Sáng tác

Lặng lẽ rừng mai. Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy

Trần Nhã Thụy
Truyện
06:00 | 07/10/2024
Baovannghe.vn - Tôi đã nằm xuống và khép mắt. Rơi lặng trong một cái gác gỗ ngờm ngợp khói. Tiếng máy quạt chạy lè xè miên man. Cơ hồ ngày đêm cũng quay theo cái vòng miên man mỏi mệt ấy.
aa

Tôi đã trở lại làng An vào những ngày giáp tết. Công việc buộc tôi phải quay lại. Từ mấy tháng nay tôi đã là người của nghề rao bán hàng thêu, đồ thờ. Tức là rao bán những tấm nghi, bức liễn... chạy những chữ đại loại như "Phúc Lộc Thọ", hoặc những câu "Tổ tiên công đức thiên niên thịnh. Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương"... Chuyện mua bán, giá cả ngày càng gay go nên nhiều lúc buộc tôi phải nhân nhượng để hàng lại. Đợi đến khi gia chủ có thu hoạch hoa màu thì mới đến lấy tiền.

Tôi đạp xe trên một con đê lớn vào làng. Ngày ấy tôi vừa tròn 18 tuổi. Đầu trần chân đi giày cỏ, tràn trề sinh lực và đẹp một vẻ hiu hắt, ngang tàng. Ngày ấy tôi đã ngước lên cao xanh để nước mắt khỏi chảy xuống, để tránh nhìn thấy cảnh cánh đồng trắng nước mênh mông. Đã dằng dặc xa giấc mơ những mùa gặt bội thu. Tôi đi chân trần trên sân phơi thóc. Những hạt thóc mẩy căng cựa rát bàn chân. Chao ơi! Có biết bao nhiêu con người đang cơ khổ trắng tay vì thiên tai trên đất nước nhỏ bé này. Cách đây nửa tháng, tôi có mặt ở tỉnh Thanh. Một tuần ngồi thu lu trên nóc nhà chờ nước rút. Một tuần nhai lương khô và uống nước lã. Bao vây quanh tôi toàn là nước. Đêm, bỗng ước mình biến thành con cá, quẫy một cái rồi lặn đi biệt tăm. Trôi trong bóng tối nhẹ nhàng.

Những ngày ở đây tôi đã gặp Hoàng. Gã con trai hai mươi tuổi, sống lang thang giang hồ với nghề vẽ chân dung, vẽ truyền thần. Gã đã rong khắp mọi miền đất nước trên chiếc xe đạp "đòn - dông" cà tàng. Đã thâu nộp không biết bao nhiêu cái chứng minh nhân dân. Vẽ nên không biết bao nhiêu mặt người. Người xấu gã vẽ cho đẹp, người nghèo gã vẽ cho giàu. Vẽ để vui lòng những người còn lại. Ở đây gã vẽ cả ngày lẫn đêm, lúc nào cũng trong tư thế chồm chỗm như một con ếch. Chỉ vẽ khuôn mặt không đủ thời giờ để cho veston, giày tây. Gã vẽ cả những người chưa một lần nhìn thấy mặt, chỉ được nghe kể lại. Vẽ xuất quỷ nhập thần.

Ngày nước rút, hai thằng mò ra phố. Dáng phờ phạc phiêu phơ, ăn một bát phở, nhấp cái đen rồi ngồi lặng hàng giờ. Trong tâm thế bàng hoàng. Cảm giác có thể ngồi yên như thế cho đến hàng thế kỉ.

Tôi nói với Hoàng là tôi sẽ trở lại làng An để lấy tiền nợ. Gã bảo, "Cậu cứ đi đi. Ở đây người ta còn cần tớ. Nếu quả đất tròn thật thì chúng mình lại sẽ gặp nhau." Tôi chào gã họa sĩ bất đắc rồi khăn gói lên đường.

Đúng như dự đoán của tôi. Loanh quanh dăm nhà ở làng An cũng chẳng gom được đồng nào. Đồ thờ thì đã treo lên, có bức đã ám khói. Thôi đành thương nhau mà hẹn đợi. Tôi buồn bã nhắm hướng nhà ông Khoa mà lầm lũi đạp xe đi. Tôi đang đến nhà "ông già đánh chết thằng con". Chuyện truyền lại.

