Văn hóa nghệ thuật

Những góc cạnh cuộc sống qua Cẩm nang sử dụng: Cuộc đời

Khánh Duy
Mỹ thuật
12:05 | 18/07/2024
60 tác phẩm của 11 nghệ sĩ trẻ tại Triển lãm Cẩm nang sử dụng: "Cuộc đời" như gợi nhắc về sự sống, từ khô héo nay nảy mầm tốt tươi nhờ nghệ thuật
aa

1

Cẩm nang sử dụng: Cuộc đời dễ gợi cho người ta có cảm giác gì đó về self help/ chữa lành - những từ vốn đã bị ngữ cảnh hoá một cách quá đà đến thừa mứa, cạn kiệt bởi truyền thông tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhưng Cẩm nang sử dụng: Cuộc đời trong triển lãm này được giám tuyển Đỗ Tường Linh “chuyển dịch” và gợi hứng từ tác phẩm cùng tên Life: A User’s Manual của nhà văn Do Thái người Pháp gốc Ba Lan Georges Perec. Vì thế, “do thám” tác phẩm của Perec là một cách hay (và cần thiết) để tiếp cận và tiếp nhận triển lãm nghệ thuật đang diễn ra tại VCCA từ 29/6 - 28/7.

Cẩm nang sử dụng:  Cuộc đời
Hình ảnh tại triển lãm

Georges Perec cùng với Raymond Queneau và Italo Calvino thuộc nhóm OuLiPo (Xưởng Văn chương tiềm tàng) - nhóm nhà văn có khuynh hướng sáng tạo dựa trên cơ sở các bó buộc về hình thức. Nhưng “nhóm” mà không “phái”, Perec có cách nhìn nhận cuộc sống và văn chương còn hơn cả độc đáo, nghiêm khắc nhưng lại không tách rời khỏi sự nhạy cảm sâu sắc với nỗi đau, phận người. Điều này đã được phản ánh lần lượt trong các tác phẩm của ông như Đồ vật, Mất, W hay ký ức tuổi thơ, Cuộc đời: Cách sử dụng.

Tác phẩm của Perec, Life: A User’s Manual (tạm dịch: Cuộc đời: Cách sử dụng) là một bản mô tả bó buộc cuộc sống trong một tòa nhà nhiều khối/ căn hộ. Cuốn sách mở đầu như một tiểu luận với một câu đố. Cuốn tiểu thuyết của Perec còn chứa đựng những mô tả tỉ mỉ về tất cả những đồ vật trong mỗi căn phòng của mỗi dãy căn hộ bảy tầng ở Paris, Pháp (với các tầng hầm cùng hai tầng áp mái tạo thành 10 tầng). Việc khám phá ra bản chất của cuộc đời giống như trả lời một câu đố chăng? Và rằng, mọi nhìn ngắm, khám phá và “chép” lại chính là một bản chất của nhà văn, một nghệ sĩ?

Xét cho cùng, triển lãm Cẩm nang sử dụng: Cuộc đời là một bản mô tả khác của tác phẩm Life: A User’s Manual của Georges Perec. Ở đó, ngay từ lối vào, một khoảng trống khá hẹp, hơi tối, như thể đi vào một dãy nhà, một khu căn hộ. Ở lối vào đó, thứ đập vào mắt người xem (lúc này người thưởng lãm cũng giống Perec vậy) là một khoảng không gian đầy ánh sáng, những tác phẩm điêu khắc và tạo hình độc đáo.

Nhưng chúng ta không tiến thẳng về nó mà men theo những dãy tường, được phân lô, đóng đinh, gắn lên những tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ. 60 tác phẩm của 11 nghệ sĩ là một bản “mô phỏng” tuyệt vời về cuộc đời, không chỉ là sự đa dạng ở chất liệu, góc nhìn, cách tiếp cận và tạo tác mà còn nằm ở việc nắm bắt thời gian trong thực hành nghệ thuật, bởi những chìm đắm đã thành thường nhật của người nghệ sĩ.

2.

Nếu đi lần lượt một vòng theo ngược chiều kim đồng đồ, bạn sẽ có cảm giác như đi vào dãy căn hộ như trong tác phẩm của Perec, thay vì những ô cửa sổ là những nghệ phẩm. Đầu tiên là những tác phẩm “nguệch ngoạc” đậm dấu ấn tuổi thơ dưới “chủ nghĩa siêu thực tối đa” của caubetho, một nghệ sĩ trẻ hiện sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Những tác phẩm đậm chất tuổi thơ nhưng là tuổi thơ “đã biến mất” nay được lưu lại qua những tác phẩm, dưới phản chiếu tươi sáng.

Đi, dừng lại, ngắm - từ bây giờ sẽ là hoạt động của bạn ở trong hành trình này. Người thưởng lãm sẽ được nhìn thấy những tác phẩm là những tấm áp phích lịch sử với những diễn giải mới mẻ của Xuân Lam; những chiếc đèn đáng yêu cùng lối sắp đặt đầy mộng mơ khi nhớ về ký ức tuổi thơ của nghệ sĩ trẻ Vũ Hoàng.

Ngay sau đó, bạn sẽ chiêm ngưỡng những “mô tả sinh động hành trình tâm linh nội tại, thông qua màu sắc và hình khối, phản ánh sự thấu hiểu những điều sâu thẳm, tĩnh tại, trong khi đó vẫn tồn tại cuộc đấu tranh tiềm ẩn đầy xung đột, cuộn trào” trong những tác phẩm của nữ nghệ sĩ trẻ Mifa.

Những tác phẩm “tinh nghịch” của Tèo Phạm, gồm các tạo hình từ đôi giày đến chiếc áo, được làm thủ công, lồng những “mục đích” khác vào những vật phẩm thường ngày. Những tác phẩm của Tèo Phạm rất gần gũi nhưng cũng tạo một khoảng không gian xa cách, buộc người xem phải tiến lại gần để quan sát, cảm nhận. Giữa những tác phẩm đầy mộng ảo của Hoàng Thiện Phúc còn là những “chớp bắt” của Z.T Nguyễn ở những khoảng tối về “kiến trúc đêm” mà người thưởng lãm có thể vô tình không để ý mà bỏ qua.

Cứ thế, cho đến khi bạn dừng lại ở tác phẩm của Bùi Quốc Khánh ở vị trí trung tâm, khi bạn bắt đầu bước vào. Ba tác phẩm điêu khắc từ gỗ được khảm gốm, men sứ cho thấy một độ tinh xảo đến tuyệt vời. Những tác phẩm như gợi nhắc về sự sống, từ khô héo nay nảy mầm tốt tươi nhờ nghệ thuật.

3.

Dù tên triển lãm được gợi hứng từ tác phẩm của Georges Perec nhưng các tác phẩm trưng bày trong Cẩm nang sử dụng: Cuộc đời không hề đi theo mặt bó buộc về hình thức, cũng như ở việc sử dụng chất liệu, ý tưởng chuyển tải vào nghệ thuật. Vì thế, thay vì “bó buộc hình thức” lại mở rộng phạm vi sáng tạo.

Tèo Phạm, một hoạ sĩ trẻ có tác phẩm tham gia trong triển lãm, chia sẻ: “Thứ bó buộc về hình thức duy nhất đối với tôi là tác phẩm tôi tạo ra phải thỏa mãn con mắt của bản thân. Miễn tôi nhìn thấy thích là được, ai nghĩ sao không quan trọng.” Với Tèo Phạm, sáng tạo là một dòng chảy không ngừng của năng lượng bên trong người nghệ sĩ. Việc hình thức hoá nó ra phải thể hiện được ý tưởng của bản thân người nghệ sĩ.

“Nếu làm nghệ thuật thị giác nhưng chỉ coi hình thức thị giác là phụ thì với tôi, đó là một sự thất bại,” Tèo Phạm nói, “Vì công việc của tôi là dành hầu hết thời gian để sáng tác nên tác phẩm chính là thứ phản ánh rõ nhất cuộc đời thường nhật của mình. Cẩm nang sử dụng của tôi đơn giản chỉ là: Sống thật với bản thân và hãy tử tế.”

Nghệ sĩ Koa Phạm chia sẻ, anh vốn không học chuyên ngành mỹ thuật mà là một thạc sĩ về ngành tạo dáng. Vì vậy, trong tác phẩm của anh thường là những nghiên cứu về tương quan giữa đồ vật và con người. Người sáng tạo ra viên sủi này, lấy ý tưởng từ viên C sủi. Sự màu nhiệm, lý thú khi viên C sủi bọt, tan ra đã gợi hứng cho viên sủi bồn tắm ra đời. Koa Phạm nói: “Vật chất này thường được sử dụng trong sự riêng tư (khi đi tắm), đó cũng là lúc ta đối diện với những suy nghĩ riêng tư của mình. Với ‘cá tính’ đó của viên sủi tắm, tôi muốn sử dụng viên sủi tắm như một chất liệu trong sáng tác của mình.”

Cũng như trong tên tác phẩm của Koa Phạm ‘vật chất tan chảy, để lại vết loang trên bề mặt’ (trưng bày trong triển lãm), có một cuộc gặp gỡ giữa viên sủi và nước trên giấy bìa, để lại vết loang. Sự cong vênh và bào mòn, bong tróc, sẽ là nói dối khi nói đó là điều người nghệ sĩ đã hoàn toàn lường trước. Tuy vâỵ, điều nhỏ thú vị ấy chính là một phần kết quả của cuộc gặp gỡ này, điều quý mà tôi thu thập được sau thử nghiệm nghệ thuật của mình.

“Tôi không nghĩ điều đó là sự bó buộc của chất liệu, bởi khi bàn đến điều ấy, ta chỉ quan tâm tới giới hạn. Mà trái lại, thử nghiệm nghệ thuật này đối thoại với tôi, mở rộng nhận thức của chính tôi về chủ đề tôi đang sáng tác. Sự bất ngờ trước vẻ đẹp mà tôi nhìn thấy sau một thử nghiệm nghệ thuật, đó là điều khiến tôi lý thú, say mê,” Koa Phạm nói thêm, “Trong sáng tác của mình, tôi không có một bó buộc nào về hình thức. Trái lại, tôi có khát khao được thử nghiệm, khai phá và thử thách mình ở nhiều chủ đề, chất liệu khác nhau. Nhưng nếu có một sự gọi là ‘bắt buộc’ (với tôi thôi), thì nó không nằm ở hình thức thể hiện, mà nằm ở triết lý sáng tác của tôi.”

Nghệ thuật đến với mỗi người qua nhiều trạng thái khác nhau, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ Rick Rubin nói như vậy. Những hoạt động thường nhật là cách ta nắm lấy bản chất của đời sống, cũng như chất liệu cho thực hành nghệ thuật. Việc mỗi người để ý thứ mà người khác không thấy và sử dụng công cụ của họ để phản ánh lại chính là hoạt động sáng tác. Người nghệ sĩ có năng lực nhìn thấu suốt, và nó là gốc rễ của sáng tạo.

Báo Văn nghệ số 28/2024

Tên bài viết do Baovannghe.vn đặt

---------- Có thể bạn quan tâm:
Hiểu Tô Ngọc Vân qua “Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân” Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân: Phong độ thì nhất thời, đẳng cấp thì vĩnh viễn Họa sĩ Ngô Xuân Khôi: Trắc trở con đường đến với hội họa Họa sĩ Nguyễn Sáng: Hà Nội, ta đến đây! Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Không thể làm nghệ thuật mà không có sự kế thừa
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.