Sáng tác

Ra giêng lập nghiệp. Truyện ngắn dự thi của Trần Nguyên Mỹ

Trần Nguyên Mỹ
Truyện
11:00 | 06/10/2024
Baovannghe.vn - Con út Thào Pê là tôi. Ba anh tôi đều túc trực trên giường, nhưng chỉ có tôi được gọi tên. Ông vẫn thương yêu tôi nhất. Tôi nghe bố nói, sởn gai ốc
aa

Đêm cuối năm trăng sáng đến rợn người. Gió than thở trên đồi chè và lê từng cơn qua suối Lượn. Dưới sàn, con bò đực như điềm gở, ngửa cổ kêu khàn khạt như người ốm hắt hơi. Trên nhà, bố tôi gầy như cây khô chỉ còn lõi, nửa nằm nửa ngồi trên giường thở hắt từng chặp. Bệnh hen suyễn mãn tính theo ông mấy chục năm, giờ đến phút lâm chung. Bố ngóc đầu chỉ cái vòng bạc trên cổ phều phào:

- Cởi vòng bạc... trên cổ bố đi... con út Thào Pê.

Ra giêng lập nghiệp. Truyện ngắn dự thi của Trần Nguyên Mỹ
Minh hoạ Đặng Tiến

Con út Thào Pê là tôi. Ba anh tôi đều túc trực trên giường, nhưng chỉ có tôi được gọi tên. Ông vẫn thương yêu tôi nhất. Tôi nghe bố nói, sởn gai ốc. Chắc phút cổng trời mở cửa đón bố rồi chăng. Tôi đành vâng lời, run rẩy cởi nút vòng bạc của bố xuống. Cái vòng bạc vốn sáng choang trên cổ người, nay xám xịt và bắt lạnh như hồn ma. Tôi đưa vòng bạc cho bố chờ đợi:

- Đưa... dao mèo... ra đây - Bố phều phào.

Tôi lại run rẩy, với con dao mèo trên vách xuống. Khóe mắt bố ứa ra vài giọt lệ đặc và vàng như cốt chè. Ông ráng sức tay cầm dao, tay cầm vòng, kê thành giường, cưa đi cứa lại nhiều lần. Chiếc vòng bạc cứa làm ba và nham nhở. Bố đưa cho ba anh em mỗi người một miếng, trăng trối:

- Các con à. Đây là gia bảo của nhà ta… Các con giữ lấy mảnh bạc mà làm tin… Chết đói cũng không được bán.

Nghỉ một lát, bố tiếp:

- Còn ngôi nhà sàn, đồi chè và suối Lượn nhà ta chẳng có giá gì. Nhưng là đất hương hỏa tổ tông, cố mà giữ lấy.

Bố tôi lên cơn ho dài, thổ ra một ít máu lẫn đờm dãi. Rồi lìa đời.

Ba anh em tôi gạt nước mắt lo xong hậu sự cho bố, tính đến phận đời mình. Bố mẹ đã theo rừng ma. Ba thằng chưa vợ con, lưng vốn chút đỉnh, coi như tay trắng. Bất chợt cả ba đều nắn vào túi quần mình, đầu mảnh bạc nham nhở còn nguyên đấy. Dù phiên phiến mảnh bạc của mỗi người khá bằng nhau. Xưa vòng bạc này nặng ba lạng, quy tiền bằng ba triệu đồng. Vậy là bố tôi ăn đều chia sòng, mỗi thằng được một triệu làm vốn. Nhưng bố dặn giữ làm tin, để phòng thân không bán. Giờ sống sót tính sao đây.

***

Hồi còn sống, bố đặt tên con theo thứ tự, theo tiếng H’Mông. Anh đầu là Thào I. Anh hai là Thào O. Còn tôi con út là Thào Pê. Nguyên vòng bạc bố vừa cứa ra là của hồi môn của mẹ. Nó là vật kỉ niệm ngày bà lấy chồng, cái vòng bạc vừa là trang sức vừa giữ gió máy ma tà. Nhà ba con trai, biết âm dương không cân, mẹ cố đẻ bằng được một tí gái nhưng không thành. Mẹ tôi chết trên giường vượt cạn, mang theo đứa em gái út đỏ hon hỏn đi vào lòng đất.

Trước khi trút hơi thở cuối, mẹ đã đeo vào cổ cho bố cái vòng bạc. Để bố quen hơi ấm của bà giữ sức nuôi ba con thơ. Có thể vì nghĩa cử thiêng liêng của bà mà bố tôi ở vậy nuôi ba thằng con trai đến tuổi trưởng thành và giữ vòng bạc đến giờ chót.

Bản Chiềng Ma của tôi có hơn chục nóc nhà. Vùng này đầm lầy, vì núi chắn bốn bề, mùa mưa nước không thoát được. Mặt nước ngập ngụa, suối khe đè lên nhau. Cả năm dài thì có sáu tháng đi bằng thuyền đuôi én, bè nứa bè chuối bè tre. Bản Ma của tôi, cái tên xấu xí nhất vùng là bản chó. Chẳng là tiếng Thái “ma” nghĩa là con chó còn gì. Tích xưa kể lại, hiệp thợ săn dẫn chó đi vào vùng trũng này. Về nhà thiếu con chó đen đầu đàn. Mọi người lo lắng, chợt đến chiều chó lạc đâu về. Chó đen đổi màu thành chó trắng. Lông con chó đen dính đầy cá nhỏ màu lấp lánh. Mõm nó ngoạm một con cá vảy trắng còn tươi rói. Hiệp thợ thất kinh, theo nó lại vào rừng. Đến vùng ngập, ngó xuống suối thấy cá nhiều hơn lá rừng. Ngước lên cao rừng chè rợp bóng. Hiệp thợ săn vội reo: “Bản Ma, bản Ma đây.” Lâu dần dân bản dựng nhà lập bản mới, cũng gọi theo là “bản Ma” theo hiệp thợ săn đặt cho. Nhưng bản Ma nghe xấu xí, người ta đổi thành bản Ban. Nghe đẹp thơm như hoa ban, hoa mạ. Bản mới, nhà nào cũng chiếm trọn một vài quả đồi như pháo đài. Bao phủ màu xanh của rừng chè và xung quanh mặt nước long lanh, không biết bao nhiêu là suối khe, là hồ ao lao xao cá quẫy. Nhà tôi nằm cuối bản Ban, cũng lọt thỏm giữa đồi chè xanh và dòng suối Lượn quanh đồi. Ông mo bản nói là đất phát, tụ thủy. Chẳng thấy phát lộc lá gì, chỉ thấy giao thông rất bí. Còn sống, bố tôi phải khoét gỗ làm thuyền đuôi én để gia đình đi qua.

Bản Ban nghèo, nhà tôi lại nghèo như con dẹp. Có câu quê hương là chùm khế chua, ai chưa đi khỏi quê hương thì khó thành giàu. Nên đám choai choai vừa mở mắt đều đi làm ăn xa. Điểm lại những người số má thì đúng vậy. Thằng Hổ, bị viêm xoang từ nhỏ, nói chuyện với ai thở phì phì như rắn hổ mang. Người ta gọi nó là “Hổ mang chúa”. Hổ mang chúa văn hóa lẹt phẹt, đi làm thợ hồ ở thủ đô. Ba năm sau về bản, nó khoe là chủ thầu. Lúc nào rủng rỉnh tiền bạc, nó lấy được vợ Kinh đẹp như người mẫu. Lại thằng Khi thò lò mũi xanh, đi đứng nhảy nhót lanh như khỉ. Người ta gắn cho biệt danh “Khỉ non”. Đùng một cái, Khỉ non được gia đình bán đàn bò cho đi xuất khẩu Hàn Quốc. Ngày về nhuộm tóc đỏ như chim chào mào. Khỉ non đi xe Kia mới, tậu biệt thự khủng ở thị trấn. Còn em Cò, gầy nhẳng như cò hương. Ra thị xã mở hiệu mát xa chỉ vài năm. Lúc về em “Cò hương” mông to vú nở mặt thon lá trầu. Em bỏ váy mặc quần bò thủng gối, đi giày cao gót, nói toàn tiếng Kinh. Em Kinh hóa toàn thân từ ngoại hình đến nụ cười mời mọc.

Xem người lại ngẫm đến ta. Anh em tôi trứng ngan trứng ngỗng, nghĩa là tuổi sàn sạt như nhau. Đều tuổi mười sáu đến mười chín. Các cụ nói bố mẹ sinh con trời sinh tính. Ba anh em mỗi thằng một nết. Anh Thào I ăn to nói lớn tính tình quyết liệt nói là làm ngay, khéo tay chân việc gì cũng thạo. Giỏi nhất nghề mộc nghề nề. Anh Thào O thì mê bơi lội. Hết việc là Thào O lặn ngụp dưới suối như con rái cá. Còn tôi kém cỏi nhỏ con, chẳng giỏi việc gì. Ngày đêm chỉ biết làm nương rẫy. Nhưng tôi có tài lẻ là trí nhớ không tồi. Nghe thầy mo cúng ma, bài dài thâu đêm, tôi nhập tâm gần hết. Lại hay khèn, hay múa hát, tôi phụ trách đội xòe bản Ban. Các anh đều cười chê tôi nửa công nửa gà…

Cái khó ló cái khôn, may các anh em tôi đều chịu làm chịu ăn. Người xưa nói, đủ dăm năm thì “nghé vực cày, ngựa tập cưỡi”, cả ba người đủ lông đủ cánh đủ khôn vùng vẫy trời xa.

***

Hôm mổ con bò đực làm ma rước hồn bố về nhà xong, anh cả Thào I bảo:

- Các cụ nói cha chết là hết, hang nào hợp dơi ấy, nay mỗi thằng một phận kiếm cái nghề mà nuôi thân. Dăm bữa nữa anh về thủ đô làm thợ xây. Còn các chú tính sao?

Anh Thào O thủng thẳng nói:

- Đúng mà, phải kiếm miếng cơm, giờ ở nhà ai nuôi. Em cũng theo bạn ra Quỳnh Nhai chở thuyền thuê cho khách du lịch.

Tôi nghĩ các anh cũng khéo chọn nghề. Nghề chọn người, chứ không phải người chọn nghề. Anh Thào I vốn khéo chân khéo tay. Từ nhà dột đến cầu thang xiêu bố đều giao Thào I làm cả, mà ưng lắm. Còn anh Thào O, là như con rái cá. Dòng suối, hồ ao anh bơi lội nhanh hơn leo đèo...

Chờ tôi lâu, anh Thào I nhướng mắt hỏi:

- Còn chú út Thào Pê thế nào?

Tôi buồn rầu đáp:

- Gà nhỏ ăn quanh bu, em chỉ biết làm đồi chè quanh suối Lượn nhà thôi.

Hai anh nhìn nhau gật đầu. Các anh vẫn coi tôi là dạng nửa công nửa gà chẳng làm ăn nên nổi gì đâu. Ở quê trông giữ đồi chè và con suối Lượn để các anh làm chỗ đi về.

Sau bữa rượu, hai anh tôi khăn gói quả mướp lên đường.

Nhà càng vắng teo. Tôi lấy mũi dao khắc trên cột thờ dòng chữ to: Ngày rằm tháng giêng năm Tân Sửu.

Các anh đi rồi. Tôi đành dựa vào sức mình mà bươn chải. Tôi chăm chỉ lần mần như ở rể. Từ đầu mai đến ngọ, tôi chăm sóc đồi chè. Giống chè tự nhiên không biết mọc từ bao giờ. Khi tôi lớn lên đã thấy chè rừng to như cột nhà sàn, sần sùi như da voi. Thổ nhưỡng hợp chè rừng, lộc lá phun nhanh hơn cây bên suối.

Đồi chè nhà tôi cây nào cũng cao vút, nụ chè một tôm hai lá ngậm sương như ngậm ngọc. Tôi thả sức hái nụ chè mà không xuể. Buổi sáng tôi leo trèo như khỉ mà thu được vài cây một cây, đã rời rã chân tay. Chè rừng nhà tôi, hái đến đâu bán hết cho khách vãng lai đến đấy.

Nửa ngày còn lại, tôi khai thông dòng suối Lượn, cạy đá, phát quang bờ bụi. Lại sửa sang hai chiếc thuyền đuôi én do bố tôi làm từ trước để đi lại. Con suối Lượn vòng quanh nhà tôi dài gần mười cây số trở thành con đường độc đạo cho tôi và dân bản lại qua.

***

Dạo này thanh niên xuôi rủ nhau đi “phượt” trải nghiệm vùng cao như đi hội. Gọi là vùng cao nhưng bản Ban là vùng trũng suối, khe đè lên nhau, dân “phượt” vô cùng khoái chí. Từng tốp thuê thuyền đuôi én luồn lách đồi chè rợp bóng. Mỏi tay chèo, họ leo đồi ngắm nghía trời đất núi non hương đất hương chè. Khách toàn người kẹp đôi lưng ba lô, cưỡi xe máy to tổ bố. Họ mang theo chăn màn nước uống đồ ăn, cắm trại vui chơi. Nhiều tốp mắc võng bên bờ suối, chân khỏa nước, tay với nụ chè nhấm nháp ngất ngư như say thuốc tiên. Họ mua thêm gà ri, cá suối, xôi gói ăn ngon hơn ăn cỗ. Càng ngày dân “phượt” đến bản Ban càng đông, ngày lễ tết thì vui như hội xòe. Nhiều đoàn dựng lều ngủ đêm trong đồi chè thỏa sức ngắm trăng sao, đọc sách, ngâm thơ, múa hát. Họ tôn đồi chè nhà tôi là khách sạn “ngàn sao”.

***

Thời gian như ngựa lồng, nhìn dòng chữ trên cột thờ, tôi biết gần ba năm. Anh Thào O thi thoảng vẫn nhắn nho, nhưng anh Thào I thì mảy may không có thông tin. Nay đã cận ngày ông Công ông Táo tôi càng nhớ anh. Thanh niên làm ăn xa đã lục tục va li, tay nải về quê ăn tết. Thế mà anh Thào I chẳng thấy bóng dáng tăm hơi.

Chiều cuối năm. Bản mường ủ trong màn sương buốt. Gió rét thổi hun hút theo dòng suối Lượn. Từng đợt lá chè vàng rơi vật vờ, như những cánh chim bị gãy rơi lả tả trên đồi. Những gốc chè già sần sùi nứt nẻ như da voi co rút vì cóng lạnh. Chợt điện thoại cục gạch của tôi bật sáng rung lên. Thông máy, giọng đàn ông trẻ xưng là chủ thầu của anh Thào I. Câu đầu: Khuyên tôi thật bình tĩnh. Câu hai: Anh Thào I... bị rơi giàn giáo... Nhà thầu đang chuyển lên đây làm ma. Liền đấy, có tiếng khóc của phụ nữ réo ron: Tú aư(1), anh Thào I... mất rồi!

Tôi níu gốc chè khó thở như lên cơn hen suyễn cấp, đồi chè úp xuống, suối Lượn chảy ngược lên mây, chẳng biết trời đất gì nữa... Nhưng rồi tôi vẫn đối diện sự thật anh Thào I đã chết và đứng ra làm đám cho anh. Chủ thầu mặt đen nhẻm, lo lắng bỏ kinh phí làm ma, hỗ trợ tiền cúng tế. Và chủ thầu còn dặn: Người đàn bà mặt tròn vo, bụng cũng tròn vo có bộ ngực căng nhức, sắp đến ngày sinh con, vẫn vật vã trong đám ma là vợ của anh Thào I. Có tên là Giàng Nỉa. Chưa kịp cưới xin gì.

Sau khi lo mồ yên mả đẹp cho anh Thào I, tôi hỏi sự tình. Chị Giàng Nỉa khóc lóc lâu như mưa ngâu. Chị móc trong cạp quần ra, đưa cho tôi miếng bạc bị cắt nham nhở. Tôi cầm miếng bạc nhận ra miếng bạc gia bảo ngày nào:

- Sao chị có miếng bạc này, sao đưa cho tôi?

- Chú nghe xong khắc biết.

Giọng Giàng Nỉa âm âm u u như dưới mộ:

- Thào I rơi giàn giáo từ tầng cao. Trước khi mất anh dặn trong gói quần áo, có miếng bạc làm tin, về nói với chú Thào Pê.

Giàng Nỉa chùi nước mắt tiếp:

- Chú á, không có giấy tờ gì đâu. Kể cả giấy kết hôn cũng chưa làm, tình yêu công trường mà, thích thì lấy nhau, giấy tờ mua sau. Chẳng ngờ anh đi nhanh quá. Vợ chồng chưa bén hơi đã mất nhau…

Còn nhớ anh Thào I ngày đi xa. Đang tháng giêng nước suối trong thấy đáy. Thi thoảng vài đàn cá hai mồm to bằng chuôi dao bám vào tảng đá lượn lờ ăn rêu. Ven suối mấy lá chè xanh rụng xuống chảy quẩn như không rời khỏi cội. Anh ngồi sau lưng người xe ôm từ từ lăn qua suối, không quên nhìn như đóng đinh tấm đan nhuộm đỏ máu lợn. Đó là “mắt ma” của nhà có tang. Rồi chiếc xe bấm còi bim bim, mất hút trong rừng già dưới làn sương mai. Đến bến xe - theo địa chỉ chủ thầu “Thợ xây lương cao việc nhẹ” Thào I đi xuyên đêm về Hà Nội. Đúng vậy, chủ thầu mặt đen nhẻm giao Thào I chân thợ hồ. Sức trẻ trai vùng cao như anh việc này là chuyện vặt. Thào I nhanh, quen việc. Tuần sau Thào I được cầm bay chặt gạch chan chát như thợ lành nghề. Công trình nhộn nhạo và đông đúc, chẳng như ở bản Ban. Hết giờ làm thanh niên quần áo muôn màu lượn lờ chóng mặt. Rất nhiều nàng quần áo thướt tha, thả dáng khoe mông, khoe vú, khoe eo. Gái dân tộc không hẹn mà góp mặt nhiều. Mấy nàng áo thổ cẩm, lưng đeo mảnh vải đỏ vuông to bằng bàn tay, thêu hoa văn đặc trưng nhìn rất ưa. Thào I thích người dân tộc, anh cũng “ăn cơm nắm tắm cởi truồng” như nhau. Cao không tới thấp không thông, anh ve vãn được một nàng áo thổ cẩm mặt tròn vo. Sau lưng cũng đeo mảnh vải đỏ vuông to bằng bàn tay. Nàng cười toe gật đầu. Thế là ngon nghẻ, Thào I có việc làm lương cao lại có vợ vùng cao.

Theo tục H’Mông ở đây, con trai có vợ không may mất sớm, người vợ góa ở nhà chồng cho đến già mõm. Vì người vợ đã nhập ma nhà chồng, muốn lấy chồng nhà khác hoặc về nhà mẹ đẻ cũng khó. Cả tộc này đều cắn răng cam phận. Nhưng luật tộc H’Mông vừa cứng vừa mềm. Người em chồng yêu thương chị dâu thì được nối duyên. Còn anh chồng thì kiêng lắm. Người tính không bằng trời tính. Trong bản cũng có nhiều người đã lấy lại chị dâu, khi anh trai xấu số về trời. Vẽ đường cho chim én bay, tôi nối duyên với chị dâu làm vợ. Đổi chị thành em Giàng Nỉa. Cá ao nhà ai người ấy hưởng, tôi nhận cháu trong bụng của anh trai làm con luôn. Âu là tục H’Mông cũng hay. Nghĩ vậy tôi mời trưởng bản, thầy mo, bạn bè làm thành hôn ngay ngày hai chín Tết. Lấy vợ thì cưới liền tay, đêm dài lắm mộng. Vả lại Giàng Nỉa sắp đến ngày sinh nở. Ra giêng còn nhiều việc trọng hơn.

***

Đêm ba mươi Tết trời tối như hũ nút, thi thoảng tiếng pháo đã nổ lẹt đẹt ngoài bản. Tôi buồn thiu ra cây chè đầu ngõ nghĩ ngợi mông lung. Trong ánh pháo sáng nhà ai vừa phóng lên, tôi nhìn thấy một xe máy kẹp đôi vượt suối lên nhà. Xe dừng, gã lái dạng chân để người sau nhảy xuống. Ui, anh Thào O - tôi giật mình vồ tới! Hai anh em xa nhau sau ba năm, mất mát đau thương tưởng như ba mươi năm.

Chợt gã xe ôm nổi đóa giọng dùi đục chấm nước măng chua:

- Sắp giao thừa rồi, trả tiền nhanh tôi còn về. Tình cảm nhà ông nói sau.

Lời trách mắng làm cả hai bừng tỉnh. Tôi gượng cười vỗ lưng gã xe ôm nói:

- Mươi phút nữa là năm mới, anh chắp cánh cũng không kịp về nhà. Mời anh ở lại uống rượu giao thừa. Anh về là năm mới xui nhà tôi đấy. Tiền nong tôi trả đàng hoàng.

Gã xe ôm lưỡng lự một lát nhoẻn miệng cười như nghé:

- Vâng, tôi sẽ xông đất nhà anh. Năm mới con Rồng tôi tuổi Khỉ, tam hợp tha hồ mà phong lưu.

Liền đấy cả ba ôm vai nhau bước lên nhà trong tiếng pháo, ánh lửa lập lòe.

Sắp giao thừa, thời gian đếm ngược. Chỉ còn mấy giây. Trời đất thanh tịch thiêng liêng. Đồi chè ngưng gió. Nước suối lặng lờ luồn xuôi. Thiên nhiên và con người đang nín thở đón chờ phút giao hoan. Mọi người khát khao năm mới thanh tân, an bình. Cái xui xẻo đổ suối trôi đi. Như nhớ đến điều gì tôi run rẩy bước tới bàn thờ…

***

Năm mới nói chuyện cũ, anh Thào O chạy xuồng máy chở khách du lịch lòng hồ sông Đà. Từ ngày có thủy điện Sơn La, sông Đà biến thành biển nước mênh mang. Sóng vỗ ghềnh đá ào ạt, những ngọn núi cao ngàn mét nay thành hòn đảo nhỏ non tươi. Ngắm cảnh lạ núi non sông nước, tiếp xúc các hạng người làm Thào O khôn nhanh. Duy chỉ có một điều là không có đồng xu dính túi. Phận chở xuồng thuê ráo mồ hôi là hết tiền.

Sáng nọ. Thào O vui như ếch gặp mưa. Xuồng đông khách, anh khởi máy cho thuyền băng băng vượt qua nước cả sóng xanh. Cá tung tăng dưới hồ, người lướt trên sóng sướng nhất trần đời. Chợt ngày đầu hạ gặp lũ đầu nguồn. Đó là trận lũ định mệnh. Xuồng Thào O đang rẽ sóng mát ga mát số. Bỗng nước hồ xanh lơ, đổi sắc đờ lờ máu cá. Rất nhanh nước hồ đổi màu đỏ như máu tươi. Ngó trên trời xanh không một gợn mây, không một tia chớp. Mà từng đàn cá cong đuôi hốt hoảng văng mình lên cao rớt cả đáy xuồng.

Thào O nhìn du khách hét lên:

- Lũ to đầu nguồn. Bám chặt mạn xuồng. Đừng cuống.

Anh vừa ngưng lời đã thấy nước hồ sôi sục như nồi thắng cố. Củi gộc, thân cây bèo bọt đan đầy mặt nước. Nhiều thân gỗ lao vào xuồng như tên lửa.

Xuồng mất lái, bánh lái cứng đơ không điều được. Trong giây lát xuồng xoay tròn. Chiếc xuồng máy nặng hai tấn và năm mạng người bị tung lên như lá cây bị bứt khỏi cành. Tiếng la hét tiếng sặc nước, tiếng giãy đạp và chới với điên loạn trong xoáy nước. Là người đi trên nước không chìm, Thào O như con rái cá cố sức vớt người này đến người khác lên bờ. Bỗng một người đàn ông H’Mông kêu rống lên:

- Cú tù po nỉam(2)?

Thào O mắt môi nhợt nhạt, thở không ra hơi lại nhảy vào xoáy lũ dâng cao:

- Để em… cứu!

Con rái cá tài đến mấy cũng không cứu được vợ người đàn ông xấu số. Vài xuồng máy vòng qua dừng lại cứu hộ cũng chẳng ăn thua. Người đàn bà đã bị cơn lũ nổi điên cúng cho thủy thần.

Lật xuồng, mất người. Sự nghiệp lái xuồng thuê vừa thạo nghề của Thào O đã toi cơm. Không có tiền đền bù, chủ xuồng đổ rịt trách nhiệm cho anh. Thào O cay đắng ngồi tù hai năm. Mãn tù. Thào O tha thẩn vài hôm cho thỏa, rồi tìm về bản cũ nơi có đồi chè và dòng suối Lượn bao quanh. Anh thuê xe ôm đúng sáng ba mươi Tết, năm Giáp Thìn ngược núi. Đã nghe tiếng pháo lẹt đẹt, rồi rộ lên như súng trận. Bầu trời sáng rực hơn. Thào O chắp tay vái lên trời:

- Nghề chạy xuồng máy thuê, Thào O này sợ đến rụng răng!

***

Mấy ngày Tết qua nhanh. Vợ chồng tôi mời anh Thào O bàn chuyện làm ăn bên bếp lửa. Tôi trả lời, tôi tính kĩ rồi, nay là ngày rằm tháng giêng. Đúng ngày này mấy năm trước hai anh đi làm ăn xa. Nay chuyện cũ không nói, ta nói chuyện khởi nghiệp dài lâu. Gà đua nhau gáy, thiên hạ đua nhau làm giàu. Giàu thì khó, kiếm miếng ăn thì khó gì. Với lại giàu nghèo do mình. Tham thâm thì bao nhiêu tiền bạc cho đủ. Người còn có số, giỏi giang chưa bằng số lành. Nay tôi phân công - tôi vừa lấy than vừa vạch trên sàn:

- Tôi chuyên sản xuất chè và đội xòe phục vụ khách du lịch. Anh Thào O phụ trách tổ thuyền, chở khách vòng quanh trong bản. Vợ em, Giàng Nỉa tổ phục vụ, bán chè cho khách và phục vụ du khách ăn uống. Cắt cử thế nhưng chung sức cùng làm. Khách du lịch đông thì gọi thêm công nhân trong bản. Ta vừa làm vừa thu hút khách. Ít nhất thu nhập còn hơn làm thuê. Cốt tử giữ “chữ tín” thì du khách không phụ dân mường. Mai sau mở mang thêm đồi chè và suối khe của các gia đình đưa vào du lịch. Anh em vợ chồng dân bản quần tụm bên nhau. Nắm xôi, đồng bạc nhặt từ đất quê thơm tho thú vị hơn nhiều. Miếng cơm đất người nhục nhã lắm.

Ngay đấy tôi lôi trong túi ra một tấm pano màu đỏ như tiết canh. Thào O ngỡ ngàng mở mắt to đọc từng chữ: “Hợp tác bản Ban đồi chè suối Lượn.” Mồm anh chợt reo:

- Ôi, chú út thành lập hợp tác à.

Tôi choàng tay đặt lên vai anh trai và vợ mới, hớn hở:

- Đúng. Từ nay thỏa sức mà làm chả đi đâu nữa. Có chí thì nên”, thế nào cũng chắc ăn.

Trần Nguyên Mỹ | Báo Văn nghệ

1. Trời ơi.

2. Vợ tôi đâu.

---------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Cá vàng trong bể. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung Người chăn sóng biển. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Đọc truyện: Mặt nạ. Truyện ngắn dự thi của Trần Ngọc Mỹ Đọc truyện: Kỷ vật. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Anh Tuấn Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant
Phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước

Phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước

Baovannghe.vn - Tối 5/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi".
Chuyện trên biển Cần Giờ - Truyện ngắn của Nguyễn Trường

Chuyện trên biển Cần Giờ - Truyện ngắn của Nguyễn Trường

Nhân ngày Tết trung thu, trùng với thứ bảy, chủ nhật, Trung phóng xe máy về Cần Giờ. Con đường từ phà Bình Khánh về thị trấn Cần Thạnh được mở rộng, đường vắng, xe cứ phóng thả ga. Hai bên đường, suốt hơn bốn chục cây số chỉ thấy rừng là rừng. Những cây đước vươn thẳng tắp, cành lá xòe ô che kín bầu trời, xe chạy trong màu xanh ngút ngàn của rừng cây như trôi trong không gian huyền thoại.
Annie Arnaux - Bài văn xuôi mạnh mẽ

Annie Arnaux - Bài văn xuôi mạnh mẽ

Baovannghe.vn - Nhà văn Annie Arnaux có tên khai sinh là Annie Thérèse Blanche Duchesne. Bà sinh ngày 1 tháng 9 năm 1940, tại Lilebonne, thuộc tỉnh Seine-Maritime, trong vùng Normandie ở miền Bắc nước Pháp. Bà trải qua thời thơ ấu và tuổi trẻ tại Yvetot, một thị trấn nhỏ cũng thuộc vùng Normandie, cách Rouen 32km, cách Le Havre 46km, và cách bở biển Côte d’Albâtre ở Saint-Valery-en-Caux 28km.
Nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Baovannghe.vn - Dự kiến, Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 7 - 10.10.2024 và ngày 14.10.2024, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội
Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Baovannghe.vn- Sông Hồng đi qua xứ Đoài/ Vác theo vùng trời vỡ rạn/ Đường trung du mốc trắng/ Xanh bãi bờ gọi niềm trai tráng