Sáng tác

Cá vàng trong bể. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung

Lê Nhung
Truyện
11:00 | 28/09/2024
Baovannghe.vn- Con cá lượn lờ trong bể, chiếc vây dài mềm mại đung đưa hệt một vũ công múa lụa. Đồng hồ sắp điểm mười hai giờ, chỉ vài phút nữa thôi, điều kì diệu sẽ xảy ra, con cá nhỏ quẫy đuôi biến thành người
aa

Đúng vậy, y như truyện cổ tích, làn khói đậm đặc phủ quanh chiếc bể, con cá ngoi đầu khỏi mặt nước trong hình dạng một cô gái xinh đẹp, nháy mắt cười với anh.

Cá vàng trong bể. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung
Minh hoạ Vũ Đình Tuấn

Nghe có vẻ kì cục, nhưng nhìn con cá, anh lại nghĩ tới người yêu cũ. Thì nó là do nàng mang đến mà, cả cái bể thủy tinh, bình lọc nước, gỗ đá trang trí, tất tần tật đều là công trình của nàng. Anh không mê chơi thủy sinh, cũng chẳng thích cá tôm gì hết. Nuôi cá cảnh, đối với anh là thú vui rách việc, đã tốn thời gian và tiền bạc, lại còn phải bỏ công chăm sóc từng li từng tí. Nghĩ vậy nhưng thấy nàng hào hứng quá, anh không dám tỏ thái độ, cứ ậm ừ trước những lời dặn dò liến thoắng của nàng.

Người yêu anh mới tập tành chơi thủy sinh, nàng rất khéo tay và có nhiều sáng kiến. Như một nghệ nhân lành nghề, trước hết nàng phác thảo ý tưởng ra giấy, vừa lòng rồi mới bắt tay lắp ghép những thanh gỗ uốn lượn, tỉ mẩn chọn lựa từng viên sỏi tròn dẹt. Sau khi thiết lập bố cục, nàng châm nước vào bể, trồng cây thủy sinh lên lớp cốt nền và các giá thể bằng chiếc nhíp chuyên dụng. Mỗi bể cá, mỗi cách sắp đặt là cả một câu chuyện nàng gửi gắm bên trong.

Chiếc bể thủy tinh nàng mang đến phòng trọ anh có kích thước nhỏ gọn. Trong lòng bể, mấy tượng đá sa thạch hình dáng cột đá gãy đổ nằm ngổn ngang, cỏ lưỡi rắn và cây tiêu thảo mọc lên chen lấp, cá tép uốn lượn xung quanh. Mỗi khi nhìn ngắm chiếc bể, anh lại liên tưởng đến những công trình vĩ đại cổ xưa, vì thiên nhiên và những biến đổi khắc nghiệt của thời cuộc mà bị chôn vùi dưới lòng biển sâu, lớp trầm tích phủ lên bí mật hoang đường hậu thế không bao giờ khám phá được.

Khi anh nói với người yêu suy nghĩ mà chiếc bể gợi lên trong mình, nàng cười tít mắt và bảo anh có đầu óc liên tưởng rất thú vị, nhưng đó chỉ là một phần những điều nàng muốn truyền đạt, mỗi vị trí của chiếc cột đá, của cây thủy sinh, của gỗ lũa đều hàm chứa thông điệp và bí ẩn của riêng nó, khi tất cả kết tụ lại thành một tổng thể hài hòa, thì ngay cả nàng là người sáng tạo ra, cũng đã tách biệt với tác phẩm của mình. Chiếc bể kia, tự thân nó sẽ sống một cuộc đời độc lập.

Anh nghe nàng nói mà thấy mệt. Mớ lí thuyết lằng nhằng này, nàng nên viết thành một dòng trạng thái rồi đăng lên mạng xã hội, sẽ có những người đồng cảm tương tác và chia sẻ với nàng, chứ anh thì không phẩm bình gì được. Mà chiếc bể làm sao sống một đời độc lập nhỉ, hàng ngày anh phải cho cá ăn, còn nàng cứ vài tuần lại bảo dưỡng, cắt tỉa rong rêu, thay nước, bơm vi sinh, thôi thì đủ thứ trò, vất vả như thế mà nàng dám bảo là tách biệt với tác phẩm của mình, thật là điêu toa lắm.

Nhưng dù nàng điêu toa, anh vẫn thích. Dáng vẻ tập trung chuyên chú của nàng lúc loay hoay với những mẩu đá trầm tích và đàn cá vây dài thật thu hút. Tư thế của nàng khi nghiêng mình qua miệng bể cắt tỉa từng đám rêu cọng cỏ thật quyến rũ. Nàng đáng yêu như que kem dâu giữa trưa hè nắng gắt, ấm áp như bếp lửa hồng trong tháng giá ngày đông.

Nhưng thôi, hồi tưởng đến đây là đủ. Anh và nàng đã chia tay rồi. Thời buổi bây giờ, hỏi vì sao chia tay thì thật khó nói ra một lí do cụ thể. Chắc là do tính cách không hợp, thú vui và lối suy nghĩ của cả hai khác biệt như thế, thì xa nhau cũng là chuyện sớm muộn. Anh và nàng lại còn quá trẻ để bao dung cho những khuyết điểm của người kia, nên không thể hạ cố cho nhau một cơ hội để bắt đầu lại.

Khỏi cần kể cũng biết anh buồn thế nào khi nàng bước ra khỏi cuộc đời. Anh nhắn tin bảo nàng đem bể cá về, nhưng nàng chỉ xem mà không đáp. Vậy là chiếc bể nằm im lìm ở phòng anh. Thiếu bàn tay chăm nom cẩn thận, những con cá rủ nhau chết dần, đến bây giờ chỉ sót lại một con cá màu đỏ, chạy dọc từ mắt đến gốc đuôi một dải đen mờ. Anh chẳng nhớ con cá này tên gì, nên gọi bừa là cá vàng. Hãy thông cảm cho sự đễnh đãng của anh, xưa nay cá vàng là loại cá phổ biến nhất để nuôi làm cảnh, anh chỉ biết có như thế.

Con cá lúc này đã biến thành người cá, nó mặc chiếc áo kết từ hàng trăm lớp vảy lấp lánh, dưới ánh đèn thủy sinh trông lộng lẫy như nàng tiên mới hạ phàm. Con cá ngoi đầu lên khỏi mặt nước, mái tóc màu đỏ cam ướt sũng dính bết lên đôi vai trắng ngần, một cánh tay óng ánh vịn lên thành bể, tay còn lại nghịch đám cỏ lưỡi rắn tua tủa trong nước.

Anh đứng dậy mở hộp thức ăn ném một viên, con cá rướn người đớp lấy nhai rôm rốp. Ăn đến viên cám thứ năm, nó xua tay ra hiệu đã no, chiếc đuôi dài đập nước bì bõm xem chừng thỏa mãn lắm. Anh vươn tay chạm khẽ lên mái tóc đỏ rực khiến con cá xấu hổ rụt đầu muốn lẩn trốn vào hốc đá. Biết mình lỗ mãng, anh cất tiếng thì thầm:

“Đừng sợ, cá vàng. Tại cá xinh đẹp quá nên tôi không kìm được lòng đấy mà.”

Con cá không phật ý vì anh nhầm lẫn nó với cá vàng. Nó không biết mình là ai cả, bây giờ anh gọi nó là trâu bò, mèo chó gì cũng vậy. Người ta đặt tên cho nó, xếp lớp xếp ngành cho nó, còn nó thì vẫn cứ bơi lội tung tăng, là chính nó như cái lúc nở ra từ trứng mà thôi.

Con cá e dè trồi lên khỏi mặt nước, hai má ửng hồng, thỏ thẻ bảo anh:

“Ông kể chuyện cho em nghe đi, chuyện về nàng tiên cá hôm trước ấy.”

“Tôi đã kể hết rồi mà. Nàng tiên cá biến thành bọt biển, còn hoàng tử thì kết hôn với công chúa nước láng giềng, hai người sống hạnh phúc bên nhau đến trọn đời.”

Con cá thở dài, cái đầu xinh xắn ngả lên thành bể:

“Em buồn quá, ông ạ. Em sẽ khóc mất, liệu nước mắt em có biến thành ngọc trai không?”

“Thế thì tôi sẽ nhặt tất cả mang đi bán, giàu to đấy.”

“Giàu to rồi ông sẽ làm gì?”

“Có nhiều việc để làm lắm, trước tiên tôi sẽ mua nhà, sau đó sẽ xây cho cá vàng một chiếc bể thật to thật đẹp, lúc ấy cá vàng tha hồ vùng vẫy nhé.”

“Lúc nào ông cũng tốt với em.” Con cá xúc động nói. “Nhưng em đâu có cần bể to, một mình em sống ở đây là rộng lớn lắm rồi. Em nhớ ngày xưa quá ông ạ, cái thời còn đông đủ bạn bè, lúc ấy mới vui làm sao.”

