Tôi viết một bài thơ có tên là BÓNG TỐI in trong tập Châu thổ, Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành năm 2010.
.
BÓNG TỐI
Bóng tối nuốt chửng dòng chảy mọi con sông
Tôi sợ hãi bởi ý nghĩ này
Chúng ta mang cảm giác bị xóa mất
khỏi thế gian trong sự lãng quên
.
Nhưng không phải lãng quên mà sự lặng im
Chúng ta từng hoảng loạn và bỏ chạy
Từ nơi chốn cuối cùng ngước lên và thấy
những cái cây vút thẳng, câm lặng ý chí vĩnh hằng
.
Với những bước chân trong nghi lễ trọng đại
Tôi bước tới cái cây đời sống
Mọc vượt qua bóng tối
Tán lá vĩ đại tỏa sáng
.
Chúng ta ngỡ bóng tối chứa đầy vũ trụ
Thực ra chỉ mỏng như màng mắt người mù
Và chỉ cần bước thêm một bước
Chúng ta sẽ sáng lên sau những hãi hùng.
.
Cái bóng tối ấy có thể từ bên ngoài đổ xuống bạn và cũng có thể từ bên trong bạn dâng lên và vây bọc bạn. Bóng tối ấy là một đe doạ, một thách thức hoặc là nỗi sợ hãi, thậm chí chỉ là những thói quen cố hữu trong con người bạn mà bạn không dám rũ bỏ.
Có người đi qua được bóng tối, có người bị bóng tối giam cầm mà không có khả năng thoát ra được. Để thoát ra được khỏi bóng tối, ngoài sự nhận biết, người ta cần sự can đảm. Đôi khi chỉ một bước chân can đảm là bạn đã thoát khỏi bóng tối và ngay lập tức ánh sáng tràn ngập bạn. Nhưng một nỗi sợ hãi nào đó, ở đâu đó hoặc rất mơ hồ đã ngăn bước chân bạn đi về phía trước. Và như thế, bạn bị bóng tối nhấn chìm mãi mãi và bạn không thể nào tới được ánh sáng. Đấy là những gì tôi muốn nói về đời sống từ hiện thực của đời sống thế gian và cũng từ một phần hiện thực của cá nhân mình. Và trong sáng tạo cũng có một thứ bóng tối như vậy ngăn cản bạn.
Bản chất của sáng tạo là làm ra những tác phẩm mà trước đó chưa từng có trong lịch sử sáng tạo nghệ thuật và trong chính con đường sáng tạo của cá nhân bạn. Ở bên trong một căn phòng là gì? Không phải là đồ đạc mà là một thế giới khác bên ngoài những đồ đạc quen thuộc ấy. Ở bên trên ngọn cây là gì? Không chỉ là một bầu trời với ánh nắng gió, mưa bão, mây bay. Ở một quán cà phê bạn ngồi các buổi sáng là gì? Không phải là những ly cà phê và những người khách uống cà phê. Tất cả tưởng như vậy mà không phải vậy. Ngay cả trong ngôi nhà bạn sống cả đời cũng chứa quá nhiều điều mà bạn không biết. Thậm chí con người bạn tưởng như bạn đã hiểu hết nhưng có lúc bạn phải ngạc nhiên về chính bản thân mình. Hãy bước thêm một bước chân nữa của trí tưởng tượng, của tư duy, của khát vọng khám phá, của sự rời bỏ những thói quen trong cảm xúc, trong cách nhìn, trong tư duy... bạn sẽ thấy những điều khác biệt mà bạn chưa hề biết trước đó hiện ra.
Để làm được điều đó, bạn phải tự tin rằng: bạn sẽ tìm thấy một thế giới khác ở trong cái thế giới vốn quá quen thuộc của bạn. Sự tự tin ấy chính là sự can đảm không bao giờ sợ thất bại. Để làm được điều ấy, bạn phải rời bỏ những thói quen của bạn. Mà có những thói quen bạn nghĩ rằng nó là chân lý, nó là bản chất của bạn mà nếu thay đổi bạn sẽ đánh mất tất cả những gì bạn đã nỗ lực để có trong cuộc đời mình. Đấy chính là sự can đảm. Khả năng chối từ bản thân là một sự can đảm khổng lồ mang đầy trí tuệ và sự sáng tạo.
Sự thay đổi cảm xúc, tư duy và cách nhìn luôn mang đến cho bạn sự mới mẻ lạ kỳ. Thế gian này đã có cả triệu năm nhưng nó không hề cũ. Ngay cả mặt trời mỗi sáng lên từ đằng Đông cũng không bao giờ cũ. Vậy lịch sử của nghệ thuật sáng tạo cũng không hề cũ hay hết đường đi. Nếu tất cả những gì bạn biết, bạn chứng kiến chỉ như thế thôi thì sau Dante, sau Shakespeare, sau Nguyễn Du nghệ thuật sáng tạo sẽ kết thúc. Nhưng sau những tên tuổi vĩ đại ấy vẫn tiếp tục xuất hiện các tác giả khác và họ luôn mang đến những vẻ đẹp riêng biệt của sáng tạo.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Ảnh: Tư liệu |
Bạn phải luôn nghĩ rằng: "Ta sẽ làm ra những điều mà trước ta chưa ai làm, ta sẽ làm ra những điều khác với những gì ta đã làm". Đấy chính là sự can đảm. Đấy chính là bản chất của sáng tạo. Trong sáng tạo không bao giờ có khái niệm "đi theo", "làm theo". Sáng tạo thực sự luôn mang tinh thần độc lập, riêng biệt và cô đơn. Chúng ta kính trọng và thậm chí tôn thờ Dante, Shakespeare, Nguyễn Du như những vị thánh, nhưng đừng sợ hãi họ. Nếu các vĩ nhân ấy làm ra những ngọn núi kỳ vĩ thì bạn hãy làm ra những viên sỏi. Những ngọn núi vĩ đại hơn những viên sỏi nhưng mỗi thứ đều mang vẻ đẹp riêng của mình. Đấy chính là sự kỳ vĩ của đời sống và cũng là sự kỳ vĩ của nghệ thuật sáng tạo. Nếu Dante, Shakespeare, Nguyễn Du hoàn thiện đến mức trở thành một bức tường thành mà bạn không thể tìm được lối đi thì sự vĩ đại của họ lại chính là sự tuyên cáo một "cái chết " cho nghệ thuật. Nhưng kỳ lạ thay, khi ta nhìn thật sâu vào những tác phẩm vĩ đại của họ, ta lại thấy những cánh cửa rộng lớn đầy gợi mở, đầy cảm hứng và đầy khao khát mở ra cho ta. Đấy là bản chất của những tác giả và những tác phẩm lớn.
Một trong những vật cản lớn nhất trên con đường sáng tạo nghệ thuật là sự sợ hãi: sợ hãi người đi trước và sợ hãi chính mình. Nếu những bông hoa dại nhỏ li ti màu tím sợ hãi những đóa hướng dương thì chúng ta không bao giờ được chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa đẹp hoang dại mê hồn như thế. Nếu những ngọn cỏ nhỏ bé, mong manh sợ những cánh rừng đại ngàn thì chúng ta không được ngắm nhìn những đồng cỏ mênh mông “xanh rợn” chân trời. Và nếu không có những điều mới mẻ và kỳ diệu ẩn chứa trong đời sống mỗi ngày thì con người sẽ chết vì buồn tẻ và nhàm chán. Đời sống của con người là thế và đời sống của sự sáng tạo cũng vậy. Chỉ có điều bạn đừng dừng lại vì sợ hãi. Hãy đi về phía trước như dòng chảy của con sông. Dừng lại đồng nghĩ với cái chết. Nghệ thuật sáng tạo cũng như vậy.
Tháng 2 năm 2024
Nguyễn Quang Thiều
Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam
Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024