Sáng tác

Mađagui. Truyện ngắn dự thi của nhà văn Hà Đình Cẩn

Hà Đình Cẩn
Truyện
11:00 | 04/09/2024
Baovannghe.vn - Chiếc xe khách chất lượng cao Lomosine dừng lại trước của hàng sửa xe Mađagui làm tôi tỉnh lại, vui như bất chợt gặp lại người quen. Mađagui...
aa
Mađagui. Truyện ngắn dự thi của nhà văn Hà Đình Cẩn
Minh hoạ Lê Trí Dũng

Mađagui, một chấm nhỏ trên bản đồ hành trình, một điểm trong heo hút rừng mà tôi luôn nhớ nhưng không phải lúc nào cũng gặp.

Tôi đã gắn bó với Mađagui từ những ngày cuối chiến tranh trên vùng xứ nóng Phan Rang, Phan Thiết. Một tốp các cô gái đẩy xe thồ đạn gạo của đơn vị vận tải H50 trong đêm vừa tải hàng, vừa đưa khách vượt đường hai mươi. Khi chia tay, Nụ đứng gần nắm hai tay tôi, ríu tít nói lời chia tay. Tôi đặt lên má Nụ cái hôn nhẹ, lắc lắc tay, Nụ ở lại nghe. Từ đó đôi khi nhớ đến Mađagui, tôi lại nhớ tên một người con gái.

Tôi xuống xe, gặp một người đàn bà trang phục Cơ Ho, đeo gùi, đội nón lá, cổ quàng khăn thổ cẩm, đi từ lối đường dân sinh bước lên mặt đường nhựa. Nàng hiện ra như sắp đặt của số phận? Tôi từng thấy bao nhiêu là đôi mắt đẹp trên đường, nhưng chưa gặp đôi mắt nào như Nụ, đôi mắt như làm bằng thủy tinh xanh sáng lấp lánh và pha chất liệu ấm áp của miền Phan Rang. Đôi mắt ấy đã nhìn một lần là khó quên. Tôi gọi, Nụ phải không? Người đàn bà đeo gùi hơi sững lại, rồi cúi đầu bước đi như chẳng có chuyện gì. Tôi lại gọi, ấm áp như đã gọi. Người đàn bà bước nhanh hơn. Sao lại phải cúi mặt? Sao lại phải bước nhanh hơn khi tôi gọi tên? Tôi tin người chợt gặp là Nụ, mặc dù không thể giải thích sao Nụ lại ở đây, sao Nụ lại hóa thành một người đàn bà dân tộc Cơ Ho ở miền bình sơn nguyên Mađagui? Tôi chạy lên, đón đầu người đàn bà, giữ lấy cái quai gùi trên lưng cô, xoay người để mặt đối mặt với người đàn bà. Gương mặt ấy. Nước da ấy. Vầng trán nhẹ nhõm ấy và đôi mắt ấy…

Bây giờ tôi mới nhìn kỹ Nụ. Nụ giống như các cô gái dân tộc Cơ Ho mặc váy dài, xòe, ôm sát thân người, để hở ra tấm lưng trắng, đôi tay trần, chân đi như có nhịp điệu múa nào đó. Màu sắc hoa văn trên váy áo của Nụ cũng là màu sắc của phụ nữ Cơ Ho, sẫm, được phối các màu đen, đỏ sẫm, nâu, trắng, không có những mảng màu sáng lớn như các cô gái người Thái. Trên áo được đính thêm các chuỗi hạt, luôn rung theo nhịp chân. Tôi nhìn vào đôi mắt Nụ, thấy hai dòng nước chảy dòng trên má.

Tôi để cho nụ khóc. Nụ đang ở với ai? Nụ bảo, ở với một người. Tôi hỏi, chồng à? Vâng, eng Quang. Tôi rùng mình. Tôi biết là họa sĩ Nhật Quang chồng Nụ đã chết từ nhiều năm trước, sao lại ở với người chồng đã chết? Tôi nhớ đến hủ tục kinh hãi của người Tày Hẩy ở rải rác vùng gót Trường Sơn này, là giữ người chết trong nhà, ngày ngày vẫn bón cơm, cho đến khi người ta tìm được một người sống để thay thế như con, như chồng, như bạn mới đem người chết đi mai táng. Chả lẽ nụ theo tục ấy mà giữ anh Quang trong nhà?

Tôi bỗng cảm thấy khó xử, sẽ sống thế nào trong căn nhà có cái xác đã chết lâu nay? Có lẽ nhận ra băn khoăn của tôi, Nụ nói, Quang trong nhà chỉ là một bức tượng gỗ do người Cơ Ho đẽo. Còn xác Quang mai táng ở nghĩa trang liệt sĩ của xã.

Tôi nói, anh muốn về ở với Nụ vài ngày, được không? Nụ không nói lại, tôi nghĩ nụ đã cho tôi theo về nhà.

