Sáng tác

Nàng Han. Truyện ngắn dự thi của Đặng Thùy Tiên

Đặng Thùy Tiên
Truyện
10:00 | 13/12/2024
Baovannghe.vn - Giặc tràn qua Sì Lở Lầu, quấy nhiễu biên cương ròng rã cũng đã mười mấy năm. Mười mấy năm trời, đủ để tôi từ đứa bé con trở thành một thanh niên ưu tú. Mười mấy năm nay, không chỉ nhân dân của Bản Lang, cả mường trên mường dưới đều không được yên ổn, người người không được bữa cơm no, tối đến trẻ con không dám quấy khóc, sáng sáng người già không dám bước chân ra khỏi cửa. Bát nước chè cúng tổ tiên đã nguội lạnh mà đành bất lực khi cái ăn ngày ngày còn chưa biết kiếm tìm ở đâu.
aa

Tôi lớn lên trong cảnh đói kém, loạn lạc. Tuổi thơ của tôi dù không thực êm đềm nhưng trong tâm trí tôi luôn có những kỉ niệm đẹp đẽ cùng người em trai cùng cha khác mẹ. Mẹ tôi chết ngay sau khi sinh tôi ra, người mẹ kế chính là người đã ẵm bồng lo lắng bú mớm cho đứa trẻ đỏ hỏn là tôi khi ấy. Tình yêu thương mà mẹ kế dành cho tôi còn hơn cả mẹ đẻ, lúc nào bà cũng chiều chuộng theo những trò chơi quái đản của tôi.

Khi đám con gái ở nhà, ngồi bên hiên nhà sàn thêu thùa hoa lá lên khăn lên gối, buộc những sợi chỉ màu sắc lên khảng lang con để chơi ném còn vào hội xuân thì tôi lại lang thang với tụi con trai để chơi đánh khăng, đánh đáo. Tôi buộc váy lên để bê đá đi đắp suối bắt cá bống với em trai. Tôi chọn những hòn đá cuội to, xếp thành một hàng dọc, nước từ từ dâng lên ở phía trên, nước ậm ọc tức tối muốn tràn ra khỏi những viên đá tôi vừa xếp. Tôi tìm những viên nhỏ hơn để vào những kẽ hở, lấy bùn đất ở hai bên bờ để chít lên trên. Phía dưới bờ đá, nước cạn dần.

Tôi thích thú nhìn những con cá bống từ từ lộ ra khỏi những khe đá, cái bụng màu trắng nổi bật lên khỏi những viên đá màu xám đen. Nhấc từng vệt rêu xanh mướt, mượt mà như tóc tiên nữ, bên dưới nào hến, nào cua, nào ốc đá, rận nước. Tôi cho tất cả chúng vào giỏ, lòng vui sướng khi nghĩ tới nụ cười của mẹ lúc tôi gỡ giỏ ra đổ vào cái rá tre. Tôi đã không ngờ tới cái roi dâu sau lưng của cha. Cha tôi, một người đàn ông nông dân khắc khổ. Thoạt nhìn, người ta sẽ không thể quên đôi mắt sáng quắc với cái nhìn đăm đăm của cha như muốn xuyên thủng mọi thứ trong cái chau mày đau khổ vì chưa thể kiếm đủ hai bữa ăn no cho vợ con.

Trái lại với sự dễ tính của mẹ, cha tôi là một người nghiêm khắc. Ông nghiêm khắc với con cái, nghiêm khắc với cả chính bản thân mình. Tôi chưa từng thấy ông ngơi nghỉ chân tay, vui chơi rượu chè đình đám, vậy mà nhà tôi vẫn cứ nghèo. Ông dạy em trai tôi học võ, bắn cung. Ông dạy chúng tôi sống phải thanh cao, làm người phải có cốt cách, nghèo nhưng không được hèn. Tôi yêu thích bắn cung, cưỡi ngựa, tôi học lỏm những món võ cha tôi dạy em trai vào những đêm sáng trăng.

Ngày giặc đến đốt phá bản, tôi cùng mẹ đi kiếm măng rừng. Mẹ thích ăn măng đắng, thứ măng nứt ra từ kẽ đất, đã lên mầm lá xanh xanh. Tôi chỉ thích ăn măng sặt, phải đào lâu, đào sâu nhưng ăn thì ngọt thấm ngọt thía. Tôi và mẹ trở về vào chiều muộn. Từ phía xa, chúng tôi đã thấy những cột khói đen sì bốc lên cuồn cuộn từ phía bản, màu khói hừng hực oan nghiệt. Mẹ chạy, tôi chạy, ngã sấp ngã ngửa. Cả bản bốc cháy, tiếng khóc than, gào rống đau đớn vang tới mường trời, Then ở trên cao sao không thấu. Then ở trên cao sao nỡ nhìn con dân của người bị đám giặc xẻo thịt lột da.

Nhà tôi bốc cháy dữ dội, đầu cha tôi treo ngay cổng vào, máu rỏ xuống hòa vào màu đất đỏ vàng. Mẹ tôi chết ngất, tôi nắm chặt tay, tôi mím chặt môi đến bật máu, những giọt nước mắt long lanh ánh lửa. Em trai tôi đâu? Tôi chạy vào căn nhà sàn đang bốc cháy dữ dội, mặc kệ tiếng thét của mẹ, tôi vùng vẫy trong một hi vọng mong manh. Lửa cháy quá lớn, nhà sàn sập xuống không để cho tôi một cơ hội nào cả. Tôi đau đớn đến phát điên, toàn thân tôi run lên vì căm giận. Tôi vùng lên muốn băm vằm kẻ thù giết cha, giết em trai tôi ra thành từng mảnh.

Tôi chưa kịp làm gì thì mẹ chắn trước mặt tôi, từng mũi tên xuyên qua người mẹ, chiếc áo cóm màu trắng chuyển dần sang sắc đỏ loang lổ, đẫm máu. Mẹ đã làm lá phên sống chắn những mũi tên ác độc từ kẻ thù cho tôi. Tôi ngơ ngác nhìn sâu vào đôi mắt long lanh của mẹ, đôi mắt mẹ sâu thẳm, ánh mắt mẹ tràn ngập tình yêu thương tôi và sự căm giận. Mẹ đã trút những hơi thở cuối cùng trên tay của tôi. Kể từ lúc đó, tôi đã lập lời thề, dù có chết tôi cũng phải trả xong món nợ máu này với bọn giặc cướp nước, thù này không trả tôi thề không trở về Bản Lang.

Tối đó, nhân dân họp bàn kế sách đối kháng với giặc tại nhà chúa đất đồng thời tìm người tài đức cầm quân đánh giặc. Đống lửa đốt giữa sân soi tỏ rõ vẻ ưu tư trên khuôn mặt của từng người. Nhiều cuộc tỉ thí đã diễn ra nhưng vẫn chưa chọn được ai. Tạo noọng, tạo ao sốt ruột tranh cãi nhau, những người già thì chắm chúi nhìn vào đống lửa đang cháy ngồn ngộn đôi mắt tràn ngập sự lo lắng. Thù nhà, nợ nước, lòng căm thù sôi sục trong máu tôi, thúc giục tôi hiên ngang bước tới.

- Xin hãy để cho tôi cầm quân.

Mọi ánh mắt đổ dồn lại nhìn tôi. Im lặng. Bỗng mọi người phá lên cười. Không khí trở lại ồn ào. Một già bản nhìn tôi, ánh mắt không giấu đi sự giễu cợt:

- Mày ốm nhom ốm nhắt, lại là thân gái, mày làm nổi cái gì mà đòi cầm quân?

- Tôi có thể mỗi tay xách được viên đá to.

Tôi trả lời, nhìn thẳng vào mặt ông ta không hề chớp mắt. Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện cổ tích mẹ kể, những người anh hùng là người bình thường nhưng chuyện họ làm phải nổi bật, khác thường.

Một tràng cười nữa lại diễn ra rộn rã. Chúa đất ra hiệu cho mọi người im lặng. Ông ta sai người mang hai túi đá nặng lại cho tôi thử sức. Tôi nhìn thẳng vào đống lửa, lửa hãy cho tôi sức mạnh. Cái chết của cha, cái chết của mẹ, của em trai làm cho máu trong người tôi lại sôi lên, mối hận này tôi phải trả. Tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh, không một chút do dự cầm hai túi đá nâng lên như đang cầm hai bồ đựng bông mẹ mới hái về.

Tiếng cười nói im bặt. Khi tôi đặt hai túi đá xuống, tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Chúa đất đi khỏi chỗ ngồi xuống cạnh tôi, ánh mắt ông long lanh xúc động, ông không nói năng gì, chỉ vỗ vai tôi. Những ánh mắt ngưỡng mộ, những gương mặt vui mừng nhìn tôi như vật quý.

Tôi thở ra nhẹ nhàng, tôi không thể khóc, nước mắt tôi đã lặn cả vào trong. Hình ảnh cha mẹ và em trai đã khắc sâu vào trái tim, tôi sẽ biến những nỗi đau thành sức mạnh để tiến lên. Xin vong hồn cha mẹ và em trai hãy phù trợ cho con.

*

Tôi cầm quân đánh giặc đã được ba năm. Ba năm trong lòng tôi vẫn chưa nguôi ngoai được nỗi căm giận bọn giặc đã cướp đi cha, mẹ, em trai của tôi. Ba năm cầm quân thắng nhiều trận lớn nhỏ nhưng tôi vẫn chưa yên lòng khi chứng kiến cuộc sống khốn khổ của người dân ở biên cương. Chiến tranh liên miên người khổ nhất chính là dân chúng. Con người sinh ra vốn dĩ ai ai cũng nên được bình yên làm ăn, sinh sống, tận hưởng một cuộc đời hạnh phúc. Trận chiến này, tôi chiến đấu thay cha mẹ, thay cho em trai, thay cho nhân dân của tôi, vì bình yên và tự do của họ. Sức mạnh ấy chảy tràn trong con người tôi, thúc giục tôi trở nên dũng mãnh, xông pha trận mạc.

Nàng Han - Truyện ngắn dự thi của Đặng Thùy Tiên
Tranh minh họa. Nguồn pinterest.com

Người ta nói tôi có tài thu phục lòng người. Tôi chưa từng nghĩ như vậy. Tôi chỉ nói sự thật. Thù nhà nợ nước chưa trả, chí nam nhi không nên bị vùi dập bởi những thứ tầm thường. Tôi quan tâm binh sĩ như những người anh em của tôi, tôi đối với họ bằng tấm lòng chân thật thì họ cũng sẽ đổi lại cho tôi sự trung thành. Trong một tập thể, mối liên kết giữa mọi người rất quan trọng, sức mạnh sẽ nhân lên nhiều lần khi con người biết đoàn kết lại với nhau. Tôi đánh thắng giặc ngoại xâm vì cuộc chiến của chúng tôi chính nghĩa, tôi được nhân dân ủng hộ hết lòng. Tôi không vì vậy mà kiêu ngạo, hành động bất cẩn, tôi thông thạo địa hình miền núi, tôi dựa vào núi rừng hiểm trở, lấy ít đánh nhiều, tránh đi những thương vong không cần thiết cho binh sĩ của mình.

Có lẽ cũng bởi vậy mà những thanh niên từ khắp các mường đổ về gia nhập vào đoàn quân của tôi ngày càng đông. Trong số đó có Khum Lụm. Khum Lụm chính là phó tướng mà tôi tin cẩn nhất. Nói về độ dũng mãnh, thiện chiến, anh ta cũng không thua kém tôi là mấy. Tôi hoàn toàn tin tưởng để giao việc huấn luyện quân sĩ cho Khum Lụm.

Khum Lụm cao ráo, vạm vỡ, khuôn mặt tuấn tú, đôi mắt như sông sâu rất khó hình dung được suy nghĩ trong lòng anh ta. Tuy tôi cũng hơi lợn cợn vấn đề ấy nhưng sự dịu dàng, phục tùng tôi tuyệt đối của Khum Lụm đánh tan mọi ngờ vực của tôi. Trong những bữa rượu khao quân, tôi chỉ uống hết bát rượu đầu tiên, từ bát rượu thứ hai chính là Khum Lụm uống thay cho tôi. Sau mỗi trận chiến, người tôi bê bết máu, Khum Lụm là người sẽ đi tìm một mạch nước sâu, kín đáo trong rừng cho tôi tắm rửa, rồi chính Khum Lụm sẽ vào rừng tìm lá thuốc giã ra để cho tôi đắp lên những vết thương.

Trong những lúc rảnh rỗi, tôi mải lo nghĩ cho trận chiến tiếp theo hoặc những khi tôi buồn vì thương nhớ cha mẹ, Khum Lụm sẽ cưỡi ngựa theo sau tôi trong im lặng hàng giờ liền trong rừng mặc trời nắng mưa. Có một sự yêu mến đặc biệt ngầm nảy nở trong lòng tôi dành cho Khum Lụm. Tôi tin tưởng Khum Lụm tuyệt đối nhưng những kế sách của Khum Lụm thì lại có quá nhiều kẽ hở, rất nhiều lần tôi không thể vì sự yêu mến riêng anh ta mà dùng.

Có lẽ chính vì như thế mà nhiều lần, tôi thấy được ánh mắt bất mãn của phó tướng, quân lệnh như sơn, Khum Lụm không thể bất tuân theo ý tôi. Tôi không thể giải thích, cũng không cần giải thích, tôi phải làm điều tôi cho là đúng để giảm thiệt hại tới mức thấp nhất cho quân sĩ của mình, máu thịt của họ cũng như máu thịt của tôi.

Đây đã là trận thứ hai, ta và địch dùng giằng không phân thắng bại. Như mọi lần, Khum Lụm sẽ đi theo tôi nhưng lần này, tôi để mặc phó tướng ở doanh trại, đi vào rừng một mình. Tôi đi lạc vào một bản nọ. Tôi cảm thấy ngạc nhiên vì giữa rừng sâu heo hút lại tồn tại một bản làng, trong những tấm bản đồ tôi được xem không hề nhắc tới tên bản này, thực là kỳ lạ.

Tôi cởi bỏ áo giáp giấu ở bìa rừng để hòa nhập vào với dân bản. Đám trẻ con chơi đùa rất vui vẻ, những người phụ nữ ngồi túm tụm làm một món ăn gì đó, đôi người già ngồi hút thuốc, khói thuốc bay lên, lẩn lút qua đôi mắt hấp háy trên làn da đã răn reo lại vì tuổi tác. Cuộc sống của họ vui vẻ như thể làn khói độc của chiến tranh không ảnh hưởng tới nơi này. Khung cảnh yên bình khiến lòng tôi thấy ấm áp, có lẽ trong kế sách của tôi đã có thiếu sót gì đó chăng.

Tôi lại gần những người già, những người đã có nhiều kinh nghiệm quý báu đúc kết từ cuộc đời để xin những lời khuyên. Vùng đất này là của họ, không ai thông thuộc nó hơn họ nữa.

Tôi đã có một quyết định đúng đắn. Trận sau đó, quân ta toàn thắng, giặc phương Bắc bị đẩy lui khỏi bờ cõi, đất nước trở lại yên bình. Tin chiến thắng vang dội khắp bản làng, lan truyền từ mường trên xuống mường dưới, người dân khắp nơi nơi mở hội ăn mừng.

- Thưa chủ tướng, nhân dân đã góp sức xây dựng cho người một ngôi nhà lớn dưới chân núi Pu Kho Nhọ. Người trở về sẽ cùng với các quan tạo cai quản bản mường ạ!

Nghe quân sĩ báo tin từ chúa đất, tôi lại nghĩ tới điều khác. Còn mấy ngày nữa, lễ hội Áp hô chiêng sẽ diễn ra. Nhớ tới những kỷ niệm đi gội đầu cuối năm cùng mẹ bên dòng suối Nậm So, tôi bất chợt mỉm cười. Cùng lúc đó, tôi đã không bao giờ ngờ tới, nét mặt của Khum Lụm thoáng sa sầm.

Chúng tôi thắng trận trở về, đi qua một dòng suối có mó nước trong vắt, Khum Lụm lại chuẩn bị chỗ tắm cho tôi như mọi lần. Mó nước nằm kín đáo xung quanh một rừng cây rậm rạp, nước chảy từ mó hòa vào dòng suối, nước từ từ đổ xuống dưới hình thành một dòng thác nhỏ. Ánh nắng chiều xiên qua tán cây chiếu xuống nước lấp lánh. Quân lính được lệnh rút ra xa khỏi nơi tôi nghỉ ngơi. Khung cảnh êm đềm, yên tĩnh. Khi đã cởi bỏ bộ áo giáp nặng nề, tôi tháo chiếc áo lót (kỷ vật do mẹ tôi khâu cho tôi trước khi xảy ra biến cố) mà tôi luôn luôn mặc trong mỗi trận chiến để lên bờ, hòa mình vào làn nước trong vắt, mát lạnh. Được một lúc, tôi thấy thấp thoáng có kẻ đang rình rập mình. Tôi bình tĩnh bơi lại gần bờ, rút thanh gươm cầm theo để tự vệ.

Phó tướng hiện ra sừng sững ngay trước mắt tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng bực bội về sự mạo phạm của anh ta khi tôi chưa cho phép. Lần đầu tiên thân thể tôi lõa lồ trước mặt một người đàn ông, dù là người tôi yêu mến đi chăng nữa tôi cũng cảm thấy bị xúc phạm. Tôi trừng mắt nhìn Khum Lụm. Ánh mắt Khum Lụm lúc này không hề tỏ ra sợ hãi hay hối lỗi, đôi mắt anh ta nhìn tôi là đôi mắt của kẻ thù nghịch.

Khum Lụm cầm cung, rút tên nhọn chĩa thẳng vào tôi. Trong phút chốc, tôi choáng váng, bất ngờ trước người mà tôi tin tưởng nhất, người mà từ lâu tôi đã yêu mến hơn cả ruột thịt. Chim chóc ngừng hát ca, gió ngừng thổi, cây cối đứng im lìm theo dõi hành động của Khum Lụm.

- Phó tướng, ngươi đang muốn làm gì vậy???

Tôi quát lên. Khum Lụm bình tĩnh như hắn đã tính toán trước câu hỏi của tôi:

- Xin lỗi chủ tướng, tại hạ chỉ làm việc nên làm mà thôi!

- Việc ngươi làm là định giết đi chủ nhân của ngươi sao?

- Ha ha. Đúng vậy, ta sẽ giết ngươi. Giết chết kẻ luôn coi thường ta, ta đường đường là một đấng nam nhi mà phải nằm dưới trướng của ngươi, nghe ngươi sai bảo, cúc cung tận tụy như một tên hầu.

Khum Lụm gằn lên từng tiếng, đôi mắt hắn vằn lên những tia máu đỏ, hắn trở lên hung hãn như một con trâu điên. Vậy mà tôi ngây thơ đến nỗi đã tin rằng hắn thật lòng đối đãi với mình. Tôi phải thoát ra khỏi đây, không thể ở dưới nước. Khum Lụm đã dự định trước tình thế bất lợi này của tôi, hắn đã cố tình đưa tôi tới đây.

“Vút”. Tôi nghe tiếng tên xé gió cắm phập vào lưng mình. Da thịt tách ra, máu nóng theo cơn đau trào ra tê buốt. Là thật, Khum Lụm đã phản bội niềm tin, phản bội sự yêu thương mà tôi dành cho hắn. Nỗi đau thịt da không bằng nỗi đau tâm can đang xé nhỏ con người tôi ra. Tôi đánh trăm trận thắng, thế giặc ào ào mạnh mẽ không đánh đổ được tôi, cuối cùng tôi lại phải chết trong tay người của mình nơi rừng thiêng nước độc này sao, tôi thực không cam tâm.

Tôi nén đau, quay người lại, rút gươm, dồn hết sức mạnh để tấn công kẻ phản bội. Chân tôi đạp lên đá, tôi nhanh nhẹn né tránh những mũi tên của Khum Lụm. Ở trên cạn tôi hùng dũng như mãnh hổ, Khum Lụm biết không thể đánh lại tôi, hắn vứt cung tên định bỏ chạy. Tôi nhân cơ hội, chém một nhát ngang người Khum Lụm. Vết chém ngọt và sâu. Khum Lụm đổ xuống như cây chuối rừng, máu vọt ra xối xả. Khum Lụm giãy giụa một lúc rồi nằm im bất động.

*

Bên bờ suối Nậm So, thầy mo đang lầm rầm khấn khứa, từng làn khói hương ngan ngát vấn vít bay lên. Những thiếu nữ mặc váy Thái quấn lên ngang ngực, những đôi tay trắng muốt đang cắm cúi gội đầu. Một hàng cọn nước kẽo kẹt địu nước lên ruộng, tiếng sáo ai ngân vang xa xa. Mẹ bê thau đồng, nước gạo đã lên mùi chua dịu, bồ kết đã nướng sẵn hai, ba quả cầm trên tay. Mẹ đứng bên bờ suối liên tục gọi tên tôi. Tôi cố sức vùng dậy đuổi theo những âm thanh lúc xa lúc gần. Những mái tóc đen nhánh chảy trôi theo dòng suối bỗng chốc hất ngược lại rào rào, tôi giật mình quay lại.

Tôi sực tỉnh. Một nỗi đau tê buốt nhắc nhở tôi. Tôi khát khô cổ, miệng đắng ngắt, cả người tôi nóng hầm hập. Mũi tên của Khum Lụm đã tẩm độc. Là thứ độc quân sĩ của tôi dùng để tẩm tên trước mỗi trận đánh quan trọng. Mà có lẽ không phải, thứ độc đó một khi trúng phải sẽ chết ngay. Khum Lụm không có tài chế độc, thứ độc đó tôi đã sai người bí mật đổ bỏ đi sau khi quân ta toàn thắng. Thứ độc này không đủ để giết chết tôi nhưng nó khiến cho toàn thân tôi tê dại. Máu từ vết thương vẫn đang rịn ra, có lẽ tôi sẽ chết vì mất máu trước khi chất độc từ mũi tên có cơ hội phát tác.

Gió thổi lá khô bay phấp phới đậu lại trên xác của Khum Lụm. Tôi cắn chặt răng, bẻ gãy mũi tên, ngồi dựa mình vào một gốc cây mà nhìn ra xác của Khum Lụm. Trong lòng tôi dậy lên một nỗi đau của niềm tin bị phản bội. Lẽ ra mọi chuyện không nên như thế này, chúng tôi nên trở về quê nhà dự lễ Gội đầu năm mới. Trên bàn tiệc mừng quân ta đại thắng, tôi và Khum Lụm sẽ cùng ăn nắm xôi nếp dẻo, gắp miếng thịt to, uống cạn từng bát rượu thơm nồng...

Giết chết Khum Lụm, buộc phải giết chết người đã cùng vào sinh ra tử với tôi giống như việc tự chặt đứt cánh tay của mình vậy. Hắn đáng chết. Kẻ phản bội phải có một kết cục. Kết cục của hắn là chết dưới tay tôi, nằm phơi mình giữa rừng hoang âm u lạnh lẽo. Tôi nhướng mắt nhìn về phía Khum Lụm, đầu hắn hướng về phía tôi, gương mặt tuấn tú đã chuyển sang bợt bạt tím tái, mắt hắn trắng dã mở to trừng trừng, hai vệt máu chảy ra từ mũi đã thâm đen lại. Một đám nhặng ngửi thấy mùi tử khí đang bay vo ve quanh người Khum Lụm.

Một giọt nước trôi ra từ mắt tôi, lòng tôi quặn thắt, Khum Lụm sẽ không chết một mình. Tôi không hề sợ cái chết, chết sẽ đưa tôi trở về bên gia đình, gặp lại bố mẹ, em trai của tôi, cả người mẹ đã sinh ra tôi mà tôi chưa hề biết mặt. Tôi khóc vì sự đen trắng của lòng người.

Tôi chưa từng nghĩ sự thành công của mình lại khơi gợi sự ích kỷ trong lòng người đàn ông. Ngay từ đầu người ta đã nghi kỵ vì tôi là một cô gái. Là con gái thì sao, giặc đánh tới thì con gái hay con trai cũng đều có quyền đi đánh giặc. Tôi sai ở đâu? Tài năng hay tâm thức? Tôi chưa từng kiêu ngạo về khả năng của tôi, tôi chỉ cố gắng làm tốt việc của mình. Danh tiếng ư? Quyền lực ư? Giàu sang ư? Khum Lụm ơi, ta chiến đấu không phải vì những thứ đó, bụng dạ ngươi nhỏ nhen che mắt ngươi mù quáng, ngươi chết thực đáng thương, ta chết cũng thực đáng tiếc.

Có tiếng chân giẫm lên lá khô sột soạt. Mùi hôi hám xộc tới. Hai con mắt lẫn vào mớ lông lá vằn vện lấp ló sau tán cây rậm rạp. Mãnh thú đã ngửi thấy mùi tanh của máu. Nó chờn vờn xung quanh chỗ tôi ngồi, có lẽ nó đang quan sát con mồi. Tôi cố lắng nghe tiếng bước chân để dự đoán. Chỉ có một con. Nhìn bóng hình lướt qua những bụi cây thì nó là một con hổ to lớn. Tôi cố sức để cầm chặt thanh gươm. Nếu tôi không bị thương, tôi sẽ giết chết nó trong một cái chớp mắt.

Tiếng sột soạt chợt im hẳn, tôi nghe tiếng con hổ thở hồng hộc, mùi hôi lúc đầu còn thoang thoảng bây giờ đã chuyển sang một mùi thối nồng nặc. Nó đang chờ đợi. Nó sẽ tấn công tôi như thế nào, một kẻ sắp chết lại trở thành món ăn tươi sống cho hổ, thân xác tôi sẽ biến mất vô tăm tích. Cái chết của một người anh hùng quả là có sự khác thường. Tôi không chết trong tay của kẻ phản nghịch, tôi chết bởi Chúa sơn lâm, vị vua tối cao của rừng sâu, rất đáng. Tôi bật cười.

Tôi đã không kịp nhìn thấy cảnh con hổ vồ lấy tôi như thế nào, xâu xé tôi ra sao. Một cơn co giật đã lấy đi sự tỉnh táo cuối cùng của tôi, chất độc đã phát tác. Trái tim tôi như bị trăm ngàn cái gai của sợi dây mây quấn chặt lấy, tôi mê man trong đau đớn.

Tôi thả mái tóc dài đen láy xuống chậu, mẹ từ từ dội xuống từng gáo nước gạo mát lạnh. Mẹ tỉ mẩn bẻ nhỏ bồ kết, vò lên tóc tôi, mùi thơm dịu nhẹ sảng khoái. Mẹ dùng các ngón tay rẽ tóc cào nhẹ lên đầu tôi một lượt rồi dội nước. Mẹ vắt tóc tôi, đưa vào tay tôi một búi tóc đã sạch sẽ thơm tho. Tôi đứng bên hiên nhà sàn cầm tóc xoay theo vòng tròn, nước bắn tung tóe. Mẹ cười, lấy lược chải tóc cho tôi, suối tóc chảy trôi mượt mà xuống tận nhà dưới, chim chích bông thôi truyền cành, con trâu ngúc ngắc cái sừng vào cột nhà, hoa mào gà đỏ cũng rũ xuống ghen tị với tôi.

Cha tôi ngồi bên bếp lửa nhà sàn bàn chuyện thời tiết với các chú, định ngày tháo nước cày ruộng. Mẹ tôi đang ngồi bên khung cửi chỉ tôi cách dệt vải, con tơ chạy qua chạy lại lách cách lách cách. Em trai tôi vừa tìm được con nhện nhà to tướng, nó thả ngay vào bếp lửa, lửa bén nướng nhện chín thơm lừng, cho vào miệng cắn rộp rộp béo ngầy ngậy.

Bất chợt, hình ảnh mọi người biến mất, tôi ngã xuống đất, nhà sàn rực cháy. Tôi đứng một mình chứng kiến ngôi nhà sàn bị lửa thiêu rụi, tôi bất lực gào khóc. Nước từ trời cao dội xuống, một tấm vải trôi theo, tôi ngước mắt nhìn lên, bố, mẹ và em trai nhìn tôi đầy khích lệ. Tôi nhìn xung quanh một lượt. Chỉ có xác Khum Lụm nằm chơ vơ trên đống máu. Tôi bình thản bước lên tấm vải, vải kéo rút tôi lên mường trời, bên dưới chỉ còn thấy những đám mây trắng bay lang thang.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/202

Văn nghệ, số 35+36/2023
Thanh Hóa từ văn hóa Đông Sơn đến khát vọng thịnh vượng

Thanh Hóa từ văn hóa Đông Sơn đến khát vọng thịnh vượng

Baovannghe.vn- Thanh Hóa đã trải qua các cuộc kháng chiến chống giặc phương Bắc trong đó có cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh, đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Lối tình của gã giang hồ chữ

Lối tình của gã giang hồ chữ

Baovannghe.vn - Anh "giang hồ" trên nhiều thể loại, từ báo chí đến văn chương, từ bút ký đến chân dung, đối thoại, từ truyện đến thơ, từ văn học thiếu nhi đến văn học cho người lớn… Đời giang hồ chữ nghĩa của Đào Đức Tuấn đã vắt qua hai thế kỷ, cái giang hồ đau đáu nhất là giang hồ thơ, cái “đạo” của thi sĩ nằm trên chính “đường”, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Bản tin Văn nghệ ngày 13/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 13/12/2024

Baovannghe,vn - Tổ chức triển lãm tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản; Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bài ca không quên” là sự kiện nổi bật
Hội thảo khoa học: Di sản văn hóa, văn nghệ Nguyễn Đình Thi

Hội thảo khoa học: Di sản văn hóa, văn nghệ Nguyễn Đình Thi

Baovannghe.vn - Hội thảo “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” do Thành ủy Hà Nội phối hợp với hội đồng LLPBVHNT TƯ, báo Nhân Dân tổ chức
Gái làng đồi - Thơ Tạ Thu Yên

Gái làng đồi - Thơ Tạ Thu Yên

Baovannghe.vn- Làng đồi lộng gió cùng nắng/ Nhuộm da gái làng thành nâu