Anh đến ngồi bên giường, rút một điếu thuốc châm lửa hút. Đầu đốm lập lòe trong bóng tối khua khoắng thành những đường sáng đỏ rực.

“Lỗi tại tôi, tôi không có kinh nghiệm chơi thủy sinh. Sau khi cô ấy rời đi, tôi bối rối không biết chăm sóc đàn cá thế nào, đã có lúc tôi định dẹp luôn chiếc bể.”

Con cá lấy hai tay che mắt và lắc đầu nguầy nguậy, chắc nó đang hình dung đến viễn cảnh đáng sợ kia. Anh thấy vậy vội vàng nói tiếp:

“Nhưng đấy là khi cá vàng chưa biến thành người. Còn bây giờ, tôi hứa sẽ không bỏ rơi cá vàng đâu.”

“Ông là người tốt, cả cô ấy nữa, cũng là người tốt. Em nhớ cô ấy quá, cô ấy thật dịu dàng và ân cần với chúng em.”

“Cô ấy là ai?”

“Cô người yêu của ông đấy mà.”

Anh nhả ra một bụm khói, mắt lim dim:

“Cô ấy chỉ dịu dàng với cá tôm và đám rêu thủy sinh thôi, chứ giữa người với nhau thì vô tâm vô phế lắm. Từ khi chia tay đến nay chúng tôi chưa gặp lại lần nào, tôi nhắn tin cô ấy không trả lời, gọi điện thì không bắt máy.”

Con cá hướng mắt vào bóng đêm như nghĩ ngợi điều gì, thật lâu sau mới lên tiếng:

“Em không hiểu lắm những điều ông nói, nhưng em biết ông đang buồn và còn có chút gì hờn trách nữa. Để em hát cho ông vui nhé, khúc ca về bọt nước và cây tiêu thảo.”

“Hát hò giữa lúc đêm khuya thế này, e sẽ khuấy động hàng xóm mất.”

Con cá bật cười, tiếng cười trong trẻo như ngọc rơi:

“Đừng lo lắng! Ngoài ông ra, chẳng ai nghe được tiếng em đâu...”

“Thật thần kì, giống như phép màu ấy nhỉ?” Anh không giữ được giọng, kinh ngạc kêu lên.

“Nhưng ông nói thì tất cả mọi người đều nghe thấy đấy.”

Anh giật mình lấy tay che miệng, thì thầm qua kẽ ngón:

“Vậy cá vàng hát đi, khúc ca về bọt nước và cây tiêu thảo.”

Không để anh chờ đợi, con cá rướn người thật cao, hai cánh tay mảnh mai vịn vào thành bể và cất lên tiếng hát. Thật khó để thưởng thức giọng hát của con cá này, thậm chí anh không biết có nên gọi là giọng hát hay không. Giống như trò nghịch ngợm của lũ trẻ, dùng một chiếc ống hút thổi vào cốc nước đầy, tiếng ùng ục phát ra từ miệng con cá khiến anh vừa ngạc nhiên vừa buồn cười. Hát xong, con cá vuốt mái tóc dài quay sang nhìn anh, đôi mắt sóng sánh bao nhiêu tình tứ.

Anh vỗ khẽ hai tay vào nhau, lịch thiệp hỏi:

“Bài hát hay quá, nội dung của nó là gì thế?”

“Bài hát kể về bọt nước và cây tiêu thảo, cả hai rất yêu thương nhau, hứa hẹn bên nhau trọn đời. Nhưng ông biết mà, bọt nước sớm muộn rồi cũng vỡ tan, còn cây tiêu thảo thì sinh sôi mãi mãi. Tuổi thọ khác biệt như vậy, ngay từ đầu thà đừng gặp gỡ là hơn.”

“Thế đây là một khúc bi ca à? Vậy mà cá vàng muốn hát cho tôi vui là sao?”

“Là một khúc hoan ca chứ ông. Lần nào hát bài này em cũng thấy hạnh phúc và yêu thêm đám cây thủy sinh, yêu từng hốc cây, viên đá. Để em hát thêm cho ông một bài nữa nhé, khúc ca này mới thật trác tuyệt.”

“Cảm ơn cá vàng, thế là đủ lắm rồi.” Anh cười tủm tỉm. “Tôi từng nghe kể về những nàng tiên cá dùng giọng hát để quyến rũ các thủy thủ, làm họ say mê đến mức lái tàu đâm vào đá. Nếu là tôi, chắc chắn sẽ không bao giờ để mình mất kiểm soát như thế.”

Con cá dẩu môi, ngúng nguẩy quay lưng về phía anh:

“Đấy là những nàng tiên cá trên biển, còn em là cá nước ngọt cơ mà. Em sẽ không bao giờ làm chuyện xấu xa ấy, em chỉ muốn ông vui vẻ mà thôi.”

“Sao tôi không biết được, cá vàng lúc nào cũng đáng yêu, nhờ có cá vàng tôi mới tìm thấy chút ý nghĩa trong cuộc đời đa đoan này.”

Anh vươn vai ngáp dài, đêm đã khuya lắm rồi, tiếng rao bánh khúc nóng ngoài đầu hẻm theo gió lùa vào phòng khản đặc. Điếu thuốc lá gác trên gạt tàn đã cháy hết, anh mệt mỏi ngả mình xuống gối, hai mắt nhắm nghiền. Con cá chống cằm nhìn anh lưu luyến, sau đó nó hụp đầu xuống nước, biến trở lại thành con cá nhỏ, nấp vào trong khe đá.

Hôm sau là cuối tuần, anh định ngủ nướng đến trưa nhưng bị tiếng cãi cọ của cặp vợ chồng thuê trọ phòng bên cạnh đánh thức. Anh bực bội xuống giường vào phòng tắm rửa mặt rồi lấy xe đến siêu thị mua thực phẩm và vật dụng cần thiết.

Cầm chiếc giỏ nhựa đi dọc những kệ hàng, anh khựng lại khi nhìn thấy người yêu cũ. Chút bối rối đi qua, anh vui vẻ tiến đến chào nàng. Sau vài câu thăm hỏi, anh kể với nàng về con cá vàng đêm đêm biến thành mĩ nhân ngư. Nó giống nàng lắm với đôi mắt to tròn và cánh mũi lấm chấm tàn nhang, nhưng nó đáng yêu hơn nàng nhiều khi lắng nghe và sẻ chia với anh những vui buồn trong cuộc sống.

“Cá vàng nào?” Nàng chau đôi mày “Trong cái bể ấy làm gì có cá vàng!”

Anh gãi đầu ngượng nghịu:

“Anh chỉ gọi thế thôi, chứ nó không phải cá vàng. Con cá ấy màu đỏ đậm, từ mắt đến đuôi có một dải đen mờ.”

“Cá diếc anh đào đấy mà.”

“Ừ, thì cá diếc anh đào.”

Tự dưng nàng nổi cáu:

“Nhưng là cá diếc anh đào trống! Cá diếc anh đào mái nhạt màu hơn, bụng ánh bạc!”

“Ừ, thì cá diếc anh đào trống.”

Nàng rít lên the thé, trông cứ như sắp nhảy xổ đến nắm cổ áo anh:

“Cá diếc anh đào trống thì làm sao biến thành mĩ nhân ngư được! Phải thành nam nhân ngư chứ!”

“Sao lại không hả em? Một con cá có thể biến thành người, thì cá trống biến thành nữ, cá mái biến thành nam còn quan trọng gì nữa?”

“Đúng rồi nhỉ? Thế mà em không nghĩ ra.”

Nàng bật cười ha hả, bàn tay trắng muốt với đầu móng sơn đỏ vỗ liên tục lên cái trán nhẵn mịn. Rồi nàng kéo tay anh lôi xềnh xệch khỏi siêu thị, đến cửa hàng thủy sinh gần đấy, nàng bắt anh đứng đợi. Lát sau nàng trở ra, mang theo chiếc túi đựng mấy hộp cám cá, vi sinh, và dung dịch diệt rêu. Nhét cái túi vào tay anh, nàng nói như rít qua kẽ răng:

“Anh nhớ vệ sinh bể định kì, sục khí thường xuyên và lọc nước, đừng cho cá ăn quá nhiều và bơm vi sinh chừng mực. Cá diếc anh đào có tuổi thọ từ bốn đến năm năm, anh chăm sóc cho cẩn thận.”

Nàng quay người đi, gót giày gõ cồm cộp trên vỉa hè. Được mấy bước, nàng ngoảnh mặt lại, đôi mắt to tròn dưới hàng chân mày thanh mảnh nhìn anh nghiêm khắc:

“Anh nên khám chuyên khoa đi, sức khỏe tâm thần có dấu hiệu bất thường rồi đấy. Rảnh rỗi thì gặp gỡ bạn bè cho khuây khỏa, đừng có nói chuyện với cá nữa!”

Nàng lại quay ngoắt người, lần này nàng đi thật, bước chân nhanh nhẹn và cách đánh hông uyển chuyển của nàng khiến anh nhớ tới thời hai người còn hạnh phúc. Hồi ấy khi dạo phố, nàng thường níu lấy cánh tay anh, ríu rít huyên thuyên như con chim sáo nhỏ. Những ngày tháng ấy đã xa lắm rồi, sắp tới đây, sẽ có một hoặc nhiều gã trai khác thay anh kề cận bên nàng. Ý nghĩ này khiến ngọn núi lửa tưởng đã tắt trong anh tự nhiên sôi trào trở lại. Nhưng tất cả chỉ xảy ra trong tích tắc, khi nàng khuất dạng, anh kịp lấy lại bình tĩnh, xốc chiếc túi và rảo bước xuống tầng hầm lấy xe về nhà trọ.

“Mình đã có cá vàng rồi cơ mà. Con cá xinh đẹp duyên dáng này đáng yêu đáng quý hơn tất cả những cô bạn gái trên đời này cộng lại. Tuổi thọ của cá diếc anh đào từ bốn đến năm năm, nhưng nàng tiên cá của mình là bất tử”.

Anh lẩm bẩm một mình, lấy từ chiếc túi nhựa những chai lọ lỉnh kỉnh, miệng huýt sáo khe khẽ. Con cá vẫn lượn lờ trong bể, lộng lẫy như đốm lửa cháy rừng rực trong nước. Đêm ấy, anh đợi mãi, đợi mãi mà con cá không chịu biến thành người, đêm hôm sau cũng vậy, đêm hôm sau nữa cũng thế. Như đứa trẻ phải chia xa người bạn yêu quý, anh buồn đến mức chẳng làm nổi việc gì. Lòng nhiều tâm sự, anh đi than thở với vài người quen, nhưng cũng như cô người yêu cũ, bọn họ tỏ ra lo lắng và nhất mực khuyên anh nên đi khám chuyên khoa tâm thần.

Anh lắc đầu buồn bã, hiểu rằng ngoài con cá ra, chẳng ai trên đời này đồng cảm với mình. Phép tiên đã biến mất, như cỗ xe ngựa trở lại thành quả bí đỏ sau mười hai giờ khuya, con cá giờ đây vô tri và trầm lặng như lúc ban đầu. Không muốn nhìn vật nhớ người, dù lưu luyến, anh quyết định mang chiếc bể lẫn con cá tặng lại cho một câu lạc bộ thủy sinh. Trước khi quay đi, như nuối tiếc điều gì, anh ngoái lại dặn dò người chủ mới phải nâng niu săn sóc như báu vật.

Ngày tháng trôi qua, thấm thoắt cũng mấy năm rồi, anh bây giờ nhiều tuổi hơn xưa, cứ tưởng đã rũ bỏ từ lâu những mộng mơ để học cách sống thực tế như bao người, thế mà buổi sáng hôm nay, một ngày mùa thu xanh cao và gió mát len qua khung cửa mở, trong lúc quét dọn phòng trọ, anh tìm thấy bên dưới bàn làm việc, khuất trong góc tối một chiếc vảy cá bé bằng đầu ngón tay, lấp lánh những sắc màu óng ánh như xà cừ. Run rẩy cầm lên chiếc vảy, anh nghe vang vọng trong tai những thanh âm ùng ục sôi trào như nước sủi bọt, phải chăng đó là tiếng hát của con cá nhỏ...

Lê Nhung | Báo Văn nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Doi biển. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm Đọc truyện: Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm Người ở lại. Truyện ngắn dự thi của Thu Loan Thuyền rồng. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân
Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Baovannghe.vn- Sông Hồng đi qua xứ Đoài/ Vác theo vùng trời vỡ rạn/ Đường trung du mốc trắng/ Xanh bãi bờ gọi niềm trai tráng
Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Baovannghe.vn - Hình ảnh Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về đã được nhắc đến trong thi ca khá nhiều. Nói cũ thì cũng đúng. Nhưng không hiểu sao với bài Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh, tôi lại không nỡ nghĩ như vậy.
Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Baovannghe.vn - Quả thực cô hỏi thế tôi cũng khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cứ nghĩ rằng, ở cương vị lãnh đạo tôi là người ham đọc sách, nên họ ra sức tặng
Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 6/10: Hà Nội sáng sớm có sương mù. Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Lấy ý kiến về môn thi thứ 3 vào lớp 10 PTTH trên toàn quốc

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Lấy ý kiến về môn thi thứ 3 vào lớp 10 PTTH trên toàn quốc

Bovannghe.vn- Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến từ các cơ sở giáo dục phổ thông đối với một số nội dung liên quan, trong đó có môn thi thứ 3 vào lớp 10 PTTH trên toàn quốc