Sáng tác

Tìm con. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Diệp Mai

Nguyễn Thị Diệp Mai
Truyện
13:00 | 25/09/2024
Baovannghe.vn - Nội tôi nói cô Tư là con chung của nội và bà Hai Trầu ở Cầu Đúc. Tôi rất lấy làm lạ. Nhiều lần tôi hỏi, nội chỉ cười không nói.
aa
nhà thơ
Tìm con - truyện ngắn của Nguyễn Thị Diệp Mai

Nội tôi vốn thế, tính tình tỉ mỉ, ít nói, rất giỏi chịu đựng gian khổ và mất mát. Trong tám người con của nội thì ba người đã vĩnh viễn nghỉ yên trong lòng đất giữa tuổi đời đẹp nhất: cô Tư, chú Bảy, chú Tám. Tôi thường thấy nội lặng lẽ ngồi nhìn ba tấm bằng liệt sĩ trên bàn thờ ẩn hiện sau làn khói nhang trắng đục. Lúc đó tôi không biết nội nghĩ gì nhưng chắc chắn là nội đang tưởng nhớ hình ảnh của ba đứa con thân yêu. Tôi chưa bao giờ biết ba người con đã mất của nội vì họ hi sinh lúc tôi chưa chào đời. Tôi chỉ biết nhìn ba tấm ảnh thờ để hình dung ra họ. Chú Bảy, chú Tám thì hao hao giống cha tôi. Còn cô Tư thì tôi không biết cô giống ai trong nhà nhưng tôi biết một điều là cô rất đẹp.

Cha tôi kể cô Tư hi sinh lúc đang trên đường đi công tác. Cô bị trực thăng đuổi chạy băng qua cánh đồng Hỏa Lựu và bị bắn chết ngay trên đồng. Năm đó cô hai mươi bốn tuổi. Nội tôi đã một mình lặn lội giữa đêm khuya đến nơi cô Tư hi sinh để mang xác con về. Nội tự tay chọn từng tấm ván đóng hòm, từng mảnh vải liệm cô. Rồi nội lên Cần Thơ đón hai đứa con của cô Tư, chị Lớn mới bốn tuổi, anh Nhỏ mới một tuổi về nuôi. Năm ngoái nội vừa dựng vợ, gả chồng cho hai anh chị.

Cha còn nói, cô Tư lúc đó được chôn ở một nghĩa trang vô danh ở ấp nên chưa được quy tụ về nghĩa trang liệt sĩ. Mười hai năm trời liền nội mang đơn đi khắp các nơi để xin đưa hài cốt cô Tư về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện để cô Tư khỏi tủi thân với đồng đội. Tháng tư bốn năm trước phòng thương binh huyện đã giải quyết cho nội đưa hài cốt cô về nghĩa trang liệt sĩ huyện. Nhưng khi nội đưa đoàn bốc mộ đến nơi thì hài cốt cô Tư đã được đưa về nghĩa trang rồi. Có một sự nhầm lẫn đã xảy ra, hài cốt cô Tư được an táng dưới tên của một cô huyện ủy viên hi sinh năm sáu mươi chín. Người đó là con của bà Hai Trầu. Cuộc tranh giành hài cốt con giữa hai bà mẹ diễn ra gần hai năm làm đau đầu phòng thương binh xã hội huyện và sở. Không ai biết giải quyết sao cho công bằng và ổn thỏa cho hai người mẹ mất con nay chỉ muốn chút an ủi cuối cùng là được hương khói cho con. Hôm nay là ngày giỗ của cô Tư. Nội kêu tôi lên nhà trên, bảo:

- Bữa nay con xách đồ cúng ra nghĩa trang với nội! Bà cháu mình đi thăm cô Tư.

– Dạ.

Tôi biết nội kêu tôi theo là có nguyên nhân vì hàng năm nội chỉ đi một mình.

Nội và tôi đến nghĩa trang thì thấy bà Hai Trầu đang ngồi nhổ mấy cọng cỏ quanh mộ chí. Khói hương quanh quất một cái đĩa đựng một nải chuối cơm ngon lành và bốn cái bánh bò đường thốt nốt vàng ươm. Thấy bà cháu tôi, bà Hai cười nói:

- Tôi nóng ruột quá nên ra đây trước, vừa cúng xong thì bà tới đó. Lúc này bà có khỏe không bà Tám?

- Tôi khoẻ lắm. - Nội nhìn cái đĩa đựng đồ cúng - Năm nào bà cũng cúng hai món đó, chắc con gái bà ưa lắm?

- Ừ, hồi nhỏ nó ưa lắm.

Tôi nghe giọng nói của bà Hai dường như nghèn nghẹn. Nội bảo tôi bày hoa quả ra cúng. Nội nói với bà Hai:

- Nó là cháu nội đầu của tôi. Tôi muốn cho nó biết mộ của cô nó để sau này hương khói cúng kiến.

- Vậy cũng tốt. Mình già quá rồi còn gì.

Hai bà nhìn nhau cười. Nội đến ngồi bên kia mộ. Sau khi đốt nhang cho nội cắm lên mộ xong, bà cháu tôi ngồi trên bãi cỏ chờ cho nhang tàn. Nội tin rằng khoảng thời gian đó kịp cho hồn phách cô Tư tôi về thăm viếng người thân và thưởng thức món ăn mà mình thích. Trong lúc đợi, nội bắt đầu kể cho tôi nghe tại sao mộ của cô Tư tôi lại mang tên người khác.

Nội dẫn đoàn bốc mộ của phòng thương binh xã hội đến nơi chôn cô Tư thì mộ đã được bốc đi chỉ còn lại hố huyệt sâu hoắc và vài mảnh ván hòm vương vãi. Nội khẳng định đây chắc chắn là mộ của cô Tư. Những người trong đoàn cho là nội nhầm lẫn vì đây là mộ của cô Hương huyện ủy viên đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ đang chuẩn bị an táng. Bà Hai Trầu, mẹ của cô Hương đã xác nhận và bà rất hài lòng vì con bà đã có nơi an táng xứng đáng. Sau một hồi tranh luận, nội không ngần ngại nhảy xuống hố huyệt sâu hoắc, đầy nước đó lấy lên mấy tấm ván hòm còn sót lại. Nội chỉ cho mọi người xem mỗi đầu tấm ván đều được cắt dát một miếng hình tam giác. Nội nói, bà cẩn thận đánh dấu từng tấm ván như vậy vì bà sợ sau này nhầm lẫn hài cốt con. Trong đoàn có người tin, có người không tin. Phòng thương binh xã hội đành mời bà Hai và nội đến để đối chứng với nhau. Hai bà mẹ ai cũng nhận đó là hài cốt con mình. Mộ đã xây xong, bia mộ cũng đã khắc xong chỉ còn đợi đưa hài cốt xuống an táng nhưng hai bà mẹ chẳng ai chịu nhường ai. Phòng bối rối không biết phải giải quyết sao đành nhờ Sở xuống giúp. Cũng chẳng có kết quả gì, sự việc nan giải này đã kéo dài gần hai năm. Bà Hai khăng khăng là bà cực khổ lặn lội khắp nơi mới tìm được mộ con và người địa phương ở đó cũng đã xác nhận đó là mộ cô Hương con bà. Nội tôi đưa mấy miếng ván có đánh dấu ra để làm bằng chứng đó là mộ cô Tư. Một bên có nhân chứng, một bên có vật chứng. Tội nghiệp cho hài cốt của cô phải nằm in trong kho bảo quản chờ lịnh mẹ để được về an nghỉ với đồng đội. Nội tôi đau xót lắm. Bà Hai cũng vậy, lần nào họp mặt để giải quyết bà cũng khóc ròng vì bà chỉ có cô Hương là con gái. Cuối cùng, nội tôi đưa ra một giải pháp là nếu ai chứng minh được những dấu tích còn ghi lại trên xương cốt đúng thì người đó được nhận lại con mình. Bà Hai nói: "Con tôi bị biệt kích bắn trúng tim chết ngay tại chỗ nên không có cái xương nào bị gãy". Nội tôi nói: "Con gái tôi cũng bị bắn ở ngực nhưng tôi không biết có bị gãy xương hay không."

Bộ hài cốt được mang ra kiểm chứng. Không có một cái xương ngực nào bị gãy. Bà Hai mùng rơn vì chắc chắn đây là con bà. Nội tôi im lặng hồi lâu, rồi ngồi xuống bên cái thùng đựng hài cốt đưa tay sờ từng cái xương một. Không có cái nào bị gãy mẻ. Nội ngồi lặng. Mọi người trong cuộc họp ai cũng thấy thương nội. Một bà mẹ mất con, đến bây giờ chỉ có ước muốn cuối cùng là tìm lại hài cốt con. Bỗng nội cầm cái xương chậu đưa lên nói chắc nịch:

- Đây là con tôi!

Mọi người nhìn nội thương hại. Ai cũng nghĩ là nội quá thương con nên nhận bừa. Nội nhìn thẳng cái xương khẳng định:

- Đây là con tôi!

- Bà Tám, chúng con biết bà rất thương chị Tư, nhưng mà... - Anh trưởng phòng lên tiếng an ủi nội.

- Hài cốt này là của con tôi! - Nội nhắc lại - Mọi người nhìn đi! Cái xương chậu này bị cong dẹp và lõm xuống. Chỉ có người đàn bà đã sanh nở xương chậu mới nở ra và lõm xuống như vầy. Con gái bà Hai chưa lấy chồng, con gái tôi đã hai con ai cũng biết.

- Ồ!

Cả phòng họp bỗng im lặng. Họ xúc động trước tấm lòng một người mẹ. Chỉ có người mẹ thương con mới đã bỏ ra mười mấy năm để tìm hài cốt con, chỉ có người mẹ mới hiểu dược từng máu thịt, xương cốt của con mình như vậy.

Bà Hai bật khóc:

- Còn con tôi đâu? Tôi đã tìm nó mười mấy năm rồi. Con tôi đâu? Tôi chỉ mong tìm được nắm xương của nó để có ngôi mộ mà hương khói. Tôi chỉ có một mình nó là con gái thôi mà. - Bà nức nở - Hương ơi, con ở đâu? Con ở đâu Hương ơi?

- Dì Hai, tụi con sẽ cố tìm hài cốt của chị Hương về cho dì.

Một chị phụ nữ bước lại ôm lấy bà Hai. Nước mắt của chị rơi theo từng tiếng nói. Mái đầu bạc của bà Hai không ngừng run rẩy:

- Tôi tưởng đâu con tôi lần này sẽ được mồ yên mả đẹp. Ngờ đâu lại như vậy? Mộ đã xây xong rồi, bia cũng đã khắc xong nhưng xương cốt con tôi đâu? Hương ơi, con hi sinh cho nước mẹ không tiếc đâu nhưng bây giờ đến chỗ để hương khói cho con cũng không có, mẹ đau xót quá đi!

Nhiều người trong phòng mắt đã đỏ hoe. Không ai dám lên tiếng vì biết rằng mình sẽ không giúp được gì cho bà Hai. Nội tôi cẩn thận đặt cái xương vào thùng. Nội bước lại nắm lấy tay bà Hai, chậm rãi nói:

- Bà đừng có buồn nữa! Khóc nhiều không tốt cho mắt bà đâu. Tôi là mẹ, tôi hiểu bà. Thôi thì bà cho hài cốt con tôi được nằm trong mộ của con bà, mang tên con bà. Con tôi có nơi yên nghỉ, cô Hương có nơi nhang khói. Chắc tụi nó sẽ vui lắm! Hai đứa là con chung của tôi với bà.

Hai bàn tay già nua gân guốc qua ngày tháng lao động vất vả chăm chồng nuôi con đã chai sần, móp méo xiết chặt nhau. Hai đôi mắt đục màu rưng rưng.

Nội chỉ vào ngôi mộ, nói:

- Đây là mộ hai cô của con. Sau này nội và bà Hai mất đi, con nhớ đến thăm.

Rạch Giá, ngày 16-4-1997

--------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy
Văn nghệ Trẻ, số 24/1997
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.