Sáng tác

Búa nước - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan

Nguyễn Thị Phương Lan
Truyện
08:00 | 17/08/2024
Baovannghe.vn - Bố đi xuất khẩu lao động ở Đức gần mười lăm năm không chịu về hẳn. Niềm kiêu hãnh có bố đi Đức dần chuyển thành nỗi sầu não của gia đình Nguyệt
aa

Mẹ à. Chúng con rất yêu và thương mẹ nhưng chúng con phải đưa mẹ về lại quê thôi. Nguyệt nói câu đó với mẹ với thái độ dứt khoát khiến mẹ cô sững sờ. Từ xưa đến nay cô chưa bao giờ dám nói với mẹ những câu như thế. Mẹ luôn là người đưa ra mệnh lệnh còn Nguyệt cùng các chị em cô là người thực hiện.

- Tao ra đây là để ở với chúng mày. Bố chúng mày lại sắp về. Sao chúng mày lại bảo tao về quê? Tao tưởng chị em chúng mày mua cái nhà này cho bố mẹ đoàn tụ, dưỡng già chứ! Ở quê ruộng vườn, lợn gà đã giải quyết hết, cái nhà cũng đã dọn dẹp sạch sẽ để cho thuê, người ta chuẩn bị dọn đến ở rồi…

- Nhưng con không thể chịu đựng được nữa. Đầu con sắp nổ tung rồi!

Nguyệt vùi đầu vào chăn khóc nấc lên, nghẹn ngào. Người cô lạnh ngắt, run lên từng đợt trong khi mấy ngón tay lại bỏng rát. Tiếng boong boong như tiếng gõ búa lại vang lên trong đầu cô.

Búa nước - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan
Minh họa Lê Trí Dũng

Mẹ cô luôn đau ốm. Bố đi xuất khẩu lao động ở Đức đã gần mười lăm năm không chịu về hẳn. Niềm kiêu hãnh có bố đi Đức dần chuyển thành nỗi sầu não của gia đình Nguyệt. “Tao không biết bố chúng mày có vợ con bên ấy không. Ông ấy không bao giờ nói. Tao cũng không bao giờ hỏi. Tao không biết khi nào ông ấy về hẳn hoặc có về nữa hay không và tao cũng không quan tâm, miễn là cứ gửi tiền về nuôi chúng mày ăn học là được”. Mẹ thường thẳng thừng tuyên bố như thế. Nhưng hễ có ai nói bóng gió bố có vợ con bên ấy là mẹ đáp trả bằng những lời lẽ sắc bén khiến người đó sượng sùng lẩn mất. Ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ, Nguyệt thường nghe mẹ thủ thỉ kể hồi xưa bố mẹ yêu nhau lắm, hai người đẹp đôi nhất làng, tham gia làm đường giao thông, đắp đê, đào ao, cấy lúa, lúc nào hai người cũng nổi bật, là tâm điểm của đám đông. Nguyệt nghe mẹ nói về bố như thế thì cảm thấy nghi ngờ. Yêu nhau lắm mà bố đi biền biệt gần mười lăm năm không chịu về. Yêu nhau lắm mà bố có vợ có con khác hay không mẹ cũng không thèm quan tâm. Nhiều lúc Nguyệt còn nghĩ bố mẹ mình chưa từng lấy nhau, bố cô chưa từng tồn tại, chỉ là do mẹ tự tưởng tượng và thêu dệt nên mọi chuyện. Cô càng nghĩ càng thấy mông lung.

Hay mẹ thay đổi tính tình từ sau vụ tai nạn gãy chân đó? Nguyệt nhớ lại, lúc đó cô tầm năm tuổi, trên đường đi chợ về mẹ bị một chiếc xe bò chở củi lao từ trên đỉnh dốc xuống đâm vào. Đến bây giờ hình ảnh chiếc xe bò lao ầm ầm vẫn ám ảnh, thỉnh thoảng mẹ vẫn hét lên trong đêm. Sau đó là hành trình chạy chữa từ bệnh viện địa phương đến trung ương, lê lết khắp các trung tâm vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Cái chân gãy của mẹ bị teo nhỏ, hơi cong và sạm lại, không còn đầy đặn, thẳng và trắng trẻo như trước nữa. Bố thì vẫn thế, to cao, đẹp trai, hào hoa. Càng thêm tuổi trông bố lại càng phong độ. Mẹ sinh ra cáu bẳn và xa lánh bố.

Dần dần mẹ trút mọi nỗi bức xúc, đau đớn, buồn rầu lên những đứa con gái của mình. Mẹ vẫn yêu chị em Nguyệt bằng một tình yêu mãnh liệt vì nghĩ chúng thiệt thòi khi có một người mẹ ốm đau bệnh tật không lo cho chúng được cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp, nhưng đồng thời mẹ cũng độc đoán, rào chắn chúng lại một cách cẩn thận quá mức. Mẹ luôn tự làm đau mình mỗi khi tức giận. Và điều đó rất hiệu quả đối với chị em Nguyệt. Mấy chị em cô răm rắp tuân theo mọi lời nói của mẹ vì sợ mình đau thì ít mà sợ mẹ đau thì nhiều. Dường như cách dạy của mẹ là những hạt mưa dầm thấm lâu, lại vừa như dòng nước lũ tác động trực tiếp đến tận cùng các ngóc ngách trí não của các con.

Tuy cái chân của mẹ hơi bị tật, đi lại khó khăn nhưng mẹ vẫn đi được xe đạp. Cái dáng mẹ leo lên chiếc xe trông thật vất vả, vậy mà sáng nào mẹ cũng cố gắng đi chợ sớm để kịp mua thức ăn, quà sáng cho chị em Nguyệt kịp đến trường. Từ ngày bố sang Đức theo diện xuất khẩu lao động, mẹ càng vất vả. Một nách ba con, hứng chịu mọi lời bỡn cợt, đàm tiếu, dè bỉu của những người xung quanh. Người ta thường bắt nạt mẹ con Nguyệt với những điều rất vặt vãnh như chặt cây, phát cỏ, dọn rác xong vứt qua bên vườn nhà Nguyệt. Tự ý đi vào vườn đào giun, câu cá trong ao, vặt trộm quả mít, buồng chuối… Đêm đêm, hễ gà lên chuồng là mẹ đóng chặt cửa, bốn mẹ con ôm nhau ru rú trong nhà, ai gọi cửa cũng không mở. Mẹ lo mang tiếng, phụ nữ xa chồng, lắm kẻ rình rập, đặt điều. Tuy bị tật ở chân nhưng mẹ vẫn rất đẹp, một vẻ đẹp u buồn nén chặt đến rắn đanh lại. Nhiều người đàn ông vẫn lén lút hoặc công khai nhìn ngắm, trêu ghẹo mẹ. Lo sợ cho bản thân mình một phần, điều mẹ lo hơn là sự an nguy của mấy đứa con gái bé bỏng, non nớt. Mẹ như con gà mái xù lông lên với bất cứ ai động chạm đến ba đứa con. Mẹ đáp trả họ bằng những từ ngữ không thể tưởng tượng được. Mẹ sợ các con phải nghe những lời nói không hay về bố. Ba chị em Nguyệt đã lớn lên trong tình cảnh như vậy.

Chị em Nguyệt sống trong sự nơm nớp lo sợ và sự can thiệp của mẹ vào tất cả mọi thứ trong cuộc sống, không được tự ý làm bất cứ điều gì nếu không có sự cho phép của mẹ. Trong mấy chị em chỉ có chị Kiều biết nấu cơm vì mẹ nói chị là người lớn tuổi nhất, có thể sử dụng điện, củi lửa mà không sợ bị giật, không sợ bị bỏng. Mãi đến khi chị Kiều học đại học Nguyệt mới biết nấu cơm. Mẹ nói cái áo, cái quần nào đẹp thì là chúng đẹp, cái áo cái quần nào không hợp thì là chúng không hợp. Đôi lần mấy chị em cô không khỏi ao ước được ướm trên người một chiếc váy có cái cổ thuỷ thủ phủ kín vai của con bé Thương có bố đi Nga gửi về, hay cái quần có khóa kéo bằng đồng vàng chóe mới tinh của con bé Thuỷ có bác gái trong miền Nam gửi ra. Mẹ bảo trẻ con ăn mặc đẹp là phù phiếm, là đua đòi, là ích kỷ. Không ít lần Nguyệt chứng kiến con bé Nga, em út của mình trề môi với con bé Thương: “Đồ phù phiếm, đua đòi, ích kỷ” khi thấy cái vai áo thuỷ thủ bay bay trong gió của nó. Nhưng nó đứng ngẩn ra nhìn theo con bé Thương, nét lưu luyến, thèm thuồng hiện rõ trong ánh mắt.

Mẹ còn cô lập bản thân và con cái ra khỏi nhà chồng. Mẹ nghĩ bên nội ai cũng coi thường và giễu cợt mẹ vì mẹ bị tật ở chân, thiếu vắng chồng, phải một mình nuôi con. Từ khi bố đi xa, mẹ từ chối tham gia các công việc bên nội. Mẹ ngại xuất hiện với cái chân khập khiễng. Mẹ ngại ánh mắt của mọi người. Thấy mẹ cứ xa cách, lâu dần mọi người cũng ít đi lại thăm bốn mẹ con. Nhưng mẹ lại bị điều đó đả kích rất mạnh. Mẹ tức giận và tủi thân, cho rằng bên nội đã từ bỏ bốn mẹ con, ghét bỏ mẹ vì mẹ không đẻ được con trai cho dòng họ. Mẹ rỉ rả, đay nghiến mọi thứ liên quan đến bên nội bất cứ khi nào có cơ hội, gieo rắc vào tâm hồn non trẻ của chị em Nguyệt nỗi ác cảm, xa lánh bà con họ hàng.

Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ, chị em Nguyệt không thể cưỡng lại tình yêu thương của bà nội dành cho chúng. Một điều gì đó rất đỗi tự nhiên khiến chúng cảm thấy mình không làm sai, không mắc lỗi, không làm trái ý mẹ khi tiếp xúc với bà nội. Mặc dù rất yêu thương các cháu gái nhưng bà chỉ dám ghé vào thăm khi biết chắc mẹ đi vắng và chị em cô đang tự trông nhau sau cánh cửa khóa chặt. Bà đến, dúi vội dúi vàng mấy chiếc bánh, gói xôi, bọc kẹo bột vừa mua ở chợ qua song cửa sổ và giục các cháu ăn nhanh và phải xóa sạch dấu vết trước khi mẹ về. Để an toàn triệt để, bà còn nán lại thu dọn sạch sẽ hiện trường trước khi ra về. Ánh mắt bà dáo dác ngó trước nhìn sau, dáng vẻ nhỏ bé hơi còng nhấp nha nhấp nhổm khiến chị em Nguyệt vừa thấy thương bà vừa muốn cười phá lên.

Được nuôi dưỡng trong sự cực đoan cả về thể xác lẫn tinh thần, chị em Nguyệt đều bé tẹo teo so với chúng bạn. Điều đó hiển nhiên dẫn đến một hậu quả là chúng hay bị bắt nạt. Từ trẻ con hàng xóm đến các bạn học, hầu như ai cũng có thể bắt nạt những đứa con gái gầy gò yếu ớt, có mẹ bị tật ở chân và bố vắng nhà. Thay vì dạy con cách chống lại hoặc tự vệ thì mẹ lại càng che chở, ấp ủ con kỹ lưỡng hơn nữa. Mẹ bỏ cả mấy mảnh ruộng, vốn đã kém năng suất hơn hẳn ruộng của nhà khác do mẹ sức khoẻ kém và bận con nhỏ không chăm bón đầy đủ, kỹ lưỡng và kịp thời, để đích thân đưa đón ba đứa con gái đi học. Dáng mẹ đã khó khăn, vất vả khi đi xe đạp một mình, giờ đây càng vất vả, khó nhọc gấp nhiều lần khi chở thêm ba đứa con. Chị em Nguyệt cũng cảm thấy ái ngại cho mẹ và ngượng ngùng với mọi người xung quanh mỗi lần mẹ đưa đón. Chị Kiều từng định không ngồi lên cái dóng xe đằng trước vì xấu hổ, nhưng nhớ đến nét mặt đanh lại của mẹ nếu phát hiện ra bất cứ sự chống đối nào, chị phải từ bỏ ý nghĩ của mình. Hình ảnh chiếc xe đạp liêu xiêu chở bốn mẹ con trên đường làng lập bập ổ voi ổ gà diễn ra suốt một thời gian dài, cho đến khi chị Kiều lên cấp hai.

Ba chị em Nguyệt đều học rất giỏi. Mẹ luôn nhắc đi nhắc lại, các con phải học thật giỏi, chỉ có học giỏi mới thoát ra khỏi làng quê tù túng này và đem mẹ đi theo. Có lẽ môi trường sống khép kín, bố đi biền biệt, chúng đành phải lấy việc học, việc đọc sách làm niềm vui. Mẹ có thể không cho chị em cô mặc quần áo đẹp nhưng không hề tiếc tiền mua sách vở cho các con. Cứ có cuốn sách nào là chị em cô ngấu nghiến cuốn sách đó, bất kể chúng thuộc thể loại gì. Con bé Nga còn biết đọc sách trước khi đi học lớp một. Học giỏi để thoát ra khỏi làng quê, đi học đại học, có công việc tốt, thu nhập cao, mua nhà, đón mẹ ra ở cùng… đối với chị em Nguyệt còn rất xa xôi, mơ hồ, tuy nhiên, chúng nhận thấy rất rõ, việc học giỏi, là tâm điểm trong các ngày lễ lớn của trường, được nhiều người ngưỡng mộ, được các bà mẹ khác lấy làm gương cho con mình noi theo đem lại cho chúng chút tự tin và đỡ bị bắt nạt hơn. Hơn nữa, việc học giỏi còn đưa về một chút tiền, mang lại nụ cười hiếm hoi cho mẹ.

Cây măng vẫn luôn mọc lên mạnh mẽ không ngừng dù phải đội chiếc cối đá nặng nề. Chị em Nguyệt cũng vậy. Sự chống đối ngầm bén rễ và nảy nở trong những tâm hồn non nớt. Bắt đầu là chị Kiều. Chị đã làm trái ý mẹ không thi sư phạm mà thi vào một trường công nghệ thông tin. Mẹ đã ốm mất một tuần, hết tỏ vẻ đau đớn, thất vọng lại tự làm đau mình, vật mình vật mẩy như một đứa trẻ hờn dỗi. Tóc mẹ xoã ra rũ rượi và rụng từng nắm, hở cả những khoảng da đầu. Mẹ không thể tưởng tượng được đứa con gái đầu lòng ngoan ngoãn, hiền lành, luôn nghe lời, thay mẹ chăm sóc hai đứa em lại dám trái ý mẹ gây ra chuyện tày đình như thế. Không hiểu sức mạnh nào khiến chị Kiều kiên định được trước những gì phải chứng kiến. Chị kiên quyết không lùi bước. Ngày chị ra Hà Nội nhập trường, mẹ không cho tiền, không đưa tiễn. Chị Kiều lầm lũi đi bộ ra bến xe. Cũng may bà nội đã lén đón đường đưa cho chị chút tiền để chị lên thành phố nhập học và sinh hoạt tạm thời. Trong suốt thời gian học, chị Kiều đã phải vừa học vừa làm rất vất vả. Một thời gian sau, bố biết tin đã gửi tiền trực tiếp cho chị, không thông qua mẹ. Điều này càng khiến mẹ phát điên. Nhưng rồi dần dần mẹ cũng nhận ra công nghệ thông tin là niềm đam mê mãnh liệt và là sở trường của chị Kiều. Chị đạt được rất nhiều danh hiệu, giải thưởng, học bổng trong quá trình học đại học. Điều đó đã giúp chị vượt qua quãng thời gian đầy khó khăn, gian khổ.

Con bé Nga là đứa thứ hai thể hiện sự phản kháng khi không chịu học đại học mà đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản ngay sau khi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông. Mẹ lại một lần nữa ngất lên ngất xuống. Đứa con gái út mẹ cưng chiều nhất mực, mong muốn nó có một cuộc sống sung sướng an nhàn thì nó lại chọn con đường đau khổ nhất. Đau đớn hơn là mẹ biết bố đã ngấm ngầm giúp nó thực hiện kế hoạch. Mẹ cảm nhận sự uy nghiêm của mình dần dần mất hiệu lực, trở nên trầm lắng hơn. Nhưng rồi chính con bé Nga lại là đứa nhanh làm ra tiền, gửi nhiều tiền về cho mẹ nhất và là đứa khởi xướng mua nhà ở Hà Nội. Nụ cười của mẹ dần trở lại.

Thực ra giữa hai lần ngất lên ngất xuống ấy thì mẹ có một chút an ủi là Nguyệt nghe lời mẹ thi vào trường đại học Sư phạm Hà Nội và hiện nay đang là giáo viên tiếng Anh của một trường trung học phổ thông ở ngay trung tâm thủ đô. Cô là niềm hãnh diện của mẹ. Bất cứ lúc nào có cơ hội là mẹ lại xuýt xoa ca ngợi Nguyệt với chị và em cô. “Đấy, nó nghe lời tao, giờ nó nhàn nhã, thư thái thế chứ đâu phải suốt ngày tối mắt tối mũi, ăn chả đủ bữa, ngủ chả đủ giấc như hai đứa chúng mày”.

Chị Kiều mải theo đuổi các dự án trọng điểm, thường xuyên đi công tác tỉnh, nếu có về căn phòng trọ chung của hai chị em thì lúc nào cũng đầu bù tóc rối, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Khi mẹ gọi điện thoại chị chỉ nói dăm câu ba điều rồi kết thúc cuộc gọi để làm việc hoặc ngủ tiếp. Cái Nga và bố thì ở nước ngoài, giờ giấc lệch nhau nên mẹ không có cơ hội nói chuyện với họ nhiều. Riêng Nguyệt ở lại Hà Nội làm việc, công việc cũng không quá vất vả nên cô phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc trò chuyện, báo cáo hàng ngày với mẹ. Tối nào cô cũng phải gọi điện thoại cho mẹ hoặc nghe điện thoại của mẹ. Lần nào cũng trên dưới một tiếng đồng hồ. Đôi khi cô chỉ ậm ừ cho qua hoặc vừa nghe điện thoại vừa làm việc khác, nhưng không đời nào mẹ chấp nhận điều đó. Mẹ muốn Nguyệt phải nói rõ ràng, đầy đủ, nhiệt tình mọi chuyện diễn ra trong ngày của cô, thậm chí là của cả chị Kiều và con bé Nga, nếu cô có thông tin về họ, cho mẹ nghe rồi lại nghe mẹ nhận xét, giáo huấn, tâm sự. Sau vài lần phạm sai lầm, Nguyệt nhận thấy, thà cố gắng trong vòng một giờ còn hơn bị mẹ gọi lại lần nữa, lại gấp đôi sự mệt mỏi, chán nản. Dường như mẹ dành toàn bộ sự im lặng ban ngày để nghe và nói trong một tiếng đồng hồ ban đêm với các cô con gái của mình.

Chị Kiều và Nga giao cho Nguyệt phụ trách việc mua nhà vì chỉ có cô mới có thời gian làm việc đó. Nguyệt thấy rất vinh dự và hạnh phúc khi được giao phó trách nhiệm lớn lao. Nhưng niềm hạnh phúc đó chẳng kéo dài được lâu khi cô nhận ra mua nhà mà chịu sự điều khiển từ xa của mẹ khác hẳn với việc mua nhà mà được tự quyết định mọi thứ. Các cuộc điện thoại chuyển từ một tiếng buổi tối thành rất nhiều tiếng trong ngày. Từ việc chọn nhà, giao dịch, giấy tờ thủ tục, mua bán nội thất, lắp đặt, sắp xếp đồ đạc trong nhà đều có sự can thiệp của mẹ. Và Nguyệt cũng không tự tin quyết định nếu không có ý kiến của mẹ. Việc mẹ can thiệp vào tất cả mọi việc đem đến cho cô không ít lần khóc dở mếu dở. Những căn nhà cô nghĩ là tốt nhất, ưng ý nhất cứ thế tuột khỏi tay. Nhưng cô tin là mẹ có lý. Từ xưa đến nay lúc nào mẹ cũng đúng. Cuối cùng thì cũng có một căn hộ chung cư vừa ý mẹ. Nghĩ lại giai đoạn tìm nhà, xem nhà và hoàn thiện nội thất, mua sắm vật dụng đến giờ Nguyệt vẫn thấy ớn lạnh sống lưng.

Nhà hoàn thiện, chị Kiều và Nguyệt dọn vào ở được một thời gian ngắn thì mẹ cô lò dò ra Hà Nội. “Mẹ đã dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, lợn gà, ruộng vườn dưới quê để cho thuê. Người ta sắp dọn đến ở rồi. Mẹ ra đây ở với các con”. Giọng mẹ ráo hoảnh và đương nhiên như là một kế hoạch được định sẵn. Dường như mẹ đã đợi ngày này từ rất lâu rồi. Có thể kế hoạch đó đã manh nha từ những đêm không ngủ nằm nghe tiếng ếch ương kêu, tiếng chó sủa và những tiếng loạt soạt đáng ngờ quanh nhà. Bố lại thông báo sắp về nước hẳn. Bố và mẹ cũng sẽ ở trong ngôi nhà này để dưỡng già. Các cô con gái sẽ lấy chồng và về nhà chồng. Mọi hướng đi của mẹ đều đúng. Mọi việc thật hoàn hảo. Nguyệt thấy nét mặt mãn nguyện của mẹ khi đi dò xét, săm soi từng ngóc ngách của căn nhà. Mẹ làm việc đó một cách hăm hở, say mê, không quản cái chân đau cà nhắc và cảm giác say xe sau quãng đường mấy trăm cây số vừa trải qua. Nguyệt có cảm giác mẹ đang dò xét xem có cái gì cô không làm theo ý mẹ thì đúng hơn. Việc mẹ ra khiến Nguyệt bất ngờ, không biết xử lý như thế nào. Cô lén báo tin đó với chị Kiều và con bé Nga. Mọi người chỉ im lặng khi nghe cô nói, không biết họ nghĩ gì. Nhà thì không phải của riêng Nguyệt mà cô thì không dám trái lời mẹ.

Mẹ chỉ trong một ngày là làm quen được hết các vật dụng điện tử trong nhà và bên ngoài. Xưa nay mẹ vốn thông minh, tháo vát. Hai mẹ con cùng đi siêu thị dưới chân toà nhà, cùng nấu ăn, cùng trò chuyện, cùng ngủ. Thôi như thế cũng tạm ổn, Nguyệt nghĩ thầm.

Thế nhưng, niềm vui có mẹ lên ở cùng trong Nguyệt kết thúc khá chóng vánh. Chỉ hôm trước hôm sau là mẹ cô đã cãi nhau với hàng xóm chỉ vì họ để cho trẻ con chạy rầm rập và hò hét ngoài hành lang. Mẹ gọi chúng là quân cướp của. Nguyệt vừa đi làm về thấy cảnh đó bèn vội xin lỗi chị hàng xóm và kéo mẹ vào nhà. Cửa đóng lại rồi mà cô vẫn nghe những tiếng đáp trả phong phú không kém gì lời lẽ của mẹ từ chị hàng xóm. Đang dở cơn tam bành, mẹ mắng Nguyệt: Thế mà mày bảo khu này dân trí cao. Dân trí cao gì mà vô ý thức thế? Tao tiếc là tao lên muộn, đáng ra tao phải trực tiếp đi khảo sát xung quanh trước khi quyết định xuống tiền mua căn nhà này. Ối giời ơi là giời. Sao cái thân tao khổ như thế này. Ở đâu cũng không yên. Biết thế tao chả thèm ra đây làm gì.

Mẹ nói thế nhưng không hề có ý định ra đi. Bởi mẹ còn có việc của mình, đó là giám sát Nguyệt hàng ngày. Nguyệt đi dạy thì thôi, mẹ không dám làm phiền lúc cô đi dạy. Đối với mẹ, việc đó thật thiêng liêng. Thế nhưng, hễ Nguyệt về đến nhà thì nhất cử nhất động của cô đều thuộc quyền của mẹ. Mẹ giám sát cô từng hành động, từng cử chỉ, từng lời nói. Dường như không có cái gì cô làm, cô nói vừa lòng mẹ. Cái gì mẹ cũng chê và nói rằng cô làm sai hoặc cô không làm được. Nguyệt luôn cảm thấy ánh mắt của mẹ dõi theo cô mọi lúc, mọi nơi trong nhà. Điều đó khiến cô thấy tay chân lóng ngóng, vụng về, thừa thãi, lời nói lắp bắp, đứt hơi.

Tối nay, lúc cô đang vớt rau luộc ra đĩa, mẹ đến bên cạnh săm soi và bảo, mày làm như thế là không đúng. Mày phải vớt rau ra cái rổ, để cho ráo nước rồi mới gắp ra đĩa. Vớt rau luộc như thế này ai ăn được. Tao đã bảo rồi. Nhà này chỉ có con Kiều là biết nấu ăn, còn mày với con bé Nga không nấu được cái gì nên hồn. Ngay lập tức, Nguyệt cảm thấy bàn tay mình run lên, đĩa rau vớt dở rơi xuống đất vỡ tan, rau vung vãi ra nền nhà. Ngón tay cô chạm phải nước luộc rau, bỏng rát.

Trong khoảnh khắc, Nguyệt lặng người. Mắt cô mở to trân trân nhìn mẹ. Rồi cơn giận trong cô bùng nổ. Cô hét lên:

- Mẹ, mẹ quá đáng lắm mẹ có biết không. Mẹ còn làm chúng con khổ đến bao giờ mới thôi đây?

Bị bất ngờ, mẹ cũng sững người, rồi lắp bắp:

- Mày, mày vừa nói cái gì?

- Tại sao mẹ không bao giờ có một câu nói nào động viên con cái? Tại sao lúc nào mẹ cũng chê bai, hạ thấp chúng con xuống? Lúc nào mẹ cũng thấy chúng con kém cỏi. Mẹ luôn bảo chúng con theo đứt đuôi cũng không bao giờ bằng được mẹ. Nói như thế mẹ thấy vui hơn, hạnh phúc hơn à?

- Tao…

- Mẹ à. Chúng con rất yêu và thương mẹ, nhưng chúng con đành phải đưa mẹ về lại quê thôi. Con không thể chịu đựng được mẹ nữa. Con khổ quá rồi!

Cô chạy vào buồng nằm khóc nức nở. Cô không hiểu nổi mình. Tại sao cô lại dám nói với mẹ những câu như thế. Tại sao cô lại làm đau lòng mẹ. Mẹ đã quá khổ sở, đau đớn rồi. Cô thương mẹ nhưng cô không thể chịu đựng được mẹ. Nếu cứ tiếp tục cuộc sống như thế này cô đến phát điên hoặc trở thành một cỗ máy vô tri vô giác mất thôi. Sự tự tin của cô vừa được nhen nhóm bởi công việc và các mối quan hệ xây dựng được khi xa nhà giờ bị mẹ làm cho tắt ngúm, vùi dập không thương tiếc. Cô không còn thấy một chút sức mạnh nào trước mẹ. Cô thấy mình nhũn như con chi chi, bối rối như con rô bốt bị cài đặt sai. Giờ cô mới hiểu tại sao chị Kiều cứ về hôm trước hôm sau lại đi, và cứ đi biền biệt. Cái Nga chỉ gửi tiền chứ cũng không có ý định về. Họ rất thương, rất nhớ mẹ nhưng không muốn ở gần mẹ. Rất thương nhưng không thể ở cùng. Trời ơi, sao cuộc sống, nhân tình thế thái lại oái oăm thế này.

Nguyệt xoay người nhìn lên trần, phát hiện những vệt nước ngấm loang rất nhanh, một vài giọt nước đã rơi xuống nền. Cô vội lao ra khỏi nhà, chạy lên tầng trên. Nhà bên trên nước ngấm ướt hơn nửa bức tường, nhưng không ai để ý. Chủ nhà đó chưa dọn đến ở. Cô gọi mọi người. Xung quanh nhốn nháo. Mọi người vội vã liên lạc với Ban quản lý. Cửa căn hộ được mở ra bằng chìa khoá dự phòng. Bên trong nhà lênh láng nước. Ẩm mốc đã xuất hiện trên các bức tường. Cảnh tượng xung quanh hỗn loạn, thật khó tưởng tượng điều đó lại diễn ra ở một toà chung cư mới tinh.

Sau một thời gian tìm kiếm, bộ phận kỹ thuật điện nước phát hiện nhà ở tầng trên nữa bị rò nước từ rất lâu rồi. Nó chảy xuống nhà dưới, ngấm đến bão hoà và đã bắt đầu chảy xuống đến nhà của cô. Ban quản lý toà nhà nhận sai và cố gắng khắc phục hậu quả một cách nhanh nhất, tốt nhất.

Bây giờ cô mới nhận ra, cô đã nghe những tiếng nước nhỏ giọt này từ rất lâu rồi và không hiểu nổi tại sao căn nhà mới tinh lại có tiếng nước rỏ. Âm thanh đó đi cả vào giấc ngủ của cô, ám ảnh tâm trí cô, như tiếng búa gõ boong boong bên tai. Nguyệt từng hỏi mẹ có nghe tiếng nước rỏ không? Mẹ cô mắng át đi, nhà mới, đẹp, chất lượng cao như thế này làm gì có chuyện rò nước. Mày xem, tường nhà, trần nhà trắng bong, khô ráo như thế này cơ mà. Mẹ vừa nói lại vừa đi một vòng vuốt ve từng bức tường, từng gờ cửa với vẻ tự hào. Ý mẹ muốn nói là tao đã chọn thì không có gì phải phàn nàn. Cô tin vào mẹ và nghi ngờ cảm giác của mình.

Nhưng tại sao nước rỏ ở cách tầng nhà mà cô nghe được một cách rõ ràng như nước rỏ ngay trong nhà mình như thế? Nguyệt vào Google tìm hiểu. Có hiện tượng đó thật, được gọi là Búa nước. Nếu một vòi nước hay ống nước bị rò rỉ, nhỏ nước đều đều ở tầng trên diễn ra trong một thời gian dài thì kể cả người cách đó vài tầng cũng cảm nhận được tiếng giọt nước rơi. Hoá ra cô không hề bị ảo giác. Đó là sự thật. Hiện tượng này để lại hậu quả cực kỳ nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện vì nó rất âm thầm, sau một thời gian, với lượng nước tích tụ lớn, nó có thể làm sụt mái, lở tường, thậm chí sập cả toà nhà. Cô nhớ lại phản ứng tức thời của mình với mẹ hôm trước. Lẽ nào đó chính là một dạng búa nước? Búa nước vô hình.

Sau sự phản ứng của Nguyệt và sự cố rò nước, mẹ cô cũng trở nên ít nói và ít quá quắt với Nguyệt hơn. Hai mẹ con cứ lầm lũi sống trong một căn nhà. Nguyệt không hề thấy khó chịu. Thậm chí cô đang tận hưởng điều đó. Đôi khi thấy mẹ bí bách, chắc là lại thấy ngứa mắt, muốn bộc lộ suy nghĩ của mình ra bên ngoài nhưng lại cố kiềm chế. Nguyệt lại thấy vừa thương vừa buồn cười. Nguyệt chợt nhớ đến bà nội. Bà đã mất được hơn mười năm.

Nguyệt cũng nhận được tin nhắn của bố: “Bố sẽ về hẳn và sống ở quê thôi. Bố không sống ở thành phố cùng các con đâu. Cả đời đã sống ở nơi sôi động, giờ bố chỉ muốn nghỉ ngơi nơi yên tĩnh. Thực ra, bố đã trốn chạy mẹ con. Vô tình lại bắt các con đã phải khổ. Các con đã chịu đựng mẹ thay bố trong một thời gian quá dài rồi. Bây giờ bố sẽ chịu tránh nhiệm gánh vác điều đó. Sau một thời gian bươn chải, giờ bố đã can đảm đối diện với mẹ con. Trước đây, mẹ con làm cho bố cảm thấy mình kém cỏi. Ra nước ngoài, bố mới nhận ra mình không hề kém cỏi. Ở bên này, bố được người ta khen ngợi, trọng dụng. Bố biết được thế nào là tự hào, là hãnh diện. Bố tin là bây giờ bố sẽ chịu đựng được mẹ. Không như trước đây. Các con cứ yên tâm công tác…”

Buông chiếc điện thoại ra, Nguyệt nằm ngẫm nghĩ. Chắc chắn là bố chịu sự tác động của chị Kiều hoặc con bé Nga, chứ cô không dám chắc là bố đã thực sự thay đổi. Nhưng điều chắc chắn là bố sẽ về bên mẹ. Nghĩ đến điều đó, Nguyệt lại cảm giác có những giọt nước rơi đều đều, nhưng đó là những giọt nước mắt của cô. Và đặc biệt, cô không còn nghe thấy những tiếng boong boong nữa.

Nguyễn Thị Phương Lan | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Mối tình đầu. Truyện ngắn của tác giả Trần Thu Hằng Hoa trải trắng sông - Truyện ngắn của nhà văn Đinh Phương Đọc truyện: Ngọc lan trắng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn