Chị có một cuộc sống ngập ngụa thừa mứa vật chất. Chị có thể dành ngày này tháng nọ đọc những quyển sách hay, nghe những bản nhạc yêu thích, đàn hát để giải tỏa. Tơ còn không biết ba mẹ là ai. Bơ vơ, vất vưởng nương tựa chốn chùa mấy năm, rồi ra đời lang thang gầm cầu xó chợ. Bi đát hơn, con bé chẳng thể mở miệng nói ra điều nó nghĩ. Uất ức, giận hờn, cay đắng hay có chút niềm vui nào cũng chẳng thể sẻ chia. Nỗi khổ lớn nhất đời Tơ là câm mà không điếc. Chị chẳng hình dung được bé xíu thế thì làm thế nào nó gánh nổi bao thăng trầm mà tồn tại được đến lúc này. Mẹ chị cứu con bé khi nó bị đánh tả tơi bởi một lũ choi choi bợm bãi. Bà muốn chị mang Tơ lên phố phụ giúp những việc nhẹ nhàng trong nhà, hơn nữa mẹ muốn có một người bên cạnh xoa dịu chuỗi ngày trống trải của chị. Tơ thích ứng nơi này khá nhanh. Da dẻ nó hồng hào, những đen nhẻm, xù xì, bết bát bong tróc hết. Nó lột xác thành đứa trẻ nhanh nhẹn, xinh xắn và rất tình cảm với chị. Mọi ý muốn của chị dường như là mệnh lệnh tuyệt đối của con bé. Tơ yêu chị một cách sùng bái. Kiểu vừa biết ơn, vừa dè dặt đón nhận, vừa hoài nghi vì những thay đổi quá đột ngột giữa thực tại và cuộc sống khắc nghiệt trước đây. Nó làm chị thấy mình vĩ đại, như thể cứu rỗi được một kiếp người. Lúc không đọc sách, không bận bịu với cây đàn, chị dạy chữ cho Tơ. Tuổi mười lăm, Tơ bắt đầu đánh vần những con chữ đầu tiên. May là nó sáng dạ vô cùng. Ban đầu, chồng chị rất khó chịu vì nhà không thiếu tiền để thuê giúp việc chuyên nghiệp hơn một đứa bé câm, vả lại công việc chẳng có gì nhiều nhặn bởi phần lớn chỉ hai cô cháu ở nhà. Nhưng dần dần, lại thấy ổn khi mọi việc đâu ra đó. Tháng đôi lần chồng chị tiếp vài vị khách quan trọng. Tiệc tùng đông đúc, anh luôn mời đến khu resort ven biển. Thêm việc Tơ không nói được có thể cũng là điểm cộng. (Chồng chị ghét người giúp việc mang chuyện nhà chủ ra tám.) Còn chị, cần một người để bầu bạn trong căn biệt thự này là chính.
Căn biệt thự năm tầng. Mỗi tầng ngoài không gian sinh hoạt chung có hai phòng ngủ. Riêng tầng trên cùng một phòng - phòng số 9. Chị gọi thế. Trước ngày chị về nó bị lãng quên. Nghe chồng bảo ban đầu anh xây phòng này và thiết kế tầng thượng thành sân golf mini để luyện tập. Sau bận bịu không dùng đến, cuối tuần tham gia câu lạc bộ golf tỉnh nọ tỉnh kia, bỏ bê luôn. Chị về làm vợ, biến tầng thượng thành góc riêng. Cây đàn, mấy kệ sách, bàn đọc, cái giường be bé và trồng thật nhiều hoa. Chồng có vẻ hài lòng dù cả tháng trời không đặt chân lên. So với người vợ trước suốt ngày ăn chơi vung vẩy, gây tai tiếng thì sự ẩn dật, kín đáo, thu mình và khép kín của chị khiến chồng vừa ý. Cả những khi chồng tiếp khách vip, gặp gỡ bàn bạc nọ kia trong căn biệt thự này, chị cũng không bao giờ lộ diện. Chị sợ ồn ào và nơi an toàn nhất, với chị, vẫn là đằng sau cánh cửa phòng số 9. Mỗi sáng, khi tài xế đậu xe bên ngoài cổng, chồng xách cặp bước ra, chị lại lên đây. Tựa thể mở cánh cửa, là cả thế giới của riêng mình. Tĩnh lặng, ấm áp, an yên.
Từ cửa sổ phòng số 9 nhìn xa xa có một ngôi chùa. Trước chỉ là một am nhỏ, vài người dân trong vùng lui tới chuyện trò với sư cô hiền lành, dễ mến. Mấy năm nay, trụ trì từ nơi khác đổi về, chùa tấp nập một cách lạ thường. Một đồn mười. Mười thổi trăm. Rằng trụ trì đẹp trai và giảng kinh hay không chịu nổi. Rằng chùa cực linh thiêng, cầu được ước thấy. Phật tử đến chùa đông nghịt. Những rằm mồng một, dày đặc lồng chim, chậu cá hai bên cổng chùa. Người đi lễ mua vài con, vài chục con, vài trăm con vào chùa phóng sinh. Tơ hay nhoài người ra cửa sổ đau đáu nhìn những lồng chim dằng dặc. Đôi mắt con bé ươn ướt. Nó ra hiệu, bằng ngôn ngữ của riêng mình, rằng chùa nó ở trước kia người ta cũng đến phóng sinh rất đông. Tơ định kể gì đó dài lắm mà chị chỉ hiểu lõm bõm. Cứ hỏi đi hỏi lại, gật lắc nhiều bận. Con bé chạy đi lấy viết, gạch từng dòng. Câu chữ lộn xộn, lỗi chính tả ngổn ngang. Lần nào xong lễ, con cũng phải chôn vô số chim chết. Vô số sao? Dạ, không chỉ vài chục đâu cô, có bữa vài trăm í ạ. Lũ chim chết vì ngột ngạt, bức bối, thiếu tự do hả con? Có những con chim bị bẫy chân dính keo không bay được, ngã gục khi lồng vừa mở. Người ta tung lên ngỡ chúng sẽ bay vù vào bầu trời xanh rộng kia nhưng chúng lảo đảo rồi rơi bộp xuống đường thoi thóp thở. Có những con xác xơ, đờ đẫn giữa đám đông khi được mở lồng. Chùa sát quốc lộ cô à. Xe cộ chạy đầy đường. Và, chúng bị cán bẹp dí. Chỉ một số ít khỏe mạnh vẫy vùng bay lên trời cao, còn lại bay vạ đậu cây cối gần đó đã là may, sau lại bị dính bẫy.
Đem tự do vô giam cầm rồi thả. Phóng sinh?
Những con chim ngoi ngóp, rũ rục lẩn quẩn trong giấc ngủ nhọc nhằn của chị. Chị đi ngang cổng chùa, người đàn ông mắt xếch, ánh nhìn dữ dằn đang đuổi bắt những chú sẻ bé tẹo vừa được thả sau lễ phóng sinh. Gã liếc dọc liếc ngang, quơ quào tứ phía. Cả đàn chim què quặt, kiệt sức. Lũ chim ngác ngơ giữa tiếng kinh kệ. Ngác ngơ giữa những nguyện cầu. Chao chát, hoảng loạn. Gã mắt xếch nhìn chị chào mời: “100k một chục, chim ngon, rũ bụi trần bữa giờ, mang về nướng nhậu healthy hết nấc bác ơi!” Gã cười hô hố tự tán thưởng mình. Rồi lớn tiếng giãi bày khi tóm phải những con chim sắp chết. Chết mẹ nó rồi! Chỉ có vứt chứ bán buôn gì! Đời khốn nạn thật! Phải chui nhủi, lén lút thế này, lắm lúc gặp phật tử họ chửi sa sả vào mặt chứ dễ xơi à! Mẹ kiếp! Bọn kia bắt nhốt, họ mua lại không sao. Rồi thả ra, của đếch thằng nào nữa, mà vẫn phải lấm la lấm lét. Cái lí của bọn nhân danh phóng sinh nó thế! Chị dúi một xấp tiền, và mở lồng chim. Bầy chim giương mắt nhìn chị. Những con mắt ươn ướt - hệt đôi mắt của Tơ. Gã mắt xếch cười khùng khục trước nắm tiền, nhìn chị loay hoay với lũ chim què quặt, và xách lồng đi. Chị đuổi theo, gã ngoái lại. Điệu cười khả ố méo mó, biến dạng. Này thì phóng sinh! Hố hố hố...
Tơ cũng như chị luôn bị ám ảnh về những con chim. Có một bữa khuya lắm, chồng chị vắng nhà, con bé xộc vào phòng lay chị dậy. Con nghe tiếng rên rỉ tội nghiệp của những con chim. Chị bật cười và nghĩ nó ngủ mớ. Tiếng chim nào giữa đêm khuya, trong căn phòng kín mít? Con bé thẫn thờ mãi rồi mới đi ngủ lại. Năm giờ sáng, nó kéo chị chạy ùa lên tầng thượng và mở cánh cửa sổ. Hai chú chim đang co ro nép sát vào tấm đanh. Đói khát, thương tật. Con chim đực trụi một nhúm lông ở đầu nhưng vẫn còn khá cứng cáp. Chim cái lẩy bẩy vì lạnh. Máu liên tục rỉ ra phía chân phải bị thương. Có lẽ chúng đã ở đây từ đêm qua. Chị bàng hoàng. Con bé linh cảm được chăng? Tơ nhoài người ấp hai con chim trong vòng tay ấm áp. Chị lấy vải vụn, làm cái ổ xinh xinh ngay góc phòng cho Tơ đặt chúng vào. Con bé dịu dàng vỗ về, tỉ mẩn băng bó vết thương rồi đi lấy nước và gạo. Hai con chim ban đầu e dè, lo sợ. Khẽ khàng mổ, rồi cắm cúi, như thể bữa giờ không bụng dạ nào ăn. Bọn chúng vừa thoát ra từ lồng phóng sinh. Thi thoảng đang ăn, con chim đực lại đảo mắt về hướng chùa sợ hãi. Này là chim sẻ cô à! Chim én thì chết ngay nếu không được thả sớm. Kiên cường nhất là những chú chim sắt, tụi nó qua mấy ngày bị giam vẫn đủ sức chắp cánh tung bay. Buổi sáng hôm sau, chị và Tơ bàng hoàng mở mắt khi nghe tiếng chiêm chiếp thảm thiết. Con sẻ đực bay loạn xạ khắp phòng. Chim sẻ mái bị cắn đứt làm đôi, máu rơi vãi tung tóe. Một nhúm lông bay tả tơi. Gã mèo hoang nghe tiếng động giật mình nhảy ra bậu cửa, còn ngoái lại meo meo tiếc nuối. Tơ khóc sưng cả mắt. Nó thu dọn từng cọng lông, đặt xác con chim tội nghiệp vô một cái hộp đẹp đẽ rồi mang chôn ngoài góc vườn. Cả ngày hôm đó, Tơ không ăn uống gì cả. Chị thắt lòng nhìn con chim đực lẩn quẩn, bay ra bay vào vườn, rồi đậu trên tấm đanh không chịu rời đi. Nó quyến luyến, nó nhớ thương bạn đời. Đến ngày thứ năm, con sẻ đực nghĩa tình đảo qua đảo lại mấy bận, đậu trên cửa sổ, bay đến cái tổ chim trong góc, kêu mấy tiếng rất thê lương rồi vỗ cánh bay. Thế giới ngoài kia mênh mông lắm, nhớ rời xa chốn kinh kệ và đừng để sa vào bẫy nữa nhé, chim ơi! (Mấy tháng sau, thi thoảng một con chim sẻ lại bay về trú trên tấm đanh. Tơ đoan chắc với chị đó chính là con sẻ đực dạo nọ.)
