Sáng tác

Những ngày cuối năm - Truyện ngắn của nhà văn Trần Đăng

Nhà văn Trần Đăng
Danh tác văn học
14:00 | 06/07/2024
Ông giáo Liên bắt đầu kẻ đến những chữ lớn trên tờ bích báo. Ngọn bút lông tô đến đâu, năm mới mùa xuân hiện ra đến đấy, đỏ thắm trên nền giấy vàng.
aa

Bà Cả lẹt xẹt đôi guốc, bưng mâm cơm cúng lên.

Trong gian nhà thờ, mấy cái giường kê liền nhau, màn vẫn còn rủ. Lũ trẻ co quắp ngủ say. Cụ Tư ho húng hắng, mắt vẫn nhắm, những đường rằn mệt nhọc trên trán. Chị giáo Liên, từ gà gáy đã tỉnh giấc, kéo lại tã cho con, nhưng còn tiếc rẻ cái hơi ấm trong chăn nằm rốn lại đến bây giờ, mơ mơ màng màng trong tiếng khấn khứa của bà mẹ chồng.

Nhưng bà Cả bỗng cất to giọng lên:

- Các gia tiên tiền chủ... cao tằng tổ phụ... phù hộ độ trì cho gia nhân chúng con... đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối... qua thì đói, khỏi thì loạn... gia sinh, gia phúc cho chúng con...

Những lời thành khẩn, những cái nấc xuýt xoa lọt qua tai chị giáo Liên, thiết tha, đau đớn như trong một giấc chiêm bao. Một điều gì lo sợ vô cùng bỗng bật nhớ hẳn ra trong giấc ngủ chập chờn của chị. Chị mở bừng mắt dậy, hoảng hốt.

- Dậy, dậy mau, tàu bay đến bây giờ! - Bà Cả đã khấn xong, bà gọi lũ trẻ.

Chị Liên gửi con cho bà, vấn lại mớ tóc khẽ hỏi:

- Nhà con ở dưới ấy đã dậy chưa hở mẹ?

Ông giáo Liên đã dậy rồi. Và đã lại đi rồi, từ lúc bà Cả còn đang thổi cơm cúng.

Luôn mấy sáng nay cứ thế. Từ cái hôm tàu bay khủng bố, cứ mờ mờ đất, cái Hải quẩy mạ ra đồng, thì ông giáo cũng trở dậy, xuống bếp. Ông không nhìn ai, không nói không rằng, lấy một nắm gạo, đem rang lên, rồi trộn với thính đổ ra cối giã. Và khi ông lầm lầm lì lì vác cái cần câu đi ra cổng thì chị giáo thất vọng nhìn theo. Cái đầu ông giáo không thèm quay lại. Nhưng sáng hôm nay là hăm ba tháng Chạp ta rồi, là ông Táo lên giời, là Tết nhất đến nơi rồi! Ông giáo cũng phải ở nhà mà lên đèn hương một tý chứ? Rồi lại còn trăm công nghìn việc nữa. Bà Cả nhất định là cái việc bốc mộ, ông con trai không làm, bà cũng cứ làm. Ông cụ Tư, bố đẻ ra chị Liên dọa chiều hôm nay bỏ đi, không thèm nhờ con, nhờ rể, nhờ thông gia nữa. Bé Hùng mấy hôm nay cứ đến trưa là sốt. Năm trăm bạc, ông Cả Ích đem đi mua bông hộ cũng không thấy mang hàng, mang tiền về trả cả.

Ông giáo cứ là mặc kệ tất! Chị giáo tức lộn ruột lên. Ðàn ông gì mà hèn nhát! Ðã muốn thì sống lấy một mình. Mẹ con chị nhất định hôm nay không xuống hầm cho mà xem. Mà đã biết đứa nào sống, đứa nào chết? Ở giữa đồng mà nó tha bắn à?

Ở giữa đồng, nó cũng không tha bắn thật. Hôm qua, mấy cái thửa ruộng màu ở xóm ngoài đã bị đạn cày lên chỉ vì cái thằng bù nhìn rơm, chụp một cái nồi đất, đứng y như người thật.

Nhưng ông giáo Liên vẫn thấy cái gò đất và cái bụi tre ở ngoài chỗ giếng đền ấy là chắc chắn hơn ở nhà. Mà ở nhà, cái lũ đàn bà, trẻ con ấy không biết sợ cái gì cả; tàu bay đến nơi, vẫn nhơn nhơn ra ngoài giữa sân, hò hét thế nào cũng không được. Vả lại, những lúc này thì phải phân tán đi chứ có phải câu chuyện cứ ôm lấy nhau mà chết cả lũ đâu. Hơn nữa, tối nào ông cũng được con rô con diếc đem về thì kể cũng đỡ.

Ông giáo Liên từ sáng sớm đã thu hình trong chiếc áo dạ cũ, ngồi bên bờ giếng, mặc vợ mặc con ở nhà muốn chạy bom, chạy đạn ra sao thì chạy; như thế là lại yên tâm, không thấy mình ích kỷ, hèn nhát gì cả nữa.

Nhưng cái phao đã hai lần đụng đậy rồi. Mùi thính dử đàn cá giếng đều lên cả mặt nước. Ông giáo Liên - ông giáo méo mồm hiền lành có tiếng của lũ trẻ con trường sông Hà Nội cũ - còn đang thừ mặt ra, nghĩ ngợi gì, mà không trông thấy những tăm cá nổi.

*

Cũng lại như hôm qua vừa mắt nhắm, mắt mở, ăn xong bữa cơm sáng, ánh nắng đã lại thấy vàng hoe trên ngọn cau. Năng lại lên càng rét cóng tợn. Trời sáng hẳn ra một cách đáng sợ.

Hôm nay chưa biết nó lại giã đâu đây?

Hôm qua, hôm kia, hôm kìa, liền liền mấy ngày là chợ Ðặng, chợ Sêu, là chợ Kẹo, chợ Ðại, là chợ Giần, chợ Quế, là phủ Ðình, bến Gốm rồi. Cứ bảo nó không bắn chợ mãi! Những xác chết trên miệng hầm miệng hố, ngồi xổm ngay bên gánh gạo, đè lên những đống lá bánh, những mẹt bún, mẹt ốc, những gánh nồi đất vỡ nát, thật là chính mắt nom thấy. Không còn phải những cái tin ở đâu đâu đăng trên báo nữa... Cứ bảo nó không ném bom mãi! Chiều hôm qua ở Ðọ, một chiếc tàu bay bay thẳng đến, chẳng nói chẳng rằng, chẳng lượn vòng nào cả, ném luôn hai quả bom. Rồi cứ thế đi thẳng không cần quay lại xem, không cần biết có trúng, có cháy gì không. Suốt mấy ngày, từ sáng đến tối, bất cứ đứng ở đâu, một vùng mấy phủ huyện từ dọc sông Ðáy đến con đường số một, ta đến đê Ðại Hà đều trông thấy những đám cháy, trên những lũy tre. Một vùng đồng bằng lặng đi vì một cuộc khủng bố bằng máy bay chưa từng thấy.

Quân địch muốn trả thù những trận thua ở Việt Bắc? Chúng định mở một cuộc tấn công lớn chiếm lấy mấy cái phủ huyện Hà Ðông này? Chúng muốn xua những dân Thủ đô tản cư đông đúc nhất ở vùng này về để có dân mà lập Chính phủ bù nhìn cho kịp trước Tết?

Dân Thủ đô mấy hôm nay có vẻ nghĩ ngợi, đi lại bận rộn, thì thầm với nhau nhiều lắm. Phong trào hồi cư bắt đầu. Trong làng, ông giáo Liên, cụ Quảng Lợi xung phong “ra đi” trước. Bà Tiến Thịnh hôm nay đi đây. Mợ Tá, cô Lan cũng sắp.

Người làng thản nhiên kháo nhau những cái tin ấy. Câu chuyện không có gì lạ, không dính dáng đến họ, không làm thiệt hại gì cho họ cả. Họ không nghĩ đến việc ra chặn đường giữ lấy những cái va li, quang gánh ấy mà kêu rầm làng nước lên như bắt được Việt gian. Họ cũng không tỏ ra luyến tiếc; những người đi chuyến này lại rất sợ những cái đưa tiễn dằng dai; họ cần phải đi một cách rất gọn. Nhưng, chỉ có từ hôm ấy, bà cụ đồ Bảy, bác đĩ Khản bỗng thấy cái nhà ngang vắng vẻ, trống trải hẳn đi, và cụ Bá bà nhớ cái tiếng khóc oe oe của đứa con mợ Tú vừa ở cữ.

Chỉ có ông giáo Liên là sốt ruột tợn. Chị giáo không chợ búa, làm ăn gì được nữa. Cái máy quay bông chung vốn với ông Cả Ích phải nghỉ vì không mua được bông ở đâu nữa. Ðúng hôm tàu bay bắt đầu đi khủng bố, bà thím Năm nhắn về đã đòi được cái cửa hàng “ở ngoài ấy”. Ông giáo Liên như người quẫn trí. Hay là? Những ý nghĩ lạ lùng như con dao găm khía vào những cái gì thiêng liêng nhất trong lòng ông giáo. Hay là mẹ con chúng nó “ra ngoài ấy” với thím Năm? Chị giáo khóc sưng mắt, không thể nghĩ được có lúc ông giáo lại nhẫn tâm đến thế.

Nhưng may lại có cái chuyện bên nhà mợ Tú. Ông cụ đẻ ra mợ Tú nhất định không chịu đi. Cụ khăng khăng một mực rằng cụ đang làm Hội trưởng Hội Liên Việt ở đây. Cụ không xử sự như thế được. Mợ Tú đi đâu cũng than thở:

- Sáu, bảy mươi tuổi đầu rồi, làm gì được nữa mà còn dối già!

Nhưng ai cũng tưởng rằng mợ không thể bỏ mặc ông cụ lại được.

Thế mà chiều hôm ấy, ông giáo Liên sang thì mợ đã đi rồi. Gian nhà gỗ tối om, không một bóng người, một tiếng động.

- Kìa ông giáo sang chơi!

Một tiếng nói yếu ớt, tiếp theo một tiếng ho khan ở trong nhà, làm cho ông giáo bấy giờ mới trông thấy cụ Hội trưởng Chi hội Liên Việt xã. Cụ ngồi mò một mình, trơ trọi trong gian nhà vo ve tiếng muỗi. Trên mái nhà, dưới trời xám và thấp, cánh rộng đen thẫm của một con diều hâu sà xuống; chim rúc lên những tiếng kêu gở?

Ông giáo thấy tất cả cái táng tận lương tâm của mợ Tú, cái thói ích kỷ, tàn nhẫn của người đàn bà hư hỏng ấy.

Từ hôm ấy, chị giáo được yên tâm.

Nhưng cũng từ hôm ấy, ông giáo thấy rõ cái hết đường xoay xở của vợ chồng ông. Vốn liếng còn ngần ấy - kể cả cái nhẫn cưới của chị giáo - mỗi ngày hai vợ chồng, một con, một ông bố vợ, thằng Thức, con Hoa, hai đứa em vợ, tất cả ăn tiêu bóp chắt như vậy cũng mất ngần ấy tiền. Vậy một tháng nữa, cùng lắm một tháng rưỡi! Không còn dám liều lĩnh xuất vốn ra làm ăn gì cả. Một đồng mất đi lúc này đau như da thịt bị cắt xẻ.

Vậy đây là những ngày sống cuối cùng đây! Nhưng tại sao ở quê nhà ông, ông giáo lại còn phải đeo nợ thêm một ông bố với hai đứa em vợ như khi ông còn ở rể? Vốn trung hậu, ông giáo vội đuổi ngay những ý nghĩ ấy đi. Nhưng chị giáo thì không. Chị tưởng chồng muốn đi biệt để cho chị lo liệu cho xong cái việc nhà chị đi đã. Chị tức lộn ruột lên: có bao giờ chị phải ngửa tay xin chồng để nuôi bố, nuôi em? Thật oan cho ông giáo. Ông chỉ không dám ngồi mà đếm những giờ sống cuối cùng, mà nhìn bữa cơm chị giáo can đảm nuốt những miếng mắm tép thối, bé Hùng day dứt cái đầu vú mẹ.

*

Vừa thoáng nghe tiếng động cơ nặng, hất gió ngược tới thì bốn máy bay đã ở trên đỉnh đầu. Vẫn bốn chiếc khu trục đen ngòm, cổ dài ngoẵng như hôm qua. Vẫn đúng giờ này? Một sự đúng giờ y hẹn khắc nghiệt!

Những người ở dưới đất! Bao nhiêu lo âu hằng ngày hãy dẹp lại! Chợ búa, cấy cày, đồng áng, ăn uống, ngủ nghê, đau yếu... hãy ngừng lại! Tết nhất, năm mới, mùa xuân, ngóng trông, hy vọng... hãy ngừng lại, ngừng lại hết! Ðừng chết, đừng chết đã. Nhất là đừng để cho chúng giết chết trong lúc còn vô ý thức, bưng bát cơm lên miệng. Hãy chết trong những thế thủ dữ dội!

Trống đã rung lên, cấp bách. Không còn một bóng người trên cánh đồng, trên con đường làng.

Trời sáng, trong ánh nắng đã bắt đầu ấm áp, dễ chịu hơn, tàu bay chiếm lấy từng không, lượn một vòng lớn. Ðộng cơ càng gầm rít, bóng tối vô hình của cái chết trải xuống, trùm khắp lên những lũy tre, càng lặng lẽ, rõ rệt và chắc chắn.

Ầm ầm! Mặt đất rung chuyển, ánh nắng xao động. Những đàn cò sếu vỡ tổ ra ở các ngọn tre bay tán loạn, kêu thất thanh.

Ông giáo Liên đã nhận thấy chỗ ông nấp ở ngoài tầm lượn của máy bay đang gầm gừ nhào lên, nhào xuống phía đằng sau làng, đằng sau nhà ông. Ông nghĩ đến vợ, đến con và tự nhiên bất chợt mình hình như đang khoan khoái mừng thầm. Hổ thẹn đưa máu lên nóng mặt. Nhưng vẫn không cưỡng được, dẹp được cái ý thầm mừng cho mình, nhẹ nhõm riêng cho mình, ích kỷ và khốn nạn ấy...

Trong hầm, chị giáo Liên ôm chặt lấy con. Bà Cả lầm rầm niệm Phật không ngớt như người đã mất trí. Cụ Tư úp mặt vào hai đầu gối. Không một ai nói. Những cổ họng đã tắc cả lại. Cái yên lặng ghê lạnh như đất trong hầm, mang nặng cái ám ảnh của chết chóc, què quặt, của cháy làng, vỡ chợ, của đói rét, của tuyệt đường sinh sống. Nhưng nét mặt lại tái mét. Những cái tai lại vểnh lên: một còn một mất, cái mạng đã bị treo lên trời cao. Nhưng, không có một tiếng khóc nào cả. Lũ trẻ nhăn nhó nhưng mà không khóc. Trong hầm trú ẩn không ai khóc bao giờ. Khóc sẽ không thấy máy bay đã gần hay còn xa. Khóc không kêu cứu được ai và vô lý hết sức...

Tàu bay lại trở lại. Ình... ình, cứ hai tiếng một, hai tiếng một, chúng đến gấp. Rồi động cơ vù tít trên đầu.

Chị giáo Liên ghì chặt lấy con, cắn răng vào môi, nhìn ra ngoài miệng hầm, mắt giương không chớp, hiện lên một vẻ gan góc.

Tàu bay vèo vèo đâm xuống. Cùng một lúc hàng thùng đạn ầm ầm trút xuống ngay sau nhà, long trời lở đất. Gió bần bật vào cửa hầm. Chỗ ẩn hẹp, mọi người nhắm mắt nằm soài ra, đè lên nhau. Một tiếng kêu khẽ tắc trong một cuống họng. Một con chích chòe bị đánh bạt đến miệng hầm, nhảy cỡn lên, hót rối rít mấy tiếng, lấy lại thăng bằng rồi bay vụt đi...

Thoát! Tiếng động cơ xa dần. Thoát được lần này, nhưng vẫn là thoát, là sống sót. Chưa ai ra khỏi hầm, ngồi yên nhìn ra ngoài, thở nhẹ nhàng hơn. Ngoài cửa hầm, ánh nắng chiếu rõ những hạt bụi trên cây rơm, rọi vào chân tường nhà sáng rực. Bé Hùng quẫy trong lòng mẹ Liên, đôi mắt đen mở to tướng, trông ra ngoài, giơ hai tay tý hon ra vờn, bắt một tia nắng.

*

Tàu bay hãy còn nhiều bom đạn. Thế nào cũng như hôm qua, còn một chuyến buổi chiều nữa. Chưa ai sờ mó nghĩ ngợi đến một việc gì, tuy chỉ còn bảy hôm nữa. Bảy hôm để lo liệu cho xong bao nhiêu là công việc, bao nhiêu là nợ nần. Rồi cũng phải tát cái ao lên kiếm mấy con cá kho Tết. Rồi cũng phải gói nhờ mấy cái bánh chưng, hai cái, ba cái, năm nay thì chỉ có thế.

Cả làng vẫn còn lố nhố ở những đầu ngõ, nhìn về phía những đám cháy, bàn tán. Trẻ con vừa được xổng ra, nhảy nhót.

Cái Hải, em gái ông giáo Liên, từ ngoài ruộng chui qua bụi tre, trèo lên con đường cái gạch, mặt tái mét, thở hổn hển, nước mắt vòng quanh.

- Ấy kìa, cái Hải làm sao thế?

Mọi người đổ xô lại. Nhưng không có vết máu. Chỉ có bùn bê bết trên mặt, trên yếm, khoanh tròn đến bẹn như một chiếc bít tất cao.

- Trâu đâu? Hay nó bắn chết trâu rồi?

Hải không trả lời ai, chạy thẳng về ngõ nhà, vừa chửi:

- Cha tiên nhân nhà nó, đồ khốn nạn, đồ ăn cắp!

Chưa ai hiểu ra làm sao cả. Thì mụ Cò hiện ra, cũng luồn qua bụi tre, cũng từ cánh đồng đi vào. Cũng lấm như vùi. Chợt lại nghe tiếng Hải chửi, mụ giơ tay lên dọa “À giỏi, giỏi, chửi nữa đi!” và đuổi theo.

Một vụ chửi nhau! Cái không khí bom đạn còn nóng bị làm sai lạc hẳn đi một cách khó chịu. Nhưng duyên cớ ra làm sao? Mụ Cò có thể ăn cắp được cái gì của Hải ở ngoài ruộng?

Hải vừa mách mẹ, vừa la chửi con mụ Cò:

- Sáng hôm nay con ra định tát cái nước ở chuôm nhà ta, sang cái sào chó đá ấy. Thế mà nó dám ra trước, nó vét hết sang ruộng của nó. Thế chuôm nhà tao chứ chuôm nhà mày à? Ðồ ăn cắp!

Mụ Cò làm ra vẻ không thèm nói với Hải, tiến lại gần bà Cả phân trần. Thành ra Hải giơ tay ra, là chụp được cái đầu của mụ. Hai người ghì nhau xuống đất. Hai mớ tóc xổ ra trùm lên hai cái lưng, thành ra không biết họ cào cấu, cắn xé nhau thế nào ở dưới cái đống tóc ấy.

Lúc người ta gỡ được mụ Cò ra rồi, mụ chùi một tý máu ở má, giơ lên trước mặt, làm bộ ngơ ngác như hóa dại, rồi thều thào:

- Máu! Nó giết tôi!

- Này, dân chủ cộng hòa không có ăn vạ đâu! - Hai anh tự vệ dìu mụ đi.

Hải vất cái cặp mạ xuống đất, ngồi thụp xuống khóc. Khóc nức nở, bù lu bù loa, thảm thiết như cha chết.

Lúc khác, hàng xóm sốt ruột đã kêu lên: “Sao mà lắm nước mắt thế?” Nhưng bây giờ thì không. Ai cũng biết cái vũng nước chuôm lúc này cần thiết đến thế nào.

Trời vẫn không mưa lấy một hột. Con sông máng ráo hoảnh. Những chân mạ, vừa cấy xong, vàng bệch cả ra, ngon úa đỏ như gỉ sắt. Lá mạ rách nát, gãy xuống ruộng khô như cái rơm cái rác. Chưa kể những thửa ruộng không có nước mà cấy nữa. Mạ nhổ rồi, chờ nước mỗi ngày một khô héo. Ðem đi chợ bán, đến lúc có nước, lại lấy gì mà cấy?

Và Hải biết rằng không cày cấy được thì khổ sở như thế nào. Không phải là những ngày đói lúc nào cũng còn rõ rệt trong óc nàng, trong óc bà Cả. Cái nàng khổ nhất là cái keo kiệt của mẹ. Làm ăn càng khó khăn, cái hầu bao bà Cả càng thắt lại. Chưa chi bà Cả đã nghiệt ngã đồng tiền với Hải một cách quá quắt lắm. Mà Hải có đòi hỏi gì đâu? Dăm hào, một đồng gom góp với chị em những ngày “mùa đông binh sĩ”, “ủng hộ thương binh”... Khổ hơn nữa là Hải lại ở trong Ban chấp hành phụ nữ xã. Tết nhất đến nơi rồi. Hôm nay đã hăm ba. Cái áo phin trắng - cái mơ ước một năm nay của Hải - bà Cả đã hứa mà vẫn chưa thấy. Hải rùng mình nghĩ đến ngày mồng một Tết, nghĩ đến đám chị em đã mặc những chiếc áo cánh mới vào, vui vẻ, xếp hàng kéo nhau lên phủ. Rồi ở cái sân gạch phủ bộ ấy mà Hải đã có dịp lên, các giới, các đoàn thể sẽ họp cả ở dưới cờ, nghiêm chỉnh và trật tự. Nàng sẽ ăn mặc như thế nào mà bưng những tặng phẩm, những quà bánh lên bàn thờ Tổ quốc, gửi ra chiến sĩ xa. Trong những mâm bánh, những thỏi chè lam, những đống khăn tay lụa thêu cành hoa, con bướm ấy, không có một tý gì là của Hải cả. Nàng sẽ xấu hổ đến chết mất.

Nàng sẽ phải thui thủi một mình ở nhà. Ba ngày Tết, ba ngày được ăn thịt, ba ngày nghỉ của một năm đầu tắt mặt tối, cô Hải sẽ đắp cái chiếu rách ở gian buồng ngang mà cáo ốm. Không khai hội, không chào cờ, không cất tiếng lên hát, không được nhìn cái màu đỏ ở trụ sở, những ngọn cờ, những bàn thờ lấp lánh ảnh Cụ ở giữa trời. Hay là lại đứng nấp trong đám đông mà xem lén lút như một kẻ không đoàn thể; không được cất tiếng lên mà phát biểu, không được sung sướng cảm thấy cái im lặng của những người nghe, bao nhiêu con mắt chăm chú nhìn cả vào mình.

Hải lại càng khóc to lên, nức nở, thầm oán con mụ Cò, thầm oán mẹ, oán trời, tủi nhục cho thân phận.

Nhưng Hải không đứng dậy, lau nước mắt đi, chạy ra đồng, trèo lên con đê mà xem, mà nhìn ngược lên bến Chèm, lên phía cống Liên Mạc, cống dẫn thủy vào những con sông máng ráo hoảnh này, đã bị quân giặc đóng chặt lại. Trên miệng cống, một tên lính Pháp phì phèo điếu thuốc lá, súng cắp kè kè, thỉnh thoảng lại nhìn xuống dưới chân xem cống đóng đã chặt chưa, nước réo ở bên kia có thoát đi mất không, những cánh đồng có thật khô nẻ, những chân mạ có thật vàng bệch ra, ngọn lá có hung đỏ như gỉ sắt, rách nát, gãy xuống như cái rơm cái rác? Trong bóng chiều xuống, trong làn khói thuốc, chỉ có hàm răng quân thù nhăn ra, nhếch một nụ cười nham hiểm, độc ác.

*

Tối mịt, cả nhà đang ăn cơm thì Minh về.

Thằng Thức, thằng Hà cãi nhau, đứa nào cũng tranh lấy cho mình nhìn thấy chú Minh trước. Nhưng thực ra Hải nhìn thấy Minh trước vì nàng dỗi cơm ngồi mãi ở cửa ngõ.

Ông giáo Liên nắm lấy tay em, cười hề hề không nói được nên lời. Chị giáo cũng mừng rỡ quá. Chị đã biết cái tính hoạt động tích cực, mạnh dạn của người con trai ấy, khác hẳn tính nết ông anh. Chị nhìn chồng đắc thắng, Hình như Minh về, chứng tỏ cái sợ hãi, lo lắng của ông giáo hết sức vô lý và khó chịu. Chính ông giáo cũng thấy những nỗi tuyệt vọng mấy hôm nay của ông biến đi đâu hết.

Minh ở Việt Bắc, ở chiến khu về, sau một năm không có tin tức. Chắc nó cũng biết rõ tình hình lắm đấy. Ông giáo sẽ hiểu khủng bố như thế là cái nghĩa lý gì. Ông sẽ biết nó sắp đánh chác ra làm sao. Ông không nghĩ rằng Minh có thể cho ông những tin tức không hay được. Ông chỉ thấy vững tâm, hy vọng. Cái da Minh rám nắng, dày dạn. Cái thân hình vạm vỡ của Minh đứng vững như một gốc cây. Con mắt vàng sạm của anh, chắc vì sốt rét, phảng phất hình ảnh núi rừng, chiến khu Việt Bắc, bộ đội. Khẩu súng của anh nặng và... ghê ghê. Chắc cũng phải trung đội, đại đội rồi. Nhưng nó là bí mật lắm. Ông giáo nghĩ rằng phải khéo hỏi mới được.

Sáng hôm sau, ông giáo Liên không đi câu nữa. Ông ngủ dậy, cười nói tự nhiên, như chưa bao giờ, sáng nào ông đi câu cá. Cái tin Minh về, đã truyền đi khắp làng, ông thấy cần phải đi liền với em để thông ngôn, để giải thích thêm những câu chuyện Minh sẽ nói với mọi người.

Ông chủ tịch xã họp cả ủy ban lại, bắt Minh phải kể hết những chuyện đánh nhau ở Việt Bắc, tỉ mỉ từng chỗ ta phục kích, từng đường Tây rút lui trên một tấm bản đồ rộng mà ông yêu cầu Minh trải rộng ra giường. Ðôi ria cá trê nhấp nháy, đôi mắt cập kèm, ông nhìn vào “giữa” cái bản đồ, xanh đỏ, chằng chịt cứ hoa cả lên và không nhìn thấy, không nhìn riêng vào một điểm nào ở trên đó cả. Ông bí thư ngồi cạnh rụt rè hỏi ông Bắc Cạn ở về đằng nào nhỉ, thì ông giật mình hậm hự mấy cái rồi đặt liều ngón tay lần lần về phía Tuyên Quang...

Ông thẩm phán có vẻ đa nghi hơn. Ông thu gọn lại một đống những sách luật nặng như cối đá xen lẫn với những Ðường thi, Kiếm hiệpTuyên ngôn của Ðảng Cộng sản, trịnh trọng mời Minh ngồi. Ông đeo lại mục kỉnh, gờm gờm nhìn Minh như lấy khẩu cung: “Thế chúng nó có chết thật không ông? Chính mắt ông trông thấy chúng nó chết chứ? Ông dự những trận nào nào?” Nhưng lúc Minh kể chuyện xong, cái mặt của ông thẩm phán tự nhiên đần độn hẳn đi. Hai anh em Minh đứng dậy ra về, mặc kệ ông mở mắt trừng trừng nhìn cái chum nước ngoài sân...

Hải kéo một phái đoàn phụ nữ về nhà. Minh hình như kể hăng hơn, đứng dậy làm điệu bộ. Lúc anh bất chợt thình lình hét lên một tiếng “xung phong” thì Mai nhắm chặt đôi mắt bồ câu đẹp nhất làng của cô lại. Mở mắt ra, Mai tự nhiên đập khẽ vào vai Hải chép miệng nói:

- Này chị ạ, em ý mà, em không có xu hướng quân sự đâu, chị ạ.

Chị giáo Liên từ sáng đã bảo khéo hôm nay không có tàu bay nữa đâu. Thế mà đúng thật. Ðợi đến trưa, đến chiều cũng không thấy gì cả. Thực may cho Minh, nếu không, anh còn phải nghe nhiều câu than thở, mát mẻ nữa, như bao nhiêu cái khổ sở ấy là lỗi tại anh cả.

*

Mai đã là ba mươi Tết rồi.

Ðêm nay mấy cái máy quay bông trong làng nghỉ mãi lại bắt đầu chạy.

Trời rét, cổng ngoài đã đóng chặt. Minh ngồi ở bậc cửa xem ông giáo Liên nằm bò ra đất như một ông đồ nho, viết tờ bích báo năm mới để sáng mồng một dán ở trụ sở.

Trong gian nhà thờ, cả nhà xúm quanh mấy cái giường kê liền nhau. Chị giáo Liên cầm hai cái cần tre nâng bổng qua mọi người một đám bông trắng nuốt, xôm xốp nhẹ như một đám mây. Cụ Tư, bà Cả, Hải, lũ trẻ con đều cặm cụi xe con cúi. Một nắm bông bật ra, một chiếc đũa vót lục lăng, cầm bên tay phải chặn xuống chiếu. Một cái nắp gỗ cầm tay trái lăn mạnh lên trên và rút thật nhanh chiếc đũa ra. Con cúi dài một gang tay, rộng nửa đốt ngón tay đã nằm gí xuống chiếu, ngoan ngoãn, mềm mại như một dải lụa trắng. Ngày mai ở trong những quán chợ, những gia đình tản cư nghèo sẽ kéo con cúi ra chỉ, trên những guồng tre. Trẻ con kéo như thế, một ngày cũng kiếm được dăm sáu đồng.

Máy quay bông hôm nay chạy vội vã lắm. Tết nhất đến nơi, những người kéo chỉ chắc đang mong đợi. Hay là người ta muốn làm bù lại những ngày không có việc? Hay là chỉ có máu trong người, những giờ năm cùng tháng tận bỗng chạy mạnh hơn.

Ù ù ù ù, máy quay bông vội vã, rộn ràng. Ban ngày, nghe cái tiếng ấy, quả tim đã ngược lộn lại, con mắt đã ngơ ngác trông trời. Nhưng đêm nay, trời tối như mực; tiếng quay bông gieo vào lòng người bao nhiêu là niềm vui nhộn nhịp.

Ðều đều, vội vã, tiếng máy ù ù bỗng phóng tít lên, tít mãi, say sưa, tha thiết. Guồng bánh chạy nhanh đến không chịu được, và không phải không cuốn theo một chút gì vương vấn như hận tủi, đau đớn, mang mang. Nhưng lên cao quá, tiếng máy liền đổ xuống, chầm chậm đợi một chiếc bên đông đang bắt đầu chạy và một chiếc bên đoài vừa đứng lại, ăn thêm bông mới. Rồi cả hai, cả ba đều đều, vội vã, rộn ràng, phấp phới trong đêm, tiếng vọng mãi ra cánh đồng xa.

Cái máy khâu lạch cạch của bác phó may bên cạnh trường học, đột nhiên cũng lên tiếng, mở hết tốc lực giòn giã: bụi vải, mờ mờ trong ánh đèn dầu. Mấy cái cung bật bông tưng tưng phình phình như tiếng đàn trầm, cũng cố bắt theo để đập nhịp cho đúng.

Cổng nhà giáo Liên bỗng kẹt lên một tiếng. Ông Như, ông thợ máy bông già của chị Liên, xịch vào hút nhờ điếu thuốc. Ðầu ông trùm một cái khăn vuông che cho khỏi rét và bông khỏi bay vào tai, vào tóc. Nhưng bụi bông bám đầy lên khăn, phủ trắng xóa cả hai vai ông, dính cả lên mặt, làm bạc cả râu, cả lông mày. Ông thắt ngang lưng một sợi dây gai, bước đi co ro như vừa qua một xứ rét xa xôi nào, còn đem cả cái lạnh, cái tuyết ở đấy về.

Minh nhớ lại những trang vẽ trong sách học chữ Pháp ngày trước, những “cha Nôen”, một đêm Chúa Giáng sinh, râu tóc cũng bạc phơ như thế này, cũng thắt một cái dây lưng thế này, đem đồ chơi xuống giấu vào trong giày, trong lò sưởi cho những đứa trẻ con ngoan. Nhưng đêm cuối năm này, ông già Như râu tóc bạc trắng lại chỉ đem lại cho Minh những ngạc nhiên đau xót, căm gan tím ruột.

- Năm nay ông Như ăn Tết ở đây thôi chứ? - Ông giáo Liên hỏi.

- Phải đấy, ông giáo ạ. Chung nhau góc con lợn với Cả ích rồi đấy. À, chú nó mới về qua làng báo tin Tây nó lại bắn năm chục quả moóc-chiê nữa đấy ông giáo ạ. Vị chi là đi một nghìn bảy trăm năm mươi tư quả.

- Một nghìn bảy trăm năm mươi tư quả. Làm sao mà tính được? - Minh trố mắt hỏi.

- Tính chứ lại, cậu bảo lại còn không tính? - Ông Như trả lời. Làng ông vẫn đếm, vẫn tính, vẫn nhớ như vậy; ai còn ở lại thì cứ đếm, cứ tính, truyền khẩu cho nhau cùng nhớ, không quên, không nhầm một quả. Ông Như còn khoe làng tính được cả tầm đạn nữa. Tiếng quả moóc-chiê nổ từ trên vị trí, cứ đếm hết năm mươi thì đạn rơi vào giữa làng, mới đếm đến bốn mươi, đạn đã xuống đất thì làng trước mặt bị nã, sáu mươi thì làng sau lưng...

Ông Như nhìn theo khói thuốc. Quê hương mồ mả đã bị san phẳng lẫn lộn với cánh đồng không cày cấy, những bãi bờ hoang mấp mé nước con sông đào, với những túp lều núp sau những lùm cây, những gò đất, đêm nay có mong đợi thao thức? Những buổi chiều xám ngắt cuối đông, cuối năm, nước mắt đọng mênh mông trên mặt đất, những xóm làng xưa có xót thương cho mình, xót thương cho nước, cho đàn con vệ quốc, dân quân chưa về được tới đây, mà bốc lên thành sương, thành khói? Ông Như chỉ biết nhớ lấy một nghìn bảy trăm năm mươi tư quả như ông nhà giàu cuối năm tính sổ nợ; tính rồi bỏ đấy, nhưng mà tính chi li; lúc đòi sẽ không thương hại con nợ một đồng nhỏ.

- Ông Như, về cho ăn bông đi! - Tiếng gọi réo qua hàng dậu.

Một lúc sau, máy quay bông lại chạy, tới tấp, vội vã, rộn ràng. Rồi lại vù vù phóng tít lên, tít mãi, say sưa, tha thiết. Guồng máy nghiền nát những hột bông còn sót lại, lọc phăng hết những bụi bẩn, bỏ lại một năm hờn tủi đau thương...

Ông giáo Liên bắt đầu kẻ đến những chữ lớn trên tờ bích báo. Ngọn bút lông tô đến đâu, năm mới mùa xuân hiện ra đến đấy, đỏ thắm trên nền giấy vàng.

Không biết mỏi, tiếng máy càng khuya, càng mạnh, rộn ràng, phấp phới bay suốt đêm thâu...

Xuân 1949

Mùa trăng - Truyện ngắn dự thi của Khánh Liên Đôi mắt - Truyện ngắn của nhà văn Nam Cao Làng - Truyện ngắn của nhà văn Kim Lân Hải âu lạc lõng - Truyện ngắn của Đào Quốc Minh Anh y tá Minh - Truyện ngắn của nhà văn Từ Bích Hoàng
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.