Chuyên đề

Ngày bão - Tản mạn của Thảo Duy

Thảo Duy
Văn học thiếu nhi
08:51 | 16/09/2024
Baovannghe.vn - Bão thường về giữa đêm, khi phần lớn những đứa trẻ đang ngủ say. Bắt đầu là những tiếng gió chạy ràn rạt trên những vòm cây trong vườn, tiếng quả khô rụng rơi cồm cộp trên mái nhà.
aa

Bão thường về giữa đêm, khi phần lớn những đứa trẻ đang ngủ say. Bắt đầu là những tiếng gió chạy ràn rạt trên những vòm cây trong vườn, tiếng quả khô rụng rơi cồm cộp trên mái nhà. Và mỗi một giờ trôi qua, tiếng gió càng mạnh, cuối cùng là những chuỗi dài rú rít. Bão về cùng mưa. Mưa cứ ràn rạt, tưởng không bao giờ dứt. Sáng ra, gió vẫn ào ào thổi, vườn cây tiêu điều. Cây trứng gà mà những đứa trẻ trong nhà yêu quý nhất đã bung gốc. Bầu trời chỉ còn lại khoảng trống mà cái vòm xanh quen thuộc để lại.

Có lần tôi về Hà Tĩnh chơi với gia đình cậu em cùng lớp đại học. Sau một đêm trằn trọc, sáng ra, tôi hỏi cậu: “Đêm qua có bão phải không?” Cậu em nói: “Không, quê em nhiều gió đấy.” Suốt đêm đó và vài đêm sau, hễ cứ tỉnh giấc lúc nào, tôi lại nghe gió quật sầm sập ngoài vườn, cánh cửa sổ đóng kín cứ như có bàn tay ai đó giữ lấy, hòng giật bung. Thế mà sáng ra, gió chạy biến nơi nào, chỉ còn cái nóng như hun của miền Trung nắng lửa.

Ngày bão - Tản mạn của Thảo Duy
Ngày bão - Tản mạn của Thảo Duy . Ảnh từ internet

Quê tôi cũng nhiều gió. Ngày nào gió cũng ào ào thổi, hiếm khi có một khoảng lặng trên những vòm cây. Có lẽ vì nhiều gió, nên khi bão về, đám cây cối dường như đã quá quen thuộc. Chúng như dẻo dai hơn, xanh biếc hơn. Đứng trong nhà nhìn ra đám cây cối rạp mình nghiêng ngả, tôi cứ thon thót. Thường thì vườn ít khi có cây gãy đổ. Riêng cây trứng gà, có lẽ vì nó đeo nặng một bầy quả xanh, nên không chịu nổi sức gió. Cây trứng gà giống hiếm, quả to như cái ấm pha trà, cân đối, đều đẹp như quả đào tiên trong phim thần thoại. Sau này tôi không gặp ở đâu một cây trứng gà có quả đẹp như thế nữa.

Nhà nông ở vùng bán sơn địa, ruộng cấy lúa thì ít, ruộng trồng màu thì nhiều, nên năm nào mẹ tôi cũng trồng nhiều đậu xanh, đậu đen, lạc, vừng. Những loại hạt đó phơi khô, duôn vào trong những chum sành, những cái chai thủy tinh rồi xếp một hàng dài trong kho. Chúng hữu dụng nhất trong mùa mưa bão.

Bão và mưa lớn thường kéo dài hai, hoặc ba ngày. Ngày bão đầu tiên, mẹ tôi vẫn dậy sớm như thường lệ, chăm lo lũ gà vịt ăn uống đủ đầy. Xong đâu đấy, mẹ mang lạc trong chum sành ra rang chín, rồi nấu đường, đổ kẹo lạc. Lại cũng có ngày bão, mẹ không đổ kẹo lạc, mà bung ngô nếp, nấu chè đỗ xanh. Những món ăn từ các loại hạt được thu hoạch trong năm luôn bung mùi hương thơm nức trong căn bếp nhỏ quẩn khói lam.

Bão về, bố mẹ không phải ra đồng, trẻ con không phải đi học. Thích quá, chỉ mong mưa mãi, bão mãi.

Có năm, bão vừa về trong đêm, sáng ra nước sông đỏ ngầu đã vượt đê, tràn vào đồng ruộng. Người người đội nón, áo mưa kéo nhau ra đầu làng lặng nhìn một màu đỏ mênh mông nước phủ lên những vạt vàng trĩu của lúa hè thu sắp đến ngày thu hoạch. Hay kéo nhau ra cầu, đứng lặng nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy.

Lại có năm, bão về trong đêm, sáng ra, cánh đồng trước nhà ngập ngang bắp chân, và nước lại rất trong. Mẹ tôi chế cái vợt bằng lưới, một tay cầm vợt, một tay cắp rổ ra đồng, trưa mẹ về, cái rổ đầy ắp ốc nhồi vỏ căng bóng, phủ một lớp rêu xanh. Mẹ bảo bọn ốc nhồi thi nhau nổi lên mặt nước, chỉ việc cầm vợt vớt chúng lên. Ốc nhồi ngày bão nấu chuối xanh lá lốt, cả nhà quây quần bên mâm cơm khi ngoài trời mưa gió mịt mù.

Khi bão tan, nước trong đồng rút đi hết, đọng lại ở những vũng là cơ man cá rô đồng. Cá rô một lứa, dày đặc đến nỗi chỉ cần vục tay xuống là vốc được cả vốc cá. Cua nữa. Cua ở đâu theo nước về đậu kín bờ ruộng. Mẹ tôi lại một tay xách xô ra đồng, trưa về là có cả một xô cua vàng ươm khua càng mời gọi. Mẹ tôi có cách chế biến món mắm cua độc đáo, dành cho mùa đông dài khan hiếm thức ăn.

Bão về, nước lên, cá ở các ao khác ngược dòng đổ vào ao nhà, cá ở ao nhà lại xuôi dòng đi tìm miền nước mới. Bố mẹ tôi và mọi người trong xóm lại phải khoác áo mưa lội quanh bờ tìm cách giữ cá. Ngày bão, cá ở chợ nhiều hơn bao giờ hết, và lại rất rẻ. Món cá được ưa chuộng khi được kho nục, ăn với cơm trắng những ngày mưa.

Những ngày có bão, đám trẻ con vui nhất. Tôi thích nằm trong nhà nghe tiếng mưa đổ trong vườn. Đó là muôn thanh âm sống động và háo hức. Thường thì tin về bão chỉ được tiếp nhận qua đài, vô tuyến. Nhưng ngày bão thường bị mất điện, vật duy trì ánh sáng mỗi đêm là những chiếc đèn dầu.

Bây giờ, tin bão khẩn cấp được cập nhật từng giờ, từng giờ. Nay, đọc trên mạng xã hội, bạn viết: “Tin bão, đây đó vài người vắn số. Thiên tai hàng năm như chuyến xe khổ ải đón khách về bên kia trời.” …thấy chẳng còn mong bão.

Bản tin Văn Nghệ: Nghệ thuật góp phần xoa dịu nỗi đau bão lũ Chính phủ: 4 mục tiêu lớn trong khắc phục hậu quả bão lũ Sau bão em đến trường - Thơ Trương Thiếu Huyền Đêm bão tố - Thơ Lê Minh Luyến Sông Hồng bão giông - Thơ Nghiêm Huyền Vũ

Thảo Duy | Báo Văn nghệ

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...