-Út ơi! Con cố bay nhanh nào, vỗ cánh mạnh lên theo mẹ cùng anh chị nhé!
- Con ngứa cổ và ho lắm và mỏi cánh nữa, con mệt quá…mệt quá mẹ ơi!
- Cố lên nào con yêu, nếu không chúng ta chết lạnh trong mùa đông khắc nghiệt nơi đây.- Chim mẹ nói và bay nhanh về phía đàn chim phía trước.
Mấy lần chim mẹ bay đi rồi bay quay lại động viên cổ vũ chú chim én bé nhỏ nhất cố gắng bay nhanh theo nhưng rồi bóng đàn chim mỗi lúc một xa dần, xa dần và mất hút về phía trời phương Nam.
Én con không bay nhanh được nữa, đôi cánh chú rã rời vì mỏi mệt, những cơn ho ngày một nhiều làm chú rát hết cả cổ họng. Én con ngừng bay đậu xuống cành ổi. Một cơn ho dài làm Én con chóng mặt, mắt hoa, chân run lên không còn bám chắc vào cành ổi được nữa, Én con rơi tự do và nằm mê man.
![]() |
Chim én mùa xuân - Ảnh: Pixabay |
Cơn ho dồn về nơi cổ họng làm Én con tỉnh lại. Chú thấy mình đang nằm trong một cái hang ánh sáng lờ mờ. Chú xoay người, mắt ngơ ngác xem mình đang ở đâu thì nghe thấy một giọng nói ấm áp nhẹ nhàng:
-Én con tỉnh rồi à, em sốt cao và ho nhiều đấy.
-Chị là...
-À, chị là Ấm Tích, em đừng sợ.
-Dạ..
-Em mệt lắm đúng không? Em nghỉ ngơi thêm chút đi. - Chị Ấm Tích vẫn nhẹ nhàng nói - Lát khoẻ hơn, em ra gốc ổi có anh Húng Chanh, em xin vài lá về ngậm là khỏi ho ngay thôi.
-Dạ vâng ạ.
Én con yên tâm nằm xuống, cơn ho cũng dịu dần. Chú thấy khát nước. Chú nghĩ “mình ra ngoài tìm nước, và cũng xem nơi đây là đâu nữa chứ, còn tìm anh Húng Chanh xin lá thuốc nữa.” Chú nhún người lấy đà bay lên miệng chị Ấm Tích.
Trời đã cuối ngày, gió heo may se lạnh, sương chiều giăng mau, Én con nhìn xung quanh chỗ chú đứng. Chị Ấm Tích đã bị vỡ vòi, miệng chị sứt một chút và thêm vài đường nứt nẻ. Đôi mắt chị thật buồn nhưng nước da của chị vẫn bóng sáng và có hình hoa văn tinh tế. Cách không xa chỗ chị là bác Ổi, thân bác to cao, da xù xì, mùa này bác đang thay lá nên các cành khẳng khiu nhưng vẫn còn vài trái ổi trái mùa treo lủng lẳng. Kia rồi, quanh gốc bác Ổi là anh Húng Chanh. Én con mừng rỡ bay nhanh về phía đó. Chân Én con chưa chạm đất, cơn ho lại dồn lên cổ họng làm chú chao đảo ngã dúi dụi vào anh Húng Chanh.
- Ôi, em ho nhiều thế? Gặp anh là may nhé, em ngậm vài lá của anh là khỏi ho ngay. Nhưng em cố gắng giữ cổ họng luôn ấm, chứ trời lạnh thế này dễ viêm họng và ho đấy.
Anh Húng Chanh nói rồi đưa cho Én con nhúm lá:
- Cầm lấy và về tổ cho ấm đi nào.
-Dạ, nhưng.. em đang khát nước quá.
-Có cái ao ngay cạnh vườn kìa, em bay đến đó uống nước đi.
-Dạ, vâng ạ.
Én con bay nhanh về phía vườn rồi sà xuống đậu lên cây bèo tây và uống một hơi. Nước ngọt ngon quá, tỉnh hẳn người ra. Chú quay lại bên anh Húng Chanh, nói lời cảm ơn anh ấy rồi dùng mỏ cắp lá thuốc bay về bên chị Ấm Tích.
-Này Én con, cháu đói lắm phải không? Ăn ổi chín này, ăn đi rồi ngậm lá thuốc và đi ngủ. Mai thức dậy cháu khoẻ ngay thôi.- Bác Ổi nói và đưa cho Én con trái ổi chín vàng, thơm nức.
-Cháu cảm ơn bác ạ.
Én con nói xong ăn luôn trái ổi chín vì bụng đang đói. Ổi chín thật ngọt thơm. Chú ngước mắt nhìn bác Ổi, nhìn anh Húng Chanh và nhìn chị Ấm Tích lòng trào dâng cảm động. Trong hoạn nạn chú gặp được toàn người tốt. Ở đây ai cũng giàu tình yêu thương, giàu lòng nhân ái. Chú thấy thật may mắn có những ngươi bạn mới như này. “Nhất định mình sẽ không phụ lòng tốt của mọi người.”
Tối hôm ấy, nằm trong lòng của chị Ấm Tích, Én con được nghe chuyện của chị Ấm Tích. Chị ấy có 6 người con, chúng là những chiếc chén nhỏ xinh có nước da sáng trắng và hoa văn bóng đẹp như chị. Chị và đàn con sống bên nhau rất hạnh phúc. Chỉ vì đêm tối do bác Mèo rượt đuổi đàn chuột nhắt mà đụng phải chị. Chị bị rơi từ mặt bàn xuống sàn nhà và trở thành tàn phế. Rồi ông chủ bỏ chị ra đây, ở đây chị nhớ các con chị lắm. Chỉ chị ước có một ngày nào đó được gặp lại các con thân yêu của chị.
Gần cả mùa đông, Én con trú rét trong lòng chị Ấm Tích và được chị hết lòng che chở và bảo vệ. Những buổi trưa nắng ấm, chú bay ra bắt sâu giúp anh Húng Chanh, đuổi lũ Sâu Róm giúp bác Ổi và hót những bài ca vui nhộn cho mọi nghe. Mỗi lần bay ra ngoài, khi trở về chú lại cắp một viên đất để vào lòng chị Ấm Tích. Cứ như thế, chưa hết mùa đông bụng chị Ấm Tích đã đầy đất. Én con chuyển chỗ ngủ sang hốc thân bác Ổi. Chị Ấm Tích hỏi Én con sao làm như thế, nhưng chú chỉ tủm tỉm cười và nói là “bí mật ạ”. Thỉnh thoảng, Én con xin phép bác Ổi bay chơi lòng vòng quanh làng.
Rồi đến một hôm, khi bóng tối bao trùm cả khu làng mà chưa thấy Én con đâu. Bác Ổi sốt ruột lắm. Bác hỏi mọi người xem Én con đi đâu nhưng ai cũng lắc đầu không biết. Chị Ấm Tích thở dài giọng lo lắng:
- Không biết giờ em ấy ở đâu, có bị bọn trẻ trong làng săn bắt không nữa chứ? Mưa lạnh thế này Én con có chịu được không?
Mấy ngày sau, Én con trở về. Lông chú ướt nhoẹt vì thấm mưa bụi, chân đứng trên miệng chị Ấm Tích run run. Mọi người dồn hỏi chú nhiều lắm nhưng Én con không nói gì mà lấy chân khẽ bới đất giữa miệng chị Ấm Tích rồi há mỏ nhả ra những hạt giống đen tròn và cào đất lấp kín.
-Đây là món quà em tặng chị, cảm ơn chị đã che chở em những ngày đông giá rét.
Chị Ấm Tích xúc động mắt rưng rưng nhìn Én con không nói được gì.
-Én con đã lớn và quen với giá rét thật rồi. Ướt hết mà không bị ho và sốt nữa. Cháu rũ bỏ nước rồi lên hốc cây bác ủ ấm và làm khô lông cho. - Bác Ổi nói và nhìn Én con âu yếm.
![]() |
Én con cảm ơn chị Ấm Tích đã che chở suốt mùa đông giá rét |
Thời gian thấm thoát trôi đi, gió heo may lại về. Én con phải tạm biệt mọi người theo đàn bay về phương Nam tránh rét. Én con rất vui mừng khi thấy chị Ấm Tích được đặt ở trên một cái đôn sứ trắng muốt, cạnh bàn uống nước nơi mà có các con thân yêu của chị. Đôi mắt ánh lên niềm vui rạng rỡ, nụ cười luôn nở trên môi. Khóm hoa trên miệng chị xanh tốt, một vài bông hoa đã khoe sắc bên cạnh những chùm nụ mập mạp đang mở đài chờ ngày bung cánh. Hương hoa thơm mát thật dễ chịu.
-Chúc em thượng lộ bình an, mùa xuân tới lại về đây với chị và mọi người nhé!
Én con bin rịn chia tay mọi người, chú lượn mấy vòng hót lời chào tạm biệt và bay đi. Bầu trời cao xanh điểm tô những đám mây trắng bồng bềnh thật đẹp. Nắng cuối thu vàng óng và ấm áp. Tiếng hót của Én con ngân xa cùng bóng chim bé nhỏ mờ dần phía trời xa.
Bùi Minh Huế | Báo Văn nghệ