Sáng tác

Nghe thu - Tản văn của Phạm Gia Hưng

Phạm Gia Hưng
Tản văn
07:00 | 30/08/2024
Baovannghe.vn - “Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa/ Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo/ Ngoài hiên, mùa đông cây bàng lá đổ...
aa

Giọng hát da diết, bóng nắng lưng lưng lênh đênh giai điệu bài hát “Mẹ tôi" của Trần Tiến. Ca từ như rút ra từ sợi tơ lòng đẫm nhớ thương. Chút gì xa vắng mênh mang lại ùa về khiến lòng tôi thổn thức. Nhớ căn nhà xưa chiều mưa bố ngồi bên giá vẽ, nhớ đêm mùa đông tiếng đàn thập lục của bố với điệu Trường tương tư thắt ruột thắt lòng. Mười ngón tay bố hòa vào bàn phím xa vắng man mác đưa tôi vào giấc ngủ. Chẳng biết có phải duy tâm hay không mà bao giờ bố cũng đàn những bản với cung thương xa vắng: nào Lý dặm thương, Lý hoài nam, Trường tương tư, Sương chiều, Dạ cổ hoài lang… rồi trở về với Phụng cầu hoàng, Lưu thủy hành vân, nhẹ nhàng và sau cuối sẽ là những bản nhạc vui như Cao sơn, Kim tiền. Tôi bé quá chẳng hiểu Phụng cầu hoàng là gì cả? Chỉ biết là có đêm bố tôi đàn xong rồi kể cho tôi nghe câu chuyện tình lãng mạn của Tư Mã Tương Như và người đẹp Trác Văn Quân đắm say và mơ mộng như chim phượng trống gọi chim phượng mái. Trác Văn Quân xinh đẹp mà goá chồng đã cảm mến tiếng đàn và giọng hát của Tương Như. Mặc dù bị cha cấm đoán nhưng nàng vẫn vượt qua lễ giáo phong kiến bỏ nhà theo người yêu. Họ đến đất Lâm Cùng mở quán rượu. Thân là tiểu thư khuê các giờ phải bán cả chiếc áo lông cừu để lấy tiền mua đồ nấu rượu. Nàng bỏ lụa là gấm vóc làm quen với áo cộc thô sơ. Nước mắt của giai nhân đã đẫm trong tiếng đàn của Tương Như. Bản nhạc cũng là lời tỏ tình đầy lãng mạn nên có lúc tiếng nhạc tưng bừng rộn rã giai âm réo rắt tiếng sắt tiếng vàng chen nhau như Hán Sở tranh hùng, lúc sâu lắng dịu dàng thỏ thẻ như dòng suối mùa xuân đằm thắm thiết tha lời tỏ tình chứa chan mộng đẹp, như nụ hồng chớm nở lúc ban mai. Tôi trôi trong tiếng nhạc và lời kể chuyện của bố.

Nghe thu - tản văn của Phạm Gia Hưng
Tranh minh họa

Bố và mẹ đều mê vọng cổ nhưng hình như ông sợ những giai điệu buồn sẽ ám ảnh cuộc đời người nghệ sỹ. Bố thường bế con gái út trong lòng, đặt tay em lên mười sáu dây thập lục dạy em dạo đàn. Nhìn vầng trán như chiếc bánh Thạch Sanh của em bố mỉm cười cùng mẹ: Để tôi dạy con đàn mình nhé! Những ngón tay nhỏ xinh của em như búp hoa xuôi theo bàn tay của bố nốt nhấn, dạo trên mười sáu giây thập lục hòa vào đêm khuya. Cây đàn thập lục giờ đã già nua theo năm tháng. Mười sáu dây thương nhớ vẫn lặng im cùng bức tranh vẽ dở ngày nào… Con gái út của bố mải làm thơ viết văn cùng cơm áo đời thường đã neo đậu xứ người mấy khi trở lại nhà xưa để tiếng đàn thập lục lại rộn rã giai âm ngày cũ. Mẹ lặng thầm bao tháng bảy mùa ngâu tựa cửa nhìn trời xối xả giọt sầu nhân thế, lặng lẽ thắp một nén nhang lên bàn thờ lấy khăn mềm lau bụi trên cây đàn cũ kĩ lâu rồi không cất lên một giai âm. Bàn tay run run, ánh mắt mịt mờ khói phủ nhìn dây đàn đã chùng lại mà thở dài trong tiếng mưa rơi….

Ngày xưa đi học vỡ lòng, bố dắt tay tôi qua chiếc cầu đá bắc qua con sông nhỏ. Nhìn cây cầu tôi lại thấy run run. Con sông nhỏ mà sao dưới mắt bé con thấy nó rộng dài đến thế. Sợ chẳng dám bước qua một mình, thương con bố ghé vai cõng qua cây cầu ấy. Những ngày mưa bố chẳng để con đi một mình, bao giờ cũng trùm áo mưa và cõng con vào tận lớp học. Nhìn con cười nói với bạn bè rồi bố mới yên tâm ra về.

Tám tuổi xa nhà đi học trường chuyên của huyện nơi xứ đạo. Chiều đông tiếng chuông nhà thờ rền rĩ, tà áo trắng và khăn trùm đen của các cô mụ cùng tượng Chúa Giê-Su rầu rầu đóng đinh vào gió bấc khiến tôi sợ đến điếng hồn oà khóc. Ước ao sao lúc này được về nhà dù bị ăn roi cũng cam lòng. Gió vi vút, ánh đèn dầu vàng vọt, tôi không thể nào học bài trong tiếng đọc kinh của bà chủ nhà được. Cứ nhìn lên bàn thờ Chúa là nước mắt lại ứa ra. Lòng thầm khấn nguyện giá bây giờ có bố ở bên. Con mực già sủa inh đầu ngõ, tiếng xe đạp lách cách dắt vào. Tôi nín khóc chạy bật xuống đất không tin là sự thật bố hiện ra như một phép màu. Nhìn con gái chân trần co ro trên sân gạch nhà chủ bố thở dài thương cảm thấy con oà khóc. Không đành lòng bố xin phép bà chủ nhà chở tôi về nhà trong đêm lạnh mùa đông. Con đường đá gồ ghề gần hai mươi cây số, khoác chiếc áo của bố tôi bám chặt lấy yên xe. Thi thoảng lại nghe tiếng bố trầm ấm cất lên: Đừng ngủ gật con nhé! Khi nào về qua Yên Định bố mua bánh chưng bà Thìn cho. Cầu Yên Định hiện ra trong ánh đèn chai tù mù, tấm bánh chưng gù nóng hồi đặt vào tay nóng và ngon đến tận bây giờ.

Đêm mùa đông bên giá vẽ khuya lơ ngày giáp Tết, bố cần mẫn với những bức tranh cho khách lấy treo xuân. Tôi quên sao được tấm áo hoa vải bông dày dặn bố đem về cho con thơm mùi vải mới. Tung tăng chân sáo khoe áo mới ngoài ngõ trong ánh nhìn thèm vụng của lũ bạn nhà bên.

Giờ nhìn lũ trẻ con thờ ơ với trái bàng chín mọng rụng đầy sân trường, chúng không háo hức với trái thị vàng tươi như mùa thu toả nắng tôi lại bần thần nuối tiếc giấc mơ cổ tích đã bay xa. Tôi nhớ như in đôi bàn tay cầm bút vẽ của bố khéo léo lựa dây cước đan cho lũ chúng tôi mỗi đứa một rọ. Từng mắt lưới tinh xảo hiện ra đều tăm tắp được pha màu cước khác nhau thật xinh. Quả thị to như chiếc bát ăn cơm thơm lựng được dành cho chiếc rọ to của chị cả, còn tôi được chiếc nhỏ với quả thị tháp nhỏ tròn xinh. Chiếc rọ đeo vào cổ nâng niu như túi thơm theo bước chân chúng tôi suốt mùa thu…

Bao mùa thu bình thản trôi qua cuốn theo gió và hy vọng, nhìn bóng mẹ gầy buồn tóc đã pha sương lòng tôi lại ngùi ngùi thương nhớ. Nhiều khi mở bản dạ cổ hoài lang lại gặp mẹ tôi rơm rớm nước mắt trôi về miền xa xăm.

Giờ bố tôi đã hoá thân vào mây trắng gió ngàn, chẳng biết bên cõi kia ông có dạo bản cổ nhạc Cao sơn với các tri kỷ của ông không? Vườn xưa giờ không còn nữa, nhưng mỗi lần có dịp đi qua đấy tôi không khỏi chạnh lòng.

Nghe trong gió thu giai âm mùa cũ thấm đẫm những câu ca cổ mang bao kỉ niệm về cha tôi rưng rưng thương nhớ mỗi vu lan.

Phạm Gia Hưng | Báo Văn Nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Ai chè sen - Tản văn của Lê Hà Ngân Có một Hà Nội khác. Tản văn của Trịnh Thu Tuyết Mùa mưa nhớ cha - Tản văn của Nguyễn Minh Nguyệt Hạ cũ. Tản văn của Ngọc Hoài Lâm Cù lao quê tôi - Tản văn của Hoàng Thị Trúc Ly
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.