Có nhiều lần, chị lẩm nhẩm đọc theo những câu kinh phóng sinh phía bên chùa vọng lại, mong tìm chút an yên, chị giận mình không nhập tâm nổi. Không đủ tịnh tâm để thấu hiểu, nên chẳng ngộ ra gì cho bản thân chăng? Thì lũ chim trời cá chậu kia, hiểu được tiếng kinh kệ của loài người sao? Và những cánh chim nhỏ bé kia trước khi được mở lồng, phải chở theo nặng trĩu những ước muốn vô hạn của lòng tham? Nghe kinh Phật bao bận, lũ chim liệu có bình an? Chị chỉ nhìn thấy sự hoảng loạn và run sợ của chúng lúc được thoát ra.
Ngổn ngang quá, chị ru lòng mình bằng giai điệu.
Phòng số 9 - Truyện ngắn dự thi của Lưu Thị Mười. Minh họa: Đỗ Dũng |
Chồng chị say mê tiếng đàn và giọng hát của chị, như một sở hữu quý giá cần thiết để bày biện trong căn biệt thự sang trọng và cuộc đời vốn dĩ đầy khốc liệt, dối trá chốn thương trường. Chị và đam mê đàn hát làm cuộc sống của chồng thi vị hơn. Sau những chung chi nhậu nhẹt, chơi bời, tiếp đãi đối tác, quan khách, thi thoảng chồng chị quay về nhà (gần như lần nào cũng say), chồng sẽ khoanh tay, đứng ngoài lan can tầng thượng, rít thuốc, lắng nghe, thi thoảng ngẫu hứng huýt gió theo nhịp, và thể nào cũng kết thúc bằng một nụ hôn tham lam, cuồng dại, rồi bế thốc chị xuống phòng ngủ. Ngấu nghiến. Si mê. Chóng vánh. Thỏa mãn. Đắc ý. Và say sưa ngáy. Mặc kệ những giấc ngủ nhọc nhằn của chị. Nhiều khuya, nhìn người đàn ông nằm bên cạnh, chị thấy mình cô đơn quá đỗi. Lẻ loi kinh khủng! Bên cạnh là một người xa lạ. Ngoại trừ những ơn nghĩa ba mẹ hai bên, hình như bọn chị chẳng hiểu gì về nhau, và đau đớn hơn, chẳng ai bận tâm vì điều đó. Cả những nhung lụa và cuộc sống vương giả này cũng làm chị lạc lõng. Không tin nổi là mình đã có thể sống thế mấy năm nay. Không sẻ chia. Không giận hờn đòi hỏi. Ngay cả một đứa con, chị cũng không nài ép (mà có van vỉ đi nữa chắc chi chồng chị gật đầu khi anh đã có hai đứa con riêng sinh đôi du học nước ngoài.) Chị gần bốn mươi. Vẫn đơn độc như đời mình phải thế! Thậm chí chị tự hỏi sẽ thế nào nếu một ngày chồng dắt về một người đàn bà mới. (Dĩ nhiên chị biết chuyện đó sẽ khó xảy ra, vì chồng chị yêu chị, mà không, có lẽ là ham muốn chị, ít ra là đang muốn sở hữu chị, và quan trọng hơn, chị là lựa chọn an toàn của chồng.) Còn ngoài kia anh làm gì, đi lại với những ai, bao nhiêu chỗ ấm áp lui tới, bao cô gái trẻ sẵn sàng ngả vào, lại là một chuyện khác. Và nào có nghĩa lí gì (khi chị không mấy bận tâm).
Thì há chi khúc hát trên môi còn chưa kịp khép lại...
*
Tiếng đàn hát của chị sẽ chẳng bao giờ dang dở thế nơi góc vườn xưa cũ. Chị nhớ da diết những tháng ngày phiêu bồng nơi phòng trà ấy. Trà Quán mộc mạc, ấm áp. Ở đó, có gốc ngọc lan mỗi bữa lác đác bung vài bông đủ để dịu dàng giữa bảng lảng khói thuốc và dập dìu giai điệu. Ở đó, chị sẽ ôm đàn và cất tiếng hát giữa những khách quen tâm hồn đầy nghệ sĩ. Chủ quán, khách và ca sĩ dường như là một, quyện hòa giữa giai điệu, quên bớt nhọc nhằn ngoài kia. Ở đó, phía góc cuối vườn, là người đàn ông chị yêu, phong trần, uyên bác, dịu dàng. Người đó tung tẩy những ngón tay theo nhịp, cảm nhận từng câu từ, từng nốt trầm sâu lắng mỗi khi chị cất giọng. Người đó nhẹ nhàng gỡ cây đàn ra khỏi người chị, ngồi cùng chị với ấm trà nóng bên gốc ngọc lan những lúc vãn khách. Người đó bập bùng guitar cho chị ngân nga hoặc cùng chị nghe sonate dưới ánh trăng. Quán khuya. Chỉ người đó và chị. Cùng lấp lánh trăng. Trăng ánh lên thứ ánh sáng huyền hoặc, như vũ điệu hoang dại, chảy tràn, lượn, cuốn tròn vào mượt mà êm dịu của ca từ, thanh âm. Cũng có khi, sau tách trà khuya, một ngẫu hứng nào đó bất chợt, sẽ chở nhau đi uống một ly bia lạnh, rồi vòng vèo vài con phố. Chị ngồi sau lưng anh, ngô nghê những câu chữ vớ vẩn bất chợt thành nhạc, dưới lất phất mưa đầu mùa.
Chỉ thế, chỉ thế thôi mà mãi chẳng thể quên!
Có những bữa, nhớ quá, cô đơn quá, chị kể Tơ nghe về người đó. Chị vẽ gương mặt gầy ốm, phong trần của anh. Chị chấm phá, nối kết, ghép những vụn vỡ. Và say sưa kể. Mắt Tơ lấp lánh, rạng rỡ, tựa thể nó là người hạnh phúc chứ không phải là chị trong câu chuyện kia. Hay đôi mắt của chị cũng đang lấp lánh giữa những hồi tưởng êm dịu và lan tỏa sang Tơ? Ừa, ừa, người đó đàn hay hơn cả cô con à. Cô chơi đàn và hát còn người đó là chủ phòng trà. Người đó lặng lẽ ngồi ở góc vườn, ngắm nhìn và nghe cô hát. Đêm từng đêm êm dịu như hương hoa thoang thoảng. Ừa, hương ngọc lan. Mai cô sẽ tìm một gốc ngọc lan trồng vào chậu xem sao Tơ nhỉ! Người đó thích mái tóc dài của cô dữ lắm, lần nào cũng hái cho cô một chùm ngọc lan để về trộn bồ kết gội đầu. Một khuya nào đó, trăng cũng sáng và trong vắt như đêm nay. Khu vườn rộng hơn sân thượng này chứ con. Trăng dát vàng lên hoa, hương hoa quyện vào trăng, bọn cô ngồi và tận hưởng hương trăng con à. Hương trăng, con nghe hay không, người đó gọi thế! Tiếng guitar bập bùng, cô khe khẽ hát. Trời ơi, cô chưa bao giờ thấy mình phiêu đến vậy! Nếu mà được sống với người đó, những bản nhạc của cô sẽ đỡ da diết con nhỉ? Cô đã luôn tưởng tượng thế! Ừa thì, chuyện người lớn mà con. Đâu phải thương nhau là được sống cùng nhau. Người đó còn một ràng buộc. Dù họ ít ở gần nhau nhưng vẫn chưa ly hôn. Và cả những đứa trẻ. Cô có tư cách gì mà đòi hỏi hơn! Đấy, con thấy cô đáng thương chưa? Thì vậy, cô phải có chồng chứ sao? Lúc đó cô gần bốn mươi còn gì! Sao lại là chồng cô bây giờ hả? Người đó là ánh sáng soi lên những hoài niệm hạnh phúc về quãng ngày tươi đẹp, thì chồng cô là cứu tinh cho cả gia đình cô. Con nghĩ xem nên thế nào?
*
Hồi chồng chị ngỏ lời giúp chị, cả nhà, cả dòng họ biết ơn và xem anh như một vị thánh. Mẹ chị đi chùa, rập đầu đội ơn nghìn bận. Tạ ơn trên trước, tạ ơn trời đất đã mang anh đến với chị. Thằng em trai duy nhất của chị được bảo lãnh ra khỏi nhà tù, được anh trả giúp hết nợ nần, giải quyết mọi ân oán giang hồ. Căn nhà và mảnh vườn ông bà để lại cũng được chồng chị chuộc về. Và giúp đỡ những họ hàng thân thuộc khó khăn. Có là bao! Con đi làm từ thiện bên ngoài còn gấp nhiều lần í chứ! Chồng chị luôn miệng nói thế với ba mẹ chị! Đội ơn ấy lên đầu mà trả cả đời nhé con! Huống chi là lãng quên mối tình của một đàn bà ba mươi chín! Mối tình không hẳn có hi vọng, sao cứ muốn níu lấy? Chồng chị đã ly hôn vợ và có con riêng thì đã sao? Bận lòng chi nữa, chị đàn bà lỡ thì, có phải gái mới lớn đâu, mà chồng tử tế thế kia! Mấy ai sánh bằng! Có gì quan trọng hơn khi không còn những tiếng thở dài và những giọt nước mắt của mẹ? Không thấy cảnh cha trắng đêm hốc hác bên xị rượu ngoài hiên. Không cắn chặt môi quay lưng mỗi bận đi thăm tù em trai. Trong này khổ quá Hai ơi! Khổ quá Hai à! Còn cách nào để em ra ngoài làm lại cuộc đời không Hai?
Nhưng xong. Xong cả rồi. Chồng là cứu tinh!
Thì há chi việc chị không yêu và chẳng hiểu chồng? (Biết đâu đó lại là may mắn của chị trong cuộc hôn nhân này?) Thì há chi vồ vập cục súc của chồng giữa men say? Thì há chi thi thoảng chồng chị điên tiết giày vò mỗi bận chị trơ trơ trước ham muốn của anh? Cứ sống thế thôi!
Trốn vào sau cánh cửa phòng số 9 tìm chút an yên.
Cánh cửa nào đem lại an yên, khi trằn trọc giữa khuya vẫn chẳng ngớt. Có một lần sau những rên rỉ vờ vịt chiều theo cơn say và ham muốn của chồng, đầu còn gối trên tay, chẳng hiểu sao chị kể cho chồng nghe về những con chim đau khổ bị cầm tù. Chồng vừa ngáp vừa cười chị đa đoan. Mắc chi bận tâm những sinh linh bé nhỏ. Đó là nhân quả của lũ chim đó từ kiếp trước, em can thiệp làm gì! Với lại, cũng có thể là phước phần, là duyên nghìn đời của bọn chúng khi được nghe kinh kệ phóng sinh. May mắn bởi được ban phật tính, có phải con chim nào cũng được thế đâu! Nhân quả ư? Đừng can thiệp sao? Thế chúng bị bắt không phải đã là một sự can thiệp thô bạo, là tội ác? Duyên nghìn đời? Nghe sao mà bi hài, chua xót! Chị thở dài trằn trọc, giữa tiếng ngáy sảng khoái của chồng. Và bí bách, không cởi được mình ra khỏi ác mộng. Cả bầy sẻ, bầy én lượn quanh giường chị. Những con chim nhỏ bé, đau đớn, run rẩy nhìn chị, van vỉ, tha thiết. Xác chim đẫm máu la liệt trên mặt đất. Những con chim xù đôi cánh, cuộn tròn tự che chắn hòng trốn thoát tiếng kinh kệ và những cầu xin. Những con chim quằn quại, giãy giụa không lối thoát trong phòng số 9. Chị với tay, mở cửa lồng. Bay đi chim ơi! Sao vẫn chỉ những ánh nhìn ươn ướt? Tụi bay khóc sao? Ủa, Tơ ơi, Tơ à, những con chim kia muốn điều gì ở cô thế con? Mà Tơ ơi, sao con lại chui vô cuộn tròn trong lồng chim thế kia! Đôi mắt ươn ướt của chim hay của con Tơ ơi? Tơ à, ra khỏi lồng đi con!
*
Một chập choạng tối, mông lung vô định dắt chị đến quán cũ. Quạnh quẽ. Đìu hiu. Quán chắc đã đóng cửa khá lâu. Chị đến bên cổng, sờ tay vào ổ khóa im ỉm, lạnh lẽo. Chị men theo hàng rào, với tay vào trong bứt một nhánh ngọc lan. Cách một cánh tay thôi, là chỗ người đó và chị hay ngồi. Ngọc lan vẫn thoảng hương, người đó giờ đi đâu? Bà cụ hàng xóm thấy chị mãi chẳng về, lập cập bước ra thở dài. Là cô à? Chìa khóa chú ấy gửi đây, cô muốn vào không? Chú ấy đóng cửa quán hổm giờ mấy tháng rồi cô không biết sao? Vợ chồng ly hôn, bọn nhỏ theo mẹ vào Nam, chú ấy đơn độc một mình nên vùi vô rượu, rồi lỡ tông chết người ta, và bị kiện nên vẫn trong tù. Chả hiểu ông trời có mắt không, sao một người tử tế như chú ấy lại khổ thế kia!
Mọi thứ quay cuồng! Chị không hiểu mình đã lê chân đến tận đâu, không hiểu sao khuya đó có thể về đến cổng nhà! Tầng một. Tầng hai. Rồi tầng ba. Phòng chồng chị tiếp khách, đèn vẫn rực rỡ. Tiếng nhạc, tiếng cụng ly, tiếng cười văng vẳng. Chị nhọc nhằn, mệt mỏi nhấc từng bước lên tầng bốn. Mong được chút yên tĩnh để nghĩ về mọi chuyện. Tơ ơi! Tơ à? Người đó đã đi tù, con nghe đau đớn chưa! Dù lâu nay không gặp, cô đã luôn tự an ủi rằng người đó vẫn mãi bên cô qua những tỉ tê cùng con. Giờ thì người ấy đơn độc sau cánh cửa nhà tù con à. Hết em trai cô rồi giờ là người đó? Cô phải làm gì đây? Chị kéo mình lên tầng thượng. Chị chạm chân trước cánh cửa phòng số 9. Con bé chắc đã ngủ thiếp. Gần một giờ sáng rồi còn gì! Chị đẩy cánh cửa bước vào. Trời ơi! Sao thế Tơ ơi? Chị lao đến ôm chặt con bé. Tơ ơi! Chuyện gì thế con? Sao lại ngồi đây? Sao lại hoảng loạn tê dại nhường này? Làm ơn cho cô biết đi Tơ! Sao thế này con ơi? Con bé rúm ró, co cụm nơi góc phòng đúng chỗ con sẻ mái chết dạo nọ. Áo quần nó xộc xệch. Tấm ga trải giường xộc xệch. Vài giọt đỏ tươi! Chị nghĩ đến những vương vãi máu trong tổ chim dạo nọ. Tơ nhìn chị như vô hồn. Mắt nó khô khốc, rỗng tuếch. Trời ơi! Hệt đôi mắt của con chim mái bị cắn đứt đôi. Cô đây! Cô đây mà! Tơ ơi, sao thế này con ơi! Không cần Tơ nói gì thì chị cũng đã hiểu. Qua run rẩy ánh nhìn kia. Thôi rồi Tơ ơi! Là ai, là ai trong những kẻ đốn mạt tầng dưới? Chồng chị hay kẻ khốn nạn nào gây ra nhớp nhúa này? Tơ ơi! Tơ ơi!
Tiếng cụng ly, ngả ngớn, bét nhè bí tỉ từ căn phòng tầng ba vọng lại. Bọn họ vẫn còn cụng ly. Bọn họ vẫn đang cười khả ố! Bọn chúng làm gì Tơ tội nghiệp để con bé bấn loạn thế kia? Chị ngã quỵ, ôm chặt nó vào lòng. Tơ chằm chằm nhìn vào khoảng không vô định trước mặt. Vẫn ngác ngơ, chưa thể định thần. Trong vòng tay chị, Tơ còn khiếp đảm đến không dám nhìn, không dám sẻ chia, thì nãy giờ, nó đã trải qua những hãi hùng nào? Chị hận mình đã để con bé ở nhà một mình tối nay. Đến chị còn không chở che được thì con bé biết dựa vào ai? Hay nó sợ chị khổ, sợ chị liên can sau những tởm lợm? Hay nó sợ một đe dọa nào đó? Sao chị thấy mình khốn nạn, hèn hạ, và bất lực đến thế này! Ngỡ cứu rỗi Tơ, hóa ra lại đẩy nó vào một mịt mùng thăm thẳm.
Phía dưới tầng ba, trong căn phòng sang trọng ngập ngụa rượu ngoại đắt tiền, ba gã đàn ông trung niên say sưa chúc tụng, cụng nhau bằng những sóng sánh chảy tràn trên ba gương mặt căng bóng, mỡ màng, tràn trề thỏa mãn. Giữa sặc mùi bựa mửa. Giữa tởm lợm ô nhục. Sau cánh cửa phòng số 9, chị và Tơ bé nhỏ co cụm vào nhau.
Chị thì có khác gì Tơ, câm điếc trong căn biệt thự này?
Chị thì có khác gì Tơ!
Chị bật khóc, siết chặt Tơ vào lòng. Con bé mệt nhoài sau những tả tơi, mắt khép lại. Khuôn miệng nhỏ mím chặt. Nó thiếp đi. Rồi vùng dậy miệng ú ớ, la hét, vẫy vùng. Nó nhào người ra khỏi vòng tay chị. Nấc liên hồi. Rồi cố lao ra khỏi cánh cửa phòng số 9. Đầu Tơ đập vào cạnh cửa. Một dòng máu chảy ra từ trán con bé. Máu nhỏ xuống phòng. Ướt đẫm ngực áo Tơ và nhuộm đỏ đôi tay của chị. Chị hãi hùng giữa chập chờn. Phòng số 9 ngập tràn máu. Máu của con chim mái dạo nọ loang một góc phòng. Máu từ đầu Tơ chảy thành dòng. Máu rịn ra từ bản lề. Sàn nhà nhuộm đỏ. Chị điên loạn bật dậy. Xốc Tơ. Và lao ra khỏi phòng. Đi đâu bây giờ, đi đâu Tơ ơi? Miễn là bước ra khỏi cánh cửa ngỡ chốn ẩn náu an toàn. Chị kéo Tơ, chạy xuống năm tầng lầu. Tiếng cụng ly đuổi theo. Tiếng cười khả ố đuổi theo. Chị ngã dúi dụi trên cầu thang. Băng mình ra đường. Nắm chặt tay Tơ giữa mịt mùng.
Giữa mênh mông đen bất tận lúc ngang qua cổng chùa, chị nghĩ đến những cái lồng đầy chim thoi thóp thở. Chị nghĩ đến con sẻ mái mắt mở thao láo tức tưởi chết. Và nghĩ đến con Tơ rúm ró góc phòng.
Tơ ơi! Tơ ơi! Chị gọi tên Tơ giữa giấc ngủ chập chờn...
Viên đạn ngọt. Truyện ngắn dự thi của Trần Quỳnh Nga Sỏi đá ngày sau...Truyện ngắn dự thi của Hồ Thúy An Hoa đào đá xanh dương. Truyện ngắn dự thi của Trần Hoài |