Sáng tác

Ngoài cõi U lạc. Truyện ngắn của Đặng Ngọc Hùng

Đặng Ngọc Hùng
Truyện
11:36 | 09/09/2024
Baovannghe.vn - Mấy đêm liền, ông cứ mơ thấy mình lạc bước đến đó. Cái bóng nhòa nhòa kéo dài tít mù khiến ông chờn chợn và thoái lui. Già còn sợ chết, ông tự cười cợt mình. Dù vậy cuối cùng ông vẫn thoái lui.
aa
Ngoài cõi U lạc. Truyện ngắn của Đặng Ngọc Hùng
Minh hoạ Đặng Tiến

Cái gì lô nhô trăng trắng tít mù vậy ta.

Mấy đêm liền, ông cứ mơ thấy mình lạc bước đến đó. Cái bóng nhòa nhòa kéo dài tít mù khiến ông chờn chợn và thoái lui. Già còn sợ chết, ông tự cười cợt mình. Dù vậy cuối cùng ông vẫn thoái lui. Ông đang đứng ở ban công tầng ba của bệnh viện. Bốn bề trống trếnh. Cuối tầm mắt, về phía tây, núi vẽ một vòng cung. Gió phành phạch. Ông quay về phòng để chuẩn bị truyền dịch. Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng, tiếc mộng bao nhiêu dễ ngán đời, ông lẩm bẩm.

- Dạ, ông nói sao ạ? – Cô điều dưỡng buột miệng hỏi trong lúc tìm vein.

- Ạ… à, mộng mị ấy mà. Ông nói thơ phú tầm phào cho vui cháu ơi, có gì đâu.

Khi quay lưng đi ra phòng bệnh, cô điều dưỡng con nghe ông già lẩm bẩm Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.

Không phải giờ thăm bệnh, phòng yên ắng lạ. Tiếng cây quạt trần quay đều nghe như tiếng xe từ nơi nào xa lắm vọng đến. Cái gì lô nhô trăng trắng tít mù vậy ta. Kệ cha nó, cứ tới coi thử. Cái gì đó mờ mờ như khói tỏa liên tục. Có một lúc hiếm hoi, màn khói thưa rách đi, ông thấy những cái bệ đều tăm tắp giăng mắc bốn phía. Ông dấn thêm mấy bước nữa. Một tấm bảng: NGHĨA ĐỊA KÝ ỨC. Thì ra cái mà ông nghĩ là bệ té ra là những ngôi mộ. Lỡ rồi, tới luôn đi, ông tự nhủ. Ở ngôi mộ thứ nhất, ông thấy tấm bia đề: THỜI ANH NIÊN. Ông chưa kịp đọc dòng thứ hai thì có một bàn tay từ trong đám khói chìa ra chụp lấy cổ tay ông. Ông hét lên, tim ông hí hóp. Rồi ông vùng ra được, bỏ chạy.

- Cái thằng, anh Ba Trương nè, phụ anh một tay, chuẩn bị cho những ngày tới.

Cô điều dưỡng quay lại kịp thời cùng với bác sĩ phó khoa. Bệnh nhân suy tim đang hoảng sợ.

- Ông già la ghê quá - Một nữ bệnh nhân đứng tuổi nói - Chắc chiêm bao thấy điềm hung.

- Người đâu da bọc xương mà cứ mơ tối ngày.

- Tôi nghe nói người to mập ít chiêm bao lắm, da thịt lấp hết không còn chỗ cho mộng mị.

*

Ở Ô Rô, ông làm nhiệm vụ cảnh giới cho anh Ba Trương. Nhưng cảnh giới cái gì thì ông không biết. Hình như có một nhiệm vụ nhiều tầng nấc, mỗi người biết đến một mức nào đó. Chưa kịp hỏi Ba Trương thì ông bị mắc chứng bệnh lạ. Ở ngoài Triền, ở Rẫy Điểu, nằm trên vạc cây dâu đất, ông giật nảy từng cơn, da tím tái, mắt trợn trừng. Lưng ông đau đớn kinh khủng. Còn mấy hôm nữa đi tập kết, vậy mà... Không ai biết ông bị bệnh gì. Bác sĩ Trí nói: Thằng Xuân bị kinh phong. Anh Tú ghé tai ông: “Ráng ở lại, chờ nhiệm vụ mới”. Anh em ra đến ga Long Thạnh, ông không đi nổi. Sau mấy ngày đêm quăng quật trên bộ vạc cây dâu đất, ông trở dậy và không còn ai. Nhiều năm sau này, ông luôn nhớ lại những ngày đó, nhớ cái cảm giác bị lạc bầy. Giá mà quay về tuổi thơ được, ông sẽ bụm tay làm loa: “Có ai không, đừng bỏ tôi, tôi khỏe lại rồi”. Nhưng ông là người lớn, từng đi kháng chiến, lơ mơ là chết người như bỡn.

Không ai trở lại tìm ông. Đêm, trong tiếng gió bấc sàn sạt, ông nằm chờ tiếng gõ cửa hay một ám hiệu nào đó. Không có. Rồi ông bị chính quyền mới gọi xuống xã. Khai hết ra, đi kháng chiến à, có phải đảng viên cộng sản không, khai hết ra. Ngày nào cũng vậy. Nhiều ngày. Những ngày tố cộng. Ráng ở lại, chờ nhiệm vụ mới, ông chờ suốt hai mươi mốt năm, không ai gõ cửa để giao cho ông một nhiệm vụ mới nào. Không một tiếng gõ.

*

Quen lắm, cái gương mặt này. Xương xẩu, mũi cao, cánh mũi nhọn, lưỡng quyền nhọn. Da ngăm. Cái động tác chậm rãi. Không thể nào. Nếu là nó thì giờ ít nhất cũng trung tá, đại tá. Có chuyển qua dân sự thì cũng làm cán bộ cấp nào đó chứ không thể ngồi uống thứ rượu khét mù trong chạng vạng ở sân ga đìu hiu này. Ông thì chẳng hơn gì, người tanh nồng mùi cá. Nhưng ông khác. Ông là kẻ bị thất cước. Còn người kia, nó vô Hàm Tân để xuống tầu Ba Lan mà... Trước khi ực một ngụm rượu, người đàn ông áo quần lấm lem bụi đất đưa cái ly lên ngang mày, nhìn chằm chằm vào đáy ly rồi mới kê nó vào môi. Ba mươi mấy năm, cái động tác chậm rãi. Thôi, đúng là nó rồi. Ông đứng lên. Nháy mắt, ai đó đem mớ bóng tối rải lên sân ga. Người đàn ông kia đang nhìn chằm chằm vào đáy ly trắng đục trước khi làm một cú ực mới.

- Lý phải không? Lý Sự 86...

Một cú ực. Rất lâu mới ngẩng lên, hai mắt sục sạo trên gương mặt người đối diện. Đôi mắt. Trận hành quân năm nào bỗng trở về. Sáng sớm đi qua Quán Thùng, tập kích một đơn vị Tây. Trời bỗng mưa như nấu cháo. Chiều về, con đường bỗng biến mất. Đất lở. Nếu không có đôi mắt này, trung đội của ông đã bị vùi vĩnh viễn trong cái hố lở kinh hoàng sâu đến mấy chục thước.

Tảng mây đùn nơi khóe mắt từ từ giãn ra. Tròng mắt bạc. Chiều rơi vô thanh sau cái ga xép.

- Thằng Xuân, mày là Xuân. Vô đến Phong Điền không thấy mày đâu.

- Tao Xuân đây. Tao bị giựt kinh phong, mấy ảnh bố trí ở lại.

- Trời đất, gần ba chục năm. Qua đây ngồi luôn đi.

Gần ba chục năm. Đêm ở Triền, Lý thổi sáo, Xuân ngâm thơ. Tiếng gà thức giấc, đêm bắt đầu tàn, dư âm văng vẳng, sao gục đầu đưa tiễn...Tiếng nấc của mấy bà mẹ chiến sĩ bị bẹp gí trong tiếng vỗ tay. Buồn quá, ủy mị quá, bác sĩ Trí nói, thay tiết mục khác đi. Lệnh của chính trị viên ban ra, Xuân chuyển qua diễn hề, rút tay phải ra khỏi tay áo, giả làm thương binh cụt một tay, tàn mà không phế, vẫn lao động, tăng gia, vài câu tấu vần vè vui nhộn, lạc quan. Tiếng vỗ tay ran cả triền đồi.

Gần ba chục năm.

- Lý, mày là cán bộ tập kết, sao lại...

- Sao lại tàn tạ thê thảm, ý mày là vậy, phải không? Làm cái cho cuộc hội ngộ, chuyện đời dài lắm.

Lý rót cho Xuân. Rượu Nùng. Lý nhìn qua bên kia mái nhà ga.

- Xuân à, mày mà ra ngoài kia được chuyển qua dân chính, đi học hành bài bản sẽ là một nghệ sĩ lớn. Ông Quang cậu mày xuống tầu Ba Lan một lượt với tao. Nghe nói sau bảy lăm, ổng về trong này rồi. Cậu cháu có gặp nhau lần nào không?

- Có, một lần. Ông đậu xe ngoài đầu hẻm, vô nhà chỉ mặt tao nói: “Mày là thằng địch”, cho vợ con tao mấy chục ký gạo rồi đi mất tiêu. Mà thôi, ổng chịu khó hỏi nhà đứa cháu là tao, tìm đến, vậy là quá đủ cho tình cậu cháu.

Ở Quán Thùng, lúc Lý phát hiện ra cái hố lở đỏ ngòm, ông Quang đứng run như cầy sấy, tay vò nát nắm lá bồn bồn tanh rình. Sau khi thở dốc, Quang lùi lại từng bước, mặt xanh như chàm, mắt không rời mép hố. Trận nào cũng vậy, Quang xung phong sau cùng, người run bắn một cách tỉnh táo. Ra bắc, chuyển sang ngành vật tư. Mỗi người có cái lá số định sẵn.

- Còn mày, Lý, ăn mặc như vầy chắc là làm phụ hồ phải không?

- Ừ, phụ hồ. Trung úy phục viên, vợ chồng tao có bốn đứa con đang tuổi ăn học, bà xã làm bên đo đạc, lương thấp lắm. Làm cái nữa đi Xuân.

Lý ực, nuốt thêm mớ khói thuốc rê.

- Tao ra ngoài đó một thời gian ngắn thì được đưa về Nghệ An. Lúc đầu ở Quỳnh Luyến. Rồi ra quân. Sau đó, tình nguyện nhập ngũ trở lại, đi chiến trường C. Đánh chác không biết bao nhiêu trận, người đầy thương tích. Rồi tai nạn xảy đến theo cái cách không thể hiểu nổi.

- Tai nạn?

- Ừ, cứ cho là vậy. Làm phát nữa đi! Trận đó, đơn vị bắt sống nhiều tù binh. Tao với một số anh em nữa được phân công giải về. Bộ đội mình với tù binh khổ như nhau. Bỗng nhiên cơn sốt kéo đến. Mày không thể biết sốt rét bên Lào khiếp như thế nào đâu. Người như cháy rã ra. Khi tao mở mắt thì nghe tiếng AK đùng đục. Mấy tù binh nằm chết thẳng cẳng.

- Ủa, sao lại...

- Một tù binh cướp súng bắn hạ một anh em bên mình. Rồi một anh em nào đó của mình quẫn trí làm ẩu. Thế là ăn kỷ luật cả đám. Quân đội cách mạng không chấp nhận cách hành xử kiểu thảo khấu.

Phía bên kia ga có tiếng mấy bà mẹ gọi con về ăn cơm chiều. Rồi chuyến tầu chợ ập đến. Nhà ga loảng xoảng trong mớ âm thanh nát nhừ. Tiếng trò chuyện của hai người bị nhúng trong cái sự sống thường nhật ầm ào.

- Sau đó tao xin ra quân, về một nông trường và gặp bà xã bây giờ.

- Ra quân, về một nông trường và hưu non.

- Đúng vậy. Còn mày?

- Hồi nãy tao nói rồi đó, chờ mãi không thấy một tiếng gọi cửa hay một ám hiệu nào. Cuối cùng tao buộc phải đi lính, nếu không thì khổ vợ khổ con. Lính nghĩa quân, chẳng có cấp bậc gì.

- Chà, mày mà xuất trận thì phe ta trong này thiệt hại biết bao nhiêu. Hồi mày chỉ huy trận Bình Lâm, mấy ông Nam Tiến le lưỡi thán phục, có ông còn nói mày là có tài quân sự bẩm sinh.

- Tao đi cho có. Họ về họp ở đâu, cơ sở chỗ nào, tao biết hết. Cách đánh du kích của phe ta, tao lạ gì. Năm sáu chín, tao bị thương rồi giải ngũ.

Gần ba mươi năm. Gió thổi hai mảnh đời bay tứ tán rồi cùng rơi xuống phía sau cái ga xép.

- Nhà tao ở sau bến xe ngựa, gần cái chùa.

- Tao ở khu tập thể văn công. Hôm nào tới nhâm nhi rượu nùng, đánh cờ tướng chơi. Xuân, ông già vợ mày, cái ông hương biện người Huế ăn no thọc tay vô túi áo đọc thơ, không làm gì động ngón tay, giờ sao rồi?

- Ổng mất rồi, năm bảy tư.

- Tao nhớ ổng thường đọc bốn câu chữ nho mình nghe không hiểu, nhưng ổng giải nghĩa hay lắm, mày còn nhớ không?

- Nhớ chứ, tao thuộc lòng bốn câu đó, của Tô Đông Pha, bài Họa Tử Do “Mãnh Trì” hoài cựu. Nhân sinh đáo xứ tri hà tự, Ưng tự phi hồng đạp tuyết nê, Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo, Hồng phi na phục kế đông tây. Nghĩa là, đời người rồi sẽ đi về đâu, như cánh chim hồng đạp tuyết rơi, tuyết kia ngẫu nhiên mà in dấu chân, hồng bay nào kể đông hay Tây.

- Ha ha, đời người như cánh chim hồng bay tít mù qua trần thế, chẳng để lại dấu vết gì ráo. Buồn quá hả Xuân?

- Ừ, buồn quá Lý, làm cái nữa rồi nghỉ nha.

*

Sân thượng bệnh viện, gió phần phật. Giữa những đợt gió, có một khoảng khắc im phắc. Ông già đứng giữa sân thượng, gầy gò, chân trái khẽ đưa cao về phía trước rồi hạ xuống, hai tay giang rộng. Gió quất rào rào.

- Ông ơi, xuống đi, ở đây gió lắm, coi chừng...

Ông già không ừ hữ gì. người bỗng khuỵu xuống, hai cẳng tay gập lại, hai bàn tay chạm nhau rồi lại giang ra, chân phải khẽ co lên, hơi thở phập phồng đều đặn trong bộ ngực lép kẹp. Gió vẫn rạc rài, trời đất rỗng, lòng ông cũng rỗng trong cái tri hành hợp nhất.

- Con xuống trước đây, chút nữa ông xuống phòng để con kiểm tra lại vein.

Cô điều dưỡng rời sân thượng. Ông không nói gì. Ông đang ở ngoài động tĩnh. Tinh, khí, thần ông đang hành vân lưu thủy trong tịch lặng của chánh niệm.

Ở một góc sân thượng, có một người ngồi nép bên bức tường giáp thủy đài phía cầu thang. Một ông lão da ngăm, người còn khá rắn chắc. Nhìn ông lão mắt nhắm nghiền đứng giữa sân thượng cử động chân tay, ông lão phía thủy đài lẩm bẩm: “Cha nội này xài môn võ gì mà như múa vậy ta?”.

Nói xong, ông lão da ngăm đứng dậy xoay cổ tay, cổ chân, uốn mình, rồi hai chân khép lại, hai tay để xuôi thân người, môi hơi mím, lưng thẳng, bụng thót, vẫy hai tay để ngửa, cùi chỏ thẳng.

Chiều muộn. Vẫn gió. Trăng chưa lên. Nhưng ánh trăng vô cầu chiếu từ bên trong, cắt đứt xiềng xích của tâm trí, khí thần hợp nhất, vô thanh tùy duyên, không cố cũng không vọng, tất cả tự hành trong tịch lặng.

Rồi không hẹn mà gặp, cả hai ông lão đều mở mắt ra, cùng quay lại:

- Ủa!

- Ủa!

Tiếng cười khào khào như nghẹt chảy ra từ hai cái miệng móm mém. Đã quá giờ uống thuốc buổi chiều. Trăng từ đâu chui ra từ một đám mây. Bên trong hai bộ đồng phục bệnh nhân, hai quả tim già hí hóp.

- Quơ qua quơ lại mà thấy đỡ ghê – ông Xuân thở khăng khắc.

- Ừ, tôi cũng vậy, ông có nhớ hồi tiểu đoàn mới thành lập, ông thầy dạy võ bị chính trị viên dợt một trận không? – ông Lý chùi mồ hôi trán.

- Khấc khấc – tiếng cười như thầu dầu toác hạt dưới nắng - nhớ, nhớ chứ, từ từ để nhớ lại, nhớ rồi, sổ bộ xuy phong, phản hồi tọa địa, phụ tử tương song, tiền thiên bộ đản, lưỡng chiến tấn công, chỉ thiên đả diện, lưỡng thủ khúc quăng, hồi thân đãn thủ... Quên hết rồi, nhớ chừng đó.

- Thiên với địa, kháng chiến gấp lắm - ông Lý nhái điệu bộ của ông chính trị viên mấy mươi năm trước – ông thầy nói chữ ta với anh em đi, đá sao, đấm sao; võ nghệ kháng chiến mà thiên địa với tọa địa, ai hiểu nổi, thời gian thì không có.

Khấc khấc.

Hai ông già móm mém cười.

*

Tịnh thất nhỏ ngái ngủ trong cái tịch lặng giữa trưa. Bầy gió buổi sáng đi hoang chưa về.

- Chẳng lẽ đời người như cánh chim hồng bay tít mù qua trần thế, chẳng để lại dấu vết gì ráo hả? Vậy thì buồn quá - Ông Lý gay gắt.

Ông bạn già cư sĩ thủng thẳng đứng dậy, bốc nhúm rễ cây thuốc khô nẻ trong cái nong cạnh cửa sổ: “Sao lại buồn? Hai ông bạn chẳng phải từng có những ngày kháng chiến oai dũng sao? Chẳng phải đã vì đời mà chống lại cái ác sao? Nhưng đến tức là quay về”.

- Hiểu, hiểu - Ông Xuân hét lên - Bữa trước ông có giảng hai chữ như thị.

- Như thị - ông bạn già tu tại gia phun mẩu trà đang nhai - Như thị, như thị.

Buổi trưa, chiếc xe du lịch mới coóng lao vào sa mạc. “Ô Rô trực chỉ”, ông Xuân ra lệnh cho con trai. Ô Rô, nơi ông cảnh giới cho anh Ba Trương chôn vũ khí chờ những ngày tới.

Buổi sáng hôm sau, chiếc xe du lịch mới coóng lao vào vùng bán sơn địa. “Râm Kiểng trực chỉ”, ông Xuân ra lệnh cho con trai. Râm Kiểng giờ chỉ có cây keo lai, bạch đàn, những liếp rẫy cong cong, xa xa là mái ngói duyên dáng của một trường học.

Đêm qua, ông lại lạc vào NGHĨA ĐỊA KÝ ỨC. Bên tấm bia THỜI TRUNG NIÊN khói tỏa nghi ngút, ông gặp Ba Trương ở Râm Kiểng. Ba Trương nói: “Xuân, ở đây có một kho vũ khí nữa cho những ngày tới. Sẽ gặp chú mày để giao nhiệm vụ”. Mấy anh em bên công binh xưởng đi lại nói cười. Rắc, sạt sạt sạt, chiếc thùng tôn hàn không kỹ bỗng gãy đôi, súng đạn đổ cả ra ngoài. Ai nấy tái mặt. Rồi bỗng vui vẻ trở lại. Nhiều người trong số họ sẽ xuống tầu Ba Lan trong mấy ngày tới. Một số lên rừng trụ lại. Ba Trương nói với Xuân: “Anh em mình trung thành cả, phải tin nhau”.

Bao nhiêu năm không ai tìm gặp ông Xuân.

Nhiều buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, ông Xuân đi về miền nghĩa địa ký ức. Chỉ thấy cái mầu trăng trắng lô nhô tít mù. Ông Lý bảo: “Hay là mộng ảo, Xuân? Nó mênh mông chứ không hữu hạn như miền thân thể?”.

- Ừ - Ông xuân đáp lời bạn - Đến là quay về.

Chẳng lẽ đời người như cánh chim hồng bay tít mù qua trần thế, chẳng để lại dấu vết gì.

- Sao lại bi mẫn đến vậy. Samôn Tất-đạt-đa có chết không? – Cư sĩ hỏi.

- Có, thọ tám mươi tuổi – Xuân và Lý đồng thanh.

- Đó, các ông thấy chưa, chính ngài dùng thân xác đời mình để chứng minh ai cũng đi qua cuộc lữ hành sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng Ngài vẫn hiện hữu.

- Hiện hữu?

- Đúng, đó là bài học mà ngài đã tự chứng tự đắc và để lại cho chúng ta. Phải diệt ba thứ độc là tham, sân, si và vô minh, nguồn gốc của mọi thứ khổ hại. Làm được toàn triệt như Ngài, ai cũng là Như Lai. Ngài hiện hữu trong mỗi chúng ta như một biểu tượng bởi phàm thánh bất dị, ai cũng là Phật.

- Vậy cái không mất đi…

- Là pháp tính tức chân tính. Hết thảy còn lại đều vô thường.

Tự nhiên, ba ông già run run cùng đứng dậy, đồng ca.

Một người đàn bà mang rễ cây thuốc đến tặng cho tịnh thất để cư sĩ bốc thuốc miễn phí cứu người. Đến tam quan, bà như không tin vào tai mình. Bỏ đôi quang gánh xuống, bà rón rén vài bước nữa và nghe có tiếng mấy người hát khò khè.

Như mộng, như huyễn, như bọt,

như sóng, như sương.

Im lặng một lúc.

Như chớp lóe.

Đặng Ngọc Hùng | Báo Văn nghệ

Đọc truyện: Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung Mađagui. Truyện ngắn dự thi của nhà văn Hà Đình Cẩn Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn