Sáng tác

Thuyền rồng. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Tống Ngọc Hân
Truyện
08:00 | 27/09/2024
Baovannghe.vn - Năm nào, tháng sáu âm lịch nhà ông Đức cũng có ba cái giỗ, cái nọ cách cái kia vừa vặn ba ngày. Đấy là giỗ vợ, mẹ đẻ và bà nội ông Đức
aa

Cuối tuần vừa rồi, đám con ông Đức kéo về rất đông. Ba chiếc xe ô tô nối đuôi nhau đậu ở dề đầm sen. Chiếc đầm lớn nhất thôn, sen đang vào vụ thu hoạch hạt. Năm nay, thấy bảo mất mùa sen nên giá cao. Chủ nhân của cái đầm sen ấy là ông Đa, em trai ông Đức, dân trong vùng từ lâu quen gọi là đầm Đức Đa.

Thuyền rồng. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân
Minh hoạ của Vũ Đình Tuấn

Giống sen thả lấy hạt vùng này được gọi là sen quỳ. Có nhẽ bởi hoa sen có màu tím hồng. Loài quỳ hoa bướng bỉnh, nó chỉ nở hoa ở đầm chứ không chịu nở trong bình, trong lọ. Vì thế mà dân chơi hoa ở thành phố không chuộng, cho nên chỉ trồng để lấy hạt chứ không cắt hoa. Mà hạt quỳ rất chắc mẩy. Hàng chục năm lại mới có một vụ mất mùa hạt như năm nay. Cả một vùng sen miên man rộng, chỉ lác đác dăm cái thuyền thu hoạch bát sen và chiếc xe tải của thương lái bậu trên đường bê tông chờ “ăn hạt”. Trong hơn chục hộ nuôi sen ở thôn, có lẽ đầm Đức Đa được nhắc nhiều nhất bởi hạt sen ở đó có vẻ nhỉnh hơn và bóng hơn. Thấy bảo đầm Đức Đa sâu mấy tầm với. Không chỉ thế, nó còn rất đẹp. Quả đồi nằm giữa đầm là khu ở của các “đại gia thôn”. Nghĩa là toàn nhà giàu. Hơn hai chục hộ gia đình là từng ấy căn biệt thự được thiết kế quy mô và hiện đại. Nhà nhà làm cá, làm hoa nhưng cũng nhà nhà có con đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Nhà ông Đức có ba đứa con, hai trai một gái, không đứa nào sống ở làng cả. Tất cả đều ở trên tỉnh. Anh con cả là bác sĩ, anh thứ hai làm cán bộ thuế, em gái út làm kế toán ngân hàng. Ông Đức là cán bộ đã nghỉ hưu ba năm, biệt thự trên tỉnh không ở, cứ thích ở quê trong một căn nhà vườn thiết kế theo kiểu người Thái. Mỗi lần, bạn bè của các con ông Đức đến chơi về, chúng đều nức nở khen sao mà cuộc sống ở đây bình an thế, cảnh thì đẹp không khác gì những khu du lịch chúng từng đem vợ con đến và chen lấn nhau tới mỗi kì nghỉ hè, mỗi dịp nghỉ lễ.

Năm nào, tháng sáu âm lịch nhà ông Đức cũng có ba cái giỗ, cái nọ cách cái kia vừa vặn ba ngày. Đấy là giỗ vợ, mẹ đẻ và bà nội ông Đức. Vợ ông Đức mất đã ba năm vì ung thư. Mẹ ông Đức mất chục năm trước do đột quỵ. Bà nội ông Đức thì mất từ lâu lắm rồi, chỉ người già ở làng mới nhớ được bà bị sét đánh trúng khi đang ngồi thuyền mót lúa de. Giờ không ai còn cấy cái giống lúa một vụ ở đầm nữa, họ thả sen hết rồi nên loại gạo de dùng để ngả tương cũng không còn. Giỗ vợ ông Đức, các con cháu thường về đủ. Người quê lấy ngày chết của người thân làm dịp tụ tập gặp gỡ của người dương. Nhớ con nhớ cháu bằng nào suốt năm tháng đằng đẵng, đành chỉ trông chờ vào cái ngày giỗ thể thỏa nhớ, thỏa mong. Hồi còn công tác bên tỉnh, ông thấy mẹ và bà nội giỗ liền nhau thì hài lòng lắm. Họ thật biết thương ông. Còn bây giờ, nhiều khi, ông Đức giận ba người đàn bà của đời ông một cách cay nghiệt. Sao không chia ra mà chết, lại rủ nhau cùng đi vào tháng sáu. Để bọn con cháu mắt rắn ráo có cớ mặc cả với ông, rằng cho bố chọn, ba cái giỗ bọn con chỉ chọn được một cái thôi, cái nào vào dịp cuối tuần thì bọn con về. Thì biết phải làm sao bây giờ. Cưới cuối tuần, tân gia cuối tuần, liên hoan đầy cữ, đầy tôi, sinh nhật đều nhằm cuối tuần. Đến ngày giỗ của người thân cũng di dời đến cuối tuần để “phù hợp với tình hình thực tiễn”. Nguyên tắc này là “trẻ dôi ra, già co lại”. Tức giỗ người già có thể làm sớm, làm trước ngày. Còn giỗ người trẻ thì có thể để lui tới tận vài ngày hoặc cả tuần. Chả sao cả. Không thấy sổ sách nào chép, làm giỗ không đúng ngày thì con cháu gặp rủi ro cả.

Khi vợ chồng cái con nhà anh cả vừa xuống xe bước vào ngõ, mắt anh đã tối lại. Ai kia? Sao lại ngồi chỗ mẹ anh hay ngồi mà gọt mướp? Tất cả còn đang ngơ ngác chưa biết chào nhau kiểu gì cho ra phép thì ông Đức từ trong bếp chạy ra, tay vẫn cầm cái gáo múc nước. Ông vội vã chỉ vào người phụ nữ tóc nhuộm vàng, móng tay sơn đỏ chót mà giới thiệu. Đây là dì Xen. Người trong Tề, về giúp chú Đa con thu hoạch sen nên bố nhờ dì giúp một tay.

Cô con dâu cả cũng là bác sĩ, nghe bố chồng nói có người về giúp làm cỗ thì sướng quá nên niềm nở nhưng không quên đá xoáy. Vâng, cháu chào dì ạ. Dì trẻ đẹp quá. Có khi hơn nhà cháu đến năm, sáu tuổi ấy nhỉ. Ông Đức tái mặt, di chuyển ra phía cổng, nơi có vợ chồng đứa con gái út, vốn lúc nào cũng lề mề nhất nhà. Độ này nó còn về sớm đấy. Lần giỗ trước, cả nhà ngồi quanh mâm hết rồi nó còn chưa đến. Khi nó đến thì cái thủ tục khấn vái, rên rỉ thỉnh cầu của nó, ngắn thì cũng mươi phút, làm cho những người đợi mâm sốt hết cả ruột. Thì người đi chả bực bằng kẻ chực nồi cơm mà lại. Thấy bố bỏ qua vợ chồng cái con nhà mình, đi thẳng về phía con gái rượu, anh cán bộ thuế lên tiếng. Nay giỗ gộp hay sao mà bố mượn người về làm? Ông Đức ngoái cổ. Hôm nay giỗ mẹ chúng bay phải làm riêng, gộp sao được. Nói xong, ông còn nheo mắt nhìn dì Xen rất tình tứ. Tỏ ra tình nghĩa, chu đáo với người đã chết là cách tán tỉnh người đang sống rất hiệu quả. Cô con dâu thứ nhìn bố chồng một cái rồi liếc ngang chồng. Cái liếc giống như lời cảnh báo đầy tính đe dọa. Rằng anh đừng có mà học ông cụ cái thói đong đưa ấy nhé. Ông Đức đón đứa cháu ngoại nhỏ tuổi nhất trong đàn cháu, bế trên tay rung rung. Ôi, mẹ mày chăm con kiểu gì đấy, ông thấy cái Bống như gầy đi. Cô con gái không vừa, đáp lời ngay không kịp nghĩ. Thì đấy, con gửi về cho ông bà ngoại chăm. Giời đất, cái tiếng “bà” được gộp vào, sát cạnh tiếng “ông”, nghe mà mát lòng mát dạ. Đúng là không đẻ con gái đời hiu quạnh. Chỉ có nó hiểu ông thôi. Chắc chắn, nó có nghe phong thanh đâu đó những đồn thổi, rằng dì Xen qua lại nhà ông từ khi sen dưới đầm còn chửa xòe lá. Giờ hạt đã chín đốm đầu rồi. Ông biết, dẫu có đường đột với các con ông, nhưng xem qua ý tứ, chắc cũng không đứa nào phản đối. Ông đã mọi bề trọn vẹn với vợ con. Giờ đến lúc sống cho riêng bản thân được ngày tháng nào hay ngày tháng đó. Chả nhẽ không được sao?

Mỗi người một tay, có thêm dì Xen, việc trôi vùn vụt. Chưa đến chín giờ sáng, cỗ bàn đã xong cả. Không khí rất vui vẻ đầm ấm. Các con ông Đức là những người có hiểu biết nên nói năng khá chừng mực. Dì Xen là người hoạt bát, phóng khoáng nên dường như rất hòa hợp. Nhân lúc các con vui vẻ, ông Đức bày tỏ ý định danh chính ngôn thuận tiến thêm một bước với dì Xen. Vì chẳng gì ông cũng là một cán bộ hưu trí, tông to họ lớn ở làng. Không thể tùy tiện chung sống như vợ chồng với một người phụ nữ mà không được pháp luật công nhận. Hai đứa em nháy mắt nhìn anh cả. Anh con cả sau lúc suy nghĩ thì nói thẳng. Bố và dì cứ xem nhau là bạn tâm giao, xu thế thời nay thế, bọn con không hề cấm cản, nhưng kết hôn thì không được. Bọn con chỉ gọi một người là mẹ thôi. Ông Đức không nói thêm bất cứ lời nào, bỏ ra chiếc bàn đá ngoài vườn ngồi. Chúng nó biết gì chăng? Làm sao chúng có thể biết? Xen mau mắn chào về. Ông Đức không giữ được người nên suốt bữa cứ như kẻ mất hồn.

Đó là một ngày mùa đông năm cũ. Khi đầm Đức Đa đang bơm tháo để kéo cá, gió đồng thông thốc thổi vào căn biệt thự mênh mang u ắng, ông Đức thấy mình lẻ loi vô chừng. Kể từ khi về hưu, bạn bè sa sút. Ông Đức mò sang nhà em trai, nó bảo bác cứ ngồi uống nước em đang dở tay. Ngồi uống nước một mình xem nó việc đông việc tây chẳng thà về nhà mà uống. Ông gọi điện cho vài người bạn để thăm dò nhưng không ai mặn mà mời ông đến chơi. Lôi chai rượu Mao Đài ra, tính uống một mình nhưng không nuốt nổi. Ông bèn gọi điện mời mọc. Tất cả đều từ chối. Người bận trông cháu, kẻ bận tưới cây, người đang sửa bếp, người đau dạ dày, người cao huyết áp... Ông biết, suốt thời công tác, quan hệ với bạn bè thuở chăn trâu cắt cỏ ở làng đã nhạt nhòa. Ông với họ, chỉ hơn người dưng ở chỗ là còn nhớ được tên nhau. Giống như cái cây thiên tuế lạc lõng giữa vườn rau cải vậy. Còn quan hệ đồng nghiệp thì muôn phần khó nói. Những tranh giành, đấu đá, hạ bệ nhau diễn ra không ngừng nghỉ, cuốn ông đi mải mê đến tận lúc nghỉ hưu. Quan trường là chốn mà bại thành đều đặt vào những toan tính. Ông đã từng hại ai chưa? Có. Ông có từng bị ai hại không? Rất nhiều. Mới hơn sáu chục tuổi đầu mà tóc ông bạc trắng xóa. Nghỉ hưu, thật sự là một quãng thời gian để ông sống kĩ hơn và nếu có thể, ông sẽ sống lại một giai đoạn mình đã gấp gáp sống qua. Cũng chỉ khi nghỉ hưu ông mới nhận ra, giá trị của con người chính là phụ thuộc vào thái độ sống. Mình sống như thế nào mà gọi nóng điện thoại không rủ rê được ai để cùng thưởng thức một chai rượu ngon? Các con trai của ông, có đứa nào biết rằng, bố nó đã thê thảm đến mức ấy không? Ngày trước, lúc vợ ông còn sống, ông uống rượu, bà ngồi tiếp mồi nhắm và rót rượu cho ông. Bà thường an ủi. Thôi, ông gọi làm gì, đến em trai, con trai ông còn chả muốn ngồi với ông, thì trách gì người dưng. Tôi hầu ông là được rồi. Nhưng rồi bà cũng để ông ngồi một mình với bộ ghế đá này mà đi.

Hôm ấy, đang thẫn thờ vì bị từ chối, ông dọn mâm cơm ra bộ bàn ghế đá để ngoài vườn, lấy thêm một cái bát, một đôi đũa và một cái chén cho người vợ quá cố. Ông rủ rỉ mời mọc. Bà sống khôn thác thiêng, về uống với tôi vài chén, ngoài này hơi lạnh nhưng tôi muốn ngồi đây cho thoáng. Ông châm rượu ra hai cái chén mắt trâu. Một vơi một đầy, hai tay hai chén bưng lên, cung kính chạm vào nhau và lần lượt uống cạn. Ông tủm tỉm pha trò. Bà uống một chén là tôi thấy má bà hồng hào lên rồi. Tửu lượng của bà cũng ra trò đấy, chén thứ ba rồi...

Đang lâng lâng trong cuộc rượu tạc thù thì thấy con mèo vàng chạy vụt từ cổng vào. Ông nhìn ra, thấy một phụ nữ còn trẻ lò dò đi vào sân. Cô ấy mang ủng quần vấy đầy bùn, tay khư khư tóm chặt cổ một con rắn hổ mang khá lớn. Cô ấy cười rất bình tĩnh. Anh cho em xin cái bao tải để em đựng nó. Ông Đức nhìn thấy con rắn đến hai cân đang gồng lên, cuộn vào cánh tay người phụ nữ trẻ, thì chết khiếp. Ông luống cuống hỏi. Cô đi đâu mà bắt được nó thế? Dạ em đang bắt ốc gần bờ, thấy nó trườn từ đầm vào mương, suýt lao lên vườn bác. Ông Đức vội đứng dậy, đi lấy cái bao tải đựng gạo đã cũ đem ra. Tay đưa cho cô kia cái bao tải, nhưng tiện miệng vẫn khuyên. Cô nghe tôi, thả nó ra. Bán được bao nhiêu đâu mà bắt nó. Người đàn bà mỉm cười. Em mang về lột da, băm viên. Ông Đức thấy cô ta còn trẻ mà gọi mình bằng anh rất ngọt thì bỗng thấy mình nên bớt khắt khe. Thế thôi, cô cứ đem về thịt. Tôi thì không ăn thịt rắn bao giờ. Cô kia cười thành tiếng. Ôi, anh không biết đấy, thịt rắn ngon và bổ nhất, giãn gân giãn cốt. Anh không biết ăn thịt rắn thì thật tiếc. Ông Đức buột miệng. Bà nhà tôi tuổi rắn nên tôi không ăn thịt rắn. Người đàn bà tay cầm con rắn định đưa vào miệng tải, nghe thế thì khựng lại, chột dạ. Thế chị đâu mà không ăn cơm cùng anh? À, bà nhà tôi mất gần ba năm rồi. Vườn nhà tôi có con rắn to lắm, cũng tầm con này, lột xác liên tục. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ là bà ấy về, quanh quẩn bên tôi nên không bao giờ xua đuổi. Người đàn lấm láp nghe thế thì ngạc nhiên lắm. Cô ta mang ngay con rắn ra luống mạch môn, cẩn thận thả nó xuống. Quay vào, cô ta trách nhẹ. Thế anh chả nói ngay với em!

Ông Đức chỉ cái vòi nước mưa ở bể và giục, rất thân tình. Rửa tay đi, nhỡ vương nọc rắn. Cô kia ngồi xuống mở nước rửa tay. Ông lại tiến đến gần, cứ như hai người quen nhau lâu lắm rồi ấy. Cởi cái ủng ra, đằng nào cũng trưa rồi, định xuống đầm nhặt ốc nữa hay sao. Cô bắt ốc lại tụt bỏ quần ủng, giặt qua rồi thả ống quần vải xuống. Nhìn thấy má người phụ nữ vương chấm bùn, ông Đức lại chỉ cái khăn mặt vắt trên dây phơi, như người nhà nói với nhau. Rửa qua cái mặt đi. Dành bùn cho ai thế!

Sau khi người phụ nữ đã gọn ghẽ tinh tươm, ông Đức ân cần chỉ mâm cơm. Ngồi ăn bát cơm nóng đi. Không chê bát tôi lấy cho bà nhà thì ăn luôn vào đấy, bát sạch mà. Người phụ nữ trẻ ngượng ngùng. Thôi, để em lấy bát khác. Em đang đợi người ta bơm nước, chứ giờ về Tề xong quay ra không kịp. Vừa nói, cô ta vừa nhanh nhẹn đi vào bếp lấy ra cái bát, đôi đũa mới. Cử chỉ tinh tế này khiến ông Đức hài lòng. Ông thong thả khoe. Đầm này của em giai tôi đấy, thằng Đa, cô bắt ốc vậy nó tính cô thế nào? Dạ. Bọn em cứ bắt thôi được bao nhiêu thì tính bấy nhiêu, mỗi tạ trả cho bác ấy ba trăm. Thế à, nghĩa là mỗi cân cô bắt được phải trả ba nghìn, thế cô bán được bao nhiêu? Dạ em cũng cân ngay ngoài đường lớn thôi, mỗi cân mười lăm ngàn. Thế ngày có bắt được tạ không? Dạ, tạ thì đã giàu, ốc đẹp thì được năm chục cân một ngày. Ôi, thế công cao quá. Cô cho tôi đi theo với, lấy tiền uống rượu. Cô kia bật cười, chỉ chai Phi Thiên nhãn đỏ 53% đã mở nắp trên bàn. Anh bắt ốc mười ngày chưa chắc mua nổi chai rượu này đâu. Ông Đức ngạc nhiên. Có những người phụ nữ thoạt trông rất bình thường, nhưng khi cười, cô ấy là mỹ nhân. Người đàn bà bắt ốc này ở trong số đó. Ông Đức cầm bát lên, tò mò. Thế cô tên gì nhỉ? Dạ em tên Xen. Xen sờ nhẹ ý. À, tôi hiểu rồi, xen canh. Các cụ đặt tên con quả là sâu xa, thiết thực. Dạ. Là xen ngang đó. Mẹ em phải lòng bố em, người đã có vợ, đẻ ra em. Ông ngoại giận quá đặt tên em như thế để răn dạy mẹ em.

Ông Đức lấy cơm vào bát, đặt trước mặt Xen, tiếp tục gạ gẫm. Hay là Xen uống với tôi một chén đã. Xen liếc chai rượu rất nhanh rồi gật đầu. Để em đi lấy chén. Ông Đức vội xua tay. Để tôi đi lấy, cô làm sao biết được chén tôi để đâu mà lấy. Xen lại cười, ánh mắt như đã có rượu pha vào. Gớm, anh có giấu vàng trong bếp em cũng tìm được. Cô ù chạy vào bếp, lát sau đã đem ra cái chén mắt trâu, ngoài màu nâu đất, trong màu cốm non và tự tay châm ra ba chén. Thứ rượu trong vắt có mùi thơm rất đặc trưng. Cô trịnh trọng cầm chén, mở lời. Em đến sau, kính anh, kính chị mỗi người một chén ạ. Nói xong thì chạm chén của mình vào hai chén rượu còn lại sau đó uống cạn. Khi nãy, cô ta gọi ông là anh, giờ còn kính anh kính chị, lại còn “em đến sau” là ý gì đây? Trả lời ánh mắt của ông Đức là một giọng nói ấm áp vì mới được tẩm rượu quý. Ý em là, cuộc rượu này em đến sau ạ. Rượu ngon quá đi. Rượu Mao Đài con rể tôi đi Quý Châu mua về biếu đấy. Em biết mà, giá của chai này cũng phải gần chục triệu, rượu này làm từ cao lương.

Hai người cứ hết chén nọ đến chén kia, ánh mắt đan vào nhau không rời. Khi má đã ửng trái đào, Xen ý tứ hỏi. Trước đây anh làm gì? À, tôi trước đây làm cán bộ bên tỉnh. Cô Xen có vẻ thoáng ngạc nhiên. Cán bộ ủy ban tỉnh, nghỉ hưu sao anh không ở tỉnh lại về làng? À, cái nhà ngoài tỉnh đang để không đấy, tôi thích về làng ở, gần anh em. Thế trước đây Xen làm gì? Dạ, em đi giúp việc dưới thành phố, cũng về từ hồi dịch bệnh. Xong không đi nữa. Con cái thế nào? Dạ em có đứa con trai, cháu đi lao động bên Nhật nay cũng hai nhăm tuổi rồi. Em là mẹ đơn thân thôi, kể ra cũng vất vả, nhưng so với những người đủ vợ đủ chồng thì cũng có cái sướng. Tự do không bị trói buộc bởi hôn nhân cũng được tính là một thứ sướng anh ạ. Ra vậy. Thế từ mai, ra đây bắt ốc, trưa lên đây mà ăn cơm, tôi ăn mình cũng nản. Ôi trời, anh vui tính thật đấy. Ơ kìa, tôi thật lòng mà. Thế Xen nay bao nhiêu tuổi? Dạ, em bốn bảy rồi. Kém tôi mười bảy tuổi, kể cũng không xa nhau mấy. Mà tại sao cô đi lên nhà tôi, không lên nhà em tôi? Xen nhoẻn cười, như người thả bùa. Nhà bên là chủ đầm, em sợ đem rắn lên sẽ bị thu lại. Con hổ mang này giá cũng hơn một buổi ốc đấy. Thế sao Xen còn thả? Thì anh nói chị nhà tuổi rắn mà. Nhỡ là chị đang về gặp anh, em lại bắt thịt thì có phải là em đắc tội với anh không. Không biết thì không có tội. Thật vậy ạ? Quả là nhìn anh, em thấy quen lắm. Như là chúng ta từng gặp ở đâu rồi. Ông Đức chột dạ. Rõ ràng là ông cũng có cảm giác đó từ khi người phụ nữ này bước vào. Nhất là cái kiểu phụ nữ gọi người lớn tuổi bằng anh xưng em rất tự nhiên như thế này, phải là người rất dạn dĩ. Ông Đức bắt đầu thăm dò. Xen thấy rượu ngon không? Dạ cũng được ạ. Thế anh có hay uống rượu không? Thi thoảng, tháng uống một bữa, có khi vài tháng một bữa. Cho đỡ nhớ thôi, chứ tôi bị cao huyết áp, không nên uống. Dạ, vậy thì, khi nào cần bạn rượu, anh cứ gọi em ra. Em uống với anh. Chả giấu gì, thuở còn trẻ, bốc đồng, em từng làm nghề uống rượu thuê trong một nhà hàng khá nổi tiếng ngoài tỉnh. Em uống thay cho các sếp sau đó vào nhà vệ sinh móc ra. Có một lần, em bị một vị khách giữ chặt, không cho móc ra, rồi em say, không biết gì. Sau lần đó, em có mang, người ấy cũng cho em chút tiền để phá thai nhưng em giữ con lại và giải nghệ. Cổ nhân nói, một ngày tựa mạn thuyền rồng, còn hơn chín kiếp ngồi trong thuyền chài. Em mong thằng con em có chí hướng học hành phấn đấu, thoát đời cua cáy, thế nhưng, nó học hành chả đâu vào đâu, học hết bổ túc cấp ba em cho đi xuất khẩu lao động. Thế sao em không liên lạc với người ấy? À, em cũng chả có số tựa mạn thuyền rồng đâu. Bố thì giỏi giang thế, con lại dốt nát, có nói chắc gì người ta nhận con. Lênh đênh trên thuyền chài cũng thú vị mà. Ông Đức giật mình. Nhưng với bản lĩnh của một người từng trên vạn người cộng với hơi men tương hỗ, ông tỏ ra bình tĩnh, đĩnh đạc. Ra thế, thảo nào cô sành về rượu vậy. Bọn tôi, hồi còn công cán, uống rượu là bất đắc dĩ. Còn không nhớ nổi mình từng uống những loại rượu gì, uống với ai trong đời. Cũng không nhớ ai từng chuốc mình, mình chuốc ai. Tàn men đắng cay là cũng quên hết. Để tâm trí còn tập trung vào công việc. Xen mân mê cái chén trong tay, tần ngần. Em ít học nhưng cũng hiểu, rượu là thứ gì đó được coi tinh túy của đất trời. Em nghĩ, nếu người ta chừng mực với nó, thì cả đời đủ dùng cho những vui buồn. Còn anh, có vẻ như anh đã lạm dụng rượu. Quỹ rượu của đời anh đã cạn rồi. Cho nên bây giờ, anh không thể tìm ra một người sẵn lòng chia sẻ với anh một chén rượu ngon. Mà uống một mình thì không thể nuốt trôi.

Ông Đức như bừng tỉnh. Với người đàn bà này, chỉ có hai cách. Hoặc là ngay lập tức đẩy cô ấy ra thật xa. Hoặc là giữ ở bên cạnh, đối đãi cho thật tốt. Ngoài hai cách đó ra là tai họa. Chắc cô ấy còn chưa nói cho cái thằng con trai ấy, bố nó là ai. Ông Đức chọn cách thứ hai. Vì ông đang cô đơn. Vì, với một người nghỉ hưu rảnh rỗi như ông thì một người đàn bà bận bịu, đầu tắt mặt tối, ngay cả hẹn hò cũng vội vã lại có một sức hút hơn bất cứ một cuộc hò hẹn sang trọng nào.

Sáng hôm sau. Tâm tư trĩu nặng, ông Đức gọi điện cho Xen, bối rối xin lỗi chuyện hôm trước. Tiếng Xen cười ý nhị. Các con anh nói đúng mà. Anh nghĩ em thật sự muốn làm vợ anh, muốn đến sống cùng anh hay sao? Kể cả các con anh có muốn thì em cũng không đồng ý. Thi thoảng em tới ăn với anh một bữa cơm, uống với anh một chén rượu là được rồi. Ông Đức ngây người, nhớ đến lời nói của cô con gái chiều hôm trước. Bố đừng có tự làm mình tầm thường đi. Cô ấy đâu có xứng với bố? Bố đừng có nói rằng bọn con còn có thằng em trai đang lưu lạc bên Nhật đấy nhé. Ông vội vàng hỏi. Thế thằng cu bao giờ về nước? Tiếng Xen đột ngột chuyển tông. Anh hỏi con em làm gì, thôi em bận rồi ạ. Em tắt máy nhé!

Ông Đức ngẩn ngơ với chiếc điện thoại trên tay, lững thững đi sang nhà em trai. Nhìn thấy ông Đa, ông Đức dè dặt một chút rồi chỉ ra đầm, nơi có con thuyền chở đầy bát sen mà hỏi. Sáng nay cô ấy có hái sen không? Ông Đa lạnh tanh. Bác hỏi cô nào? Cô Xen ấy, người trong Tề, đang lấy bát sen kia thôi. Ông Đa mát mẻ. Cô ấy sáng nay về thủ đô rồi, quay lại nghiệp ô sin. Em tưởng bác biết. Ông Đức thoáng hẫng hụt, chới với, vồ lấy tay em trai. Tôi không biết gì thật. Chú sang tôi làm chén rượu, tôi có chuyện muốn hỏi. Hôm qua giỗ chị, anh em mình chưa kịp uống với nhau chén nào. Chú thấy đó, các cháu của chú làm căng quá. Ông Đa rụt tay ra, thoái thác. Thôi, để khi khác, em đang đau đầu quá. Với lại, cô ấy dù sống đời cua ốc cũng có thể diện chứ.

Ông Đức thấy ê chề quá. Trước đây, có lúc ông đã từng nghĩ, phải làm cách gì đó để đẩy cô ấy ra thật xa. Vậy mà, giờ đây cô ấy rời xa thật thì ông thấy không cam tâm. Ông Đức chôn chân ở thềm, tựa như chiếc thuyền rồng cũ kỹ bị vùi trong ngập ngụa cát bỏng, tiếc nuối nhìn những lớp sóng lá sen khơi khơi đuổi nhau ra tận chân đồi. Nơi có chiếc thuyền bé nhỏ kĩu kịt chở hạ thơm về phía cuối mùa.

Tống Ngọc Hân | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Minh Chung Đọc truyện: Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú Đọc truyện: Anh trai tôi. Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Điệp Doi biển. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh
Nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Baovannghe.vn - Dự kiến, Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 7 - 10.10.2024 và ngày 14.10.2024, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội
Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Baovannghe.vn- Sông Hồng đi qua xứ Đoài/ Vác theo vùng trời vỡ rạn/ Đường trung du mốc trắng/ Xanh bãi bờ gọi niềm trai tráng
Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Baovannghe.vn - Hình ảnh Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về đã được nhắc đến trong thi ca khá nhiều. Nói cũ thì cũng đúng. Nhưng không hiểu sao với bài Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh, tôi lại không nỡ nghĩ như vậy.
Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Baovannghe.vn - Quả thực cô hỏi thế tôi cũng khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cứ nghĩ rằng, ở cương vị lãnh đạo tôi là người ham đọc sách, nên họ ra sức tặng
Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 6/10: Hà Nội sáng sớm có sương mù. Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác.