Cũng là dân Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng tôi là lứa đàn em của chị, học sau chị đến mấy khoá. Tuy vậy, ngay từ những ngày đầu về làm việc cùng một cơ quan chị đã coi tôi như một “đồng nghiệp”. Có thể vì tôi và chị cùng làm một chuyên môn nghiên cứu folklre ở Viện Dân tộc học thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam, lại cũng có thể bấy giờ ở viện ấy chỉ có chị, anh Thi Nhị và tôi là có chút “máu me” văn chương... Thời ấy, những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ trước, văn chương chữ nghĩa còn cao sang, còn được người đời coi trọng, nên không phải ai cũng có gan, có chí trong cuộc đua nhằm “tipô hoá” tên mình. Chị Minh Hạnh, anh Thi Nhị thấy tôi là thằng em vừa biết trân trọng những trang viết, những câu thơ của đàn anh, đàn chị, lại vừa có thể “hầu chuyện” được nên rất quý. Anh Thi Nhị, mỗi kỳ lĩnh lương mới lại xuống vỉa hè phố Trần Xuân Soạn mua, khi thì một nửa quả mít, khi thì cả một ănggô chè đậu đen lên gác đãi mọi người. Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện thơ, chuyện đời rất chi là bầu bạn, rất chi là tâm đắc. Có những chủ nhật, thương tôi “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân”, chị Hạnh còn kéo tôi về nhà chị ăn cơm. Nhà chị lúc ấy ở phố Lê Đại Hành, chị sống rất hạnh phúc cùng chồng là anh Nguyễn Minh Tấn, một trong những Phó tiến sĩ văn học đầu tiên từ Liên Xô về, từng là cán bộ Viện Văn học, Phó Giám đốc NXB Tác phẩm mới, Tổng biên tập NXB Văn học, và hai con là Trọng và Mây… Có những hôm, Trọng theo mẹ đến cơ quan. Chiều cháu, tôi còn làm hộ cháu bài tập để cháu được… đi chơi. Chị trách tôi quá trời!...
![]() |
Tiến sĩ - nhà văn Phạm Minh Hạnh |
Vậy mà chỉ mấy năm sau, khi tôi từ một nơi đóng quân xa về lại Hà Nội thì cái tổ ấm năm nào của chị đã không còn. Anh Tấn mất, sau đó là cháu Trọng (trước đó là những người thân yêu nhất của chị, trong đó có thân phụ của chị là liệt sĩ Phạm Văn Đạt, Tổng giám đốc Petrolimex Việt Nam, hy sinh ngày 26/12/1972 tại phố Khâm Thiên - Hà Nội)… Gặp lại chị, tôi mới thấu hiểu câu thơ chị viết: Khóc cha, khóc mẹ, khóc chồng/ Giờ đây mẹ lại âm thầm khóc con; đồng thời thêm hiểu về tác giả những câu chuyện Mẹ kể con nghe in trong tập sách này!
Mất mát chồng lên mất mát, nỗi đau kế tiếp nỗi đau trong cuộc đời đã được chị gửi vào những câu thơ của mình, mà theo nhận xét của nhà thơ Xuân Diệu thì đó là những câu thơ “nhất tự, nhất lệ” (mỗi câu mỗi chữ là mỗi giọt nước mắt) hay theo cách nói của nhà báo Mai Thục là “những câu thơ tầm tã lệ rơi”!
Tuy nhiên, đời chị Minh Hạnh không chỉ là một cuộc đời đầy những nước mắt mà dường như cùng với nước mắt là cả một sự can trường của một người phụ nữ. Và, dường như sau mỗi một biến cố, sau mỗi một mất mát người ta lại thấy một Minh Hạnh khác, một Minh Hạnh - nhà thơ, một Minh Hạnh - nhà báo; đặc biệt là một tiến sĩ Phạm Minh Hạnh - chuyên gia về văn nghệ dân gian.
Để có được học vị Phó tiến sĩ vào những năm 80 của thế kỷ XX không phải là chuyện dễ dàng đúng như chị đã viết trong một bài báo có tên “Để có tấm bằng Phó tiến sĩ vì sao có nhiều người ngã ngựa giữa chừng” đăng trên báo Hà Nội mới thời ấy. Chị đã vượt qua rất nhiều những khó khăn, phức tạp của cuộc sống xã hội và bản thân dằng dặc 6 năm trời để không là người ngã ngựa giữa dòng, không là người bỏ cuộc. Luận án Phó Tiến sỹ về truyện ngụ ngôn của chị đã khảo cứu một cách có hệ thống về truyện ngụ ngôn; bước đầu nêu được một số đặc điểm riêng của truyện ngụ ngôn Việt Nam và mang nhiều giá trị thực tiễn… Không chỉ là một chuyên gia về truyện ngụ ngôn, chị còn là một người bền bỉ đọc đi và viết để góp phần vào việc nghiên cứu ca dao, tục ngữ, văn hoá văn nghệ dân gian và về những nhà folklo hàng đầu như Vũ Ngọc Phan, Cao Huy Đỉnh… để ghi tên mình vào sách Các nhà folklo Việt Nam (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - 1994)
Và, trong những ngày nắng nóng nhất của mùa hè Hà Nội năm 2012, tôi nhận được điện thoại của chị gọi về từ một nơi rất xa. Chị bảo, chị đang ở với cháu Mây bên Úc, sức khoẻ không được tốt lắm và thông báo NXB Văn học đang sắp in một tuyển tập của chị. Chị nhờ tôi xem giùm lại một lượt và nếu có thể thì viết cho chị mấy dòng. Tôi nghe giọng chị run run, có vẻ rất xa xôi… Chợt nghĩ đến một điều dại dột rằng, có thể chẳng bao giờ còn gặp chị…
...Và linh cảm ấy đã trở thành thật khi người thân của chị gọi từ Úc về nói rằng chị đã qua đời! Cũng may mà chị còn kịp đọc hai tập sách cuối cùng của mình. Ấy là 2 tập Phạm Minh Hạnh tuyển tập - NXB Văn học, 2012)
Tôi đọc lại bộ tuyển tập của chị Phạm Minh Hạnh và đặc biệt tâm đắc với những trang viết về tính trữ tình trong thơ Lecmantốp (luận văn tốt nghiệp Văn khoa Đại học Tổng hợp) còn vụng về nhưng thật trẻ trung, nhiệt huyết và say mê; những nghiên cứu có hệ thống và đầy thực tiễn về Truyện ngụ ngôn (luận án Phó tiến sỹ) cũng như những trang viết đầy trân trọng về những danh nhân H.Anđecxen, V.Huygô, Vũ Ngọc Phan, Cao Huy Đỉnh… của chị nhưng không hiểu sao trong tôi cứ vấn vương một câu hỏi rằng, sức mạnh nào, niềm tin nào đã khiến chị, người phụ nữ phải gánh chịu quá nhiều đau khổ, mất mát ngồi vào bàn viết viết ra cả ngàn trang sách; và, cả đến khi tuổi đã xế chiều, lại mang trong mình một chứng bệnh nan y vẫn khát khao cầm bút, vẫn nặng nợ với văn chương?... Rồi những năm tháng cũ xưa, những gương mặt, những kỷ niệm của một thời cứ tới tấp hiện về trong tôi và tôi thêm một lần hiểu ra sức mạnh khôn cùng của văn chương, chữ nghĩa. Và tôi bảo, từ trong mất mát khổ đau, tác giả của tập tuyển này, tiến sĩ Phạm Minh Hạnh, đã vịn trang văn, vịn cây bút mà đứng dậy! Chị không chỉ đứng dậy mà bằng bài học của cuộc đời mình, chị còn đưa ra một thông điệp gửi tới bạn bè và bạn đọc: “tôi làm việc vậy là tôi tồn tại!” như câu thơ chị viết gửi bạn học của mình đang nằm trên giường bệnh:
Vững tin lên, bạn thơ ơi
Người tri âm vẫn đợi người tri âm
Và, như thế tôi tin giờ đây, yên nghỉ nơi quê nhà bên con sông Cà Lồ (thị xã Phúc Yên), con sông có trong câu thơ của nhà thơ “đồng hương” Phạm Tiến Duật của chị: Sông Lấp, sông Cà Lồ những dòng sông dẫu cạn/ Trong lòng người còn biết mấy mênh mông…, tôi tin chị đã gặp lại được tuổi thơ, gặp lại được những người thân yêu nhất của mình và gặp lại được những người tri âm khi đọc được hai tập tuyển này!
Văn nghệ số 3/2015