Hoàng hôn. Những đám mây mang màu sắc của lửa hực lên đuổi bắt nhau cuối trời. Đầu óc tôi chợt liên tưởng đến trò chơi của chiếc bong bóng thủy tinh khi còn là sản phẩm của lửa với người tạo ra nó, với người mơn trớn nó bằng hơi thổi từ lồng ngực của mình.
Hoàng hôn của những hình hài do lửa sáng tạo ra. Hoàng hôn của đời sống trễ nải in hắt lên bên trên cánh đồng phía trời Tây. Ta có bao lần để hoàng hôn soi tràn vào mắt mình? Ta đã bao lần thấy nó là cuộc sống chính ta với những đam mê và khát khao đến cháy cả tâm can?! Ôi, những hoang tưởng thời trai trẻ chỉ còn lại một chiếc bong bóng thủy tinh rỗng rênh khi đến tuổi xế chiều. Để làm gì? Khi ta tự hỏi “Để làm gì?” nghĩa là ta đã có câu trả lời, nghĩa là ta đã nhận ra điểm mốc vô hình gần cuối của một hành trình.
Và những nô lệ của lửa nguội lạnh dần, chiếc bong bóng thủy tinh chứa màn đêm loang loãng vừa hình thành, rồi trở nên sắc lạnh nhanh chóng, chiếc bình bầu trời kia không chứa rượu hay nước hay những ham hố của một kiếp nhân sinh, nó chứa trong ấy những ngày thu đa mang của kiếp người.
Nó in khắc trên chiếc bình thủy tinh khổng lồ kia bóng hình của chính tôi, một đứa con sớm bị ném vào giông bão, in khắc bóng dáng tất tả của má tôi, một người đàn bà đi qua chiến tranh, quặn đau vì chiến tranh, in khắc đôi quang gánh mà tôi đã nằm một đầu thúng trong lớp quần áo cũ quấn quanh, còn đầu kia là quầy chuối cau vừa chín tới. Má không lao vào biển lửa tất tả đi tìm chồng như nàng Scarlett trong tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió, ngược lại, má trốn thoát khỏi biển lửa, má một nách năm con bấm từng ngón chân vào con đường đất sét trơn trợt, bươn đi trong mưa đạn bom, trong mưa nước mắt, trong mưa tủi hờn, trong mưa bấn loạn khi vừa chôn vội người chồng tử thương trong đêm hỏa châu, đêm của chiếc bong bóng thủy tinh vừa vụt tắt những tia lửa dữ. Thoát. Má đã thoát khỏi biển lửa chiến tranh nhưng ngay lúc ấy đã phải đối mặt với một thứ biển hoang hoải và đau đớn khác.
Tôi đó, thằng út một tháng tuổi, đứa bé đỏ hỏn nằm trong một đầu thúng má đã gánh chạy đi trong đêm chết chóc, chạy đi trong cơn mưa nước mắt ấy mãi mãi nối kết với má bằng những trực giác của lửa, của nỗi bàng hoàng, điếng dại đêm đen. Và tôi thường thấy má tôi trên góc trời hoàng hôn của những ngày thu đa mang như cuộc đời của má. Tôi quặn đau như một thứ hệ lụy truyền kiếp, tuổi thơ lăn lóc bị cháy sém, tuổi trẻ tả tơi bị cháy sém, tuổi thu buồn tủi cháy sém và ai biết được điều gì đang đợi phía hoàng hôn.
Có một quán ăn tên là Bến Xưa, có một góc ký ức tên là Hoài Niệm, người ta đã trang trí những chiếc lưỡi hái gỉ sét trong một chiếc thúng, cạnh bên là một chiếc thúng lót lá chuối khác với một quầy chuối cau. Tôi đã đưa bước chân qua nhưng phải quay lại đứng bần thần, một góc hồn quê xa xưa thật mỏng, thật gợi đã được phục dựng ở đây. Mắt tôi bị hút vào những chiếc lưỡi hái, chỉ vài chiếc còn gắn trong vòng hái bằng gỗ uốn cong với một cái mỏ cò dài quặp xuống. Đó là công cụ của những thợ gặt năm xưa. Hình ảnh đó làm tôi xúc động vì chợt nhớ đến má, người thợ gặt đa mang của gia đình tôi, nhờ nghề gặt cấy thuê mà má đã nuôi anh em tôi khôn lớn. Tôi chợt nhớ đến những ngày thơ bé lủn tủn đi theo má đến những cánh đồng vàng rực. Trò chơi đầu đời của tôi là trò chuyện với những gié lúa vàng, mỗi gié lúa đều có cách gật gù khác nhau, mỗi gié lúa đều có cách từ chối, giận hờn khác nhau. Lớn hơn chút nữa, tôi theo sau chân má và những bạn gặt để mót những gié lúa sót rơi vãi bên những gốc rạ lấm lem bùn lầy.
Gót sình lầy. Gót phẻn vàng. Gót khổ nhọc. Những gót chân nứt nẻ của má luôn ám vào trí nhớ bé thơ tôi. Tôi hiểu nó là gì. Tôi thấu nó là gì. Và tôi mang mãi vết thương lòng từ đôi gót chân thương thuộc vào trong từng ngày sống, từng ngày lớn khôn, từng ngày đau thắt ruột của mình.
Chiếc vòng hái đã gợi lên cánh đồng như thế! Nó làm cho tim tôi trĩu nặng. Nó làm cho ngực trái tôi âm ỉ đau. Nó đẩy tôi chìm ngập trong nỗi nhớ và những dằn vặt.
Không, tâm hồn tôi không có gì để sửa chữa cả dù đã nhiều lần để sự vô tâm lấn át, bởi sửa làm sao được khi má đã đi xa, sửa làm sao được khi những chiếc bong bóng thủy tinh đã nguội lạnh và những nô lệ của lửa không còn nữa. Những đám mây mang màu sắc của lửa đã đi qua bên kia cánh đồng, vĩnh viễn đi - qua - bên - kia - cánh - đồng. Một góc tâm hồn tôi giờ chỉ còn, mãi còn chiếc vòng hái, quầy chuối cau và những ngày thu đa mang.
Nguyễn Hiệp | Báo Văn nghệ
-----------------
Bài viết cùng chuyên mục: