Sáng tác

Mẹ của anh. Truyện ngắn của Đức Hậu

Đức Hậu
Truyện
11:00 | 10/11/2024
Baovannghe.vn - Hạnh chào ông bố và theo ông vào nhà. Ngôi nhà to rộng, phòng khách bày la liệt những đồ gỗ quý hiếm. Ông bố Nga tóc hoa râm, người đẫy đà, có gương mặt phương phi, đôi mắt sắc lẻm.
aa
Mẹ của anh. Truyện ngắn của Đức Hậu

Mẹ của anh - Truyện ngắn của Đức Hậu

Nga ra mở cổng cho Hạnh. Cô trợn mắt làm bộ ngạc nhiên:

- Anh đi xe máy à? Xe anh đâu?

Hạnh thong thả dắt xe vào cái sân rộng thênh thang có nhiều chậu cây quý. Nga khoác tay Hạnh thật tự nhiên, lại nũng nịu hỏi: “Xe đâu mà anh đi xe máy?”. Hạnh đành trả lời: “Có hơn cây số việc gì phải đi ô tô. Mà ô tô của cơ quan chứ của mình đâu”. Nga tỏ vẻ không hài lòng. “Nhưng em muốn bố mẹ thấy anh đi ô tô biển xanh đến cơ”. “Để làm gì? Em muốn anh tỏ ra sang à?”. Nga ngúng nguẩy: “Nói chuyện với anh chán lắm”. Bố Nga xuất hiện ở hàng hiên cao vòi vọi của ngôi biệt thự, tươi cười vẫy tay:

- Đây là chú Hạnh phải không? Chào phó chủ tịch huyện, tuổi trẻ tài cao.

Nga dắt tay Hạnh đến giới thiệu: “Thưa bố, đây là…” Ông bố ngắt lời:

- Bố biết rồi. Các con vào nhà đi.

Ông giữ vẻ trang trọng, mỉm cười thiện cảm đưa chén trà thơm phức cho Hạnh:

- Mời chú. Nay chú về họp trên tỉnh à?

Hạnh nhận chén trà và cảm ơn. Bà mẹ Nga từ trên gác đi xuống, mỉm cười gật đầu chào Hạnh. Bà trang điểm khá cầu kỳ, mặc bộ váy áo sang trọng, nhưng vẫn không giấu được vẻ quê mùa. Hạnh cảm thấy cuộc tiếp đón anh hôm nay đã được gia đình Nga chuẩn bị trước rồi. Chào hỏi xong, bà mẹ kéo tay Nga bảo: “Vào đây giúp mẹ một tay làm bếp, để bố con tiếp khách”. Hai mẹ con làm bộ rón rén vào trong nhà. Ông bố Nga hỏi giọng thân mật như đã từng quen biết nhau lâu rồi:

- Chú Hạnh ở hẳn cơ quan hay hàng ngày đi về?

Hạnh nhỏ nhẹ:

- Cháu ở cơ quan, cuối tuần mới về. Cho tiện công việc bác ạ.

- Kể cũng vất vả nhỉ. Có định sớm về tỉnh không?

Hạnh cười:

- Do tổ chức phân công chứ mình định làm sao được ạ.

Ông bố Nga cũng cười:

- Thế mà mình cũng có thể chủ động được đấy chú ạ.

Hạnh hơi giật mình vì câu nói của ông. Nhưng định thần lại, Hạnh nhớ ra là đã nghe anh em nói loáng thoáng về ông, một người tay không bắt giặc, không học hành bằng cấp gì mà bỗng chốc trở nên giầu có, là tay chạy dự án số một của tỉnh, chơi bời với toàn sếp bự. Có người còn bóng gió nói Hạnh yêu Nga là vì ông bố. Không biết ông vô tình buột miệng nói ra hay có ý gì. Hạnh bỗng cảm thấy mất tự nhiên. Anh nói nhỏ nhẹ: “Cháu thì chịu bác ạ”. Ông bố cười thành tiếng: “Là nói vui thế thôi. Mọi chuyện đều phải từ từ theo năm tháng mà chú”. Rồi ông chuyển chủ đề:

- Theo ý chú thì con Nga nhà này nên cho vào nhà nước hay ở nhà làm với bố? Cho nó học để có cái bằng đại học thôi, chứ sao cho nên người thì là chuyện khác. Cho nó vào nhà nước tôi cũng đã thu xếp, nếu nó thích. Tôi cũng dành chỗ cho nó ở công ty của tôi rồi.

Hạnh thành thật:

- Chuyện đó thì tùy bác với em Nga chứ cháu biết thế nào mà tham gia ạ?

Ông bố vờ tỏ vẻ không hài lòng:

- Thì coi chú như người nhà tôi mới hỏi chứ. Nhưng thôi, để tôi từ từ tính. Nó cũng mới tốt nghiệp nên phải tính rồi.

Bà mẹ Nga từ nhà trong ra vui vẻ nói:

- Mời hai ông con vào ăn cơm cho nóng. Xong cả rồi.

Ông bố ra hiệu cho Hạnh cùng vào nhà trong. Phòng ăn rộng rãi và sáng choang, điều hòa mát rượi. Một mâm cỗ sang trọng toàn những tôm hùm với cua biển đặt ở nhà hàng. Ông bố mở tủ rượu bỏ ra mấy chai và hỏi Hạnh:

- Đây là rượu Tây, đây là nếp cái hoa vàng, đây là Vang Ý, chú Hạnh uống loại nào?

Hạnh cười ngượng ngùng:

- Xin lỗi, cháu không biết uống rượu bác ạ.

Ông bố ngạc nhiên:

- Ấy chết, làm lãnh đạo mà không biết uống rượu thì tiếp khách làm sao?

Hạnh thành thật:

- Họ cũng thông cảm bác ạ. Cháu chỉ cầm cốc nước khoáng để chúc. Rồi cũng quen bác ạ.

Ông bố Nga mở chai Whisky rót ra bốn cốc yêu cầu mọi người cùng nâng, và ông nói:

- Ai uống được thì uống, không thì để lại, tôi uống giúp, hôm nay tôi vui.

Ống uống cạn ly của mình, cạn ly của vợ, rồi quay sang Hạnh:

- Chú Hạnh ạ, tôi có cơ ngơi ngày nay là nhờ biết uống rượu đấy. Chú hỏi bà ấy nhà tôi đây xem. Thân tôi với bà ấy từ bùn đất, rơm rạ mà ra đấy.

Nga cầm chén rượu của mình đi vòng sang chỗ Hạnh ngồi, đưa chén của Hạnh cho anh, khoác tay anh và nói:

- Em với anh nhấm môi cho bố vui nào. Bố ơi, con lại thích anh Hạnh không biết uống rượu như này. Đàn ông không uống rượu là người đầy ý chí đấy bố ạ.

Ông bố:

- Thế mày bảo bố không có ý chí à?

- Ấy chết, con không có ý đó. Bố là đặc biệt, không ai so với bố được. À, hôm nay mẹ đặt nhiều món đặc sản, nhưng con vẫn mua cho bố món bố thích đấy.

Ông bố nói:

- Con bé được. Món lòng lợn phải không?

- Bố tinh thế. Con biết bố vẫn thích uống rượu với món đó mà. Con kể cả nhà nghe, hôm nay con mua lòng xong, còn thừa năm nghìn, con không lấy lại, bảo cho bà bán lòng. Nhưng bà ta cứ chạy theo trả lại, nhất định không nhận. Người mua hàng đang đợi, người đi đường nhìn vào, con bực quá quát bà ta “Tôi cho bà kia mà”. Bà ta cũng nhất định trả lại bằng được. Có bực không?

Bà mẹ giờ mới tiếng: “Sao lại khoảnh thế nhỉ?”. Nga nói tiếp: “Vâng, đã nghèo lại còn sĩ”. Ông bố cứ thản nhiên uống rượu. Hạnh hỏi Nga: “Bà ấy bán ở đâu?”. Nga đáp: “Cái bà ngồi ở vỉa hè trường Minh Thành ấy”. Hạnh hỏi bằng giọng cố nén: “Sao em bảo bà ấy trả lại tiền là sĩ?”. Nga gay gắt: “Đã nghèo, người ta cho tiền còn trả lại, không phải sĩ thì là gì? Làm em ngượng với bao nhiêu người. Bực không chịu được”. Hạnh nói: “Của cho không bằng cách cho. Giữa bao nhiêu người em tuyên bố cho bà ấy mấy nghìn tiền thừa thì bà ấy không nhận là phải. Lại còn bảo người ta sĩ. Có phải em giầu có thì em có quyền coi thường người nghèo đâu!”. Cả nhà bỗng lặng đi một lúc. Ông bố cầm chén rượu đưa cho Hạnh, đoạn ông nâng chén của mình lên, đổi cách xưng hô: “Uống với bác một chén thôi, cháu. Chuyện đàn bà con gái chấp làm gì”. Nga chảy nước mắt, vùng vằng với Hạnh: “Anh làm như em có lỗi vì là con nhà giầu ấy”. Hạnh nhìn Nga thật lâu, rồi lại nhìn bố mẹ Nga. Không ai nói gì. Hạnh nói chậm rãi, rành rọt: “Xin lỗi em nếu anh lỡ lời khiến em không vui. Vì anh vốn con nhà nghèo mà”. Nói rồi Hạnh uống một hơi hết chén rượu, đập chén đánh chát xuỗng mặt bàn. Mọi người giật nẩy mình, không hiểu chuyện gì đã xẩy ra. Ông bố ngồi lặng đi. Là người từng trải, lọc lõi, ông biết thế là bữa tiệc hỏng rồi. Đã có va chạm giữa hai nhân vật chính của bữa tiệc, và mất hết không khí rồi. Bà mẹ ngồi lặng lẽ ôm vai con gái đang khóc rấm rứt. Ông bố đứng lên cầm tay Hạnh, nói nhỏ nhẹ: “Bác cháu ta ra ngoài uống nước. Chưa ai kịp ăn gì. Hạnh ngồi bàn nước với ông bố, Nga và bà mẹ vẫn ở trong phòng ăn. Khoảng mười lăm phút, Hạnh xin phép về. Ông bố tiễn Hạnh ra tận cổng. Nga và bà mẹ không ra tiễn và Hạnh cũng không vào chào hai người.

*

Hạnh về nhà thấy mẹ đang ngồi ăn cơm một mình. Anh sà xuống mâm vui vẻ:

- Mẹ cho con ăn với.

Mẹ hỏi:

- Hôm nay con đi ăn cơm khách kia mà.

Hạnh cười: “Con đi gặp người quen rồi về ăn cơm với mẹ. Nay mẹ về sớm thế?”. Mẹ bảo: “Hôm nay hết hàng sớm nên mẹ về sớm. Quý hóa quá nay con trai lại có thì giờ ăn cơm với mẹ”. Mẹ lấy bát đũa, xới cơm cho Hạnh. Cơm của mẹ có canh cua, cà muối và cá bống kho, lâu lắm Hạnh mới được ăn những món ngon của mẹ. Lần đầu uống chén rượu Hạnh thấy cồn cào choáng váng, cộng với tâm trạng nặng nề khi ở nhà Nga khiến anh rất mệt mỏi. Vậy mà húp bát canh cua của mẹ thấy nhẹ cả ngươi. Mẹ âu yếm chan canh và gắp cá cho anh như thời còn đi học. Mẹ nói: “Lúc sáng em nó điện cho mẹ, bảo nó sắp đi thực tập, mấy tháng nữa mới về thăm mẹ thăm anh được”. Hạnh nói: “Cuối năm nay em Bống tốt nghiệp đại học rồi. Thế là mẹ đã hoàn thành việc nuôi dậy anh em con rồi. Từ nay mẹ nghỉ bán hàng cho khỏe mẹ ạ. Giờ con đi làm có lương rồi, con sẽ chăm lo cho em, mẹ đừng lo”. Mẹ bảo: “Mẹ cũng mấy lần định nghỉ, nhưng mấy bác quen mua hàng của mẹ cứ yêu cầu mẹ bán tiếp, có hôm nghỉ các bác ấy đến tận nhà yêu cầu đấy”. Hạnh nhìn mẹ mà lòng rưng rưng. Mẹ đã dắt anh em Hạnh qua những năm tháng nghèo khổ cùng cực để đến được ngày hôm nay. Hạnh không thể quên buổi chiều định mệnh ấy. Hạnh đi học về, thấy ngõ và sân nhà mình đông chật người, đông mà vẫn im lặng, ai nói gì với nhau cũng thì thầm. Bác Tấn anh trai của bố thấy Hạnh về, lặng lẽ cầm tay cháu dắt rẽ đám đông vào nhà. Trong gian giữa ngôi nhà ngói ba gian chật hẹp kê cái giường một, trên đó có một người nằm, mẹ trùm khăn ngồi cạnh, em Bống bé nhỏ nép cạnh mẹ. Bác Tấn mở tấm vải trắng che mặt người nằm ra. Bố! Mặt bố bình thản như đang ngủ. Bố chết do tai nạn lao động. Năm ấy cả bố mẹ mới ngoài ba mươi tuổi, Hạnh mới học lớp bốn. Lo tang cho bố xong, mẹ ốm hàng tháng. Không khóc gào, không than thở, chỉ lặng lẽ đi ra đi vào. Hạnh nhớ, dù làm công nhân vất vả và nghèo, nhưng mẹ là một phụ nữ khá đẹp. Cũng từ đấy, mẹ vừa là mẹ, vừa là cha tần tảo vật vã nuôi hai anh em Hạnh ăn học. Ngày ấy cả xã hội nghèo đói, mẹ con Hạnh lại càng nghèo hơn. Bố mất ít lâu thì xí nghiệp đóng cửa, mẹ thành thất nghiệp. Làng quê bố mẹ cách thị xã năm cây số, hàng ngày mẹ dậy sớm nấu ăn và để phần ăn trưa cho anh em Hạnh rồi mẹ đi bộ về quê. Mẹ làm thuê chỗ này chỗ nọ, ăn nhờ nhà ông bà. Làng ngày đó cũng rất nghèo nên chả ai giúp được ai. Chiều muộn mẹ mang theo dúm gạo và mấy củ khoai vội vàng đi bộ về thị xã lo bữa tối cho hai con. Hai anh em Hạnh đi học về đứng chờ mẹ ở đầu ngõ. Ba mẹ con ôm nhau trong ánh chiều nhập nhoạng. Mẹ nổi lửa nấu cơm, rồi dắt em Bống ra giếng tắm giặt, còn Hạnh thì tự lo được. Cuộc sống của mẹ con Hạnh cứ diễn ra như vậy một thời gian dài. Khi học sang cấp hai, Hạnh đã lớn, nên thỉnh thoảng Hạnh tự về quê một mình.

Một buổi chiều Hạnh đi bộ về quê tìm mẹ. Đang ngày mùa, người đi gặt, người gánh lúa rất đông. Hạnh đi trên đường cánh đồng mà lòng náo nức một cảm giác vui thích. Đang đi, Hạnh bỗng thấy một người đội cái nón mê lom khom làm gì đó bên vệ đường. Hạnh dừng lại, người đó ngửng lên. Mẹ! Sao mẹ lại ở đây? Mẹ đang làm gì thế? Mẹ cười, bỏ cái nón mê ra quạt: “Con xem đây, mẹ đã nhặt được gần chục cân thóc rồi này”. Mẹ chỉ cho Hạnh xem một thúng đầy các nắm đất to bằng nắm tay. Mẹ đã lấy nắm đất dẻo đập xuống bờ ruộng, bờ đường có thóc rơi thóc rụng, thóc dính vào nắm đất của mẹ. Về nhà bà ngoại, mẹ mang ra ao đãi sạch đất còn toàn thóc mẩy. Mẹ bảo, mùa này mẹ vừa mót lúa, nhặt thóc rơi kiểu này được năm thùng thóc rồi đấy. Mẹ khoe với Hạnh và cười vui vẻ. Nhìn mẹ nón mê áo vá mà vẫn xinh đẹp, Hạnh bỗng thấy thương mẹ đến thắt lòng, Mẹ lại khoe: “Tối nay mẹ con mình có cơm cá ăn rồi con trai nhé”. Mẹ lấy cái giỏ để trong thúng cho con trai xem. Trong đó có mấy con cá rô, cá giếc, mấy con trê hoẻn. Mẹ bảo lúc mót lúa ở khu ruộng trũng thấy có cá mẹ đã be bờ tát cạn bắt được mớ cá này. Hai mẹ con về nhà bà ngoại. Thúng đất nhặt thóc nặng nên Hạnh đội cho mẹ. Hạnh đợi mẹ ra ao đãi hết thúng đất rồi hai mẹ con xin phép ông bà về thị xã. Mẹ nói đúng, chỗ đất đó mẹ đãi được khoảng mười cân thóc. Mai bà sẽ phơi khô và cất giữ cho mấy mẹ con.

Bữa cơm tối hôm đó mẹ không độn khoai, mẹ bảo ngày mùa cho các con ăn cơm trắng. Mẹ lấy vỏ hành khô trên gác bếp kho cá, cho cá vừa thơm vừa có màu và ngon hơn. Tuy công phu của mẹ như vậy nhưng chỉ được một đĩa cá nhỏ. Lúc ăn cơm, mẹ cứ lấy đũa gắp cá cho em Bống, lại gắp cho Hạnh. Mẹ gắp vỏ hành ăn và bảo: “Mẹ thích ăn vỏ hành, vỏ hành ngon hơn cá”. Lại gắp cá cho các con. Em Bống ngây thơ hỏi: “Vỏ hành ngon hơn thật hở mẹ?”. Hạnh nhìn mẹ một lát rồi nói: “Không phải đâu, mẹ nhường anh em mình đấy”. Em Bống bỏ bát, ôm lấy mẹ khóc nức nở. Mẹ cũng ôm em khóc lặng lẽ. Một lúc sau mẹ nói nói một mình: “Các con của mẹ đã lớn thật rồi”.

Cuộc kiếm sống của mẹ có một bước ngoặt quan trọng. Một hôm bác Tấn sang chơi nói với ba mẹ con: “Tôi mới xin được giấy phép mở hàng thịt lợn, nghĩa là được phép giết lợn. Từ mai thím sang lấy lòng lợn về bán, khỏi phải đi làm thuê vất vả. Lúc đầu chưa quen, sau rồi sẽ quen. Tôi chỉ để vốn cho thím thôi. Cố gắng lên nhé”. Thế là một cuộc mưu sinh mới bắt đầu. Đêm nào mẹ cũng dậy từ ba giờ sáng sang nhà bác Tấn lấy lòng lợn về làm, rồi tìm địa điểm bán. Năm lần bẩy lượt bị đuổi, bác Tấn can thiệp mãi mới có được chỗ ngồi bán ở vỉa hè. Hồi đầu chưa quen, chưa có kỹ thuật chế biến nên chưa thu hút được khách. Nhiều hôm ế đến nửa, mẹ mang về chia ra các túi nhỏ, giao cho anh em Hạnh mang biếu hàng xóm. Mẹ đi hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, rồi khách của mẹ đông dần. Bao nhiêu năm qua chỗ vỉa hè nơi mẹ ngồi thành địa chỉ của món lòng lợn nổi tiếng. Trước chỉ có mình mẹ, sau này thêm hai người nữa ngồi bán, nhưng khách chỉ mua hàng của mẹ, hết mới mua hàng bên cạnh. Bác Tấn nghỉ giết lợn, mẹ lấy hàng chỗ khác. Rồi người ta làm sẵn mang đến cho mẹ bán, nên mẹ đỡ vất vả hơn nhiều. Bao năm tháng qua, mẹ đã bán lòng lợn nuôi anh em Hạnh học hết đại học và trưởng thành. Một phóng viên tờ báo tỉnh có bố hay ăn lòng lợn của mẹ đã viết bài khen mẹ chỉ có một nồi lòng lợn ngồi vỉa hè mà nuôi hai con học đại học. Hạnh đã hỏi mẹ nghĩ sao về bài báo đó, mẹ cười bảo đó là sự thật chứ sao. Mẹ tự hào vì mình sống lương thiện, mẹ ngẩng cao đầu vì các con học hành thành đạt và ngoan hiền. Hôm nay sau bữa cơm, mẹ hỏi Hạnh: “Sao con lại muốn mẹ nghỉ bán hàng? Bây giờ con đã là lãnh đạo, liệu mẹ tiếp tục bán lòng lợn có ảnh hưởng gì đến thanh danh của con không?”. Hạnh trả lời ngay: “Mẹ là người mẹ vĩ đại trong mắt anh em con, thế là đủ. Mẹ làm gì không ảnh hưởng gì đế con hết. Con muốn mẹ nghỉ vì mẹ tuổi cao rồi, phơi sương phơi nắng không tốt cho mẹ, mà người đời lại chê cười chúng con để mẹ vất vả. Việc của mẹ nuôi chúng con khôn lớn và ăn học xong rồi mẹ ạ”. Mẹ nói: “Điều mẹ mong nhất bây giờ là con sớm lấy vợ, sinh cho mẹ đứa cháu để mẹ bế. Con đã ngoài ba mươi rồi, đã có người yêu chưa đưa về đây cho mẹ gặp”. Hạnh cười: “Con sẽ tìm cho mẹ một nàng dâu thật vừa ý, mẹ nhé”. Hai mẹ con cùng cười. Hạnh hỏi: “Hôm nay mẹ bán hàng có chuyện gì phải không?”. “Sao con hỏi vây?”. “À, là vì con thấy mẹ khang khác”. Mẹ à lên một tiếng: “Con tinh thật, đúng là có tí chuyện hơi bực. Là vì có một cô gái rất xinh đẹp, ăn diện vẻ giầu có lắm, mua hàng xong, trả lại tiền thừa cô ta không lấy, bảo cho mẹ. Mẹ dứt khoát trả, đùn đẩy mãi rồi cô ta quát mẹ sao bà sĩ thế? Mẹ nhét bằng được mấy nghìn bạc vào tay cô ta. Mẹ giận lắm, nhưng lại nghĩ nó chắc con nhà giầu quen được chiều chuộng nên mới hư thế”. Hạnh đăm chiêu khá lâu rồi hỏi mẹ: “Nếu con tìm được nàng dâu xinh đẹp như thế mẹ có ưng không?”. Mẹ nhìn Hạnh hỏi lại: “Con nói thật đấy à”. Hạnh nhận ra ánh mắt thất thần của mẹ lóe lên rồi tắt ngay. Anh đã hiểu tất cả.

Đêm hôm ấy, Nga gửi email cho Hạnh rất dài, rồi lại nhắn tin điện thoại liên tục về chuyện va chạm giữa hai người. Nga trách Hạnh: “Anh đã coi thường bố mẹ em, làm bố mẹ em rất buồn”. Hạnh trả lời: “Anh xin lỗi em và cho anh gửi lời xin lỗi hai bác”. Nga lại nhắn: “Em cần gặp anh ngay ngày mai”. Hạnh không trả lời. Sáng hôm sau Hạnh về họp ở Ủy ban tỉnh. Hết giờ họp đi xuống cầu thang đã thấy Nga đang đứng chờ. Nga nói: “Em biết anh ăn cơm hội nghị, nhưng hãy đi ăn trưa với em. Em muốn nói chuyện với anh”. “Nhưng chiều anh còn họp tiếp”. “Không sao, ăn xong anh về họp. Em rất cần nói chuyện với anh”. Hạnh đành đi theo Nga. Ngồi trong nhà hàng sang trọng do Nga đặt, Hạnh không biết nói gì, chỉ nghe Nga nói. Nga nói Hạnh không hiểu Nga, quá khe khắt bắt bẻ Nga. Nga nói Nga yêu Hạnh rất nhiều. Vì quá yêu Hạnh, Nga đã đòi bố mẹ tiếp Hạnh thật sang trọng tại nhà. Thế mà Hạnh đã bỏ về làm bố mẹ Nga rất giận và buồn. Rồi Nga lại khóc thút thít. Hạnh đưa giấy cho Nga lau mắt và xin lỗi về tất cả. Nga chợt đề nghị: “Anh đã đến nhà em, biết bố mẹ em rồi. Em biết anh không còn bố, nhưng hãy cho em thăm mẹ anh, được không?”. Hạnh suy nghĩ hồi lâu rồi quyết định nói thẳng:

- Cái bà bán lòng lợn em cho tiền không lấy, mà em bảo là sĩ ấy, là một bà góa một mình nuôi hai đứa học đại học bằng nồi lòng lợn ngồi vỉa hè đấy. Một trong hai đứa con của bà ấy đang ngồi trước em đây.

Nga giật nảy người, rồi từ từ đưa hai bàn tay bưng mặt. Chờ rất lâu không thấy Nga nói gì, cũng không bỏ tay che mặt ra, Hạnh đành nói:

- Như vậy em đã gặp mẹ anh rồi, không cần găp lại nữa nhé. Cảm ơn em, anh phải trở lại chỗ họp.

Nga thẫn thờ trở về nhà. Bố Nga đang ngồi uống trà ở phòng khách, thấy con gái như người mất hồn đi từ ngoài vào, định đi thẳng lên gác, liền gọi giật lại: “Nga, ngồi đây bố bảo”. Nga miễn cưỡng quay lại, ngồi xuống bên bố.

- Con đã gặp lại cậu Hạnh chưa? -Ông bố hỏi.

Nga khẽ gật đầu. Ông bố lại hỏi: “Tình hình thế nào?”

- Không ngờ bà bán lòng ấy lại là mẹ anh ấy bố ạ - Nga nói lí nhí.

Ông bố ôm vai con gái. Ông nói đầy hiểu biết:

- Bố biết rồi. Bố đã điều tra. Bà ấy đã được đăng báo đấy. Người mẹ ấy đã tần tảo tay trắng một mình nuôi hai con nên người. Bây giờ đầy những kẻ cơ hội, hãnh tiến chỉ biết có danh lợi, bất chấp tình người. Bố lăn lộn trên trường đời bố biết, những người có nhân phẩm thường thiệt thòi nhưng vững vàng và bền lâu nhất. Thanh niên thời nay được như cậu Hạnh là hiếm lắm. Cố gắng mà giữ lấy tình cảm của nó con ạ. Người ta nói phụ nữ sợ nhất là chọn nhầm chồng, đàn ông sợ nhất là chọn nhầm nghề. Bố mong con với Hạnh có tương lai. Bố sẽ đầu tư cho nó.

Nga nói: “Khó lắm bố ạ. Con đã là tổn thương anh ấy”. Ông bố nhìn con gái, cười buồn không nói gì.

Mấy hôm sau Hạnh nhận được cuộc gọi của số điện thoại lạ. Người gọi nói giọng thân mật: “Bác là Nghinh, bố em Nga đây. Hôm nay cháu có về thành phố không? Bác muốn mời cháu ăn trưa với mấy người bạn của bác, toàn người quen cả mà”. Hạnh chưa hiểu gì về lời mời nên nói lưỡng lự: “Cháu cũng chưa quyết được, vì có tí việc chưa xong bác ạ”. Khoảng nửa tiếng sau, anh Toàn phó chủ tịch tỉnh điện cho Hạnh: “Này chú ơi, trưa nay bố vợ tương lai của chú mời anh với mấy ông bạn uống rượu bàn chuyện của chú đấy. Chú phải lên nhé, anh đợi đấy”. Bây giờ thì Hạnh hiểu ra rồi. Có muốn về tỉnh không? Có muốn lên chức không? Hạnh chợt nhớ đến mẹ. Anh không được làm gì để mẹ phải tủi hổ về anh. Anh điện cho anh Toàn xin lỗi vì bận việc ở huyện không về được, hẹn anh khi khác.

Nga nhắn cho Hạnh mấy tin liền. Tin cuối cùng ngắn gọn: Em nhớ anh!

Hạnh suy nghĩ một lát rồi nhấn Delete...

VN số 2.3.4/2023

Văn nghệ, số 2+3+/2023
Vũ Tông Phan - Danh nhân văn hóa, nhà giáo tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội

Vũ Tông Phan - Danh nhân văn hóa, nhà giáo tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội

Baovannghe.vn - Tiến sĩ Vũ Tông Phan không chỉ là một danh nhân văn hóa, mà còn là nhà giáo tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Ông đã mở trường Hồ Đình ở thôn Tự Tháp năm 1833, cho tu sửa đền Ngọc Sơn (khởi công năm 1841), sáng tác nhiều tác phẩm văn thơ có giá trị cao, góp phần phục hưng văn hóa dân tộc.
Người Dơi - Truyện ngắn của Quyên Gavoye

Người Dơi - Truyện ngắn của Quyên Gavoye

Baovannghe.vn - Người Dơi! Chỉ riêng từ đó đã khiến đám người yếu bóng vía rùng mình. Hình như ai cũng sợ chỉ cần gọi tên cô ta là cô ta sẽ xuất hiện. Nhưng tối nay thì khác, tận mắt Hoàng Văn Giang đã nhìn thấy cô ta. Nghĩa là cô ta đã quay trở lại và đang ở đây, dân làng đang bị đe dọa. Họ cần biết tại sao cô ta trở lại sau nhiều năm không xuất hiện.
Lời nhắn của Quyếch

Lời nhắn của Quyếch

Baovannghe.vn - “Ta nói gì khi nói về nghệ thuật?” - nhân vật “Chú”, dẫn chuyện, tương tác với nghệ sĩ trên sân khấu lặp lại câu hỏi trong suốt Quyếch Concert.
Lời nguyền từ đống mảnh vỡ - Truyện ngắn dự thi của Trần Vinh

Lời nguyền từ đống mảnh vỡ - Truyện ngắn dự thi của Trần Vinh

Baovannghe.vn - Mọi người bất giác rùng mình bởi lời nguyền từ đống mảnh vỡ. Chao ôi! Một kiếp người trọng danh dự đến mức lạc loài. Lão sống chỉ để chờ giải oan. Lão chết vẫn tiếp tục nằm chờ nỗi oan được giải. Sống hay chết lão vẫn lo con mình phải mang tiếng xấu.
Giải thoát nghệ thuật khỏi diễn giải nghệ thuật

Giải thoát nghệ thuật khỏi diễn giải nghệ thuật

Baovannghe.vn - Susan Sontag phát biểu: “Đừng diễn giải nghệ thuật, đừng cố nắm bắt ý nghĩa của nó mà hãy trải nghiệm nó”... hãy cảm nhận tác động nó mang lại