Sự kiện & Bình luận

Người-Smartphone

Ngân Xuyên
Lăng kính văn nghệ
05:15 | 03/12/2024
Baovannghe.vn - Người-smartphone tự xem mình là người phát triển về trí tuệ. Mặc dù những năng lực trí tuệ của hắn rất sơ đẳng và đơn giản. Nhưng hắn coi nguyên việc truy cập internet, nơi có những thông tin cần thiết, đã đủ khiến hắn thành người phát triển về mặt trí tuệ...
aa

"Nhiều người cay đắng nói rằng người Việt đang ở đây nhưng tâm hồn, tinh thần đã vượt biên, bị thao túng bởi Facebook, YouTube, TikTok hết rồi.” Đây là ý kiến của ông Bùi Hoài Sơn, uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội tại phiên thảo luận về dự luật “Thuế giá trị gia tăng” (sửa đổi) tại phiên họp sáng 29/10/2024 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Ông chỉ rõ chúng ta đang chứng kiến “hiện tượng nhập siêu văn hóa” và bị ảnh hưởng tiêu cực từ các bộ phim, bài hát, lối sống. Thậm chí cả suy nghĩ từ nước ngoài cũng đang gặm nhấm, tàn phá tâm hồn người Việt.

Điều ông Bùi Hoài Sơn nói tuy là dưới khía cạnh kinh tế nhưng có căn nguyên sâu xa là con người hiện nay, không chỉ ở nước ta, đang bị các phương tiện tin học thao túng. Dễ thấy nhất và thấy rõ nhất là con người bị gắn chặt vào chiếc điện thoại thông minh (smartphone), bị lệ thuộc hoàn toàn vào nó, coi nó là nguồn thông tin duy nhất, và chỉ dựa vào nó cho vốn tri thức, văn hoá của mình. Hiện tượng này đáng báo động đến mức một nhà nghiên cứu nước ngoài đã định danh con người hiện đại là “người-smartphone”, nhất là giới trẻ, những người bắt nhạy với các thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng 4.0.

Tôi chia sẻ ý kiến của ông Sơn ở khía cạnh văn hoá của vấn đề. Internet đã đi vào cuộc sống của đông đảo mọi người trong mười năm qua. Cuối những năm 1990 - đầu những năm 2000 internet còn gần như là một thứ xa xỉ - không phải ở nhà ai cũng có một modem kết nối với mạng điện thoại và truy cập thông tin thì chậm khủng khiếp nếu so với bây giờ. Internet tốc độ cao chỉ có ở các câu lạc bộ máy tính hoặc tại nơi làm việc của các nhân viên những hãng lớn. Cộng đồng internet chỉ mới phôi thai, còn bản thân không gian Internet chưa phong phú như bây giờ. Giờ đây Internet đã trở thành chuẩn mực cuộc sống đối với nhiều người thuộc các thế hệ khác nhau. Nhưng cái chính là đã xuất hiện một thế hệ internet. Đó là những người trẻ sinh ra vào cuối thập niên 1980 - 1990 (hoặc đầu thế kỷ XXI) khi Internet không còn là cái gì mới mẻ đối với họ, mà đã là một thứ đương nhiên phải có trong cuộc sống.

Từ đó sinh ra một kiểu người trẻ tạm gọi tên là “người-smartphone”. Cần nói ngay rằng tên gọi này không phải để chỉ bất kỳ ai dùng smartphone, mà dành riêng cho những người có một số đặc điểm nhất định do cuộc sống gắn liền với việc sử dụng internet và các thiết bị kỹ thuật hiện đại. Đó chủ yếu là những người trẻ, nhưng không chỉ là người trẻ. Có thể xác định sơ lược kiểu người-smartphone này như sau:

- Hắn tin chắc rằng sự tiến bộ khoa học - kỹ thuật là một lợi ích hiển nhiên và coi mình là loại người ở một trình độ cao hơn những người thời trước. Hắn nâng việc dùng các thiết bị kỹ thuật, trong đó có smartphone, lên thành một thành tựu của cá nhân mình. Dù cho khoa học có gắn liền với kỹ thuật, nhưng đấy vẫn là hai lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên đối với người-smartphone việc hắn dùng các thiết bị kỹ thuật và Internet đã được hắn coi là tiếp xúc với khoa học. Hắn coi mình là người của khoa học, gần như là nhà khoa học. Đối với hắn những thế hệ người trước đây là lạc hậu đơn giản bởi vì không nắm được các khả năng khoa học như hắn. Sự tiến bộ hắn xem như là sự tiến bộ của kỹ thuật và những thế kỷ không có tiến bộ kỹ thuật hắn coi là “tăm tối”.

- Người-smartphone tự xem mình là người phát triển về trí tuệ. Mặc dù những năng lực trí tuệ của hắn rất sơ đẳng và đơn giản. Nhưng hắn coi nguyên việc truy cập internet, nơi có những thông tin cần thiết, đã đủ khiến hắn thành người phát triển về mặt trí tuệ. Tư duy của loại người này là nghèo nàn, chủ yếu thiên về sự tiếp nhận thông tin nén gọn và có tính hình ảnh. Hắn không thể tập trung lâu vào một điều gì đấy, chỉ thích sự nén chặt. Với triết học, khoa học, văn học và các lĩnh vực hoạt động khác của con người, nơi bộc lộ trí tuệ, hắn chỉ biết lớt phớt, tản mạn. Hắn cảm thấy nặng nề hoặc hoàn toàn không đủ sức cảm nhận những khối lượng thông tin lớn, hắn sống trong thế giới của những trích dẫn cô đọng và các hình ảnh. Nhưng sự tối giản này hoàn toàn không có nghĩa hắn vứt bỏ hình thức lòe loẹt, sặc sỡ - hắn là kẻ tối giản về nội dung, còn trên bình diện hình thức thì hắn dễ dàng có thể chuyển từ chủ nghĩa tối giản sang cái bão hòa, diêm dúa, nhiều màu, cảm xúc.

- Ý thức của người-smartphone thể hiện cái có thể gọi đơn giản là “đầu óc tạp pí lù”. Đó là sự phi hệ thống, hỗn độn, thân rễ. Sự thiếu tầng bậc, sự lờ mờ. Ý thức của hắn được xây dựng y như cấu trúc của mạng xã hội. Ở đó, trong cùng một dòng tin không có trật tự hay hệ thống nào hết là những tin tức rời rạc, những ý tưởng, những hình ảnh, những file truyền thông khác nhau (video và audio) thay thế nhau. Chúng mang những nội dung văn hóa tinh thần và những cấp độ thẩm mỹ khác nhau. Ảnh khiêu dâm chèn với tin về đời sống giáo hội, thông báo chiến tranh lẫn với quảng cáo về hình tháp thị trường, cách ngôn của nhà tư tưởng vĩ đại xen lời tiên đoán của nhà nữ tiên tri mới xuất hiện… Người-smartphone là một thực thể trống rỗng ở bên trong, hắn tồn tại chỉ khi dùng Internet, nói đúng hơn, khi Internet dùng hắn. Tất cả những tư tưởng và hình ảnh vô sinh tràn ngập các mạng xã hội choán đầy hắn và sống trong hắn.

- Người-smartphone là thực thể chơi nghịch, bắt chước. Hắn sống trong thế giới ước lệ của internet và coi nó là hiện thực. Một câu hỏi nảy ra: Vậy cái gì là nhiều hơn trong con người như thế: chính con người với những tình cảm, trải nghiệm, khát vọng cá nhân và những ham muốn thực sự hay là sự bắt chước tất cả những cái đó?

Cái tỏ ra là ích lợi thì cũng có mặt ngược lại. Trong trường hợp này, khi một người trẻ tuổi thậm chí không bước lên con đường phát triển cá nhân (hoặc những kết quả của hắn về mặt này là rất nhỏ nhoi) thì sự bắt đầu “lối sống smartphone” trở nên rất tai hại. Và cái có thể dùng để phát triển con người quay trở lại thành nguồn gốc của sự nô lệ và là nguyên nhân bên trong của sự trống rỗng và thiểu năng trí tuệ.

“Người-smartphone” dễ mắc hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out - Hội chứng sợ bỏ lỡ) nghĩa là nỗi sợ bị bỏ qua, không theo kịp những tin tức, trào lưu (trend) trên mạng, không biết được những cái người khác biết nhờ lên mạng, tóm lại đây là hội chứng sợ bản thân bị bỏ lỡ mất những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống mà người khác đang được trải nghiệm. Vì thế họ suốt ngày dán mắt vào điện thoại để tin chắc mình luôn cập nhật được những tin bài mới trên mạng xã hội; họ không tập trung vào công việc, thường bị ngắt quãng bởi các tin nhắn, hoặc chốc chốc lại mở điện thoại xem có gì mới; họ chạy theo trào lưu trong mua sắm, quan hệ, cả trong các hoạt động cộng đồng, xã hội. Nghĩa là hội chứng FOMO làm cho “người-smartphone” đánh mất bản sắc và sự độc lập của mình với tư cách một cá nhân người.

Trong xã hội thông tin như hiện nay ai cũng có nguy cơ trở thành “người smartphone” và bị mắc hội chứng FOMO. Câu nói “không biết thì tra Gu-Gồ” một mặt cho thấy công nghệ tin học đã giúp cho con người biết bao, nhưng mặt khác cũng cho thấy công nghệ tin học có thể huỷ hoại đầu óc con người thế nào.

Người-Smartphone
Ảnh minh họa. Nguồn: Business Insider.
Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Baovannghe.vn- Tôi bắt gặp bên đường/ hình ảnh của mẹ ngày xưa
Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Baovannghe.vn - Dự kiến từ năm 2025, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử.
Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Baovannghe.vn - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản 6150/TB-BLĐTBXH thông báo về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao đ
Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Baovannghe.vn- Người đục đá kê cao quê hương/ người mắt thẳm
​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

Baovannghe.vn - Những ngày đầu về làm dâu ở Chù Khèo, Dua thấy nơi này thân thuộc lắm, như mình đã từng uống nước ở dòng suối Nậm Đích, từng hái măng, hái nấm trên núi Chù Khèo ấy vậy, dù rằng nhà Dua cách nhà chồng xa tận mấy quả núi, mỗi lần nhớ nhà nhìn về chỉ thấy sương khói giăng giăng trên những đỉnh núi mịt mù. Dua gặp chồng ở một phiên chợ tình, Dua say điệu nhảy của Sung, nó tình tứ, man dại, tình yêu với Dua chỉ đơn giản là như thế. Sau mấy lần gặp gỡ, Dua bước qua cửa nhà chồng. Dua đã nhìn thấy những ánh mắt ghen tị của đám gái bản, Sung đẹp trai và dịu dàng với Dua lắm, Dua cứ ngỡ mình sẽ thật hạnh phúc...