng sẽ không thể phủ nhận: nó mang nét bí ẩn nào đó - đối với bọn ta là thứ có trước, và những người đàn bà thời bọn ta có sứ mệnh là thể hiện làm sao cho xứng với nó, bởi thế ta ngờ rằng nhiệm vụ của từng con chó riêng lẻ hẳn phải là: thể hiện sao cho xứng với ý niệm của Đấng Tạo họa dành cho loài chó.

“Rồi thì cậu có thể theo dõi bước phát triển của ý tưởng đó ở một bé gái, khi cô bé lớn lên và từng bước, không nghi ngờ gì nữa, tuân theo những tục lệ ngàn xưa, tham gia vào lễ tấn phong theo những nghi thức thờ phụng, và rốt cuộc đảm lĩnh chức phong. Dần dần sức hút trong con người cô bé sẽ được truyền từ cá nhân sang biểu tượng, và cậu sẽ đối mặt với nét tiêu biểu kiêm nhường và kiêu hãnh đặc trưng đến từ kẻ đại diện cho những thế lực lớn lao - kiểu như cậu có thể lại tìm thấy nó nơi người nghệ sĩ vĩ đại thực thụ. Quả thật, vẻ kiêu kỳ của người thiếu nữ xinh đẹp, hay nét uy nghi của lệnh bà, tồn tại cũng chỉ vì thói phù phiếm cá nhân, hay vì bất kể ý đồ cá nhân nào khác, chẳng khác gì niềm kiêu hãnh của bản thân Michelangelo, hay Ngài Đại sứ Tây Ban Nha đối với nước Pháp. Dù nhận được màn chào đón ra sao đi chăng nữa tại bờ sông Styx(29) trong sự phẫn nộ của từng nạn nhân với mái tóc lòa xòa và bộ ngực trần, Don Giovanni(30) hẳn sẽ được tha bổng bởi một ủy ban gồm những người phụ nữ sống thời bọn ta, ngồi xét xử anh ta, nhờ vào sự thủy chung hết mực của anh ta đối với ý niệm Đàn Bà. Mà bọn họ chắc cũng sẽ đồng tình với những giáo sư tại Oxford trong việc kết tội Shelley(31) là kẻ vô thần; và còn tìm cách làm bà chủ cả chính Đấng Ki-tô khi chỉ cần tuyên bố ngài mãi mãi là đứa trẻ sơ sinh trong vòng tay, lệ thuộc vào Đức Mẹ.

“Hằng bao thứ bên ngoài ngôi đền bí ẩn ấy thì có gì là thú vị. Điều đáng quan tâm thực sự nằm ở vị thầy tế bên trong. Đám đông chầu chực trên lối đi chờ đợi phép màu thực thi từ dòng máu sục sôi của Thánh Pantaleone(32) - điều ta chứng kiến hằng bao lần và ở nhiều nơi. Mà cực kỳ hiếm khi nào ta được phép tiến vào những khung vòm mát mẻ phía đằng sau, hoặc có cơ hội được thấy các vị thầy tu, già lẫn trẻ, thậm chí là ban lễ sinh, những vị tự nhận mình là người tối quan trọng trong buổi lễ, và vừa sợ sệt vừa sỗ sàng, dốc hết sức lực, trong khả năng của mỗi người, cho việc sắp đặt, bảo vệ điều thần bí mà bọn họ đều biết cả rồi. Cái tư tưởng hoài nghi của Ngài Byron(33), hay của Baudelaire(34), những người hồi ấy bọn ta mới chỉ biết đến với frisson nouveau(35), đã là gì so với tư tưởng hoài nghi của những nữ tu nhỏ bé này, hết thảy đều là những thầy đồng bà cốt, cử hành với sự cúc cung tận tụy mọi nghi thức thờ phụng mà bọn họ hiểu rất rõ và không hề tin tưởng hay muốn gìn giữ, ta tin chắc là vậy, cái học thuyết về điều thần bí ấy kể cả là giữa bọn họ với nhau. Các thi nhân thời ấy sẽ kể cho bọn ta nghe về một rừng người đẹp tươi xinh, khuất sau những tấm rèm buông buồng tắm, đương thẹn đỏ mặt và cười khúc khích như thế nào khi bọn họ “nhúng làn da trắng ngần vào trong làn nước.”

“Ta không rõ liệu cậu có còn nhớ câu chuyện về cô gái cứu lấy chiếc thuyền trong cuộc binh biến bằng cách ngồi lên thùng thuốc súng với ngọn đuốc rực cháy trên tay, dọa châm lửa đốt, dẫu cho suốt quãng thời gian đó cô tự biết rằng nó hoàn toàn trống rỗng? Chuyện này đối với ta có thể coi như hình tượng quyến rũ về người đàn bà thuộc về thời đại của ta. Bọn họ ở đó, duy trì trật tự của thế gian này, gìn giữ sự cân bằng và guồng quay của nó, bằng cách ngồi lên trên cõi bí ẩn của cuộc đời, mà bản thân bọn họ biết rằng nó chẳng có gì là bí ẩn cả. Ta từng nghe thanh niên các cậu nói rằng đàn bà thời xưa không có khiếu hài hước. Vậy mà nghĩ về gương mặt người thiếu nữ của ta ngồi trên cái thùng ấy, với ánh mắt gườm gườm cụp xuống, ta tự hỏi liệu cái khiếu hài hước trứ danh của cánh đàn ông chẳng phải là hơi thiếu muối so với bọn họ sao. Giả như bọn ta cần phải cảm tạ về sự hiện hữu của bọn họ nhiều hơn so với các cậu đối với phụ nữ thời nay, ta nghĩ bọn ta cũng có lý do xác đáng để mà làm.

“Ta tin rằng các cậu sẽ chẳng để tâm đến,” lão nói, “chuyện người già cứ quẩn quanh bên những khung hình về một thời đã qua. Nó kiểu như, ta đồ là vậy, người ta bị chôn chân trong viện bảo tảng chốc lát khi đứng trước một montre(36) trưng bày các mốt thười thượng. Cậu có thể cười vào những điều đó, tùy cậu mà.”

Rồi lão hiệp sĩ tiếp tục câu chuyện của mình:

Thế là ta cởi đồ trên người thiếu nữ ấy, từng lớp từng lớp trang phục chế ngự và che đậy nghiêm ngặt con người nàng bắt đầu rơi xuống ngay trước gian lò sưởi, trong quầng sáng tỏa ra từ ngọn đèn lớn, bản thân nó được quấn trong nhiều lớp lụa - hết thảy, anh bạn thân mến của ta ơi, cái gì cũng phải xếp nếp gấp li như thế vào thời đó, và những chiếc ghế bành rộng rãi, ta còn nhớ, có những tua rua dài bằng lụa phủ quanh chúng và trên đỉnh những quả cầu bông bằng nhung nhỏ xinh. Nếu khác đi chúng sẽ không còn được coi là đẹp đúng nghĩa - đến khi chỉ còn thân hình lõa lồ kia đứng trước ta thì quả là kiệt tác hùng vĩ tột cùng của tự nhiên mà đôi mắt ta được ban ân nhìn ngắm, cảnh tượng đó có thể làm cậu tắc thở. Ta hiểu rằng có lẽ có điều gì đó vô cùng yêu kiều trong cái vẻ phần nào bất toàn trên thân hình nữ giới, và bản thân ta tôn thờ thần Vệ Nữ với đôi chân vòng kiềng, mà hình hài xuân thì này lại khiến người ta thống thiết, người ta nhói lòng bởi vẻ toàn mỹ tinh khôi của nó. Nàng trẻ quá đến nỗi khiến cậu cảm thấy, ngay trong niềm ái mộ sâu sắc của mình, đã lường trước được cả nét toàn mỹ cao cả hơn về sau này nữa, và chỉ cần nói vậy thôi là đủ.

Toàn bộ cơ thể nàng bừng lên trong luồng sáng, đầy đặn và mịn màng tinh tế như phiến cẩm thạch. Một làn kẻ thẳng chạy suốt từ chân lên cổ, như thể nhành non muốn vươn tới trời xanh. Cái vẻ ấy còn bộc lộ qua phần nhô cao của mu bàn chân, khi nàng tháo bỏ đôi giày cũ, qua đường cong của chiếc cằm, qua cái liếc nhìn hiền dịu, bộc trực của đôi mắt, và qua nét mạnh mẽ và thanh nhã của bờ vai và cổ tay.

Nhờ hơi ấm lò sưởi vỗ về trên da thịt, sau khi bị đống quần áo ướt sũng dính bết trên người, khiến cho tiếng thở của nàng trở nên thư thả rồi chuyển thành khe khẽ, như thể loài mèo. Nàng cất tiếng cười thoải mái, như đứa trẻ bước ra khỏi cổng trưởng vào kỳ nghỉ. Nàng đứng thẳng người trước gian sưởi; mái tóc xoăn ướt át rủ xuống vầng trán mà nàng cũng chẳng buồn hất ngược ra sau; làn má trang điểm rực rỡ thậm chí trông càng giống đôi má búp bê hơn trên cơ thể lõa lồ trắng ngần.

Ta nghĩ rằng toàn bộ linh hồn ta dồn cả vào đôi mắt. Thực tại mà ta phải đối mặt, chỉ như mới thoáng qua thôi, trong cái hình hài xấu xa ấy, khiến ta không trông mong gì vướng vào nó một lần nữa. Đâu đó trong ta nỗi sợ hãi tăm tối vẫn còn len lỏi, và ta tìm chốn nương náu trong điều kỳ ảo như thể đứa trẻ buồn khổ tìm đến những câu chuyện thần tiên. Ta chẳng muốn nhìn xa về phía trước, mà cũng chẳng muốn ngoái lại đằng sau. Ta cảm thấy khoảnh khắc này bao trùm lấy ta, hệt như cơn sóng. Ta uống một ly rượu đầy để bắt kịp lấy nàng, ngắm nhìn nàng.

Hồi ấy ta còn non nớt nên chẳng khác gì đám người trẻ kia nào dám từ bỏ đức tin sâu xa vào vì sao chiếu mệnh, vào thứ quyền năng yêu thương và che chở cho ta vượt trên tất cả loài người. Chẳng có phép lạ nào là lạ thường, chỉ cần nó xảy đến với mình. Khi nào niềm tin ấy bắt đầu xói mòn, và khi nào cậu hình dung đến khả năng xảy đến với mình cũng tương tự với người khác thôi, lúc ấy thời thanh xuân mới thực sự kết thúc. Ta không hề kinh ngạc hay ngờ vực đến chuyện ban ơn huệ từ phía các thánh thần, nhưng ta nghĩ rằng, thâm tâm ta tràn ngập lòng biết ơn đối với các vị ấy. Ta từng nghĩ rằng dầu sao thì đó cũng là điều phải lẽ, là chuyện bình thường, khi quyền năng hữu ái vĩ đại của vũ trụ này lại hiển linh, ban cho ta, thoát ra từ màn đêm, như màn cứu rỗi và nguồn an ủi, người thiếu nữ say khướt và lõa lồ này, một phép màu huyền diệu.

Bọn ta ngồi xuống dùng bữa tối, Nathalie và ta, ở cao cao trong gian buồng tĩnh lặng và ấm áp, với đô thành bên dưới kia và những tấm rèm lụa nặng trĩu buông xuống trong màn đêm ướt át, như thể hai con cú trong tòa tháp tan hoang nơi rừng thẳm, và chẳng ai trên thế gian còn biết đến bọn ta. Nàng tựa một tay lên bàn, ngả đầu trên đó. Ta nghĩ rằng nàng đói lắm rồi. Nhờ có đồ ăn - bọn ta có chút trứng cá muối, ta nhớ là thế, và một con chim ướp muối - nàng trở nên vui vẻ với ta, cười đùa, trò chuyện với ta, và lắng nghe điều ta nói với nàng.

Ta không nhớ bọn ta trò chuyện về điều gì. Ta nghĩ bọn ta đã vô cùng cởi mở, và ta kể cho nàng nghe, điều ta chẳng thể tiết lộ với bất kỳ ai khác, về chuyện ta đã suýt bị đầu độc ngay trước khi gặp nàng. Ta cũng nghĩ rằng hẳn là ta đã kể cho nàng nghe về đất nước mình, bởi ta nhận ra rằng về sau có lần nảy sinh trong ta ý nghĩ nàng sẽ viết thư gửi đến đó cho ta, hay thậm chí đến đó để tìm ta. Ta nhớ rằng nàng kể cho ta nghe, thoạt tiên khá buồn thảm, câu chuyện về con khỉ già cỗi biết làm trò, và con khỉ đó thuộc về gã người Armenia chơi đàn organ rong trên phố. Chủ của nó qua đời, và giờ nó muốn diễn trò và lúc nào cũng chờ đợi hiệu lệnh, mà chẳng ai biết đó là gì. Trong khi kể chuyện nàng bắt chước con khỉ bằng điệu bộ vô cùng nực cười và cái vẻ lôi cuốn vô cùng duyên dáng mà người ta có thể tưởng tượng ra. Mà ta còn nhớ được hầu hết những động tác nàng thực hiện. Đôi khi ta nghĩ rằng vốn am hiểu phần nào về cách chơi vĩ cầm và dương cầm khiến cho ta chìm vào trong trạng thái suy tưởng về sự tương phản, hay sự hài hòa, giữa bàn tay thon dài mảnh dẻ với chiếc cằm ngắn tròn trịa khi nàng nâng ly đưa lên miệng.

Ta chưa bao giờ có được một mối tình nào - giả như có thể gọi nó là mối tình -đem lại cảm giác thoải mái và yên tâm như vậy. Trong cuộc phiêu lưu tình ái vừa trải qua, lúc nào ta cũng lo lắng tìm hiểu xem người tình thực sự nghĩ gì về mình, và ta đương phải diễn cái vai gì trong con mắt thế gian. Mà trong gian buồng nhỏ bé này chẳng hề có điều gì đáng nghi ngờ hay sợ hãi cả. Ta tin rằng cảm giác yên ổn và tuyệt đối thoải mái đó chắc là niềm hạnh phúc mà người lập gia đình nói đến khi bọn họ đề cập đến chuyện hai người hòa hợp làm một. Ta tự hỏi cách hiểu đó đúng trong hôn nhân, thì liệu có thể hài hòa trong trường hợp cậu gặp gỡ người xa lạ; mà chuyện này, ta ngờ rằng, mỗi người lại một ý mất thôi.

Có một điều len lỏi vào trongcả hai bọn ta, dù bọn ta không nhận thức rõ về nó. Thế gian ngoài kia thực xấu xa, thật đáng ghê sợ. Sự đời dựng lên gương mặt vô cùng bẩn thỉu đối với ta, và hẳn là còn tồi tệ hơn đối với nàng. Mà gian buồng này và cái đêm ấy thì thuộc về bọn ta, trung thành với bọn ta. Dẫu bọn ta không nghĩ về điều đó, quả thực bữa tối của bọn ta như thể bữa tối của những người theo phái Girondin(37) vậy.

Men rượu đã giúp bọn ta. Ta không nghĩ mình uống nhiều, vậy mà đầu ta hơi lâng lâng từ trước khi uống. Sâm panh là thứ vô cùng ngọt ngào và êm ái trong đêm mưa gió. Ta còn nhớ có vị giám mục Đan Mạch lớn tuổi từng nói với ta rằng có nhiều cách để nhận ra chân lý, và thứ rượu Burgundy(38) là một trong số đó. Điều này, ta biết, vô cùng hữu ích cho người già trong gian buồng làm việc. Mà với người trẻ, lại vừa phải đối mặt với quỷ dữ, thì cần bàn tay cứu vớt mạnh mẽ hơn. Những ly rượu khà khà êm dịu đã khơi gợi lên trong bọn ta ý muốn nhìn nhận lại chính mình và cái đêm ấy là người nghệ sĩ tài ba có lẽ đã chứng kiến bọn ta ở bên nó, thật là xứng với thiên tài của đấng linh thiêng.

Ta có cây đàn guitar đặt trên tràng kỷ, bởi ta g phải chơi bản dạ khúc, trong một vợ tableau vivant(39), cho một người đẹp mộng mơ - trong đời thực thì là một phụ nữ người Mỹ đến từ Đại Sứ Quán, vốn chẳng thèm đáp vọng lại một câu dù cậu có gào thét vào mặt cô ta theo bất kể lời thỉnh cầu nào. Nathalie với tay ra cầm lấy nó, một lát sau khi ăn tối xong. Nàng khẽ rùng mình khi âm điệu đầu tiên vang lên, bởi ta chẳng có thì giờ hay suy nghĩ tới việc chơi nó, thế là nàng bắt chéo chân, trong chiếc ghế bành thấp rộng rãi, bắt đầu so dây. Rồi nàng hát cho ta nghe hai đoản khúc. Trong gian buồng thinh lặng, giọng ca khe khẽ, hơi khàn của nàng ngân vang như tiếng chuông, có phần chống chếnh vì say sưa, như loài ong hút nhụy. Thoạt tiên nàng cất lên là một khúc ca trình diễn trong thính phòng âm nhạc, giai điệu vui tươi với nhịp điệu lôi cuốn. Rồi nàng ngẫm ngợi một lát và chuyển sang một đoản khúc bi ai lạ lùng bằng thứ ngôn ngữ mà ta không hiểu được. Nàng vô cùng mẫn cảm với âm nhạc. Cái nét mãnh liệt và tinh tế tự phơi bày trên tấm thân giờ lại bộc lộ qua giọng hát. Sắc giọng hơi kim, vẻ bộc trực và thanh thoát của nó, hòa cùng với ánh mắt, cặp đầu gối và những ngón tay. Duy có điều nó có phần tròn trịa và lộng lẫy hơn, như thể nó vươn lên mau hơn hay lẻn đi bằng cách nào đó để vượt lên trước tấm thân nàng. Giọng ca bộc bạch về bản thân nàng còn hơn chính bản thân nàng, như thể cây vĩ kéo của Mischa Elman(40) khi ông ta chơi bản Wunderkind.

Toàn bộ trạng thái cân bằng trong ta, điều ta đã gắng gìn giữ bằng cách nào đó trong lúc ngắm nhìn nàng, đột nhiên rời bỏ ta khi giọng ca của nàng vang lên. Những ca từ vốn dĩ nghe không hiểu mà sao cơ hồ đối với ta còn mang đến nhiềuý nghĩa hơn cả những gì trước nay ta hiểu được. Ta ngồi trên một một chiếc ghế bành khác, đối diện với nàng. Ta còn nhớ khoảng lặng khi bài hát kết thúc, và ta đẩy chiếc bàn ra xa, rồi chầm chậm ta hạ một gối xuống trước mặt nàng. Nàng nhìn ta bằng ánh mắt long lanh, dữ dội, hoang dại đến nỗi ta tưởng như ánh mắt chim ưng chắc cũng vậy khi chúng giương mào lên. Ta hạ nốt đầu gối kia xuống và vòng tay ôm trọn lấy chân nàng. Ta không rõ điều gì trên gương mặt ta thuyết phục được nàng, mà còn khiến chính gương mặt nàng cũng biến sắc và bừng lên vẻ hiền dịu diệu vợi. Nhin chung ngay từ đầu đã có điều gì đó diệu vợi vây bọc lấy nàng. Đấy là, ta nghĩ vậy, điều khiến nàng đành phải chịu đựng một gã trai khờ dại như ta. Bởi từ cái lố lăng tới cái cao vời(41), hẳn rồi, chỉ cách nhau có một bước chân thôi.

Anh bạn thân mến của ta ơi, nàng trong trắng như vẻ ngoài vậy. Nàng là thiếu nữ đầu tiên thuộc về ta. Có ý kiến cho rằng trai tơ thì đừng giao hoan cùng trinh nữ, mà cần đến một đối tác giàu kinh nghiệm hơn. Điều đó không đúng đâu; đó chỉ là lẽ thuận theo tự nhiên thôi.

Đêm hôm ấy, chắc là khoảng một hai giờ sau, ta bỗng choảng tỉnh và cảm giác có điều gì đó không ổn, hay nguy hiểm. Bọn ta nói thế này khi đột nhiên thấy ớn lạnh: chắc là ai đó giẫm lên mộ phần của bọn ta(42) - tương lai tự nó tìm về báo ứng đấy. Và bởi Người ta sẽ chết đi trong hạnh phúc đủ đầy từ những niềm bất hạnh đã trải qua(43), vậy nên bọn ta thôi không níu bám vào hạnh phúc thực tại để đợi chờ bất hạnh tìm đến. Đó không chỉ là chuyện omne animal(44); đó là mối ngờ vực vào tương lai như thể ta nghe thâm tâm mình chất vấn: “Ta phải trả giá vì điều này; mà ta phải trả giá thế nào vì điều gì đây?” Mà khi ấy, có lẽ ta tin rằng điểu ta cảm nhận được đích thị là nỗi sợ nàng bỏ đi mất.

Ngay trước lúc nàng ngồi bật dậy và có động thái như thể rời bỏ ta, ta đã kéo nàng lại. Lúc ấy nàng nói: ‘Em phải quay về,” và bật dậy. Ngọn đèn vẫn còn cháy, lò sưởi còn âm ỉ. Đối với ta thì là lẽ tất nhiên là nàng đã bị chính những thế lực bí ẩn đưa nàng đến đây lôi đi mất, hệt như Cô Bé Lọ Lem(45), hay như linh hồn bé nhỏ trong câu chuyện Ngàn lẻ một đêm.Ta cứ chờ đợi nàng lại gần và cho ta hay khi nào nàng sẽ quay lại với ta, và ta phải làm gì đây. Dẫu vậy, lúc ấy ta chỉ càng thêm nín lắng.

Nàng mặc quần áo và quay trở lại với lớp ngụy trang tồi tàn tăm tối. Nàng đội mũ vào và đứng đó hệt như lần đầu ta bắt gặp nàng trong cơn mưa trên đại lộ. Rồi nàng lại gần ta, lúc này đang ngồi trên thành ghế, rồi nói: “Thế ngài sẽ đưa cho em hai mươi franc chứ, phải không ạ?” Bởi ta chẳng đáp lại, nàng lập lại câu hỏi và nói: “Marie bảo thế - chị ấy bảo em nên lấy hai mươi.”

Ta chẳng nói gì. Ta cứ ngồi nhìn nàng. Ánh mắt long lanh và bừng sáng của nàng bắt gặp ánh mắt ta.

Điều vô cùng sáng tỏ hiện ra trước mắt ta lúc ấy, như thể toàn bộ tòa ảo ảnh và công trình nghệ thuật bọn ta gắng làm biến đổi thế gian xung quanh mình, tô điểm bằng sắc màu, âm nhạc và những mộng tưởng, đã bị gạt sang bên lề, và thực tại lại phơi bày ra trước mắt, tan hoang như tòa nhà bốc cháy. Vở kịch đã hạ màn. Không còn chỗ cho những lời thừa thãi.

Đó là khoảnh khắc đầu tiên, ta nghĩ vậy, kể từ khi gặp nàng chỉ ít giờ trước đây, ta coi nàng là một con người, ta nhận ra sự hiện hữu của bản thân nàng, và đó không phải là món quà ban tặng cho ta. Ta tin rằng mọi suy nghĩ ấp ủ trong lòng mình bỗng chốc lìa bỏ ta trước tình cảnh này, mà giờ thì quá muộn rồi.

Hai bọn ta đã tham gia vào vở diễn. Một màn giễu nhại hiếm có được dành tặng cho ta và ta đã chấp nhận nó; giờ thì nhiệm vụ của ta là phải giữ vững tinh thần của cuộc chơi tới khi kết thúc. Đòi hỏi của bản thân nàng rõ ràng là thuộc về ý chí của màn đêm này. Bởi tòa cung điện gã xây dựng nên, bởi toàn bộ bốn trăm tên nô lệ da trắng và bốn trăm tên nô lệ da đen đương khiêng vác đống ngọc ngà châu báu, con quỷ đó cần phải có một ngọn đèn đồng cổ xưa; và mụ phù thủy trong rừng, kẻ di rời ba thị trấn đi chỗ khác và ban cho người con gã tiều phu một đạo kỵ binh, thì đòi về cho mụ trái tim loài thỏ. Cô gái đã đòi ta phải trả công cho giọng ca và điệu bộ của con quỷ và mụ phù thủy trong khu rừng ấy, và nếu như ta chịu đưa cho nàng hai mươi franc này, chắc nàng được an toàn trong vòng xoáy ma thuật dành cho linh hồn tự do, duyên dáng và ngang ngạnh của nàng. Đến lúc ta trút bỏ vai diễn, khi ta ngồi trong thinh lặng, với toàn bộ sức nặng của thế gian lạnh lẽo và trần trụi đè lên mình, hiểu rõ rằng ta nên đáp lời nàng hoặc là ta phải, thậm chí là ngay trong thoáng giây này, trao nó cho nàng đi.

Về sau, ta ngẫm lại rằng mình đáng lẽ phải nghĩ ra điều gì đó để có thể bảo vệ an toàn cho nàng, và còn cho phép mình giữ được nàng nữa. Ta nghĩ rằng lúc ấy ta chỉ cần phải đưa cho nàng hai mươi franc và nói: “Và nếu em muốn thêm hai mươi franc nữa, đêm mai quay lại nhé.” Giả như nàng bớt đáng yêu đi trước mắt ta, giả như nàng đừng non nớt và trong trắng quá vậy, chắc ta có lẽ đã làm thế. Ấy vậy mà thiếu nữ ấy, trong ít giờ đồng hồ bọn ta bên nhau, lại khơi gợi lên hết thảy cái tinh thần hiệp sĩ trong bản chất con người của ta. Cái tinh thần hiệp sĩ, ta nghĩ rằng, nó hàm ý thế này: Hãy yêu quý, hay trân trọng niềm kiêu hãnh của người đồng hành, hoặc địch thủ của cậu, họ là thế nào thì tùy cậu xác định, sánh ngang hay còn cao cả hơn niềm kiêu hãnh của chính mình. Hoặc giả ta có được tâm hồn trong trắng như nàng, chắc có lẽ ta đã nghĩ đến điều đó, nhưng ta lại bị kẹt lại với cõi thực tại khốn kiếp này. Ta được tôi luyện trong những phép tắc của nó và thứ trực khuẩn chết người ấy đã nhiễm vào máu của ta. Giờ thì nó chẳng tiêm nhiễm được vào đầu óc ta điều gì hơn thứ nó đã từng làm thay đổi câu đáp trả của ta trong nhà thờ. Đó là khi vị linh mục nói rằng: “Hỡi Đức Chúa, xin hãy gột rửa cho tâm hồn chúng con trở nên trong sạch,” ta chưa bao giờ nghĩ sẽ đi nói với ông ta rằng điều đó chẳng cần thiết đâu, hay đáp lại theo bất kể điều gì, “Và xin đừng lấy mất đi Đức Thánh Linh của ngài khỏi chúng con(46).”

Vậy là, như như một lẽ tự nhiên và điều chính đáng phải làm, ta rút ra hai mươi franc và đưa cho nàng.

Trước khi đi, nàng làm một điều mà ta không sao quên được. Với tờ giấy bạc trong lòng bàn tay trái, nàng tiến đứng gần ta. Nàng không hôn hay cầm lấy tay ta để nói lời tạm biệt, mà chỉ dùng ba ngón tay phải hơi nâng cằm ta lên và ngắm nhìn ta, trao cho ta cái liếc nhìn an ủi, động viên, như thể người chị làm vậy với em mình lúc chia tay. Thế rồi nàng bỏ đi.

Trong những ngày tiếp theo - không phải những ngày đầu, mà là về sau - ta gắng đặt ra cho mình cách lý giải hay cách nhìn nhận nào đó về chuyện bất thường đã trải qua.

Chuyện này xảy đến chỉ một thời gian ngắn sau sự sụp đổ của Đệ Nhị đế chế, cái thời hoàng kim giả tạo lạ lùng đó, và của Công xã Paris. Bầu không khí lúc đó vô cùng thê thảm. Thế gian sụp đổ. Bản thân Nữ hoàng, con người ấy, trong một chuyến đến thăm Paris hồi còn nhỏ, ta từng tưởng như vị nữ thần ngự trên những tầng mây, hân hoan dẫn dắt loài người, vậy mà lại bỏ trốn trong đêm, trong cỗ xe cùng với vị nha sĩ người Mỹ, khốn cùng đến nỗi không có nổi chiếc khăn tay. Các triều thần của bà ta đổ xô đến những quán trọ ở Brussels và London trong khi nhà cửa tại quê nhà bị trưng dụng làm chuồng trại cho bầy ngựa của quân Phổ. Rồi tiếp đến là Công xã, và cuộc thảm sát tại Paris do đạo quân Versailles tiến hành. Cả thế gian chắc đã bị lật nhào trong vòng mấy tháng thảm họa đó.

Đó cũng là thời kỳ Chủ nghĩa Hư vô(47) ở Nga, vào thời điểm những tay cách mạng đánh mất tất cả và đương bỏ trốn đi lưu vong. Ta nghĩ đến bọn họ bởi đoản khúc mà Nathalie hát cho ta nghe, bài hát mà ta nghe không hiểu được phần lời đó.

Bất kể nàng đã gặp phải chuyện gì, chắc chắn nó phải là tai vạ đến từ thế lực tự nhiên hung bạo phi thường, chắc nàng bị nhấn mình chỉ trong chớp mắt, hay nàng biết rằng mình phải cam chịu điều gì đó, hay đành lòng chung sống với số phận khủng khiếp, thứ mà kiếp đời giáng xuống bọn ta hễ mỗi lần nó có thì giờ mà khắc dấu lên ta từng chút từng chút một.

Còn nữa, ta nghĩ thế này, có khi nàng bị trói buộc, bị lôi kéo xuống cùng ai đó, bởi nếu chỉ có mình nàng thì chuyện này không thể xảy ra. Chuyện chắc là, ta ngẫm rằng, ai đó bám lấy nàng, mà còn chẳng giúp gì được cho nàng, đó có thể là kẻ già nua, ốm yếu vô dụng hay đám trẻ hay đứa trẻ miệng còn hôi sữa, em trai hay em gái chẳng hạn. Tự mình xoay xở để ngoi lên, nàng hoặc sẽ được ai đó đề cao nhan sắc, vẻ yêu kiều và quyến rũ hiếm có đấy và tự hắn ta lấy làm tự hào vì giành được chúng, vớt lên khỏi mặt nước; hoặc, bị dìm xuống, bởi kẻ nào đó có lẽ không hiểu được giá trị nhưng vẫn bị chúng gây ám ảnh. Hoặc, chạm xuống gần đáy, bởi những kẻ nghĩ đến chuyện lợi dụng chúng. Mà hẳn là nàng, từ cái cõi dành cho nhan sắc vả vẻ hài hòa, ở cái nơi mà nàng học cách khiến cho nó tỏa sáng và tự tin, ở nơi bọn họ dạy nàng ca hát, rồi cách đi đứng và nụ cười như nàng đã trình diễn, ở nơi bọn họ yêu thương nàng, đã lao thẳng xuống cái thế gian mà ở đó nhan sắc và vẻ yêu kiều chẳng là gì cả, ở cái nơi mà người ta phải chạm trán với thực tại cuộc đời, lao thẳng xuống cái tan hoang, điêu tàn và đói khát. Và kìa, trên bậc thang sau cuối, là Marie, ả có thể là bất kỳ ai, một người quen xuất phát từ hiểu biết tối tăm và hạn hẹp của nàng về thế gian này đã khuyên nhủ nàng, cho nàng mượn bộ đồ tồi tàn đó, và trút thứ linh hồn nào đó vào trong con người nàng, rồi thúc đẩy nàng làm vậy.

Đó là tất cả những gì khiến ta ngẫm nghĩ mãi, suốt thời gian dài; mà dĩ nhiên ta chẳng tài nào biết được.

Ngay lúc nàng bỏ đi và để ta cô độc - thật lạ lùng sao những hành động vô thức mà bọn ta tiến hành dưới bàn tay số phận - ta chẳng nghĩ được gì khác ngoài việc phải đuổi theo và giữ nàng ở lại. Ta nghĩ ta đã kinh qua, trong những phút giây đó, đích thị cái trải nghiệm, kể cả là cái cảm giác nghẹt thở, của kẻ bị chôn vùi sự sống. Mà trên người của ta không một mảnh vải che thân. Khi mặc quần áo vào và đi xuống phố nó thật quạng quẽ. Ta đi loanh quanh trên phố một hồi lâu. Ta tìm về, trong khi trời còn chưa tỏ, chiếc băng ghế đã ngồi khi nàng mở lời bắt chuyện với ta, và tới gian khách thính của ả nhân tình trước đó của ta. Ta nghĩ thật lạ lùng sao khi có một gã trai cứ chạy ngược chạy xuôi, trong cùng một đêm, bị cơn mê đắm cuồng si dẫn lối và đánh mất hai người đàn bà. Lời Mercutio(48) nói với Romeo lại chợt nảy đến trong tâm trí ta, như thể ta bị bóc mẽ bởi bức tranh châm biếm tài ba về bản thân mình hay về toàn giới trẻ, ta cả cười. Khi ngày mới ló rạng, ta bước về gian buồng của mình, ở đó ngọn đèn, vẫn còn đương cháy, và còn bữa tối trên bàn kia.

Tâm trạng của ta cứ kéo dài như vậy một thời gian. Suốt mấy hôm đầu thì chưa làm sao cả, bởi ta lúc ấy sống trong suy nghĩ rằng mình sẽ xuống đường, đúng vào cái giờ đó, đúng vào cái nơi lần đầu ta gặp nàng. Ta nghĩ rằng nàng có lẽ sẽ quay lại nơi đó. Ta ôm ấp hằng bao hy vọng với ý tưởng đó, để rồi nó cứ dần dần tắt ngóm.

Ta gắng thử nhiều cách để thắp nó lên. Một buổi tối nọ ta đến nhà hát opera, bởi nghe người ta trò chuyện về việc đi tới đó. Hiển nhiên là nó đang diễn ra, và dường như chất chứa điều gì đó bên trong. Nó xuất hiện trong phần trình diễn về Orpheus(49). Cậu có nhớ phần âm nhạc cất lên khi anh ta van nài những bóng ma dưới Địa Phủ, và ở đoạn Euridice được quay về với anh ta trong chốc lát? Ta ngồi đó, dưới ánh đèn chói lòa của quãng entr’actes(50), chàng trai trẻ trong trang phục dạ hội và găng tay màu oải hương, bên cạnh những con người sáng láng tươi cười và trò chuyện rôm rả, có người còn gật đầu chào hỏi ta, vậy mà ta gần như bị che lấp và phủ kín dưới những đôi cánh đen khổng lồ của các nữ thần Eumenides(51).

Lúc ấy ta lại nghĩ ra thêm một cách nhìn nhận khác nữa. Ta nghĩ về nữ thần Nemesis(52), và ta tin rằng nếu như ta không thoáng thấy sợ hãi và nghi ngờ trong cái đêm ấy, chắc có lẽ ta đã cảm nhận được, vào sáng hôm đó, nguồn sức mạnh trong ta, và cái quyền, làm thay đổi số phận của nàng và ta. Người ta kể rằng những tên thảo khấu thời xa xưa thường lảng vảng trong những khu rừng Đan Mạch, bọn này thường chăng dây ngang qua giữa đường có gắn theo chiếc chuông. Những cỗ xe đi qua sẽ động vào sợi dây và làm chiếc chuông đó reo lên trong sào huyệt và đánh động toán cướp. Ta đã động vào sợi dây ấy và chuông đã reo ở đâu đó. Cô gái ấy đâu có sợ hãi gì mà chính ta mới là người e sợ. Ta đã tự hỏi: ” Ta phải trả giá thế nào vì điều gì đây?” và chính vị nữ thần ấy đã đáp lại: “Hai mươi franc,” mà đòi hỏi của bà thì cậu sao mà mặc cả được. Cậu sẽ nghĩ đến đủ mọi điều, khi còn trẻ.

Giờ mọi chuyện đã qua lâu rồi. Các nữ thần Eumenides, xin bọn họ thứ lỗi cho ta khi phát biểu thế này, có khác gì loài sâu bọ chứ, cứ khiến ta suốt ngày lo sợ hồi còn bé. Bọn họ yêu chuộng nhiệt huyết tuổi trẻ, và lìa bỏ bọn ta cô độc trong đoạn đời về sau. Dù sao thì, ta từng có vinh hạnh khi thấy họ bên ta một lần nữa, chuyện không xa lắm đâu. Ta từng bán một mảnh đất cho gã láng giềng, và sau này nhìn lại, hắn đã đốn hạ hết cả rừng cây vốn từng mọc lên ở đó. Giờ biết tìm đâu bóng râm xanh mát, những trảng cỏ và con đường mòn len lỏi? Và khi ấy ta lại nghe thấy tiếng xào xạc từ đôi cánh bọn họ trên bầu trời, nó mang đến cho ta, ngoài nỗi đau, còn cả cảm giác lạ lùng của niềm hy vọng và sức mạnh - dầu sao thì, đấy là thanh âm tuổi trẻ của ta.

“Thế ông không bao giờ gặp lại nàng à?” Ta hỏi lão.

“Không,” lão nói, và nói tiếp, sau một hồi, “mà ta lại gặp một chuyện kỳ lạ về nàng, một fantaisie macabre(53), tin hay không tùy cậu.

“Mười lăm năm sau, vào năm 1889, ta đi ngang qua Paris trên đường tới Rome, và ở lại đó ít ngày để xem triển lãm và chiêm ngưỡng tòa tháp Eiffel bọn họ vừa mới xây dựng. Buổi chiều nọ, ta tới thăm một anh bạn, một họa sĩ. Anh ta có hồi khá ngông cuồng khi còn là một nghệ sĩ trẻ, mà về sau đổi khác hoàn toàn, và lúc này đương nghiên cứu giải phẫu học với niềm say mê lớn lao, theo đuổi tấm gương Leonardo(54). Ta ở đó trọn vẹn buổi chiều tối, và sau khi bọn ta đàm luận về những bức tranh của anh ta, và về nghệ thuật nói chung, anh ta nói rằng sẽ chỉ cho ta xem thứ đẹp nhất anh ta có trong xưởng vẽ. Đó là chiếc đầu lâu làm mẫu vẽ cho anh ta. Anh ta say sưa giải thích về vẻ đẹp hiếm có của nó cho ta nghe. “Thực sự đây là,” anh ta nói, “hộp sọ của người thiếu nữ trẻ, mà đến hộp sọ của Antinous(55) chắc cũng như vậy mà thôi, nếu như có ai đó có thể sở hữu được nó.”

“Ta cầm nó trên tay, và khi trông thấy vầng trán thấp mà rộng, nét dứt khoát và thanh cao của chiếc cằm, và cả hốc mắt sâu cân đối, có vẻ gì đó đột nhiên thân thuộc với ta. Phần xương sọ trắng bóng ánh lên trong quầng sáng ngọn đèn, thật tinh khiết. Và đem lại cảm giác an toàn. Trong thoáng giây đó ta lại được trôi về gian buồng của mình trên Quảng trường Francois I, với những tua rua lụa và rèm buông trĩu nặng, trong đêm mưa mười lăm năm về trước.”

“Ngài có hỏi anh bạn thêm điều gì về nó không?” Tôi nói.

“Không,” Lão nói. “Có ích gì chứ? Anh ta chẳng biết đâu.

Truyện của Isak Dinesen / Nguyễn Tuấn Bình dịch


1. Nguyên văn là “chevalier” trong tiếng Pháp, tương đương với “knight” trong tiếng Anh, có nghĩa là “hiệp sĩ”. Hiệp sĩ là từ dùng để chỉ một địa vị trong xã hội châu Âu. Hiệp sĩ đứng hàng thấp nhất trong giới quý tộc và vì thế không mang tính chất thừa kế. Vào thời kỳ Trung Cổ và Hậu Trung Cổ, nhiệm vụ chính của một hiệp sĩ là chiến đấu, đặc biệt là dưới hình thức kị binh hạng nặng. Vào khoảng 1560, danh hiệu hiệp sĩ danh dự được phong tước khác với những danh hiệu dùng trong quân đội. Những tước hiệu như thế rất phổ biến vào thế kỉ 17-18.

Nhân vật trong truyện được phong tước Hiệp sĩ danh dự - chứ không phải các hiệp sĩ chiến đấu như cách hiểu thông thường ở ta.

2. Là tước hiệu thấp nhất trong 5 tước hiệu quý tộc phong kiến châu Âu: Công tước, Hầu tước, Bá tước, Tử tước và Nam tước.

3. Người anh hùng trong sử thi cùng tên của Homer. Odysseus phiêu lưu nhiều nơi và lắm mưu mẹo.

4. Nguyên văn trong tiếng Pháp, có nghĩa là: “Vũ điệu tử thần.” Danse macabrelà bản giao hưởng thơ của nhà soạn nhạc người Pháp Camille Saint-Saëns. Tác phẩm này được sáng tác vào năm 1874 và biểu diễn lần đầu tiên vào năm 1875. Lưu ý rằng bối cảnh đặt ra của câu chuyện là năm 1874.

5. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “hoạt cảnh.” Từ dùng để mô tả “bức tranh sống động” sử dụng khung cảnh tĩnh với nhiều người mẫu hay diễn viên. Bọn họ đứng yên và im lặng, luôn mặc phục trang, tư thế đứng sắp đặt cẩn thận với đạo cụ và phông nền sân khấu, đôi khi có cả đèn chiếu. Nhờ vậy tạo nên hiệu ứng kết hợp của nghệ thuật sân khấu và thị giác.

6. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “tâm hồn cao đẹp.”

8. Hôtel: không mang nghĩa như bây giờ chỉ khách sạn, đó là những tòa lâu đài làm nơi ở cho các quý tộc Pháp.

8. Peter Abélard (1079-1142) là một nhà triết học thời trung cổ, nhà thần học người Pháp.

9. Jean-Baptiste Poquelin, được biết đến với nghệ danh Molière (1622-1673), là một nhà viết kịch, diễn viên và nhà thơ người Pháp, được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất trong ngôn ngữ Pháp và văn học phổ quát.

10. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “ngoại tình.”

11. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: ”thợ làm tóc.”

12. Gã hề lưng gù thấp lùn béo mập trong các buổi trình diễn múa rối ở Ý. Rất nổi trong các ấn bản ra đời khoảng năm 1870.

13. Trong lịch sử Pháp, Bourbon phục hoàng là giai đoạn bắt đầu từ sự kiện Đệ nhất đế chế sụp đổ ngày 6 tháng 4 năm 1814 và kết thúc bằng cuộc Cách mạng tháng Bảy năm 1830. Đây là thời kỳ nhà Bourbon quay trở lại ngai vàng sau khi mất quyền lực kể từ Cách mạng Pháp.

14. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “kiểu như”.

15. Nhân vật trong vở Hamlet của Shakespeare, hình tượng nhân vật này luôn gắn với những bông hoa.

16. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “cuối thế kỷ”. Thuật ngữ này thường được dùng để ám chỉ cuối thế kỷ mười chín. Thời kỳ này được biết đến phổ biến là một giai đoạn trì trệ phát triển những năm 1873-1896

17. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “thế kỷ vĩ đại”.

18. Sophocles (497-406 TCN) là nhà soạn bi kịch vĩ đại ở Hy Lạp thời cổ đại.

19. Jeanne xứ Arc là một nữ anh hùng người Pháp, sinh sống trong khoảng năm 1412 - 30 tháng 5 năm 1431. Trong tiếng Pháp, tên cô thường được gọi là Jeanne d'Arc, có biệt danh "Trinh nữ xứ Orleans". Cô nổi tiếng vì là người chỉ huy quân sự và anh hùng trong cuộc Chiến tranh Trăm Năm giữa Pháp và Anh, và đã được Giáo hội Công giáo La Mã phong thánh.

20. Cuộc tụ họp về đêm của những người hành nghề phù thủy. Khái niệm này xuất hiện từ thế kỷ XIV khi lần đầu tiên nó xuất hiện trong ghi chép của tòa án dị giáo.

21. Nhân vật trong tác phẩm Faust là tác phẩm kịch của thi sĩ, nhà soạn kịch, tiểu thuyết gia, nhà khoa học, chính khách, nhà triết học Đức lỗi lạc Johann Wolfgang Goethe (1749-1832). Tác phẩm gồm hai phần, phần I được xuất bản vào năm 1806, phần II được Goethe nhuận sắc và hoàn thành vào 1832, trước khi tác giả từ giã cõi đời..

22. Theo nhiều văn bản ghi chép thần thoại Do Thái, Lilith là người phụ nữ đầu tiên được Chúa tạo ra. Truyền thuyết hiện đại cho chúng ta biết rằng Chúa tạo ra đàn ông và phụ nữ vào ngày thứ Sáu, người phụ nữ đầu tiên theo đó đều được gán là Eve hay Eva. Tuy nhiên, các văn bản thần thoại Do Thái cổ lại tiết lộ Lilith mới là người phụ nữ đầu tiên. Chúa đã tạo ra Lilith theo lời thỉnh cầu của Adam khi Adam cảm thấy đau khổ vì mọi loài đều có đôi có cặp, còn mình thì không. Vậy là Lilith được tạo ra theo cách giống như Chúa đã tạo ra Adam, nhưng thay vì dùng thứ bụi tinh khiết như đã dùng để tạo ra Adam, Chúa lại tạo ra Lilith bằng các bụi bẩn và trầm tích. Vì vậy, dù có vẻ ngoài hoàn hảo, song người ta vẫn cho rằng Lilith có tính cách rất khó chịu.

Dù Adam thì bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của người bạn đời này, nhưng điều đáng buồn là mối quan hệ giữa hai người không hề hòa thuận. Lilith đã tranh cãi với Adam ngay sau khi được tạo ra, và vấn đề khiến cặp đôi không thể yêu đương được nhau lại bắt nguồn từ việc... ai sẽ là người nằm dưới! Như đã nói, dù được tạo ra theo cùng một cách nhưng Adam có nguyên liệu tinh khiết hơn nên Adam đã cố ép buộc Lilith phải phục tùng, nằm dưới mình. Còn ở chiều ngược lại, Lilith tự nhận mình bình đẳng với Adam nên chẳng việc gì phải ở vị trí thấp hơn.

Đỉnh điểm của cuộc tranh cãi là việc Adam sử dụng vũ lực để thân mật với bạn đời. Hành động này khiến Lilith nổi giận và thốt ra những lời không nên nói (cái tên màu nhiệm của Chúa) rồi chạy trốn khỏi Adam, đến một nơi được gọi là Hồng Hải - vùng đất có hàng trăm con quỷ. Khi các thiên thần tìm được Lilith để đưa về bên Adam, họ đã thấy một cảnh tượng khủng khiếp. Lilith đã quan hệ với lũ quỷ và sinh ra hàng trăm con quỷ khác.

23. Macbeth, hay Vở bi kịch về Macbeth là vở bi kịch ngắn nhất của William Shakespeare được cho là viết vào khoảng 1603 và 1607. Macbeth là tên một vị tướng nhận được lời tiên tri từ ba mụ phù thủy rằng ông sẽ trở thành vua của xứ Scotland vào một ngày trong tương lai. Mù quáng bởi tham vọng và được thúc đẩy bởi người vợ của mình, Macbeth đã sát hại vua Duncan và chiếm ngôi.

24. Othello là một vở bi kịch được William Shakespeare viết vào khoảng 1603. Othello là tướng da đen có tài của Cộng hòa Venice. Chàng thường đến chơi nhà Nguyên lão nghị viện Brabantio và làm quen với con gái ông, Desdemona. Hai người yêu nhau, và bí mật cưới nhau. Nhưng tình duyên của họ gặp nhiều trở ngại. Iago, hiệu úy của Othello bất mãn vì không được đề cử chức Phó tướng đã xúi Roderigo, một gã si tình, lắm tiền, yêu thầm nhớ trộm Desdemona, đang đêm báo cho Brabantio biết. Ông tức giận sai gia nhân đi bắt Othello để đưa ra xét xử trước Hội đồng nghị viện vì tội dùng bùa phép quyến rũ con gái ông.

25. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “Chúc sức khỏe!”

26. Để bó người thít chặt, những chiếc áo nịt của phụ nữ thế kỷ mười chín được tăng cường khung sườn thép, gỗ và nhất là xương cá voi để chiết eo với mục đích tạo nên thân hình đồng hồ cát.

27. Nguyên văn theo tiếng Pháp, có nghĩa là: “vì nghệ thuật”.

28. Nguyên văn theo tiếng Đức, có nghĩa là: “nữ tính muôn thủa.”

29. Trong thần thoại Hy Lạp, Styx là con sông tạo nên ranh giới giữa trần gian và âm phủ - thế giới thuộc quyền cai trị của thần Hades. Nữ thần sông Styx là con gái của thần hải dương Oceanus (hay Okeanos).

30. Ta hay gọi là gã Don Juan.

31. Percy Bysshe Shelley (179 -1822) - nhà thơ, nhà triết học Anh, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ XIX. Nổi tiếng là người vô thần và làm đau khổ phụ nữ.

32. Cuộc đời của Thánh đã để lại nhiều truyền thuyết như làm nhiều phép lạ kỳ diệu, nuôi đứa con tinh thần, và thực hiện nhiều kỳ công tuyệt vời khác. Ngài bị kết án tử dưới thời bách hại đạo của Hoàng đế Diocletian. Ngài bị đánh đập và sau đó bị chém đầu. Những di tích máu của Ngài còn được lưu giữ ở Constantinople, Madrid, và Ravello. Những người ở Ravello nói rằng: máu của Ngài hóa lỏng vào ngày lễ kính Ngài.

33. George Gordon Noel Byron (1788-1824) là nhà thơ lãng mạn nước Anh, thường được gọi là Lord Byron. Ông được coi là một trong những nhà thơ lớn của thế giới thế kỷ XIX. Ông được biết đến với lối sống tai tiếng về tình ái và lỗi lạc về ngôn ngữ thơ.

34. Charles Pierre Baudelaire (1821-1867) là một trong những nhà thơ có ảnh hưởng lớn nhất ở Pháp, trong thế kỷ XIX.

35. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “luồng run rẩy mới”. Từ này do Victor Hugo nhắc đến khi nói về Baudalaire.

36. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “buổi trình diễn.”

37. Người Girondin là một phe chính trị trong Cách mạng Pháp. Từ năm 1791 đến năm 1793. Sự kiện bữa tối cuối cùng của những người theo phái Girondin diễn ra vào đêm trước khi họ bị đưa ra hành hình vào ngày 30/10/1793.

38. Rượu vang Burgundy là dòng rượu vang trứ danh được sản xuất ở vùng Burgundy ở miền đông nước Pháp.

39. Xem lại ghi chú đoạn trên.

40. Mischa Elman (1891-1967) nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ gốc Ukraina.

41. Tiếng Pháp trong nguyên văn là phỏng theo câu nói của Napoleon Bonaparte, nhưng ngược lại: “du riducule jusqu’au sublime il n’y a qu’un pas”.

42. Đây là một thành ngữ của người Anh: Someone is walking over my grave. Câu nói có từ thế kỷ thứ 18 này phát xuất từ một cổ tích dân gian có từ trước đó, kể rằng cảm giác ớn lạnh rùng mình là do có ai đó bước qua nơi sau này sẽ là mộ của bạn.

43. Tiếng Pháp trong nguyên văn: “l’on meurt en plein bonheur de ses malheurs passés.”

44. Tiếng Pháp trong nguyên văn, nghĩa là: “muôn loài.” Hàm ý câu này trích từ một câu châm ngôn: “Omne animal post coitum triste praeter gallum mulieremque” có nghĩa là: “Muôn loài đều sầu muộn sau khi giao hợp chỉ trừ có gà trống với đàn bà.”

45. Nguyên văn dùng là Cinderella.

46. Hai câu thuộc Thánh thi 51:10 và 51:11.

47. Chủ nghĩa hư vô là một học thuyết triết học phủ định các khía cạnh nổi bật trong cuộc sống như là kiến thức, sự tồn tại và ý nghĩa cuộc sống. Chủ nghĩa hư vô lập luận rằng cuộc sống này không có mục tiêu nào có ý nghĩa, mục đích, hoặc giá trị nội tại. Triết lý của chủ nghĩa hư vô khẳng định rằng đạo đức vốn đã không tồn tại, và rằng bất kỳ giá trị đạo đức nào cũng được thiết lập một cách trừu tượng giả tạo.

48. Nhân vật trong vở “Romeo và Juliet” của Shakespeare.

49. Orpheus là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, con trai của vua Oeagrus xứ Thrace và nữ thần thi ca Calliope. Truyện kể rằng Eurydice, vợ của Orpheus, bị rắn cắn chết trong ngày cưới. Đau lòng trước cái chết của nàng, Orpheus cất lên tiếng ca đau thương, khiến cho thiên nhiên, thần tiên phải rơi lệ. Tìm đường xuống địa phủ, với cây đàn lia và tài âm nhạc của mình, Orpheus đã thuyết phục Hades và Persephone, vị vua và hoàng hậu của âm phủ, động lòng thương, cho phép Eurydice về lại dương gian, với một điều kiện: cho đến khi cả hai lên đến được dương thế, Orpheus phải giữ im lặng và không được ngoái lại nhìn người vợ đi đằng sau. Thoạt đầu Orpheus cũng làm theo lời dặn. Nhưng, khi họ đã đi được một thời gian lâu mà Orpheus không nghe thấy tiếng bước chân và hơi thở của nàng Eurydice, chàng đánh liều quay đầu lại. Và rồi hình ảnh nàng Eurydice lùi thật nhanh về phía địa phủ rồi biến mất, nhanh đến nỗi Orpheus chỉ kịp gọi tên vợ lần cuối. Orpheus vội quay lại nhưng người lái đò địa phủ không cho phép chàng đến địa ngục lần nữa dù Orpheus đã quỳ ở đó đến 7 ngày 7 đêm.

50. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: quãng nghỉ chuyển cảnh giữa các hồi trên sân khấu kịch.

51. Hay còn gọi là Erinyes, là các nữ thần báo thù trong tôn giáo Hy Lạp cổ đại và trong thần thoại Hy Lạp. Trong Iliad, họ được gọi là "những nữ thần Erinyes, kẻ dưới trái đất sẽ báo thù loài người, bất kỳ ai đã thề một lời thề sai".

52. Nữ thần Nemesis là Nữ thần của sự báo thù và thù hận.

53. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “ly kì rùng rợn.”

54. Đó là Leonardo da Vinci.

55. Antinous là một thanh niên Hy Lạp đến từ Bithynia và là người yêu của hoàng đế La Mã Hadrianus. Sau khi qua đời trước sinh nhật lần thứ 20, Antinous được phong thần theo lệnh của Hadrianus, được tôn thờ ở cả Đông phương Hy Lạp và Tây phương Latinh.

Trận lụt tại Norderney - Truyện của Nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen Bên trong mặt nạ “Cái chết đỏ” Viết cho Esmé Với tình yêu và tiếng thét Tượng thi hào - Truyện ngắn của Slawomir Mrozek Konstantin Simonov - Hai diện mạo trong một cuộc đời
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.