Sáng tác

Mùa trăng - Truyện ngắn dự thi của Khánh Liên

Khánh Liên
Truyện
10:00 | 04/07/2024
Người đàn ông chìm khuất vào trăng như ánh sáng chìm vào ánh sáng. Nếu sự thật là một cách tái sinh thì người không có gì ấy cũng được tái sinh...
aa

Ngân ôm cái bụng lặc lè leo từng bậc đá lên chùa. Từ trên cao nhìn xuống, đồi cát mênh mông, vàng rực dưới ánh nắng giống như màu lúa chín hay màu trăng đang chảy. Cảnh đẹp và khắc nghiệt đến nao lòng. Niềm hạnh phúc và bất hạnh cuộn tròn trong mầm sống trong bụng Ngân.

Ngân đã vùi mình trong cát để mong những con dông kéo mình đi hay được cát che phủ. Nhưng trong cát và trên cát, Ngân vẫn là một người đàn bà với cái bụng tròn sống động. Tiếng quẫy đạp trong bụng khiến Ngân tủi nhục nhưng cũng dấy lên niềm khao khát sống.

Ánh sáng le lói đã giúp Ngân ôm cái bụng bầu leo lên từng bậc đá. Ban đầu Ngân đếm bậc, nhưng sau không còn nhớ nữa. Ánh mặt trời xứ nhiệt đới bán sa mạc thiêu đốt khiến cô cảm thấy nước ối trong mình cũng hạn. Ngân ngất đi khi nhìn bầu trời xanh trong vắt không một bóng mây trên đầu.

Tiếng chuông chiều làm Ngân tỉnh giấc. Những chiếc chiếu đơn sơ, xếp hàng dọc với nhiều chiếc chiếu khác trong một căn phòng. Ở chùa có nhiều phụ nữ mang thai và nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi tá túc. Một người đàn bà áo nâu, tóc búi đang vắt khăn ướt lau trán cho Ngân.

“Em đến đây để viếng chùa hay không có nhà để về?” Người đàn bà trìu mến hỏi.

“Em không có nhà để về chị. Em không biết đi đâu. Người ta đã chỉ cho em ngôi chùa này…”

“Vậy em đến đúng chỗ rồi đó. Lát sư thầy xuống tụng kinh chiều, chị sẽ trình thầy hoàn cảnh của em và xin phép cho em ở lại.” Người đàn bà nói.

“Sư thầy không ở trong chùa mình hả chị?” Ngân hỏi.

“Trước thầy ở chùa. Nhưng giờ chùa nhiều phụ nữ, thầy cất cái am nhỏ phía trên núi cao kia. Mỗi ngày chỉ xuống đây hai lần để tụng kinh hay giải quyết công việc.”

Sau bữa cơm chay chiều, Ngân không dám bước vào điện vì nghĩ mình không sạch. Cô chỉ quỳ ngoài thềm, nhìn dáng sư thầy và mọi người tụng kinh. Một làn gió thổi tới làm tóc Ngân rợn lên. Làn gió xa xưa, làn gió mang màu huyết thống. Bất chấp sự trang nghiêm của buổi tụng kinh, Ngân kêu lên một cái tên. Sư thầy ngơ ngác quay lại. Anh Hai!

*

Có phải ba em là kẻ ăn ốc nên em là kẻ đổ vỏ, đời cha ăn mặn, đời con khát nước không anh Hai? Ai cũng nghĩ như vậy và em cũng nghĩ như vậy. Lầm lỡ như vầy em không dám về nhà vì em không dám đối diện với con người đó. Con người đã hại anh và cũng đánh đập em khi em muốn nói với mẹ những sự thật kinh hoàng em biết. Khi nhận thức được, khi biết sự thật em đã nghĩ về anh, đau nỗi đau với anh dù em không ở trong hoàn cảnh anh để biết nỗi đau ấy sâu thế nào. Nhưng hãy tin em, em đã đau đớn cùng anh khi đã nhận thức được tính dục của cuộc đời trần tục. Em đau cho anh, cho mẹ, cho tất cả chúng ta.

Phải bắt đầu từ cái buổi chiều đó. Anh không chịu dẫn mẹ đi tới nhà thằng bạn học của anh. Ba em đã làm điều nhạy cảm với học trò. Ba cũng là thầy chủ nhiệm lớp anh. Ba nói với mẹ đó chỉ là sự hiểu lầm và mẹ phải thay ba đi tới nhà học trò xin lỗi và bồi thường để mong họ “ngậm miệng lại”. Anh không dẫn mẹ đi và mẹ đã đánh anh thừa sống thiếu chết.

Chúng ta đi trên bờ ruộng vì không dám đi đường làng. Anh, mẹ và em. Chúng ta như những tội nhân đi trong tủi nhục, còn ba em - thủ phạm thì vắng mặt. Đường ruộng trơn trợt vì bùn, em ngã dúi dụi mấy lần. Những sinh vật trên bờ ruộng có biết nỗi buồn của chúng ta? Những con cá, ốc, lươn, ếch, chuột đồng còn hạnh phúc hơn chúng ta, em nghĩ thế. Em nghe cá, lươn lục sục trong hang. Và những gié lúa xào xạc. Còn chúng ta đi trong tủi nhục, vừa đi vừa khóc.

Một ngôi nhà nghèo nàn trên sườn dốc hiện ra. Mẹ đi vào ngôi nhà đó trong tiếng chó sủa, dê kêu, gà qué và nhặng xị tiếng chửi rủa. Mẹ suýt đánh anh lần nữa khi anh không chịu bước vào. Em cũng muốn ở bên mẹ nhưng em đã chọn ở bên anh. Em thương những đòn roi anh phải chịu đựng. Bạn học của anh thì không ai còn thấy nữa. Với tuổi thơ, thầy giáo đụng chạm mình quá đau đớn. Nên khi có nhà trên rẫy, bạn anh đã nhất quyết lên rẫy, bỏ học, biến mất khỏi trường và khỏi làng.

Mẹ bước khỏi ngôi nhà nghèo nàn cùng với ánh trăng lộng lẫy trên bầu trời. Họ không đánh mẹ và điều ấy làm em hạnh phúc. Nhưng gương mặt mẹ rúm ró, đầy bất hạnh. Em nghĩ mẹ cũng tủi nhục như chúng ta, thậm chí hơn chúng ta. Nhưng lời mẹ nói cho đến giờ em vẫn không tha thứ cho tất cả. “Chết tiệt! Mất sáu con dê chỉ vì một chút đụng chạm. Con nít trai có mang bầu đâu cơ chứ?”

Khi đã lớn em mới hiểu rằng lúc đó anh đã rơi vào địa ngục. Và khi lớn em cũng hiểu anh đã sống trong địa ngục, không những một mà nhiều lần, suốt cả thời tuổi thơ. Anh à, sao anh không hét lên với mẹ rằng anh đã tận mắt nhìn thấy những điều mà ba em - chồng mẹ - dượng anh - thầy giáo anh - người chuyên làm từ thiện cho học sinh, đã làm với bạn học anh, không chỉ bạn đó mà nhiều bạn khác và nhất là với anh? Sao anh không hét lên điều đó? Ba em đã lợi dụng những học sinh nghèo nàn, cho chúng tiền, quà, rồi làm điều tội lỗi? Sao anh không phơi bày, với mẹ hay ai cũng được. Anh không nói với ai, kể cả em để suốt thời tuổi thơ em cứ ảo tưởng về cha ruột của mình. Em thấy ông ta lung linh nhưng cũng sợ hãi ông ta. Một gương mặt quỷ dữ nhưng vẫn là người đạo mạo, có địa vị, có đạo đức trong mắt người đời. Sao anh không nói?

Mùa trăng - Truyện ngắn dự thi của Khánh Liên
Mùa trăng - Minh họa Phạm Hà Hải

Không biết anh còn nhớ mùa trăng đó? Em ước gì anh không nhớ. Nhưng sao không nhớ? Cho đến giờ em vẫn còn nhớ, mỗi khi hư thân mất nết vì trai, trăng ngày đó vẫn chảy trên em đầy ám ảnh. Đêm trăng đó, em đã nhìn thấy ba em - con quỷ râu xanh đã làm gì với anh trong ánh trăng. Ông ta đầy thú tính, còn anh cam chịu và uất hận. Điếng người vì sợ hãi, em chạy đi trong ánh trăng chết chóc, hoang lạnh cũng là lúc anh và ông ta nhìn thấy. Anh tủi nhục chạy trốn. Còn ông ta đuổi theo em, đánh em một trận lên bờ xuống ruộng. Ông ta nói, nếu em nói với bất kỳ ai, ông ta sẽ giết tất cả.

Khi em biết nỗi đau và sự nhục nhã của anh thì anh đã không trở lại. Cùng dòng máu và dòng sữa mẹ, em cũng đau đớn như anh. Em mong gặp anh để ôm anh, để xin lỗi, để xoa dịu, để đồng hành. Nhưng anh biền biệt lại làm em càng đau đớn hơn. Nỗi đau anh chịu em đã gánh vác. Ông ta không xâm hại em giống như với anh nhưng đánh đập em nhiều hơn dù em là con ruột. Và đau đớn hơn, em biết ông ta cũng đánh mẹ, như đánh chúng ta. Nhiều lần em tự hỏi, sao một trong chúng ta không hề dám thoát ra cái xiềng xích đó? Sao không ai lên tiếng? Sao không ai nói, dù chỉ nói với đất trời? Chúng ta câm lặng để bảo vệ một con yêu râu xanh mang mặt nạ chồng, cha, thầy giáo, người làm từ thiện? Sao chúng ta hèn yếu và sợ hãi?

Em đã không thể sống bình thường khi anh đi. Em không tự bào chữa cho mình nhưng em đã lầm lạc vì không còn thấy điều gì để bấu víu. Em cuồng điên trong tình yêu và tình dục, để trả thù cái gì em không biết, hay tìm kiếm thứ gì em cũng không hay. Miễn có thứ gì bấu víu, một ánh mắt, một vòng tay, một lời hứa mây hứa gió, một chút đê mê của xác thân. Anh tin không, trong hạnh phúc em cũng chịu mầm bất hạnh. Lúc nào hình ảnh ông ta làm với anh cũng ở trong óc em, ngay cả những giây phút đó. Gương mặt tủi nhục, rúm ró và thân xác trẻ thơ đầy sợ hãi của anh. Gương mặt hoang dại, độc ác và thân hình ghê tởm của ông ta. Em càng chìm vào nhục dục thì càng buồn và thương tổn. Em đã nhiều lần tìm tới cái chết nhưng không dám chết.

Khi anh không trở lại, vài lần em đã ngập ngừng nói chuyện với mẹ, khi ông ta đã lên trường. Nhưng khi em cất lời, mẹ đều không muốn nghe. Mẹ bảo, mẹ không muốn nghe em nói gì cả và em đừng nói. Em không hiểu. Mãi mãi không hiểu. Mẹ sinh ra chúng ta sao mẹ không bảo vệ chúng ta? Sao mẹ không chọn con mà chọn chồng, một người chồng không xứng đáng? Mẹ có biết chuyện xảy ra với chồng mẹ không? Mẹ có biết chuyện xảy ra với con mẹ không? Ngay cả khi lầm lỡ không nơi nương tựa, em cũng không trở lại ngôi nhà đó. Em đã giống như anh, không còn lòng tin để trở lại. Nhưng thật may mắn, em đã gặp lại anh, anh Hai. Đi tìm cả đời em lại không gặp anh, khi muốn kết thúc cuộc đời thì em lại gặp. Anh là Phật với nhiều người và với mẹ con em. Nếu không có ngôi chùa này chắc em không có nơi nào để tìm cho mình một lòng tin mà sống.

*

Anh đã tha thứ rồi, nếu như em biết. Anh đã tha thứ cho một người xấu và đã tha thứ cho số phận của anh.

Lúc đó anh mới hai tuổi, mẹ anh chưa lấy ông ta, chưa sinh ra em. Mẹ bán đồ ăn sáng trước cổng trường. Anh phụ mẹ rồi mới vào buổi học. Ông ta đã nhìn thấy anh những ngày đó. Ông ta chọn mẹ vì anh.

Mẹ đánh bạc đổ nợ. Giang hồ đánh sập cái quán nhỏ, nơi kiếm cơm duy nhất để mẹ nuôi anh. Ông ta đã đến nhà, cho mẹ tiền trả nợ.

Ông ta cưới mẹ, em ra đời. Sự phụ thuộc kinh tế của mẹ càng lớn. Không có tiền của ông ta, em và anh sẽ thất học. Mẹ nói, mẹ không biết làm gì ở cái nơi đá sỏi, đất cằn cỗi thiếu mưa đó. Mẹ không thể làm điếm. Nếu làm điếm được, mẹ cũng làm.

Đó là những lời mẹ đã nói với anh khi anh là một đứa trẻ. Anh như sống cho mẹ, cho em, cho chúng ta. Anh cũng giống như em, nhiều lần muốn nói với mẹ. Nhưng sự sợ hãi và không có lòng tin làm anh không thể nào cất tiếng. Nhiều lần anh cũng tự hỏi, người đàn bà anh uống nước ối trong bụng, bú sữa nơi hai bầu ngực, mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày vì con, lẽ nào không biết sự thật con mình đang chịu đựng. Cái ý nghĩ mẹ biết mà không làm gì càng làm anh đau đớn và thương tổn. Anh nhiều lần nhìn thấy ông ta xâm hại bạn anh. Nhưng chúng còn ít bất hạnh hơn anh vì chúng chỉ bị một vài lần. Còn anh, anh chịu đựng sự xâm hại của ông ta, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, suốt cả tuổi thơ mà còn phải kính trọng, gọi ông ta là dượng, là thầy, cảm ơn ông ta vì những món quà ông ta bố thí.

Anh cũng nhiều lần tìm tới cái chết giống như em. Buổi trưa biết là không về nhà sẽ bị một trận đòn nhưng anh đã lên rẫy bạn anh, đứng trên cao nhìn xuống, tự hỏi khi rơi xuống mình có được giải thoát. Khi bỏ nhà ra đi anh cũng tìm tới cái chết. Anh đã nhịn đói một tuần, nằm trong nghĩa địa, khóc cười với ma để mong mình được chết. Nhưng anh không chết. Vũ trụ có những quy luật mà con người không thể nào hiểu nổi. Càng tìm tới cái chết anh lại càng không chết. Cho đến khi anh nhận ra mình cần phải sống.

Anh đã tới vùng hoang vu này. Nơi khắc nghiệt lại là nơi cứu rỗi. Anh đã lập chùa từ hư không. Từ hư không mà có chùa, có điện, có chuông, có kinh, có Phật. Rồi một đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa, vài đứa trẻ, một phụ nữ mang bầu không có đường về nhà, rồi nhiều và nhiều hơn. Tuân theo quy luật tự nhiên, anh cứ để họ tìm đến Phật. Cái thiện chính là Phật. Anh đã làm cái am nhỏ phía trên kia để ở, còn chùa sẽ nhường cho một sư cô để dễ bề chăm sóc các phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

Anh không biết em đau đớn vì anh. Hồi nhỏ anh cũng từng ích kỉ ghét em vì em là con gái, không phải là con trai để chịu nỗi đau giống như anh. Có lúc anh ước gì em là con trai và cũng bị ông ta xâm hại. Anh muốn em cũng thấm tháp nỗi đau tận cùng thể xác, tinh thần đó. Nhưng sau đó anh cảm ơn trời vì em là con gái. Anh không muốn em bị giống như anh. Quá nhiều người là nạn nhân của ông ta. Anh không muốn thêm ai. Khi đã là một sư thầy anh vẫn dằn vặt với câu hỏi, mình im lặng từ đó cho tới giờ có đúng không. Ngày xưa anh là một cậu bé, còn giờ anh là một sư thầy, không chức quyền nhưng cũng có chút can đảm. Anh có nên đứng trước mặt ông ta, tố cáo ông ta là một con yêu râu xanh, chuyên đi xâm hại bé trai và nạn nhân làm chứng là anh? Ông ta nên ở trong tù hay vẫn để nhơn nhơn ngoài xã hội? Anh tha thứ nhưng ông ta có làm hại thêm bé trai nào không? Sự im lặng của anh bảo vệ anh nhưng cũng bảo vệ ông ta - một người xấu. Và nếu lôi ông ta ra ánh sáng thì động cơ của anh là gì? Bảo vệ những đứa trẻ hay là sự báo thù, hay không phải là sự tha thứ? Thế nào là sự tha thứ? Im lặng với cái xấu có đúng là tha thứ?

*

Mẹ mất, Ngân ôm đứa con trai nhỏ quỳ cùng sư thầy là anh trai làm lễ cho mẹ. Người mẹ lặng câm, người mẹ không muốn nghe con nói và không cho con nói giờ đang nằm trong cái hũ sành với vô vàn điều chưa nói. Thằng bé con Ngân, bắt chước mẹ, quỳ lạy hũ tro cốt là bà ngoại. Bàn tay bé nhỏ lau cho mẹ những giọt nước mắt.

Ông ta mặc bộ lễ phục tang, đầu đội mũ tang, chắp tay kính cẩn. Cái người mà anh em Ngân đều biết là ai đó vẫn đang đeo cái mặt nạ một người chồng, một người cha, một người thầy, một nhà từ thiện.

Ông cầm chiếc khăn, chấm những giọt nước mắt khô. Nhưng mắt ông không nhìn vợ đang nằm trong hũ cốt mà nhìn chằm chằm vào sư thầy là con trai riêng của vợ, đang nhắm mắt tụng kinh trong miền Phật. Ngay cả lúc này, dù cậu bé ngày xưa đã là một người đàn ông trưởng thành, nỗi thèm muốn vẫn còn dâng trong ông dữ dội. Gương mặt của sư thầy ăn chay và thoát tục giống như một em bé. Cũng làn da đó, hương sữa đó, và có còn sự sợ hãi, cam chịu xa xưa? Ông chỉ muốn sư thầy nhỏ lại trong hình hài một đứa trẻ để ông bước tới và ngấu nghiến.

Ông quỳ xuống sau lưng sư thầy, cảm nhận lại mùi thơm sữa. Rồi ông nhanh chóng nhận ra đứa cháu trai có gương mặt xinh xắn của sư thầy. Thằng bé mang những nét đẹp của người bác ruột. Nhưng sư thầy và con gái không thèm đếm xỉa tới ông. Chúng quỳ lặng im, không sợ hãi, không hành động. Chúng cũng không thèm nhìn ông mà chỉ nhắm mắt hoặc nhìn vào hũ tro cốt của mẹ. Với chúng, ông không tồn tại.

“Bạch thầy…” Ông cất tiếng khi buổi cầu kinh vừa dứt. Nhưng sư thầy bước qua ông như thinh không. Mắt sư thầy không thấy ông như ông chỉ là cái hư vô. Tà áo cam thụng lướt qua để lại mùi nhang, mùi thiền mà đầu óc ông vẫn còn quẩn quanh mùi sữa.

Sau ngày đó ông chăm chỉ lên chùa, lấy lí do thăm nơi vợ nằm nhưng là thỏa mãn nhục dục trong ông. Ông thèm khát nhìn thấy đứa con trai riêng của vợ và đứa cháu trai có gương mặt giống cậu của nó. Ông muốn nhìn người ông đã từng ân ái. Trong thân xác già kiệt quệ của ông, dòng máu dâm dục vẫn trỗi dậy khiến ông không cảm thấy thời gian và tuổi tác. Ông như thấy mình trẻ ra giống như những ngày xa xưa, ông có quyền và tràn trề sinh lực.

Nhưng ông không còn thấy con ruột, con riêng hay cháu ngoại của ông nữa. Chúng lại một lần biến mất giống như đã từng biến mất. Hũ tro cốt của vợ ông cũng biến mất. Trụ trì chùa là một sư cô.

“Thưa sư cô, sư thầy trụ trì chùa này giờ đang ở đâu?” Ông cất tiếng hỏi.

“Thưa, tôi không biết. Tôi đến nhậm chức thì sư thầy đã đi rồi. Hôm trước cũng có một anh tới chùa, không tìm sư thầy nhưng tìm cô Ngân, em gái thầy. Anh ta nói anh ta là cha đứa bé. Nhưng cô Ngân cũng đi rồi.”

Ông định hỏi thêm nhưng sư cô cáo từ để vào phụ tắm cho những em bé. Ông bước vào nhưng sư cô đã đứng chặn ở cửa.

“Nơi này ông không được vào.” Sư cô nghiêm khắc. Ánh mắt sư cô khóa chặt ánh mắt ông khi ông nhìn cơ thể những bé trai nhỏ. Ông xấu hổ bước ra, ánh mắt ánh lên ngọn lửa ma quái.

*

Hai con à, mẹ xin lỗi. Khi muốn nói, quyết định nói thì mẹ không thể nào nói. Tro bụi không nói được, có nói các con cũng không nghe trừ phi một ngày các con cũng là hạt bụi.

Hai con ơi, mẹ xin lỗi, ngàn lần xin lỗi. Một đời mẹ có lỗi với hai con, nhất là con, con trai của mẹ. Mẹ là người mẹ gì thế này? Một bà mẹ sợ con mình đói hơn là bảo vệ thân xác, danh dự, nhân phẩm của con mình. Mẹ đã từng đói và mẹ không muốn các con đói. Nhưng no nê khi thân xác bị xâm hại thì no có ích gì? Mẹ đã vì miếng cơm manh áo của các con, muốn các con ăn học, cộng với sợ giang hồ đánh đập mà không dám bảo vệ các con.

Mẹ bài bạc và có một đống nợ. Nếu ông ta không nuôi các con, mẹ cũng không thể nuôi các con. Nỗi sợ hãi làm mẹ yếu hèn. Mẹ nghĩ mình bảo vệ hai con nhưng thật ra lại để con cho kẻ ác mà không dám can thiệp. Đêm đêm mẹ nghe tiếng khóc của con. Mẹ không còn tim, chắc hai con nghĩ vậy và đúng là như vậy. Tim mẹ đã nát và đã bị chó ăn rồi. Sao mẹ lại là mẹ của các con?

Ngay cả lúc này một lần nữa mẹ lại làm tội các con. Vì mẹ mà hai con phải chạy trốn. Sau lời xin lỗi, mẹ chỉ muốn nói, các con hãy tố cáo ông ta đi. Các con có quyền đó và xứng đáng với điều đó. Hãy ở lại, hãy can đảm, hãy đối diện, hãy để sự thật được phơi bày và sống cuộc sống của các con, không cần phải sợ và chạy trốn. Các con chẳng có lỗi gì cả. Hãy lột mặt nạ của ông ta.

Nhưng than ôi! Đó là điều mẹ không dám làm và lời mẹ nói lại là lời của một linh hồn ở chốn hư vô chưa được siêu thoát. Các con không cần tha thứ cho một người không đáng được tha thứ. Ông ta và mẹ là những người không xứng đáng được tha thứ.

*

Rằm tháng bảy, lễ chùa đông nghịt. Trăng tròn vành vạnh. Ở một ngôi chùa bề thế trong thành phố, tối nay, một sư thầy từ miền núi heo hút sẽ đến thuyết giảng. Mặc dù không danh, không phận, không chức, không quyền nhưng tiếng tăm về lòng nhân ái và đức độ của thầy làm đông đảo Phật tử ngưỡng mộ. Không ai biết thầy ở đâu, chỉ biết thầy ở một nơi hoang vắng. Đức độ của thầy được làm chứng bởi hàng nghìn bà mẹ và trẻ em đã từng được thầy cưu mang. Nên khi thầy nhận lời xuống núi thuyết giảng, Phật tử chật kín sân chùa.

Dưới ánh trăng và ánh đèn nhà Phật, sư thầy bước ra. Chiếc áo cam thụng cũ, chân đất nhưng đẹp thanh khiết một cách kinh ngạc. Đám đông vỗ tay rồi im lặng khi thầy cất tiếng.

“Tối nay con xin phép cởi chiếc áo tu này để làm một việc…”

Một sự im lặng bao trùm, nghe cả làn hơi thở hầm hập khi hàng nghìn đôi mắt dõi theo từng động tác cởi áo của sư thầy.

“Giờ cởi áo rồi con không còn là một sư thầy nữa. Con là một người trần tục. Và đây là những điều con muốn nói.

Trong đám đông ngồi dưới đây có một nhà từ thiện cho những em bé mồ côi ở các ngôi chùa và nhất là chùa cũ của tôi. Ông ta là người tôi quen. Chính xác hơn, ông ta là cha dượng và là thầy giáo của tôi. Nhưng ông ta không có tư cách để làm một nhà từ thiện hay đóng vai nhà từ thiện. Tôi đã từng tha thứ cho ông ta nhưng hôm nay tôi không thể nào tha thứ khi thời gian qua, trong vai nhà từ thiện đi bảo trợ cho những đứa trẻ mồ côi, ông ta đã xâm hại thêm nhiều trẻ em nam vô tội. Từ thiện là quan trọng nhưng cái thiện còn quan trọng hơn. Tôi không thể im lặng để ông ta tiếp tục xâm hại những bé trai nữa. Tôi không quay video, không ghi âm, không có ảnh chụp, coi như không bằng chứng. Nhưng chính tôi là một bằng chứng. Ông ta đã xâm hại tôi. Một kẻ ấu dâm không thể nào đại diện cho cái thiện để đi bảo trợ trẻ con. Ông ta ngồi ở hàng ghế đầu của các vị. Tên ông ta là...”

Một người đàn ông ngồi hàng ghế đầu run rẩy đứng lên, trân trối nhìn người vừa cởi áo Phật. Trăng lấp lánh chiếu trên thân hình người đàn ông không có gì đó. Người đàn ông chìm khuất vào trăng như ánh sáng chìm vào ánh sáng. Nếu sự thật là một cách tái sinh thì người không có gì ấy cũng được tái sinh, trong ánh trăng và đức độ, ngay vào lúc quyết định cất tiếng.

Cho quá khứ, cho tương lai, cho những đứa trẻ buộc phải lặng im và những kẻ chưa một lần dám nói.

Báo Văn Nghệ số 26/2024

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.