Chuyên đề

Trong đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một "con mọt phim"

Trần Văn Lý Lẽ
Câu chuyện văn hoá
22:35 | 06/10/2024
Baovannghe.vn - Làm thật, đừng diễn. Tinh vi đừng tinh tướng. Tinh ý đừng vi tính. Bớt nghệ nhân tăng phần nghệ sĩ. Trọng nghệ tinh mà không bám thân vinh… vân vân
aa
Trong đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một
Phỏng vấn của Trần Văn Lý Lẽ

Ông không bỏ sót một phim hay nào ở rạp và có thể ngồi ôm ti vi "âu-vơ-nai" (Over night) hàng đêm liền. Ông ta mê phim, mê ti vi mụ cả người, đến nỗi, hàng phố còn thấy ông treo một biển phoóc-mi-ca rất oách ngay trên cổng ra vào nhà ông "Sống và làm việc theo ti vi!". Thế có nghĩa, ông coi ti vi là người hướng đạo, chỉ ti vi nói là đúng. Có một dạo ông ốm quá, đầu gối nổi hết củ lạc, bà vợ phát hoảng tháo ăng ten MMDS, thậm chí cho ti vi vào hòm khóa lại. Chỉ sau một ngày ông lên cơn sốt, bà vợ phải hộc tốc lắp đặt lại ti vi ngay; còn nấu cháo gà bê lên tận giường để mời ông "vừa nằm vừa xem vừa ăn".

Vì thế, cần một thông tin thời tiết điện ảnh nào là tôi cứ phóng thẳng đến "con mọt" phim này mà không cần bất kỳ một chuyên gia nào khác. Ông rất khoái khi được gọi biệt danh như trên.

Phỏng vấn một "con mọt phim" - Trần Văn Lý Lẽ (thực hiện)
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

PV: Thưa ông, ông cũng có thể được coi là người lạ trong thiên hạ. Ông cho biết vì sao ông lại mê phim đến thế không?

"MỌT PHIM" (MP): Không khó khăn gì. Mỗi người có thú chơi của mình. Nhà giàu chơi nhà, chơi xe, nhà nghèo chơi rẻ nhất là áo quần, tóc tại. Đánh một chiếc quần loe và để tóc dài, đã một thời được coi là "tay chơi" hoặc "a-ma-tơ". Nghèo nhưng cũng thích vênh vác một chút với thiên hạ thì để râu, chơi ria. Có người thích chơi ria xén kẻ, có kẻ lại thích để lòe xòe cho "tự nhiên chủ nghĩa". Còn tôi thì lấy phim ảnh làm thú. Có gì là lạ.

PV: Vâng, ông là người nổi danh trong hàng phố vì xem phim. Vậy ông thích phim Ta hay phim Tây?

MP: Có thế mà cũng còn phải hỏi. Câu hỏi, cách hỏi của phóng viên Văn nghệ Trẻ sao giống phóng viên truyền hình thế.

PV: Thế nghĩa là...

MP: Thế nghĩa là biết rồi mà vẫn cứ hỏi. Dĩ nhiên là phim Tây. Lòng tôi yêu nước ta, còn thú vui của tôi là phim Tây.

PV: Ông có thể giải thích rõ hơn không?

MP: Đơn giản là, phim Tây hơi bị hay.

PV: Thế còn phim Ta?

MP: Phim ta quá nhiều phim "mì ăn liền". Ngay cả phim truyền hình, thoạt đầu có tiếng vang, nay cũng rủ nhau "hạ cố" cả. Có hôm, ngồi xem phim mà chỉ muốn ôm ti vi đập một cái cho rồi. Chợt con "mẹ đĩ" ngồi bên đánh mày một cái nên xẹp khí. Nhưng ấm ức, đờm dâng tắc nghẹn cổ, mạch nhảy nhót linh tinh. May kịp đến bệnh viện móc đờm ra không thì toi từ lâu rồi.

PV: Ông là người thâm thúy về điện ảnh, xin ông cho biết "cá tính" của phim ta.

MP: Cá tính của phim ta là không có cá tính.

PV: Nghe có vẻ rắc rối quá nhỉ?

MP: Hơi bị dễ hiểu đấy. Vì phim Ta cái nào cũng giống cái nào. Giống về sự rậm lời, về nét nhạc, vì sự nhạt. Và đặc biệt sự sân khấu hóa điện ảnh. Diễn viên Tây, một cái nhìn, một nét mặt có thể khắc họa một cá tính, một tính cách, một tâm trạng rất đời. Diễn viên ta hàng đấu nước mắt, hàng mẹt sự cau có... mà diễn không ra, càng "diễn" càng giả, càng ngày càng giống kịch.

PV: Có phải diễn viên ta... chưa buồn đã khóc, chưa vui đã cười không?

MP: Thế thì còn may. Xuất sắc nhất ở đặc điểm này là cô Diễm Hương, phim nào cũng thấy mếu mếu cười cười. Đa số bây giờ họ còn không biết cười, biết khóc nữa cơ.

PV: Vì sao phim ta bị nhiễm căn bệnh cố hữu này nhỉ?

MP: Vì trường đào tạo của ta là Trường Sân khấu - Điện ảnh, chứ không phải là trường Điện ảnh.

PV: Khác nhau cơ bản giữa đạo diễn Ta và đạo diễn Tây?

MP: Đạo diễn Tây là chuyện chả ra chuyện mà cũng làm ra phim hấp dẫn, phim hay. Đạo diễn Ta là biến một kịch bản hay thành phim dở hoặc cắt gọt đến nỗi tác giả kịch bản nhìn đứa con tinh thần của mình cũng na ná như con ông hàng xóm.

PV: Ông có biết cuộc trao đổi của Văn nghệ Trẻ về phim "Hoàng Lê nhất thống chí" không, hình như ông vừa có ý ám chỉ về phim này?

MP: Ồ, bàn làm gì phim ấy cho nẫu ruột ra. Mấy thằng con quỷ sứ của tôi nó bảo: Xem phim "Hoàng Lê nhất thống chí”, không bằng bú tí đàn ông!

PV: "Thủ trưởng" cực đoan quá chăng. Vậy theo tư ý của Ngài, thành công xuất sắc nhất của đạo diễn ta là gì?

MP: Là có thể biến những hoa hậu, ca sĩ thành minh tinh màn bạc tuốt tuột.

PV: Nghe nói các nhà làm phim nước ta và Hollywood chuẩn bị có trao đổi hợp tác.

MP: Tôi chỉ nghe đồn. Nhưng hợp tác chính ở đây là Hollywood muốn sang cầu cạnh học ta.

PV: Học ta? Tôi có nghe nhầm không đây.

MP: Đúng vậy. Hô Li gì thì cũng phải học chứ! Chẳng hạn, làm thế nào mà những nhân vật lăn lóc trong lửa đạn chiến trận mà áo quần, giày dép vẫn mới toanh. Chẳng hạn, như phim "Người không mang họ", tên tướng cướp (do Lý Hùng đóng) và cảnh sát ngụy đuổi bắn nhau veo véo trên đường, làm thế nào để dân chúng hai bên đường "cóc có sợ", đi xe đạp lững thững như làm thơ thế kia. Học ta ở cái sự ai cũng có thể làm Những đạo diễn, ai cũng có thể đóng phim, ai cũng có thể viết kịch bản phim... Anh bảo Hollywood mà to à.

PV: Nói Tây - Ta mãi nó xa xôi. Ông bảo Hollywood phải học ta, vậy so ngay với điện ảnh nước Tàu kề bên, ta có đại danh nào cỡ Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu và có phim nào "ăn" nổi phim của họ?

MP: Ta cũng có một số đạo diễn có tài nhưng quả cỡ quốc tế như hai ông Ca - Mưu thì chưa. Và phim cũng vậy.

PV: Ông có biết bí quyết của họ không?

MP: Theo tôi, chính là họ trung thực nhìn lại mình, dám dũng cảm bứt phá khỏi cái rọ một thời rất Mao ít.

PV: Ta thì sao?

MP: Ta thì chui vào cái rọ của mình và nằm im không chịu ra.

PV: Quả "Đại ca" không hổ danh "con mọt" phim của mình. Văn nghệ Trẻ xin bái tạ sự "tinh vi", "vi tính" của Thầy. Xin Thầy cho một lời khuyên phim ảnh nước nhà, đặng mong thịnh vượng, bổ ích cho muôn dân.

MP: Làm thật, đừng diễn. Tinh vi đừng tinh tướng. Tinh ý đừng vi tính. Bớt nghệ nhân tăng phần nghệ sĩ. Trọng nghệ tinh mà không bám thân vinh… vân vân, vân vân và vân vân.

------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Ngọc lan trắng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Đọc truyện: Hư cấu. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Nhật Huy Đọc truyện: Ký ức đồng vọng. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính Đọc truyện: Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung
văn nghệ trẻ, số 20/1997
Tiểu thuyết "Nắng Thổ Tang" của Đinh Phương đoạt giải Sách hay 2024

Tiểu thuyết "Nắng Thổ Tang" của Đinh Phương đoạt giải Sách hay 2024

Ngày 6/10 tại TP.HCM, Ban tổ chức Sách hay 2024 đã trao giải cho các tác giả và tác phẩm xuất sắc. Ở hạng mục được quan tâm là Sách văn học, tiểu thuyết Nắng Thổ Tang của nhà văn Đinh Phương đoạt giải Sách hay cùng với dịch phẩm Ba màn kịch (Tác giả: Jon Fosse, Dịch giả: Thiên Nga).
Khánh thành Biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sainte-Adresse

Khánh thành Biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sainte-Adresse

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thành phố Sainte-Adresse dự Lễ khánh thành Biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Quốc phục Việt Nam vẫn chưa đạt được đồng thuận

Quốc phục Việt Nam vẫn chưa đạt được đồng thuận

Việt Nam, một quốc gia với nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, vẫn chưa chính thức có một bộ quốc phục được toàn xã hội công nhận. Gần đây, vấn đề này một lần nữa được đưa ra thảo luận sau khi cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị về việc nghiên cứu và sớm đề xuất quy định về quốc phục.
"Thời bao cấp" . Tạp bút của Hà Thanh

"Thời bao cấp" . Tạp bút của Hà Thanh

Baovannghe.vn - Giám đốc một cơ sở sản xuất phân trần với nhà báo rằng, nhà máy của ông ta làm ăn kém cỏi là do vì phải gánh chịu những hậu quả thời bao cấp.
Hoa không hề ngủ

Hoa không hề ngủ

Baovannghe.vn - Đôi khi những chuyện tầm thường lại khiến ta ngạc nhiên. Hôm qua, khi đặt chân đến một lữ quán ở Atami, ngoài hoa trưng bày ở hốc phòng, người ta còn đem hoa hải đường đến cho tôi. Vì hơi mệt nên tôi đi ngủ sớm. Đến nửa đêm, khoảng 4 giờ sáng, tôi chợt mở mắt. Hoa hải đường vẫn chưa đi ngủ.