Sự kiện & Bình luận

Ngày 30-4-1975

Lê Thế Thành
Bút ký phóng sự
08:00 | 18/04/2025
Baovannghe.vn - Những ngày cuối tháng 4/1975, ở cơ quan, chúng tôi hầu như chẳng làm được công việc chuyên môn mà chỉ tập trung xung quanh chiếc radio bán dẫn, chăm chú nghe các bản tin chiến sự của Đài Tiếng nói Việt Nam.
aa

Có tờ báo Nhân dân hoặc Quân đội Nhân dân nào trong ngày chúng tôi liền vồ lấy, tranh nhau đọc không sót một dòng nào trên báo – Một linh cảm chiến thắng đang tràn ngập tâm hồn chúng tôi, tràn ngập cả không gian và thời gian chúng tôi đang sống.

Bản tin trưa ngày 30/4 như một dòng thác lửa tuôn trào theo từng tiếng của phát thanh viên, tin hoàn toàn giải phóng miền Nam, tin chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, quân ta tiến vào dinh Độc Lập, cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh tổng thống ngụy quyền Sài Gòn làm cho mỗi người như muốn bay lên, muốn hét cho to cho thỏa ước mong của một đời người trước cái tin vui quá sức tưởng tượng của mình.

Tôi lập tức đạp xe về nhà – Chắc lúc này nhà tôi vui lắm, tôi nghĩ vậy là vì tôi có hai người anh chiến đấu ở miền Nam. Một anh đã hy sinh trước ngày chiến thắng này 3 năm. Trên đường về tôi ghé quán mua một ít rau, vài con cá với mấy lạng thịt, có ý khao cả nhà một bữa ăn đàng hoàng chào mừng đại thắng. Dọc đường đi, tôi nhìn ai cũng hớn hở, đáng yêu biết bao. Cờ ở đâu mà mọc ra nhiều đến vậy, không khí cứ sục sôi, rộn rực. Ôi! Đúng là đất trời của một ngày đại thắng. Tôi háo hức bấm chuông từ ngoài cổng, tưởng nghe tiếng kính coong của tôi cả nhà sẽ ùa ra đón. Nhưng, khác hẳn với dự đoán của tôi, cả nhà tôi lặng phắc, chỉ có con mực chạy ra không mừng cuống quýt như mọi bận mà chỉ lẳng lặng ngoe nguẩy đuôi rồi lại quay vào bếp.

Tôi giật thót trong người. Có chuyện gì xảy ra ở nhà tôi chăng.

Tôi dựa xe ở gốc cau đi thẳng vào nhà. Vừa bước lên hè, tôi đã nghe tiếng bố tôi hỏi:

- Khánh về đấy hả con?

- Vâng ạ. Tôi cảnh giác trả lời - Mẹ con đâu?

Bố tôi không trả lời, hất mặt về phía gian bên. Sau vài giây quáng gà từ nắng ngoài sân, tôi quen dần với ánh sáng trong nhà, tôi nhìn thấy mẹ tôi ủ rũ trên giường. Bên phải mẹ là chị dâu tôi, bên trái là đứa con gái của chị đôi mắt trong veo mà có vẻ trang nghiêm như một người lớn.

Chị dâu tôi ra hiệu cho tôi im lặng đừng hỏi gì cả. Sao nhỉ? Trong lúc cả làng, cả nước náo nức, ồn ào mà nhà tôi lại lặng phắc như đưa đám vậy. Chỉ một giây sau, tôi chợt hiểu; Trong ngày vui lớn của cả nước, của mọi nhà thì nỗi đau mất con mới ngấm vào gan ruột hay nó ngấm từ rất lâu rồi đến giây phút này nỗi đau mới được trào ra trong tiếng khóc và nước mắt của mẹ tôi.

Mãi tới một lát sau mẹ tôi mới cất tiếng nói, vẫn câu hỏi của bố tôi, “Khánh về đấy hả con?”. Giọng mẹ run run đầy nước mắt.

Con bé tụt xuống giường lon ton chạy lại phía tôi. Tôi đón cháu, ôm chặt nó trong vòng tay. Nó ghé sát vào tai tôi thẽ thọt điều gì đó rất bí mật và rất hệ trọng: Chú ơi, bà khóc bố cháu, bà gọi bố cháu với tên bác ở miền Nam suốt từ nãy đến giờ.

Sống mũi tôi cay xè. Lớn bằng này tuổi đầu, đã là anh cán bộ của nhà nước, vậy mà tôi có hiểu mẹ tôi đâu. Ngày anh thứ tôi lên đường cũng như ngày truy điệu anh tôi, bố tôi ra một cái lệnh rất cực đoan là mẹ tôi không được khóc, sợ ảnh hưởng đến tư tưởng người khác. Trong buổi lễ truy điệu, mẹ tôi bế đứa cháu nội bé bỏng đầu chít khăn tang ngơ ngác như con thỏ non làm bao người òa khóc cho cảnh bà nội và cháu tôi. Vậy mà mẹ tôi không khóc, bà chỉ ôm chặt cháu nội vào lòng, nét mặt băng giá, hai mắt ráo hoảnh như vô hồn.

Mãi sau này mẹ mới nói với tôi. Mẹ toàn khóc trộm vào ban đêm. Bà cố giữ cho chị dâu tôi một chỗ dựa tinh thần, nếu mẹ khóc càng làm đau lòng chị.

Nhưng hôm nay, mẹ tôi đã khóc vật vã hàng tiếng đồng hồ. Bố tôi không dám can ngăn. Ông nuốt nước mắt vào trong đã nhiều năm nay. Lần này ông xúc động, nước mắt cũng giàn giụa khuôn mặt già nua, khắc khổ và thiếu thốn.

Tôi quá xúc động, không biết nói gì, nhìn mẹ tôi và chị dâu người vợ liệt sĩ bấu víu vào nhau như một pho tượng hóa thạch.

Ngày 30-4-1975
Tượng đài Mẹ Suốt Anh Hùng soi bóng buổi bình minh bên dòng Nhật Lệ

Mãi một lúc sau, mẹ tôi mới nói, giọng run run, ông trời ơi, không biết con tôi bây giờ ra sao, còn sống hay cũng theo em nó về trời rồi.

Đấy là mẹ nhắc đến một anh thứ nữa của tôi, 10 năm nay cũng chẳng có tin tức gì, nghe đâu đơn vị của anh chiến đấu tận vùng U Minh vùng rừng đước Cà Mau.

Thực tình đã có lúc mẹ tôi trách bố tôi sao lại bắt cả hai người con của bà vào chiến trường. Bố tôi giải thích rằng người của Đảng nhiều như nước, Đảng không thiếu người nhưng vẫn cần những người có ý thức chịu đựng gian khổ, chiến đấu cho lợi ích của dân, của Đảng. Sau này chiến thắng rồi, ăn bát cơm của mình giành được từ bom đạn mà không phải chỉ dành riêng cho nhà mình nên không bao giờ hổ thẹn.

Chiếc điếu bát ở chiếc bàn gian giữa cứ long lên sòng sọc. Tôi nhìn bố tôi mà thương ông đến tội nghiệp. Cả xã không ai ghen tị được với ông về việc đưa con đi tòng quân. Một đứa con đã hy sinh. Một đứa con còn lại nghe đâu bị bắt, đang bị bọn Mỹ, ngụy giam ở nhà tù Phú Quốc. Ông đi vận động tòng quân thì không nhà nào có lý do thoái thác được.

Ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một đảng viên ở hậu phương thời chiến. Nhưng phút này đây ông mới thấy đau lòng, có phải ai là đảng viên họ cũng chịu hy sinh như mình đâu. Ông chợt nhói ở trong tim, nói dại... nếu vài ngày hoặc vài tháng nữa một cái giấy báo tử của anh thứ tôi gửi về, chắc ông không đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào đôi mắt mẹ tôi. Cái lý của người mẹ mạnh hơn cái lí của người cán bộ.

Mẹ tôi bảo tôi trèo lên cây mít hái một quả to nhất xuống. Tôi không hiểu mẹ tôi bắt tôi vặt mít xanh làm gì, ngày 30-4 năm ấy chưa đến mùa mít chín. Mẹ bảo anh trai liệt sĩ của tôi rất thích ăn mít, ăn kỳ no thì thôi. Ăn xong nó xuống ao dầm một hồi, ngủ một giấc lại có thể ăn một bụng nữa.

Mít non đầy nhựa, tôi tách cẩn thận từng múi cho mẹ tôi đặt lên bàn thờ cúng anh.

Mẹ bảo chị dâu tôi đem mấy con cá tôi mua về nấu canh chua cơm mẻ, đó là món ăn mà bố mẹ tôi nấu cho anh thứ nữa của tôi trước ngày đi chiến trường.

Thì ra trong lòng mẹ kỷ niệm với mọi người con đều sống dai dẳng ở trong lòng, nó như liều thuốc dưỡng sinh để mẹ dựa vào nó mà đêm đêm thao thức, gặm nhấm và vực dậy trước những thời khắc khốc liệt nhất của bệnh tật và đời sống.

Lác đác có nhiều người đến thăm hỏi. Những người không có con đi chiến trường dường như lúc này bỗng cảm thấy có một chút gì hơi áy này, chạnh nghĩ ở trong lòng.

Qua những thời khắc gần như bàng hoàng, bố tôi dần dần lấy lại được bình tĩnh, lấy lại được bản lĩnh của ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Theo đề nghị của bố tôi, Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã và các cán bộ chủ chốt các ngành và các giới đều tập trung thành đoàn đến thăm hỏi các gia đình có con là liệt sĩ và các gia đình có con đang còn chiến đấu ở miền Nam chưa có tin tức gì.

Tôi không lên cơ quan để đi theo đoàn cán bộ của xã. Mọi gia đình quanh nhà tôi dường như cũng một không khí như gia đình tôi, một nỗi buồn thâm trầm, một không khí lặng lẽ, u tịch. Cái không khí trong từng gia đình nó rất khác với cái không khí rộn rã náo nức ở xung quanh. Tôi bỗng hiểu mọi gia đình ấy cũng như mẹ tôi và chị dâu tôi. Đến lúc vinh quang mới thấm thía nỗi mất mát đau thương của bản thân mình.

Đi được mấy nhà, tôi thấy như lòng mình không chịu nổi nỗi buồn của những người tôi vừa gặp. Tôi trở về nhà, trên đường về thấy nhà nào cũng sáng đèn. Tôi có cảm giác đêm nay tất cả mọi người lớn, mọi người có lương tri đều thức.

Ở gia đình tôi, ánh đèn không tưng bừng như nhiều nhà khác. Một ngọn đèn bão nhỏ treo ở cửa bếp và một đèn hoa kỳ đặt trên bàn nước.

Mẹ tôi ngồi trên bậu cửa phía bên phải gian giữa. Thời đó nhà làm bằng gỗ, bằng tre, nhà nào cũng có cái bậu cửa. Vẫn câu hỏi ban trưa với tôi.

- Khánh về đấy hả con?

- Vâng ạ. Tôi trả lời điềm tĩnh hơn lúc trưa.

Một lát sau mẹ tôi lại hỏi:

- Chắc mọi người đều thức hả con?

- Vâng.

- Ờ! Đêm nay ai mà ngủ được. Tiếng mẹ tôi như vọng từ nơi xa xôi lại.

Đến tối hôm đó, chị dâu tôi mới cho tôi biết, dễ đến gần 10 năm này, sau công việc đồng áng ban ngày, sau cơm nước, hội họp và dần sáng mẹ tôi vẫn ngồi như thế đêm đêm dù là mùa hè nóng bức hay mùa đông lạnh buốt. Mẹ tôi ngồi như thế, mắt nhìn ra đầu ngõ ngong ngóng các anh tôi đi đánh giặc ở miền Nam trở về...

Văn nghệ, số 18+19/2014
Kỷ niệm Tuy Hòa

Kỷ niệm Tuy Hòa

Baovannghe.vn- Hai trung đoàn chủ lực của ta nhận nhiệm vụ đánh chiếm thị xã Tuy Hòa. Trung đoàn 9 chúng tôi sẽ đánh thị xã từ hướng Nam phía cầu Đà Rằng có đồi Nhạn Tháp. Tiểu đoàn chúng tôi là chủ công của trung đoàn nên được làm mũi xung kích. Đêm 31 tháng 3, chúng tôi theo chân du kích dẫn đường lần ra sông Ba rồi cứ men theo bờ phía Bắc đó mà tiềm nhập áp sát cầu Đà Rằng.
Thời gian và nỗi nhớ. Tản văn của Tạ Xuân Thu

Thời gian và nỗi nhớ. Tản văn của Tạ Xuân Thu

Baovannghe.vn - Tôi nhớ về những kỷ niệm ngọt ngào của một thời thơ bé. Nhớ những thảm hoa xoan tím rụng rơi đầy nơi góc sân, là mùi hương dịu nhẹ của những chùm hoa bưởi, hoa chanh trong vườn chiều nắng đẹp, là những bông gạo nở đỏ thắm rơi đầy lối...
Mấy chặng đường khó quên

Mấy chặng đường khó quên

Baovannghe.vn - Thu đông năm 1947, đang khi dồn dập các tin quân Pháp nhảy dù chiếm Bắc Cạn, mở nhiều gọng kìm khuýp lấy những khu quan trọng, thì chúng tôi được tin các đồng chí ấy đã về.
Khai mạc triển lãm ảnh "Vì Việt Nam: Thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam - Cuba"

Khai mạc triển lãm ảnh "Vì Việt Nam: Thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam - Cuba"

Baovannghe.vn - Sáng 29/4, triển lãm ảnh Vì Việt Nam - Por Vietnam khai mạc tại Viện trao đổi Văn hóa với Pháp - IDECAF (số 31 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Bữa cơm ngày hòa bình đầu tiên. Tản văn của Đặng Huy Giang

Bữa cơm ngày hòa bình đầu tiên. Tản văn của Đặng Huy Giang

Baovannghe.vn - Vì thế, lúc này đây, những khoảng lặng hiện ra trước mắt tôi thật khác thường. Chúng là những khoảng lặng hòa bình.