*

Cuối cùng bếp lửa được đốt lên trong căn nhà gỗ hai gian. Nhà ở ven rừng, có ngọn lửa vẫn cảm thấy ấm cúng hơn chỉ có những vệt nắng hình rẻ quạt xuyên qua tán lá của cây gỗ dầu cành lòa xòa gần như trùm kín mái nhà. Nhà của người đàn bà, nhưng tôi cảm thấy có bàn tay của người đàn ông nào đó dựng lên và chăm sóc. Những cột, những xà ngang, xà dọc và vách thưng đều được làm kỹ càng, bào nhẵn nổi vân gỗ. Gian nhà tỏa mùi hương gỗ thơm thơm. Gian giữa, nơi có bếp lửa chỉ một tượng gỗ ngồi như tượng nhà mồ của người Ê Đê Tây Nguyên. Hẳn là bức tượng gỗ, nụ nói là tượng anh Quang. Tôi thấy, tượng không có nét nào giống anh Quang, chỉ là hình người đàn ông ngồi với hai mắt đục sâu, hai tay vòng trước bụng. Mới đầu, khi ngọn lửa bếp chưa sáng, tôi nhìn tượng chỉ là tượng gỗ thô mộc, hằn nhiều vết rừu đẽo phủ kín quanh thân. Nhưng khi ngọn lửa bắt đầu chập chờn vẽ lên mặt tượng làm cho hai hốc mắt sâu thêm, tôi đột nhiên rùng mình thấy tượng gỗ như đang sống tiếp kiếp người. Một người có hồn giấu trong đôi mắt đang ngồi kia, đang khóc thương cho người chết hay cho người sống? Căn nhà gỗ hai gian của Nụ vừa mới đấy là vui, mà giờ chỉ một tượng gỗ đang khóc làm cho đầy ắp nỗi buồn.

Tôi biết, một đoạn đời của Nụ gắn bó với họa sĩ Nhật Quang từ trong chiến tranh vì bấy giờ tôi vừa len lỏi gần hai ngàn cây số từ Hà Nội vào Quân khu Sáu nằm lọt giữa lòng địch để làm báo. Vào những ngày đầu cuộc Tổng tiến công năm 1975, Nụ được điều về Cục Chính trị Quân khu làm trong tổ nuôi quân. Giữa tháng tư, sau khi giải phóng Đà Lạt, lực lượng Quân khu Sáu dồn về vùng rừng phía bắc Phan Thiết, hậu cứ Cục chỉ còn lại vài anh lính giữ kho cùng Quang và Nụ với tôi là khách. Anh Quang bị giữ lại cứ vì sức khoẻ không ổn, chân bị gãy do vấp ngã còn đang bó bột, đi lại phải ngồi xe lăn.

Quang tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, rồi về Xưởng Mỹ thật Quân đội công tác. Ở Xưởng một thời gian, anh xung phong vào chiến trường. Lăn lộn với cuộc sống người lính nơi gian khổ nhưng Quang chưa bao giờ mệt mỏi vì anh cho rằng chiến trường là một thời cơ để anh được đi nhiều nơi, là một cơ hội để thể hiện mình trong lao động nghệ thuật. Anh muốn cả đời ở Quân khu Sáu vì mỹ thuật và kiến trúc Chăm quyến rũ.

Bảy năm trong rừng chiến khu, anh đã mấy lần cơm nắm, cơm đùm len lỏi xuống các làng người Chăm cổ và lọt vào một số tháp Chăm Ninh Thuận để khám phá mỹ thuật, theo anh là sự kỳ vĩ của người Chăm. Anh nói, người Chăm cổ có một tài sản mỹ thuật không thua kém mỹ thuật của Ai Cập và Lưỡng Hà. Không kể các đền tháp nguy nga, chỉ kể tượng tròn bằng đá mà người Chăm cổ để lại đã là bộ sưu tập kiệt tác hàng đầu trên thế giới. Khi nói về mỹ thật Chăm, gương mặt rất đẹp của anh bừng sáng, và đôi mắt ánh lên, dường như có tia lửa của ngọn đèn dầu nhảy múa trong đó. Tôi hỏi, anh có khuynh hướng sáng tác từ sự gợi ý của mỹ thật Chăm không? Anh bảo, mỹ thuật Chăm để ta chiêm ngưỡng, để ta bái phục chứ không thể sao chép.

Tôi nhìn thấy một tập bản thảo viết tay của Quang, Mỹ thuật Chăm có lẽ đã ngót trăm trang và hi vọng một ngày nào đó tôi được đọc công trình nghiên cứu mỹ thuật trong chiến tranh của anh. Tôi hỏi, thu hoạch của anh về nghệ thuật tượng Chăm và Tháp Chăm là gì? Anh nói, một nắm đất, một khối đá trong tay người Chăm cổ làm tượng và xây dựng đền tháp đều được thánh hóa, hay nói rõ hơn là người Chăm thổi hồn vào đó để các hiện vật họ để lại đều sống cuộc sống bất diệt theo năm tháng vì sống bằng linh hồn. Tôi nghe Quang nói, thấy trong con người anh dường như đang có điều gì đó bất ổn do nghệ thuật Chăm tác động nhưng chưa đầy đủ sự chuẩn bị để phá phách trong sáng tạo nghệ thuật.

Nụ bảo, sau lần Quang đi xem mỹ thuật người Chăm, dường như trong Quang có gì bất ổn, muốn phá phách trong nghệ thuật mà chưa thể phá phách. Nụ đã chứng kiến Quang tàn sát những bức tranh của anh. Đó là trước ngày Quân khu Sáu triển khai cuộc Tổng tiến công giải phóng thành phố Phan Thiết. Bấy giờ do anh bị gãy chân, phải bó bột, ngồi xe lăn. Quang nói, bao nhiêu năm ở căn cứ, ngày nào, đêm nào anh cũng nhìn về Phan Thiết, mong được đến đó. Bây giờ Phan Thiết sắp giải phóng, anh không thể nằm yên ở cứ, mà phải về thành phố. Anh tự đẩy xe đi. Không đi xe được thì anh chống gậy. Không chống gậy được thì anh bò. Bò không được thì anh lăn. Nhất định anh phải đến nơi bao năm anh chờ đến. Nói xong, Quang đặt cả bó tranh xuống, bảo Nụ cho anh hộp quẹt. Nụ bảo, eng muốn nấu nước pha trà để Nụ nhen bếp cho. Quang bảo, eng tự nhen lửa lấy. Nụ đưa cho Quang hộp quẹt, quay vào trong lán thu xếp đồ. Khi ngoảnh lại, nụ giật mình vì thấy Quang đang đốt những bức tranh. Từng bức, Quang cầm ở tay cho đến khi bức tranh cháy hết thì thả cái mẩu giấy xuống, nhặt tờ tranh khác, đốt tiếp. Nụ giằng lấy hộp quẹt, kêu, bao nhiêu công sức của eng, eng ơi. Nụ ngăn không cho Quang đốt tranh nữa. Nhưng Quang bảo đốt bỏ đi eng mới còn ham sống để vẽ tiếp. Không thì eng ngồi ì trên cái xe đẩy này.

Chưa bao giờ nụ thấy Quang tự đốt những tranh đã bao công vẽ lại thảnh thơi và vui vẻ đến thế. Sao lại nói đốt tranh đi thì ham sống? Nụ chỉ biết, Nụ không bao giờ để Quang nằm bẹp trên cái xe đẩy. Nụ là đôi chân của Quang. Dìu không được thì cõng, eng muốn tới đâu Nụ cũng đưa đi. Nghe Nụ nói vậy, nhưng Quang vẫn cứ thản nhiên đốt từng bức tranh. Nụ thấy tiếc bao nhiêu công sức của Quang. Anh đang tự tàn phá chính sản nghiệp bao nhiêu năm lao động trong rừng mà có. Nụ đứng chắn trước mặt anh, bảo, anh không tiếc công sức bao năm vẽ tranh ư? Quang bảo, nghệ thuật tính bằng cái đẹp, chứ đâu tính bằng công sức. Bao nhiêu năm vẽ, nhưng khi nghiên cứu mỹ thuật Chăm, anh tự thấy mình chỉ có thể giữ lại vài bức, còn thì phải làm lại. Một nàng Apsara không giống cô gái Chăm nào, nhưng cô gái Chăm nào cũng có một phần vẻ đẹp tỏa sáng và quyến rũ của vũ nữ Chăm trên mặt đá. Nghệ thuật là sự phân chia giữa cái chung và cái riêng, là vẻ đẹp tâm hồn được bộc lộ chứ đâu chỉ là những bức tranh giống người mẫu. Quang còn đủ thời gian để làm lại. Nụ không hiểu điều Quang nói, nhưng chợt nhận ra gương mặt một số người bạn trong tranh, bảo cho nụ giữ lại những bức tranh này. Quang không nói gì, Nụ vơ được một nạm. Những bức tranh đó, bây giờ nụ vẫn giữ.

Đốt xong tranh, Quang như thanh thoát hẳn ra, như vừa trút bỏ gánh nặng trên vai, bảo, bây giờ thì Nụ cho anh ra thị xã. Nụ bảo nghe nói bộ đội chưa đánh Phan Thiết ngay đâu. Ở gần hậu cứ còn đơn vị chăm sóc thương bệnh binh, có bác sĩ, Nụ sẽ dẫn eng tới khám sức khỏe, xem cái chân bó bột thế nào, ổn chưa thì mới đưa eng về Phan Thiết. Quang đồng ý đi khám lại chân bó bột. Ở trạm điều dưỡng, Quang được nữ bác sĩ thăm khám chu đáo, bảo cứ yên tâm điều trị, rồi sẽ khỏi. Thế là Nụ buộc một chiếc bòng vào sau xe, đeo vai đeo một chiếc bòng nữa, gò lưng đẩy xe. Đường rất khó đi, đẩy xe mãi mà chưa ra khỏi cửa rừng vì đường quá xa, những mười sáu cây số…

Đêm ấy cuối tháng tư, là đầu tháng ba âm lịch, trăng non đã tắt, để lại một bầu trời màu xanh nhạt, đầy sao. Nụ nào có lạ gì những đêm nằm ngửa mặt lên trời nhìn những ngôi sao ở phía quê nhà. Nhưng đêm ấy cứ như từng ngôi tinh tú rực lên vì sự háo hức của con người trước thay đổi thời cuộc. Khi đẩy xe ra khỏi cửa rừng, bắt đầu gặp những ngôi nhà của dân ven đường, Nụ mới cảm thấy một không khí đầm ấm. Những ngôi nhà của người Kinh, giống như nhà gia đình Nụ ở Phan Rí, sống cùng bà con người Chăm. Đi giữa những ngôi nhà gợi thân quen, Nụ không chỉ thấy lòng mình ấm áp mà còn thấy may mắn đang chờ đợi.

Đến một khúc rẽ, Nụ bảo eng Quang, ngồi chờ đây, Nụ vào nhà dân ven đường nấu nhờ cơm bữa tối. Ngôi nhà nhỏ, chỉ có một bà già. Bà già giống người Chăm, đầu cuốn chiếc khăn đỏ, mặc váy dài quệt đất, nghe Nụ kể chuyện. Bà bảo, bà có sẵn nồi cơm nấu cho vợ chồng thằng con đi đốt than trên rẫy về ăn. Bà đem nồi cơm, xới ra cái chậu nhựa xanh, rồi rắc chà bông lên. Nụ bưng chậu cơm ra, không thìa, không bát đũa, cả ba người bốc cơm mà ăn ngon lành.

Ăn cơm xong, Nụ vào nhà cảm ơn bà chủ nhà để lên đường thì đúng lúc hai vợ chồng anh Hai đi đốt than đánh xe bò về. Người đàn ông bảo, từ đây ra thị xã Phan Thiết đường khó đi, còn những tám cây số, không thể đẩy cái xe nhỏ thế kia đi được. Đằng nào tôi cũng đưa than ra cho chủ ở đầu ô, tôi mời hai người đi cùng. Nửa giờ sau Quang ngồi trên xe bò, còn Nụ thì đẩy, bám vào cho xe bò kéo đi. Đúng là một đêm có phước.

Bấy giờ bộ đội chưa nổ súng giải phóng thị xã, không thể đưa Quang đi tiếp được. Xuống xe, Nụ, Quang ngồi nghỉ bên lề đường, giống một tốp người di tản. Ngồi một lúc, thấy bình yên không có xáo động gì, Nụ trải tấm ni lông lên cỏ, bảo Quang nằm nghỉ chút ít. Hai người nằm bên nhau như một gia đình nhỏ, êm ấm, nhưng giấc ngủ không đến. Rồi nghe tiếng pháo bắn dậy đất. Quang bảo chúng ta đi tiếp vào thị xã được rồi đấy. Nụ đặt Quang lên xe, đẩy đi một đoạn đã thấy xe tăng từ con đường thị xã đi ra, rú ga ầm ĩ. Vậy là thị xã đã giải phóng.

Buổi sáng hòa bình đầu tiên, Nụ đẩy xe cho Quang vào Phan Thiết vừa giải phóng, người túm tụm ở các dãy phố với những gương mặt hớn hở. Người ta nói to hơn, cười nhiều hơn, náo hoạt hơn. Bao nhiêu chờ đợi đến ngày này, cái ngày mà trước đó mới chỉ là khẩu hiệu quyết tâm giải phóng, bây giờ khẩu hiệu thành hiện thực. Bây giờ bao nhiêu chờ đợi dằng dặc thành gặp mặt, thành thân quen, thành một nhà.

Tôi nói với Nụ, tôi đã đi qua các thành phố dọc miền duyên hải, chỉ khi đến Phan Thiết, mới gặp mùi Phan Thiết riêng biệt. Phan Thiết nắng. Phan Thiết gió nồng nàn mùi cá chượp. Phan Thiết biển cả, nước da nâu, vồng ngực căng vồng, dáng người vạm vỡ, bộc trực và ngay thẳng.

Buổi sáng vào thị xã Nụ cũng vậy, cũng hít thở đầy lồng ngực mùi Phan Thiết, rồi đẩy xe đi khắp các phố cho Quang vẽ. Hôm trước, khi Quang đốt các bức tranh, Nụ thấy bắt đầu một sự khích lệ nào đó ở eng, như trẻ lại. Bây giờ thì Quang trẻ lại thật. Qua một đêm lăn lội trên đường vất vả, mà gương mặt Quang không mất đi sự hào hứng làm việc. Nụ cứ đẩy xe đi dọc các con phố, còn Quang thì vẽ, vẽ như chưa bao giờ được vẽ, hết tờ tranh này đến tờ tranh khác.

Nụ bảo, ta về Ban Quân quản nghỉ, mai vẽ tiếp. Quang bảo, nhiều gương mặt phải vẽ ngay hôm nay. Để đến ngày mai mọi chuyện nguội đi, không còn cái nóng của ngày giải phóng. Nụ hỏi, cái gì nguội? Quang bảo, mặt người nguội. Nụ không thể hình dung gương mặt người lại có thể nguội. Nụ không hiểu, nhưng im lặng đẩy xe cho Quang vẽ. Nụ đẩy xe vào các con phố ồn ào. Nói cho cùng thì con phố nào hôm đó cũng ồn ào, chỉ có ồn ào ít, ồn ào nhiều mà thôi. Ngôn ngữ đám đông phấn kích là thế, ồn ào. Người ta không cần nghe rõ tiếng của một cá thể. Cá thể phải nhập vào ồn ào, để thành đám đông lớn hơn, đám đông phình ra hết cỡ, ồn ào hết cỡ trong sáng Phan Thiết được giải phóng. Lúc này quá vui, thị xã tạm quên đi các cá thể. Mà Quang lại tách đám đông ra, vẽ cái cá thể, cá thể nụ cười, cá thể ánh mắt, cá thể những cuộc gặp mặt. Anh vẽ những cái cá thể đó, vẽ, vẽ, liên tục, không mỏi mệt, không ngơi tay.

Cái gì cũng có giới hạn của nó. Ấy là sau này, nghĩ lại, Nụ thấy thế. Hình như Quang vẽ cả ngày đã bước quá cái giới hạn của một người gãy một bên chân. Chừng tám giờ tối, thấy Quang mệt, Nụ đẩy xe và bảo nghỉ đi, để Nụ vừa đẩy xe vừa hát cho eng nghe. Tự dưng Nụ muốn hát. Cả ngày mím miệng đẩy xe rồi, bây giờ Nụ muốn mở miệng bằng câu hát của người Phan Rí Cửa. Bài hát ngày Nụ đã hát ở đại đội cho mấy eng nghe. Lúc qua cầu bắc ngang sông Cà Ti, Nụ vừa đẩy xe vừa hát.

Chưa bao giờ Nụ lại thấy một con sông hai bên ken dày thuyền cá, chỉ còn chừa lại ở giữa một dòng chảy lấp loáng ánh điện. Nụ dừng hát, nói với Quang, ta dừng nghỉ ở giữa cầu này cho eng hít thở gió biển. Quang bảo Nụ cho eng đứng lên được không? Cả ngày nay eng chỉ ngồi, chưa được đứng. Nụ bảo, được, nhưng eng đứng lên phải tựa vào Nụ.

Nụ cúi xuống, hai tay lùa vào hai bên vai Quang, xốc eng ra khỏi xe, đứng một bên chân, tựa hẳn vai vào Nụ. Chưa bao giờ Quang và Nụ lại đứng ôm nhau như thế này. Ôm thật chặt. Nụ thấy được hơi ấm từ người Quang lan sang ngực Nụ. Giữa cầu, chỉ có một cặp đôi là Nụ và Quang. Một cặp đôi ôm nhau.

Nụ nói với Quang điều gì đi. Quang đang muốn nghe Nụ kể chuyện. Nụ hít một hơi thở sâu, rồi nói bật ra cái điều như là vừa nghĩ tới. Không phải vừa nghĩ tới, mà đã nghĩ từ lâu, nhưng chưa nói, bây giờ không hiểu sao bỗng bật ra miệng. Nụ nói vào tai Quang, eng ơi, nụ nuốn làm vợ eng. Người Phan Rí không nói vòng vo, đã nói là nói ra trần trụi sự thật.

Đây là câu nói liều đầu tiên của Nụ với người con trai. Người đã gãy một bên chân, nhưng vẫn còn hai cánh tay. Hai cánh tay ôm chặt vào eo lưng Nụ. Hai cánh tay truyền hơi ấm qua lần áo mỏng, thấm vào da thịt làm nụ ngây ngất. Nụ thấy hạnh phúc, lần đầu tiên trong vòng tay người con trai.

Nói xong câu ấy, Nụ như người bước hẫng, sững lại, nghe rõ nhịp thở của mình, cả nhịp thở của Quang. Quang có nghe thấy nụ vừa nói không mà như không hưởng ứng. Chờ mãi vẫn không thấy Quang nói gì, Nụ phải hỏi. Không hiểu sao lúc ấy Nụ lại ngốc thế, hỏi lại một câu tỏ tình. Nụ vẫn là cô gái người Phan Rí Cửa, thật như đếm, nên hỏi, eng có nghe Nụ nói không?

Quang vỗ vỗ vào vai Nụ, bảo, eng cám ơn Nụ. Cám ơn là thế nào, là yêu hay chỉ cám ơn mà không yêu? Chả lẽ Nụ lại hỏi Quang nói rõ cho Nụ hiểu. Nhưng Quang không nói nữa.

Vừa lúc Nụ đặt Quang lên xe thì bất ngờ người ấy, cái người ở đơn vị bảo vệ Cục Chính trị lâu nay vẫn tìm cách nói chuyện với Nụ mà Nụ luôn lẩn tránh, đi xe Hon da, dừng sững trước mặt, bảo tìm mãi mới bắt được Nụ. Nụ đã thấy hơi khó chịu vì cái câu tìm mãi mới bắt được Nụ. Người ấy bảo bao lâu nay mới lại có một người được điều về Cục Chính trị, vừa đẹp người vừa đẹp nết, là Nụ. Nụ cắt ngang, bảo, thôi, Nụ đến giúp Quang đi vẽ đây. Người ấy ngăn lại, nói một câu khó nghe, Nụ này, con gái chơi với ai thì phải nghĩ đến tương lai. Eng qúy Nụ. Eng mới mượn cái xe Honda, muốn đèo Nụ đi chơi. Nụ chơi với eng, chứ sao lại phục vụ người què?

Một câu nói xúc phạm Nụ quá, xúc phạm cả Quang nữa. Nụ trừng mắt lên, sao eng ăn nói lỗ mãng thế? Không ngờ, người ấy trở mặt, bảo, Nụ đúng là con nhà quê, thấy một thằng què có cái quân hàm trung úy, có tí học thức là xoắn lấy. Nụ không ngờ hắn lại đê hèn đến thế. Hắn kéo tay Nụ đến chỗ Quang đang ngồi trên xe, bảo Quang, ông đừng lấy danh nghĩa một họa sĩ trong rừng bị thương tật để kêu gọi lòng thương hại của một cô gái khỏe mạnh phục vụ mình. Hãy thả cô ấy ra.

Nụ thấy Quang muốn nói điều gì mà không nói ra được, mặt cứ tái dại, người run như lên cơn sốt rét. Nụ uất ức quá. Một cơn điên bất ngờ tức nghẽn lồng ngực Nụ. Nụ muốn hét lên, muốn lao tới cào cấu cái người xấu xí trước mặt. Nụ bất ngờ nghĩ tới cách trả thù để bảo vệ danh dự bằng cái cặp tóc. Nụ xổ tóc ra, cầm cái cặp tóc bằng sắt có đầu nhọn trong tay, bước thẳng đến trước mặt kẻ xấu, giang tay ra, vung thật mạnh về phía trước. Nụ muốn chọc thủng mắt cái kẻ xấu xa ấy. Nhưng tay chưa kịp đập vào mắt hắn, hắn đã đẩy Nụ ngã ngửa ra sau. Nụ không biết là Nụ có đau không. Chỉ biết, Nụ nằm trên cầu, rất lâu và khóc. Khóc như chưa bao giờ được khóc. Vừa khóc vừa hú lên, gọi má. Bao nhiêu năm ở rừng sống giữa hàng trăm chị em, mỗi người một tính nhưng Nụ chưa bao giờ bị mắng một câu độc địa như thế. Nụ buồn quá, người cứ rũ xuống, không đứng lên được.

Nụ đỡ Quang ngồi xuống xe đẩy, hít một hơi dài, đẩy xuống đầu cầu mạn Bắc. Chiếc xe đẩy trong tay Nụ như nhẹ hơn vì mặt cầu dốc xuống. Xe tuồn tuột trôi theo chiều dốc của cây cầu xi măng. Nụ bước thật nhanh cho kịp đà trôi của chiếc xe. Chiếc xe trôi tuột ra khỏi cầu, vừa chạm đến mặt đường thì xốc nảy lên vì vướng vào mấy hòn gạch người ta kê vào chỗ kênh của đường nối với cầu, nảy lên, chao nghiêng. Quang nằm sóng soài, trên Quang là chiếc xe, trên chiếc xe lại là Nụ. Phải nhờ có một đôi nam nữ đứng gần đó đỡ, Nụ mới vục dậy được.

Ngay sau đó Nụ biết ống tay trái của Quang bị gãy. Chỉ là lật xe, nhẹ thôi, sao tay Quang bị gẫy? Nụ cuống cuồng không biết làn thế nào, thì chính Quang lúc đó lại bình tĩnh, bảo Nụ đưa về bệnh viên của Quân khu.

Ở bệnh viện Quân khu, Nụ biết thêm một sự thật đau đớn với Quang. Một sự thật không thể ngờ về sự hiểm ác của chất độc đi- ô- xin. Sau khi tiến hành các quy trình khám bệnh, cô bác sĩ phòng khám bảo Nụ đến gần, nhìn vào mắt Nụ, hỏi, Nụ yêu Quang phải không? Nụ hỏi, sao ả biết? Bác sĩ bảo, nhìn vào mắt Nụ chị biết. Nụ lại hỏi, vậy em yêu Quang thì sao không? Bác sĩ bảo, mình con gái với nhau, nên chị không giấu. Quang bị nhiễm độc đi ô xin quá lâu rồi, chất độc hóa học gây hại cho eng ở phần xương, làm cho xương trở nên giòn, dễ gãy, mà đã gãy là không thể nối liền. Một vết thương gãy chân, một vết gãy tay không thể liền, là Quang bị tàn tật suốt đời. Nụ cắn lên môi, bật máu. Nhưng rồi Nụ đến bên Quang, bảo, eng ơi, eng cứ yên tâm điều trị, bệnh sẽ khỏi mau thôi.

Đưa Quang về phòng điều trị, Nụ nói, nghe bác sĩ nói về bệnh giòn xương, vết thương của eng không lành, Nụ thương eng, muốn đền đáp cho eng, muốn chăm sóc eng suốt đời, thế là Nụ lại nói lời nụ yêu eng.

Nghe Nụ nói, Quang chỉ lắc đầu. Đừng. Nụ phải lấy chồng, lấy một người khỏe mạnh để sinh con, lập nghiệp, có một gia đình hạnh phúc. Nụ bịt miệng Quang, đừng nói nữa, Nụ đã quyết rồi, Nụ làm cho eng gãy tay, Nụ phải là cái chân, cái tay của eng. Cái chân cái tay suốt đời bên eng. Nụ nói một ngày, hai ngày, lúc nào bên eng Nụ cũng chỉ nói một lời ấy.

Cho đến một đêm, Quang cầm hai tay Nụ, bảo, Nụ là em eng, Nụ là chị eng, nụ là má eng. Nụ đối với eng có tất cả những tình cảm ấy. Eng nghe Nụ, eng xin cưới Nụ như cưới một ân nhân để được sống bên ân nhân những ngày cuối đời. Biết ơn trời đất eng có Nụ.

Một đám cưới nho nhỏ ngay trong phòng điều trị. Các thầy thuốc mặc cho Quang bộ quân phục mới, đeo cả quân hàm trung úy, đội mũ vải có ngôi sao vàng, ngồi tựa lưng vào thành giường. Còn Nụ thì mặc áo dài trắng, tóc bới làm hai món thả sau lưng, môi và má có thoa một chút phấn hồng. Tấm ảnh ngày cưới Nụ vẫn giữ đây, rất đẹp. Người thợ ảnh khen Nụ và Quang đẹp đôi. Người thợ ảnh chỉ nhìn cái mặt, đâu biết, chân Quang yếu rồi không đứng dậy được nữa; tay Quang yếu rồi, không ôm chặt Nụ được nữa. Người thợ ảnh chỉ nhìn hai cái mặt người tươi cười…

Sau đám cưới, Nụ lại cầu Trời, cầu Thánh ban cho may mắn để Nụ đưa Quang về nhà chăm sóc. Nụ muốn đưa Quang về quê để Nụ vừa chăm chồng, vừa lao động, chứ hai người chỉ sống bằng đồng lương trung úy của Quang, và ít phụ cấp của Nụ sao nổi.

Mới đầu Nụ định đưa Quang về quê với má ở Phan Rí Cửa. Nhưng lại nghĩ nhà má chật chội, nay lại thêm hai người, một người ốm trên giường, quanh làm sao nổi. Với lại Nụ không muốn chia nỗi buồn nỗi khổ cho má nên nghĩ lại, tính làm nhà ở riêng. Làm nhà ở đâu nào phải dễ dàng, Nụ cứ lẩn thẩn vòng vèo nghĩ đi, nghĩ lại mà không ra. Những ngày ấy, có bữa, Nụ bưng cháo bón cho Quang, mải nghĩ, đánh đổ cả bát cháo nóng lên ngực Quang.

Dạo đó Nụ ốm thật, nhìn chân tay cứ như thừa thãi. Cái hôm gặp lại bà con người Cơ Ho từng quen thân ở gần nơi đóng quân cũ của tiểu đoàn vận tải H50, mấy bà con kêu lên, Nụ ốm quá rồi, cần gì người Cơ Ho giúp. Nụ kể chuyện riêng, phải đi tìm nơi dựng nhà. Ông Bvêu, trưởng bản Cơ Ho quen từ thời còn chiến tranh nói sao Nụ không về sống với người Cơ Ho? Nụ mừng như chết đi sống lại. Sao lúc khó Nụ không nghĩ đến Mađagui, không nghĩ đến bản Cơ Ho từng gắn bó máu thịt với tiểu đoàn vận tải của Nụ? Trưởng bản Bvêu bảo, ả cứ về chăm sóc eng Quang, chừng hai mươi ngày nữa quay lại, sẽ có nhà, có đất làm rẫy. Nụ quay về với eng Quang như có trống đánh trong bụng. Trống thì thùng cả lúc ăn, lúc ngủ.

Nụ đợi hai mươi ngày, thì xe của Khu điều dưỡng đưa Nụ và Quang về Mađagui. Lúc ngồi trên xe Nụ đâu mường tượng được cảnh này. Cả chục người Cơ Ho do ông Bvêu dẫn đầu ra đón. Mỗi người trên lưng có một cái gùi. Bà con gùi ngô, gùi gạo, gùi muối mắm, gùi chăn đệm, gùi cả xoong nồi và củi nấu bếp đem cho Nụ ở nhà mới. Nụ không biết nói gì, chỉ khóc.

Cuộc sống ở quê của vợ chồng Nụ có từ đây. Có nhà riêng, có cái ăn cái để, Nụ bắt đầu nghĩ xa. Nụ muốn có con. Nụ biết Quang yếu rồi, nên đi tìm cây thuốc chữa bệnh. Đêm đêm Quang uống thuốc hiếm muộn, Nụ ngồi chờ dấu hiệu thay đổi sinh lực ở nơi Quang. Chờ vài đêm chính mắt Nụ nhìn thấy dấu hiệu của hi vọng từ cơ thể của Quang. Nụ mừng quá. Vậy là thứ thuốc hiếm muộn có thể cho Nụ niềm vui có con.

Nhưng eng lại là người bệnh, băng bó cả chân và tay, chỉ có thể nằm ngửa mặt lên trần nhà, có con làm sao. Loay hoay mấy đêm liền mà Quang vẫn bất lực, Nụ ôm mặt khóc. Bây giờ thì nụ hài lòng về sự “hiếm muộn” của mình. Vì Quang chết đi vẫn còn là trai tân và Nụ cũng là gái tân thờ chồng.

Nụ đã chạy bốn phương trời tìm thuốc mà Quang vẫn chưa khỏe lại. Cho đến hôm gặp anh hùng Pi Năng Tắc, Nụ kể cho ông Tắc nghe bệnh của Quang, ổng bảo, vậy thì còn một phương nữa. Nụ hỏi phương thuốc nào, phải đến gầm trời để lấy, Nụ cũng đến. Ông Tắc nói, đôi khi, đi hết bốn phương tìm thuốc mà người bệnh vẫn không khỏi, thì phải chữa bằng phương thuốc tù mù. Nụ hỏi phương thuốc tù mù là phương nào? Ông Tắc bảo, là phương mình tự nghĩ ra, tự thấy là phương thuốc tốt nhất. Phương thuốc tù mù ấy ở trong người mình chứ không phải đi tìm kiếm những đâu đâu. Nụ nghĩ tìm phương thuốc tù mù chữa cho Quang là phải nhờ đến các ông già dân tộc Cò Họ.

Hai ông đến nhà, nhóm bếp lửa, rồi ngồi hướng về giường Quang đang nằm. Một người quài tay vào bếp, rút hai đoạn cành cây đang cháy, bẻ ngắn, chỉ lấy mỗi đoạn chừng hơn một gang, kẹp ở hai ngón tay. Người kia bày một chiếc bát sắt và một ống nứa ra trước mặt, lấy đôi đũa, gõ lên miệng bát sắt và ống nứa nhịp, canh canh thùng, thùng canh canh, canh thùng canh. Thùng canh thùng. Theo nhịp gõ, người đàn ông kẹp hai thanh củi đầu có lửa đang cháy vào giữa hai ngón tay, xoay xoay cho ngọn lửa quay tròn. Nhịp canh canh thùng nhanh dần, các ngón tay của người xoay hai thanh củi nhanh dần, thành một vòng lửa. Người xoay hai thanh củi cũng không ngồi yên nữa, mà dần lắc lư, nhún nhảy theo nhịp canh canh thùng, canh canh thùng. Nụ nhìn vào mắt người gõ canh canh thùng và người xoay lửa, thấy họ đam mê và say đắm vào chính điệu múa lửa mà họ tạo ra. Nụ nghĩ, đây có thể là điệu múa khởi thủy của tổ tiên người Cơ Ho. Khởi thủy của loài người là lửa. Người Cơ Ho cũng vậy. Lửa không chỉ sưởi ấm cho người còn chữa bệnh cho người. Lửa với người Co Ho là vị thần vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Cầu khấn trước lửa là bài thuốc tù mù chữa bệnh anh Pi Năng Tắc nói đấy ư?

Nhưng sau cúng lửa để chữa bệnh theo phương tù mù Quang vẫn chưa khỏi. Nụ lại phải đi tìm thuốc. Quang còn hơi thở, Nụ còn tìm thuốc cứu chữa. Lang bạt tìm thuốc trong rừng, Nụ lạc vào bản người Gia Lai. Người Gia Lai có nhiều phương thuốc quý, bao nhiêu năm ở trong rừng, chỉ chữa bằng thuốc lá cây mà người vẫn khỏe mạnh. Người Gia Lai lấy cho Nụ cả một gùi thuốc lá cây, củ cây. Nụ đeo gùi thuốc trên vai đi như muốn chạy về nhà. Rồi căn nhà cũng hiện ra trước mặt. Nụ lao tới, gọi vang. Nhưng, Quang nằm trên chiếc giường sắt, chiếc vỏ chăn hoa đắp trên ngực ngay ngắn. Nụ vội ôm lấy Quang, nói, eng ơi, Nụ có thuốc tốt chữa khỏi bệnh cho eng rồi. Eng tỉnh lại nào. Nụ lùa hai tay ôm người, tóc xõa trên mặt anh. Bỗng sững người, Nụ rụt tay lại. Sao eng lạnh thế này? Sao từ miệng eng bốc ra mùi bộc phá đắng nghét? Trời ơi, Quang đã ngừng thở rồi. Nụ kêu lên, đỡ Quang ngồi dậy, nhưng Quang cứng đờ. Nụ lùng sục khắp người Quang, bàn tay chạm vào một vật như nửa bánh xà phòng giặt. Sao nửa bánh xà phòng giặt lại ở đây? Mà Nụ lâu nay đâu có giặt xà bông cục, mà giặt bột. Nụ xoay xoay cục xà bông, nhận ra không phải xà bông, mà là nửa bánh bộc phá. Nụ hốt hoảng cạy miệng eng Quang. Miệng ngậm đầy bột bộc phá. Sao eng ăn bộc phá để tự tử eng ơi. Eng làm khổ vợ rồi, eng ơi! Nụ gào thét, chạy sang nhà hàng xóm cầu cứu. Quang đã tự tử bằng ăn bộc phá. Mà Quang lấy bộc phá từ đâu thì không ai biết. Có lẽ Quang giấu Nụ, âm thầm chuẩn bị cái chết từ lâu. Buồn quá, Nụ đổ cả cái gùi thuốc lá lên người Quang. Lúc bấy giờ nụ mới nhìn thấy trên tường gỗ có mấy chữ viết nghệch ngoạc, cũng viết bằng bộc phá: Em quá khổ vì anh. Ơn em.

*

Đêm cuối tôi ở lại nhà Nụ, đi ngủ sớm để mai dậy cho kịp chuyến xe đón khách ở Mađagui đi Đà Lạt. Nửa đêm, ngồi nhìn vào mắt tượng gỗ, tôi thấy như Quang đang muốn nói với tôi điều gì? Tôi thầm hỏi nói đi anh, một lời thôi. Nhưng tượng gỗ vẫn ngồi im, mắt nhìn ra xa thẳm. Tôi thấy trống trải, nhẹ nhàng trở dậy, bước ra hiên nhà, ngồi trên chiếc chõng tre nhìn về phía đông, trên bầu trời có rất nhiều sao sáng. Tôi ngồi một lát, thì Nụ bước ra, ngồi xuống cạnh tôi. Tôi bảo mai anh đi. Nụ bảo, khi nào thu hoạch mùa thì eng lại về với Nụ nghe. Tôi nói, anh sẽ về. Anh lúc nào cũng nhớ đến Mađagui, vì Mađagui có một người con gái như Nụ. Nụ không nói lại, mà nhẹ áp má lêm vai tôi ngủ tiếp. Tôi ngồi, mắt nhìn các vì sao lấp lánh trên da trời màu xanh. Phía sau tôi là đôi mắt tượng gỗ nhìn vào đêm thăm thẳm.

Hà Đình Cẩn | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Bức tranh cuối cùng. Truyện ngắn dự thi của Hương Văn Bờ sông lặng sóng. Truyện ngắn dự thi của Vũ Ngọc Thư Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung Huyết trầm. Truyện ngắn dự thi của Đinh Ngọc Hùng Đọc truyện: Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn