Cuối tuần rồi tôi ngồi cùng một nhóm bạn sinh viên năm 4 ngành Văn học của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM để hỗ trợ các bạn trong một tiểu luận liên quan đến văn học đương đại. Dù chỉ là một tiểu luận của môn học nhưng giảng viên lại yêu cầu các em phải lập một trang truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá tác giả và tác phẩm. Đây được xem như một phần bắt buộc có chấm điểm hẳn hoi về độ lan tỏa và cách thức truyền thông một tác phẩm văn học. Quả thật, tôi hơi bất ngờ về yêu cầu của giảng viên, tuy vậy khi trao đổi cùng các bạn sinh viên, tôi lại nhận thấy các bạn rất hào hứng và hoàn toàn tán thành với giảng viên của mình. Bởi với các bạn truyền thông số đang dẫn đầu xu thế và văn chương cũng không thể rời xa guồng quay này.
|
Như một điều tất yếu của sự phát triển công nghệ, thời đại 4.0 với một thế giới phẳng cho chúng ta thấy các nền tảng truyền thông số đang lấn át mọi phương thức truyền thông xưa cũ. Các nền tảng số ra đời đáp ứng nhu cầu thị hiếu của con người với 3 lợi điểm: nhanh - rộng và sâu. Cùng với việc chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn trong lòng bàn tay với giá thành rẻ, dễ dàng sở hữu, các tính năng cùng thuận tiện lại như một yếu tố cộng hưởng để các nền tảng số phát triển vũ bão. Như cơn lốc cuốn tất cả chúng ta vào một cuộc chơi mà ở đó tiện ích là điều hấp dẫn khiến hầu hết người dùng đều lệ thuộc, thậm chí bị dẫn dắt. Từ đó, kinh tế - văn hóa - xã hội bắt đầu đi vào kỷ nguyên mới.
Văn chương không thể đứng ngoài cuộc chơi số hóa, bởi người viết như “một thư ký của thời đại”. Chính chúng ta, những người viết, nói một cách sòng phẳng thì thụ hưởng khá nhiều vào truyền thông số. Nếu như trước đây, tác phẩm in ra chỉ có kênh lưu hành duy nhất là ở nhà sách, và độc giả chỉ biết nhà văn qua những trang báo phỏng vấn. Thậm chí để phản hồi tác phẩm, giao lưu, hay gặp gỡ thì rất khó khăn. Còn bây giờ, các nền tảng mạng xã hội đã khiến mọi thứ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Có lẽ, những người viết trẻ là những người nhạy bén với truyền thông số nhất. Các nhà văn của thế hệ 7X, 8X, 9X và GenZ hiện nay đa số đều có cho riêng mình những kênh truyền thông cá nhân, đó là các trang mạng xã hội mang tên mình. Từ Facebook, đến Zalo, rồi Instagram, cho đến Twitter, Threads và kênh Youtube, cuối cùng là nóng sốt nhất hiện nay TikTok… cho thấy chỉ trong 2 thập kỷ, nhưng công nghệ đã bày biện cho chúng ta rất nhiều tiện ích mà ở đó, khả năng truyền tải và lan tỏa mạnh mẽ hơn bất cứ phương thức nào.
Trong Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần V vừa qua, tôi bất ngờ với tác giả trẻ Emma Hạ My, cô gái sở hữu 2 tập truyện dài khiến cộng đồng mạng tranh nhau mua. Chỉ 1 ngày mở bán 1000 quyển sách hết ngay và phải tái bản. Cho đến nay, tập truyện Tổng đài kể chuyện lúc 0h của cô gái 9X này đã bán được 20.000 bản, thông qua các kênh thương mại số, và từ các trang mạng xã hội mà cô đang có. Đặc biệt, Emma Hạ My đã chọn cách quảng bá chính mình bằng kênh Youtube và TikTok của cô, hằng ngày đều đăng tải các đoạn video đọc truyện, tâm sự chuyện viết lách, giao lưu cùng độc giả. Kênh TikTok “Truyện của Emma” sở hữu 315,2 ngàn lượt theo dõi và gần 4 triệu lượt tương tác. Riêng Youtube của cô đã nhận được nút Bạc. Nếu không biết Emma từ không gian số, tin chắc tôi đã bỏ sót một cây bút trẻ đặc biệt này cho hội nghị những người viết trẻ vừa rồi của TP.HCM.
Có rất nhiều nhà văn đã và đang tận dụng tối đa không gian số để đến với độc giả của mình, và sự kết nối đó rất hữu hiệu. Facebook cá nhân của nhà thơ Văn Công Hùng với hơn 36 ngàn lượt theo dõi luôn là nơi giao lưu xôm tụ và rộn ràng nhất của giới văn chương lẫn những độc giả. Hằng ngày anh có chuyên mục điểm tin vô cùng duyên dáng và hài hước. Rồi những bài giới thiệu các cuốn sách hay, các gương mặt văn, thơ, lý luận phê bình được anh “trưng” lên trang cá nhân của mình luôn thu hút rất nhiều sự tương tác. Có thể nói, anh là một “hot facebooker” được cộng đồng mạng rất tin tưởng và trang của anh như một kênh truyền thông mọi người luôn quan tâm.
Độc giả ngày nay có thể hiểu như người tiêu dùng và dĩ nhiên họ luôn thông thái với sự lựa chọn của mình. Những tiện ích càng nhiều, càng có lợi cho họ thì họ chọn lựa. Nhà văn cũng như những người bán hàng nếu hiểu một cách cơ chế thị trường mở. Chúng ta có tác phẩm, có sách in và chúng ta đưa cuốn sách đó ra thị trường. Thay vì đi theo cách cũ là phân phối về các nhà sách thì bây giờ thêm một kênh phân phối nữa đó chính là các trang mạng xã hội. Sự mua bán trên các kênh online ấy, kỳ thực, nhìn nhận thực tế rất hữu ích và chiếm ưu thế trong thời đại mà tiêu dùng luôn theo xu thế giản tiện và trực diện.
Nhà xuất bản Hội Nhà văn gần đây có những phiên livestream giới thiệu các cuốn sách khá thành công. Tôi cho rằng đây là một bước tiến mới của đội ngũ kinh doanh của Nhà xuất bản và sự quyết liệt thay đổi của nữ giám đốc trẻ. Bởi lần đầu tiên, mới có một nhà xuất bản không thuộc đơn vị tư nhân lại có phương thức marketing năng động như vậy. Hầu như các phiên live giới thiệu sách của Nhà xuất bản Hội Nhà văn đều mời các tên tuổi định danh trên văn đàn đến trò chuyện, giao lưu và tương tác trực tiếp từ nội dung cuốn sách, đến tác giả và những câu chuyện văn chương bên lề. Điều này là một sự mới mẻ, hấp dẫn khiến các cuốn sách của nhà xuất bản nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng và bán rất nhanh. Điển hình là chuyên đề Viết & Đọc hầu như luôn cháy hàng khi vừa mở bán.
Chính tính năng vượt trội của truyền thông số khiến thông tin lan nhanh hơn chờ một tờ báo in điểm tin, giới thiệu. Độc giả luôn cần những thông tin nóng hổi như vậy về một cuốn sách mà họ quan tâm. Cung và cầu dường như tìm được tiếng nói chung, đồng thuận nhất để từ đó lan tỏa thông tin theo cấp số nhân rất nhiều. Vì thế tức thì độ phủ rộng của thông tin về cuốn sách, về tác giả tự khắc lan xa, bay xa một cách hữu hiệu đôi khi chỉ sau 1 tiếng đồng hồ. Cũng cần nói thêm, với truyền thông số, nơi nào có mạng internet nơi đó sẽ tiệp cận được những thông tin này. Với cách thức tiếp cận cũ qua các kênh phát hành là nhà sách, bưu điện, điểm bán báo thì rõ ràng các trang mạng, các kênh online sẽ có độ phủ sâu hơn, thậm chí đến các vùng xa xôi hẻo lánh. Và hầu hết mọi vùng miền của Việt Nam đều đã kết nối mạng internet.
Tôi biết rất nhiều tác giả Việt Nam bán sách qua nước ngoài bằng chính facebook cá nhân của mình, hoặc các trang thương mại điện tử. Ở chiều ngược lại, chúng ta cũng dễ dàng sở hữu một cuốn sách nước ngoài khi chỉ cần ngồi ở nhà, chọn sách và thanh toán qua thẻ. Hệ thống logistics đã toàn cầu hóa vì vậy câu chuyện truyền thông số cũng như một sự tuần hoàn vốn dĩ xoay tròn theo trục tác giả - tác phẩm - độc giả. Cứ vậy mà mối quan hệ ấy gắn kết thành một vòng xoay bất tận trên không gian số.
Chúng ta nói nhiều về văn hóa đọc bị các hình thức giải trí khác lấn át, nhưng, tại sao chúng ta không tận dụng truyền thông số để văn chương bắt kịp xu thế số hóa này? Nếu coi nghề văn cũng như bao ngành nghề khác, thì chính bản thân nhà văn cũng nên tự thân vận động trong thời đại 4.0 và thế giới phẳng này.