Sáng tác

Những bí mật của "Trăm năm cô đơn"

Paul Elie
Văn học nước ngoài
08:00 | 19/09/2024
Baovannghe.vn - Trong một ngôi nhà yên tĩnh tại Mexico City, nơi Gabriel tìm thấy nỗi cô đơn chưa từng cảm nhận và sẽ không bao giờ gặp lại một lần nữa, ông sáng tác tác phẩm kinh điển Trăm năm cô đơn.
aa
Nửa thế kỷ trước, Gabriel García Márquez, nhà văn Colombia nổi tiếng, đến tiệm cầm đồ gửi tạm nửa cuối tập bản thảo của Trăm năm cô đơn vì thiếu tiền bưu chính. Dù bán được 50 triệu bản trên khắp thế giới, Trăm năm cô đơn chỉ được nhà xuất bản Harper & Row trả 5000 USD. Bốn tác phẩm trước đó của Gabriel cũng chỉ đem về cho tác giả 1000 USD. “Hợp đồng này thật chẳng khác nào cục phân”, Gabriel từng ngán ngẩm.
Những bí mật của

Paul Elie và Gabriel García Márquez

Sáng tạo từ giấc mơ

Trong một ngôi nhà yên tĩnh tại Mexico City, nơi Gabriel tìm thấy nỗi cô đơn chưa từng cảm nhận và sẽ không bao giờ gặp lại một lần nữa, ông sáng tác tác phẩm kinh điển Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad), cuốn tiểu thuyết đưa tên tuổi Gabriel vang danh khắp thế giới. Mỗi ngày, ông hút đến 60 điếu thuốc lá. Đĩa nhạc lặp đi lặp lại tác phẩm của Debussy (nhà soạn nhạc Pháp), Bartók (nhà soạn nhạc Hungary), và A Hard Day’s Night, album của nhạc của George Martin và The Beatles. Trên tường là phác họa lịch sử của một thị trấn tưởng tượng ở vùng Caribbean, Macondo và phả hệ của một gia đình được đặt tên Buendías. Bên ngoài là Châu Mỹ của những năm 1960, Châu Mỹ tiền hiện đại.

Gabriel mơ thấy mình đi thăm bệnh nhân bệnh dịch bị mất ngủ của làng Macondo, trở thành một linh mục biết bay, ngã giữa một đàn bướm vàng. Ông lãnh đạo dân làng Macondo kinh qua nội chiến, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cộng hòa, kéo họ vào phòng ngủ, chứng kiến cuộc mây mưa khiêu dâm và loạn luân. “Trong những giấc mơ của mình, tôi sáng tạo ra văn học”, Gabriel nhớ lại.

Gabriel hoàn thành Trăm năm cô đơn vào cuối năm 1966. Ngày 30/5/1967, tác phẩm này được xuất bản, trở thành một cú sốc trong nền văn học Mỹ Latin. Độc giả tiếng Tây Ba Nha xem nó như khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Năm 1970, Trăm năm cô đơn được dịch sang tiếng Anh, xuất bản với bìa mềm in hình mặt trời cháy đỏ. Năm 1982, Gabriel vinh dự trở thành chủ nhân Giải Nobel Văn học. Trăm năm cô đơn được coi như Don Quixote của Nam bán cầu, là bằng chứng cho sức mạnh văn chương Mỹ Latin. Tên tuổi Gabriel vang khắp lục địa, nổi tiếng ngang Chủ tịch Fidel Castro của Cuba, bằng hữu nhiều năm của ông.

Thời gian trôi nhưng sự quan tâm đối với Gabriel và cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của ông không hề giảm. Gần đây, Bảo tàng Harry Ransom Centre, Đại học Texas, Mỹ còn trả 2.2 triệu dollar (khoảng 50 tỷ VND) để được lưu giữ và trưng bày di cảo tiếng Tây Ba Nha của ông.

Từ Toni Morrison (Mỹ) đến Salman Rushdie (Ấn Độ), Junot Díaz (Cộng hòa Dominica), đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Gabriel. Bill Clinton, tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ phát biểu trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình rằng người ông muốn gặp nhất là Gabriel. Khi García Márquez qua đời, ngày 17/4/2014, Barack Obama, tổng thống Mỹ đương nhiệm cùng Clinton tham dự tang lễ của đại văn hào. Obama còn khẳng định “García là tác giả yêu thích nhất của tôi thời trẻ”. Ilan Stavans, tác giả, nhà phê bình Mỹ nhận định “Trăm năm cô đơn là cuốn sách không chỉ định hình văn học Mỹ Latin mà còn xác lập một giai đoạn của nền văn học”. Ông thú nhận đã đọc đi đọc lại tác phẩm này những 30 lần.

Kẻ chạy trốn

Sinh năm 1927 tại làng Aracataca, bờ biển Caribbean, ngoại ô Bogotá, Colombia, Gabriel García Márquez từng bỏ ngành luật theo nghề báo. Khi chế độ độc tài tại Colombia trở nên khắt khe quá mức, Gabriel trốn sang Châu Âu. Ông phải trải qua khoảng thời gian khó khăn tại châu lục này. Khi sống ở Paris, Pháp, Gabriel tiết kiệm từng đồng xu bằng cách bỏ nó vào một cái chai. Tại Rome, Italia, ông bị đuổi khỏi lớp học làm phim. Sống chui lủi ở London (Anh), Đông Đức, Tiệp Khắc, Liên Xô, suýt bị tóm cổ bởi một cuộc càn quét ngẫu nhiên của quân đội tại nam Venezuela, Gabriel thấu hiểu tận cùng nỗi khổ sở của đời lưu vong. Khi Fidel Castro trở thành Chủ tịch Cuba cũng là lúc Gabriel ký được hợp đồng với Prensa Latina, một cơ quan báo chí được tài trợ bởi chính phủ cộng sản mới. Sau một thời gian ở Havana, ông chuyển tới New York, vào năm 1961 cùng vợ, Mercedes, và con trai, Rodrigo.

New York trong mắt Gabriel khi ấy là một nơi “thối rữa”, nhưng “Nó cuốn hút tôi”. Gia đình Gabriel ở tạm trong khách sạn Webster ít thời gian, sau đó chuyển đến nhờ cậy bằng hữu ở Queens. Gabriel chủ yếu sống trong văn phòng báo chí gần Trung tâm Rockefeller. Đó chỉ là một căn phòng nhỏ với một cửa sổ duy nhất, rúc rích đầy chuột. Mỹ ghét cay ghét đắng chế độ cộng sản của Castro nên Gabriel luôn lăm lăm gậy sắt bên mình, đề phòng bị tấn công. Bão lá (La Hojarasca), Không có thư cho ngài đại tá (El coronel no tiene quien le escriba), Đám tang bà mẹ vĩ đại (Los funerales de la Mamá Grande) ra đời trong khoảng thời gian này.

Sau khi chuyển tới Mexico City, Gabriel tập trung vào phim ảnh. Cuộc sống khó khăn, ông quay sang biên tập cho một tạp chí bóng đá phụ nữ có tên La Familia, trở thành phóng viên chuyên mảng scandal và tội phạm. Không lâu sau đó, vào năm 1965, một đại diện văn học ở Barcelona, do bị hấp dẫn bởi các tác phẩm của Gabriel, tìm tới ông. Cuộc sống của Gabriel thay đổi từ lúc này.

Hợp đồng thảm hại

Carmen Balcells là đại diện văn học ở Barcelona tìm tới Gabriel. Bà sinh ngày 9/8/1930 - mất ngày 20/9/2015, là đại diện của nhiều tác giả Mỹ Latin nổi tiếng, trong đó có sáu tác giả đoạt giải Nobel.

Balcells và chồng bà, Luis, thích nằm đọc trên giường. “Tôi được đọc vài đầu sách của García Márquez và tôi nói với Luis rằng những cuốn sách ấy rất tuyệt vời. Luis à, chúng ta phải đọc nó cùng một lúc mới được… Đó là một trong những cuốn sách hay nhất mà tôi từng đọc. Khi một tác phẩm được độc giả trên khắp thế giới đọc đi đọc lại, nó trở thành kiệt tác. Đấy chính xác là những gì đã đến với Gabriel García Márquez”.

Tháng 7/1965, Balcells và Luis cùng đến Mexico City. Họ nhanh chóng trở thành bạn tâm giao với Gabriel. Ban ngày, mỗi người đều lo công việc của mình. Tối, họ tụ tập và dùng bữa với các nhà văn địa phương. Có hôm Gabriel lôi ra một tờ giấy, nói với Luis rằng ông và Balcells đã thảo luận xong hợp đồng, tuyên bố Balcells sẽ là đại diện văn học của mình trong vòng 150 năm.

“Không phải 150 năm mà chỉ 120 thôi”, Balcells sau này đính chính. “Đó chỉ là một trò đùa, một hợp đồng giả”. Nhưng giữa họ thật sự có một hợp đồng khác thì không phải trò đùa. Tuần trước, tại New York, Balcells tìm được nhà xuất bản thích hợp cho tác phẩm của Gabriel, Harper & Row. Bà cũng thương lượng thành công tiền bản quyền cho bốn tiểu thuyết đầu tiên được dịch sang tiếng Anh của Gabriel. Số nhuận bút Gabriel được hưởng là 1000 dollar (khoảng 22.6 triệu VND).

“Hợp đồng này thật chẳng khác nào cục phân”, Gabriel càu nhàu nhưng vẫn ký. Balcells quay trở về Barcelona còn Gabriel cùng gia đình nghỉ mát một ngày ở bãi biển Acapulco.

Suốt hai thập kỷ trước, Gabriel bị ám ảnh bởi việc viết một tiểu thuyết về một gia đình lớn trong một ngôi làng nhỏ. Bây giờ, “Nó đã quá chín trong tôi. Tôi có thể bắt đầu từ chương đầu tiên, đọc rành mạch từng từ cho nhân viên đánh máy”. Suốt 18 tháng, Gabriel dính liền với máy đánh chữ. Giống như nhân vật chính của Trăm năm cô đơn, Aureliano Buendia, người suốt đời quanh quẩn trong xưởng tại làng Macondo, Gabriel chết dí trong phòng. Khi cuốn tiểu thuyết hoàn thành, Gabriel và Mercedes đến bưu điện ở Buenos Aires gửi bản thảo cho nhà xuất bản. Do thiếu 82 peso (khoảng 150.000 VND), họ chỉ gửi được một nửa tập bản thảo. Nửa còn lại nằm trong tiệm cầm đồ.

Trong thời gian sáng tác Trăm năm cô đơn, Gabriel hút hết 30.000 điếu thuốc và tiêu tốn 120.000 peso (khoảng 226 triệu VND). “Sau tất cả những điều này, chuyện gì sẽ xảy ra nếu đó là một cuốn tiểu thuyết tồi”, Mercedes lo lắng.

Sức hấp dẫn ma mị

“Quá khứ không bao giờ chết. Nó thậm chí không đi qua”, William Faulkner, nhà văn Mỹ, chủ nhân Nobel Văn học 1949, nhận định sau khi đọc Trăm năm cô đơn. Sự hiện diện của quá khứ là một phần trong cuộc sống nghèo đói, bất công của Macondo. Bảy thế hệ gia đình José Arcadio Buendia liên tục hiện diện trong tác phẩm. Giận dữ và ghen tuông, chiến tranh và thù hận, ác mộng, loạn luân,… gia tộc này rơi vào nỗi sợ hãi lời nguyền sẽ sinh ra một đứa trẻ có đuôi lợn.

“Hiện thực huyền ảo”, chúng ta bắt đầu biết đến thuật ngữ này thông qua nghệ thuật biểu hiện của Gabriel García Márquez. Cái huyền ảo trong cuốn tiểu thuyết, ở đầu và cuối tác phẩm, là sức mạnh đặc biệt. Nó khiến độc giả cảm giác các nhân vật thật sự đang sống.

Tám ngàn bản Trăm năm cô đơn bán hết veo trong tuần đầu tiên xuất bản tại Argentina. Chưa từng có tiền lệ bán chạy thế này tại Nam Mỹ. Người lao động, quản gia, giáo sư, thậm chí cả gái mại dâm đều say mê đọc. Tiểu thuyết gia Francisco Goldman (Mỹ) nhớ từng thấy cuốn sách được đặt cạnh giường ngủ trong một cái lều ở ven biển. Gabriel được mời đến Argentina, Peru, Venezuela. Tại Caracas, Thủ đô Venezuela, ông dúi cho chủ nhà một mẩu giấy viết tay ghi “Cấm nói tới Trăm năm cô đơn”.

Để tránh bị làm phiền, Gabriel đưa cả gia đình tới Barcelona. Pablo Neruda, nhà thơ Chile đoạt Nobel Văn học năm 1971, gặp Gabriel tại nơi này. Ông làm tặng Gabriel một bài thơ. Mario Vargas Llosa, nhà văn, nhà báo, chính trị gia Peru viết hẳn một luận án tiến sĩ về tác phẩm Ngôi nhà Màu xanh (The Green House) của Gabriel. Luận án này được trao giải thưởng văn học hàng đầu ở Italia và Pháp, trở thành cuốn sách đầu tiên thống nhất các nền văn hóa văn học tiếng Tây Ban Nha.

Gregory Rabassa (Mỹ) mua Trăm năm cô đơn tại Manhattan, lập tức bị mê hoặc. Dịch giả Gregory Rabassa (Mỹ) sau khi dịch Nhảy lò cò (Hopscotch) của Julio Cortázar (nhà văn Argentina), khẳng định Cortázar bị ảnh hưởng bởi Gabriel. Cass Canfield Jr, tổng biên tập Harper & Row, người chỉ trả 1000 dollar cho bốn tác phẩm trước đó của Gabriel, đồng ý phê duyệt nhuận bút tác phẩm mới của Gabriel là 5000 dollar (khoảng 113 triệu VND). Gabriel nhờ Cortázar giới thiệu cho mình một dịch giả và Cortázar đề nghị Rabassa. Năm 1969, trong một ngôi nhà ở Hampton Bays, Long Island, Rabassa bắt đầu chuyển Trăm năm cô đơn sang tiếng Anh.

Tháng 3/1970, Trăm năm cô đơn phiên bản tiếng Anh xuất hiện trên thị trường sách. Những đánh giá tốt về nó mọc lên như nấm sau mưa. Gabriel được xếp ngang hàng với các tên tuổi gạo cuội như Günter Grass (Đức) và Vladimir Nabokov (Nga). 50 triệu bản được tiêu thụ. Tiền bản quyền 5000 dollar Harper & Row trả lại bị xem như “cục phân”. Gabriel hết sức hài lòng với bản dịch của Rabassa. Ông đánh giá bản dịch thậm chí còn hay hơn bản gốc tiếng Tây Ban Nha của mình.

Ảnh hưởng lớn

Không ít tác giả chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong Trăm năm cô đơn của Gabriel. Nhà văn Mỹ gốc Phi Toni Morrison, chủ nhân Nobel Văn học năm 1993, từng tìm thấy sự tương đồng giữa tác phẩm của Gabriel và câu chuyện đang thai nghén của mình. “Có một cái gì đó rất quen thuộc trong cuốn tiểu thuyết này. Đó là phong cách nhất định của tự do, tự do trong cấu trúc, khái niệm mở đầu, diễn biến và kết thúc… Nhân vật của Gabriel có quan hệ mật thiết với thế giới siêu nhiên, và đó cũng là cách các câu chuyện được kể trong nhà tôi”.

Bài ca Solomon (Song of Solomon) ra đời sau khi nữ tác giả đọc Trăm năm cô đơn. Nhiều năm sau đó, Morrison và Gabriel cùng giảng dạy tại Princeton.

Junot Díaz, đại diện của các nhà văn trẻ Dominica xem văn phong của Gabriel như kim chỉ nam. “Tôi là một nhà văn Mỹ Latin - Caribbean trẻ đang tuyệt vọng tìm kiếm phong cách viết. Cuốn tiểu thuyết của Gabriel xuyên qua như một tia chớp. Nó thấu từ đỉnh đầu cho đến tận các ngón chân của tôi”.

Salman Rushdie, nhà văn Ấn Độ sống tại London, dành nhiều thời gian suy nghĩ về đất nước trong thời thơ ấu của mình sau khi đọc Trăm năm cô đơn. Ông nhìn thấy trong các nhân vật là câu chuyện của quê hương mình. “Thiên thần Gabriel” đó là biệt danh Rushdie tặng cho văn hào ông yêu quý, người ảnh hưởng rất nhiều đến Những vần thơ của quỉ (The Satanic Verses), tác phẩm nổi danh của ông.

Năm 1982, Gabriel đoạt Nobel Văn học. Ông có nhà xuất bản mới tại Mỹ, Knopf. Tất cả mọi người đều yêu thích Gabriel, trừ Mario Vargas Llosa, tác giả Nobel Văn học 2010. Câu chuyện Llosa thẳng tay tặng Gabriel một cú đấm trước cửa một rạp chiếu phim ở Mexico vẫn còn là một bí ẩn. Llosa nói rằng ông và Gabriel thề sẽ mang nguyên nhân của nó xuống mồ.

Dù ghét Gabriel, Llosa vẫn đánh giá cao Trăm năm cô đơn. “Đây là cuốn sách đã mở rộng độc giả tiếng Tây Ban Nha, bao gồm cả người đọc trí thức lẫn người đọc bình dân nhờ phong cách đơn giản và tường minh của nó. Đồng thời, nó cũng là cuốn sách đại diện cho nội chiến, bất bình đẳng, trí tưởng tượng, tình yêu âm nhạc của Mỹ Latin. Tất cả những màu sắc này được hợp chung trong một tác phẩm, nơi hiện thực và huyền ảo đan lồng một cách tuyệt hảo”. Về bất đồng giữa hai đại văn hào, Llosa nói rằng “Đây là bí mật đối với các tác giả tiểu sử trong tương lai”.

VŨ THỊ HUẾ (VN1+2/2016) | Báo Văn nghệ

Lược dịch theo Vanityfair.com

Paul Elie, sinh năm 1965, là nhà văn Mỹ, tác giả của Cuộc sống bạn cứu vớt có thể là tài sản của bạn: Một kiếp sống của người Mỹ (The Life You Save May Be Your Own: An American Pilgrimage) được trao Giải Martha Albrand cho Tác phẩm Phi hư cấu Đầu tay năm 2004.

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

XÂY DỰNG CƠ CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI VỚI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM Đời sống văn học của cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận của Văn học nước nhà* Quy định mới về liên kết giáo dục với nước ngoài Văn học đương đại Trung Quốc trong mắt một nhà Hán học nước ngoài Đọc truyện: Hoang đảo giữa thành phố. Truyện ngắn dự thi của Phát Dương
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.