Chuyên đề

Nắng trên hiên nhà. Truyện ngắn của Cao Nguyệt Nguyên

Cao Nguyệt Nguyên
Văn học thiếu nhi
11:16 | 07/10/2024
Baovannghe.vn - Đường xuống làng đi qua đầu hồi nhà ông Bẩy. Căn nhà lụp xụp, ngói đã mục nát thành từng mảnh nhỏ giắt trên mái nhà. Tôi buộc phải chú ý đến ông cụ chỉ vì trong vườn nhà ông có một cây khế ngọt vô cùng.
aa

Nhưng nó mọc sâu bên trong, nếu muốn vào đó phải nhảy qua bờ rào gai móc hùm dày đặc. Khế ngon lành mà lũ trẻ con chúng tôi chỉ biết đứng ngoài nuốt nước bọt. Trưa người ta thường chợp mắt đôi chút, duy chỉ có lũ trẻ con hư thân như tôi là không bao giờ muốn ngủ. Tôi đi thong dong qua đầu hồi nhà ông Bẩy và ngó nghiêng vào bên trong. Ai chẳng ngủ trưa, người già cũng phải như vậy. Tôi nghĩ thế và mon men đến ngõ nhà ông, cái ngõ được đậy bằng hai cành tre khô nẻ ra, tôi ngồi thụp xuống tìm một lỗ hổng đủ để thò cái đầu vào trong. Cửa nhà ông cụ đóng kín bưng, có lẽ ông đã đi đâu đó. Tôi mạnh dạn lật cành tre sang một bên rồi bước nhón gót chân qua sân vòng qua cái chum nước gần như cạn khô tới đáy rốn, lại còn có một bầy nòng nọc trong đó nữa. Tôi đi qua nhà bếp, cũng chẳng giống gì nhà bếp. Một bên mái đã tung rạ, bên trên rơi lả tả xuống nền đất để lộ một khoảng trời ngay trên đầu. Loáng cái, tôi đã đứng dưới gốc cây khế. Cây khế xanh mướt, thân thẳng đuột. Những chùm quả treo thõng ngay phía trên xen lẫn vài ba chùm hoa li ti màu tím.

Nắng trên hiên nhà. Truyện ngắn của Cao Nguyệt Nguyên
Cây khế xanh mướt, thân thẳng đuột. Những chùm quả treo thõng ngay phía trên xen lẫn vài ba chùm hoa li ti màu tím.

Tôi lắng tai nghe ngóng và cảm thấy yên tâm hơn, tôi tháo chiếc dép dưới chân và thực hiện những cú ném. Khế rụng lộp độp lịch phịch. Tôi ngồi bệt xuống gốc ăn uống thoả thuê và nhét đầy hai túi áo rồi mới nhặt dép xỏ vào chân định đi về.

- Liều nhỉ?

Tôi giật thót mình quay sang bên phải, một ông cụ lưng còng với cái đầu trọc và bộ râu trắng như cước. Hẳn ông đứng ở mép tường và chắc đã quan sát tôi rất lâu. Ông ta cáu kỉnh chống cái gậy về phía tôi. Tôi định chạy thật nhanh để thoát khỏi khu vườn nhưng khế nặng quá, câu chặt lấy hai túi quần.

- Mày mà chạy thì tao quăng cho một cái mẻ trán.

Tôi đứng trân trân ở đấy, tại tôi nhát gan quá. Từ trước đến giờ toàn vậy, chỉ cần ai doạ nạt là tôi sợ run người lên. Ông ta từ từ đi lại, tiếng thở nặng nề phát ra thành từng tiếng một.

- Mày là con cái nhà ai?

Tôi im lặng.

Bàn tay lấm chấm những vệt đồi mồi màu đen run rẩy cầm cây gậy gạt gạt những chiếc lá trên đất.

- Cháu xin vài quả khế.

- Xin hay phá hoại?

- Dạ xin.

- Thế cái gì đây?

- Cháu không trèo được.

- Đi. Về nhà bố mẹ mày.

Tôi chực khóc.

- Mày không biết tao sống vào những quả khế này à? Người lạ độc tay vặt vào làm sao nó ra quả được nữa. Mới lại, mày dùng dép mà ném như thế, quả chín rụng đã đành, quả xanh quả non cũng rụng bằng hết.

- Ông đừng mách mẹ cháu. Cháu lại bị đánh.

- Thế thì phải làm sao?

- Cháu giúp ông xách nước.

- Nước nào?

- Nước ở chum nhà ông chẳng cạn hết rồi còn gì? Cháu sẽ xách nước cho.

Ông ta im lặng suy nghĩ một lúc, rút trong túi ra một cái tăm, xỉa xỉa.

- Mày xách được không?

- Được.

- Xô bé ở trong cửa bếp đấy, xách hai xô thôi.

Ông ta chống gậy đi theo tôi, có lẽ ông ta sợ tôi chôm luôn mất cái xô. Tôi lon ton chạy thật nhanh đi trước, ông chống gậy bước từng bước chậm chạp theo sau. Dáng còng còng yếu ớt.

- Hẵng hượm đã. Đồ quỷ sứ.

Tôi lội xuống vũng nước trên khe núi, nước thượng nguồn chảy ít hơn những mùa khác nhưng vẫn trong và mát lạnh. Tôi đưa tay bụm lấy nước vào xô. Rất lâu, thực sự là rất lâu, tay tôi mỏi rã rời.

- Lấy cái này này.

Ông Bẩy vứt xuống cho tôi một cái bát nhựa đã cũ và bị gặm lam nham quanh miệng.

- Sao bát kì vậy?

- Con chó nhà nào nó tha đến vườn gặm, vẫn dùng được.

Tôi xách nước về nhà ông ta rồi lấy hết sức đổ vào cái chum có cái miệng bé kin kin, mặc kệ lũ nòng nọc tha hồ tung tăng bơi lội ở đấy. Biết đến bao giờ mới đầy cho được cái bụng kia chứ. Được hai xô thì tôi đã thở ra đằng tai, tim đập thình thịch, nhân lúc ông cụ chưa kịp về tới nhà tôi ngồi phệt xuống mé sân. Từ ngoài ngõ đã thấy ông ta cười mỏm mẻm.

- Mệt không?

- Không.

Tôi vội vàng đứng dậy định xách xô chạy đi tiếp

- Thôi. Hai xô là đủ rồi.

- Sao lại thế?

- Đồ quỷ sứ, còn thích xách nữa à?

- Nhưng ông có mách bố mẹ cháu không?

- Không. Vào đây.

Ông ta gọi tôi vào trong nhà, hai cánh cửa mở ra ánh sáng bên ngoài chiếu rọi vào bên trong. Chiếc bàn bằng gỗ cao hơn đầu tôi một chút trên đó có một bát hương dày đặc nhang, cây cao cây thấp xoè um ra xung quanh, một lọ hoa chẳng có hoa và một đĩa khế. Ông cụ chống gậy đến bên chiếc giường tre đã ọp ẹp rồi khó khăn lắm mới cúi xuống được, ông lấy trong gầm giường ra một giỏ mây bên trong toàn những quả khế to và bắt đầu ngả màu vàng ruộm. Ông cụ cầm lấy hai quả bên trên rồi đưa cho tôi.

- Cho cháu á?

Ông Bẩy gật đầu. Tôi cầm lấy đưa một quả lên miệng cắn vị ngọt dịu dịu chảy vào trong cổ họng. Những múi khế mọng căng chuẩn bị chín.

- Chỗ đấy làm gì vậy ông?

- Tẹo nữa đi bán.

- Nhiều tiền lắm ông nhỉ?

- Nhiều gì, hai trăm một quả chỉ đủ mua rau thôi.

- Thế ông không ăn cơm à?

- Có chứ, không ăn thì sống làm sao?

- Thế ông vẫn đi cấy à?

- Linh tinh, tao có mà cấy vào nồi cơm. Các chú các cô cho.

- Thế à?

- Mày mấy tuổi?

- Mười một.

Ông cụ đưa tay lên cào cào vào mớ râu bạc phơ tỏ ý thích thú lắm. Ông nhoẻn miệng cười một chút rồi ánh mắt chợt buồn thiu, thật khó hiểu vô cùng. Hình như ông cụ không còn minh mẫn cho lắm, vừa hỏi tôi thế mà một lúc sau đã hỏi lại.

- Mày bao nhiêu tuổi?

- Cháu vừa bảo mười một mà.

- À...

Ông Bẩy đưa tay lên vuốt vuốt túm tóc của tôi nhưng tôi không thích tôi né sang một bên.

- Cũng bằng thằng cu Nhít đấy nhỉ?

Mắt ông nhìn ra ngoài phía cây mít cao vọt lên trên mấy bụi chuối.

- Thằng cu Nhít là thằng nào?

- Thằng cháu tao. Lâu lắm nó chẳng đến. Chắc con mẹ nó cấm.

- Sao lại cấm?

- Mày hỏi làm gì? Trẻ con không được tò mò chuyện người lớn.

Nói thế thôi nhưng chỉ vài phút sau ông đã kể hết cho tôi nghe mặc dù tôi cũng chẳng thích nghe mấy. Trong lúc ông đang kể thì tôi còn mải nhìn mấy giậu cây hoa tim tím treo bên cây hồng, một bên giậu nứt toác những chùm rễ đâm ra trắng toát.

- Nó sợ thằng Nhít đến bị tao xui về nhà lấy hết gạo. Khốn nạn, một nách năm đứa con chẳng để chúng đói bữa nào thế mà giờ... Bà nó sướng hơn tao rồi, xuống đấy chắc yên thân chẳng phải sống khổ như tao. Chỉ dăm ba ngày nữa tao cũng xuống đấy cùng, mình làm mình ăn không phiền đứa nào hết - Đang nói với tôi, ông lại ngoảnh lên bàn thờ, nói với ai không biết - Đấy bà xem, dạo này chúng còn không đem gạo đến, đã hai ngày rồi.

Nói rồi ông thở dài, tiếng thở nặng trịch. Bỗng chợt ông đưa tay lên ôm ngực rồi ho sụ sụ. Bờ vai gầy gò rung lên từng đợt.

- Không biết mấy giờ rồi? Mày chạy ra ngoài ngõ xem người ta đi chợ chưa?

Tôi ra ngoài ngõ đợi một lúc lâu mãi mới thấy có một bà gánh hai thúng rau đi như chạy xuống dưới con dốc.

- Có một bà gánh rau đang chạy ông ợ.

- Thôi chết, chắc lại muộn chợ rồi.

Ông Bẩy đóng cửa lại chốt chiếc chìa khoá lay lại lần nữa cho chắc chắn rồi xách giỏ khế cố bước cho nhanh.

- Mày đi về đi. Hôm nào thích ăn khế thì xuống đây, đứng bên ngoài gọi tao ra tao mở cửa cho. Mà lúc nãy mày chui vào đường nào?

Chưa kịp trả lời ông cụ đã xách giỏ khế đi được một đoạn, hai bàn chân chỉ bước khoằm vào nhau trên con đường hơi dốc. Miệng lẩm bẩm điều gì đó không thể nghe thấy. Tôi nhìn mãi cho đến lúc bóng ông Bẩy chỉ còn mờ mờ bé con con dưới chân dốc rồi mới lững thững trở về nhà.

Đã có chỗ chơi mới, tôi không cần lang thang mỗi khi trốn học. Thay vì buổi nào cũng bị mẹ giám sát dẫn đến tận cổng trường thì tôi đề nghị mẹ không cần dẫn nữa tôi đã nhớ đường và chẳng đứa nào bắt nạt nổi. Mẹ tôi chưa kịp nói gì thì anh tôi đã hỏi tôi một cách đầy nghi ngờ khiến cho tôi hơi run.

- Mày không định trốn đi chơi đấy chứ?

- Không, tui thích đi học hơn ở nhà. Tui không bỏ học đâu.

- Ai biết được mày có bỏ hay không? Những đứa hư như mày thường nói dối rất tài.

Tôi cần giải thích lôi thôi, cứ để anh tôi dẫn tôi đi học dù sao cũng chẳng cấm nổi tôi. Buổi đầu tiên anh tôi theo dõi tôi bằng cách nép sau tường trường học. Cũng giống như mọi khi vừa ngồi trong lớp một chút tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ học. Đứa con gái ngồi cạnh tôi bụm miệng cười một cách khó hiểu.

- Mày cười gì?

- Mày có cả vệ sĩ dẫn đi học cơ à? Oách nhỉ.

- Mày nói láo, chẳng có vệ sĩ nào cả.

- Anh mày còn đang đứng ngoài cổng trường đấy thôi. Lúc tao đi mua kem vẫn thấy đứng đấy.

Thế là tôi biết tỏng anh tôi đang rình mò tôi, chỉ đợi đến lúc tôi thò đầu ra khỏi cổng là bị tóm. Cứ để anh ta chờ cho chán thì thôi. Tôi ngoan ngoãn ngồi hết buổi học với tâm trạng của một tù binh bị tra tấn. Những quyển tập toán nhoèn nhoẹt mực, khi tôi đễnh một chút là bị bắn tung vào áo lúc nào không biết chừng. Bài chấm điểm nào kết thúc tôi cũng bị đánh đến sưng cả tay. Dù có đánh đến giập ra cũng chẳng khá hơn được vì theo mẹ nói thì tôi chẳng có cái hoa tay nào cả. Phải có hoa tay thì mới viết chữ đẹp được. Sao cô giáo không kiểm tra hoa tay trước khi kiểm tra quyển vở tập viết nhỉ, thật là kì cục không thể nào chịu được. Tôi nghĩ như thế và càng bị ức chế nhiều hơn mỗi khi bị đánh. Hai ngày đủ để anh No tin tưởng tôi, anh không dẫn tôi đi học nữa mà thay vào đó là những lời đe nẹt đáng sợ.

- Mày cứ liệu hồn, tao mà bắt được mày trốn học đi đâu thì mày chết.

Tôi chẳng đi loăng quăng nữa, hôm nào bỏ học là tôi lại đến nhà ông cụ Bẩy. Tôi đứng đầu ngõ gọi "Ông Bẩy ơi! Cháu đến ăn khế." Ông đang ngồi phơi nắng trên hiên nhà, phải chống tay vào gối lấy đà mấy cái mới đứng dậy được.

- Mày lại đến à?

Rõ ràng ông ấy bảo mình bao giờ thèm khế thì đến mà giờ lại nói là "Lại đến à?" thật không thể hiểu nổi ông cụ này nữa.

- Vâng.

Mặt tôi xị xuống buồn thiu.

- Vào đi. Đồ quỷ sứ.

Ông Bẩy lật tấm rào tre lên một chút đủ để tôi chui vào rồi lại đậy vào như cũ.

- Mày có cái gì đấy?

Ông ta bắt đầu để ý đến cái túi của tôi, chắc vì nó to quá. Tôi đang lưỡng lự không biết trả lời ra sao thì ông cụ đã tiếp.

- Đem đi đựng khế à? Mày đúng là một con quỷ tham lam, nhưng thôi. Tao vẫn thích những đứa trẻ tham ăn. Dạo này cũng chẳng ai mua khế mấy nữa. Họ ăn mãi chán rồi.

- Ngon thế mà cũng chán á?

- Tao thấy mỗi mày là đứa ăn khế không biết chán đấy.

Tôi cười hì hì:

- Không phải đâu, túi sách của cháu đấy.

Ông cụ cười rồi đưa tay sờ vào cái túi của tôi nhấc nhấc lên.

- Người thì bé mà cặp to thế? Sao mày không đi học à?

Tôi ngồi xuống thềm cửa bằng đất thở dài như người lớn.

- Cháu bỏ học đấy.

- Chết. Sao mày lại dám bỏ học hử?

Ông cụ lấy ngón tay khảo nhẹ vào đầu tôi.

- Ông có hiểu gì đâu, đi học toàn bị đánh thôi.

- Đánh thế nào?

- Viết không đẹp cũng bị đánh, làm bài tập tô xấu cũng bị đánh. Cháu chẳng cần đi học nữa.

- Trẻ con lớp hai, lớp ba thì thường vậy, lớn lên sẽ chăm học hơn. Đâu, bài tập của mày đâu cho tao xem một tí.

Tôi bỏ tất cả những cuốn sách có trong túi ra trải dưới thềm.

- Đây là quyển sách giáo khoa, đây là tập tô, đây là hát nhạc.

Ông Bẩy lấy tay vuốt vuốt vào tất cả những tấm bìa đó rồi trầm trồ khen đẹp.

- Sách đẹp quá. Tốt quá. Thế chữ này đọc là chữ gì?

- Đây là ơ... hỏi... ở.

Tôi lật thật nhanh sang những trang khác rồi hỏi

- Thế ông biết chữ này chữ gì không?

- Làm sao mà tao biết được.

Ông Bẩy nheo mắt nhìn chăm chú vào cái chữ to tròn như hạt đậu xanh.

- Đây là ơ. Vừa mới đọc xong mà... ông dốt quá thế này thì bị cô giáo đánh gẫy tay mất thôi.

Tôi chẹp lưỡi chiếu cố cho ông cụ

- Giờ ông nghe cháu giảng nhé. Đây, chữ này là chữ ơ nó có cái râu trên đầu. Thêm cái lưỡi câu treo lủng lẳng xuống bên dưới thì đọc là ở. Đấy ông đọc đi.

- Ơ hỏi ở.

- Đúng rồi. Giống như sợi râu của ông đấy. Còn chữ này đọc là o nó giống như quả trứng gà. Mà ông nhìn thấy quả trứng gà chưa?

- Rồi chứ lại không.

- Thế đọc là gì?

- Là O.

- Ông cũng giỏi đấy, nhưng mà đi học vẫn thua cái Róm lớp cháu. Nó học nhanh lắm.

Ông cụ lật lật từng trang rồi gí sát mắt để ngắm cho rõ những hình ảnh trong đó.

- Đi học tốt thật.

Bỗng dưng tôi nghe thấy những tiếng kêu lạ, tôi lặng tai nghe.

- Ông ơi tiếng gì đấy?

- Có tiếng gì đâu?

- Có nó cứ ùng ục từ nãy tới giờ.

Những âm thanh đó phát ra từ trong bụng ông cụ, chẳng biết là cái gì nữa.

- Sao bụng ông kêu khiếp thế. Bụng cháu chỉ kêu khi bị đói lả thôi. Ông bị đói à?

Ông Bẩy lại rút cái tăm giắt ở mang tai ra xỉa xỉa răng. Tôi chưa thấy cái tăm nào vừa dài vừa to như thế, lúc nào ông cũng giắt ở mang tai, chắc đã dùng lâu lắm, khiến nó vàng như gác bếp vậy.

- Không. Mấy con giun hư đốn đang chạy nhảy lung tung đấy. Tao vừa ăn no mà.

Ông cụ lại ho khụ khụ giống như mọi hôm nhưng hôm nay có vẻ cơn ho kéo dài hơn.

- Đừng có bỏ học nữa nhá.

- Kệ. Cháu chẳng thích đi học tẹo nào.

- Phải đi học thì mới tốt lên được. Sau này về làm cô giáo. Mày làm cô giáo được đấy.

- Thế cơ á. Nhưng cháu chẳng đánh học sinh đâu.

- Ừ.

Tôi mạnh dạn hơn so với những lần trước, tôi đảo quanh nhà và mở tung những cái nồi trong bếp. Có một nồi cá đã mốc rêu lên, nồi cơm chỉ còn vài hạt khô cong bám chặt vào mép nồi. Một siêu nước vối đặc sịt vẫn đang bắc trên bếp còn âm ấm.

- Hôm nay ông ăn gì?

- Ăn cơm.

- Ăn cơm với cái gì?

- Với cá.

- Sao nó mốc meo thế này?

- Mốc đâu mà mốc.

- Rõ ràng là mốc hết rồi, mốc sụn cả lên thế mà ông vẫn bảo là chưa mốc.

- Đồ quỷ con. Mày định bốc bải đúng không?

- Cháu ăn cơm rồi, hôm nay nhà cháu ăn cơm độn khoai lang ngon lắm.

-Thế cơ à?

- Vâng. Có bữa còn được ăn cơm với thịt ngan nữa.

- Nhà mày ăn sang nhỉ?

- Con ngan ấy bị lợn cắn chết. Lâu lâu lắm mới được ăn một bữa ra trò như thế. Nhưng phải chia ra ăn dè hẳn hai ngày, bốn bữa.

Tôi càng kể càng cảm thấy thèm thuồng, ngạc nhiên là cả ông cũng nuốt nước bọt theo. Trong khi ông cụ vẫn lật giở tất cả các trang sách thì tôi vào trong nhà, một con chanh chách bám trên mái thỉnh thoảng lại chép miệng "Chách...chạch ...chạch...chạch..." Tôi giậm chân một cái nó biến mất ngay vào trong mái ngói cùng với tiếng kêu của nó.

- Ông có cái chổi đẹp nhẩy?

Chiếc chổi được tết bằng lông gà đã cùn sát chỉ còn trơ lại phần gốc nhưng với tôi nó đẹp và quý.

- Đừng có nghịch vào nhá.

- Để làm gì đây?

- Để quét dọn nhang khói cho bà.

Ra thế. Tôi ngồi xổm xuống đất rồi nhìn vào xó tường tối om. Một cái vại sành bé tí úp chặt. Tôi lật nắp lên và nhìn thấy những hạt gạo cuối cùng còn sót lại.

- Sao ông còn ít gạo quá vậy?

- Lại mò móc linh tinh... mau ra ngoài đây.

- Vậy là bụng ông đói thật mà ông cứ giả vờ.

- Đây, đi về.

Ông cụ bất chợt trở nên cáu kỉnh, đôi mắt giận dữ nhìn tôi. Có lẽ ông không thích những đứa trẻ quá nghịch ngợm và tự tiện. Tôi xách chiếc túi sách lang thang một vài nơi rồi mới về nhà khi vừa kịp bữa.

Hôm nay mẹ khoán cơm, bé một bát rưỡi lớn hai bát, vì bụng trẻ con thường nhanh no hơn. Tôi đổi phần cháy với mẹ nhưng bà không chịu, bà nói rằng trẻ con không được ăn cháy cứng sẽ đau bụng. Nhưng khi ăn hết phần cơm của mình mẹ vẫn bẻ cho tôi một miếng cháy nhỏ bằng nửa bàn tay.

- Mẹ. Con đi chơi một tí.

- Ở nhà ăn hết rồi hãy đi không chúng nó giật mất đấy.

- Con ăn ngay bây giờ đây.

Tôi giả vờ đưa miếng cháy lên miệng rồi nhai nhai một miếng. Chẳng hiểu vì sao nữa nhưng tôi muốn để phần chỗ cháy đó cho ông cụ Bảy. Tôi đứng gọi khàn cả tiếng bên ngoài cho đến khi miếng cháy trên tay đã nguội ngắt tôi mới nhìn thấy dáng lưng còng đi từ phía làng về, mấy hôm nay nhìn ông gầy hơn nhiều và ốm hơn. Ông nhìn thấy tôi nhưng không nói gì, cái miệng bợt ra một chút, chòm râu xơ xác.

- Ông để cháu chờ lâu quá.

- Tối rồi không về còn ở đây?

- Cháu để phần ông.

Tôi đưa miếng cháy lên khoe. Ông không nói gì mà lẳng lặng nhìn miếng cháy. Một dòng nước mắt ít ỏi rỉ ra trên đôi mắt đã đục ngàu.

- Ông ăn đi, tại đợi lâu quá nó hết nóng rồi.

Ông Bảy cầm lấy miếng cháy khô cong trên tay tôi rồi vuốt mái tóc bết bẩn của tôi.

- Ngoan lắm!

Tôi trở về nhà trời đã tối chẫm, lạnh như hôm qua nhưng tôi thấy lòng mình ấm ấm vui vui. Và giấc mơ đến không mộng mị âu lo.

Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy trong những tiếng khóc hờ, tiếng gọi hồn vang khắp xóm. Cả nhà tôi lặng hẳn đi, ngoài trời lạnh như cắt da thịt. Người ta trèo lên một cây cao nhất làng rồi gọi "Ba hồn chín vía ông Trịnh Văn Bẩy ở đâu thì về với con với cháu." Tim tôi thắt lại, mới tối qua tôi còn nói chuyện với ông cơ mà. Chuyện gì đã xảy ra? Người ta bảo ông bị trúng gió. Người ta gọi con cái ông cụ đến, năm đứa con châu đầu bên giường bố khóc thảm thiết. Cái âu gạo rỗng không bị lật nghiêng cạnh giường, chẳng ai để ý.

Chiều hôm đó người ta đưa ông ra đồng, tiếng kèn đám ma não nề. Tôi đi phía sau đám ma như những đứa trẻ khác trong làng chạy đi xem đám nhưng lòng buồn se sắt. Có phải ông cảm lạnh hay ông đã chết vì đói? Mộ ông tròn tròn nằm lẻ loi trên một thửa ruộng bỏ hoang bên trên những cây hoa bờm bợp nở tung xoè. Nước mắt tôi tự dưng rớm rớm ra mỗi khi đi ngang qua ngõ nhà ông. Tôi thấy nhớ ông quá, lại ước được nhìn thấy ông ngồi phơi nắng trên hiên nhà. Rồi ông sẽ bảo: Vào mà lấy khế, đồ quỷ sứ. Nhưng người ta cũng đã sớm chặt cây khế đó đi chỉ sau khi ông chết chưa kịp xanh cỏ.

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Mầm sống. Truyện ngắn của Viên Lan Anh Cây kén người tri kỷ. Truyện ngắn của Lã Thanh Tùng Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương Ra giêng lập nghiệp. Truyện ngắn dự thi của Trần Nguyên Mỹ Lặng lẽ rừng mai. Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy
Hậu bão Yagi: Hãy ứng xử với thiên nhiên phù hợp

Hậu bão Yagi: Hãy ứng xử với thiên nhiên phù hợp

Baovannghe.vn - Nước Việt Nam ở vào khu vực thời tiết nhiệt đới gió mùa, đã thế lại có vị trí địa lý “mặt tiền”: nằm trải dài đến hơn ba ngàn ki lô mét dọc theo chiều Bắc - Nam bên bờ Thái Bình Dương, một đại dương vốn nổi tiếng nhiều bão tố. Bởi thế như một hệ quả tất yếu, hằng năm nước ta thường phải hứng chịu khá nhiều cơn bão từ biển đổ bộ vào đất liền. Và bão dĩ nhiên là kèm theo mưa, nên lũ lụt là câu chuyện cũng thường tình với những người sống trên đất này, từ nhiều đời rồi.
Khai mạc phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Khai mạc phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Baovannghe.vn - Sáng 7/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 38. Phiên họp diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 7-10 đến ngày 10-10 và ngày 14-10-2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ với các địa phương

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ với các địa phương

Baovannghe.vn - Sáng 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương.
Cánh đồng - Thơ Hồ Minh Thông

Cánh đồng - Thơ Hồ Minh Thông

Baovannghe.vn- Em chân trần chạy giữa đồng ruộng tháng năm/ da thịt cọ vào gốc rạ mềm/ trên cánh đồng sau cơn sinh nở/ vài nhánh mạ non tái sinh
Rước cha - Thơ Nguyễn Ngọc Quế

Rước cha - Thơ Nguyễn Ngọc Quế

Baovannghe.vn- Cha ơi xin nguyện lời cha/ Rước cha về với quê nhà bến sông/ Nhờ làng một rẻo đất cồn/ Nắng mềm như lụa, xanh rờn cỏ phơi