Sự kiện & Bình luận

Trong đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Lê Thị Liên Hoan
Bút ký phóng sự
14:00 | 10/12/2024
Baovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
aa

PV: Thưa ông cây, ông đã bao nhiêu tuổi?

Cây: Sao Văn nghệ Trẻ hay hỏi tuổi người khác thế? Trong khi có ai hỏi ngược lại đâu?

PV: Vậy xin ông giới thiệu sơ qua về tiểu sử?

Cây: Tôi sinh ra trong một gia đình nho học. Cha tôi đã từng mọc ở sân đình lớn, trong khi mẹ bình dị hơn, đứng khép nép cạnh một cái miếu nhỏ.

PV: Nơi thường trú?

Cây: Sân 51! Nếu cô còn hỏi chỗ ấy là đâu thì tôi sẽ hỏi cô là ai? Đối với tôi cũng như với hàng vạn người, 51 là trung tâm, là vũ trụ, là học viện, là quán bia. 51, đấy là bầu trời xanh, là dòng suối mát, là rừng nguyên thủy. Nếu 51 có một bài hát riêng, bài ấy phải mang tên "Chúng ta là thế giới".

PV: Ôi, giọng của ông đầy vẻ tự hào? Đấy là ông mới mọc ở sân thôi, chưa bao giờ vào nhà.

Cây: (Kêu to) Đấy không phải là nhà. Đấy là cung điện, là thánh đường. Đấy không phải tòa nhà, đấy là tổ ấm, là ổ rơm, là nơi nghệ thuật đã sinh ra, đã lớn lên, và đã trẻ lại.

PV: Nghệ thuật nào?

Cây: Mọi nghệ thuật. Từ cái sân này, tôi rủ bóng xuống Điện ảnh, xào xạc cùng Âm nhạc, lấp lánh cùng Mỹ thuật. Từ cái sân này tôi lim dim cùng Nhiếp ảnh, vặn mình bên Sân khấu, nắng mưa cùng Liên hiệp, từ cái sân này, tôi...

PV: Ông ơi, ông đừng xúc động quá thế?

Cây: Tôi phải xúc động thôi. Làm sao người ta không như thế khi người ta mọc trên một mảnh đất mà mỗi milimét đều in dấu chân văn nghệ sĩ, mỗi viên gạch nếu biết nói đều cùng hô "Tiến lên đi, nghệ thuật!", mỗi cửa sổ đều quay về hướng mặt trời và mỗi tiếng máy chữ lại rền vang như tiếng trống Đông Sơn.

PV: hào hùng quá.

Cây: Hào hùng và thơ mộng. Nhà báo có tin không, tôi đứng đây đã gần nửa thế kỷ mà vẫn thấy một số nhà thơ văn ngày nào cũng nhẹ nhàng bước qua tôi. Ở chân tôi, nghĩa là ở gốc cây, hàng chục danh nhân đã uống bia, vài mươi nghệ sĩ đã thì thầm và rất nhiều tâm hồn lớn đã tựa lưng vào, đã cười, đã say, đã bay cao và đôi khi đã khóc.

Trong đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo
Ảnh pixabay

PV: Ông cây ơi, ông có giúp được gì cho họ không?

Cây: Nhiều lắm. Tôi không bao giờ ngắt lời họ, không khi nào mang lời người này kể xấu người kia. Tôi che nắng, tôi che mưa, tôi đong đưa cả khi trời lặng gió. Tôi chưa từng để một chiếc lá rụng trúng đầu ai, vì họ mảnh mai, dễ tổn thương lắm. Tôi cho vài tia nắng lọt xuống mảnh sân, để mỗi bước chân họ đều bước lên ánh sáng.

PV: Hỏi câu này ông đừng nghĩ cháu tò mò, ở đấy có tình yêu chứ?

Cây: Tình yêu là gì? Có phải thứ tình khi thơ anh gọi tên em, khi ngồi cạnh nhau anh không xem được cảnh nào trên sân khấu. Tình yêu là đâu, phải chăng lắng sâu trong từng nốt nhạc, hiện ra mộc mạc như những mảnh trong phim, bóp nhẹ con tim khi giở từng tấm ảnh.

PV: Có ý kiến giữ 51 thành bảo tàng nghệ thuật?

Cây: Tại sao phải giữ, khi bản thân nó đã là bảo tàng. Không tủ kính, không hiện vật, không khóa, cái nó lưu giữ chính là cái không khí nghệ thuật thiêng liêng ngưng đọng nơi đây.

PV: Ngưng đọng?

Cây: Có, có tên khác: kết tinh!

PV: Họ cư xử thế nào hả ông cây?

Cây: Nếu họ không uống bia (mà trời ơi, họ hay uống lắm), họ dịu dàng, rụt rè, mong manh, giòn.

PV: Cái sân ấy chắc nhiều giai thoại lắm nhỉ. Ông kể cho cháu một chuyện được không?

Cây: Được. Hôm trước một nhạc sĩ sáng tác gặp một nhà thơ ở góc sân và nói "Tôi đã lấy bài thơ trên bàn anh, phổ thành một bài hát hay tuyệt, và tôi tôn trọng anh, không sửa chữ nào". Nhà thơ trả lời:"Sửa thì phòng thuế sẽ đến ngay ngày mai, vì đấy là biên lai tôi gửi lên tài vụ".

PV: Còn giai thoại nào nữa hả ông?

Cây: Còn. Có cô diễn viên gặp đạo diễn và trách "Em đi với anh cả tháng, đóng nguyên một phim Thị Mầu mà hôm qua mở ti vi chả thấy gì cả”. Đạo diễn trả lời: "Thấy sao được khi em coi bằng tivi đen trắng".

PV: 51 vui nhất vào dịp gì hả ông?

Cây: Dịp cuối năm. Hội nọ được hội kia mời dự trao giải.

PV: Những cây ở ngoài sân có ghen tỵ với ông không? Về vấn đề gì?

Cây: Về sự được tin cậy. Tuy tôi là cây, nhưng tôi biết nhiều chuyện mà đến người cũng không biết.

PV: Có khi nào ai định chặt cây?

Cây: Ồ, ai mà thích trên đầu trống trải.

PV: Thưa ông cây, ông tự cho nhược điểm lớn nhất của mình là gì?

Cây: Đôi khi tôi cũng hơi giật mình, cứ gần gũi mãi với nghệ sĩ, thỉnh thoảng tôi cũng tưởng mình là nghệ sĩ.

PV: Nếu có một tấm biển lưu niệm 51, nên đóng ở cổng hay đóng vào thân ông?

Cây: Thân nào? Khi mà biển hoàn thành thì cái thân tôi đã mọc lên rất cao rồi.

Văn nghệ Trẻ, số 7/1997
Truyện thơ Thúy Lan - Ngòi bút thần kỳ khắc họa nên đại mỹ nhân Việt

Truyện thơ Thúy Lan - Ngòi bút thần kỳ khắc họa nên đại mỹ nhân Việt

Baovannghe.vn - Gần đây, truyện thơ Thúy Lan của Lê Hữu Bình được tái bản lần thứ 6 và đã đến tay nhiều bạn đọc xa gần cả biên giới hải đảo, anh nhận được nhiều bài phản hồi ca ngợi hết lời, điều đó chứng tỏ: Cái hay, cái đẹp có sức lôi cuốn mạnh mẽ.
Huế ngày mai

Huế ngày mai

Baovannghe.vn- Vị thế Trung ương là vị thế mà Huế đã từng đứng cao hơn thế trong suốt hơn mấy trăm năm, từ khi là thủ phủ xứ Đàng Trong (1636-1775), kinh đô của nhà Tây Sơn (1788-1802) và kinh đô nhà Nguyễn (1802-1945). Riêng văn học xứ Huế đã có một số đặc điểm hết sức đặc biệt: vùng Thuận Hóa có nền văn học viết xuất hiện với một khởi đầu đầy chất bác học là bài thơ Hóa Châu tác (làm tại Châu Hóa) của Trương Hán Siêu năm 1353.
Dừng chân trong khu vườn... - Thơ Vương Cường

Dừng chân trong khu vườn... - Thơ Vương Cường

Baovannghe.vn- Mười ngày đêm cơm vắt ngang lưng/ nước uống không kịp lọc
Những khả thể và quyền năng của văn chương

Những khả thể và quyền năng của văn chương

Baovannghe.vn - Trao giải cho một nhà văn, theo đó, cũng đồng nghĩa với việc củng cố giá trị, quyền năng và những khả thể của văn học mà nhà văn ấy
Đọc truyện: Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Đọc truyện: Về nơi cỏ ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương