Sáng tác

Thềm sương - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hải Yến

Nguyễn Hải Yến
Truyện
10:00 | 14/08/2024
Baovannghe.vn - Đó là cây hoa mẹ Hiên mang về từ chợ Cuối - phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần vào đêm ba mươi tết, dưới gốc cây đa Dốc Bùng - con dốc nếu từ nhà Hiên sang đò lúc đầu chiều rồi cứ thế xuyên đồng thì chớm đêm mới đến. Xa xôi diệu vợi nhưng năm nào mẹ cũng dắt Hiên đi, bảo để biết đường.
aa

1. Linh tử

Đó là cây hoa mẹ Hiên mang về từ chợ Cuối - phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần vào đêm ba mươi tết, dưới gốc cây đa Dốc Bùng - con dốc nếu từ nhà Hiên sang đò lúc đầu chiều rồi cứ thế xuyên đồng thì chớm đêm mới đến. Xa xôi diệu vợi nhưng năm nào mẹ cũng dắt Hiên đi, bảo để biết đường.

Trừ tịch đêm ấy trời mưa. Gió đổi hướng liên hồi, rầm rập như ngựa phi quanh bốn bề đồng trống. Đèn đuốc tắt hết, giáp mặt chỉ thấy tiếng. Hiên bảo bốn năm rồi mẹ con mình về chợ không mua được cái gì. Tiếng trả lời, đâu đó, ngay phía trước, bảo phải chờ duyên. Mẹ biết có cái chợ thế này cũng nhờ duyên, nhờ bốn người đêm ấy… Hiên đang định hỏi bốn người nào thì người gác chợ gọi, láng máng mấy từ “Quán Giải Oan” bạt vào trong gió, hình như là chỉ đường.

Quán nằm cuối chợ. Ở đấy, trong góc khuất của chòm rễ đa rủ xuống, bắc chồng lên nhau thành vòm sâu như cái miếu thờ có một ông lão bán thứ hàng đặc biệt, chỉ toàn cây non. Trên đầu ông treo sẵn một cây đèn chai nhưng không thắp. Hiên phát hiện ra điều đó vì vừa bắt được ánh sáng từ đâu đó hắt đến, bầu đèn thuỷ tinh chợt hiện lên trên nền đêm rồi tắt phụt, không tinh mắt sẽ tưởng vệt sao sa. Từ trong bóng tối tiếng người vọng ra, bảo may quá, tôi chờ mãi… Tôi có cái này…

Vật đưa ra đúng lúc bầu đèn phía trên lại loé sáng, soi rõ cái cây, ước chừng ba chục phân, đội trên đầu một nụ hoa bé xíu như quả găng xanh. Mẹ Hiên nói gì đó, thì thầm, chỉ nghe thấy hai từ “Linh Tử”. Bên trong trả lời vâng cô ạ, không phải truyền thuyết đâu, loài hoa này có thật, là hóa thân của linh hồn. Nhưng không phải ai cũng mua được. Linh Tử tìm đúng người…

“Ông lão ấy về từ chợ Đầu…”

Hiên vẫn nhớ ông nội bảo thế, sau khi nghe mẹ Hiên kể lạ quá thầy ạ, mấy năm liền chẳng mua được gì, thế mà năm nay lại có hàng chờ mình để bán…

Đến tận bây giờ Hiên vẫn không biết chợ Đầu ở chỗ nào. Chỉ nghe ông nội kể nó tận trên mạn ngược, mỗi năm cũng chỉ họp một phiên, nhằm đêm rằm tháng giêng, dưới chân một ngọn núi, trên đỉnh có ngôi chùa nhỏ gọi là chùa Trình. Người ta bảo rằng ai có nỗi niềm gì mà người không thấu, đất không hay thì khi chết đi, linh hồn sẽ ngược lên chùa ấy, kêu với trời, cầu cho được hoá thân thành Linh Tử. Linh Tử ở chợ Đầu là từ chùa mang xuống, được người mua chăm chút, tròn một năm thì đem đến “Quán Giải Oan” ở chợ Cuối, tìm người.

… Trừ tịch đêm ấy, trời mưa. Đến tận lúc mẹ con Hiên về đến bến sông mới ngớt.

*

Nhà Hiên ở cuối làng. Mảnh đất nhỏ, vườn không cổ thụ, chỉ có gốc Linh Tử bên hiên cao vượt hẳn lên, lá chạm vào mái ngói hiên tây rêu cũ. Nhà buồn, chẳng mấy khi có tiếng người. Nhất là từ ngày ông nội nằm liệt hẳn, nhớ ít quên nhiều. Những ngày cuối cùng hỏi gì cũng không nói, chỉ lẩm bẩm lặp đi lặp lại những âm thanh, người ngoài tưởng vô nghĩa nhưng Hiên lại hiểu ông nhắc tên bố Hiên và tên ngôi chùa trên núi - chùa Trình.

Rồi ông nội mất, bố Hiên ở hẳn với vợ mới trên thành phố, duy nhất một lần gửi về lá thư, đại ý nhà đất chỗ này cho Hiên, sau không được dính dáng đến của nả của các con ông trên phố; mẹ Hiên thì cho ở nhờ nhưng không có quyền sở hữu gì. Người nhận đọc xong, tiện ngọn đèn vừa khêu thì ghé luôn vào lửa. Gió cuộn tàn giấy một vòng qua bậu cửa rồi hạ xuống góc hè.

Thư đã đốt.

Người viết thư bỏ xứ.

Mảnh đất cũ, sau hai mươi năm, giờ chỉ còn Hiên với ngôi nhà cũ có gốc Linh Tử bốn mùa xanh. Mẹ Hiên nằm xuống cuối vườn, trong ngôi mộ xây bằng gạch chỉ. Trước khi mất, mẹ lần tay xuống gối, tìm một lá thư, mắt hướng về phía cây hoa bên hiên nhà, vuốt thế nào cũng không nhắm được…

2. Gặp gỡ

“Tại sao cô tìm đến tôi? Chuyện ông lão ở chợ Đầu với cái cây hoa, tôi liên quan gì?”

Hiên nhìn về phía tiếng người hỏi sau màn khói thuốc, bảo tất cả nguyên nhân nằm trong lá thư này. Mẹ tôi mới viết cách đây mấy tháng nhưng chuyện kể thì cũ, trước đó ngót hai chục năm. Ngày ấy, bố tôi còn là thẩm phán tối cao, toà án nhân dân thành phố này.

“Thế thì tôi biết ông ấy. Soi vào địa vị cũng là thẩm phán của cô bây giờ không phải là khoe gia thế chứ?”

Người đối diện vừa dứt câu châm chọc thì giật mình ngừng bặt, nhìn chằm chằm vào tập tài liệu vừa được đặt xuống mặt bàn: “Làm sao cô có được cái này?” Hiên bảo nó là nghiệp vụ, không tiện trả lời, chỉ xin được nói tiếp: gần hai mươi năm trước có một vụ án mang tên Biệt thự 118, rất nổi tiếng. Vụ ấy bố tôi xử phiên phúc thẩm và anh là một trong những điều tra viên…”

Im lặng…

Rồi lại vẫn tiếng Hiên, thong thả và rõ ràng, bảo bây giờ thì chắc anh hiểu, tôi gặp anh không để khoe gia thế mà có việc cần nhờ. Người được hỏi cười khẩy bảo cũng đôi chút, nhưng cô nghĩ tôi muốn dính lại chắc. Muốn tìm hiểu thì hồ sơ đấy, cứ thế mà đọc, rất rõ ràng, đủ loại bằng chứng. Vụ này đánh nhanh, bắt gọn, có phải án mờ đâu. Mà cơ quan điều tra ngày ấy hàng đống người…

Cái bóng cao lừng lững xô ghế đứng dậy, dợm chân định bước. Hiên vẫn ngồi, thản nhiên bảo anh nói đúng, trong rất nhiều vụ án bố tôi tham gia xét xử, vụ này thuận buồm xuôi gió nhất, hồ sơ ghi chép rõ ràng nhất nhưng tôi lật lại nó, trước hết, vì những gì mẹ tôi viết trong đây.

Lá thư mở ra. Bắt đầu bằng: “Kính gửi anh Dương Văn Nguyên - nguyên cán bộ điều tra, đội trọng án công an thành phố!”

“Dương Văn Nguyên là tên anh. Mẹ tôi không gửi nhầm người đâu ạ! Mọi lí do mẹ tôi nói trong này chắc chắn không cái nào thuyết phục được anh, bởi chính tôi cũng thấy nó cảm tính và mơ hồ. Lí do đầu tiên xuất phát từ một giấc mơ. Đêm ấy cuối năm, có bốn người đến tìm mẹ tôi, nhưng đứng ở xa, không rõ mặt, chỉ văng vẳng thấy tiếng, lặp đi lặp lại mấy từ “Linh Tử”, “chợ Cuối”. Ông nội tôi, khi biết chuyện, bảo đúng rồi, có cái chợ tên như thế, mỗi năm chỉ họp một phiên, người bán không bao giờ thấy mặt, hàng của họ không phải ai cũng mua được mà hàng chọn người. Chợ có thật, không phải là truyền thuyết. Người ta đã tìm mình như thế, ắt có điều nhắn gửi, để thầy chỉ đường cho mà đi…”

“Còn lí do thứ hai?”

“Là từ bốn bóng người trong giấc mơ đêm ấy, mẹ tôi lần tìm lại những vụ án bố tôi đã xử qua, phát hiện vụ Biệt thự 118 có nhiều điểm rất trùng. Và tình cờ biết thêm anh là người duy nhất trong đội trọng án công an thành phố bỏ nghề, ngay sau phiên tòa phúc thẩm.”

*

“Đêm qua Linh Tử trổ bông lại. Lần này cũng chỉ duy nhất một nụ hoa…”

Hiên chìa tấm hình chụp từ con ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà ba gian giữa vườn cây, bảo bên thềm đấy, anh thấy chưa?

Trong lúc Nguyên im lặng, nhìn chằm chằm vào thân cây gầy gò, nhánh thẳng, đội cái nụ hoa cỡ búp sen non thì Hiên đọc những dòng thư cuối cùng: “Tôi hi vọng anh giúp chúng tôi được điều gì đó. Bốn cái bóng kêu oan, rồi Linh Tử tìm người, nhưng từ lúc mua về, mười mấy năm chỉ nở hoa một lần duy nhất, cánh trắng vân ngang hệt như những dòng kẻ, chờ ai viết gì lên?” Rồi trả lại lá thư cho người trước mặt, bảo mẹ tôi chỉ viết thế. Về lí, có thể nó không thuyết phục được anh, nhưng về tình, với tôi, nó là di chúc. Tôi đang lần theo mối cũ, mong thực hiện ý nguyện của bà.

Sau đó mở tập hồ sơ đang đặt trên mặt bàn, trang đầu tiên là dòng con số.

“Ngày 1 tháng 6 năm 2005…”

3. Tập hồ sơ kể chuyện

“Anh còn nhớ ngày này chứ? Cứ theo trong hồ sơ thì tối ấy trời mưa. Đội trọng án công an thành phố nhận báo án lúc 20h50 phút. Hiện trường là biệt thự 118, đang xây dở, khu đô thị phía đông. Hai nạn nhân, một phụ nữ trẻ và một bé gái, tử vong cùng thời điểm, khoảng 18 đến 19 giờ, do nhiều vết thương sâu, tạo bởi vật sắc nhọn, ban đầu xác định là dao, dẫn đến mất máu cấp. Người phụ nữ còn có thêm cú đánh chí mạng ở vùng đầu do tác động của vật cứng, có cạnh sắc. Tại hiện trường không thu được dao nhưng có một viên gạch chỉ, nghi là hung khí. Vụ án này làm rúng động dư luận không chỉ bởi thủ phạm ra tay tàn độc, cũng không chỉ bởi thành tích điều tra, phá án thần tốc, làm lẫy lừng danh tiếng đội trọng án công an thành phố mà còn ở chỗ nạn nhân là hai mẹ con và hung thủ là hai anh em ruột, trú ngay xóm Gầm Cầu, cách hiện trường chừng tám trăm mét. Chủ mưu là anh, tên Trần Văn Hưng. Đồng phạm là em, tên Trần Văn Hòa - cũng chính là người báo án, nhưng khi đưa ra xét xử thì chỉ còn Hưng vì Hoà đã tự tử trong trại tạm giam sau khi bị bắt vài ngày. Trước tòa, cả trong phiên sơ thẩm cũng như phúc thẩm, Hưng hoàn toàn nhận tội, không phản cung, cũng không kháng án…”

“Phản cung hay kháng án hay không đều không thay đổi được gì vì chứng cớ buộc tội rất rõ ràng. Dấu tay trên viên gạch hung khí, kết quả xét nghiệm ADN từ mẩu da dưới móng tay nạn nhân… tất cả trùng khớp với dấu vân tay và ADN của nghi phạm. Với tội danh cướp của, giết nhiều người, tòa sơ thẩm đề xuất án tử hình.”

“Ngày thi hành án ghi rõ ở đây…”

4. Bí mật phía ngón tay

“Vì cớ gì cô nhất quyết gắn cây Linh Tử và tôi với vụ án này?”

“Thứ nhất, bố tôi xử phiên phúc thẩm, y án. Thứ hai, thời điểm thi hành án trùng với thời điểm mẹ tôi mơ giấc mơ có bốn bóng người kì lạ. Và còn vì điều này, theo tôi, quan trọng nhất, nó chắc chắn thuyết phục được anh…”

Hiên mở tập hồ sơ, lấy ra một xấp ảnh bảo đây là loạt ảnh chụp hiện trường. Căn cứ vào ngày tháng trên hình thì tấm này chụp đêm xảy ra án mạng. Anh nhìn xem, nạn nhân nằm sấp nhưng bàn tay không bình thường, bốn ngón này quặp lại nhưng ngón trỏ duỗi thẳng. Đây không phải là dấu hiệu co cơ lúc chết mà là ám hiệu nạn nhân cố tình để lại vì ngón trỏ hướng về đây, chỗ hốc tường!

Tấm ảnh thứ hai lật tiếp. Hiên bảo góc chụp này rộng, hướng chỉ rõ hơn nhiều. Tường đang xây dở, cái hốc này khuất nên không ai để ý. Trước khi chết, nạn nhân đã kịp giấu thứ gì vào đó, sợ hung thủ quay lại còn xếp gạch chèn lên. Còn đây là tấm chụp sau vài ngày. Góc chụp này, tất cả vẫn y nguyên, nhưng tấm chụp sau đó năm phút thì hốc tường đã mở, bên trong rỗng… Hình này có anh. Vậy nhất định anh hay người chụp đã tìm được cái gì có liên quan đến vụ án này nhưng vì lí do gì nên không thể công bố. Và bởi anh bỏ nghề nên tôi nghĩ đó là anh.

Im lặng... Mãi rồi Nguyên mới bảo gần hai chục năm, người đã chết, khơi lại ích gì. Oan có đầu, nợ không có chủ, chẳng ai đòi thì tìm công lí trả cho ai? Rồi còn liên quan đến người sống? Hiên gật đầu bảo liên quan đến nhiều người, trong đó có bố tôi, tôi biết chứ, nhưng vụ này anh có dám đảm bảo không có uẩn khúc không? Từng ấy mạng người. Mà trọng án này sắp hết hiệu lực truy cứu trách nhiệm hình sự, thời gian không còn nhiều, anh có giúp tôi không?

Thềm sương - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hải Yến
Thềm sương
Truyện ngắn của Nguyễn Hải Yến
Họa sĩ minh họa: Vũ Đình Tuấn

“Tôi đồng ý với cô vụ này có nhiều uẩn khúc. Đã có bốn người chết. Và ta đang tìm, theo cô, thêm ai đó nữa - người này, cũng đã chết từ mười mấy năm trước, rồi hoá thân thành Linh Tử, về với mẹ con cô để nhắn gửi những oan tình. Kiểu tra án này, từ xưa, tôi chưa gặp…”

Bóng lưng đàn ông từ nãy im lặng rảo bước phía trước Hiên, không hề quay lại, giờ mới cất tiếng, câu được câu mất trong con ngõ gập gồ đá hộc dẫn đến một cánh cổng khép kín, chắn lối vào ngôi nhà thâm màu rêu. Rồi cầm cái vòng sắt hoen rỉ đập vào cánh gỗ những âm thanh nặng và trầm, vừa ghé mắt nhòm vừa bảo tôi không tìm được hướng đi tiếp theo này nếu không có cô chỉ ra cái hốc tường bí mật. Việc này chính tôi cũng không ngờ. Chú Vinh vốn là đội phó đội điều tra, tôi vừa về thì chú ấy chuyển công tác. Tại sau này bỏ nghề rồi nên cũng không quan tâm.

Có tiếng bước chân. Cổng mở. Một cô gái trẻ xuất hiện, đứng chắn giữa lối vào, hỏi: Anh chị tìm bố tôi? Vâng, tôi là con bố Vinh. Chính tôi là người nghe điện thoại của anh hôm trước.

Nhà lạnh và tối. Đồ đạc chẳng có gì ngoài một chiếc giường đơn, đầu giường kê cái tủ gỗ. Bên cửa sổ là bộ bàn ghế, nhìn ra thung lũng, hướng thẳng đến dãy núi sừng sững có ba ngọn cao vượt hẳn lên như bức bình phong. Thấy Hiên nhìn mãi, người bên cạnh hỏi ba ngọn núi liền kề, ở giữa thấp, đỉnh tròn, hai bên cao, mảnh và dựng ngược… cô có liên tưởng gì không.

“Tôi nghĩ đến hình người giơ hai tay lên trời.”

“Đúng thế. Vùng tôi gọi đấy là núi Vọng. Nghe nói xưa núi vốn là người, có oan tình nhưng đất không thấu, đành hoá đá, vọng lên trời. Từ khi về đây, ngày nào bố tôi cũng ngồi chỗ này nhìn ra, không biết có gọi là người vọng núi được không.”

Tiếng cô gái xen vào, lẫn trong tiếng khóa tủ lạch cạch. Một cái hộp đặt lên mặt bàn, bên trong đầy giấy tờ. Cô gái bảo đây mới chỉ là một thôi. Hồ sơ đấy ạ. Bố tôi làm nhiều cơ. Vừa gửi đi, vừa giao cho tôi cất. Còn bộ này để riêng, dặn nếu ai đến tìm thì đưa. Nhưng trước hết, anh chị đọc cái này!

“Cái này” như lời cô gái nói là một cuốn sổ. Nét chữ cũ. Tháng ngày cũng cũ…

5. Câu chuyện trong gian nhà cũ

Tất cả những gì tôi viết ở đây được kể từ hồi ức.

Từ ô cửa sổ nhìn ra núi Vọng, tôi viết cho Hưng, cho Hoà.

Và viết cho cả đời tôi.

1/6/2005 - Nhận án

Hòa, hai mươi tuổi, gầy xơ xác, quắt queo như đứa trẻ con, tay chân sứt sát, áo quần lem vết máu, ngồi rúm vào góc ghế.

Tôi lấy lời khai nhân chứng.

Theo lời Hòa, tầm bảy giờ tối, Hòa về ngang công trường. Thường Hòa không về lối ấy, nay mưa mới tìm chỗ trú. Nghe tiếng người kêu cứu nhưng vì trời tối, lại chỉ có một mình nên bỏ chạy. Được một đoạn, nghĩ thế nào, quay lại, tìm mãi mới thấy người. Vết máu này là của nạn nhân. Lúc ấy, Hòa đỡ dậy, nhưng họ chết mất rồi.

Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ, Hòa ngồi trước mặt tôi, nhợt nhạt, thẫn thờ, lẩm bẩm lặp đi lặp lại: “Chết mất rồi…” Cũng còn nhớ, đội trưởng Thiên, ra ngoài nhận cuộc gọi, lâu sau mới quay vào bảo bệnh viện vừa báo, vợ cậu trên đường đi làm về bị tai nạn. May không nặng lắm. Giờ về đi! Nhân chứng để tôi.

2/6 - Nghi phạm

Có khi nào vụ tai nạn đêm ấy là dàn dựng?

Và nếu thế thì lưới đã giăng từ câu hỏi đầu tiên của đội trưởng đội điều tra, khi ngồi thế vào chỗ tôi vừa đứng dậy: “Anh về ngang công trường tầm bảy giờ? Và chỉ có một mình?”

Sau này, tôi mới biết Hoà khai không đúng. Hòa không một mình. Bằng chứng là dấu chân máu của người thứ hai để lại hiện trường. Và căn cứ để nghi ngờ là khoảng thời gian hai tiếng lưu không từ khi phát hiện nạn nhân đến lúc báo án. Qua một đêm thẩm vấn, nhân chứng thành nghi phạm. Hưng bị bắt sáng hôm sau.

8/6 - Lá thư trong gót giày

Hoà chết trong phòng tạm giam. Xé quần dài bện thành dây treo cổ, đúng vào lúc công an thành phố đang họp báo, công bố kết quả điều tra. Lúc ấy, tôi vẫn đang ở viện, nghe trực ban gọi, chạy về chỉ làm được việc cuối cùng cho Hòa là cắt dây, đưa Hoà xuống.

Hoà cởi trần, nằm trên giường sắt, mắt lồi ra, nhìn tôi trừng trừng nhưng không chớp được thêm lần nào nữa, chiếc áo phông để gọn đầu giường, mặc quần đùi nhưng lại đi giày - đôi giày cao su, màu vàng đất.

Trong đó giấu một bí mật…

“Bí mật gì nhỉ?”

Hiên tò mò sát lại. Người được hỏi bảo đây này: “Cái chết của Hòa, bề ngoài, rất dễ hiểu, căn cứ vào lá thư để lại trên bàn. Chỉ vài chữ, khẳng định chính mình là thủ phạm duy nhất gây ra vụ cướp của, giết người, giờ rất ân hận chỉ biết lấy cái chết để tạ tội, đồng thời lấy tính mạng ra cam đoan Hưng không dính dáng gì, mong các anh công an tha cho Hưng về sớm. Nhưng với tôi và người trực ban sáng hôm đó, Hoà nằm kia, trần trụi, cố ý phơi ra cả một vùng quanh thắt lưng tụ máu đen bầm, ngực và bụng sưng phù, căng đẫy cái quần đùi cạp chun thì lời nhắn không đơn giản thế… Đôi giày cao su kia nhất định không phải là đồ Hoà muốn mang theo cho đủ bộ.

Và đúng thế!

Hòa giấu dưới bàn chân chai sần, dọc ngang đầy vết nứt của mình thêm một lá thư”

“Vậy là có hai lá thư chứ không phải một? Anh ấy viết gì anh đoán được không? Theo anh, dấu hiệu ép cung rõ thế này, nếu bị oan, tại sao không kêu oan mà chọn cái chết?”

“Sáng hôm ấy, tôi cũng hỏi chú Vinh y như thế.”

Hiên ngẩng lên, nhìn chằm chằm người vừa nói, bảo hóa ra người trực ban hôm ấy là anh. Vậy là anh chứng kiến tất cả, cũng nghi ngờ nên mới quay trở lại hiện trường, ngay chiều ấy phải không?

9/6. Nhận tội

“Có dấu hiệu bị ép cung. Tại sao không kêu oan mà tự tìm cái chết?”

Nguyên - cậu trực ban trẻ tuổi vừa được biên chế vào đội điều tra hỏi câu đó, đúng lúc tôi chạm tay vào mẩu giấy gấp gọn, giấu trong lòng giày của Hòa. Tôi bảo đúng là không bình thường nhưng vụ này đích thân đội trưởng điều tra, trực tiếp chỉ đạo báo cáo, kết luận. Bằng chứng rõ ràng, thêm cả thư tuyệt mệnh để lại thế này, cậu không quản nổi đâu. Trước mắt, cứ quản cái án kỉ luật là trực ban mà để phạm nhân chết trong phòng tạm giam của mình đi đã.

Nguyên chừng hiểu, im lặng. Nhưng chiều đó, khi tôi quay lại hiện trường thì Nguyên cũng đi theo, cũng loanh quanh tìm kiếm, bảo không thấy gì thêm chú ạ, kết quả xét nghiệm ADN cũng có rồi, trùng khớp. Cháu chỉ lạ một điều là đến tận hôm qua Hưng vẫn kêu oan, vẫn không nhận là giết người, bảo đúng là cả hai anh em cùng có mặt ở đấy, cùng nghe kêu cứu, cùng phát hiện ra nạn nhân nhưng không báo án ngay là do Hưng cản, không muốn dính vào rắc rối. Sau thấy Hoà không nghe thì đi theo, nhưng đứng đằng xa, cứ nghĩ chờ một lúc thôi là Hoà ra, rồi về một thể. Nào ngờ chờ qua đêm… Đến sáng, Hoà từ người báo án thành nghi phạm, Hưng bị bắt… Đấy chú ạ, mấy hôm liền Hưng đều khai như thế, kể cả khi có bằng chứng là dấu vân tay của Hưng trên viên gạch hung khí. Thế mà sáng nay, sau khi nghe tin Hòa chết, Hưng kí vào biên bản, nhận tội rồi. Chú cũng thấy vụ này có vấn đề nên mới quay lại đây, phải không?

… Lúc đứng trước mặt tôi, hỏi tôi câu ấy, Nguyên còn trẻ lắm. Cũng như Hoà và Hưng, cuộc đời chỉ mới bắt đầu.

Tôi phải làm gì? Cho Hưng và Hoà. Và cả cho Nguyên?

1/ 12.

Quyết định thuyên chuyển công tác đến sớm hơn dự tính. Trao trực tiếp, kèm lời nhắn: “Im lặng không tính bằng vàng.”

Đúng thế! Tính bằng mạng người. Trong kẹp hồ sơ này ngụ ý đầy đủ cả, bởi nó không chỉ có quyết định chuyển công tác của hai người lớn mà còn có quyết định cắt khẩu, nhập khẩu của cả nhà, quyết định chuyển trường, nhập học của hai đứa trẻ, sổ đỏ, chìa khóa nhà mới…

Tất cả đã được lo liệu hết, nếu chấp nhận im lặng rời bỏ.

2/12.

Lên đường.

4/12.

Chính xác là lên biên giới. Thành phố dưới kia, cách mấy trăm cây số. Trên đây là núi, bốn mùa không thấy mặt trời.

Không còn nghe gì thêm nữa. Yên hẳn rồi. Bị cáo không kháng cáo, khi nói lời cuối cùng còn muốn sớm thi hành án thì còn cớ gì để xới lên. Trên này xa, khói mây mờ mịt, muốn gặp một Bao Công để nói chuyện mình còn khó, tính gì nói chuyện của người.

1/12/2006. Thi hành án

Hưng đi. Thế là thỏa nguyện sum họp. Phận người con sâu cái kiến chết dễ, sống khó… Cũng tưởng rồi sẽ qua, nhưng không, năm nào cũng thế, cứ ngày này, tầm quá nửa đêm, Hưng với Hoà lại về thăm tôi, cứ đứng từ xa nhìn lại, ánh mắt buồn, y như lúc nghe tôi bảo đã có trong tay bằng chứng, có thể chứng minh Hưng vô tội, tôi nhất định sẽ gửi lên các cấp có thẩm quyền nhưng khi ra xét xử Hưng phải bác cung. Hưng im lặng, mãi đến lúc tôi về mới khóc, bảo giá con cương quyết thì chẳng phải cảnh kẻ sống người chết như bây giờ. Anh em con không có bố. Ngày mẹ con chết nó mới lên hai, con đi nhặt rác chỗ nào, nó theo chỗ ấy. Con biết, nó chết để nhận tội về mình, để cho con được sống. Nhưng con không cần. Con muốn đi tìm nó!

Đêm nay, Hưng và Hoà lại về. Mỗi đứa vẫn vác trên vai cái bao dứa cũ, tay cầm cái que nhặt rác, chân đi đôi giày cao su màu vàng đất, y như lần đầu tiên tôi gặp Hoà vào báo án, cuối cơn mưa…

Cuốn sổ ghi chép kết thúc ở đây. Cô gái ngồi chờ nãy giờ ghé lại, bảo trang cuối này mới nhất. Bố tôi viết hôm rồi.

Ngày… tháng… năm 2025

Tôi mua ngôi nhà hướng mặt về núi Vọng cũng đã hơn mười năm. Giờ xin gửi lại đây những gì đã gom nhặt nhưng không giúp được cho hai đứa trẻ ngày xưa. Những gì bạn đang có trong tay, là bản gốc. Còn bản sao, nhiều bộ, đã gửi đi nhiều nơi, nhưng không thấy hồi âm. Tất cả gồm: Bản viết tay của trưởng phòng pháp y xác nhận đã đánh tráo dấu vân tay và mẫu ADN của thủ phạm thu được ở hiện trường sang mẫu của người khác do trưởng phòng điều tra đưa sau đó; Lá thư của Hoà, tố cáo bị ép cung, chỉ đích danh trưởng phòng điều tra nói nếu nhận tội sẽ tha cho Hưng; Hình ảnh chụp ở hiện trường lần hai kèm vật chứng tìm thấy trong hốc tường, chứng minh có dấu hiệu oan sai, đã được gửi đến cơ quan điều tra và gửi đến cả thẩm phán tối cao toà án nhân dân thành phố, nhưng trong phiên phúc thẩm vật chứng lại bị huỷ, thẩm phán còn lợi dụng hình ảnh để chứng minh quá trình điều tra đã rất cẩn trọng, kĩ càng… Và bằng chứng thứ hai, quan trọng nhất…

Hiên xếp lần lượt, theo thứ tự, bảo sao không thấy cả hai bằng chứng. Mà quan trọng nhất là gì, không thấy chú viết ở đây? Cô gái gật đầu đúng thế, những thứ quan trọng nhất, bố tôi mang theo rồi…

*

“Ông ấy đang ở trên núi Vọng. Dặn tôi có ai muốn tìm thì dẫn họ lên…”

Người con gái chỉ đường cứ rì rầm kể. Bảo rằng ở trên đỉnh, bên tay phải, từ cửa sổ nhà tôi nhìn ra ấy, ngày quang sương sẽ thấy một ngôi chùa nhỏ. Ở chính điện thắp một ngọn đèn dầu lạc, sáng quanh năm. Nghe Hiên bảo tên chùa là chùa Trình, dưới chân núi có cái chợ, gọi là chợ Đầu, mỗi năm họp một lần vào đêm rằm tháng giêng, hàng bán là từ chùa mang xuống, người mua đem về chăm chút, đợi hết năm đến “Quán Giải Oan” ở chợ Cuối, tìm người phải không, thì ngạc nhiên hỏi sao chị biết.

Đường núi cứ dốc ngược lên mãi, lẫn vào mây. Đến khi cô gái dừng lại bảo đây rồi, Hiên mới nhận ra mình đang đứng trước gian chính điện, tìm quanh quất một hồi rồi hỏi chú Vinh đâu. Cô gái lặng lẽ mở chiếc hộp gỗ đặt dưới chân ngọn đèn dầu lạc lấy ra tờ giấy đã ố vàng bảo đây là bằng chứng tìm thấy trong hốc tường. Một tờ giấy đăng kí kết hôn ghi tên tuổi, địa chỉ rất rõ ràng. Một xấp ảnh. Vài chữ viết tay của nạn nhân gửi một cô gái nào đó, khẳng định người cô chuẩn bị làm đám cưới đang lừa dối cô, cũng như đã lừa tôi và nhiều người khác, đứa bé tôi dẫn theo đây là con của anh ta, tôi có bằng chứng, là ảnh chụp suốt từ lúc mới quen đến lúc có đủ ba người, nếu cô cần thì sẵn sàng ra đối chứng. Lúc ấy, đọc xong, bố tôi đã đồ rằng, khi nạn nhân mang con đến, hung thủ, vì lí do nào đó, đã lập mưu lừa mẹ con cô ấy ra chỗ vắng giết người diệt khẩu… Nhưng vẫn nghi ngờ chẳng nhẽ hắn tàn nhẫn đến nỗi đang tâm giết cả con mình?

“Thế chú Vinh đâu?”

Lần này là Nguyên hỏi. Cô gái lật tấm lụa phủ một bên hộp, lấy ra cái hũ nhỏ bảo đây. Bố tôi nằm chung với những gì quan trọng nhất. Mấy hôm nữa là tròn 100 ngày…

6. Thềm sương

… Rồi có một đêm, trời nổi gió, cuối mùa sương.

Bên hiên ngôi nhà cũ có ba bóng người lặng lẽ bên nhau. Nghe tiếng thì thầm, bảo hoá ra truyền thuyết về Linh Tử - cây chuyển sinh của linh hồn người chết tìm người sống để kêu oan như bố tôi vẫn kể là có thật. Ông còn bảo sau khi chết, ông sẽ hoá thân thành Linh Tử, để tìm người kêu cho thấu oan tình... Nhưng Linh Tử về đây đã mười sáu năm rồi, cứ như chuyện mọi người đang lần theo thì nhất định bố tôi chưa kịp hoá…

Rồi cô gái trên núi cẩn trọng mở chiếc hũ sành, lấy ra một mảnh giấy gấp gọn để lẫn trong cốt tro, bảo hay là đây. Bố tôi dặn nó là bằng chứng quan trọng nhất, không được tuỳ tiện đưa ra. Nếu như cứ suy luận từ câu chuyện bán mua ở chợ Cuối năm ấy, thì theo tôi, đây cũng là một lá thư tuyệt mệnh… Tôi còn nhớ, bốn năm sau khi bố tôi lên núi, có một người đàn ông tìm gặp ông, gửi lá thư này… Không cần đèn lửa gì đâu, tôi thuộc, để tôi đọc cho nghe…

Tiếng cô gái rì rầm, như kể, về lời tự thú của một kẻ giết hai mạng người, trong một đêm mưa. Sinh ra là quý tử của một gia đình quyền thế, thời sinh viên bỏ học dài dài, ăn chơi khắp chốn. Sau này, nợ nần nhiều quá mới quay về. Đang chuẩn bị cưới vợ là con gái bạn thân của bố rồi ra nước ngoài quản lí công ty của gia đình vợ thì có một cô gái đã từng gắn bó nhiều năm đem con đến tìm. Rồi ma xui quỷ khiến, sợ bị phơi bày, sẽ mất tất cả nên lừa hai mẹ con, bảo ra ở tạm nhà người quen rồi nhân lúc sơ hở xuống tay. Người ấy thoát tội cũng là nhờ có bố, tên tuổi, chức vụ này. Ông ấy chỉ đạo đội trưởng điều tra đánh tráo chứng cớ buộc tội và cùng thẩm phán toà án nhân dân thành phố đổi đen thay trắng, tiêu huỷ bằng chứng. Sau này, đã mua được quốc tịch nước ngoài, ở hẳn bên ấy, xa nửa vòng trái đất, tưởng là yên, nào ngờ chính lời ông bố an ủi lại khiến không đêm nào ngủ được. Ông ấy bảo rằng cứ yên tâm, chết thế mạng cho mình là hai thằng không cha không mẹ, từ bé đến giờ toàn chui rúc xó chợ gầm cầu, giấy khai sinh còn không có, phận rơm rác, tính gì… Còn nếu nói không nghe, cứ muốn về thú tội, sẽ cho quân xử ngay bên ấy để khỏi ảnh hưởng danh tiếng bên này. Nên nhớ, tay đội phó điều tra vừa ho he định khóc thuê đã bị cảnh cáo, tống lên rừng với khỉ… Doạ đến thế, đã chịu được bốn năm, nhưng rồi không về không được bởi cứ đêm đêm lại thấy bốn bóng người, cả lớn lẫn bé, đứng quanh giường, người lặng im nhìn, người gọi “Bố ơi!”, người ghé xuống, rì rầm bảo nếu còn lương tâm thì phải quay về… Giờ lần được đến đây cũng nhờ manh mối từ lời nói vu vơ của ông bố, xin gửi gắm lại tất cả rồi lấy cái chết để tạ lỗi lầm này…

“Đấy, nội dung thư như thế. Bố tôi kể anh ta nhắc đi nhắc lại hai từ “Linh Tử”, “chùa Trình”, rồi đi. Từ ngày ấy không quay về lần nào nữa.”

Im lặng…

Sương vẫn xuống, bốn bề mờ mịt. Trong gió nổi nghe nụ hoa cựa mình. Rồi nghe tiếng Hiên, bảo vụ án này liên quan đến bố tôi, đến nhiều người khác nữa. Và vẫn còn thời gian hồi tố… Đêm nay Linh Tử nở. Gần hai mươi năm rồi mà cánh vẫn trắng và vân vẫn ngang như dòng kẻ. Chờ ta viết gì?

Đồi cỏ nến. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hải Yến Thành hoàng hồi hương - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa Lũa - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Phước Thảo Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương

Nguyễn Hải Yến | Báo Văn nghệ

Báo Văn nghệ số 32/2024
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn