Sáng tác

Lũa - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Phước Thảo

Nguyễn Phước Thảo
Truyện
10:54 | 12/08/2024
Baovannghe.vn - Khi nghèo em chỉ biết yêu, không biết so sánh. Nghèo, hắn là “thiên tài”, nhìn tác phẩm của hắn, em khen nức lòng.
aa

-Cắm đầu vào gỗ mục, không biết làm ra tiền, anh không thấy mình vô dụng à?

Xưa, nhà nghèo, tình tràn đầy, hắn cười.

- Kẻ biết cúi đầu mới nhìn thấy trời cao đất rộng.

Khi nghèo em chỉ biết yêu, không biết so sánh. Nghèo, hắn là “thiên tài”, nhìn tác phẩm của hắn, em khen nức lòng. Họ là hai thực thể trái ngược nhau, một mơ, một thực. Hắn dân mĩ thuật, em ngành thời trang. Cưới nhau, em vét hết vốn chung mở một cửa hàng thời trang. Hắn là cán bộ bảo tàng tỉnh. Luật, em chi cơm nước chợ búa, hắn lo đám tiệc, lễ tiết nội ngoại. Con em chăm, sữa hắn lo. Con lớn, từ mẫu giáo cho đến đại học, tiền chỉ biết xin ba. Chuyện lớn, mua đất xây nhà, 50/50. Năm mươi của em lấy từ vốn chung, năm mươi của hắn vay từ ngân hàng, trừ dần vào lương. Cuộc sống dù chật vật, nhưng hắn hạnh phúc, cực kì hạnh phúc vì em chưa bao giờ can thiệp vào đời “nghệ thuật” của hắn.

Hạnh phúc không kéo dài, em là một phụ nữ có tài, cá tính. Từ cửa hàng thời trang bé tí sau nhiều năm em thổi thành công ty. Từ cô bán hàng, giờ em thành giám đốc. Tiền nhiều tự dưng tình nhỏ lại. Em không còn nhìn hắn bằng cặp mắt ngưỡng mộ. Em nhìn thẳng, nói thật.

- Người ta đi làm, người ta mang tiền tỷ về cho vợ, cho gia đình, anh được gì?

Em so sánh hắn với những người bạn phổ thông, những người giờ là “ông này, bà nọ”.

- Tài sản của họ khác, tài sản của anh khác.

- Tài sản người ta là nhà cửa, đất đai, tiền muôn bạc vạn. Còn anh… đừng nói đống gỗ mục vô dụng đó là tài sản.

- Người mục mới vô dụng.

“Đống gỗ mục” đó là khối tài sản lớn mà anh dùng chính thực tài của mình đánh đổi từ Quân, một đại gia. Với anh, những khối gỗ lụt đó là vô giá. Đó là “báu vật bí mật” để anh cao ngạo với đời với bất cứ thằng bạn giàu “xạo ke mắt me” nào dám lên mặt với anh. Và đó cũng là lí do để em khịa.

- Nghèo mà xạo, chơi với người lúc nào cũng ngu mà cứ tưởng mình khôn.

Khi người ta so sánh, góc nhìn nào cũng hạn hẹp. Họ chỉ thấy được một hai mà không nhìn ra vô cực. Trời đất bao la, kiếp người phù du, sá gì hơn thua, được mất. Giàu, lẽ ra em rộng lượng, là chỗ dựa, là hậu phương vững chắc, đằng này em lại cay cú.

- Tưởng theo năm tháng anh giỏi, có tài, tui lầm.

Hắn là người, không là gỗ đá. Đôi khi hắn muốn gào lên: “Anh không làm ra nhiều tiền, nhưng anh không phải là thứ vô dụng.” “Nuốt lệ vào tim”, nỗi đau đó thật khủng khiếp. Đến một ngày, giọt nước tràn ly. Em thẳng thừng.

- Tui không thể sống với một người vô dụng, mình chia tay đi.

Dù đau buốt trong tim nhưng hắn thấy mình hững hờ.

- Ừ! Chia tay thì chia tay.

Sự vô cảm nơi hắn làm em điên tiết.

- Không hiểu sao ngày xưa tui có thể yêu được ông?

- Chữ tình lớn, chữ tôi nhỏ, chữ tiền bé, người ta yêu. Khi tình không còn, các chữ còn lại đều vĩ đại, người ta không còn yêu, chuyện thường.

Lũa - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Phước Thảo
Lũa - Truyện ngắn của Nguyễn Phước Thảo. Họa sĩ minh họa: Vũ Đình Tuấn

Hắn tên Lụt, tên thường như: Xoài, Ổi, Mận, Đào… của trẻ con vùng đồng bằng sông Cửu. Mẹ sinh hắn trong một mùa lũ lớn, nước tràn bờ, gỗ trôi về từ thượng nguồn lềnh bềnh trên sông. Lụt là tên thường dùng, khai sinh là Lũa, Nguyễn Ngọc Lũa.

Ba hắn, một người mê đồ chạm, tham gia những ban hội đình chùa, thờ phượng tâm linh. Ba thân với ông Tư, một thợ chạm nổi tiếng. 8 tuổi, hắn được ba gởi ông Tư học chạm. Một thời ông Tư cưng hắn như con, ổng nói hắn có nghề bẩm sinh, chạm là vật có hồn. Lớn, hắn chọn trường mỹ thuật, ngành điêu khắc.

Thời sinh viên hắn mê tượng, chọn vật liệu chế tác là đá. Theo hắn đá là vật liệu có hồn. Đá sinh ra từ sự hình thành trái đất, hồn phách ngút ngàn. “Sáng tác nghệ thuật là con đường câu thông cái tôi của nghệ sĩ và thượng đế.” Biết là viển vông, nhưng hắn vẫn tham vọng. Hắn từng theo Nguyễn Oanh, một điêu khắc gia nổi tiếng người Đồng Tháp. Nhận ra đồng hương, thầy ưu ái cho hắn tham gia công trình lớn tỉnh nhà như tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ, tượng Quận công Trần Văn Năng. Dù chỉ tham gia phần thô, nhiêu đó cũng đủ để hắn tự hào. Biết ba “tâm linh”, hắn tạc tượng Như Lai, tượng làm từ đá quý. Ba cầm trên tay ngắm nghía, soi từng chi tiết.

- Đẹp!

Ba lấy từ bàn thờ Phật một miếng gỗ mun, trên đó chạm phật Quan Âm.

- Con nhớ bức chạm này không?

Đó là bức chạm Phật khi hắn học với ông Tư. Vật liệu là miếng gỗ lụt lấy từ đáy sông Tiền. Gỗ nặng, cứng như sắt. Xưa, chạm được bức tượng, với hắn là một kì công.

- Với ba, đá chỉ có tuổi, gỗ mới có hồn. Gỗ có sống chết, có tuổi thọ. Gỗ lụt trầm tích dưới đáy sông, vùi sâu trong lòng đất mới là thứ gỗ lạ, kì bí. Để tồn tại, gỗ đã vượt qua sự xói mòn của nước, sự xâm thực của đất, sự tàn phá của thời gian. Nó là tinh hoa của một đại thụ nào đó cách đây vài trăm năm, thậm chí ngàn năm.

Ba nhìn miếng gỗ rồi nhìn hắn.

- Gỗ lụt khi thành một tác phẩm, lụt lột xác thành lũa. Muốn hồn vía, muốn câu thông với thần linh, muốn bất cứ điều gì, con hãy tìm trong chính mình. Con chính là Lũa. Kinh phật có câu: “Phật tại tâm.”

Hắn sững người, chất liệu mà bao lâu nay hắn tìm kiếm là đây, gỗ lụt.

“Sự giác ngộ mà bạn tìm thấy trên đỉnh núi, là do chính bạn mang lên trên đó.” Khi đặt tên hắn là Lũa, ba đã có một kì vọng.

*

- Ở đây ai tên Lũa?

Nàng đột ngột xuất hiện trong xưởng. Nàng trẻ, đẹp và đầy kiêu ngạo.

- Ngoài cô, tất cả ở đây điều là lũa. Lũa ở đây không bán.

- Em không mua, nghe đồn ở đây có một nghệ nhân tên Lũa.

- Cô bị đồn lầm, ở đây không có nghệ nhân.

- Anh tên gì?

- Lụt, thợ chạm.

- Đúng rồi, em tìm anh. Tên thường dùng là Lụt, tên nghệ nhân là Lũa.

- Cô nghe thiên hạ đồn…

Nàng ngắt ngang.

- Anh đừng lặp đi lặp lại, em không nghe đồn. Anh là nghệ nhân, đừng cợt nhả mà làm sụp đổ một idol trong em.

Ô trời, con “chảnh”, mắt cao hơn mày mà thốt ra một câu nghe rất được. Được đến nỗi hắn thấy mình quê, ngượng đơ đơ cái mặt.

- Sorry, nếu quý cô muốn nhìn, cứ tự nhiên.

Ác cảm với người giàu, thứ đó ẩn sâu trong máu người nghèo. Hắn từng được dạy: “Người giàu luôn luôn xấu.” Lớn lên, hiểu ra mới biết được mình được dạy là sai. Người xấu tốt không do giàu nghèo, xấu tốt là ở bản tâm. Biết mà vẫn phạm, thấy con nhỏ “giàu” ghét, “cợt” người ta bị “chỉnh”, quê.

Hắn đang tạc bức Hàng ma thành Phật, đây là công trình hỗn hợp nhiều lớp trên một thân gỗ lụt to có đường kính ba mét, dài bảy mét. Những khối gỗ lụt khổng lồ hắn có được từ một cuộc đánh đổi với Quân một nhà thầu chuyên khai thác cát. Nhiều năm lăn lộn trên sông, Quân sưu tầm được rất nhiều gỗ lụt và tập kết thành một bãi gỗ khổng lồ. Khi ngộ ra chất liệu mà bao lâu tìm kiếm là gỗ lụt, hắn săn tìm. Gỗ lụt là thứ hàng hiếm, săn tìm được là chuyện hi hữu. Lần đầu tiên nhìn thấy bãi gỗ lụt của Quân, hắn rụng rời. Với nhiều người, bãi gỗ lụt của Quân là rác, với hắn đó là một kho báu.

Hắn tìm Quân và rụt rè hỏi mua một vài khối gỗ. Hắn nghèo, tiền ít, chỉ dám đề xuất mua những mảnh gỗ nhỏ. Quân không bán.

- Không tính gỗ, chỉ tính công trục vớt chuyên chở, mỗi miếng gỗ lụt nằm đây có giá trị rất cao. Nhưng thực tế nó chỉ là rác, ông cần nó làm gì?

Hắn nói thật.

- Gỗ lụt là loại gỗ thăng trầm với thời gian, hòa quyện với trời đất. Trong nó ẩn chứa nhiều năng lượng kì bí, huyền ảo. Nó là tinh hoa còn lại của những đại thụ từ ngàn năm trước. Có thể coi gỗ lụt như là một thứ xá lợi của cây, của những đại thụ. Tôi cần gỗ lụt để sáng tác.

Quân nhìn hắn chằm chằm.

- Không biết tay nghề ông ra sao, nghe ông nói tôi sướng. Tôi sưu tầm nó, biết nó quý nhưng tôi không thể nói một cách cụ thể, mạch lạc như ông. Tri kỉ chỉ có thể ngộ chớ không thể cầu, chắc mình có duyên. Tôi có một đề nghị. Ông chế tác cho tôi một khối gỗ, ông được trả công bằng một khối gỗ cùng kích thước. Còn chế tác nó như thế nào, đó là chuyện của ông, ok?

- Ok!

Một đề nghị không thể cưỡng, được chạm tay vào kho báu, với hắn đó là thiên đường. Thoạt đầu hắn chỉ chế tác những mảnh nhỏ, những thứ có thể di chuyển được bằng Honda, xe kéo. Nặng, vài ba người khiêng hoặc dùng balan, tời. Khi đụng tới những khối gỗ lớn, di chuyển là phải dùng xe chuyên dụng. Chế tác cần phải có nhà xưởng lớn, trang bị cẩu, ròng rọc, cưa thẳng cưa vòng. Để thực hiện ước mơ, hắn vay ngân hàng, cất xưởng trên mảnh đất thừa tự. Biết làm nhà xưởng tốn nhiều tiền nhưng không sinh lợi, em cà khịa.

- Người khôn làm cái gì cũng sinh lợi, người ngu đụng đâu lỗ đó.

Được luyện tay nghề trên chất liệu quý hiếm, được tự do sáng tác, hắn đang sống trong thiên đường. Có những thứ thiên đường con người chỉ có thể “ngộ” mà không thể chia sẻ với bất kì ai, kể cả vợ. Bị chê ngu, hắn chỉ biết cười. Nhờ “ngu”, sau mười năm hắn có một xưởng nghề như ý và một khối tài sản gỗ lụt ngồn ngộn.

Chia tay em, hắn thu mình trong xưởng. Cứ tưởng mọi chuyện sẽ qua đi dễ dàng, nhưng sự thật không dễ như hắn nghĩ. Nỗi đau không giày xéo tâm can, không, giày vò tâm trí. Trong tiềm thức, trong những cơn mơ, tim hắn nảy lên từng cơn đau nhói, điếng buốt điên dại. Tỉnh giấc thấy mình vật vã oằn oại. Nỗi đau trong tiềm thức vượt qua mọi sự chịu đựng của con người. Chưa bao giờ hắn thấy mình chông chênh, mong manh dễ vỡ như vậy. Để tồn tại, hắn học cách vỗ về tim mình. Sống và vượt qua chính mình từng phút một. Thời gian là liều thuốc tốt, mãi đến khi chìm được vào những khối gỗ lụt, hắn dần thăng bằng. Cuộc sống luôn công bằng với người có tâm. Xưa hết lòng với nghề, nhờ đó mà hắn có đống gỗ lụt ngồn ngộn cứu cánh khi hắn “mong manh”. Bằng không… chắc gì hắn đã vượt qua!

Xưởng không có nhiều tranh, ít tượng. Chỉ có sáu khối tranh tượng hỗn hợp hoành tráng đặt cuối xưởng. Đó là những bức hắn tốn rất nhiều công phu và thời gian. Riêng bức Đạo cao một thước, ma cao mười thước hắn mất năm năm mới hoàn thành.

Nàng đi một vòng, mất một thời gian lâu mới quay về gặp hắn.

- Tranh tượng ở đây mang một phong thái khác với những tranh tượng ở khu Lũa.

Gần đây, trên một đầu cồn giữa sông Tiền có một khu du lịch mang tên “Lũa”. Khu Lũa hoàn toàn làm bằng gỗ lụt và trưng bày nhiều tác phẩm bằng gỗ lũa. Nhiều tum được dựng trên bãi cát, mái hình nón xen trong những hàng dừa dọc bờ sông. Những chiếc cầu bằng gỗ lụt uốn lượn mối những mái lá tạo nên một cảnh quan nên thơ, tuyệt đẹp. Nhìn từ trên cao, “Lũa” như là một góc thu nhỏ của thiên đường nghỉ dưỡng Hawaii.

- Ở đó là gỗ lũa, còn ở đây là gỗ lụt.

- Không có gỗ lụt thì không có tác phẩm lũa.

Hắn nhìn nàng.

- Kinh Phật có câu: “Liên hoa là sen, nhưng sen chưa hẳn là liên hoa.”

Nàng bật cười.

- Sorry, đúng ra em phải nói: “Lũa là từ gỗ lụt, nhưng gỗ lụt chưa hẳn là lũa.” Không có những nghệ nhân, gỗ lụt vẫn là gỗ lụt, qua tay nghệ nhân, gỗ lụt mới biến thành lũa. Như sen, được Phật ngự, mới thành liên hoa.

- Nhanh!

- Không nhanh, góc xưởng có tượng Quảy dép về Tây, tượng lạ, không hiểu.

- Lạ sao?

- Một, chiếc dép quai chéo. Hai, gậy không phải là nhánh cây, gậy bằng tre nhiều đốt. Ba, tượng nhìn giống Đạt Ma mà không phải Đạt Ma. Vậy đó có phải là tượng Quảy dép về Tây.

- Ai quy định quảy dép phải là Đạt Ma. Thế gian này đâu chỉ Đạt Ma biết quảy dép. Người có đức tin, biết về Tây là an lạc. Tây là Tây phương, là hướng tây và cũng có thể là miền Tây. Nghệ thuật là một thứ có thể “ngộ”, còn “ngộ” thế nào là tùy duyên.

- Trong khu Lũa tất cả những bức anh tạc đều đẹp, thần thái, hồn phách ngút ngàn. Phượng hoàng Niết bàn, dục hỏa trùng sinh là tượng em thích nhứt. Gỗ lụt đen mun, lạnh. Vậy mà anh vẫn khơi lên được sức nóng huyền bí kì dị của Phượng hoàng trùng sinh. Những tác phẩm anh làm trong khu Lũa là “đời”, ở đây là “đạo”. Anh đúng là kì tài.

Thánh nhân được khen cũng thích, huống hồ chi hắn. Được một cô gái đẹp khen, nói đúng điều tâm đắc, hắn sướng. Hắn thấy mình thân thiện.

- Tính ra em nhìn được khá nhiều điều, hiểu biết nhiều chuyện. Bức Phượng hoàng đó anh không đề tích, vậy mà em cũng nhận ra Dục hỏa trùng sinh. Em là dân mĩ thuật?

- Không, em chỉ là người đọc sách.

Nàng cười cười.

- …và là thứ nhiều chuyện!

Hắn ngớ ra rồi nhìn nàng bật cười, cười rất thoải mái.

- Sorry, anh không cố ý. Gặp em lần đầu mà đã xin lỗi hai lần, anh tệ!

- Em lại thích anh như vậy, anh giàu cảm xúc và cực kì nhạy cảm.

- Em biết uống rượu không? Tự nhiên anh thích được mời em ly rượu.

Xưởng có cái sập, chế tác từ gỗ lụt, đen bóng, mát lạnh. Đó là nơi hắn thường uống trà, nhậu với bạn, ngả lưng khi mỏi mệt. Mồi đơn giản, khô sặc sầu đâu, tôm khô củ kiệu, bịch đậu phộng rang và chai đế. Rượu rót ra ly thơm lừng, sực nức mùi ngũ vị hương.

- Rượu áp xanh Bến Tre.

- Sao biết?

- Em là dân Bến Tre, ngửi mùi là biết.

- Ở đâu?

- Bình Hòa, Giồng Trôm.

- Vậy em là con nhà nòi?

Nàng chỉ cười. Có ly rượu, hai người xa lạ bỗng nhiên thấy gần, thân thiện.

Sau một thời gian dài “chìm” trong những tác phẩm lớn, xả hơi hắn thèm rượu, thèm bạn. Thường hắn đi Sài Gòn, say bí tỉ với những người bạn tâm đắc. Sau đó thấy mình tươi mới, và tiếp tục sáng tạo. Chìm được vào một tác phẩm lớn, hắn có cảm giác “lạc”. Những họa tiết, hình hài cuốn hắn vào một thế giới khác, thế giới đó hắn thấy mình là thượng đế, là người duy nhất tạo ra mọi vật. Hắn quên mình là ai, quên mất mình từng có một gia đình và có những đứa con. Xưa, hắn từng nghĩ mình là người hạnh phúc, hắn có một gia đình đầm ấm, có những đứa con ngoan. Con lớn di truyền được ở hắn cái tính “thật”. Hi vọng chúng giỏi hơn cha về cái khoản làm ra tiền. Sống và làm ra tiền, hắn chỉ là đồ vô dụng. Ai đó từng nói, một nghệ sĩ khi bị đẩy vào đường cùng, phải trải qua những nỗi đau tột độ, có vậy mới thành tài. Khi đó hắn cười. Hắn không muốn thành tài. Đời người quá ngắn, sống trong đau khổ, bất hạnh, có là thiên tài hắn cũng không ham.

Nhưng cuộc sống luôn có chữ ngờ… để quên nỗi đau, vượt qua cơn vật vã, hắn cố chìm vào trong tác phẩm, những khối gỗ lụt. Không ngờ điều đó đánh thức một phần khác trong con người hắn. Những năm sau đó, hắn cho ra đời hàng loạt tác phẩm lạ, tác phẩm như nàng đang đánh giá.

- “Gỗ lụt là xá lợi của những đại thụ.” Em cực kì thích câu nói đó của anh. Chính vì câu nói đó mà có khu du lịch mang tên Lũa. Em muốn đưa thứ “xá lợi” đó cho mọi người chiêm ngưỡng. Đến xưởng của anh, em chợt hiểu ở khu Lũa chỉ là “xá lợi” gỗ, ở đây mới là “xá lợi” Phật. Những tượng Phật, các điển tích Phật do anh chế tác làm người khác nhìn, liễu ngộ.

Hắn nhìn nàng chằm chằm. “Gỗ lụt là xá lợi…” Câu đó hắn chỉ nói với một người.

- Quân là gì của em?

- Chút biết?

- Là sao?

Nàng ra vẻ thần bí.

- Thiên cơ bất khả lộ.

Nàng không muốn nói, hắn cũng chả quan tâm. Họ quan hệ thế nào, kệ!

Quân tới và mang theo mồi, mồi đúng thứ hắn thích. Cá lăng nướng muối ớt. Quân xăng xái bày thức ăn ra bàn.

- Cô nói đang nhậu với ông, có mồi gì ngon xách lên. Tôi biết ông thích mồi gì, kêu lính làm liền. Cô hay, mới gặp lần đầu mà được ổng mời nhậu, chớ con ở đây cả đời, chưa hề.

Tuổi nàng còn kém Quân xa. Gọi cô xưng con, nàng và Quân phải là bà con thân thích.

- Tôi cũng nhậu với ông nhiều lần mà.

- Nhậu là tôi mời, ông chưa hề.

Từ “chưa hề” của Quân chua nhưng vui. Hợp tác 50/50, hắn hết lòng chế tác cho Quân những tác phẩm đẹp, đổi lại hắn được những khối gỗ lụt vừa ý. Đó là mối quan hệ sòng phẳng. Nhậu với Quân là nhậu với đối tác. Dù biết Quân quý mình, hắn vẫn chưa bao giờ coi Quân là bạn. Khai trương Lũa, Quân mời nhiệt tình, hắn viện lí do bận việc cơ quan, vắng. Hắn ngại ngồi với quan chức, người giàu. Vì quyền lợi, vì mưu cầu, con người phải tự ép mình. Không có nhu cầu, hắn không tự ép. Đời hắn, rượu là ngồi với bạn, tri kỉ.

Quân từng trải lòng.

- Tôi biết ông chưa coi tôi là bạn, nhưng với tôi ông là bạn. Được quen và uống rượu với một nghệ nhân như ông, đó là duyên phận. Mai sau người ta nhắc đến Lũa, họ biết có một người tên Quân từng chơi với nghệ nhân Lũa.

Hắn cười.

- Họ chỉ nói xứ này có một ông Quân từng chơi lũa.

… Thấy mình có lỗi, hắn rót mời Quân ly rượu.

- Sorry, tôi có lỗi. Ly rượu này xin tạ lỗi, từ hôm nay, mình là bạn.

Quân cười.

- Giờ ông là bạn của bà cô, tôi bít cửa rồi.

- Mình là dân miền Tây, tứ hải giai huynh đệ.

- Hay! Ngồi cùng một bàn, mình là anh em. Em tên Minh, Vy Minh, hân hạnh được làm bạn với anh.

Uống cả chục ly rượu, giờ mới thiệu tên, còn chìa tay kết bạn, nàng “quái”. Qua cuộc nhậu, hắn biết bố nàng từng nhận ba Quân là con khi ông có một thời làm việc tại Đồng Tháp. Nàng tâm sự.

- Em học du lịch, khởi nghiệp bằng một khu du lịch. Không thời, thất bại, lỗ nặng, sập tiệm. Một người quen cũ của ba làm bên ngành xây dựng biết, họ giúp. Họ cho em “thầu” những công trình san lấp lớn, lấn sông, lấn biển, em đâu biết, nhớ thằng này, bắt nó giúp. Một lần, nó tặng em miếng gỗ mun chạm hình một phụ nữ. Hỏi ai, nó nói: “Đây là người phụ nữ kinh doanh giỏi nhứt vùng, cô thờ bả, hợp bả độ cô giàu mấy hồi.” “Là sao?” “Bả không bỏ ra đồng vốn nào nhưng tiền vô ngàn tỷ.” Sau mới biết đó là Bà Chúa Xứ. Từ lúc có tượng, em làm đâu trúng đó. Khu du lịch xập xệ hồi xưa, tân trang mở lại, khách vô nườm nượp.

À! Hắn chợt nhớ, có một lần Quân đưa hình yêu cầu hắn tạc làm hình thờ. Lúc đó hắn đang làm bức Phượng hoàng, tới lúc Dục hỏa trùng sinh. Miếng gỗ đó được lấy từ lõi, mặt sau Phượng hoàng, gỗ đen mun, cứng như đá hóa thạch. Nhờ có một thời từng chế tác đá, hắn mới chạm được tượng. Lúc đó hắn đang say với “Phượng hoàng”, chìm trong “Dục hỏa”, hắn đang “phiêu”, chạm tượng mà đường nét lung linh, cực kì thần thái, hồn phách uy nghi. Tạc xong nấn ná không muốn đưa, tiếc.

Hắn kể lại chuyện và kết.

- Biết đâu, ngày xưa đó là một thần mộc, nên giờ gỗ có linh khí.

Nàng cảm thán.

- Vùng đồng bằng sông nước này có nhiều chuyện thật huyền vi...

- … Khi biết Tượng Bà làm từ gỗ lụt, nghe câu “Gỗ lụt là xá lợi của những đại thụ”, em rùng mình. Em nghĩ có một thứ huyền bí nào đó đã dẫn dắt em. Ngày khai trương Lũa, ngóng một người nhưng không thấy. Biết về anh từ rất lâu, nhưng lúc đó anh đang hạnh phúc… Giờ ngồi đây, được uống với anh một ly rượu, em rất vui.

*

Khi ôm một tác phẩm lớn trong đầu, chi tiết, bố cục, họa tượng, mây trời sông núi, những hình ảnh đó luôn vần vũ cuồn cuộn và thay đổi liên tục trong tâm tưởng. Có một lúc hắn thấy mình “thông linh”, nhìn khối gỗ lụt thô, tự nhiên trong đầu hắn hiện lên một tác phẩm hoàn hảo, rõ đến từng họa tiết. Tác phẩm hoàn thành không sai với tâm tưởng, đẹp và cực kì thần thái. Có khi, một mình giữa đêm khuya, đi giữa những khối gỗ lụt, nhìn đâu hắn cũng thấy hiện lên những tác phẩm đẹp. Nhìn khối gỗ thô là hiện lên tác phẩm hoàn chỉnh, có những tác phẩm có hình dáng lạ lùng mà trong đời thực hắn chưa từng gặp, chưa từng nghĩ đến. Hắn thấy mình phiêu. Gỗ lụt là thứ tài nguyên huyền bí, ẩn chứa năng lượng huyền vi, lẽ nào mình có “duyên”, đã “chạm” và “thông linh”. Hết phiêu, hắn cho đó là hoang tưởng. Dân “nghệ thuật”, ít nhiều gì cũng hoang tưởng, có người “lậm” hoang tưởng đến độ điên rồ. Khoa học từng chứng minh, thiên tài và kẻ điên rồ có rất nhiều điểm giống nhau, khác nhau ở chỗ họ biết “nhận thức bình thường” của người thường đặt ra.

Nàng thường đến xưởng tìm hắn vào những ngày cuối tuần, nàng nói thích xem hắn chế tác. Dù không mời nhưng hắn vẫn niềm nở đón tiếp. Khi thì uống với nhau chén trà, lúc ngồi bên nhau ly rượu. Hắn xem nàng là một “hồng nhan tri kỉ”.

Lũa - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Phước Thảo
Lũa - Ảnh minh họa

- Mình quen nhau mấy năm rồi anh hén.

- Năm năm.

- Thế giới này cứ sau mỗi năm năm là một sự thay đổi.

Làm bạn với nhau sau ngần ấy thời gian, hắn quá hiểu ý của nàng.

- Phụ nữ thường hay so sánh. Anh là thứ đàn ông vô dụng, anh không biết cách làm ra tiền. Không đem được nhiều tiền cho người phụ nữ mình yêu. Để bị tổn thương một lần nữa, anh có lỗi với chính mình.

- Không làm ra tiền nhưng anh không phải là người vô dụng. Xã hội bây giờ khối kẻ biết làm ra tiền, rất nhiều tiền nhưng họ chỉ là bọn bất tài. Chẳng những bọn họ bất tài, mà còn bất nhân, bất nghĩa. Những kẻ dựa vào ghế, dựa vào hệ thống làm ra tiền tỷ, hành xử còn tệ hại hơn. Anh sống bằng nghề, nuôi dạy con tốt, tạo nên những tác phẩm đẹp, anh mới là người giàu, rất giàu. Tác phẩm anh để lại cho đời sau là vô giá. Đến giờ mà anh vẫn còn tự dằn vặt mình gì điều đó, anh quá cố chấp.

- Anh không cố chấp, anh chỉ tỉnh táo và nhìn ra sự thật.

- Sự thật nào ở đây?

- Ba mươi bảy tuổi, Van Gogh tự bắn vào đầu mình. Một danh họa thiên tài mà cả đời phải sống trong nghèo khó, kiệt quệ, túng quẫn cùng cực. Có một lúc anh đồng cảm và hiểu tâm trạng của ông ấy. Khi tự nhìn thẳng vào mặt mình và nhận ra mình chỉ là thứ vô dụng, tâm trạng đó thật khủng khiếp. Kẻ nghĩ mình là thiên tài, sự “tự kỉ” đó càng khủng khiếp hơn. Hên, anh biết mình không phải thiên tài. Đời nghệ sĩ kết cục thường bi thảm.

Nàng chụp bàn tay hắn. Tay nàng lạnh, những ngón tay run rẩy.

- Anh đừng làm em sợ, nghe anh nói mà tim em như muốn nát ra.

*

- Lại năm năm nữa trôi qua, một cái tết nữa sắp đến anh có biết không?

- ……………….

Họ hai người ngồi trên một cái tum trong khu Lũa. Nước sông Tiền mênh mông, cái tum bồng bềnh trên sóng. Tít xa, mặt trời đang xuống, vệt nắng cuối ngày tiến dần về phía họ, nắng vàng lấp loáng hiện ra con đường tuyệt đẹp lướt trên sóng hướng về Tây.

- Sau mỗi năm năm thế giới này sẽ có một sự thay đổi. Năm năm trước anh nói mình vô dụng, giờ tác phẩm đã triển lãm, và có người ra giá tiền tỷ. Năm năm tới lí do của anh là gì?

Hắn làm thinh. Được kết bạn với nàng đó là niềm vui. Có một người tham ngộ, theo dõi, tán thưởng, hàng loạt tác phẩm lớn nhỏ của hắn ra đời. Hắn thích cuộc sống hiện tại, tự do không ràng buộc. Là bạn, là người yêu, người tình, mọi phụ nữ đều đáng yêu. Là vợ, phụ nữ không còn đáng yêu. Mọi bà vợ điều phán xét chồng, so sánh chồng với những người đàn ông khác. Mọi bà vợ điều chỉ biết nhìn lên và luôn thấy chồng mình thấp kém.

- Anh thích sự tự do. Anh đang sống tốt, sáng tác tốt, anh không muốn thay đổi. Sự tự do tuyệt đối là nguồn sáng tạo không bến bờ.

Lời thẳng mất lòng, biết nói thẳng nàng sẽ buồn, rất buồn. Tưởng là nàng buồn, nhưng không, nghe hắn nói, nàng cười.

- Anh có biết muốn có sự tự do tuyệt đối là phải đánh đổi bằng sự cô đơn tĩnh lặng vĩnh hằng. Sống không ai chọn cho mình sự cô đơn… trừ những người bị sang chấn tâm lí, bất hạnh…

Con đường nắng hướng về Tây, “xộc” thẳng vào nơi hắn ngồi, nắng đi vào mắt, lập lòe những tia sáng.

- … Muốn sống hạnh phúc là phải biết tự do trong khuôn khổ, hoặc tự chọn cho mình một khuôn khổ để hạnh phúc. Hạnh phúc là một thứ nguyên tắc do con người quy định. Tự do tuyệt đối là phá vỡ mọi nguyên tắc… thế giờ này tồn tại là bởi vì có nguyên tắc.

Nắng chiều đập thẳng vào mắt, hắn thấy mắt mình cay.

Thành hoàng hồi hương - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng Ngọc lan trắng. Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Bình Đêm định mệnh - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa Bên sông giặt áo. Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa

Nguyễn Phước Thảo | Báo Văn nghệ

Báo Văn nghệ số 32/2024
Ông Hữu họa sĩ. Truyện ngắn dự thi của Đỗ Hữu Khôi

Ông Hữu họa sĩ. Truyện ngắn dự thi của Đỗ Hữu Khôi

Baovannghe.vn- Họa sĩ Hữu luôn có cách nói ví von bằng hình ảnh, rất mộc mạc, dễ hiểu, không lần nào giống lần nào. Là họa sĩ nổi tiếng, nhưng ông khác hẳn các họa sĩ cùng thời. Không quần xanh, áo đỏ, phụ kiện rủng rẻng, không râu dài, tóc búi cua hay cạo trọc, không xe nọ, đồng hồ kia...
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Baovannghe.vn - Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, Trung ương đã thảo luận, thống nhất các vấn đề quan trọng.
Cũng tại mùa đông. Truyện ngắn của Lê Minh Hà

Cũng tại mùa đông. Truyện ngắn của Lê Minh Hà

Baovannghe.vn- Bờ Hồ là nơi ông biết nhất. Ngôi nhà nơi ông được sinh ra ngay Hàng Bài, nhìn qua là Tràng Tiền Plaza, xưa là Bách hóa tổng hợp, xưa hơn là nhà Goda. Bà mẹ ông lúc còn sống vẫn gọi là nhà Goda, bảo vào đó đếm cũng ra hơn trăm thứ hàng hóa, hơn một bách, mỗi tội ông nhà nước chỉ bày chẳng thấy bán. Mười năm cấp một hai ba trường ông học loanh quanh nơi này cả.
The Vienna Concert - Trái tim âm nhạc cổ điển châu Âu đập rộn ràng tại Hà Nội

The Vienna Concert - Trái tim âm nhạc cổ điển châu Âu đập rộn ràng tại Hà Nội

Baovannghe.vn - Hai đêm diễn Hòa nhạc Vienna - The Vienna Concert, thuộc chuỗi Musical Seasons 2024-2025, đã chính thức khép lại vào tối 24/11/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, để lại những dư âm không thể nào quên trong lòng khán giả Thủ đô.
Đeo lại xà tích - Thơ Trần Đức Tín

Đeo lại xà tích - Thơ Trần Đức Tín

Baovannghe.vn- Em đã về rồi phải không/ hãy đến đây ngồi xuống bên cọn nước