Diễn đàn lý luận

Người vợ lặng lẽ của nhà văn Xuân Thiều

Triệu Phong
Chuyện văn chuyện đời 06:33 | 03/03/2025
Baovannghe.vn - Mặc dù đã ở tuổi 86, song cứ mỗi bận nghĩ đến những câu thơ của các cô gái trong làng trêu chọc bà năm xưa, bà lại cười tủm tỉm: Một bên chữ nghĩa văn chương/ Một bên bè nứa em thương bên nào?
aa

Số là ngày ấy, khi bà còn là một cô bán hàng xén xinh đẹp ở chợ quê, liền một lúc có hai anh đến hỏi bà. Cả hai đều người cùng làng, một anh cao to nhà giàu lắm, làm nghề buôn bè. Một anh là bộ đội, có tài viết văn làm thơ khiến nhiều người xao xuyến, nhưng mải miết chiến đấu năm thì mười họa mới gặp gỡ. Chọn lấy ai quả thật là không dễ dàng... Và rồi cuối cùng bà đã chọn anh bộ đội làm thơ, biết là có thể khổ nghèo phân ly, nhưng bà đã quyết "Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam".

Mà đói no thật, lạnh lùng thật chứ không đùa. Cái năm lấy nhau còn là thời kháng chiến chống Pháp, ông là bộ đội xa nhà đi chiến đấu biền biệt, đến hòa bình lại vẫn phải đi, đóng quân mãi giới tuyến Vĩnh Linh, còn bà thì vò võ một mình nơi làng Điểu Khê, Hà Tĩnh. Cũng bởi vậy mà đến chín năm sau ngày cưới, ông bà mới có đứa con đầu lòng, đặt tên Thiều Quang.

Người vợ lặng lẽ của nhà văn Xuân Thiều
Nhà văn Xuân Thiều cùng vợ và con trai Nguyễn Thiều Quang năm 1961 - Ảnh: Tư liệu

Rồi ông lại được điều ra Hà Nội, bà bế con theo ông, ở trong một căn nhà nhỏ nơi bãi Phúc Xá, không năm nào không phải bế bồng nhau chạy lũ lụt. Thương nhất là lũ con còn nhỏ của ông bà những lúc đó, ông thì dắt thằng con trai, bà bế hai đứa con gái chạy lũ, và chiều đến lại bơi ra nhà để tìm lô bản thảo của ông phải treo lên trần nhà, nhiều mùa mưa bão nước vẫn thấm ướt làm nhòe hết nét mực.

Ở căn nhà ấy, ngày ngày bà đi làm nhà nước, là nhân viên của cửa hàng Bách hóa tổng hợp Hà Nội, tan giờ làm lại tất bật về chợ búa, bếp núc, giặt giũ "hầu" chồng viết văn và "hầu" bốn đứa con nhỏ. Mà ngày đó, miếng ăn đâu đã đủ no, tấm áo đâu đã đủ ấm. Gần như cả một đời bà chịu đựng, nhịn nhường lo cho chồng an tâm viết lách, có ly rượu ly bia đãi đằng bạn bè, lo cho con cái học hành bằng anh bằng em cho chúng nên người...

Sự hy sinh vất vả của bà luôn làm ông xúc động trên mỗi con đường ra trận. Năm 1969, giữa chiến trường ông viết gửi về bà:

Thương em lắm, hậu phương bề bộn

Dắt mẹ cõng con sơ tán đường trơn

Phiếu gạo, phiếu dầu chong đèn tính toán

Báo động nghiêng đêm giấc ngủ chập chờn.

Thư em viết liêu xiêu nét chữ

Chỉ báo tin vui và chuyện tốt lành

Em giấu kín những điều thắc thỏm

Để yên lòng người đối mặt chiến tranh.

Em vĩ đại như hậu phương vĩ đại

Vẫn vững niềm tin, gánh nặng vai mòn

Và ta biết em cắn răng chờ đợi

Ngày sum vầy trọn vẹn nước non.

Hậu phương ngày ấy của chúng ta thật vĩ đại, những người vợ có chồng ra trận ngày ấy cũng thật vĩ đại. Bà chính là một trong những người vợ vĩ đại ấy...

Chồng bà, ông - Đại tá, nhà văn Xuân Thiều, từng có thời cầm súng chiến đấu, nhưng sau này chỉ cầm bút làm thơ viết văn. Là nhà văn quân đội, nên phần lớn đời ông ở chiến trường. Những trang văn của ông rực rỡ như chính những ngày tháng ấy. Ông viết nhiều, nhiều lắm, từng được Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Nhà nước 2001 và gần đây nhất là Giải thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước dành cho những đóng góp trong sáng tác văn học của ông là Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Người vợ lặng lẽ của nhà văn Xuân Thiều
Bà Nguyễn Thị San thay chồng - cố nhà văn Xuân Thiều - nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2017

Bà đã có vinh hạnh thay chồng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh do đích thân Chủ tịch nước trao tặng. Bởi bà phải lên nhận giải bằng xe lăn, Chủ tịch nước đã cúi xuống sát bà nói với bà những lời đầy xúc động và trao tặng bà tấm bằng cao quý của ông. Có lẽ đó cũng là phần thưởng cho chính bà, người vợ hiền, người thầm lặng gánh vác mọi việc nhà, việc con cái, mọi bão giông cuộc đời để nuôi các con nên người và thành đạt, và để cho ông chỉ yên tâm ngồi viết và hoàn thành sứ mệnh văn chương của mình...

Em vĩ đại như hậu phương vĩ đại

Vẫn vững niềm tin, gánh nặng vai mòn...

Câu thơ ấy của ông như luôn đúng với bà qua mọi thời gian...

Vâng, bà là Nguyễn Thị San, người vợ yêu quý của Đại tá - nhà văn quân đội Xuân Thiều, cũng là người chị thân thiết của bao nhiêu nhà văn quân đội chúng ta như Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Vương Trọng, Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Trí Huân, Lê Thành Nghị, Nguyễn Bảo...

Bà đã đi vào bao trang văn ân tình của các nhà văn mặc áo lính của chúng ta!

Hải Phòng tổ chức Triển lãm thành tựu 70 năm xây dựng và phát triển

Hải Phòng tổ chức Triển lãm thành tựu 70 năm xây dựng và phát triển

Baovannghe.vn - Triển lãm là dịp để cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng bộ, quân và dân thành phố.
Nhà văn Chu Lai: Văn mà giả thì buồn cười lắm!

Nhà văn Chu Lai: Văn mà giả thì buồn cười lắm!

Baovannghe.vn - Cái tên Chu Lai đã đóng đinh vào văn học chống Mĩ, với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Trước dịp kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), VHQS đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Chu Lai xung quanh mảng đề tài tâm huyết của ông.
Quốc hội: Bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp

Quốc hội: Bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp

Baovannghe.vn - Sáng 14/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Quốc hội

Baovannghe.vn - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1635/NQ-UBTVQH thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Vai diễn - Thơ Đoàn trọng Hải

Vai diễn - Thơ Đoàn trọng Hải

Baovannghe.vn- Buồn, cứ bật khóc/ Vui, thoải mái cười/ Tự nhiên đi với cuộc đời/ Em đừng đánh tráo nụ cười, nước mắt