Chuyên đề

Phỏng vấn Tháp Bút ở Hồ Gươm

Trần Văn Lý Lẽ
Câu chuyện văn hoá
17:00 | 29/09/2024
Baovannghe.vn - Đêm đêm ta vẫn thảng thốt với đền Ngọc Sơn, tâm giao với Tháp Rùa, thì thầm với các bác cây cổ thụ...
aa
Phỏng vấn Tháp Bút ở Hồ Gươm - Trần Văn Lý Lẽ

LTS: SAU KHI RA ĐỜI CHUYÊN MỤC TRONG ĐÁM ĐÔNG HỎI LẤY MỘT NGƯỜI VNT LẬP TỨC ĐƯỢC NHIỀU BẠN ĐỌC CỔ VŨ NHIỆT LIỆT. CÁC PHÓNG VIÊN CÓ TIẾNG LÊ THỊ LIÊN HOAN, TRẦN THỊ VUI VẺ LẦN LƯỢT PHỤ TRÁCH MỤC NÀY. ĐỂ ĐA DẠNG GIỌNG ĐIỆU, VNT TIẾP TỤC "XUẤT CHƯỞNG" MỘT CÂY BÚT THỨ BA, ANH TRẦN VĂN LÝ LẼ, VỚI CUỘC PHỎNG VẤN THÁP BÚT - TÁC PHẨM CỦA CỤ PHƯƠNG ĐÌNH NGUYỄN VĂN SIÊU, ĐỨNG BÊN CỔNG ĐỀN NGỌC SƠN. HY VỌNG NHIỀU CÂY BÚT SÁNG GIÁ CÙNG THAM GIA VỚI CHÚNG TÔI TRONG NHỮNG SỐ TỚI.

Phỏng vấn Tháp Bút ở Hồ Gươm - Trần Văn Lý Lẽ

PV: Bẩm cụ Tháp Bút, Văn nghệ Trẻ có lời kính cụ.

Tháp Bút: A, Hậu thế. Đã lâu lắm rồi mới có người hỏi ta một cách tử tế như vậy; quả lâu lắm rồi! Những từ ngữ đại loại như thế chỉ còn vang bóng trong sử sách. Bây giờ chỉ những "chưởng", "choác", "chích", "hê - lô", hất hàm... toàn những động từ mạnh.

PV: Thưa cụ, mỗi thời một khác?

Tháp Bút: Thế nhà anh bảo mỗi thời lại đổi một nền văn hiến, đổi cốt cách người Việt à.

PV: Xin cụ "to nhỏ bảo nhau" cho. Nếu cụ không bận "Viết thơ lên trời cao", xin cho hậu thế "vấn" bậc tiền bối đôi lời tiên chỉ.

Tháp Bút: Anh bảo "Viết thơ..." hả. Nước Nam ta ai mà chẳng sản xuất thơ. Nhưng ta đâu có "Viết thơ...", ta viết tư tưởng, viết một nền văn hiến của dân tộc này lên giời đấy chứ.

PV: Thưa, cụ nói vậy có to tát quá không?

Tháp Bút: Bốn ngàn năm văn hiến, một ngàn năm Thăng Long không đáng viết sao? Hay anh nghi ngờ cả trí lự cụ Phó bảng Nguyễn Văn Siêu? "Thần Siêu Thánh Quát" hỏi có được bao người. Ấy là chưa kể cái khí tiết của người quân tử, biết cáo quan về làm dân và dạy chữ cho thiên hạ. Anh thử rọi đèn pin Văn Điển xem thiên hạ thời nay có ai một lần biết từ quan. Mà đạo làm thầy cũng thị trường hóa rồi phải không. Bồi dưỡng, dạy thêm, lò luyện thi, câu lạc bộ gia sư... Công nghệ luyện thi ở ta đứng hàng nhất thế giới; chỉ tiếc chưa xuất khẩu được.

PV: Cụ phải thông cảm cho sự nghèo. Nghèo thì khó mà sang lắm.

Tháp Bút: Thế anh bảo thời thầy Siêu giàu hơn bây giờ?

PV: Dạ, dạ... ý con là...

Tháp Bút: Ngẫm về hậu thế, ta cứ gọi là tan nát lắm. Đến ngay phần mộ, phần đất gia tiên thầy Siêu, người ta đến ở nhờ rồi giở võ lì vạ ra đấy đến mấy chục năm, không cơ quan nào giải quyết được, thì còn ra thể thống gì!

PV: Ở Hà Nội, có khu đất công nào, chùa chiền nào mà không bị mấy anh "Chí" mượn "chung thân" vài gian, vài trăm mét đất, huống hồ tư gia cụ Nguyễn ở làng Kim Lũ?

Tháp Bút: Văn nghệ Trẻ mà còn khá hiểu, huống chi ta đứng đây trên một trăm năm chứng giám. Nhiều lúc tưởng những bệ đá thân ta nổ tung, nhưng vì phải mang cái tư tưởng, cốt cách tinh hoa của tiền nhân mà gắng gượng.

PV: Không lẽ, cụ đứng giữa trung tâm văn hóa thủ đô mà không có chuyện vui?

Tháp Bút: Hẳn có. Ta đứng giữa quần thể lịch sử và văn hóa Hồ Gươm, ngày đêm nghe hồn thiêng sông núi, tắm trong không khí cội nguồn. Đêm đêm trò chuyện với các cụ tiên chỉ Rùa. Các cụ thích nổi lên giữa đêm thanh tĩnh đàm đạo việc đời, tâm tình chuyện hậu thế, đoán định tương lai cố quốc. Đêm đêm ta vẫn thảng thốt với đền Ngọc Sơn, tâm giao với Tháp Rùa, thì thầm với các bác cây cổ thụ...

PV: Hình như cụ lại đang làm thơ về lịch sử?

Tháp Bút: Có thể giọng ta từng ngâm vịnh bao bài thơ, ngân nga bao bản nhạc, thẩm thấu bao bức họa ra đời ở đây. Câu lạc bộ thơ phường cũng thỉnh thoảng ra cao đàm khoát luận. Cầm, kỳ, thi, họa gọi là tứ mùa thưởng thức, giao thoa.

PV: Xin cụ thử xướng mấy vần thơ tiêu biểu về Hồ Gươm.

Tháp Bút: Nó lung linh làm sao! Nào là Hà Nội có Hồ Gươm, nước xanh như pha mực, nào là Hồ Gươm nước biếc chiều nay quá, nào là Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ, thiên thu hồ nước mong chờ bấy nay, lại thêm nước Hồ Gươm như rau muống luộc... Anh tưởng tự nhiên mà có thi ca à. Chính linh khí của giời đất phả vào tâm hồn nghệ sĩ của các anh mà thành nghệ thuật.

PV: Cụ nói khí phải. Nhưng sao lại nhắc cả kỳ ở đây?

Tháp Bút: Lúc nào quanh bờ hồ mà chẳng có vài bàn cờ tướng. Ấy là thú nhàn tản chỉ Hà Nội mới có. Mở mắt đã thấy các cụ ngồi dí tốt, thượng pháo cả rồi. Nhưng chao ôi, tình yêu đôi lứa bây giờ mới "thoáng" làm sao. Đêm đêm những cuộc tình già, tình non hổn hển, nức nở dưới gốc cây. Ta đứng mãi đây thành ra cũng quen với đương đại. Tình yêu cứ tựa cả vào ta mà... thổn thức.

PV: Thế thì trong cụ hẳn chứa nhiều chuyện thâm cung bí sử? Có phải vì tích hàng pho sách về việc đời, việc thời, việc thế mà trông dáng cụ có vẻ bị nghiêng thế không?

Tháp Bút: Anh đã tinh nhưng chưa thông. Chứa hàng vạn pho sách, nghĩa là càng tích tụ văn hóa thì càng làm cho ta vững chãi, bề thế, vời vợi... ta nghiêng chỉ vì lầm bọn bút rởm, bút đục khoét công quỹ; nhưng ông đe-réc-to (directer) ký ma để có tiền Cạp-ve, karaoke, xây vila, lót tay ô dù... cách làm giàu này thì đến Mỹ cũng phải học. Vì vậy, cái ách bút nghiên đổ hết lên ta, làm hồn bút ta điêu đứng, làm bút lực ta nhiều phen trồi sụt. Không biết nay mai có còn "Viết thơ lên trời cao" được như nhà thơ các anh miêu tả không hay viết xuống mặt lưng giời, viết xuống đất... và cá

PV: Xin cụ bảo trọng! Tại cụ quá bộ nhạy cảm đấy thôi. Bây giờ có ai dễ khóc thế đâu. Đích thị cụ thuộc dòng nghệ sĩ rồi.

Tháp Bút: Đừng tưởng nhắc đến nghệ sĩ mà ta vui. Có nhà thơ đi làm thơ quảng cáo cho bánh đậu xanh; có nhạc sĩ chuyên sản xuất phân xưởng ca, xí nghiệp ca, xã ca... ; đến ông họa sĩ thì cũng lại "tranh bờ hồ". Hồ Gươm thiêng ơi, người ta cứ lôi cụ ra để đặt tên cho thứ phẩm văn hóa. Chúng ta đang bị hai lần ô nhiễm rồi.

PV: Sao lại hai lần, thưa cụ?

Tháp Bút: Cái ta vừa nói là ô nhiễm văn hóa. Còn môi trường tự nhiên thì sao? Có hôm các cụ Rùa ngợp thở gần chết vì Hồ Gươm như cái hố rác công cộng.

PV: Tưởng ở đây có nhiều bảo vệ lắm ạ?

Tháp Bút: Tối nào mỗi gốc cây chả có một cặp "bảo vệ". Thế mà mỗi gốc cây đồng thời cũng là mini toilet. Nhưng thôi, nói đến cái sự quản lý thì cả ngày không hết. Ta còn lo cho thân ta chưa xong.

PV: Cụ có vẻ nản chí?

Tháp Bút: Tối qua, cụ Rùa hỏi một câu làm ta giật mình: "Này Tháp Bút, sao bây giờ trông anh như cái cọc rào thế?".

PV: Sao cụ Rùa lại không mấy nhã vậy nhỉ?

Tháp Bút: Lúc đầu ta hơi khó chịu. Thói đời ưa phỉnh hơn là phê. Cứ hơi bị phê bình là làm mình làm mẩy. Ngẫm lời cụ, nhìn quanh, nào "Hà Nội vàng", "Hàm cá mập", "Lò thúc mầm"... lấn lướt thì hồ cũng thành ao, ta chả thành cọc rào thì là cái gì? Tiền Tây bây giờ cao ngạo. Lòng tự trọng, truyền thống văn hóa được điều đi "sơ tán" cả rồi,

PV: Xin thứ lỗi vì làm cụ mệt mỏi. Chỉ dám bẩm cụ lời chót: Sắp đến kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long, bao giờ Hồ Gươm mới thành trung tâm văn hóa, giải trí sạch đẹp, văn mình, hiện đại?

Tháp Bút: Ý tưởng như Tháp Bút ta, cách nhìn như cầu Thê Húc, tốc độ như cụ Rùa, thẩm mỹ như màu ve mới quét lại ở Tháp Rùa, tổ chức cọc cạch như kiến trúc Hà Nội, quản lý như đường điện nhàng nhịt khắp phố.. quả thực, đến thầy Siêu ta cũng mít tịt, chứ nói gì đến cái bút của ông ấy.

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Cây gạo ở chợ chiều - Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng Đọc truyện: Hoang đảo giữa thành phố. Truyện ngắn dự thi của Phát Dương
Văn nghệ Trẻ, số 17/1997
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà
Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Baovannghe.vn- Chầm chậm nhé trời chiều nay đã Chạp/ Người tha hương đã kịp về đâu/ Ai rửa phèn chua nhàu nhĩ áo nâu/ Rơi giấc phố tiếng dế ngày xa lắc