Tôi hỏi Hoàng có vẽ tranh bao giờ chưa. Gã bảo, "Tớ chỉ sở trường vẽ giống người thôi. Vẽ kiếm cơm ấy mà, cốt yếu là được đi cho thỏa thích. Được đi, được sống cho đến tận lúc chết. "Câu cuối cùng gã nói nhấn mạnh với một vẻ trân trọng cố ý. Tôi nghĩ, chắc có ý nghĩa đặc biệt gì đấy. Hoàng hỏi tôi có yêu cô nào chưa. Tôi hỏi, tình yêu là cái gì? Hoàng bảo, tình yêu là không mục đích, không là nguyên nhân. Nó là cái đang diễn ra... là hiện tính. Như lời thì thầm phải biết lắng nghe. Nhưng tình yêu không phải là sự đào luyện... Tôi bảo, "Như vậy yêu được cũng khó." Hoàng bảo "Cũng chẳng dễ dàng gì. "Tôi hỏi lại Hoàng, đã tương tư nàng nào chưa. Gã bảo, "Đã, yêu một người con gái đã có chồng." Tôi bảo, "Như thế thì tai họa." Gã cười, "Đó là một tình yêu lớn." Tôi cũng cười. Tôi chỉ có những tình yêu nhỏ thôi. Nếu tôi yêu ai đó, tôi phải quyết lấy người ấy làm vợ. Hoàng hỏi tôi đã đánh nhau vì một người con gái bao giờ chưa. Tôi bảo "chuẩn bị đánh". Rồi kể cho gã nghe... Năm tôi mười sáu tuổi, làng bên bỗng nổi lên một cô gái đẹp ác chiến. Nhưng trai làng tôi không tài nào tới gần được. Trai làng bên có bọn võ sĩ, thấy trai làng khác đến chúng sẽ chặn xe lại và đánh cho què giò. Tôi ức lắm. Đêm đó, đạp xe đến đầu làng tôi vứt xe vào bụi dứa, tay đút túi quần vừa đi vừa huýt sáo đàng hoàng như người trong làng. Và tôi đến được nhà cô gái. Tôi lì lắm, trong khi nói chuyện, đôi chân dưới gầm bàn cứ giả bộ liên tục đặt nhầm lên bàn chân cô gái. Cô nàng để yên một lúc rồi rụt lại. Cứ thế... nhưng chỉ một đêm thôi. Chuyện sau này lan ra, bọn võ sĩ căm lắm chúng quyết tìm tôi để trả thù. Nhưng tôi không phải tay mơ. Rồi một hôm đi chăn bò, mải ham tìm tổ ong. Đến chiều khi lùa bò về thì tôi lặng người. Năm con bò nhà tôi, con nào cũng bị chặt đứt đuôi, máu đông thành bệt. Nhìn lũ bò quái dị mà tôi quặn cười. Cha tôi phát hiện ra điều ấy quật cho tôi một trận thập tử nhất sinh. Tôi nguyền rằng khi nào tìm được thằng chặt đuôi bò thì tôi sẽ cắt tai nó. Nhưng khi tôi điều tra ra thì thằng khốn nạn ấy đã chuồn đi xa để trốn nghĩa vụ quân sự. Những thằng "có vấn đề" đều chuồn đi xa.

Vợ ông Khoa mất sớm. Nhà chỉ có độc một thằng con trai. Cha con thương nhau lắm. Năm con lên mười tuổi thì ông Khoa đã bắt đầu dạy võ cho nó. Ông Khoa là võ sư nổi tiếng làng An. Danh tiếng ông một thời vang khắp nước. Đến năm thằng bé lên mười bảy tuổi thì ông đã truyền lại cho nó hết mọi ngón nghề. Nhưng còn thế võ bí truyền, cái tuyệt luân của võ học thì bậc cao thủ không bao giờ truyền lại(?). Ông Khoa giữ mình hay chưa tin tưởng tuyệt đối vào thằng con trai (?). Thằng bé cũng ngầm biết thế nhưng không thèm xuống nước van nài.

