Nhà văn Han Kang ghi danh vào lịch sử với tư cách là người Hàn Quốc đầu tiên và phụ nữ châu Á đầu tiên nhận giải Nobel Văn học. Đây không chỉ là niềm tự hào của Hàn Quốc mà còn của cả châu Á. Tuy nhiên, chiến thắng này đã vấp phải sự phản đối từ bà Kim Gyu Na, một nhà văn 56 tuổi tại Hàn Quốc.
Bà Kim đã đăng tải trên Facebook cá nhân, lên án các tác phẩm của Han Kang vì "bóp méo lịch sử" khi mô tả các sự kiện nhạy cảm, như cuộc nổi dậy Gwangju (1980) và phong trào phản kháng ở đảo Jeju (1948–1954). Theo bà Kim, việc Han Kang được trao Nobel là "đáng xấu hổ và buồn" và làm suy giảm giá trị của giải thưởng danh giá này.
Bà Kim cũng bày tỏ thái độ bất bình với việc ban tổ chức Nobel trao giải cho một phụ nữ, cho rằng đây là lựa chọn không xứng đáng. Phản ứng này đã làm dấy lên tranh cãi về giới tính và sự công nhận tài năng của phụ nữ trong giới văn học.
Ngày 14/10, bà Kim đăng thêm một trạng thái khác trên Facebook, với nội dung là cháu trai duy nhất đã cắt đứt quan hệ với bà vì những bình luận trước đó. Bà chỉ trích người cháu là sinh viên nhận học bổng tại Đại học Yonsei nhưng bị tư tưởng cánh tả (được hiểu là xu hướng chính trị ủng hộ bình đẳng xã hội và chủ nghĩa bình quân) ăn sâu.
Hiệu sách Kyobo ở Gwanghwamun kỷ niệm giải Nobel văn học của tác giả người Hàn Quốc Han Kang bằng cách trưng bày sách của bà tại một khu vực riêng vào thứ Tư. Ảnh: Yonhap. |
Các bình luận của bà Kim đã nhanh chóng vấp phải sự phẫn nộ từ công chúng Hàn Quốc. Nhiều người cáo buộc bà có thái độ đố kỵ và phân biệt giới tính. Cư dân mạng không chỉ chỉ trích gay gắt mà còn kêu gọi hành động pháp lý chống lại bà.
Ngày 21/10, nhóm Citizens' Solidarity for the Eradication of Deeply-rooted Corruption (Công dân đoàn kết xóa bỏ nạn tham nhũng thâm căn cố đế) đã đệ đơn kiện bà Kim, cáo buộc bà vu khống và công kích cá nhân Han Kang với động cơ chính trị.
Nhóm này cho rằng các phát ngôn của bà Kim không chỉ vi phạm quyền tự do ngôn luận mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Han Kang cũng như các nạn nhân của các sự kiện lịch sử Gwangju và Jeju.
“Kim đã phát tán thông tin sai lệch với ý đồ vu khống, gây thiệt hại không thể khắc phục cho danh tiếng của bà Han và làm tổn thương các nạn nhân cũng như công chúng,” nhóm dân sự nhấn mạnh.
Theo Korea Herald, bà Kim có thể đã vi phạm Đạo luật đặc biệt về Phong trào dân chủ ngày 18/5, được sửa đổi vào năm 2020 nhằm trừng phạt những người xuyên tạc sự kiện Gwangju. Đạo luật này được ban hành lần đầu vào năm 1995 dưới thời Tổng thống Kim Young Sam, nhằm điều tra và trừng phạt các cá nhân liên quan đến cuộc đàn áp tàn bạo, bao gồm hai cựu Tổng thống Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo.
Bên cạnh đó, hành vi của bà Kim còn có thể vi phạm Đạo luật về bảo vệ thông tin và chống phỉ báng trực tuyến. Luật này quy định các hình phạt nghiêm khắc với những hành vi lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Cuộc điều tra của Chính phủ Hàn Quốc vào cuối thế kỷ 20 đã xác nhận các vụ thảm sát tại Gwangju và Jeju là các cuộc đàn áp bạo lực, gây ra cái chết của nhiều thường dân. Chính phủ đã đưa ra kế hoạch bồi thường vào năm 2021 để hỗ trợ các nạn nhân và gia đình họ.
Vụ việc hiện đang thu hút sự chú ý lớn từ công chúng và truyền thông Hàn Quốc. Nó không chỉ phản ánh sự phân cực trong quan điểm về lịch sử và chính trị tại Hàn Quốc, mà còn đặt ra câu hỏi về giới hạn của tự do ngôn luận và sự công nhận thành tựu văn học.