Hắn dừng lại trước hai cánh cửa gỗ im ỉm. Hình như đây là lần thứ chín trong ba ngày. Tám lần trước, cảm giác gần như giống nhau. Hồi hộp. Hụt hẫng. Còn lần này, tâm trạng thật khó cắt nghĩa. Bởi hắn tin chắc cánh cửa phòng sếp vẫn sẽ đóng kín.
Hắn là chuyên viên hành chính tổng hợp. Hằng ngày, nhiệm vụ của hắn là trình các văn bản, giấy tờ gửi đến cho sếp. Rồi từ đây, căn cứ sự chỉ đạo, hắn sẽ chia ra, chuyển xuống các phòng ban chuyên môn. Họ sẽ tập trung thực hiện theo yêu cầu sếp giao. Ngày deadline đến gần, hắn sẽ nhận từ các phòng những báo cáo, công văn rồi trình lên để sếp duyệt ký trước khi gửi đi. Một chu trình khép kín. Công việc khá buồn tẻ.
Minh hoạ Nguyễn Đăng Phú |
Có thể chu trình nhàm chán đó sẽ đi hết đời hắn nếu một ngày, điều bất ngờ không xảy ra:
Sếp đột ngột vắng mặt.
Nói là đột ngột, bởi không ai biết sếp ở đâu, làm gì.
Ở cơ quan nào thì sếp cũng đều là người quan trọng nhất. Đương nhiên. Sếp luôn ý thức rất rõ điều đó. Dù trên danh nghĩa, cái quyền kia bị chi phối của vài ba thành tố khác nữa. Nhưng chẳng một ai dám nhắc tới nó. Họ sợ sếp. Điều đó là bình thường. Đơn giản, sếp là cơm ăn, áo mặc. Sếp là nhà xe, phẩm hàm. Sếp là niềm hãnh diện với gia đình, dòng họ, đồng nghiệp. Sếp là... Thi thoảng, để thay đổi chút không khí đặc quánh hay hứng khởi vì một điều gì đó, sếp có chỉ đạo họp. Họp toàn thể. Họp từng bộ phận. Sếp đưa ra một vấn đề cho mọi người luận bàn. Chẳng hạn như bữa ăn trưa cần đổi món cá chép om dưa sang món chuối đậu ốc nhồi vì giá ốc đang rẻ. Từ tháng tới, mỗi tầng cần thêm một bình nước lọc tinh khiết vì truyền thông cảnh báo nước máy ô nhiễm. Mọi người hoan hô nhiệt tình. Vài lần, nhân các diễn đàn kiểu này, họ cũng phát biểu về một chủ đề gì đó như một kiểu xả xu-pap. Ông ngồi nghe, mắt lim dim, đầu gật gù, rồi đột ngột lên tiếng. “Thôi. Dừng lại…” “Theo tôi là…” “Chốt lại là...” “Kết luận cuối cùng phải…” Đám đông im bặt. Chưng hửng. Họ hiểu ra vấn đề…
*
Sếp đột ngột vắng mặt.
Hắn là người đầu tiên công bố tin này với trưởng phòng. Bởi lịch công tác công khai, cả cơ quan đều nắm khá rõ.
Sau một hồi la cà các phòng, ngó nghiêng thăm dò, trưởng phòng bảo hắn hãy cứ về chỗ ngồi. Đúng lúc đó, con iPhone của trưởng phòng đổ chuông. Giọng trưởng phòng lịch lãm: “Sếp em đi họp. Hội nghị bắt phải tắt máy. Anh cứ nhắn lại. Em sẽ báo cáo sớm nhất…” Vậy là theo trưởng phòng, sếp hẳn đang bận ở một cuộc họp nào đó. Một ngày bình thường trôi qua.
Hôm sau, đáp lại những tiếng gõ và cái xoay nắm đấm nhè nhẹ vẫn là sự im lìm của hai cánh cửa gỗ. Hắn quay lui, chồng công văn dồn lại cả xấp. Bàn chân đưa hắn rẽ vào một cửa phòng cùng tầng. Dăm ba người tiến lại sốt sắng. “Vẫn vậy à?” “Có tin gì mới không?” Hắn ném nhẹ lên bàn xấp văn bản. Hành động thay cho câu trả lời.
Bỏ qua những khuôn mặt hiện rõ sự tò mò, ánh mắt hắn hướng về góc trong cùng. Nơi đó, bên cửa sổ, có một người gần như không để ý đến những gì đang diễn ra.
Nàng chăm chú nhìn màn hình. Gió thu ào qua. Lá trút rào rào như mưa. Một chiếc lá vàng chao liệng, lách qua khe cửa, đậu xuống mặt bàn. Nàng ngừng gõ phím, nhặt chiếc lá đưa lên ngắm nghía. Những tia nắng xiên chéo qua cửa kính nhuộm chiếc lá vàng rực lấp lánh. Sống lá gồng mình nổi những đường gân như các mao mạch li ti chằng chịt. Nàng nhoẻn cười. Nụ cười ngẩn ngơ pha nét gì đó bí hiểm.
*
Thêm một ngày cánh cửa gỗ im lìm, vô tri. Trưởng phòng bảo hắn mang tập công văn cho sếp phó. Cơ quan gọi ông ta là S2.
S2 đang đứng trước gương. Hôm nay, ông ta mặc áo kẻ xanh, cà vạt tím. Quyển sổ bìa da mở rộng trên bàn nổi bật một hình thù kỳ quặc giữa trang giấy. Hắn liếc nhanh, nhận ra hình một con bù nhìn canh dưa có cái đầu đội mớ bòng bong loằng ngoằng. Thoáng lúng túng chạy qua khuôn mặt với các đường nét trung tính, S2 gấp vội cuốn sổ. Mặt ông ta hơi tái đi. Nhưng rất nhanh, sếp phó lấy lại vẻ bình thản. “Dạ, báo cáo anh. Mấy ngày vừa rồi em không thể...”
Điều hắn nói không làm S2 bất ngờ. Ông ta không nói gì, chậm rãi lật giở tập văn bản: “Cậu nhắc các phòng làm nhanh rồi chuyển lại đây...” S2 khẽ chau mày. “Nhưng tôi sẽ chỉ ký thay, trong trường hợp...”
Khác với trưởng phòng, S2 ở vị trí cao hơn và khá nhạy cảm. Hắn chờ đợi vế tiếp theo của câu nói. Trong đầu hắn hiện lên những từ ngữ có thể hợp văn cảnh. “Thủ trưởng vẫn vắng.” Nghe không mấy ổn. Như thế hoá ra là S2 đặt hồ nghi thủ trưởng bỏ nhiệm sở không lý do. “Thủ trưởng bận công tác.” Hợp lý hơn, nhưng nó thể hiện chủ thể biết rõ thủ trưởng đang ở đâu, làm gì. “Thủ trưởng mất tích...” Khủng khiếp!
Nhưng rồi sếp phó bỏ lửng. Ông ta có thừa sự khôn ngoan.
*
Sếp đột ngột vắng mặt.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên cơ quan diễn ra sự việc này. Ngày đó, cách đây cũng khá lâu, S2 chưa xuất hiện. Cơ quan dĩ nhiên cũng đã có một sếp phó khác. Một người tuổi xêm xêm thủ trưởng, nguyên tắc và tương đối cứng rắn.
Và lần đó, thủ trưởng cũng lẳng lặng biến mất. Điện thoại ò í e. Mọi kênh liên lạc vô vọng. Cơ quan nhốn nháo. Văn bản đến - đi chờ xử lý chồng đống. Nhưng rồi sau ba ngày, sếp bình thản xuất hiện. Tôi thử các cậu một chút mà sự ỷ lại thật không tưởng tượng nổi. Vậy mà cuối năm cá nhân nào cũng bạt ngàn sáng kiến về đổi mới, cải cách. Cái gì cũng đổ hết lên đầu tôi. Thủ trưởng có lĩnh lương thay cho các người? Cả anh nữa. Sếp quay sang sếp phó. Đã có quy chế ủy quyền. Nhìn xem. Tôi có chân trong gần chục cái hội đồng khác nhau. Những nhiệm vụ tối quan trọng, không thể tiết lộ được.
Cả cơ quan cúi mặt. Thì trưởng phòng từng nhắc nhở mọi người, điều một, sếp luôn luôn đúng. Điều hai, nếu sếp sai, hãy xem lại điều một.
Nhưng rồi một lần khác, sếp lại bặt tăm vài ngày. Sếp phó rốt ráo xử lý các mảng việc thường nhật. Quyết. Ký. Chỉ đạo. Mọi việc trơn tru gần như không có gì bất thường. Mấy ngày sau, thủ trưởng về, mặt lạnh băng. “Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm.” Ai cho các người tùy tiện. Sếp quay sang sếp phó. Ở đây tôi mới là người chịu trách nhiệm cao nhất. Lạm quyền. Phải khẳng định anh và tất cả thiếu tôn trọng tôi. Mọi người lại được một phen xanh mặt. Hai tháng sau, sếp phó bị luân chuyển. Dĩ nhiên về một cơ quan nhỏ và kém hơn nhiều về danh tiếng, quyền lợi.
Sau đận đó, S2 được thủ trưởng đưa về, một người khá hoà nhã, kín tiếng. Nói theo ngôn ngữ công sở, S2 cùng “cạ” với sếp. Tuổi S2 kém thủ trưởng một nhiệm kỳ rưỡi. Quá đẹp. Cứ vậy mà cúc cung tận tụy. Cứ vậy mà giúp việc trung thành. Chờ ngày tháng đủ chín…
“Cậu về làm phiếu trình, ghi rõ nhiều lần cơ quan quản lý giục giã. Trường hợp nước sôi lửa bỏng. À, mà vẫn phải thêm ý kiến của đầy đủ đại diện đề xuất tôi ký thay…” S2 vê cằm. “Nhưng…” Ông ta bỏ lửng.
*
Đã một tuần trôi qua. Hắn không nhớ bao nhiêu lần phải đứng trước cánh cửa gỗ im ỉm.
Trưởng phòng đã có vẻ sốt ruột. Nhưng ông ta chưa biết tiếp theo sẽ phải làm thế nào. Liệu ở vị trí “cánh tay mặt của sếp”, việc cứ ngồi yên rung đùi suốt một tuần sếp vắng mặt bí ẩn có chấp nhận được không nhỉ? Hắn tự hỏi khi giáp mặt ông ta. Đúng lúc đó, điện thoại bàn của trưởng phòng đổ chuông. “Dạ, công việc bên em đang nhiều. Kế hoạch này gối chương trình kia. Sếp em toàn phải tắt điện thoại...” Như vậy là thiên hạ vẫn bất lực khi liên lạc với sếp. Và trưởng phòng vẫn cố diễn tiếp màn kịch. Một kiểu xử lý tình huống theo quán tính. Dễ hiểu. Giời mới biết trong đầu ông ta nghĩ gì.
Dường như đọc được những gì diễn ra trong ý nghĩ của hắn, trưởng phòng khẽ lừ mắt. Liệu hồn! Một chút sắc lạnh qua cặp kính. Thì trưởng phòng vẫn là người được khen khá thông minh. Nhưng rồi bất ngờ ông ta vẫy hắn lại, liếc nhanh xung quanh, tay phải che miệng, thì thào: “Chiều cậu qua nhà sếp. Nhớ biết phải làm gì rồi...”
Nhà sếp, với hắn không quá quen nhưng cũng chẳng quá lạ. Hắn đã đến đó ba lần. Lần đầu là đợt theo sếp công cán nơi miền ngược. Một lần đưa khách đến chúc tết. Lần nữa, hắn không nhớ rõ lý do. Căn biệt thự không quá lớn hay có gì thật sự nổi bật. Rất may, hắn thạo đường.
Hắn lượn xe máy một vòng bên ngoài. Hai cánh cổng sắt đóng kín. Giàn hoa giấy từ tầng một leo bám tới ban công tầng ba. Hoa tím lốm đốm xòe nụ. Vài bông hoa úa tàn. Ánh điện hắt ra dịu nhẹ. Căn nhà không có gì bất thường. Ý là nó khá yên ắng. Nhưng như vậy có là bình thường? Hắn không dám chắc. Hắn cố gắng nhưng chẳng thể nhớ tất cả khung cảnh gọi là sự bình thường của nó. Biết đâu, sự yên ắng kia là bất thường?
Hắn khe khẽ kéo ga xe lượn gần hơn đến hai cánh cổng sắt lớn. Giá như có thể thò đầu ngó vào trong nhà. Nhưng rồi một ý nghĩ vụt đến. Giờ mà cánh cửa kia đột ngột mở và sếp xuất hiện nhìn hắn chằm chằm, hoặc giả sếp đi đâu về, đứng ngay phía sau lưng hắn, cất tiếng e hèm thì sẽ thế nào nhỉ. Hắn luống cuống. Sống lưng lạnh toát. Sếp sẽ nói gì. Có thể chẳng cần nói gì. Chỉ ánh mắt của sếp là đủ. Ánh mắt đó khẽ nheo lại. Cậu đang theo dõi tôi? To gan thật. Tôi đi guốc trong bụng cậu và những kẻ chỉ đạo. Âm mưu rõ như ban ngày. Hoá ra xưa nay, những lời nói, việc làm thể hiện sự hết lòng, trung thành vì tôi chỉ là trò xu nịnh giẻ rách. Hắn rùng mình rồ máy, thiếu chút nữa đã đâm bổ vào một chiếc ô tô đi chầm chậm ngược chiều.
*
Lần thứ…
Hắn quay gót như một sự mặc nhiên và rẽ vào phòng nàng.
Ở cơ quan này, phải nói rõ nàng là một phụ nữ đẹp. Quyến rũ và tinh tế. Dịu dàng và đoan trang. Thực ra, điều đó chẳng có gì đáng để kể nếu như nàng không có một cuộc hôn nhân đa đoan. Sau ngày cưới hơn năm, chồng nàng gặp tai nạn. Từ đó, anh ta nằm liệt giường. Nhưng thế vẫn chưa phải là tận cùng bi kịch. Cơn đau đầu, di chứng của cú ngã thi thoảng lại tái phát khiến anh ta không thể làm chủ cảm xúc. Mỗi lần nàng bón cơm, làm vệ sinh cho chồng, cơn đau trỗi dậy, anh ta lại rủa sả, bạo hành nàng. Anh ta cào cấu, rứt tóc nàng. Vậy mà nàng cứ nghiến răng chịu đựng. Thi thoảng, nàng còn khe khẽ hát cho anh ta nghe những ca từ chỉ mình nàng biết. Điều đó nàng không kể mà hắn biết từ các đồng nghiệp trong cơ quan lan truyền. Hằng ngày sau giờ làm, nàng hầu như chỉ quẩn quanh bên chồng. Phải chăng bởi vậy mà đám phụ nữ ít ghen ghét nàng, dù so với họ, nàng vượt trội về nhan sắc. Thi thoảng, nhìn các vết bầm tím trên tay, trên mặt nàng, hậu quả cơn điên của chồng, các bà, các cô còn chẹp miệng, tỏ rõ sự xót thương. Họ kể về nàng như điển hình của “hồng nhan đa truân”. Họ khẳng định, nếu như nàng có rời bỏ tay chồng ốm đau kia cũng không có gì lạ. Còn đám đàn ông cơ quan, hầu hết đều si mê nàng. Kẻ si mê sỗ sàng (số này không hiếm), người mơ tưởng thầm lặng. Hắn mê nàng, vì hắn nằm trong số đông. Sếp cũng mê nàng. Dĩ nhiên. Vì ở khoản này sếp chẳng có gì khác người.
Sếp vắng mặt bất thường. Chủ đề nóng đẩy các nhóm hội tụ bạ và xì xầm mỗi ngày. Riêng nàng dường như không quan tâm.
Nếu như nàng cũng vắng mặt thì sẽ thế nào nhỉ. Một ý nghĩ nhen lên trong hắn. Sẽ là một drama cực hay. Người đẹp và quan chức. Mỹ nhân và tiền, quyền. Đề tài muôn thuở đến mòn sáo, cũ rích. Các báo lá cải sẽ có đôi kỳ câu khách, thêm không ít hành tỏi, dấm ớt và cả những chụp mũ, suy đoán. Quyền riêng của cánh phóng viên. Ý nghĩ đó khiến một chút ghen tuông nhen lên trong hắn.
“Rốt cuộc thì cậu phải thông tin chính thức điều gì chứ! Cụ thể nó là thế nào?”
Tiếng ai đó hướng về phía hắn. Từ “sếp” không hề xuất hiện. Họ khéo léo né tránh. Nhưng điều chủ thể muốn thì ai cũng rõ và không còn ở thể “đơn” như mọi ngày. Nhiều ánh mắt cùng hướng về nơi hắn chờ đợi. Câu hỏi ẩn chứa sự tra vấn như thể hắn phải có trách nhiệm giải đáp về sự không bình thường kia. Lạ. Đây không thèm tranh luận.
*
Trang báo mạng đưa tin về một vụ tai nạn. Chiếc xe con bốn chỗ bị lật nhào xuống sông. Đoạn đường lượn qua đê, phía ngoại ô thành phố.
Chiều muộn. Rời nhiệm sở. Chẳng hiểu sao hắn lại rẽ về một hướng khác. Hắn chán ngán con đường quen đến cũ mèm như chán cảnh đứng trước cánh cửa im ỉm phòng sếp. Hắn muốn đi một con đường mới về nhà, dù có xa và khó đi hơn nhiều. Chẳng biết tự khi nào, xe đưa hắn đến gần nơi xảy ra tai nạn…
Trên con lộ bám triền đê, đám đông đã bu đen. Hai chiếc xe cứu hộ có mặt. Một chiếc xe cứu thương đậu không xa, còi đèn im lìm. Nhóm thợ lặn đang mở ba lô, lôi ra các đồ nghề. Họ chậm rãi đeo bình ô xy, mặt nạ dưỡng khí. Trong làn nước cuồn cuộn, hình chiếc xe trắng nhờ hiện ra. Chỉ chút nữa thợ lặn sẽ bám dây tụt xuống để cột sợi cáp vào gầm xe. Hắn rướn lên, nhìn rõ những xoáy nước tròn vo đuổi nhau rồi lặn hút giữa những bọt sóng. Đám đông hiếu kỳ.
Chiếc xe cứu hộ bắt đầu nổ máy. Người lái thò đầu ra. Được chưa. Lên nhé. Hai thợ lặn đã bơi ra xa.
Nắp capo của chiếc xe bị nạn đã trồi lên. Dòng nước xiết làm thân xe chòng chành. Một ý nghĩ vụt đến. Nếu người trong xe là sếp, hắn sẽ phải làm gì nhỉ? Dĩ nhiên, hắn sẽ là người đầu tiên báo tin buồn đó tới cơ quan. Mọi người sẽ bảo hắn thuật lại. Hắn sẽ phải kể, đúng hơn là tả tỉ mỉ. Có thể có vài ba cặp mắt hoe đỏ. Nhưng sau đó họ sẽ tự vấn, tại sao hắn lại có mặt ở đó? Người ta sẽ hồ nghi hắn dính dáng gì đến cái chết của sếp. Ngẫu nhiên ư? Sao có thể. Rõ ràng là nhà hắn ở hướng khác. Rồi công an sẽ gọi hắn lên làm việc. Người ta sẽ lục lại quá trình quan hệ giữa hắn và sếp. Chẳng thể không có vết gợn. Chẳng phải năm kia, khi bình xét lao động xuất sắc, sếp từng bảo hắn lùi lại, nhường suất cho một chị già năm sau về hưu là gì. Có thể đó là sự khởi nguồn dẫn hắn đến âm mưu hãm hại sếp. Giết sếp. Rất có thể chứ.
Ý nghĩ đó làm hắn hoảng hốt. Nhảy lên yên xe, hắn cuống quýt rồ máy. Chạy. Chạy. Chạy. Càng nhanh càng tốt. Nhưng rồi dòng người xe ngược chiều đổ về xem vụ tai nạn khiến hắn không chạy nhanh được. Không hiếm ánh mắt chiếu vào hắn tò tò. Họ ngạc nhiên nhìn kẻ dám đi ngược đám đông. Thật nguy hiểm. Nhỡ ai đó nhận ra hắn... Tấp nhanh vào lề đường, hắn tắt máy, bật khóa xe lần tìm. Đây rồi, dưới đáy ổ cốp đựng bao thứ hổ lốn có chiếc khẩu trang hỏng. Một bên dây đứt rời. Hắn nghiến răng xé góc lớp sợi mỏng, luồn dây, thắt nút. Quàng nhanh chiếc khẩu trang lên mặt, hắn kéo sụp mũ bảo hiểm. Giờ thì tạm yên tâm rồi.
*
Lần này thì hắn tự nhủ không gõ cửa. Một hành động vô nghĩa, không cần thiết.
Hắn quyết định không đến chỗ trưởng phòng mà leo cầu thang ngược lên phòng S2 (thời gian này gần như ngày nào hắn cũng giáp mặt S2). Một ý nghĩ thú vị trỗi dậy.
“Tôi nghĩ sếp có thể là nạn nhân của một vụ bắt cóc.”
Một lần, ánh nhìn của gã nói với S2 như vậy.
“Đó là ý nghĩ của cậu. Suy đoán không hề có lợi trong trường hợp này.”
“Nếu chẳng may sếp bị nạn, mắc kẹt ở một chỗ nào đó, phương tiện liên lạc hỏng. Và sếp đang từng giờ mòn mỏi chờ cơ quan tới giúp đỡ, giải cứu thì ông tính sao?”
“Lẽ ra, cậu nên chuyển nghề, làm biên kịch của thể loại phim hành động kinh dị. Đừng đẩy sự việc đi quá xa...”
“Tóm lại, ông suy nghĩ gì về tình trạng biến mất bí ẩn của sếp?”
“Tôi đang thực thi đúng phận sự. Nên nhớ, sếp vẫn đang là người đứng đầu cơ quan này.”
Phải thừa nhận S2 là người lỳ lợm, khéo che giấu cảm xúc. Để xem, ông ta còn có thể che giấu được mãi.
“Này ông. Tôi nghĩ, ông nên vui lên là vừa.”
Lần này khi giáp mặt S2, hắn bỏ kiểu nhìn thăm dò, chuyển sang “tấn công” trực diện. “Sếp mất tích. Có thể đã chết. Hẳn ông đang chờ điều đó, chờ bỏ hai từ KT (ký thay) và chữ phó đáng ghét.”
“Ha ha. Ta biết thừa cậu đang nghĩ gì.” S2 hơi cúi mặt. “Nhưng đừng hòng mong thấy ở ta điều các ngươi chờ đợi.”
“Thực ra, điều đó là bình thường. Nếu tôi ở địa vị ông trong hoàn cảnh này, tôi cũng không giấu được sự hoan hỷ, sướng khoái...”
“Còn lâu. Hãy nhớ từ khi về đây, ta luôn đóng vai chính diện.” Ánh mắt của hắn vẫn ngoan cố. “Tôi không từ bỏ sự chờ đợi. Sớm muộn thì ông cũng sẽ nhảy sang phía phản diện.”
“Phản diện. Ta kiên quyết nói không trong trường hợp này. Chẳng phải vì vậy sếp và mọi người đều đánh giá cao ta. Bởi rốt cuộc cuối cùng thì bóng vẫn sẽ vào lưới...”
Niềm khoái thú khiến ánh nhìn của hắn dường như mạnh mẽ hơn, gần giống một sự truy vấn.
“Tôi nghĩ, ông có cơ hội rất lớn trở thành thủ trưởng của cơ quan này.”
“Xin lỗi cậu, tôi chưa mắc bệnh hoang tưởng...” Tiếng máy điều hòa rù rì. Một thoáng trầm tư, yên lặng. “Mà này...” S2 nhún vai. “Chẳng hạn, giả sử thôi nhé, điều cậu đang nghĩ xảy ra, cơ hội thoát đời nhân viên sẽ mở ra cho cậu đấy!”
Hắn thừa nhận, “đòn phản pháo” của S2 rất hợp lý, thâm hậu.
“Nghe có vẻ rất hấp dẫn. Nhưng khi đó, liệu trưởng phòng của tôi có lên được vị trí của ông? Cơ quan 6 phòng. Xác xuất 1/6. Phòng 7 chuyên viên. Cơ hội phó phòng của tôi là bao nhiêu? Dù sao tôi cũng cảm ơn ông đã có chút thiện chí. Nhưng xin lỗi, tôi cũng chưa hề mắc bệnh hoang tưởng.” Màn “đấu pháo” chấm dứt. Hắn rời phòng S2, cố giấu một điệu cười mỉa đắc ý.
*
Những cuộc điện thoại từ nhiều kênh vẫn hằng ngày đổ đến các phòng. Vẫn cứ điệp khúc quen thuộc. Sếp em rất bận bịu. Sếp em vừa nhắc tới chị hôm rồi. Sếp em vừa kể về kỷ niệm đánh golf với anh. Những lời nói dối đủ kiểu. Người ta bịa ra các chi tiết cảnh huống. Rồi thản nhiên đối đáp ve vuốt chủ thể của những cuộc gọi mà người ở đầu bên kia có khi họ chỉ nghe tên hay nhìn chức danh trên các văn bản hành chính. Thật tài tình.
Hắn nhận ra phong trào nói dối lan ra rất nhanh. Nó đã trở thành một thói quen hiển nhiên ở cơ quan này.
Nhưng từ lúc phong trào nói dối lan rộng, mọi người bắt đầu lảng tránh hắn. Thậm chí có kẻ còn hốt hoảng khi thấy hắn tiến lại. Cứ như thể hắn mang một mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Người ta sợ. Dường như người ta sợ hắn thông báo điều gì đó chính thức về sếp. Một điều ngoài ý muốn của họ. Mầm hoạ ngoài lường tính của họ. Hình như họ mong tình trạng này cứ kéo dài, thậm chí vĩnh viễn, nếu có thể.
Thái độ của đám đông ban đầu khiến hắn ngạc nhiên. Tại sao mọi người phải cùng nhau đóng chung màn kịch đó chứ. Họ ngụy biện, hèn nhát, cam chịu. Có phải lỗi tại họ? Đúng. Nhưng không hẳn. Lỗi tại sếp. Tại sếp thích chơi trò chơi quyền lực. Chính ông chứ không phải ai khác đã đeo cho mỗi nhân viên của mình một tấm mặt nạ giả dối.
*
Ngày thứ...
Hắn quyết định ngồi lỳ một chỗ, bất chấp sự giục giã như van xin của trưởng phòng. Chịu. Tôi chịu. Tốt nhất là sếp cứ tiếp tục mất tích.
Sếp mất tích. Đã có lần hắn tự hỏi có bao giờ sếp chủ đích biến mất. Làm sao sếp có thể cứ ngất ngưởng độc diễn mà không thấy tẻ ngắt được nhỉ? Tại sao ông ấy không có quyền thay đổi, lựa chọn?
Với những gì thú vị đã trải nghiệm của những “ngày không bình thường”, với hắn lúc này, ngay cả sếp có đang ngồi trong phòng như một con cóc cụ, chờ đợi sự ngạc nhiên, thảng thốt, những ve vuốt xuýt xoa của đám đông, hắn tự nhủ cũng đếch sợ. Bất luận với hắn, giờ đây khi sếp đang ở đâu, làm gì, ủ chiêu trò gì, hắn cũng thấy ông ta tội nghiệp và vô cùng đáng thương.
Trong lúc niềm sướng khoái cứ ngày càng nhen lên thì hắn nhận ra trong cơ quan, sau căn bệnh nói dối, bằng nhiều cách, mọi người bắt đầu thể hiện sự hoảng loạn.
Đầu tiên là trưởng phòng của hắn như một kẻ trầm cảm. Ông ta giam mình cả ngày trong căn buồng riêng. Ông tránh mặt tất cả. Một lần, chị tạp vụ trút ra từ thùng rác của ông ta những mẩu giấy bị xé nát vụn. Hắn tò mò nhặt lên, cố gắng chắp nối. Khó khăn lắm hắn mới đọc được dòng chữ: Đơn xin nghỉ việc.
Lẳng lặng mang tập báo cáo trình ký, hắn đến phòng sếp phó.
S2 đang trong nhà vệ sinh. Hắn đứng chờ bên ngoài. Chợt hắn nhìn thấy cuốn sổ da trên bàn. Cuốn sổ hôm nay không mở. Sự tò mò đẩy hắn tiến lại, khẽ lật dở trang giữa. Hình con bù nhìn canh dưa hôm nay có một sự thay đổi đáng kể. Những sợi tóc loằng ngoằng dựng đứng. Đầu nó bốc hoả rừng rực, mắt trợn ngược.
Hắn vừa kịp gấp lại quyển sổ thì cửa nhà vệ sinh bật tung. S2 bước ra. Cảm tưởng phía sau cánh cửa kính mờ đục, S2 biết rõ hắn đã làm gì bên ngoài. Mặt ông ta nhăn nhúm. Nhưng ông ta không hề có ý trách móc. “Kìa, cậu đừng đi... Tôi muốn cậu ở lại đây...” Ánh mắt S2 cầu khẩn. Nhưng khi hắn vừa ngồi xuống ghế, đột nhiên S2 chồm lên. Ông ta nghiến răng: “Đem mớ giấy lộn này biến khỏi đây ngay. Nhanh lên!” Lần đầu tiên S2 nổi cáu. Ông ta vồ lấy tập văn bản vò nhàu, xé vụn. Mặt S2 co rút, sinh khí thoáng chốc bay hết, tựa mặt một con bù nhìn vô tri. Một xác chết.
Từ tốn gom nhặt những mảnh giấy vụn nát, chẳng hiểu sao, hắn không hề hoảng sợ. Ngược lại, hắn thấy mình trút ra được một hơi thở khoan khoái, nhẹ nhõm.
Bước đi dọc hành lang hun hút dài, hắn nhận ra những sọt rác trước cửa mỗi phòng giờ đây có vô số các mảnh giấy bị xé nát vụn, chồng đống. Trong các ô kính quây vuông, một số người như hình nhân dật dờ, số khác dán mắt vào các trang hotnew. Họ tìm thông tin về các vụ tai nạn. Tin về một vụ giết người phi tang. Tin vớt được một thi thể trôi sông, không đầu... Những khuôn mặt mang bóng dáng thần chết.
Hắn quyết định ngày mai sẽ một mình đến toà soạn tờ nhật báo của thành phố. Trong đầu hắn hiện lên một ô vuông cuối trang tám. Khi qua cửa phòng nàng, hắn nhận ra…
Một trận gió thu ào qua. Nơi góc trong cùng, nàng vẫn ngồi đó, như mọi ngày. Gió khiến mái tóc mềm loà xoà tung bay.
Chiếc lá vàng trên bàn đã khô cong. Gió bỗng thổi mạnh, luồn qua ô cửa kính, nhấc chiếc lá quằn quại, nhảy nhót rồi phút chốc biến thành một cánh bướm nâu tung mình chao lượn và bay ra khỏi phòng. Trên hộp ghim của nàng, nắng lấp loá phóng to trái sấu chín nổi hằn các nếp nhăn chằng chịt như những đường kinh tuyến, vĩ tuyến của trái đất. Chỗ lõm như mặt trăng bị gấu “ăn” thâm lại tựa như miệng vết thương đã khô da, sẫm màu, đang sắp sửa liền sẹo.
VN19/2024