Một đêm, ông Khoa đang nằm mơ mơ màng màng thì nghe tiếng rút chốt cổng chuồng bò. Ông liền nhổm dậy, đặt chân xuống đất, bước nhẹ ra sân. Trời tối đen như mực, khua bàn tay phía trước cũng không nhìn thấy. Tiếng chân tên trộm đang lùa bò chạy phía trước ông. Ông rượt theo. Thế rồi hai bên đánh nhau, phút chốc đến hồi kịch liệt. Tên trộm bò cũng tỏ ra là tay cao cường. Điều lạ lùng là đòn thế thủ của nó rất giống ngón võ của ông. Nhưng lúc ấy ông không đủ tỉnh táo để nhận ra (?). Tên trộm khỏe mạnh và nhanh lẹ hơn đã liên tục dồn ông vào thế bí. Nó muốn giết ông(?). Đến lúc phải giở tuyệt chiêu. Ông ra tay. Tức thì tên trộm bò rên lên, "Chết con rồi, cha ơi!" Ông khựng lại, điếng người. Thằng con ông. Nó muốn học thế võ hiểm nên giở mánh khóe trộm bò. Nhưng đã muộn. Ông chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than, "Đáng đời con, khôn dại làm chi." Nghe nói sau đó ông tự phế võ công. Sống như người bình thường.

Lần trước, khi đến đây tôi đã nhờ ông Khoa giảng cho tôi mấy cái chữ nho. Tôi không biết chữ nho. Ông chủ hiệu thêu cũng lõm bõm. Ông chủ mướn một ông đồ còn sót lại của thời cơ chế thị trường để cho chữ. Cứ mỗi chữ một đồng.

Lần gặp ấy ông Khoa tỏ ý quý tôi lắm. Ông bảo tôi có nét giống thằng con ông. Ông hỏi tôi: "Cháu có tin ở Phật không?" Tôi hỏi "Phật là cái gì?” Ông Khoa bảo, "Phật là tâm, Phật tại tâm. Nhưng tâm vô sở trụ." Tôi bảo, "Con không biết." Ông Khoa lại hỏi, "Cháu có thích văn thơ không?" Tôi đáp, "Dạ không thích lắm. Học mười hai năm chỉ ghi lòng mỗi câu, "Vui vẻ chết khi cày xong thửa ruộng." Ông Khoa bảo "Khá" rồi vuốt râu cười khà khà. Tôi hỏi ông, làm văn có khó không. Ông bảo, "Trong bụng không có ba vạn quyển sách và trong mắt không có núi sông thiên hạ thì đừng nói chuyện làm văn." Tôi không hỏi gì thêm, chỉ thấy phân tâm.

Buổi sớm. Mưa liêu riêu, gió lạnh lạnh. Ông Khoa đang ngồi uống trà mộc trong cái chén tống. Dáng điệu thanh tao cao nhã. Tôi ngồi nhìn ra ngoài trời, thấy lòng buồn xa vắng, trơ vơ. Năm hết tết đến. Tôi còn nợ ông chủ tiệm thêu một món tiền. Tôi còn phải về với những người thân. Thế mà bây giờ tôi còn ngồi đây, trong túi chỉ còn vài tờ bạc lẻ. Ông Khoa bảo "Đợi vài ngày nữa nắng ráo ta sẽ vào rừng chặt mai về bán. Cháu lấy tiền ấy mà về quê." Tôi lẳng lặng gật đầu. Ông Khoa gọi chuyện, hỏi nhà tôi có gần chùa Thập Tháp không, tôi đã đến đấy lần nào chưa. Tôi thưa, nhà tôi ở cách đó ba mươi cây số, tôi có đến đó một lần hồi còn bé. Ông Khoa bảo, "Thầy trụ trì là bạn của ông. Mấy chục năm rồi không gặp." Tôi đang ngồi tưởng tượng rừng mai. Tôi hỏi ông Khoa, "Từ đây đến rừng mai có xa không. Đi bao lâu thì tới." Ông Khoa bảo, "Không xa lắm nhưng nếu đi bằng xe bò phải mất một ngày một đêm." Tôi hỏi, "Có nhiều mai không hở ông?" Ông Khoa bảo, "Một rừng.”

Qua đồng Hổ, Hố Mít thì đến rừng. Không có một rừng như ông Khoa và tôi những tưởng. Rừng mai đã bị đốn gần hết. Đi sâu vào trong chỉ lác đác vài khóm mai đang tượng búp, nhú chồi. Tôi chán nản ngồi bệt xuống một gốc cây cụt, thẫn thờ nhìn những con kiến vàng bò qua bò lại trên những vỏ cây khô. Ông Khoa ngậm ngùi, đi loanh quanh một hồi khi quay trở lại bảo, "Phải đợi thêm hai ngày nữa ta mới có thể hạ mai." Thấy tối không hứng khởi gì ông động viên "Thôi bây giờ đến bìa rừng đằng kia có nhà quen ta đưa gạo nhờ họ thổi cơm giúp..." Tôi lủi thủi theo chân ông già, lòng nghèn nghẹn.

Ông chủ nhà tên Lạc, tuổi ngoài bốn mươi tướng người thô vụng, lâm li. Bà vợ với một lũ con gái đang léo nhéo dưới bếp. Ông Lạc làm nghề đốt than. Thỉnh thoảng, ông cũng gánh than xuống chợ. Bữa cơm dọn lên. Ba người đàn ông ngồi ở nhà trên. Đàn bà, con gái ở dưới bếp. Ông Lạc lôi ra chai rượu ngâm mật gấu uống đắng quắn lưỡi. Ông bảo, tốt lắm, trị bá bệnh.

Hôm sau đi lang thang ngoài rừng. Tôi thấy dưới rặng mai thấp thoáng dáng cô gái. Ông Khoa bảo, đấy là con gái lớn của ông Lạc. Cô gái đội chiếc nón lá kết dây, nặng, che kín cả khuôn mặt. Suốt ngày hôm đó tôi để ý thấy không lúc nào chiếc nón rời khỏi cô. Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện cổ, đại khái "Hai vợ chồng già nhà nọ có một người con gái rất xinh đẹp. Người cha qua đời, đến lượt người mẹ cũng lâm trọng bệnh. Trước khi từ giã cõi trần bà kêu người con gái lại đưa cho một chiếc nón gỗ và bảo, "Nếu mẹ mất, con hãy đội chiếc nón này đừng bao giờ rời khỏi nó?" Mẹ mất, cô gái một mực nghe lời mẹ dặn. Chiếc nón gỗ đã giúp cô khỏi bị ai quấy rầy trong một thời gian. Rồi trên bước đường lưu lạc kiếm sống, cô gái đến làm việc ở một trang trại phú hộ... Người con trai phú hộ sau khi đi học đủ thứ ở thành phố trở về nhà. Đã chán ngán những hư danh giả hiệu đang thèm được đắm mình trong thiên nhiên bình lặng, cô tâm. Cô gái đội nón gỗ đã làm cho chàng tò mò để ý. Một hôm, đi dạo về đến quãng đồng vắng, tình cờ thấy cô gái cởi nón đến bên con suối nhỏ rửa mặt. Chàng trai bỗng lặng người trước một nhan sắc chim sa cá lặn. Lập tức chàng đòi cha mẹ cho lấy nàng làm vợ... Đám cưới được tổ chức linh đình. Nhưng cô gái vẫn không chịu cởi cái nón gỗ xuống. Nghi lễ bắt đầu. Chàng cùng nàng uống một chén rượu hợp hôn. Ly rượu vừa cạn thì một phép nhiệm màu xảy ra. Chiếc nón gỗ bỗng nổ tung, vỡ vụn thành muôn hạt kim cương lấp lánh..." Ly rượu ấy chính là tình yêu. Tình yêu đã phá tung mọi tường cản, rào ngăn. Tôi lại nghĩ đến cô gái con ông Lạc. Chắc cô ấy phải thật đẹp. Rồi bật cười... hay là thậm xấu.

Hôm chặt mai, ông Lạc cho cô gái ra giúp. Chúng tôi đứng sát bên nhau. Cô gái vẫn đội chiếc nón che kín mặt. Bỗng một nhành mai vướng vào cái quai làm cho chiếc nón rơi xuống. Tôi giật mình. Giật mình. Không phải vì cô gái đẹp cũng không phải vì... cô quá xấu. Đó là một cô gái bình thường. Tôi giật mình trước một điều bình thường vì đã quá chú tâm vào những sự bất thường.

Chợ hoa ngày tết quê người năm nay hiu hắt, lạnh buồn. Tôi đứng xớ rớ bên những nhành mai đợi vài người khách đến xem xét, ngã giá. Đôi mắt tôi rực cháy cơn sốt, giọng khàn đi như người bệnh, răng cắn chặt môi để không bật khóc giữa chợ. Tôi thấm thía, thật sự khắc nghiệt cho những ngày ban đầu kiếm sống, điếm nhục và nợ nần. Tôi muốn được mau chóng trở về nhà dù biết thế nào rồi cũng có ngày ra đi.

Ngày đầu tiên bán được ba nhành mai. Ngày thứ hai cũng bán được 3 nhành. Ngày thứ ba, tức ba mươi tết. Mới chớm sáng đã có một gã say rượu đến hỏi "xin" một nhành mai. Tôi đắn đo do dự rồi đưa cho gã một nhành. Nhưng sau một hồi ngắm nghía chán chê gã nhăn mặt, tặc lưỡi "Thứ này hữu sắc vô hương" rồi vất trả lại. Tôi nổi điên định quật cho gã một trận nhưng gã nhanh chân chuồn mất. Đến trưa thì bán được dăm cành. May mắn có người mua hàng thêu đến tìm tôi ở chợ để trả tiền nợ. Tôi nói với ông Khoa "Cháu phải về thôi ông ạ." Ông Khoa bảo, "Thôi cháu về. Nếu ghé được chùa Thập Tháp thì cho ông gửi nhành mai tặng thầy trụ trì." Tôi mua cho ông Khoa gói trà, chai rượu, một ít kẹo mứt. Cúi đầu lạy tạ ông rồi cấp tốc lên đường.

Chuyến xe chiều cuối năm chật ních người lao hối hả. Đến gần chùa Thập Tháp không may xe hỏng. Tôi xuống luôn, phóng lên xe cắm cổ đạp, đồ đạc mang sau lưng nhành mai gác trên ghi đông xe. Đêm xuống, trong mênh mông dậy lên một mùi hương kì lạ nôn nao. Đường vào chùa Thập Tháp có cắm cờ, treo đèn rất nhiều. Tôi đoán, không chừng có người vừa chết. Gặp người điển tọa ở sân chùa, tôi hỏi. Mắt người đỏ hoe, "Thầy trụ trì đã thiên hóa vào lúc gà gáy sáng hôm qua. Ngồi ngay ngắn ở pháp tọa mà viên tịch. Lúc ấy có một cơn lốc đang đổ bộ vào đất liền như bị ai ghì lại đột ngột dựng đứng lên rồi quật ngược ra ngoài biển..." Tôi bước vào trong phương trượng. Tín đồ phật giáo đến thăm viếng rất nhiều. Rì rầm tiếng đọc kinh, tiếng khua mõ lốc cốc, mùi hương trầm quyện ấm gian phòng. Tôi đứng trước chân dung thầy trụ trì. Bức tranh được vẽ bằng mực tàu, thủ bút độc đáo làm sống dậy thần thái của một vị chân tu. Đôi mắt ngời sáng tinh anh, chân trần, tay cầm tràng hạt. Người như đang đi giữa nhân gian, thanh thoát, nhẹ thênh. Bên cạnh là bức lụa, ghi bài thơ ca ngợi công đức nhà chùa. Nét bút tài hoa, thâm trầm mà phóng túng, lả lướt nhưng chân phương. Tôi đọc phần dịch:

"Thập Tháp Già lam cảnh.

Phong độ hiền Thánh linh.

Nguyên Triều tổ khai sáng.

Tự cổ Thùy lưu danh..."

Chợt một bàn tay đặt lên vai tôi. Tôi quay lại. Ôi! Hoàng, gã họa sĩ bất đắc, làm thế nào mà gã lại có mặt ở đây. Hoàng bảo tôi hãy ra ngoài cho thoáng. Tôi theo chân gã ra ngoài. Chúng tôi đi giữa mười ngọn tháp uy nghiêm. Ngọn tháp thứ mười một vừa được xây cất là nơi nương gửi phần hồn thầy trụ trì. Tôi hỏi Hoàng có phải chính gã là người đã vẽ bức tranh không! Gã gật đầu, “Tớ vẽ đấy. Vẽ đúng một ngày một đêm thì xong, vẽ xong đánh một giấc li bì. Tớ vừa thức giấc thì cậu tới.” Hoàng cầm lấy nhành mai từ tay tôi đặt xuống dưới chân ngọn tháp thứ mười một. Giọng ngậm ngùi, "Vị tình lai kí nhất chi mai hữu biệt hoài. Vị tình tới gửi một nhành mai để tỏ sự nhớ nhung. Nhành mai ở đây nhưng người đã đi xa rồi..." Một ngọn gió thoảng qua. Nhành mai khẽ động cựa, một mùi hương thanh khiết tỏa lan. Tôi thảng thốt, "Hoa mai hữu sắc hữu hương." Hoàng ngước nhìn lên trời giọng bàng hoàng, "Sắp đến giao thừa rồi." Tôi giật mình, chết rồi, phải về ngay thôi. Hoàng bảo tôi hãy về, năm nay gã ở lại ăn tết với nhà chùa. Tôi khẩn nài mời gã về nhà tôi. Gã đa tạ nhưng một mực chối từ. Tôi lại phóng lên xe cắm đầu cắm cổ đạp. Gió bạt ngang tai muôn tiếng thì thầm.

Vừa thấy tôi vừa ló mặt vào nhà. Mẹ nhào tới ôm chặt tôi khóc nức nở "Trời ơi, ai làm khổ thân con tôi thế này?" Cha tôi thắp mấy nén hương lên bàn thờ, giọng chua xót "Không học hành thành đạt thì suốt đời làm "mọi" cho thiên hạ thôi con ạ!" Lũ em của tôi thì cười ghẹo "Ôi! Tội nghiệp cho cái chân không chịu ở nhà..." Tôi chỉ biết ngồi xuống và mỉm cười. Một nụ cười hiền lành, sung sướng quá mức trong hình dung của một thằng hoang đàng chi địa.

Khi tôi xách gàu ra giếng thì nghe lác đác tiếng gà gáy gọi ngày lên.

Ngày tháng ấy đã trôi xa rồi. Ngủ đi... ngủ đi. Tôi ơi... hãy ngủ. Tôi đã nằm xuống và khép mắt. Tất cả bỗng nhòa đi, tối tăm, thật lâu. Rồi trước mặt hiện ra một con đường dẫn tôi đến... Lặng lẽ một rừng mai.

Núi Châu Thới

Giáp tết Đinh Sửu 1997

------------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy Đọc truyện: Hư cấu. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Nhật Huy Đọc truyện: Ký ức đồng vọng. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính Đọc truyện: Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn
văn nghệ trẻ, số 30/1997
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ với các địa phương

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ với các địa phương

Baovannghe.vn - Sáng 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương.
Cánh đồng - Thơ Hồ Minh Thông

Cánh đồng - Thơ Hồ Minh Thông

Baovannghe.vn- Em chân trần chạy giữa đồng ruộng tháng năm/ da thịt cọ vào gốc rạ mềm/ trên cánh đồng sau cơn sinh nở/ vài nhánh mạ non tái sinh
Rước cha - Thơ Nguyễn Ngọc Quế

Rước cha - Thơ Nguyễn Ngọc Quế

Baovannghe.vn- Cha ơi xin nguyện lời cha/ Rước cha về với quê nhà bến sông/ Nhờ làng một rẻo đất cồn/ Nắng mềm như lụa, xanh rờn cỏ phơi
Thời tiết ngày 7/10: Miền Bắc duy trì nắng hanh, Trung Trung Bộ trời mát

Thời tiết ngày 7/10: Miền Bắc duy trì nắng hanh, Trung Trung Bộ trời mát

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 7/10 Miền Bắc duy trì nắng hanh, Trung Trung Bộ trời mát
Gửi mẹ ngày mưa - Thơ Nguyễn Bích Huyền

Gửi mẹ ngày mưa - Thơ Nguyễn Bích Huyền

Baovannghe.vn- Cho con xin ướt trận mưa này/ Đã đủ mưa trên mái đầu mẹ bạc/ Cơn mưa bắt đầu mùa Hạ/ Mà nếp nhăn trên mắt mẹ Thu rồi