Với tôi không phải cho đến khi đọc bài Nợ một lời cảm ơn, tôi mới nhớ đến “món nợ" của mình, mà đã từ lâu rồi tôi vẫn luôn day dứt với "món nợ" chưa trả được. Thực ra không phải là tôi không có dịp để trả, mà vì tôi không đủ can đảm để trả.
“Món nợ" của tôi có thể khi các bạn đọc xong sẽ cho rằng: "Ôi dào cái chuyện trẻ con ấy mà, trẻ con nào mà chẳng nghịch ngợm, chẳng mắc phải sai lầm". Đúng là chuyện xảy ra khi tôi còn rất nhỏ, chỉ mới 7 tuổi thôi. Quá lâu rồi phải không, thế mà... mỗi lần có dịp nào đó gợi nhớ về cái thời xa xưa đó tôi lại cứ dằn vặt vì chưa nói được một lời xin lỗi với người mà tôi vẫn hằng quý trọng như một người thân.
Hồi đó là thời kỳ chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, tôi cùng mẹ sơ tán về một vùng nông thôn. Mẹ con tôi được phân về ở nhờ nhà bác chủ nhiệm HTX. Bác rất quý tôi, hay gọi tôi là “công chúa áo hồng", vì tôi hay mặc áo hồng và trông cũng xinh xắn. Vốn sinh ra ở thành phố nên tôi rất ngỡ ngàng với tất cả những gì thuộc về nông thôn. Tỷ như tôi đã hỏi bác chủ nhà “Bác ơi, con chó nhà bác là chó trống hay chó mái?”, hay “Ơ, con lợn nhà bác nó ăn bằng mũi ạ?"... Những câu hỏi của tôi đã làm cả nhà bật cười đến chảy nước mắt. Song, chỉ trong vòng vài ngày tôi đã có thể chạy tung tăng theo bọn trẻ nhà quê đi mót khoai, mót lạc, hái trộm ngọn rau lang, trèo cây, rung ổi, thôi thì chẳng thiếu một trò gì của trẻ con nông thôn mà tôi không làm. Mặt mũi tôi đen nhẻm, tóc tai khét nắng. Nhưng bác chủ nhà vẫn rất chiều tôi, bác hay cho tôi theo bác ra đồng thăm lúa, đến sân hợp tác, nếu tôi mỏi chân, bác lại cõng tôi trên tấm lưng to bè của bác. Thấy mẹ con tôi ăn uống yếu ớt, bác đã đổi gạo mới cho mẹ con tôi rồi lấy gạo mậu dịch của mẹ con tôi để ăn, bác bảo rằng: “Nhà tôi đông người, ăn cái gạo này nó dôi cơm lắm, chứ ăn gạo mới chỉ tổ dính răng". Hôm nào đi làm đồng về, bác cũng lôi trong cạp quần ra mấy con ốc hay cua gì đấy trút vào nồi rồi đưa cho mẹ tôi, bảo nấu cho tôi ăn. Dù nhỏ nhưng lúc ấy tôi cũng cảm thấy bác thật tốt, rất thương mẹ con tôi. Điều này không cần mẹ tôi phải dặn, tôi cũng biết phải thật ngoan để không làm phiền đến bác. Thực lòng, tôi cũng rất sợ bác không yêu thương tôi. Vì nếu như thế thì chắc phải sợ lắm. Bác cao to lừng lững, mặt mũi quắc thước, trông rất dữ tướng. Thực tế ở làng cũng nhiều người nể sợ bác, còn trẻ con thì càng hãi, đứa nào nghịch ngợm bác quát thì chỉ còn nước đái ra quần.
![]() |
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |
Hôm đó, cả nhà đi vắng, đang vào vụ gặt tháng 5, tất cả phải ra đồng, trẻ con cũng phải ra đồng đi mót lúa. Mẹ tôi trước khi đi làm còn dặn tôi không được đi chơi xa vì dễ bị cảm nắng. Tôi tha thẩn ra vườn chơi, ở đó có ao bèo và những cây ổi chín. Bỗng tôi nghe thấy có tiếng mèo kêu thảm thiết, tìm mãi mới phát hiện ra chú mèo con đen nhẻm đang chơi vơi trong đám bèo tây. Tôi vội vàng đi tìm một cành củi dài và chìa về phía chú mèo, đang trong cơn tuyệt vọng, chú mèo vội vàng bám lấy và tôi kéo nó vào. Chẳng biết vì muốn tỏ ý cám ơn tôi hay vì lạnh mà nó cứ quấn vào chân tôi. Vốn nó là con mèo gày còm xấu xí, mắt luôn toét nhèm, nên tôi chẳng bao giờ vuốt ve nó. Bây giờ người nó ướt như một con chuột lột, nên tôi càng ghét, tôi bực mình ẩy ra mấy lần, nhưng nó cứ xán lăn vào tôi. Song, tôi cũng đang buồn vì không có gì để chơi, tôi bèn nảy ra sáng kiến biến con mèo thành đồ chơi. Tôi nhặt một chiếc mo cau rồi rải lá lót cho con mèo nằm, nhưng nó không chịu nằm, cứ chui ra, tôi bắt vào, nó lại chui ra. Tôi nghĩ chỉ có thả xuống ao, nó mới hết đường ra. Thế là tôi thả cái mo cau xuống ao giả làm con thuyền, con mèo đúng là không dám bước ra khỏi cái thuyền của nó, nhưng nó không chịu đứng yên mà quay đi quay lại, làm "con thuyền" cứ chòng chành, và càng trôi ra xa. Tôi hốt hoảng lấy cành củi để khều “con thuyền" vào, nhưng càng chạm vào nó, như lại càng đẩy nó xa hơn. Và con mèo càng sợ hãi cuống cuồng xoay tròn trong chiếc mo cau, và rồi chính nó đã làm lật thuyền. “Con thuyền" úp sấp trên mặt nước, con mèo giãy giụa ngoi lên, nhưng nó không đủ sức bám vào đám bèo nữa, chỉ gào lên được mấy tiếng là chìm hẳn. Tôi bật khóc. Cả khu vườn vẫn im ắng, trong nhà chỉ có tiếng ngáy khò khò của bà cụ già trên chiếc võng cói.
Chiều tối mọi người mới về nhà đầy đủ. Trong bữa cơm tôi nghe bác chủ nhà hỏi vọng ra ngoài sân: "Có đứa nào trông thấy con mèo con đâu không?”. Không ai trả lời. Một lúc chị con gái lớn nhà bác cắp rổ bèo từ ao đi vào, trên tay chị là xác con mèo đen đã rũ như cái rẻ rách. “Chắc lại mải đuổi bướm sa chân đây mà". Bác chủ nhà đang hút dở điếu thuốc lào bỗng vứt xoạch cái điều xuống sân chạy ra đỡ con mèo ấp vào ngực như muốn ủ ấm cho nó. “Trời ơi! sao lại đến nông nỗi này hả Mun con".
Tôi cúi mặt xuống bát cơm, lần đầu tiên cảm thấy không muốn ăn.
Thế rồi, một lần tôi được bác chủ nhà dẫn ra đình xem đập lúa. Trong hương lúa mới quyện với ánh trăng trong và bác kể cho tôi nghe về làng quê của bác. Nỗi xúc động trào lên khiến tôi muốn thú tội với bác về cái chết của con mèo đen, nhưng không hiểu sao tôi lại ngập ngừng hỏi bác: “Bác ơi, bác yêu con mèo đen lắm phải không?” – “Ừ bác yêu nó, vì nó là con mèo đã sống sót trong trận ném bom vừa rồi ở làng bên. Hôm đó bác cùng đội dân quân đi cứu thương. Bác đến căn nhà bị sập và tìm thấy từ đống đổ nát một đứa bé trai, nó nằm sấp nhưng dưới nó là một ổ mèo con còn rất bé. Thằng bé đã chết và những con mèo cũng đã chết. Bác định đưa đứa bé trở ra thì bỗng nghe có tiếng mèo kêu rất khẽ. Bác kiểm tra lại đám mèo thì phát hiện ra một con còn sống, đó là chú mực đen xấu xí ấy. Bác đem nó về, hàng ngày phải đi xin sữa và bón nước cơm cho nó...” “Bác ơi!...” Tôi run rẩy định nắm lấy tay bác nói một lời xin lỗi, nhưng tôi rụt lại, tôi sợ ánh mắt nghiêm khắc của bác. Tôi sợ... như người ta sợ phải từ bỏ một thứ gì đó đang rất quý giá, nên tôi chỉ ấp úng hỏi "Thế, thế bác vứt con mèo đâu rồi hả bác” – “Sao lại vứt, bác chôn nó ngoài gốc ổi rồi”.
Tôi đã không chiến thắng nổi nỗi mặc cảm về tội lỗi của mình, tôi đã im lặng và cho đến tận bây giờ. Nhưng càng im lặng, tôi càng nhớ. Tôi sinh ra ở thành phố nhưng cả tuổi thơ tôi gắn liền với những kỷ niệm ở thôn quê nơi tôi được tắm trong tình yêu thương của những người nông dân hiền lành chất phác. Nơi đã nuôi tôi bằng vị ngọt thơm của gạo mới, của những bát canh cua đồng béo ngậy, những bát dấm ốc cay nồng. Sau này khi trở về thành phố, tôi vẫn nhớ da diết cái vùng quê ấy, tôi mong một lần nào đó quay trở về để gặp bác chủ nhà, để được nói với bác một lời xin lỗi. Nhưng tôi đã lần lữa hết lần này đến lần khác, vì nhiều lý do. Khi tôi có dịp trở về thì đã muộn, tất cả đã thay đổi quá nhiều rồi, bác chủ nhà đã thành người thiên cổ. Tôi tìm cây ổi ngày xưa nơi chôn con mèo ngày ấy, cây ổi cũng không còn nữa, người ta đã chặt hết giống ổi đó rồi, cái giống ổi mà hương thơm của nó quấn quýt suốt tuổi thơ tôi. Tôi mang câu xin lỗi trở về, không biết đến bao mới trả được, có lẽ là mãi mãi…