Sáng tác

Mùa hồi sinh - Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Trần Thủy
Truyện
09:05 | 03/07/2024
Phiên tòa diễn ra trong không khí trầm lặng. Phía dưới nghe rõ ai đó đang sụt sùi. Những chiếc rèm nhung đỏ sẫm hai bên, hắt thứ màu lạnh lẽo lên gương mặt vị thẩm phán khiến ông càng nghiêm nghị. Ngước đôi mắt xám qua cặp kính trễ, ông dõng dạc tuyên bố. Từ giờ trở đi, hai đứa trẻ sẽ do sở thanh thiếu niên nuôi nấng. Gia đình bà Thoan không có quyền can thiệp vào. Tiếng gõ búa vang lên đanh thép khẳng định, phán quyết có hiệu lực.
aa

Phiên tòa diễn ra trong không khí trầm lặng. Phía dưới nghe rõ ai đó đang sụt sùi. Những chiếc rèm nhung đỏ sẫm hai bên, hắt thứ màu lạnh lẽo lên gương mặt vị thẩm phán khiến ông càng nghiêm nghị. Ngước đôi mắt xám qua cặp kính trễ, ông dõng dạc tuyên bố. Từ giờ trở đi, hai đứa trẻ sẽ do sở thanh thiếu niên nuôi nấng. Gia đình bà Thoan không có quyền can thiệp vào. Tiếng gõ búa vang lên đanh thép khẳng định, phán quyết có hiệu lực.

*

Nó dẫn thằng em chầm chậm theo người bảo hộ. Mọi cặp mắt đổ dồn. Dượng cúi gằm mặt. Mẹ mấp máy môi gọi: Dương ơi, Quân ơi!

Nó khựng lại. Có lẽ, đó là tiếng gọi tha thiết nhất nó từng nghe từ miệng mẹ. Cách xa mấy hàng ghế, trông mẹ thật tiều tụy, ánh nhìn nhòe nhoẹt, thảng thốt, mất mát. Nó quay đi, tay nắm chặt. Vết thương chưa lên da non căng cứng, đau tức.

Nước mắt ư? Giá như mẹ biết đau như nó từng đau, nước mắt sẽ là liều thuốc chữa lành. Còn không, một sự giả dối đáng xấu hổ. Có biết bao số phận thống khổ trong kiếp nhân sinh đầy ngang trái này. Nhưng đừng vì thế mà trút giận lên những đứa trẻ.

Mùa hồi sinh - Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy
Mùa hồi sinh - Minh họa Nguyễn Đăng Phú

*

Hai hai tuổi, mẹ theo người ta tìm đường sang Đức. Trong suy nghĩ của mẹ, nơi đó đẹp lắm, rất dễ kiếm tiền. Nơi đó sẽ cho mẹ một tương lai rạng rỡ. Lần đầu tiên ngồi máy bay, mẹ lâng lâng vui sướng. Quê hương bé xíu, mờ dần, rồi mất hẳn sau những tầng mây bồng bềnh trắng muốt. Đặt chân đến Đức, mẹ phụ việc cho một quán sushi chủ người Việt. Giấy tờ không có, mẹ chỉ được phép quanh quẩn trong góc bếp. Nơi có bồn rửa bát và từng chồng thớt các cỡ để xắt cá. Cơ man nào là cá, sáng cá… trưa cá… tối lại cá. Người mẹ tanh ngòm, mùi mồ hôi ướp cá. Hai bàn tay bợt bạt nhăn nheo. Tối đến, mẹ đứng trong bếp thập thò nhìn ra. Ánh đèn rạng rỡ lung linh hắt vào. Khách đủ loại màu da vào ăn tấp nập, ngồi kín cả chuyền sushi đang chạy. Trông họ thật nhàn nhã, hưởng thụ. Mẹ mơ có ngày mẹ được như họ. Tiền đầy ví và tối đến xúng xính quần áo đẹp đi ăn nhà hàng.

Đứng ngay giữa chuyền, ông chủ oai vệ trong trang phục Samurai màu đen có viền gân trắng, sau lưng dắt cây kiếm sắt bóng loáng. Trước mặt ông, đầy ắp bàn nguyên liệu tươi mẹ vừa chuẩn bị. Ông trải chiếc mành tre ra, lớp rong biển được đặt kín bên trong, thêm lớp cơm trắng trộn dấm, đường, rồi cà rốt, ớt chuông, cá ngừ đỏ sậm xếp khít khao. Ông khéo léo cuộn thật chặt, thả lớp mành, một thanh sushi gọn ghẽ đã hoàn thành. Rất điệu nghệ với con dao sắc lẹm, cánh tay ông vung lên dứt khoát. Những khoanh tròn phẳng mượt hấp dẫn được chia đều. Mẹ say sưa ngắm ông chủ làm việc, giống con chiên ngoan đạo ngắm chúa. Khuôn mặt vuông vức, dáng người uyển chuyển thành thục, rất giống nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn. Bất ngờ ông chủ dừng tay ngẩng lên, ánh mắt chiếu thẳng về phía mẹ. Thăm thẳm, quyến rũ. Tim mẹ lỡ nhịp, mẹ cụp mi ngượng ngùng chui vào bếp.

Từ hôm đó, mẹ chỉ mong ngóng những ngày quán nghỉ, mình mẹ đóng cửa ở bên trong dọn dẹp. Ông chủ đến, như một cơn gió hừng hực, đam mê. Đôi môi ông cuống quýt vội vàng, đôi tay lực lưỡng ấn ghì mẹ xuống ngay mặt bàn, hào hển. Mẹ mê man ôm lấy ông, mê man tận hưởng những rung cảm đến từng tế bào. Mẹ hạnh phúc vô bờ, nhưng mẹ luôn phập phồng lo sợ: Có ngày vợ ông sẽ biết...

Ngày đó đã đến như một cơn giông thịnh nộ, đập tan những mơ mộng hão huyền. Nhục nhã, ê chề. Mẹ xách vali bơ vơ giữa phố đông người. Không ai thân quen cho mẹ bấu víu, mẹ chẳng biết đi đâu về đâu. Trời đất bao la rộng lớn mà như có bức tường đầy gai ngăn cách. Mẹ quyết định nhập trại tị nạn, để mặc cuộc đời muốn trôi về đâu thì về. Thời gian ấy, mẹ thấy cơ thể thay đổi bất thường, gân xanh nổi lên ở cổ, đầu vú thâm đen. Một mầm sống cựa quậy nở hoa trong bụng mẹ. Mẹ mừng rơn. Chiếc chìa khóa giúp mẹ hội nhập và giữ chân ông chủ đây rồi. Nó ra đời trong nỗi cô đơn vượt cạn của mẹ.

Nhưng ông chủ không mảy may nhìn mặt nó. Ông nhanh chóng đến kí giấy khai sinh cho nó, rồi vội vã quay lưng, không quên ném về phía mẹ lời chối bỏ phũ phàng: Mục đích để có giấy tờ ở lại của cô đã toại nguyện. Tôi coi như giúp cô. Từ giờ trở đi, đừng bao giờ xuất hiện trong cuộc đời tôi nữa. Mẹ đau đớn, bẽ bàng. Hy vọng tan biến như bong bóng sau mưa. Tình yêu lớn của mẹ, thần tượng của mẹ. Chẳng lẽ, ông cũng nhỏ mọn hèn nhát vậy sao? Mẹ hận...

Đêm đêm nó khóc dạ đề, mẹ loay hoay dỗ, bế trên tay hết đứng lại ngồi. Nó không chịu nín, vẫn ngằn ngặt từng cơn. Mất ngủ, mệt mỏi. Mẹ giận dữ quăng nó xuống giường, tét mạnh vào mông bất lực: Theo thằng cha mày đi. Đừng làm tao khổ nữa. Tiếng ré lên vì đau của nó hòa cùng tiếng mẹ bực bội, xé nát thinh không.

Mẹ quyết định đưa nó về Việt Nam nhờ bà ngoại trông giùm. Hàng xóm thì thào: Cái Thoan không chồng mà chửa. Mang tiếng đi Tây nhưng bệt lắm...

Dưới cái nắng chang chang, bà ngoại sấp ngửa từ ngoài đồng về, bế đứa cháu bé xíu trên tay bảo, từ mai bà không ra đồng nữa, bà sẽ dựng một quán nước cạnh đường, ở nhà chăm nó. Cậu nghe thấy, vứt xe đạp cái "xoảng“, lầu bầu: Đồ sính "ngoại“.

Nó như con mèo hen sớm xa bầu vú mẹ. Tháng 30 ngày nó ốm già nửa. Nó lười ăn, hay khóc, nên lúc nào cũng bấu lấy bà. Nó chẳng biết mẹ là ai. Ngày ngày, nó quẩn quanh bên quán nước, làm bạn với sỏi đá, đám cây dại bên đường. Mái tóc lơ thơ đuôi gà cháy khét. Đêm, nó cuộn tròn trong vòng tay bà, nghe bà kể chuyện chú Cuội, chị Hằng và mơ những giấc mơ xinh hồn nhiên vào trong giấc ngủ. Để quên đi những trận đánh vô cớ, hằn học của cậu.

- Mày phải động chân động tay với nó mày mới hả dạ hay sao? Nó nhỏ, biết gì. Mày không dạy nó thì thôi. Đừng giở thói côn đồ. Bà lao vào giằng cái roi mây khỏi tay cậu.

- À… bà bênh nó? Có bao giờ bà chăm thằng cháu đích tôn của bà như nó không? Tôi nói cho bà nghe, tôi là cậu tôi có quyền dạy. Tí tuổi đầu, nghịch như ranh. Không cho ăn roi để sau này thành cướp à. Bà nhớ chứ, chồng bà từng đập tôi bao nhiêu lần, cả gốc tre to bự phang vào đầu toe toét máu, bà vẫn kệ đấy thôi.

- Im đi, ông ấy ngồi trên bàn thờ nghe thấy hết mày nói gì!

Cậu nhếch mép cười trong sự bất lực của bà.

Ông ngoại rất dữ đòn, vợ con làm sai điều gì, ông đánh. Đánh với những thứ ông vớ được: gộc củi, đòn gánh, gốc tre… Cậu và mẹ lớn lên cùng những trận đòn roi sưng vù tím tái. Cậu trở thành người hung hãn, thích gây sự, cả làng đều ghét. Còn mẹ, ôm nỗi hận trong lòng như cục nhọt, chỉ chờ ung. Nhìn cuộc đời luôn bế tắc, âm u, tối màu.

Một hôm trời nóng như đổ lửa, cây cối bên đường rũ xuống, héo hắt. Bà ngồi trong quán phe phẩy quạt. Phích đá lạnh để ngay bên cạnh, vài ba gói lạc, mấy chai nước sirô xanh đỏ xếp gọn trên bàn. Bà đang chờ cánh lái xe chạy qua, dừng chân uống miếng nước mát. Như thường lệ nó không ngủ trưa, tha thẩn đi tìm cỏ gà. Cỏ bạc màu xơ xác dưới chân nó. Tìm mãi mới được vài ba cọng. Thất thểu, nó quay về quán. Dưới ánh nắng, mắt nó bỗng hoa lên. Một chiếc xe tải mất lái đang lao thẳng vào quán của bà. Nó thất thanh gọi: "Bà ơi!“ Chiếc xe như con ngựa bất kham chồm tới. Những miếng cót ép, lá cọ sụp xuống… vỡ vụn. Nó gào to, nức nở. Nỗi ám ảnh găm sâu trong trí óc non nớt 4 tuổi của nó.

*

Mẹ và dượng đón nó sang. Nó nhìn họ bằng cặp mắt lạ lẫm, tiếng "mẹ”, “dượng“ cất lên gượng gạo. Mẹ không quan tâm nhiều vì tối ngày bận kiếm tiền. Nó thấy sự thờ ơ, lạnh nhạt trong ánh nhìn của mẹ. Nó nhớ bà, nhớ cái quán nhỏ nép dưới tán cây lim. Nhớ những buổi trưa hè chang nắng, tiếng ve ngân nga đồng vọng. Mấy ngày nó buồn không chịu ăn, miếng cơm bã trong miệng. Mẹ giận dữ đập bàn, quát: "Nuốt...“ Nó lúng búng, mắt lấm lét ngấn nước, miếng cơm chưa chịu trôi. Một cái tát như trời giáng xuống má nó. "Đồ lì lợm!“ Mẹ hết kiên nhẫn, bê bát cơm đổ đi. Nó khóc luôn miệng: "Bà ơi, bà ở đâu. Dương về với bà cơ.“ Chẳng ai dỗ. Dượng ngó qua lơ đễnh, phẩy tay chui tọt vào phòng tiếp tục chơi điện tử. Nó khóc to hơn. Mẹ hằm hằm lao từ bếp ra, trên tay là cái đũa cả. Mẹ quật không thương tiếc lên da thịt nó: Câm mồm ngay không tao đập chết bây giờ. Nó rúm người tránh, miệng im bặt. Biết sợ.

Mẹ gửi nó vào nhà trẻ. Những đứa bé da trắng, mắt xanh nhìn nó xa lạ. Nó thấy xấu hổ với vẻ ngoài còi cọc đen đúa của mình. Thứ tiếng bọn đó nói nó đâu hiểu. Cô giáo phải ra hiệu và chỉ dẫn bằng tay. Nhìn nó không khác một cái cây non bị vứt vào vùng đất lạ, chỉ biết dò dẫm tự bám rễ bật lên để sống.

Mẹ và dượng lấy lại quán ăn nhỏ nên rất bận. Mẹ thuê một cô trông trẻ, buổi chiều đón nó và chờ đến lúc mẹ về. Dáng người cô cao lớn, đôi mắt lòng trắng nhiều hơn lòng đen. Cô luôn ngọt ngào chiều chuộng nó lúc mẹ ở nhà. Mẹ đi, cô lại khư khư ôm điện thoại, mặc nó muốn làm gì thì làm. Chỉ cần cô bặm môi, mắt trợn trừng như mắt lợn luộc, đã khiến nó khiếp đảm. Nhưng nó đâu thể làm cô vừa lòng vì thói biếng ăn của mình. Mỗi miếng cơm cô đút, cái roi dứ dứ bên cạnh dọa dẫm. Nó nuốt chẳng kịp nhai. Có bữa, cô nhồi cả thìa cơm to đùng vào miệng nó như nhồi vịt. Nó khó thở, mắt lờ đờ, khóc không thành tiếng. Cô dốc ngược nó lên, vỗ bồm bộp vào lưng. Nó ói tung tóe khắp phòng. Nước mắt nước mũi dính cơm nhoe nhoét. Hành động đó đã lọt vào mắt người hàng xóm sống ở căn hộ đối diện. Bà lập tức gọi điện cho cảnh sát. Mẹ và dượng bị triệu tập tra hỏi. Họ chối bỏ mọi việc, một mực cho rằng đó chỉ là nhìn nhầm. Cô trông trẻ trốn mất tăm. Hồ sơ được gửi đến sở thanh thiếu niên tiếp tục thẩm vấn xem mẹ có đủ điều kiện chăm sóc nó hay không. Người của sở thanh thiếu niên đề nghị được gặp riêng nó. Trước buổi hẹn, mẹ nói chuyện với nó rất ngọt ngào. Mẹ bảo, những người ở sở thanh thiếu niên là phù thủy, là ngáo ộp. Họ sẽ bắt nó lao động khổ sai và hành hạ nó. Ở với mẹ nó được ăn ngon, mặc đẹp, có đồ chơi riêng. Nó thích thế nào? Nó ngước đôi mắt ngây thơ nhìn mẹ gật đầu, ra chiều thích ở với mẹ. Vậy khi họ hỏi con phải trả lời, muốn ở với mẹ nghe chưa. Đâu có ai đánh hay ép con ăn, con không hề khóc, khóc xấu lắm. Con nhớ chưa? Con nhớ… Nó trả lời như cái máy, cốt để nhìn thấy nụ cười hài lòng của mẹ. Và nó được ở lại nhà nhờ chính những lời nói dối của mình.

*

Thằng Quân ra đời, mẹ chịu nhiều áp lực hơn, mặt mũi luôn nhăn nhó, cáu giận. Động cái mẹ đánh, mẹ chửi chỉ vì những lỗi vặt vãnh, hoặc khi nó bị điểm kém, phải xin chữ kí của mẹ. Những lúc như thế nó đâu dám khóc to, rấm rứt chịu đựng. Nó sợ hàng xóm biết… xấu hổ. Xung quanh đây, không thấy ai đánh con bao giờ. Mẹ cấm nó để hở ra những vết lằn. Nếu mọi người biết, mẹ sẽ tống nó về Việt Nam. Nó sợ lắm, ánh mắt hằn học và những trận đòn lún thịt của cậu vẫn in sâu trong tâm trí nó. Dượng lừ lừ như ông bù nhìn trong nhà. Ngoài công việc ra, sở thích của dượng là đánh điện tử. Mẹ hay bảo dượng to xác mà như trẻ con. Thỉnh thoảng nó vào phòng dượng dọn dẹp, cảm giác có cái nhìn chờn chợn sau lưng, quay lại vẫn thấy dượng mải mê bấm máy. Rồi nó cũng tự hiểu một điều. Muốn yên ổn phải biết lựa theo khuôn khổ. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Nhưng tính cách đâu dễ mà lựa. Tính cách luôn bị ảnh hưởng bởi thái độ cư xử của chính những người thân trong gia đình. Nó trở nên rụt rè, nhút nhát, không dám thể hiện bản thân. Nó thui thủi một mình, rất ít bạn. Chỉ có Hanna, đứa duy nhất chơi được với nó.

Hôm đang đi bộ tới trường, nó bất ngờ nghe tiếng Hanna gọi: Dương ơi, đợi tớ. Một chiếc xe đỗ sát lề đường. Cô bé có đôi mắt xanh và bím tóc nâu nhí nhảnh chui ra khỏi xe. Cô đưa tay chào tạm biệt mẹ, bà Anna bằng nụ hôn gió. Bà vẫy lại, không quên quay sang nó nở nụ cười thân thiện. Nó gượng gạo. Hanna sướng thật, luôn được mẹ đưa đi học. Nhìn hai mẹ con lúc nào cũng quấn quýt, thân thiết. Còn nó, dậy sớm tự kẹp cho mình ổ bánh mì là lẽo đẽo hơn hai cây số đi bộ đến trường. Dượng bận ngủ vì thức khuya. Mẹ đưa thằng Quân đi nhà trẻ và tất bật cho quán ăn sắp mở cửa. Nó chẳng có lí do gì đòi hỏi họ quan tâm, đưa đón. Xốc lại ba lô, nó cố xua đi chút ghen tị nhen lên trong đầu.

- Dương à, chủ nhật này mẹ tớ tổ chức lễ hội hóa trang ở nhà. Dương đến nhé. Sẽ có nhiều trò bí mật đấy.

Hanna vừa đi vừa hồ hởi. Thấy nó không nói, cô bé tiếp tục:

- Tớ mời ít người lắm, cậu đừng ngại.

Nó hết nhìn Hanna rồi quay sang chỗ khác. Đôi giày di di xuống nền gạch lát đường. Nó lí nhí rằng bố mẹ nó bận lắm, nó phải trông thằng em nghịch ngợm 4 tuổi, không đi được đâu. Hanna khẳng định, mẹ cô bé sẽ đến nhà thuyết phục mẹ nó. Chỉ một chủ nhật thôi. Hanna giơ ngón tay ngoắc vào tay nó tin tưởng.

Quán ăn nhỏ của gia đình nó nằm ở con phố hẹp, không thuộc trung tâm. Trước đây là quán Ấn Độ, chuyên bán cà ri. Những mảng tường xung quanh vẫn ám màu nghệ già. Khi lấy lại quán, mẹ và dượng giữ nguyên hiện trạng, chỉ đổi tên và thực đơn thêm nhiều món hơn. Thành ra, quán trang trí màu sắc ấm nóng theo kiểu Nam Á, nhưng đồ ăn đủ loại, Tây, Tàu. Bà Anna đến quán gặp mẹ nó trong lúc mẹ đang xay thịt, nét mặt lầm lì. Vẫn giữ thái độ niềm nở, bà kiên nhẫn thuyết phục. Bà bảo sẽ đến đón và đưa nó về tận nhà, mẹ không phải lo. Nó biết mẹ khó chịu nhưng cố xã giao. Nó cun cút dắt thằng em chui sang phòng chứa đồ bên cạnh vì thấy xấu hổ với bà. Nơi đó, có cái bàn học và cái giường bạt bị vây xung quanh bởi những thùng hàng cao ngút. Sau vụ cô trông trẻ, mẹ không dám mượn ai hay để chị em nó ở nhà một mình. Dượng bố trí chỗ tạm này cho chị em nó vừa học vừa chơi, dễ quản lí.

Sáng chủ nhật, nó thấy mẹ lầu bầu: Mặc quần áo tử tế vào. Bà ấy sắp đến. Nhớ về sớm nghe chưa. Nó mừng rơn, nhảy lên đáp: Dạ. Lần đầu tiên được đi chơi nhà bạn, nó vui quá. Suốt ngày học bài, phụ mẹ và quanh quẩn trông em. Nó ớn tận cổ rồi.

Ngôi nhà của gia đình Hanna nằm bên kia sông. Sát với cánh đồng lúa mạch xanh mướt và những trảng hoa cải vàng rực. Đẹp quá! Nó thốt lên. Bà Anna lôi ra rất nhiều quần áo phục trang, bà hỏi nó thích làm gì. Nó dè dặt sờ vào chiếc váy đính đăng ten bảo, thích làm cô bé Lọ Lem. Nó nghĩ mình cũng khổ giống cô bé ấy. Nó mong, sẽ có cái kết hậu. Bà Anna trang điểm cho nó rất xinh, có cả mái tóc giả vàng óng và đôi hài đính đá lóng lánh. Nó ngượng nghịu nhìn vào gương, ồ một cô công chúa. Mấy bạn đến chơi đều được bà Anna hóa trang thành nhân vật nào đó. Hanna xúng xính trong bộ váy nàng tiên cá có vảy xanh lấp lánh, còn bố của Hanna đeo tạp dề, đội mũ trắng giống như một ông đầu bếp chuyên nghiệp. Ông lăng xăng chạy ra chạy vào, chuẩn bị cho bọn nó món Spaghety Napoli ngon tuyệt. Bàn ghế ở phòng khách được xếp gọn lại. Một sân khấu biểu diễn đủ rộng hiện ra. Lúc đầu nó ngại ngùng, chỉ đứng nhìn Hanna và các bạn say sưa múa hát. Thấy vậy bà Anna lại gần, dịu dàng: Dương vào tham gia đi. Nụ cười hồn hậu của bà khiến nó vững tâm. Lần đầu tiên, nó tự tin hát trước mặt mọi người, bài hát về người bà. Giọng nó run run, đầy cảm xúc. Càng về sau nghẹn lại, không cất được thành lời:

"...Bà là ánh trăng sáng soi đời cháu… là ngọn lửa hồng sưởi ấm đêm đông. Vòng tay bà như chiếc gối êm, đưa cháu vào những giấc mơ ngọt ngào hạnh phúc...

Nhưng giờ bà ở đâu? Nơi đồng cải hoa vàng hay ở thảo nguyên xanh. Giữa đại ngàn âm u hay trên trời xa thẳm.

Cháu tìm bà… cháu vẫn tìm bà...“

Nó đứng im bất động, những giọt nước mắt lăn dài. Mọi người lặng đi rồi bất ngờ vỗ tay rào rào. Bà Anna cầm một bông hoa lại gần đưa cho nó. Nhạc vui nổi lên từ chiếc loa thùng do bố Hanna điều khiển. Bọn trẻ tiếp tục vừa nhảy vừa hát líu lo hết bài này đến bài khác. Cả bố mẹ Hanna cũng tham gia. Nó bị cuốn theo, khản cả tiếng, nước mắt khô tự bao giờ. Đó là một ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của nó.

Mùa hồi sinh - Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy
Mùa hồi sinh - Minh họa Nguyễn Đăng Phú

*

Bà Anna đưa nó về lúc trời xâm xẩm tối. Đang giờ khách ăn nên mẹ và dượng rất bận. Họ không thèm trả lời khi nó chào. Tiếng chuông điện thoại đặt món liên tục. Mẹ luôn tay luôn chân, vừa nghe vừa sắp đồ cho vào hộp xốp. Chút nữa, người chạy hàng sẽ mang đi giao. Lửa trên bếp ga bốc xanh lè. Dượng di chuyển liên tục. Chảo cơm rang xèo xèo nghi ngút khói. Nó biết lỗi về muộn, len lén đi dọn chỗ bát đĩa và thức ăn thừa ở mấy bàn khách vừa đứng dậy. Không dám nhìn vào khuôn mặt đang bốc hỏa của mẹ.

Trong phòng tạm, thằng Quân ra công bóc mì tôm nhai sống. Xung quanh, thùng đồ chơi vứt tung tóe. Nó vội vàng đi lấy cơm cho em ăn rồi dọn dẹp. Trời tối hẳn, bóng đêm trùm các ngả, quán vắng dần. Nó lấy ba lô chuẩn bị sách vở cho ngày mai. Đột nhiên mẹ lao vào, lừ lừ rút cái thắt lưng treo trên tường. Vút… vút… vút, một cơn mưa roi da bất ngờ trút lên cái lưng gầy gò của nó. Thằng Quân sợ quá mếu máo chạy ra ngoài. Nó ngã xuống giường. Mắt mẹ long lên, túm tóc nó giật ngược lại, rít qua kẽ răng: Mày học hành thế này à. Ai dạy mày dối trá. Thằng cha mày phải không? Nó đau điếng. Mẹ chìa hai tờ giấy kiểm tra tiếng Đức bị điểm kém gí vào mặt nó, gầm lên: Dám mạo danh chữ kí. Con này to gan, tao phải báo cô giáo… Nó rụng rời, chỉ vì sợ mẹ đánh mà nó phải nghĩ ra cách này. Nhưng không ngờ, mẹ đã lén kiểm tra ba lô của nó. Nó nức nở luôn miệng xin lỗi, nó trót, mong mẹ tha thứ. Mẹ vẫn không ngừng chửi bới, chiếc thắt lưng quất liên tục vào da thịt nó bỏng rát. Đến khi dượng giằng tay lôi mẹ ra ngoài, nó mới yên thân.

Đêm đó nó không ngủ được, cựa mình là đau. Nó ngồi tựa vào thành giường, mắt trân trân nhìn qua cửa sổ. Ánh trăng mờ nhạt lúc ẩn lúc hiện. Không gian như một màn sương âm u, lạnh lẽo. Nó thấy mình cô độc, lẻ loi. Tại sao cha chối bỏ nó? Phải chăng, nó chỉ là chút cơm thừa canh cặn trong bữa tiệc đời xa xỉ của cha. Còn mẹ, mẹ hận gì? Hay áp lực kiếm tiền đã biến mẹ trở thành người cáu bẳn, nóng nảy. Mẹ dồn áp lực đó lên tấm lưng non nớt của nó. Liệu có đáng không? Mẹ đặt tên nó là "Ánh Dương“, là vầng sáng hi vọng mà sao cuộc đời nó u ám vậy. Nó bật khóc tức tưởi.

Bỗng, một bàn tay vuốt nhẹ vào sống lưng nó, rờn rợn. Giật mình nó quay lại, thảng thốt. Dượng… dượng chưa ngủ hay sao? Vẫn bộ mặt lạnh lùng khó hiểu, dượng dúi vào tay nó lọ dầu gió. Nó quệt vội nước mắt. Lần đầu tiên thấy dượng tử tế.

Buổi sáng, mẹ vứt cho nó chiếc áo len dài tay. Mẹ dằn giọng, đừng để ai biết, nếu không sẽ mách cô giáo tội mạo danh chữ kí và tống nó về Việt Nam. Nó nem nép mặc vào, những sợi len cọ lên vết lằn đau rát. Ngồi trong lớp nó không dám nhìn ai. Cô giáo mải miết giảng bài, nó nghe và cắm cúi viết. Nó sợ mọi người thấy đôi mắt sưng húp của nó. Nhưng nó không thể giấu được Hanna. Cô bé phát hiện ra vết lằn trên mu bàn tay nó trong giờ ra chơi khi hai đứa ngồi dưới gốc cây dẻ. Lừa lúc nó không để ý, cô bé lập tức kéo tay áo nó lên. Nó giật lại… không kịp. Vết lằn đỏ chạy dài theo cánh tay. Ai đánh cậu như vậy? Hanna giận dữ nhìn thẳng vào đôi mắt mọng nước đang cố tình lảng tránh của nó. Cậu nói đi. Nếu bố mẹ cậu đánh, hãy để tớ nói chuyện này với mẹ tớ. Mẹ tớ làm việc ở sở thanh thiếu niên, chắc chắn sẽ có cách giúp cậu. Đừng… tớ van cậu, hãy thương tớ. Đừng nói chuyện này với ai. Tại tớ hư nên mẹ mới đánh. Ở nước tớ, bố mẹ vẫn dạy con như vậy. Nó tha thiết cầu khẩn, nó không muốn mình bị tống vào nơi đó. Hanna giậm chân, lắc đầu: Không được đánh trẻ con dù ở bất cứ đâu. Mẹ cậu sai rồi... Thấy nó khóc, cô bé ôm choàng lấy nó vỗ về, giọng cũng mếu xệu theo: Hi vọng, đây là lần cuối cùng bà ý đánh cậu. Nó gật gật đầu. Những lá dẻ vàng ươm, nhẹ rơi xuống vai hai đứa.

*

Sinh nhật nó 12 tuổi, mẹ hào phóng mời cả nhà đi ăn đồ tự chọn. Mẹ mua cho nó một chiếc váy trắng tinh, bảo đó là quà sinh nhật. Nó cảm động, thấy biết ơn. Chiếc váy ngắn đến đầu gối, trễ ngang vai, ruy băng rủ xuống ngực. Nó thả mái tóc suôn dài đi lại ngắm nghía trước gương. Thân hình thiếu nữ mới lớn mơn mởn trong chiếc váy tinh khôi bó sát. Cả nhà được sắp xếp ngồi ở một bàn ngay cửa sổ, nơi có tầm nhìn bao quát cả dòng sông. Giờ đang cuối đông, nước cạn lững lờ. Những cây hoa mận, anh đào, mộc lan... lấp ló mầm chồi. Chỉ chờ nắng xuân bừng lên, vạn vật hồi sinh, trăm hoa sẽ đua nở. Dòng sông sẽ rực rỡ sắc màu. Nó mải mê ngắm. Mẹ và em rủ nhau đi chọn đồ ăn. Một tia nắng chiều yếu ớt dừng lại, chiếu thẳng vào gương mặt sáng bừng của nó. Dượng ngồi đối diện, đờ ra. Ánh mắt dâm đãng tranh thủ vuốt ve bờ vai mảnh mai và bầu ngực hơi nhô cao của nó. Má nó nóng ran, ý tứ kéo lại vai áo. Hôm đó dượng uống rất nhiều...

Cả nhà về lúc đã muộn, vài ba vì sao lấp lánh báo hiệu một đêm ấm trời. Mọi người tranh thủ tắm rồi ngủ sớm, chỉ còn nó ngồi học bài. Tiếng tích tắc của đồng hồ vẫn gõ nhịp đều đều. Vừa học nó vừa gà gật. Chợt, cánh cửa phòng bật mở rồi khép lại rất nhanh. Dượng lừ lừ đi vào, tay cầm chiếc đèn bàn hôm nó nhờ sửa. Dượng bảo để dượng kiểm tra. Nó lắp bắp, nó học bằng đèn trần cũng ổn, dượng đi ngủ đi. Dượng vẫn tiến lại chỗ nó, cắm dây điện, bật công tắc liên tục. Đèn chưa sáng. Nó run run ngồi né sang bên cạnh. Mùi đàn ông nồng nồng cùng hơi rượu phả vào mặt nó khó chịu. Bất ngờ dượng quay sang, cả thân hình cao lớn vồ lấy, ép chặt nó vào thành ghế, hai bàn tay to bè bịt chặt miệng nó, không để nó ú ớ. Nó hốt hoảng, chân tay quẫy đạp. Dượng ép chặt hơn, cà xát hàm râu lởm chởm lên khuôn mặt măng tơ của nó, thì thào trong hơi rượu: Yên, để dượng yêu, rồi dượng cho tiền. Tay bịt miệng, tay kia dượng luồn vào bầu ngực trinh nữ vần vò. Nó ưỡn lên, nhìn dượng van lơn khi bàn tay ấy thọc xuống váy, luồn vào quần lót của nó. Nó thấy đôi mắt dượng vằn đỏ, người căng cứng như muốn nổ tung. Có cái gì đó thôi thúc mạnh mẽ. Lấy hết sức bình sinh, nó rút cánh tay đang bị đè ra, vùng lên tóm chặt bàn tay dượng, cắn một nhát thật đau… bật máu. Dượng hét to, vả rất mạnh vào má nó, ôm tay chạy ra ngoài.

- Con mất dạy, sửa đèn cho nó chưa xong mà nó cắn thế này đây.

Dượng lu loa như kẻ bị oan. Mẹ đầu bù tóc rối chạy sang, chẳng nói chẳng rằng, không thèm nghe lời thanh minh, vớ ngay cán chổi quật liên hồi lên vai, lên lưng nó. Nó ôm đầu tránh, mặt gan lì. Mẹ bảo, cái mặt này ghê, phải đánh cho chừa. Nó không còn khóc, nước mắt đã khô trong tim nó tự lâu rồi. Thằng Quân xông vào kéo mẹ, cũng bị mấy chổi vào mông… khóc. Cơn thịnh nộ của mẹ chỉ dừng khi cán chổi tung ra, sã xệ.

Đêm, mình nó giữa bốn bức tường câm lặng, nước mắt tụ về vỡ òa, thổn thức. Nó nhìn lên những vì sao. Có phải bà ngoại đang ở nơi đó. Nơi sẽ cho nó tình thương, sự quan tâm và lòng bao dung đối với một đứa trẻ. Nơi nó sẽ không bị chối bỏ, không còn cô đơn, chịu nhiều áp lực và những vết lằn nhức nhối. Nơi nó được là chính mình... Nó lần lần trong ngăn kéo, một mẩu dao lam sắc lạnh vẫn để dành. Bất giác nó nghĩ tới Hanna, lấy điện thoại ra, nó viết vội mấy dòng:

"Hanna yêu quý!

Khi cậu đọc những dòng chữ này thì tớ đã ở một nơi xa. Tớ xin lỗi vì cậu sẽ không hề thích. Nhưng hãy hiểu cho tớ. Người ta chỉ có thể sống yên ổn bên cạnh những người yêu thương. Còn bên những người đối xử với mình bằng bạo lực và lạm dụng, đó chính là địa ngục.

Tớ luôn ngưỡng mộ cậu. Cậu tự tin, thông minh, lúc nào cũng vui vẻ. Cậu dám thể hiện chính kiến của mình. Còn tớ... quá hèn nhát, chỉ biết chịu đựng. Gia đình cậu thật tuyệt vời. Bố mẹ cậu luôn yêu thương và tôn trọng cậu. Họ là nền tảng để cậu trở thành một đứa trẻ hạnh phúc. Tớ ghen tị với cậu đấy, nhưng tớ rất vui vì cậu đã luôn chia sẻ cùng tớ trong cuộc đời ngắn ngủi này. Hãy sống thật tốt bạn thân của tớ nhé.

Tớ đi đây!“

Nó nhấn nút gửi.

Trên cao, những vì sao như sà xuống ô cửa sổ. Nó thấy bà ngoại. Bà mặc chiếc áo nhung tía, ngồi trên chiếc ghế bành mỉm cười vẫy nó. Nó gọi to: Bà ơi, bà chờ cháu với, cháu theo bà. Nó giơ tay lên. Máu thánh thót rơi… buốt lịm.

***

Trong căn phòng nhỏ, chút nắng vàng ươm men theo cánh cửa, chiếu vào chiếc giường phủ ga trắng toát. Nó nằm đó, thiêm thiếp. Cổ tay trái băng kín cùng đám dây dợ loằng ngoằng. Hanna ngồi bên cạnh, vuốt ve bàn tay xanh xao của nó, giọng cô bé nghẹn ngào:

- Dương ơi. Sao cậu liều lĩnh vậy? Mọi chuyện sẽ thế nào nếu mẹ Anna không tỉnh dậy và thấy tin nhắn? Ông trời cho chúng ta sự sống, đó là điều quý giá nhất trên đời. Mình phải trân trọng, đừng vì bất cứ điều gì mà hủy hoại nó. Không có bế tắc nào là vô vọng. Cánh cửa này đóng, cánh cửa khác sẽ mở ra. Dương biết không, có một điều tớ chưa hề kể với cậu. Tớ… tớ chỉ là con nuôi của bố mẹ tớ bây giờ. Hồi bé, tớ cũng là một đứa trẻ bất hạnh. Mẹ tớ mất sớm, bố tớ nghiện rượu. Ông ta từng đánh tớ rất nhiều. Những vết lằn là nỗi ám ảnh với tớ. Nhưng tớ phải cảm ơn các cô chú ở sở thanh thiếu niên đã cưu mang và cho tớ một gia đình. Cuộc đời này vẫn còn nhiều người tốt lắm… cậu biết không. Tỉnh dậy đi Dương ơi!

Có một dòng nước mắt lăn trên má nó.

Bên khung cửa sổ, đám cành cây khô xác, khẳng khiu, qua một đêm ấm trời, bỗng bật lên những mầm chồi xanh biếc. Dưới mặt đất, hoa xuyên tuyết, tóc tiên, tulip tranh nhau đua nở. Không khí thanh sạch, tinh khiết lạ thường.

Một mùa hồi sinh ấm áp.

Báo Văn Nghệ số 25/2024

Thiền sư và kiếm khách. Truyện ngắn dự thi của Quyên Gavoye Tiếng thét ngàn năm. Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Minh Thả khói về trời. Truyện ngắn dự thi của Ngân Kim " Lửa thiên đường". Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú Linh Mã. Truyện ngắn dự thi của Nguyệt Chu
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn