Chuyên đề

Người Việt trọng tình

Nguyễn Hữu Nhàn
Văn học địa phương
19:00 | 19/08/2024
Baovannghe.vn - Người Việt sống trong làng trong xã quấn quýt với nhau bởi các yếu tố cộng đồng nên có nhiều truyền thống tốt đẹp. Người ta coi nhau như anh em
aa

Dân ta thường nói “Một trăm cái lý, không bằng một tí cái tình”, đó là vì Việt Nam ta làm ruộng nước, sống co cụm thành xóm thành làng. Làng thường có lũy tre và hào sâu bao bọc. Ở trong đó người ta lấy sinh hoạt cộng đồng làm trọng. Cộng đồng là cộng nhiều cái đồng lại: thứ nhất là đồng tông. Những người cùng họ gắn bó bao che, bè phái với nhau. Rồi đồng hương, các nhà cùng ngõ, cùng xóm sinh hoạt riêng, mỗi xóm đều có miếu thờ thổ thần, có điếm ngồi chơi hóng mát hoặc để canh gác hàng đêm. Các xóm tổ chức thi với nhau các trò như bơi chải, kéo co, thi làm cỗ lễ... trong hội làng. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” dân ta nói thế để thấy dân ta lấy hàng xóm lân bang là quan trọng với mỗi người.

Người Việt trọng tình

Ở chung xóm ngõ có nhà giàu nhà nghèo xen kẽ. Ai cũng phải tuân thủ luật lệ của hàng xóm để phòng khi tối lửa tắt đèn còn nhờ vả nhau. Những nhà giàu cũng phải dựa vào nhà nghèo vì sợ hỏa hoạn trộm cướp không có người giúp. Vì thế tình làng nghĩa xóm là rất quan trọng với mỗi người. Ở một làng thì người mỗi xóm lại bao che, bênh vực, bè phái với nhau. Đó là cái “máu đồng hương” thâm căn cố đế của người Việt. Ra huyện thì người cùng làng cùng xã lại bao che bè phái với nhau trước người làng khác, xã khác. Ra đến tỉnh thì người một huyện lại thân quý nhau, cứ thế ra cả nước, ra thế giới những người cùng quê một tỉnh hoặc cùng là người Việt Nam lại thân quý nhau hơn. Đó là do cái “máu đồng hương” tạo ra. Máu đồng hương bắt nguồn từ địa bàn cư trú của cư dân làm lúa nước, sản xuất nhỏ mà có. Ở trong làng ngoài hai yếu tố đồng tông, đồng hương còn có nhiều cái đồng khác như đồng nghiệp là tổ chức của những người cùng nghề sinh hoạt giúp đỡ nhau. Những người cùng tuổi thì vào hội đồng tuế để hàng năm cùng cúng giải hạn, cùng ăn uống tiệc tùng với nhau. Những người cùng đi lính hoặc cùng học một thầy thì có các hội: bản binh hàng đội mà ngày nay là hội cựu chiến binh và hội đồng môn.

Người Việt sống trong làng trong xã quấn quýt với nhau bởi các yếu tố cộng đồng nên có nhiều truyền thống tốt đẹp. Vì thế người ta coi nhau thân thiết như là anh em ruột thịt vậy, xưng hô với người ngoài bằng các đại từ nhân xưng: anh, chị, cô, dì, chú, bác. Do vậy, đồng bào cả nước đinh ninh rằng tổ tiên mình đều từ bọc trăm trứng do mẹ Âu Cơ sinh ra. Yếu tố này làm cho người Việt nghiêng về trọng tình, đôi khi xem nhạ cái lý. Ở trong làng người ta rất khó khăn đem luật lệ để đối xử với nhau vì mối quan hệ chằng chịt dây mơ rễ má, phi nội tắc ngoại. Cũng làm lúa nước nhưng các dân tộc khác không có cái yếu tố cộng đồng ràng buộc. Vì thế đại từ nhân xưng chỉ có “tao, mày” không có ông, bà, cô, cậu, chú bác như ở Việt Nam. Ở Trung Quốc cũng nhiều nơi canh tác lúa nước nhưng họ không ở co cụm như ta: họ làm ruộng ở đâu, xây nhà luôn ở đó. Cánh đồng bát ngát đều có nhà ở của nông dân bên cạnh những ruộng lúa. Họ phải lấy các con đường, con mương, dòng sông để phân chia địa phận hành chính. Nhờ vậy họ chỉ có văn hóa hành chính, không có văn hóa cộng đồng làng xã như ở Việt Nam. Vì thế cách xưng hô giữa người với người cũng khác Việt Nam. Họ thực thi luật pháp, tôn trọng luật pháp dễ dàng hơn ta.

Duy tình, mà không duy lý,

vô hình chung là cái bệnh thâm căn cố đế của cư dân cộng đồng làng xã. Vì sống trong văn hóa cộng đồng với lối canh tác lúa nước nhỏ lẻ lạc hậu nên dân ta sống ỉ lại vào cộng đồng dựa dẫm vào cộng đồng. Chữ viết lại ra đời chậm, mọi phát kiến của dân gian không có chữ nên không ghi chép để khái quát thành các giáo lý trong tôn giáo hoặc các khái niệm của triết học. Vì vậy dân ta không tạo ra được tôn giáo hoặc triết học riêng, mọi kinh nghiệm của cuộc sống chỉ được đúc rút tổng kết rồi đưa vào thực thi trong cuộc sống, lâu ngày thành phong tục của sinh hoạt và lễ nghi của tín ngưỡng.

Bằng quan sát tự nhiên ở các tộc người chưa có chữ viết, do sống qua ngàn đời người ta cũng nhận thấy mọi cái sinh ra đều được hợp thành từ hai yếu tố có trời có đất mới sinh ra muôn loài hoặc có sáng có tối, có nóng có lạnh, có tốt có xấu, có đỏ có đen... cái gì cũng do hai mặt đối lập ấy tạo ra. Từ đó hình thành ra triết học dân gian. Triết học ấy chỉ được đưa vào trong sinh hoạt, lễ nghi của cuộc sống. Trồng bầu bí người ta treo lên giàn bầu giàn mướp những đoạn cây ngắn bằng gang tay tượng trưng cho vật giống nam để cho bầu mướp bắt chước nó mà sinh sôi, nảy nở.

Lễ cúng trong đám ma phải có bát cơm quả trứng, có thế thì người chết mới được hưởng đủ âm đủ dương. Vì bát cơm là gạo trồng trong nước là âm. Quả trứng gà đẻ trên cạn là dương.Trong trò chơi ném còn của người Mường sở dĩ được duy trì phát triển lâu dài là do nó được gắn vào tín ngưỡng. Người ta để ba đôi, sáu quả còn vào đĩa dâng lên hương án đình làng cho ông từ kính báo thành hoàng xong mới giao cho ba cặp nam thanh nữ tú vào ném còn. Đôi nào ném quả còn chui qua vòng tròn mới trao tặng lễ vật kỷ niệm như cái gương, cái lược, khăn tay để sau đó gia đình đôi bên mới làm các bước ăn hỏi cưới xin. Việc cưới xin ấy vì thế mà thiêng liêng. Vậy quả còn làm ra cũng phải có âm có dương. Quả còn tưởng tròn nhưng nghệ nhân làm ra nó phải tạo ra bốn góc bằng khâu túm, tượng trưng có bốn góc, chứng tỏ quả còn tròn như mặt trời là dương nhưng có bốn góc của hình vuông quả đất là âm. Trong ruột quả còn phải chứa hai loại gạo trồng trong ruộng nước là âm và hạt muồng hoặc hạt bông mọc trên đồi là dương.

Ném còn gắn với tín ngưỡng nên nó tồn tại được lâu. Ngày nay ta không mê tín nên con người không hiểu được phần tín ngưỡng trong đó nên tục ném còn dần mai một. Là trò chơi đơn thuần nó không còn hấp dẫn bằng các môn vui chơi thể thao khác.

Sống dựa vào cộng đồng nên làm ruộng thì phải trông trời trông đất trông mây, phải dựa vào kinh nghiệm được trao truyền từ đời này sang đời khác vì thế mới có được đức trọng lão để có được kinh nghiệm “trọng già, già để tuổi cho”. Bây giờ người trẻ không trọng người già là do ta quan niệm tiên tiến, hiện đại một cách thái quá.

Dân ta sống quen với văn hóa cộng đồng, dựa dẫm vào cộng đồng nên mới có tư tưởng sợ chết. Những dân tộc khác họ coi cái chết là sự giải thoát nên chết thanh thản, nhẹ nhàng hơn ta.

“Chết một đống hơn sống một người” cũng là tâm lý của cư dân quen sống nặng dựa dẫm vào cộng đồng. Người ta coi cộng đồng là trên hết. “Phép vua thua lệ làng” là tâm lý của cư dân cộng đồng làng xã khép kín. Cư dân này chỉ sợ lệ làng, không sợ phép nước. (Tuy nhiên lệ làng nào cũng phải nằm trong phép nước).

Khi xưa ai phạm vào lễ tang ma thì chết dân làng không chôn, ăn cắp hủ hóa bị tội “cấm thủy hỏa” tức là không được sử dụng nguồn nước với dân làng, không được xin lửa hàng xóm.

Sống trong cộng đồng làng xã người ta tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp như yêu thương nhau, đùm bọc nhau. Ai cũng gắn bó với làng xã của mình.

Khi làng và nước được gắn kết lại thì lòng yêu nước của mỗi người được phát huy cao độ. Người ta hiểu rõ giặc nước cũng chính là giặc làng, vì vậy trong các cuộc đánh giặc toàn dân tộc mới có sức mạnh vô địch, nhờ vậy mà thời quốc gia phong kiến tự chủ cả nước có dăm ba triệu dân ta phá tan hàng chục vạn giặc Tống. Ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông là đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thời ấy.

Tuy nhiên bước vào thời kỳ văn minh hiện đại phải hòa nhập với thế giới thì dân ta lại bộc lộ quá nhiều mặt hạn chế. Do tư tưởng tiểu nông thâm căn cố đế cha truyền con nối bao đời để lại nên nói chung người Việt Nam mắc không ít thì nhiều căn bệnh phổ biến do tư tưởng tiểu nông gây ra như bảo thủ, bè phái, ích kỷ, hẹp hòi, hiếu thắng, hợm mình, phù phiếm... Về tư duy thì cảm tính hơn lý tính. Yêu ghét nhiều khi cũng cảm tính. Vô ý đi vấp hòn đá đau chân thì quay lại chửi hòn đá. Ra đường đi phạm luật giao thông, bị phạt, bị giữ xe, không tự trách mình mà lại đi trách cảnh sát giao thông. Rồi từ đó hiểu xấu cả ngành công an. Ngày ngày sống trong yên bình, ra đường bọn trộm cướp chỉ dám hành động lén lút. Bao nhiêu cái xấu khác cũng chỉ dám lén lút xuất hiện... Tất cả phải nhờ có ngành công an và những người thực thi luật pháp ra tay ta mới được hưởng sự yên bình ấy. Đó là lối nhìn còn phiến diện, do ta sống trọng tình, đơn giản, duy cảm. Trọng tình là tốt đẹp, nhưng bước vào cuộc sống hiện đại mỗi người phải tự điều chỉnh lối sống, lối nghĩ, lối cảm cho hòa đồng được với cộng đồng thế giới văn minh ngày nay.

Nguồn Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ điện tử

--------------

Bài viết cùng chuyên mục

Tươi tắn Đỗ Chu - Bút ký chân dung của nhà văn Tô Hoàng Má Sáu Ngẫu và tấm bản đồ chỉ đường tiến công vào Sài Gòn - Bút ký của Phạm Xuân Trường Đến hẹn lại về Về miền mơ tưởng Vài nét về một nền văn nghệ sinh ra trong máu lửa - Bút ký của nhà văn Anh Đức
Nguồn Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ điện tử
Ngã rẽ một dòng sông. Truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo

Ngã rẽ một dòng sông. Truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo

Baovannghe.vn - Tôi trở lại và ngồi bên dòng sông quê lúc trời về chiều. Một quãng đường xa thêm chuyến xe ôm gần cả tiếng đồng hồ mới tới được ngã rẽ dòng sông
Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Baovannghe.vn - Cũng như Trịnh Công Sơn…, Hồ Dzếnh là người có một nửa dòng máu Trung Hoa chảy trong huyết quản. Và cũng như nhạc sĩ họ Trịnh, ông xem quê ngoại là quê hương máu thịt của mình. Với Hồ Dzếnh, đó là hồn Việt, những câu văn ca tụng nước Việt hay và cổ điển.
Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Baovannghe.vn - Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trang trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm 80 năm văn hóa, văn nghệ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Baovannghe.vn - Nhà thơ trở về với bản thể trong một nghi lễ giản đơn mà thiêng liêng! Người đọc nhận ra trong bài thơ một Nguyễn Quang Thiều luôn có sự thiết tha với cội nguồn, gốc rễ của mình.
Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.